THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2015 tỉnh Quảng Bình 
1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Triển khai sản xuất Hè Thu gặp thời tiết nắng nóng kéo dài gây hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất cây hàng năm vụ Hè Thu. Vì vậy, tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đến 15/7/2015, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện 28.132,4 ha, bằng 95,4% so cùng kỳ. Trong đó: Cây lúa thực hiện 22.904,8 ha, so cùng kỳ năm trước bằng 95,3%; cây ngô và cây lương thực có hạt khác 508,2 ha, bằng 97,0%; cây lấy củ có chất bột 705 ha, tăng 29,7%; cây lấy sợi 5 ha; cây có hạt chứa dầu 732,2 ha, bằng 88,4%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 2.789,2 ha, bằng 90,5%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 8 ha; cây hàng năm khác 480 ha, tăng 3,2% so cùng kỳ. 

Dự ước đến cuối tháng 7, diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 29.128,8 ha, bằng 95,5% so cùng kỳ. Diện tích chia theo nhóm cây: Cây lúa thực hiện 23.410,8 ha (bao gồm cả lúa vụ Mùa), so cùng kỳ năm trước bằng 95,3%. Trong đó: Lúa tái sinh 9.073 ha, bằng 94,9%. Nguyên nhân diện tích lúa Hè Thu giảm là do thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước ở các ao, hồ, đập chứa xuống thấp nên nhiều diện tích ở xa nguồn nước không triển khai gieo trồng được; cây ngô và cây lương thực có hạt khác 571,5 ha, tăng 5,1%; cây lấy củ có chất bột 761 ha, tăng 8,6%; cây lấy sợi 5 ha; cây có hạt chứa dầu 775,7 ha, bằng 87,9%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 3.037,8 ha, bằng 92,0%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 11 ha, tăng 10,0%; cây hàng năm khác 556 ha, tăng 11,0% so cùng kỳ. 

Hiện nay, các địa phương đang triển khai công tác chăm sóc lúa Hè Thu và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Một số nơi đã triển khai thu hoạch lúa Hè Thu tái sinh, dự kiến đến cuối tháng 7, cơ bản thu hoạch xong lúa tái sinh. Dự ước năng suất lúa tái sinh năm nay giảm so năm trước.

Đến ngày 9/7/2015, diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh 365 ha, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Chuột gây hại 244,5 ha, tăng 94,8%; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại 60,5 ha, bằng 72,9%; sâu cuốn lá nhỏ gây hại 10 ha, bằng 7,1%; bọ xít đen gây hại 5 ha, bằng 71,4%; bệnh đốm sọc vi khuẩn 25 ha; sâu đục thân 20 ha. Các địa phương đã chủ động triển khai kịp thời công tác phòng, chống nên mức độ thiệt hại được hạn chế.

Hiện tại, nhiều công trình thuỷ lợi có mức nước thấp, các đập dâng không chủ động được nguồn nước nên nhiều khả năng một số diện tích lúa, cây hàng năm khác ở xa nguồn nước sẽ xuất hiện tình trạng hạn cục bộ.

Cây lâu năm đang được các doanh nghiệp và các hộ gia đình tiếp tục chăm sóc, đầu tư cải tạo vườn tạp nhằm bố trí các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Đến hết tháng 7, diện tích cây lâu năm thực hiện 23.079,4 ha, tăng 19,1% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích cao su có 17.980,9 ha, tăng 26,3%; diện tích cây hồ tiêu 797,6 ha, bằng 98,2%; các loại cây ăn quả 3.307,6 ha, bằng 99,6%. Sản lượng mủ cao su khai thác tháng 7 đạt 350 tấn, 7 tháng 3.321 tấn, tăng 11,1% so cùng kỳ.

b. Chăn nuôi

Đàn giá súc, gia cầm phát triển ổn định, các địa phương tiếp tục đầu tư để để mở rộng tổng đàn. Theo đó, đàn trâu và đàn bò phát triển khá, đàn lợn và đàn gia cầm phát triển chậm hơn. Xu hướng chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại phát triển khá, chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình thu hẹp nên hệ số xuất chuồng của lợn và gia cầm tăng khá so năm trước.

