THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2015 tỉnh Quảng Bình 
I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Thời tiết đầu tháng 2 tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân. Cây lúa cơ bản hoàn thành gieo cấy trước Tết Nguyên đán, các cây hàng năm khác như ngô, khoai lang, lạc, sắn, rau các loại, đậu các loại... sẽ kết thúc gieo trồng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.

Dự kiến đến ngày 15/2/2015 tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện 50.419 ha, tăng 1,1% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng các loại cây như sau:

- Cây lúa: Thực hiện 29.641 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa chia theo địa phương: Đồng Hới 986 ha, tăng 0,6%; Ba Đồn 2.700 ha, tăng 3,4%; Minh Hoá 466 ha, tăng 1,3%; Tuyên Hoá 1.485 ha, bằng 99,3%; Quảng Trạch 3.596 ha, tăng 1,6%; Bố Trạch 5.290 ha, bằng 99,4%; Quảng Ninh 5.187 ha, tăng 4,2%; Lệ Thuỷ 10.150 ha, tăng 0,2% so cùng kỳ. Hiện tại, thời tiết thuận lợi nên các địa phương triển khai công tác làm cỏ, bón phân, tỉa dặm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Công tác tưới, tiêu được chủ động, điều tiết hợp lý đáp ứng đủ nước cho cây trồng. Diện tích lúa ở các địa phương phát triển tốt.

- Một số cây trồng khác thực hiện 20.778 ha, tăng 2% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể: cây ngô và cây lương thực có hạt khác 3.736 ha, bằng 97,9%; cây lấy củ có chất bột 8.146 ha, bằng 99,7%; cây mía 32 ha; cây có hạt chứa dầu 4.124 ha, tăng 13,7%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 3.893 ha, tăng 2,1%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 343 ha, bằng 57,3%; cây hàng năm khác 504 ha, tăng 48,2% so cùng kỳ. Diện tích một số cây trồng chính: Ngô 3.810 ha, bằng 99%; sắn 5.911 ha, tăng 1,5%; khoai lang 2.847 ha, bằng 93,5%; lạc 4.438 ha, tăng 10,1%; rau các loại 3.852 ha, bằng 98,9%; đậu các loại 303 ha, tăng 5,6%; cây làm thức ăn gia súc 530 ha, tăng 1,9% so cùng kỳ. Nhìn chung, tiến độ gieo trồng ở hầu hết các địa phương đều tăng so cùng kỳ.

Tình hình sâu bệnh hại lúa đã xuất hiện ở một số nơi. Đến ngày 05/2, diện tích lúa bị sâu bệnh và chuột phá 682 ha. Cụ thể: Chuột hại 144 ha; rệp muội 291 ha; Bọ trĩ 53 ha; tuyến trùng rễ 173 ha; đạo ôn 21 ha. Các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống nên mức độ ảnh hưởng không đáng kể.

Dự ước đến hết tháng 2/2015, diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 52.685 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ. Diện tích chia theo các nhóm cây: Cây lúa 29.860 ha, tăng 1,2%; ngô và cây lương thực có hạt khác 3.896 ha, bằng 98,9%; cây lấy củ có chất bột 9.186 ha, bằng 97,8%; cây mía 33 ha, tăng 175%; cây có hạt chứa dầu 4.558 ha, tăng 9,8%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 4.222 ha, bằng 99,4%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 366 ha, bằng 61,1%; cây hàng năm khác 564 ha, tăng 1,1% so cùng kỳ. Diện tích chia theo địa phương: Đồng Hới 1.308 ha, bằng 97%; Ba Đồn 4.470 ha, bằng 95,9%; Minh Hoá 3.036 ha, bằng 95,8%; Tuyên Hoá 4.550 ha, tăng 4,5%; Quảng Trạch 6.215 ha, tăng 1,1%; Bố Trạch 13.255 ha, bằng 99,8%; Quảng Ninh 6.776 ha, tăng 4,4%; Lệ Thuỷ 13.075 ha, tăng 1% so cùng kỳ.

