THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2015 tỉnh Quảng Bình 
 Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 có những thuận lợi cơ bản, kinh tế thế giới sau nhiều năm khủng hoảng, đến nay đang trên đà phục hồi, kinh tế trong nước lấy lại đà tăng trưởng, giá dầu ở mức thấp, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức ổn định… Bên cạnh đó, có một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Tỉnh: Nắng hạn kéo dài, thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn… Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách và có các giải pháp điều hành tích cực, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình; sự tham mưu tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành; sự chủ động của các địa phương nên kinh tế tiếp tục phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực: Ngành du lịch có nhiều khởi sắc, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng cao; bảo đảm được tiến độ thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là thu nội địa tăng cao so với cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực:

I. KINH TẾ

1. Nông, lâm nghiệp, thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Sản xuất vụ Hè Thu năm nay trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài gây thiếu nước ở một số nơi. Do đó, diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng giảm so năm trước. Diện tích cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện 30.218 ha, so cùng kỳ năm trước bằng 97,9%. Diện tích chia theo nhóm cây: Cây lúa 23.494,1 ha, bằng 97,6%; cây ngô và cây lương thực có hạt khác 684,1 ha, bằng 98,3%; cây lấy củ có chất bột 918,6 ha, bằng 98,2%; cây lấy sợi 3,8 ha, bằng 76,0%; cây có hạt chứa dầu 773 ha, tăng 1,8%; cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 3.409 ha, bằng 98,1%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 22,5 ha, tăng 12,5%; cây hàng năm khác 912,9 ha, bằng 99,8%.

Dự ước năng suất một số cây trồng chính vụ Hè Thu 2015:

- Cây lúa đạt 40,0 tạ, bằng 98,6% so năm trước (Trong đó: Năng suất lúa gieo cấy đạt 49,07 tạ, bằng 99,2%; năng suất lúa tái sinh đạt 26,11 tạ, bằng 96,5%).

- Ngô đạt 35,02 tạ, bằng 97,2%; khoai lang đạt 58,29 tạ, tăng 0,6%; sắn đạt 182,52 tạ, bằng 98,5%; rau các loại đạt 85,80 tạ, bằng 97,8%; đậu các loại đạt 8,43 tạ, bằng 97,4%; lạc đạt 15,41 tạ, bằng 97,3%; vừng đạt 6,82 tạ, tăng 6,8% so năm trước.

Dự ước sản lượng lương thực vụ Hè Thu đạt 96.325,4 tấn, bằng 96,2% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng thóc 93.943 tấn, bằng 96,2% so cùng kỳ.

Cây lâu năm, những tháng qua các hộ gia đình, doanh nghiệp tích cực trồng mới, chăm sóc nhằm mở rộng diện tích và khôi phục số diện tích bị hư hại sau bão số 10 năm 2013. Đối với cây cao su, diện tích được phục hồi và trồng mới từ đầu năm đến nay đạt khá. Dự ước diện tích cây lâu năm có đến cuối tháng 9 là 23.141 ha, tăng 15,9% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng mũ cao su khai thác trong tháng 9 đạt 449 tấn; 9 tháng khai thác 4.200 tấn, tăng 33,3% so cùng kỳ năm trước.

b. Chăn nuôi

Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, chủ động triển khai tiêm vắc xin nên mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm không đáng kể. Tổng đàn phát triển ổn định, chăn nuôi tập trung từng bước được mở rộng quy mô, theo đó sản lượng xuất chuồng trong 9 tháng năm nay tăng khá.

Dự ước đàn gia súc, gia cầm có đến 01/10/2015: Đàn trâu 35.370 con, tăng 1,3%; đàn bò 90.856 con, tăng 1,8%; đàn lợn 362.490 con, tăng 1,1%; đàn gia cầm 2.740 ngàn con, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đạt 44.726 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 3,9%: Cụ thể: Thịt trâu 1.217 tấn, tăng 1,8%; thịt bò 4.486 tấn, tăng 2,4%; thịt lợn 32.701 tấn, tăng 4,0%; thịt gia cầm 6.322 tấn, tăng tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước. 

Trong thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, giá bán sản phẩm thấp. Nhiều trang trại, hộ sản xuất chăn nuôi có sản phẩm đến kỳ xuất chuồng nhưng khó tiêu thụ. Nguyên nhân do sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có giá rẻ đang tác động đến thị trường nội địa.

1.2. Lâm nghiệp

Khai thác gỗ, củi từ rừng trồng có xu hướng giảm mạnh. Dự ước 9 tháng, sản lượng gỗ khai thác đạt 111.780 m3, bằng 71,1% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác 153.700 ste, bằng 86,9% so cùng kỳ năm trước. Khả năng sản lượng gỗ năm nay khai thác không đạt kế hoạch và thấp hơn nhiều so năm trước.

Dự ước 9 tháng diện tích rừng trồng mới tập trung 270,3 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 12,2% (trồng từ đầu năm); diện tích rừng trồng được chăm sóc 14.740 ha, so cùng kỳ năm trước bằng 98,3%; cây lâm nghiệp trồng phân tán 2.316 ngàn cây, so cùng kỳ năm trước tăng 6,4%.

Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành thực sự quan tâm. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên hiện tượng cháy rừng xẩy ra nhiều vụ, chủ yếu là rừng trồng ở các địa phương có cây dễ cháy. Nạn khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn được hạn chế đáng kể.

1.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản có bước phát triển khá về cả quy mô và chất lượng. Nuôi trồng thủy sản tăng về diện tích và sản lượng, đặc biệt nuôi cá - lúa kết hợp; nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao; nuôi cá lồng bè được khôi phục trở lại. Khai thác thủy sản đã có sự phát triển đồng bộ, năng lực đánh bắt tăng nhanh, nhất là tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, nhiều mô hình đánh bắt xa bờ được hình thành, hoạt động đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả hơn.  

Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 5.020,6 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 1%. Số lồng bè nuôi hiện có 1.262 lồng, so cùng kỳ năm trước tăng 5,1%.

Số tàu, thuyền có động cơ khai thác hải sản (biển) hiện có 4.010 chiếc, bằng 98,6%, công suất hiện có đạt 404.380 CV, tăng 17,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tàu công suất trên 90 CV có 1.142 chiếc, tăng 11,7%; công suất đạt 353.097 CV, tăng 28,5% so cùng kỳ năm trước (chủ yếu hoạt động xa bờ). Số tàu, thuyền giảm, nhưng công suất tăng do ngư dân bán những tàu, thuyền có công suất nhỏ để đầu tư nâng cấp hoặc đóng mới tàu cá có công suất lớn hơn và trang bị các thiết bị hiện đại để khai thác thủy sản xa bờ.

Nhờ năng lực của ngành thủy sản tăng nên sản lượng thực hiện trong 9 tháng đạt khá so cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 9 thực hiện 5.803,6 tấn, 9 tháng thực hiện 54.202 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 7,8%. Trong đó: Cá các loại 41.424 tấn, tăng 8,9%; tôm các loại 5.135 tấn, tăng 0,7%; thủy sản khác 7.643 tấn, tăng 7,2%. 

a. Nuôi trồng

Nuôi trồng thuỷ sản được đa dạng hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế. Nuôi nước lợ, nuôi lồng bè phát triển trở lại, nuôi cá kết hợp lúa được mở rộng. Công tác dự báo, phòng trừ dịch bệnh được tăng cường nên ít xẩy ra dịch nguy hiểm trong nuôi trồng thủy sản thâm canh.

Dự ước sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 9 thu hoạch 1.590,6 tấn; 9 tháng thu hoạch 9.319 tấn, tăng 6,5%. Trong đó: Cá các loại 4.714 tấn, tăng 12,7%; tôm các loại 4.315 tấn, tăng 0,6%; thuỷ sản khác 290 tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có sản lượng nuôi trồng tăng là Lệ Thủy tăng 10,7%, Quảng Ninh tăng 7,7%, Bố Trạch tăng 6%, Ba Đồn tăng 7,9%; các địa phương  khác tăng không đáng kể.

b. Khai thác

Dự ước sản lượng thủy sản tháng 9 khai thác 4.213 tấn; 9 tháng khai thác 44.483 tấn, tăng 8,1%. Trong đó: Cá các loại 36.710 tấn, tăng 8,5%; tôm các loại 820 tấn, tăng 1,4%; thuỷ sản khác 7.353 tấn, tăng 7,2%; riêng khai thác biển đạt 43.109 tấn, tăng 8,5%.

Hầu hết sản lượng khai thác của các địa phương đều tăng: Thành phố Đồng Hới tăng 9,1%, thị xã Ba Đồn tăng 8,7%, huyện Minh Hoá tăng 0,7%, huyện Tuyên Hoá tăng 2,9%, huyện Quảng Trạch tăng 8,9%, huyện Bố Trạch tăng 7,7%; huyện Quảng Ninh tăng 7,6%, huyện Lệ Thủy tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước.

1.4. Tình hình trang trại

Trang trại ở một số địa phương có xu hướng phát triển khá. Trong đó, loại hình trang trại chăn nuôi và sản xuất tổng hợp tăng nhanh hơn. Tại thời điểm 01/7/2015, toàn tỉnh có 651 trang trại, so cùng kỳ năm trước tăng 24 trang trại. Chia ra: Trồng trọt có 282 trang trại, giảm 1 trang trại; chăn nuôi có 114 trang trại, tăng 18 trang trại; lâm nghiệp có 14 trang trại, bằng năm trước; nuôi trồng thủy sản có 50 trang  trại, giảm 5 trang trại; 191 trang trại tổng hợp, tăng 12 trang trại so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số lượng trang trại tăng là Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Ba Đồn; các địa phương khác ổn định số lượng hoặc giảm không đáng kể.

2. Công nghiệp

* Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2015 ước tính tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 17,6% so với tháng 9 năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 3,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt… tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 48,4%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 14,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 8,6%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,0%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,7% (Chỉ số sản xuất của ngành chế biến thực phẩm tháng 9/2015 tăng cao so với tháng trước do các nhà máy sản xuất tinh bột sắn bắt đầu vào mùa vụ sản xuất); ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 3,6%; ngành sản xuất đồ uống tăng 1,9%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,6%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,3%; ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 0,8%.

Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu ngành công nghiệp dự ước đến cuối tháng 9 năm 2015 như sau: Đá xây dựng đạt 2,2 triệu m3, tăng 3,6%; mực đông lạnh đạt 824 tấn, giảm 8,4%; tinh bột sắn đạt 8.032 tấn, tăng 6,8%; bia đóng chai đạt 14,5 triệu lít, tăng 1,7%; gạch lát nền đạt 4,6 triệu viên, giảm 4,2%; gạch xây bằng đất nung đạt 165,4 triệu viên, tăng 8,7%; clinker thành phẩm đạt 2,0 triệu tấn, tăng 19,8%; xi măng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 10,8%; điện thương phẩm đạt 541 triệu Kwh, tăng 5,0%; nước máy đạt 5,6 triệu m3, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước…

* Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 9 tháng năm 2015 ước đạt 7.056,1 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 507,9 tỷ đồng, tăng 8,1%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 6.544,6 tỷ đồng, tăng 9,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 5,5%.

Chia theo ngành kinh tế: Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 ngành khai khoáng ước đạt 271,6 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 6.536,9 tỷ đồng, tăng 10,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… ước đạt 191,2 tỷ đồng, tăng 5,3%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 56,4 tỷ đồng, tăng 4,9%.

3. Vốn đầu tư

Trong những tháng qua, tình hình thời tiết thuận lợi nên các đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Khối lượng vốn thực hiện chín tháng vừa qua chủ yếu là các công trình chuyển tiếp từ những năm trước và những công trình mới đã phân bổ vốn năm 2015 triển khai thi công.

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng chín năm 2015 ước thực hiện 389,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước thực hiện 140,3 tỷ đồng; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước thực hiện 249,2 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng năm 2015, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 2.750,2 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn Nhà nước trung ương quản lý ước thực hiện 1.110,6 tỷ đồng; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước thực hiện 1.639,6 tỷ đồng. Trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 232,5 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện 116,9 tỷ đồng; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.706,7 tỷ đồng; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 128,8 tỷ đồng; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 138 tỷ đồng; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 168,4 tỷ đồng…

Trong những tháng qua, vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện cho các công trình đê, kè, công trình giao thông, trụ sở các cơ quan… Khối lượng vốn đầu tư thực hiện từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2015 của một số công trình như sau: Cầu Nhật Lệ 2 thực hiện 65 tỷ đồng; Dự án mở rộng Quốc lộ 1A (Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư) thực hiện 800 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp Đường 565 (Đường 16 cũ) thực hiện 55 tỷ đồng; đường Mai Thuỷ - An Thuỷ thực hiện 8,2 tỷ đồng….

Trong thời gian qua, công tác quản lý vốn XDCB được thực hiện nghiêm túc; giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng quy định; các công trình dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển, kinh tế và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, đời sống nhân dân. Tuy nhiên, công tác giải ngân nguồn vốn XDCB còn chậm so với kế hoạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chậm trễ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án; công tác thẩm định của một số dự án còn chậm. Do vậy, các cấp, các ngành cần chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án bảo đảm giải ngân đúng tiến độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

  4. Thương mại, dịch vụ

 

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2015 ước đạt 1.310,4 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 7,6% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2015, tổng mức ước đạt 11.488,1 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7%.

Theo thành phần kinh tế, doanh thu tháng 9 của hầu hết các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ, riêng kinh tế nhà nước đạt thấp, cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa kinh tế nhà nước tháng 9 ước đạt 87,9 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và giảm 20,3% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 749,7 tỷ đồng, giảm 30,2% so cùng kỳ; kinh tế tập thể tháng 9 ước đạt 1,9 tỷ đồng, tăng 3,5% so tháng trước và tăng 26,8% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 10,8% so cùng kỳ; kinh tế cá thể tháng 9 ước đạt 772 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 13,9% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 6.704,1 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ; kinh tế tư nhân tháng 9 ước đạt 448,6 tỷ đồng, giảm 0,5% so tháng trước và tăng 4,8% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 4.019,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ.

Theo nhóm ngành hàng, so với tháng trước, ngoại trừ nhóm gỗ và vật liệu xây dựng giảm, tất cả các nhóm hàng bán lẻ còn lại đều tăng khá. Tính chung 9 tháng, so cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao nhất là nhóm ô tô các loại tăng 29%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 20,3%; hàng may mặc tăng 16,4%; có 2 nhóm giảm đó là nhóm xăng, dầu các loại giảm 11,1%; nhóm nhiên liệu khác giảm 10,6%.

b. Khách sạn, nhà hàng, du lịch

Với tiềm năng về phát triển du lịch, trong thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch với nhiều chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Một trong những hoạt động lớn nhất trong năm 2015, đó là Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2015. Đây là hoạt động rất quan trọng góp phần tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, du lịch; đặc biệt các giá trị đặc sắc và độc đáo của hệ thống hang động ở Quảng Bình, nhằm thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế đến Quảng Bình.

Nhờ làm tốt công tác quảng bá, đưa thêm nhiều hình thức du lịch vào khai thác, chất lượng phục vụ được cải thiện… nên ngành du lịch tiếp tục phát triển khá.

   Doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch tháng 9 ước đạt 165,9 tỷ đồng, bằng 89,7% so tháng trước, tăng 21,2% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn ước đạt 15,2 tỷ đồng, bằng 88,5% so với tháng trước, tăng 12,5% so với cùng kỳ; doanh thu nhà hàng ước đạt 131,0 tỷ đồng, bằng 92,7% so tháng trước, tăng 15,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19,7 tỷ đồng, bằng 74,1% so tháng trước, tăng 98,6% so cùng kỳ năm trước.

   Dự ước 9 tháng doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch đạt 1.507,6 tỷ đồng, tăng 20,3% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn ước đạt 130,4 tỷ đồng, tăng 6,4%; doanh thu nhà hàng ước đạt 1.208,5 tỷ đồng, tăng 15,7%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 168,7 tỷ đồng, tăng 95,6% so cùng kỳ năm trước (Nguyên nhân tăng cao do việc tăng giá vé tại các điểm du lịch trên địa bàn; ngoài ra năm nay các tour khai thác hang Sơn Đoòng, Tú Làn thu hút được nhiều khách hơn).

   Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 9 đạt 216,6 ngàn lượt khách, giảm 7,5% so tháng trước và tăng 30,7% so cùng kỳ năm 2015. Ước 9 tháng, số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2.435,3 ngàn lượt khách, tăng 4,6% so cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế tháng 9 ước đạt 2,9 ngàn lượt khách, giảm 22,8% so tháng trước và tăng 9,5% so cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 40,6 ngàn lượt khách, tăng 12,8% so cùng kỳ.

   Riêng du lịch lữ hành: Tháng 9 lượt khách du lịch lữ hành giảm đáng kể so với các tháng trước do bước đã hết mùa du lịch. Tháng 9 hang Sơn Đoòng cũng bắt đầu dừng khai thác cho đến tháng 2 năm sau. Dự ước tháng 9 khách du lịch lữ hành đạt 76,1 ngàn lượt khách, giảm 22% so với tháng trước, tăng 7,7 so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 647,8 ngàn lượt khách, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, 9 tháng năm 2015 lượt khách lữ hành tăng thấp hơn so với những năm gần đây, do khách đến những điểm du lịch như động Phong Nha, Thiên Đường, Tiên Sơn tăng chậm lại. Do đó, hiện nay Quảng Bình chú trọng phát triển du lịch với nhiều loại hình kết hợp, trong đó tập trung vào những tour du lịch sinh thái chất lượng, khách ít nhưng mang lại doanh thu cao hơn.

c. Hoạt động dịch vụ

Nhìn chung, trong 9 tháng đa số các nhóm ngành hàng đều doanh thu tăng khá so với cùng kỳ, riêng doanh thu của nhóm ngành hàng dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình giảm so với cùng kỳ. Cụ thể doanh thu 9 tháng của các nhóm ngành hàng:

Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 44,4 tỷ đồng, tăng 7,1%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 93,9 tỷ đồng, tăng 6%; nhóm giáo dục và đào tạo ước đạt 19,1 tỷ đồng, tăng 11,3%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 6,8 tỷ đồng, tăng 33,2%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 176,3 tỷ đồng, tăng 17,9%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình ước đạt 52,9 tỷ đồng, giảm 18,2% (nguyên nhân do xu hướng công nghệ nên người tiêu dùng có xu hướng thay mới thay vì sửa chữa); nhóm dịch vụ khác ước đạt 137 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

d. Xuất, nhập khẩu

- Xuất khẩu

Chín tháng năm 2015, tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng. Giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhất là mặt hàng cao su. Dự ước tháng 9 kinh ngạch xuất khẩu đạt 10,6 triệu USD, tính chung 9 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 78,1 triệu USD, bằng 78,2% so cùng kỳ và đạt 52% kế hoạch năm.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 77 triệu USD, chiếm 98,62%; còn lại 1,38% là của khu vực kinh tế Nhà nước. Xét về hình thức xuất khẩu, xuất trực tiếp đạt 55,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 70,67%, xuất uỷ thác chiếm 29,33%; xét về nhóm ngành hàng thì hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,27%, tiếp đến là hàng nông sản chiếm 31,41%, hàng lâm sản chiếm 27,60%, còn lại là của các nhóm hàng khác.

Cụ thể các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như sau:

- Cao su: Sản lượng xuất khẩu cao su tháng 9 ước đạt 2,3 ngàn tấn. Tính chung 9 tháng đạt 13,3 ngàn tấn, bằng 55,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu giảm nên giá trị 9 tháng đạt 22,1 triệu USD, bằng 50,3% so cùng kỳ (giá bình quân 9 tháng giảm 9,6%);

- Thuỷ sản: Dự ước tháng 9 xuất 42 tấn; 9 tháng xuất 194,8 tấn, bằng 86,4% so cùng kỳ; giá trị 9 tháng đạt 0,9 triệu USD, bằng 56,7% so với cùng kỳ;

- Dăm gỗ: Dự ước tháng 9 xuất 20,8 ngàn tấn; 9 tháng xuất 135,9 ngàn tấn, bằng 84,6% so cùng kỳ; giá trị 9 tháng đạt 19 triệu USD, bằng 92,6% so với cùng kỳ;

- Gỗ: Mặt hàng này chủ yếu là tạm nhập tái xuất từ Lào qua Trung Quốc, do nguồn hàng nhập khẩu cũng như thị trường đầu ra ngày càng khó khăn nên sản lượng xuất đạt thấp so cùng kỳ. Dự ước tháng 9 xuất 2,4 ngàn m3; 9 tháng xuất 14 ngàn m3, bằng 74,9% so cùng kỳ; giá trị 9 tháng đạt 20,3 triệu USD, bằng 91,2% so với cùng kỳ;