Từ đầu năm đến nay dịch bệnh gia súc, gia cầm được khống chế có hiệu quả, chỉ xẩy ra một số bệnh thông thường trên phạm vi hẹp. Kết quả tiêm phòng đợt I năm 2015 tính đến ngày 03/6/2015: Cúm gia cầm 588.700 liều, đạt 59% kế hoạch (KH 1.000.000 liều); Lở mồm long móng 63.675 liều, đạt 67% kế hoạch (KH 95.000 liều); Tụ huyết trùng trâu, bò 60.510 liều, đạt 76% kế hoạch (KH 80.000 liều); Dịch tả lợn 52.054 liều, đạt 35% kế hoạch (KH 150.000 liều); Vắc xin dại chó 30.560 liều, đạt 61% kế hoạch (KH 50.000 liều).

2. Lâm nghiệp

Khai thác gỗ từ rừng trồng có chiều hướng giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân do cùng kỳ năm trước sản lượng đạt cao nhờ khai thác từ diện tích rừng bị đỗ, gãy sau bão 10 năm 2013. Dự ước sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 7 tháng thực hiện 96.420 m3, bằng 71,1% so cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng củi khai thác trong 7 tháng thực hiện 134.900 ste, so cùng kỳ năm trước bằng 88,1%.

Dự ước diện tích rừng tập trung trồng mới 7 tháng 270,3 ha (tháng 7 không triển khai trồng mới); diện tích rừng trồng được chăm sóc từ đầu năm đến cuối tháng 7 thực hiện 14.740 ha, tăng 1,7% cùng kỳ năm trước.

Công tác phòng, chống cháy rừng được các cấp, các ngành chú trọng. Đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cho nhân dân. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng gay gắt trong thời gian dài nên cháy rừng đã xẩy ra. Từ đầu năm đến giữa tháng 7 trên địa bàn tỉnh xẩy ra 8 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 26,6 ha rừng trồng. Cháy rừng những tháng nắng hạn năm nay xẩy ra nhiều hơn năm trước cả về số vụ và quy mô diện tích thiệt hại. Tình hình nắng nóng còn diễn biến khá phức tạp, lãnh đạo các ngành, các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai diễn tập công tác chữa cháy nhằm hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại trong những tháng nắng nóng tiếp theo.

3. Thủy sản

Với tiềm năng thế mạnh để phát triển khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, trong thời gian qua ngành thủy sản Quảng Bình được quan tâm đầu tư khá lớn. Công tác hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán tàu thuyền vươn khơi, bám biển dài ngày để sản xuất, phát triển kinh tế đang được đẩy mạnh và thu được kết quả khả quan; tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa một số giống có giá trị kinh tế và hiệu quả cao vào nuôi trồng. 

Dự ước 7 tháng sản lượng thủy sản thực hiện 38.578,5 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 29.909 tấn, tăng 9,2%; tôm các loại 3.387,5 tấn, tăng 6,3%; thủy sản khác 5.282 tấn, tăng 7,4%.

a. Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản đến cuối tháng 7 thực hiện 4.840,6 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 1,8%. Trong tháng 7, một số nơi tiếp tục thả giống thủy sản trên diện tích 75,2 ha.

Dự ước tháng 7, sản lượng nuôi trồng thu hoạch 1.828,8 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 3,1%; 7 tháng thu hoạch 5.321,4 tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ. Trong đó: Cá các loại 2.363,6 tấn, tăng 7,7%; tôm các loại 2.755,6 tấn, tăng 6,1%; thủy sản khác 202,2 tấn, tăng 8,4% so cùng kỳ.

Một số địa phương có sản phẩm thu hoạch tăng khá như: Quảng Ninh tăng 18,5%, Lệ Thủy tăng 10,7%, Ba Đồn tăng 6,6%, Tuyên Hóa tăng 4,1%; Bố Trạch tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước.

b. Khai thác

Thời tiết 7 tháng đầu năm thuận lợi nên sản lượng đánh bắt thủy sản tăng khá cao. Dự ước sản lượng khai thác trong tháng 7 đạt 7.425,9 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 11,5%; 7 tháng khai thác 33.257,1 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 9,0%. Trong đó: Cá các loại 27.545,4 tấn, tăng 9,4%; tôm các loại 631,9 tấn, tăng 7,1%; thủy sản khác 5.079,8 tấn, tăng 7,4%. Riêng khai thác biển đạt 31.949,5 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 9,2%.

Nhiều địa phương có sản lượng khai thác 7 tháng tăng cao như: Đồng Hới tăng 12,7%, Quảng Ninh tăng 11,6%, Lệ Thủy tăng 11,4%, Bố Trạch tăng 8,6%, Ba Đồn tăng 7,3%, Quảng Trạch tăng 6,9%. Nguyên nhân một số địa phương có sản lượng khai thác tăng cao là do năng lực đánh bắt tăng, nhiều hình thức đánh bắt xa bờ được áp dụng nên khai thác hải sản vùng khơi có hiệu quả hơn.

4. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2015 ước tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với tháng 7 năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp tính đến cuối tháng 7 năm 2015 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 4,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt…  tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tính đến cuối tháng 7 năm 2015 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: Ngành sản xuất trang phục tăng 41,7% (nguyên nhân do Xí nghiệp may Hà Quảng vừa đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất mới và Công ty TNHH S&D tại huyện Quảng Ninh mới đi vào hoạt động); ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 9,7%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,0%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,0%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 3,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,8%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,1%; ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 0,9%. Bên cạnh một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng thì chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất đồ uống giảm 2,8%. Nguyên nhân do sản lượng bia của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình giảm.

Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu ngành công nghiệp ước tính đến cuối tháng 7 năm 2015: Đá xây dựng đạt 1,67 triệu m3, tăng 3,0%; mực đông lạnh đạt 773 tấn, giảm 2,7%; tinh bột sắn đạt 5.782 tấn, tăng 8,9%; bia đóng chai đạt 10,3 triệu lít, giảm 3,4%; gạch lát nền đạt 2,9 triệu viên, giảm 27,1% (do trong tháng 2 và đầu tháng 3 nhà máy sản xuất gạch lát nền thuộc Công ty Gốm sứ và Cosevco ngừng hoạt động để bảo dưỡng dẫn đến sản lượng 7 tháng giảm so với cùng kỳ); gạch xây bằng đất sét nung đạt 131,1 triệu viên, tăng 8,5%; clinker thành phẩm đạt 1,49 triệu tấn, tăng 23,0%; xi măng đạt 886.404 tấn, tăng 8,2%; điện thương phẩm đạt 419 triệu Kwh, tăng 5,0%; nước máy 4,33 triệu m3, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước…

5. Vốn đầu tư

Trong những tháng qua, tình hình thời tiết rất thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, giá cả một số mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng giảm nhẹ đã tạo điều kiện cho các nhà thầu trong việc thi công các công trình. Khối lượng vốn thực hiện bảy tháng vừa qua chủ yếu là các công trình chuyển tiếp từ những năm trước và một số công trình mới đã phân bổ vốn năm 2015 triển khai thi công.

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 7 năm 2015 ước thực hiện 310,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước thực hiện 112,5 tỷ đồng; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước thực hiện 197,7 tỷ đồng.

Bảy tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 1.993,4 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước thực hiện 827 tỷ đồng; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước thực hiện 1.166,4 tỷ đồng. Cụ thể: Ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 157 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện 88,8 tỷ đồng; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.254,7 tỷ đồng; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 88,6 tỷ đồng; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 100,3 tỷ đồng; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 114,7 tỷ đồng…

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Từ đầu năm đến nay thị trường giá cả không có nhiều sự biến động, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, sức mua của người dân tăng ổn định. Dự ước tháng 7 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.312,9 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 9% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8.911,5 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá, ước tăng 7,4%.

Phân theo loại hình kinh tế:

- Kinh tế Nhà nước: Dự ước tháng 7 doanh thu đạt 90,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so tháng trước và giảm 32,8% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015 doanh thu ước đạt 579,2 tỷ đồng, giảm 30,1% so cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 6,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa).

- Kinh tế tập thể: Dự ước tháng 7 doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và giảm 12,6% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015 ước đạt 10,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ (chiếm tỷ trọng rất nhỏ, 0,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa).

- Kinh tế cá thể: Dự ước tháng 7 doanh thu đạt 754,9 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 15,5% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015 doanh thu ước đạt 5.184,1 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ, đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thành phần kinh tế (58,2%) và là thành phần có mức tăng cao nhất.

- Kinh tế tư nhân: Dự ước tháng 7 doanh thu đạt 466,2 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 12,4% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015 doanh thu ước đạt 3.137,8 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 35,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa).