Cây lâu năm đang được các doanh nghiệp và các hộ gia đình tiếp tục chăm sóc, đầu tư cải tạo vườn tạp nhằm bố trí các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, cơ cấu các loại cây lâu năm ở các địa phương đang từng bước chuyển dịch hợp lý hơn. Dự ước sản lượng mủ cao su khai thác tháng 2 là 120 tấn, 2 tháng 370 tấn, tăng 8,8% so cùng kỳ.

b. Chăn nuôi

Nhờ có các chủ trương và chính sách phù hợp nên chăn nuôi của các địa phương đã từng bước ổn định và có bước phát triển khá, đặc biệt là chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại và gia trại lợn, gia cầm phát triển nhanh. Bên cạnh đó, nhờ triển khai tốt tiêm vacxin phòng dịch nên trong thời gian qua dịch bệnh ít xẩy ra. Nhờ đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng 2 tăng khá, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Dự báo sản phẩm thịt hơi xuất chuồng phục vụ Tết 3.473,0 tấn, tăng 5,8% so Tết năm ngoái; trong đó thịt lợn tăng 5,5%, thịt gia cầm tăng 7%, thịt trâu bò tăng 6%.

Hiên tại, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Do đó, ngành Thú y đang khẩn trương kết hợp các ngành, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và lập kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2015. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển; thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

2. Lâm nghiệp

Tháng 2, sản xuất lâm nghiệp tiếp tục thực hiện công tác khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

Dự ước tháng 2, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 14.500 m3, so cùng kỳ năm trước bằng 94,3%; 2 tháng đầu năm thực hiện 20.900 m3, bằng 95,7% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 19.200 ste, so cùng kỳ năm trước bằng 83,6%; 2 tháng đầu năm khai thác 39.700 ste, so cùng kỳ năm trước bằng 90,9%.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc trong tháng 2 thực hiện 1.310 ha; 2 tháng thực hiện 3.030 ha, tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước. Các đơn vị, hộ gia đình tiếp tục thực hiện trồng dặm bổ sung cho số diện tích trồng mới năm 2014, theo đó diện tích rừng trồng mới đảm bảo mật độ, phát triển tốt và tỷ lệ cây sống đạt khá. Công tác quản lý và bảo vệ rừng được triển khai đồng bộ có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay chưa có cháy rừng xẩy ra trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương trồng cây trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai công tác chuẩn bị, như làm đất, cây giống và lực lượng để tiến hành trồng trong thời gia thích hợp. Dự ước tháng 2, số cây trồng phân tán thực hiện 1.354 ngàn cây; 2 tháng thực hiện 1.984 ngàn cây, tăng 0,6% so cùng kỳ năm trước.

3. Thủy sản

Thời tiết trong tháng 2 thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản nên ngư dân và các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh khai thác và thu hoạch thủy sản để đưa ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Dự ước tháng 2, sản lượng thực hiện 2.895,6 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 9,7%; lũy kế 2 tháng đầu năm thực hiện 5.429,4 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 8,4%.

a. Nuôi trồng

          Dự ước tháng 2, sản lượng nuôi trồng thu hoạch 555,4 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 18,2%; sản lượng 2 tháng thu hoạch 1.072,3 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 13,2%.

Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 895,1 tấn, tăng 11,2%; tôm các loại 139,1 tấn, tăng 30%; thủy sản khác 38,1 tấn, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng theo mặt nước: Nước lợ 161,6 tấn, tăng 28,5%; nước ngọt 910,7 tấn, tăng 10,8% so cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân sản lượng nuôi trồng thu hoạch tăng khá là do tình hình dịch bệnh được khống chế nên các loại thủy sản phát triển tốt. Đồng thời, các hộ nuôi đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm phục vụ Tết Nguyên đán nên sản lượng tăng cao, đặc biệt tôm thẻ chân trắng.