- Phân bón: Dự ước tháng 9 xuất 1000 tấn; dự ước 9 tháng xuất 9.523,5 tấn, bằng 77,9% so cùng kỳ; giá trị 9 tháng đạt 9,9 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ;

- Nhựa thông: Dự ước tháng 9 xuất 45 tấn; dự ước 9 tháng xuất 625 tấn, tăng 22,6% so cùng kỳ; giá trị 9 tháng đạt 1,1 triệu USD, bằng 96,9% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã mở rộng quan hệ ngoại thương với 13 nước (năm trước là 15 nước). Trong đó, Trung Quốc là thị trường số 1 với thị phần 75,1%, Hồng Kông 9,7%, các nước còn lại chỉ chiếm 15,2% và không có nước nào vượt quá thị phần 5%.

Nhìn chung trong hoạt động xuất khẩu trong 9 tháng năm 2015 đang gặp nhiều khó khăn Đại đa số các mặt hàng đều sút giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là những mặt hàng quan trọng như cao su, giảm 44,3%, gỗ các loại giảm 25,1%, dăm gỗ giảm 15,4%. Nguyên nhân chính là do thị trường đầu ra khó khăn (nhất là thị trường Trung Quốc), giá cả giảm mạnh, sản xuất, chế biến các mặt hàng xuất khẩu của các cơ sở trong tỉnh còn yếu, các doanh nghiệp chưa nhạy bén, năng động trong việc khai thác nguồn hàng xuất khẩu…

Nhập khẩu

  Dự ước tháng 9 kim ngạch nhập khẩu đạt 14,1 triệu USD; 9 tháng đạt 85,7 triệu USD, tăng 1,4% so cùng kỳ và vượt 78,6% so kế hoạch năm. Trong đó, 100% là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đều là nhập khẩu trực tiếp. Xét về công dụng và tính chất hàng hóa nhập khẩu, tất cả hàng nhập là tư liệu sản xuất và chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất.

Mặt hàng nhập khẩu còn rất đơn điệu, riêng 3 mặt hàng xăng dầu, gỗ và trâu bò sống chiếm 96,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả tỉnh. Còn lại các mặt hàng khác chỉ chiếm 3,3%. Ngoài ra còn có một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất trong tỉnh như nguyên vật liệu chế biến gốm sứ, tân dược với giá trị không lớn. Cụ thể các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như sau:

- Xăng, dầu: Dự ước tháng 9 nhập 12 ngàn tấn; 9 tháng nhập 89,5 ngàn tấn, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ;

- Gỗ các loại: Dự ước tháng 9 nhập 3,4 ngàn m3; 9 tháng nhập 17,8 ngàn m3, bằng 52,6% so cùng kỳ;

- Trâu, bò sống: Dự ước tháng 9 nhập 3 ngàn con; 9 tháng nhập 41 ngàn con, bằng 62,1% so cùng kỳ.

Về thị trường nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, các đơn vị nhập khẩu trong tỉnh đã có quan hệ ngoại thương với 10 nước, vùng lãnh thổ (tăng 3 nước so năm trước), trong đó có 8 nước thuộc khu vực châu Á, 1 nước châu Âu, 1 nước châu Mỹ. Trong đó, Singapore chiếm thị phần lớn nhất với 57,51% (nhập xăng dầu), tiếp đến là Lào chiếm 21,38% (nhập gỗ), Thái Lan chiếm 9,35%, còn lại là của các nước khác.

e. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải từ đầu năm đến nay phát triển khá nhanh nhờ các dự án, công trình giao thông được triển khai đồng bộ. Mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng được nâng cấp, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển tạo thuận lợi đi lại cho nhân dân. Hệ thống giao thông trên địa bàn phát triển nhanh chóng được nối liên hoàn giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông địa phương với tuyến đường xuyên Á, bến cảng, sân bay, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế của tỉnh và nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó số lượng, chất lượng của phương tiện vận tải được nâng lên đáng kể. Từ đầu năm đến nay, mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh nhiều lần, nhưng biến động không lớn, giá xăng dầu đang ở mức thấp nên tạo điều kiện cho ngành vận tải phải triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tháng 9 năm 2015 ước đạt 200,9 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước, ước 9 tháng đạt 1.799,9 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu vận tải đường bộ 9 tháng ước đạt 1.740,1 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ; doanh thu vận tải đường thủy ước đạt 44,3 tỷ đồng, giảm 2% so cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 15,4 tỷ đồng, giảm 30% so cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2015 ước đạt 1,6 triệu hành khách, tăng 2,6% so tháng trước; ước 9 tháng đạt 14,2 triệu hành khách, tăng 6,3% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 9 ước đạt 72,3 triệu hk.km, tăng 0,8% so tháng trước; ước 9 tháng đạt 650,9 triệu hk.km, tăng 7,4% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 9 ước đạt 1,6 triệu tấn, tăng 1,1% so tháng trước; ước 9 tháng đạt 14,2 triệu tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 9 ước đạt 79,7 triệu tấn.km, tăng 0,9% so tháng trước; ước 9 tháng đạt 716,4 triệu tấn.km, tăng 7,5% so cùng kỳ.