Trong 7 tháng, trừ nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục giảm thì các nhóm còn lại đều tăng, cụ thể: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 20,2% (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tiêu dùng các nhóm hàng với 33,6%); nhóm hàng may mặc tăng 16,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1%; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 6,5%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,2%; nhóm ô tô các loại tăng 126,9%; nhóm phương tiện đi lại tăng 12,8%; nhóm hàng xăng dầu các loại giảm 11,7%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) giảm 10,8% so cùng kỳ…

b. Khách sạn, nhà hàng, du lịch

Hoạt động du lịch của Quảng Bình trong thời gian qua phát triển nhanh nhờ có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các tuyến, điểm du lịch mới đưa vào khai thác đã thu hút được nhiều du khách. Mùa hè là mùa cao điểm của du lịch, lượng khách đến Quảng Bình tăng cao, kéo theo doanh thu hoạt động lưu trú và ăn uống tăng. Mùa du lịch, các cơ sở lưu trú sử dụng tối đa năng lực, đặc biệt là các khách sạn dọc bãi biển trên địa bàn thành phố Đồng Hới thường xuyên kín phòng.

Doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch tháng 7 ước đạt 194,4 tỷ đồng, tăng 5,3% so tháng trước, tăng 15,9% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn ước đạt 20 tỷ đồng, tăng 5,1%, doanh thu nhà hàng ước đạt 148,1 tỷ đồng, tăng 14,2%, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26,4 tỷ đồng, tăng 38,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự ước 7 tháng doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch đạt 1.155,5 tỷ đồng, tăng 19,9% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn 98,2 tỷ đồng, tăng 5%, doanh thu nhà hàng ước đạt 953,6 tỷ đồng, tăng 15,6%, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 121,7 tỷ đồng, tăng 100,5% so cùng kỳ năm trước.

Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 7 đạt 326,8 ngàn lượt khách, tăng 7% so tháng trước và giảm 3,5% so cùng kỳ năm 2014. Ước 7 tháng, số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 1.996,9 ngàn lượt khách, tăng 3,3% so cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế tháng 7 ước đạt 5,1 ngàn lượt khách, tăng 6,3% so tháng trước và tăng 16,5% so cùng kỳ, 7 tháng ước đạt 34,5 ngàn lượt khách, tăng 16,1% so cùng kỳ.

Hiện nay các tour du lịch sinh thái mới đang dần thu hút khách nhiều hơn với doanh thu mang lại cao hơn, trong khi số lượng khách đến các điểm du lịch như động Phong Nha, động Thiên Đường đang có xu hướng tăng trưởng chậm, nhưng do điều chỉnh giá vé nên doanh thu 7 tháng tăng cao.

Dự ước tháng 7 du lịch lữ hành đạt 104.876 lượt khách, tăng 12,2% so tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng ước đạt 477.509 lượt khách, tăng 7,2% so cùng kỳ. Nhìn chung 7 tháng năm 2015 lượt khách lữ hành không tăng đột biến như 3 năm trở lại đây. Do vậy, ngành du lịch Quảng Bình nên tập trung vào những tour du lịch sinh thái chất lượng, mang lại doanh thu cao hơn.

c. Hoạt động dịch vụ

Hoạt động dịch vụ sau 2 tháng tặng mạnh trước đó thì đến nay bắt đầu ổn định trở lại. Trong tháng có 3 ngành giảm theo đúng chu kỳ mùa vụ (kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, nghệ thuật vui chơi và giải trí), các nhóm dịch vụ còn lại đều tăng nhẹ so tháng trước.

Dước tháng 7 doanh thu dịch vụ đạt 59,3 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 7,3% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015 doanh thu ước đạt 412,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ, tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của năm 2014.

Xét theo nhóm dịch vụ: Nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản 7 tháng tăng 5,7%; nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 7 tháng tăng 7,2%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo 7 tháng tăng 9,9%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 7 tháng tăng 28,4%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí 7 tháng tăng 22,2%, đây cũng là nhóm có mức tăng cao nhất; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình 7 tháng giảm mạnh nhất (-18,9%) do xu hướng công nghệ nên nhiều mặt hàng giá rẻ, người tiêu dùng thay mới thay vì sửa chữa; nhóm hoạt động dịch vụ khác 7 tháng tăng 10,9 so cùng kỳ.

d. Xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu:

Thị trường xuất khẩu từ đầu năm đến nay gặp khó khăn, nhất là những mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Dự ước tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,1 triệu USD, tính chung 7 tháng đạt 60,4 triệu USD, bằng 79,5% so cùng kỳ và đạt 40,3% kế hoạch năm.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2015, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 59,6 triệu USD, chiếm 98,8%; còn lại 1,2% là của khu vực kinh tế Nhà nước; xét về hình thức xuất khẩu, xuất trực tiếp đạt 40,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 66,5%, xuất uỷ thác chiếm 33,5%; xét về nhóm ngành hàng thì hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 44,7%, tiếp đến là hàng nông sản chiếm 30,3% (chủ yếu là cao su), hàng lâm sản chiếm 23,3%, còn lại là của các nhóm hàng khác.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:

- Cao su: Xuất khẩu cao su từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn (giá giảm, thị trường Trung Quốc không ổn định) nên kết quả so cùng kỳ giảm mạnh. Dự ước sản lượng cao tháng 7 xuất 2,2 ngàn tấn. Tính chung cả 7 tháng, sản lượng xuất đạt 9,8 ngàn tấn, bằng 59,8% so cùng kỳ, tuy nhiên, do giá giảm nên trị giá chỉ bằng 52,6% so cùng kỳ (do giá bình quân 7 tháng giảm 12%);

- Thuỷ sản: Xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó khăn về giá cả và thị trường đầu ra. Dự ước tháng 7 xuất 40 tấn; 7 tháng xuất 130,3 tấn, bằng 75,1% so cùng kỳ (về trị giá chỉ bằng 51,6% do giá giảm 31,3%);

- Dăm gỗ khô: Hoạt động xuất khẩu dăm gỗ khá thuận lợi, giá xuất tăng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động phương tiện chuyên chở, hoặc không gom đủ hàng nên không xuất được. Dự ước tháng 7 xuất 18,4 ngàn tấn; 7 tháng xuất 113 ngàn tấn, bằng 93,1% so cùng kỳ. Về trị giá tăng 4,3%, do giá tăng 12,1%;

- Gỗ: Đây là mặt hàng tạm nhập tái xuất, do nguồn hàng nhập khẩu ngày càng khó khăn nên sản lượng xuất trong 7 tháng đầu năm đạt thấp so cùng kỳ. Tuy nhiên trong tháng 6 và tháng 7, do có nguồn hàng nhập khẩu gỗ từ Campuchia nên xuất khẩu gỗ trong tháng 6 và tháng 7 đạt khá. Dự ước 7 tháng xuất 9,1 ngàn m3, bằng 54,8% so cùng kỳ. Về trị giá tăng 69,4%, do giá xuất tăng 26,6%;

- Nhựa thông: Dự ước 7 tháng đầu năm xuất 425 tấn, tăng 20,8% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước sản lượng đạt thấp do bị ảnh hưởng của bão số 10 năm 2013).

Nhìn chung trong 7 tháng đầu năm 2015, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều sút giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là những mặt hàng quan trọng. Điển hình là cao su, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất giảm đến 40,2%, gỗ các loại giảm 40,3%, dăm gỗ giảm 6,9%.

Nhập khẩu:

Dự ước tháng 7, kim ngạch nhập khẩu đạt 11,9 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 7 tháng ước đạt 56,8 triệu USD, tăng 1,2% so cùng kỳ và vượt 18,3% kế hoạch năm. Trong đó đều là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đều nhập khẩu trực tiếp. Xét về công dụng và tính chất hàng hóa nhập khẩu, 100% hàng nhập là tư liệu sản xuất và chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất.

Mặt hàng nhập khẩu còn rất đơn điệu, riêng 3 mặt hàng xăng dầu, gỗ và trâu bò con đã chiếm đến 96,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả tỉnh (xăng dầu chiếm 54,4%, gỗ chiếm 32%, trâu bò 10,2%). Còn lại các mặt hàng khác chỉ chiếm 3,4%.

- Xăng, dầu: 7 tháng đầu năm nhập 57 ngàn tấn, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ;

- Gỗ các loại, do nguồn hàng từ Lào ngày càng khó khăn, một số doanh nghiệp đã mở rộng thị trường sang Campuchia. Dự ước 7 tháng nhập 13 ngàn m3, bằng 48,1% so cùng kỳ;

- Trâu, bò sống: Dự ước 7 tháng nhập 41,5 ngàn con, bằng 83,9% so cùng kỳ.

e. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải 7 tháng đầu năm phát triển khá, với xu hướng tăng cao so với cùng kỳ. Đời sống ngày càng được nâng lên nên đòi hỏi của khách hàng đối với chất lượng vận tải ngày càng cao. Do đó các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vận tải trong thời gian qua đã tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp nên chất lượng các tuyến đường được nâng lên, nhất là tuyến đường QL1A, qua đó tạo điều kiện cho vận tải phát triển.

Trong tháng 7 nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên tăng mạnh, nhiều cơ sở đã bố trí phương tiện, tăng tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó doanh thu cũng như khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa, hành khách tăng lên đáng kể.