b. Khai thác

Dự ước sản lượng khai thác tháng 2 thực hiện 2.340,2 tấn, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 2 tháng thực hiện 4.357,1 tấn, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác 2 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 3.700,8 tấn, tăng 6,5%; tôm các loại 96,2 tấn, tăng 3,4%; thuỷ sản khác 560,1 tấn, tăng 13,5% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng chia theo mặt nước khai thác: Khai thác nước mặn (biển) thực hiện 3.958,7 tấn, tăng 7,5%; khai thác nước lợ 84,6 tấn, tăng 2,9%; khai thác nước ngọt 313,8 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, sản lượng khai thác của các địa phương đều tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu giảm, năng lực khai thác được cải thiện nên hoạt động khai thác được tăng cường, theo đó sản lượng sản phẩm khai thác cao hơn so cùng kỳ.

4. Công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm chưa có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Ngoài một số năng lực mới tăng trong thời gian gần đây như: ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại khác (sản xuất clinker, sản xuất xi măng) và ngành may mặc (xí nghiệp may Hà Quảng nâng công suất nhà máy và Công ty TNHH S&D thuộc Tổng công ty may 10 mới đi vào hoạt động) thì ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh gần như chỉ duy trì sản xuất theo năng lực hiện có.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 năm 2015 ước tính tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 9,0% so với tháng 02 năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 1,1% (Ngành khai khoáng có chỉ số giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai thác quặng kim loại ngừng khai thác); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt… tăng 1,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp đến cuối tháng 2 năm 2015 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 26,7%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 17,3%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 7,0%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,2%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,8%; ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 2,2%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 2,2%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 2,0%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,5%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,0%; ngành sản xuất đồ uống tăng 0,9%.

Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu ngành công nghiệp tính đến cuối tháng 2 năm 2015: Đá xây dựng đạt 459.806 m3, tăng 7%; mực đông lạnh đạt 249 tấn, tăng 2,3%; tinh bột sắn đạt 5.459 tấn, tăng 2,8%; bia đóng chai đạt 1,71 triệu lít, tăng 0,8%; gạch lát nền đạt 1,37 triệu viên, tăng 32,6%; gạch xây bằng đất sét nung (không kể gạch block bằng xi măng) đạt 33,9 triệu viên, giảm 0,3%; clinker thành phẩm đạt 284.307 tấn, tăng 20,5%; xi măng đạt 210.238 tấn, tăng 15,8%; điện thương phẩm đạt 110 triệu kwh, tăng 1,0%; nước máy 1,16 triệu m3, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước…

5. Vốn đầu tư

Kế hoạch bố trí nguồn vốn Ngân sách Nhà nước năm 2015 trên địa bàn tỉnh đang được rà soát nhằm bổ sung kịp thời cho các công trình nợ vốn, công trình chuyển tiếp, chủ yếu bước đầu tập trung nguồn vốn cho các công trình giao thông phục vụ việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, các công trình thuỷ lợi, hệ thống đê kè, kênh mương nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trong năm 2015.

Kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2015 là 1.744 tỷ đồng, đây là nguồn vốn khá lớn và quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm 2015, kế hoạch vốn một số công trình trọng điểm như: Cầu Nhật Lệ 2 có kế hoạch vốn 30 tỷ đồng; trụ sở Tỉnh uỷ có kế hoạch vốn 30 tỷ đồng; đường nối từ Quốc lộ 1A đến Nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Lệ Thủy có kế hoạch vốn 22,3 tỷ đồng; Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Bình có kế hoạch vốn 70 tỷ đồng…

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 2 năm 2015 ước thực hiện 265,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 129 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 136,3 tỷ đồng.

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh hai tháng năm 2015 ước thực hiện 525,5 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 246,9 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 278,6 tỷ đồng. Cụ thể: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 26,8 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 18,6 tỷ đồng; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 371,6 tỷ đồng; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 19,1 tỷ đồng; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 21,8 tỷ đồng; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 20,2 tỷ đồng…

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 2 năm 2015 là tháng có Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao đột biến, phục vụ nhu cầu cúng, giỗ, tất niên, tiệc lên hoan gặp mặt cuối năm, đầu năm.