II. XÃ HỘI

1. Giáo dục - đào tạo

a. Giáo dục

- Giáo dục mầm non

Đã duy trì, củng cố vững chắc trường, lớp hiện có, quan tâm huy động trẻ ở các bản thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng đáng kể so với năm học trước. Các trường và cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc tai nạn thương tích xảy ra; 100% trẻ được theo dõi sức khoẻ bằng biểu đồ phát triển (cân nặng và chiều cao), được khám sức khoẻ định kỳ. Đến nay toàn tỉnh đã có 54 trường mầm non (chiếm 30,16%) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, tăng 3 trường so với năm học trước.

- Giáo dục phổ thông

Cấp tiểu học: Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện Chuẩn kiến thức - kỹ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình các môn học; điều chỉnh nội dung dạy học đối với giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai kiểm tra, đánh giá và tổng kết các hoạt động đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả xếp loại Hạnh kiểm có 99,19% học sinh đạt yêu cầu, 0,12% chưa đạt yêu cầu và 0,69% không xếp loại. Kết quả xếp loại học lực: môn Toán: tỷ lệ học sinh hoàn thành 98,24%, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành 1,07% và 0,69% học sinh không xếp loại; Môn Tiếng Việt: tỷ lệ học sinh hoàn thành 98,79%, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành 0,52% và tỷ lệ học sinh không xếp loại 0,69%. Số học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học toàn tỉnh 13.714/13.724 học sinh tham dự xét, đạt tỷ lệ 99,93%.

Cấp trung học cơ sở: Kết quả xếp loại 2 mặt cấp trung học cơ sở, về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 73,91%, khá 22,96%, loại trung bình 2,94%, không xếp loại 0,19%. Về học lực xếp loại giỏi 15,9%; loại khá 39,22%, loại trung bình 41,72%, loại yếu 2,94%, loại kém 0,02%, không xếp loại 0,2%. Số học sinh được công nhận tốt nghiệp cấp trung học cơ sở toàn tỉnh 10.901/11.055 học sinh tham dự xét, đạt tỷ lệ 98,61%.

Cấp trung học phổ thông: Kết quả xếp loại về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 74,10%, khá chiếm 21,03%; loại trung bình 4,30%, loại yếu 0,57%. Về học lực xếp loại giỏi 8,59%; loại khá 48,98%, loại trung bình 38,22%, loại yếu 4,21%. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp khối trung học phổ thông có 10.420 học sinh thực tế dự thi, trong đó số học sinh thi đổ tốt nghiệp 9.764 em, tỷ lệ đổ tốt nghiệp 93,70%. Khối Bổ túc trung học phổ thông có 268 học sinh thực tế dự thi, trong đó số học sinh thi đổ tốt nghiệp 215 em, tỷ lệ đổ tốt nghiệp 80,22%.

- Công tác chuẩn bị và khai giảng năm học 2015 - 2016

Bước vào năm 2015 - 2016, để đảm bảo thực hiện tốt công tác dạy và học ở địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã nỗ lực triển khai, phối hợp đồng bộ với các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. Sau khi kết thúc năm học 2014 - 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn phối hợp với các trường tiến hành rà soát lại để kịp thời sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy học của nhà trường trong năm học mới. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hoá trường lớp học, xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm trang thiết bị dạy học tiếp tục được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục quan tâm; trang thiết bị phục vụ dạy và học, thư viện các trường học đã được cải thiện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Số phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị kiên cố đạt tỷ lệ cao.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo giai đoạn mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong dịp hè. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực tư duy và phẩm chất của học sinh. 

Sáng ngày 5/9/2015, các trường học trong toàn tỉnh Quảng Bình từ cấp học mầm non đến cấp phổ thông đã tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới.

- Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ

Về phổ cập giáo dục tiểu học: Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học 2014 - 2015 đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1, mức độ 2 trở lên. Trong đó, có 102/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đạt tỷ lệ 64,2%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên (đạt tỷ lệ 100%). Trong đó, có 2/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 25%). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.

Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Kết thúc năm học 2014 - 2015 đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, có 141/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 88,7 %); có 39/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 (tỷ lệ 24,5%). Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, có 3/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 37,5 %). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Về xóa mù chữ: Đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, có 153/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (đạt tỷ lệ 96,2 %). Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100 %); trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 154/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi từ tháng 10/2014 (vượt kế hoạch trước 01 năm).

b. Đào tạo

Năm học 2015 - 2016, Trường Đại học Quảng Bình và các trường trung học chuyên nghiệp mở thêm một số ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề của xã hội. Các trường trung cấp chuyên nghiệp đã công bố chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo, tích cực đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp dạy học để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp; đa dạng hoá các ngành nghề, hình thức và các hệ đào tạo; thực hiện phân luồng học sinh vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Hiện tại, các trường trung cấp chuyên nghiệp đang thông báo tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội; tập trung đào tạo theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Năm học 2015 - 2016, Trường Đại học Quảng Bình tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu; trong đó: 1.200 chỉ tiêu đại học và 800 chỉ tiêu cao đẳng. Từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 8 năm 2015, Trường Đại học Quảng Bình đã tiến hành thu nhận hồ sơ xét tuyển đại học và cao đẳng căn cứ kết quả thi của thí sinh tại kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2015. Sơ bộ kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 của Trường Đại học Quảng Bình trong đợt 1 hệ đại học đã tuyển sinh được 791/1.200 chỉ tiêu, đạt 65,92%, điểm trúng tuyển của một số ngành hệ đại học năm nay cao hơn năm trước; hệ cao đẳng đã tuyển sinh được 346/800 chỉ tiêu, đạt 43,25%. Nhìn chung điểm sàn của các ngành cao đẳng đều ngang điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