Tổng doanh thu vận tải tháng 7 năm 2015 ước đạt 201,6 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước, 7 tháng ước đạt 1.400,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ.

Trong tổng doanh thu, doanh thu vận tải hành khách 7 tháng đầu năm ước ước đạt 280,7 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.108,1 tỷ đồng, tăng 7,9% và doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận ước đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 7 ước đạt 1,6 triệu hành khách, tăng 1,1% so tháng trước, ước 7 tháng đạt 11,1 triệu hành khách, tăng 6,3% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 7 ước đạt 72,6 triệu hk.km, tăng 1,2% so tháng trước, ước 7 tháng đạt 507,6 triệu hk.km, tăng 7,2% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 7 ước đạt 1,6 triệu tấn, tăng 1,1% so tháng trước, ước 7 tháng đạt 11 triệu tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 7 ước đạt 81,8 triệu tấn.km, tăng 2,8% so tháng trước, ước 7 tháng đạt 560,5 triệu tấn.km, tăng 7,2% so cùng kỳ.

f. Giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 năm 2015 so với tháng trước tăng 0,08%; so với tháng 12 năm trước tăng 0,74%; bình quân 7 tháng so cùng kỳ tăng 1,28% (trong đó, nhóm hàng hóa tăng 0,46%, nhóm dịch vụ tăng 3,39%).

Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có 4 nhóm hàng có giá ổn định đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giáo dục và nhóm văn hóa và giải trí du lịch; các nhóm còn lại đều tăng nhẹ, dao động trong khoảng từ 0,01% đến 0,34%. Cụ thể diễn biến giá của các nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước như sau:                                                                              - Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,01%;

  - Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,29%;

  - Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%;

  - Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,34%;

  - Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%;

  - Nhóm giao thông tăng 0,21%;

         - Hàng hóa và dch v khác tăng 0,18%.

  * Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ:

  - Chỉ số giá vàng: Giá vàng so với tháng trước giảm 1,11%, bình quân 7 tháng so với cùng kỳ giảm 5,04%, so với kỳ gốc 2009 tăng 62,62%.

  - Chỉ số giá đô la Mỹ (USD): Chỉ số đô la Mỹ tăng 0,46% so với tháng trước, bình quân 7 tháng so với cùng kỳ tăng 2,01%, so với kỳ gốc 2009 tăng 23,14%.

7. Thu, chi ngân sách nhà nước

a. Thu ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 7 tháng thực hiện 1.534,5 tỷ đồng, bằng 61,4% dự toán địa phương giao và tăng 13,2% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 1.374,6 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán địa phương giao, tăng 17,8% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 159,9 tỷ đồng, bằng 41% dự toán địa phương giao, bằng 85% so với cùng kỳ.

Trong tổng số thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2015, so với dự toán có 8/15 khoản thu tăng trưởng khá và đạt tiến độ từ 58,3% dự toán năm trở lên, đó là: Thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 88,3%, lệ phí trước bạ đạt 70,5%, thu tiền sử dụng đất đạt 84,3%, thuế bảo vệ môi trường đạt 138%, thuế thu nhập cá nhân đạt 74,4%, thu khác ngân sách trong cân đối đạt 116,5%, thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 259,5%, thu cố định tại xã đạt 64,9% dự toán địa phương giao. Còn lại 7 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

b. Chi ngân sách

Tổng chi NSNN trên địa bàn ước 7 tháng thực hiện 6.451,2 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 2.301,9 tỷ đồng; chi thường xuyên 4.149,3 tỷ đồng. Nhìn chung, các khoản chi ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

 

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giáo dục và đào tạo

- Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT

Năm  học 2015 - 2016, về cơ bản các trường THPT trên toàn tỉnh đã tổ chức xét tuyển học sinh lớp 10 THPT, chỉ một số trường THPT có số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh trên 10% mới tổ chức thi tuyển. Kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT được tổ chức từ ngày 19 - 20/6/2015 theo phương thức thi tuyển 03 môn: Toán (120 phút), Ngữ văn (120 phút) và Anh văn (60 phút). Toàn tỉnh có 10 trường THPT tổ chức thi tuyển với 4.607 thí sinh đăng ký dự thi. Công tác giữ gìn an ninh trật tự trong và ngoài khu vực thi được giữ vững, bảo đảm kỳ thi an toàn và đúng quy chế.

Đối với các học sinh đăng ký thi vào trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, dự thi tại Hội đồng thi THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp gồm có 3 môn chung Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, môn chuyên được đăng ký không quá 02 môn chuyên (nếu không trùng lịch thi) và thi vào ngày 21/6/2015.

- Tình hình học sinh bỏ học

Công tác vận động, huy động số lượng, duy trì sĩ số các cấp học được tiến hành tích cực. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014-2015 toàn tỉnh có 521 học sinh bỏ học, chiếm 0,34%, trong đó, cấp tiểu học có 5 em, chiếm 0,003%; cấp trung học cơ sở có 167 em, chiếm 0,108%; cấp trung học phổ thông có 349 em, chiếm 0,225%.

- Kỳ thi tuyển sinh vào đại học

Năm học 2014 - 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới phương pháp thi tốt nghiệp THPT và thi cao đẳng, đại học chỉ với một kỳ thi chung THPT Quốc gia nhằm lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề, cao đẳng, đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giao 38 trường đại học chủ trì các cụm thi liên tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cụm thi dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với tỉnh Quảng Bình; các thí sinh chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT tham gia thi tại tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học, cao đẳng tham gia dự thi tại tại tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại học Huế chủ trì.

Theo cáo báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương (để lấy kết quả xét tốt nghiệp), có 4.641/12.285 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm tỷ lệ 37,78%; toàn tỉnh thành lập 15 điểm thi (huyện Minh Hóa: 01, huyện Tuyên Hóa: 03, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn: 03, huyện Bố Trạch: 03, thành phố Đồng Hới: 02, huyện Quảng Ninh: 01 và huyện Lệ Thủy: 02 điểm thi).

Số thí sinh dự thi tại cụm thi Đại học Huế, có 7.644/12.285 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm tỷ lệ 62,22%.

Kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 7 năm 2015 với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; Ngoại ngữ vừa thi viết và trắc nghiệm.

2. Công tác y tế

- Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá. Các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh nguy hiểm năm 2015; phối hợp với Hội Gan mật Việt Nam tổ chức chiến dịch “toàn dân chung tay đánh gục vi rút viêm gan”; tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống bệnh MER - CoV... Nhờ đó, tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm được hạn chế đáng kể.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến 30/6/2015 đã ghi nhận: 315 trường hợp thủy đậu; 381 trường hợp lỵ trực trùng; 118 trường hợp lỵ a míp; 2.700 trường hợp tiêu chảy; 67 trường hợp viêm gan vi rút; 203 trường hợp quai bị ; 9.068 trường hợp cúm. Tình hình các bệnh dịch tuần tính đến 12/7/2015, các bệnh truyền nhiễm như Tả, Thương hàn, Viêm não vi rút, Viêm màng não do NMC, sởi, Cúm A (H5N1) chưa xẩy ra trên địa bàn tỉnh; Sốt xuất huyết xẩy ra 2 trường hợp; Riêng dịch Tay - chân - miệng trong tuần (từ ngày 6/7 - 12/7/2015) trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 4 trường hợp, lũy kế đến 12/7 đã xẩy ra 33 trường hợp. Các loại dịch bệnh nói trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xẩy ra.

- Công tác phòng chống sốt rét

Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết, đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Tình hình sốt rét toàn tỉnh từ đầu năm đến 30/6/2015: Tổng số lượt người điều trị sốt rét là 5.134 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 334 người, không có bệnh nhân sốt rét ác tính và bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 29.461 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 0,7%.

Hiện tại, các đơn vị đã tổ chức giám sát kịp thời tình hình sốt rét gia tăng trên địa bàn, chuẩn bị chu đáo cho công tác triển khai phun tẩm hóa chất phòng chống véc tơ. Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh đã phân phối kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống sốt rét cho cơ sở.

- Tình hình nhiễm HIV/AIDS

Từ đầu năm đến 30/6/2015 trên địa bàn tỉnh phát hiện 16 người nhiễm mới HIV, 14 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 30/6/2015, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.243 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 302 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 107 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế...

- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 8 huyện/thị xã/thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không xẩy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao

- Hoạt động văn hoá    

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như: Kỷ niệm 26 năm ngày tái lập tỉnh 1/7/1989 - 1/7/2015; kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Quảng Bình 4/7/1945 - 4/7/2015; 66 năm ngày Quảng Bình quật khởi 15/7/1949 - 15/7/2015; 68 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947 - 27/7/2015...