2. Công tác y tế

- Y tế cơ sở

Chín tháng năm 2015, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo tốt hoạt động của trạm Y tế và mạng lưới nhân viên y tế thôn bản; Sở Y tế đã tăng cường chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và thực hiện các chương trình y tế cộng đồng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân, đình chỉ các hoạt động vượt quá phạm vi kinh doanh của các phòng khám tư nhân. Thẩm định hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề y, dược và cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Y tế đã tổ chức lễ ký kết với 8 bệnh viện trực thuộc Sở về triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc; 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Về hoạt động, nhìn chung các trạm y tế đã tuân thủ thực hiện các chế độ chuyên môn theo quy định trong khám chữa bệnh; triển khai có hiệu quả các chương trình y tế tại cộng đồng; đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được quản lý và phát huy hiệu quả công tác, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đạt cao.

- Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá. Các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh nguy hiểm năm 2015. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/8/2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 8 trường hợp sốt xuất huyết.

Dịch Tay - chân - miệng từ đầu năm đến ngày 30/8/2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 44 trường hợp. Các loại dịch bệnh khác như: Tả, Thương hàn, Sởi, Viêm màng não do NMC, Viêm não vi rút, Cúm A (H5N1) chưa xảy ra trên các địa bàn của tỉnh. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

- Công tác phòng chống sốt rét

Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết, đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Tổ chức giám sát kịp thời tình hình sốt rét gia tăng và diễn biến phức tạp tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa) với 27 ca, tập trung chủ yếu ở bản Lòm. Chỉ đạo Trung tâm Phòng chống sốt rét - Nội tiết phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế huyện Minh Hóa tiến hành điều tra xử lý ổ bệnh sốt rét. Đến nay các ca bệnh đã ổn định, hết sốt, soi lam ký sinh trùng sốt rét âm tính. Triển khai phun hóa chất cho 123 hộ dân và tẩm màn bổ sung 56 cái tại 3 bản (bàn Lòm, bản Dộ, bản Tà Vơng) thuộc xã Trọng Hóa.

- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 8 huyện, thị xã, thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Đến nay, toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

- Các hoạt động văn hóa

Đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: kỷ niệm 85 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2), đón tết Nguyên đán Ất Mùi, kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9...

  Phong trào văn nghệ quần chúng chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các ngày Lễ kỷ niệm phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Tổ chức biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Trong đó nổi bật là Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2015, điểm nhấn là lễ đón nhận Bằng di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 và chương trình nghệ thuật Quảng Bình - vương quốc hang động được tổ chức vào tối 14/8 tại Quảng trường trung tâm thành phố Đồng Hới, nhân sự kiện này tỉnh đã tổ chức bắn pháo hoa chào mừng tại điểm cầu Nhật Lệ thành phố Đồng Hới; Lễ hội đua thuyền chào mừng 70 năm Tết Độc Lập tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy… Nhìn chung, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn, tạo hiệu ứng xã hội, cổ vũ tinh thần lao động sản xuất của nhân dân, đồng thời tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, du lịch Quảng Bình với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế nhằm thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và được tiến hành thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc Ngành, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hoá xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh, các tổ chức hoạt động thể dục thể thao, các đơn vị hoạt động du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 143 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, câu lạc bộ thể dục thể thao, lữ hành và lưu trú trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn đã xử lý vi phạm hành chính và phạt tiền 56,5 triệu đồng đối với 14 cơ sở; thu hồi giấy phép hoạt động của 5 cơ sở; đình chỉ hoạt động đối với 9 cơ sở, tịch thu trên 200 DVD, CD, sách các loại không tem nhãn và cấm lưu hành.

- Hoạt động thể dục, thể thao

Thể thao quần chúng

Chín tháng đầu năm 2015, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’’ có bước phát triển mới về chất lượng, đưa tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên tăng hàng năm, các địa phương đã có nhiều cố gắng để đưa các điểm tập, cơ sở vật chất, sân bải vào hoạt động. Các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, nhất là các môn thể thao truyền thống mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các Lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh. Đầu tháng 9 năm 2015, phong trào thể dục thể thao trên các địa bàn của tỉnh diễn ra khá sôi nổi, các môn thể thao truyền thống như Đua thuyền truyền thống, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông... đã được các địa phương chú trọng tổ chức, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp kỷ niệm 70 năm Tết Độc lập.