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Tổ chức biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Hoạt động Phát hành phim và Chiếu bóng được tổ chức thường xuyên, định kỳ, đúng kế hoạch và có hiệu quả cao. Tạp chí Văn hoá Quảng Bình đã phát hành Tạp chí tháng 7, với các chuyên mục cụ thể, cung cấp các văn bản quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch mới nhất cho bạn đọc tham khảo; nghiên cứu các giá trị bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn Quảng Bình. Ngoài việc cấp mới thẻ bạn đọc, phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh còn thực hiện luân chuyển sách báo cho tuyến thư viện cơ sở; thực hiện chuyên mục “Quảng Bình qua báo chí” hàng tuần...

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và được tiến hành khá thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hóa xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh, các tổ chức hoạt động thể dục thể thao, các đơn vị hoạt động du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật... Sáu tháng đầu năm, đã tổ chức 6 đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với 104 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, lữ hành và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử lý vi phạm hành chính và phạt 48,5 triệu đồng đối với 11 đối tượng, thu hồi giấy phép hoạt động của 03 đối tượng, đình chỉ hoạt động đối với 5 cơ sở, tịch thu trên 200 DVD, CD, sách các loại không tem nhãn và cấm lưu hành.

- Hoạt động thể dục - thể thao

Thể thao quần chúng

Phong trào Thể dục thể thao của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được quần chúng nhận thức và hành động thiết thực. Các hoạt động thể thao, các cuộc thi đấu của các cơ quan, ban, ngành và ở các địa phương diễn ra thường xuyên, đạt chất lượng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, có tác dụng cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân. Đặc biệt là các môn thể thao truyền thống chào mừng ngày thành lập lực lượng vũ trang Quảng Bình (4-7), ngày Quảng Bình quật khởi (15-7) đã tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, góp phần làm sôi nổi, phong phú của tuổi trẻ lực lượng vũ trang địa phương trong dịp lễ kỷ niệm.

Thể thao thành tích cao

Trong 6 tháng đầu năm, thể thao thành tích cao gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận, đóng góp được nhiều VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu quốc tế đạt kết quả cao, khẳng định được vị thế thể thao Quảng Bình trên đấu trường toàn quốc và quốc tế. Từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao dành được 108 HC các loại, trong đó có 32 HCV, 32 HCB, 44 HCĐ.

4. Tình hình an toàn xã hội và pháp luật

- An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 6 năm 2015, toàn tỉnh đã xẩy ra 23 vụ tai nạn giao thông, giảm 1 vụ so với tháng 6 năm 2014, trong đó đường bộ 23 vụ, giảm 1 vụ; đường sắt, đường thuỷ không xẩy tai nạn, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 11 người, tăng 2 người so với tháng 6 năm 2014, trong đó đường bộ chết 11 người, tăng 2 người; đường sắt, đường thuỷ không xẩy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 20 người, giảm 3 người so với tháng 6 năm 2014, trong đó đường bộ bị thương 20 người, giảm 3 người so cùng kỳ năm 2014.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xẩy ra 143 vụ tai nạn giao thông, giảm 34 vụ so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ 136 vụ, giảm 39 vụ; đường sắt 7 vụ, tăng 5 vụ; đường thuỷ không xẩy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 69 người, bằng cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ chết 65 người, giảm 2 người; đường sắt chết 4 người, tăng 2 người; đường thuỷ không xẩy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 142 người, giảm 14 người so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ bị thương 140 người, giảm 16 người; đường sắt bị thương 2 người, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2014.

- An toàn xã hội và pháp luật

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 6 năm 2015 phạm pháp kinh tế xẩy ra 2 vụ với 5 đối tượng vi phạm, so với tháng 6 năm 2014 số vụ tăng 1 vụ đối tượng vi phạm tăng 4 người. Phạm pháp hình sự 57 vụ với 101 đối tượng phạm tội, so với tháng 6 năm 2014 số vụ giảm 15 vụ, đối tượng phạm tội tăng 31 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 3 vụ với 3 đối tượng vi phạm, so tháng 6 năm 2014 số vụ giảm 3 vụ và đối tượng vi phạm giảm 2 người.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2015, phạm pháp kinh tế xẩy ra 2 vụ với 5 đối tượng vi phạm, so với cùng kỳ năm 2014 số vụ giảm 2 vụ đối tượng vi phạm giảm 5 người. Phạm pháp hình sự 271 vụ với 371 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2014 số vụ giảm 97 vụ, đối tượng phạm tội giảm 82 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 29 vụ với 41 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014 số vụ tăng 2 vụ, đối tượng vi phạm giảm 10 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 22 vụ với 35 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng 7 vụ và đối tượng vi phạm tăng 8 người./. 

 

[Trở về]