Thể thao thành tích cao

Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình ngày càng có những bước tiến vững chắc trên đấu trường toàn quốc và quốc tế. Trong tháng 8/2015, các vận động viên khuyết tật của tỉnh tham gia thi đấu tại giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2015 được tổ chức ở tỉnh Đồng Nai, toàn đoàn đã đạt được 12 huy chương các loại (2 HCV; 6HCB; 4 HCĐ) xếp thứ 12/31 đoàn tham gia thi đấu tại giải.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, các đoàn thể thao Quảng Bình đã tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc đoạt được 153 HC các loại (51 HCV, 46 HCB, 56 HCĐ).

4. Tình hình an toàn giao thông và trật tự

- An toàn giao thông

 Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 8 năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, tăng 1 vụ so với tháng 8 năm 2014, trong đó đường bộ 21 vụ, tăng 1 vụ; đường sắt, đường thuỷ không xảy tai nạn. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, giảm 1 người so với tháng 8 năm 2014, trong đó đường bộ chết 7 người, giảm 1 người; đường sắt, đường thuỷ không xảy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 20 người, giảm 52 người so với tháng 8 năm 2014, trong đó đường bộ bị thương 20 người, giảm 52 người so cùng kỳ năm 2014.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 179 vụ tai nạn giao thông, giảm 52 vụ so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ 171 vụ, giảm 58 vụ; đường sắt 8 vụ, tăng 6 vụ; đường thuỷ không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 84 người, giảm 9 người so với cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ chết 79 người, giảm 12 người, đường sắt chết 5 người, tăng 3 người. Số người bị thương do tai nạn giao thông 176 người, giảm 83 người so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ bị thương 174 người, giảm 85 người, đường sắt bị thương 2 người, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2014.

- An toàn xã hội và pháp luật

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 8 năm 2015 phạm pháp kinh tế xảy ra 1 vụ với 6 đối tượng phạm tội, so với tháng 8 năm 2014 số vụ tăng 1 vụ, đối tượng phạm tội tăng 6 người. Phạm pháp hình sự 34 vụ với 42 đối tượng phạm tội, so với tháng 8 năm 2014 số vụ giảm 30 vụ, đối tượng phạm tội giảm 49 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 3 vụ với 6 đối tượng vi phạm, so tháng 8 năm 2014 số vụ giảm 5 vụ và đối tượng vi phạm giảm 3 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 2 vụ với 2 đối tượng vi phạm, so tháng 8 năm 2014 số vụ bằng cùng kỳ và đối tượng vi phạm giảm 3 người.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2015, phạm pháp kinh tế xảy ra 3 vụ với 11 đối tượng vi phạm, so với cùng kỳ năm 2014 số vụ giảm 1 vụ đối tượng vi phạm tăng 1 người. Phạm pháp hình sự xảy ra 359 vụ với 498 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2014 số vụ giảm 130 vụ, đối tượng phạm tội giảm 126 người; Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy bị phát hiện 42 vụ với 62 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014 số vụ tăng 2 vụ, đối tượng vi phạm giảm 9 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 28 vụ với 41 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng 4 vụ và đối tượng vi phạm giảm 5 người.

 Khái quát lại, kinh tế - xã hội 9 tháng 2015 tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số kết quả nhất định: Kinh tế phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, lãi suất tiếp tục giảm, khó khăn của các doanh nghiệp đang được quan tâm tháo gỡ, du lịch phát triển khá, hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy manh... Tuy nhiên, kinh tế của Tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn: Ngành công nghiệp do năng lực mới tăng không đáng kể nên tăng trưởng thấp, chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất công nghiệp; đầu ra cho sản phẩm nông sản chưa giải quyết tốt nên tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn; công tác dịch vụ cho sản xuất ở một số khâu chưa chủ động, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu vùng xa nguồn nước nên sản xuất trồng trọt gặp khó khăn khi thời tiết nắng nóng dài ngày; xuất khẩu đạt thấp so với cùng kỳ, do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; lượng khách du lịch tăng khá nhưng chất lượng của các cơ sở lưu trú, tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch chưa cao, nhiều cơ sở lưu trú tăng giá phòng cao so với giá niêm yết... Để tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, những tháng cuối năm, các ngành, các cấp và các địa phương cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau đây:

 Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Thực hiện điều chỉnh lãi suất phù hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tập trung huy động nguồn vốn để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đi đôi với đổi mới cơ chế, tăng cường công công tác kiểm tra, giám sát hoạt đọng của các chi nhánh ngân hàng thương mại.

Hai, có chính sách, giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản; đẩy mạnh hoạt động đánh bắt vùng biển xa bờ, thực hiện hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt... theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển nuôi trồng thủy sản; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy hải sản; tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão và các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có lụt bão xảy ra.

Ba là, tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, các dư án mới đầu tư sản xuất ổn định; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp; chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai các dự án đã đăng ký và cấp giấy chứng nhận đầu tư; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, tiếp tục kiểm tra việc niêm yết giá ở các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh việc nâng giá tùy tiện

Bốn là, tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh theo mùa; kiểm tra công tác tiêm vắc xin, đặc biệt chú trọng vắc xin dịch vụ tại các cơ sở y tế; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các cơ sở y tế, tăng cường quản lý, kiểm soát thuốc, giá thuốc...

Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội. Quan tâm, và thực hiện tốt các chính sách đối với những đối tượng nghèo, gia đình có công. Triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho người khó khăn. Thực hiện các biện pháp giữ vững an toàn và trật tự xã hội. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tai nan giao thông./.

[Trở về]