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tháng 2 năm 2015 đạt 1.478,4 tỷ đồng, tăng 21,2% so tháng trước và tăng 34,5% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.698,3 tỷ đồng, tăng 10,8% so cùng kỳ.  

Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi nhìn chung khá đầy đủ, phong phú, đa dạng. Không có tình trạng khan hiếm hoặc thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, kể cả vùng sâu, vùng xa. So cùng kỳ, 2 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 10,8% (2 tháng  năm 2014 tăng 14%). Tuy vậy, do chỉ số giá 2 tháng năm 2015 tăng thấp hơn 2 tháng năm 2014 nên nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 2 tháng năm 2015 vẫn cao hơn 2 tháng năm 2014.

Theo thành phần kinh tế, 2 tháng đầu năm 2015, doanh thu các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ, loại trừ  kinh tế Nhà nước, do tác động của việc giảm giá xăng dầu, mặc dù sản lượng bán ra vẫn duy trì mức tăng ổn định nhưng giá cả giảm mạnh đã làm cho doanh thu khu vực này đạt thấp. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2015 thành phần kinh tế Nhà nước ước đạt 200,7 tỷ đồng, bằng 86,2%; kinh tế tập thể ước đạt 3,2 tỷ đồng, tăng 7,0%; kinh tế cá thể ước đạt 1.539,1 tỷ đồng, tăng 12,8%; kinh tế tư nhân ước đạt 955,4 tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước.

Theo nhóm hàng, doanh thu 2 tháng đầu năm 2015 tất cả các nhóm hàng đều tăng cao so với cùng kỳ, loại trừ nhóm xăng dầu các loại giảm 3,4%; nhóm nhiên liệu khác giảm 8,8%; nhóm hàng hóa khác giảm 6,3% so cùng kỳ.

b. Khách sạn, nhà hàng, du lịch

   Doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch tháng 2 năm 2015 ước đạt 145,2 tỷ đồng, tăng 7,1% so tháng trước, tăng 24,8% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn ước đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 4,3% so tháng trướctăng 4,6% so cùng kỳ; doanh thu nhà hàng ước đạt 130,4 tỷ đồng, tăng 7,3% so tháng trước tăng 26,8% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,3 tỷ đồng, tăng 8,5% so tháng trước và tăng 23,0% so cùng kỳ.

Dự ước 2 tháng năm 2015, doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch ước đạt 280,8 tỷ đồng, tăng 19,8% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn 20,4 tỷ đồng, tăng 5,0% so cùng kỳ; doanh thu nhà hàng ước đạt 252,0 tỷ đồng, tăng 20,9% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 8,4 tỷ đồng, tăng 27,9% so cùng kỳ.

  Năm nay, lượt khách đến khu du lịch sinh thái và văn hóa Phong Nha Kẻ Bàng và Động Thiên Đường tăng ổn định. Tuy vậy, từ cuối năm 2014 đến nay, du lịch tâm linh khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giảm dần, vì vậy, so cùng kỳ năm trước, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình giảm đáng kể.

   Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 2/2015 đạt 190,3 ngàn lượt khách, tăng 37,8% so tháng 1 và bằng 66,2% so cùng kỳ năm 2014, ước 2 tháng, số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 318,4 ngàn lượt khách, bằng 64,7% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế tháng 2 đạt 3.770 lượt khách, 2 tháng đạt 7.310 lượt khách, tăng 20,1% so cùng kỳ.

   Riêng du lịch lữ hành, tháng 2 năm 2015 ước đạt 25.962 lượt khách, tăng 15,6% so tháng trước và tăng 0,1% so cùng kỳ, hai tháng đầu năm 2015 ước đạt 50.839 lượt khách, tăng 8,9% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế tháng 2 đạt 3.600 lượt khách, 2 tháng đạt 7.040 lượt khách, tăng 39,5% so cùng kỳ.

 c. Hoạt động dịch vụ

Phần lớn, các hoạt động dịch vụ có tốc độ tăng cao vào các tháng có Tết Nguyên Đán, do nhu cầu sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, làm đẹp, vui chơi, giải trí.

  Dước tháng 2 năm 2015 doanh thu dịch vụ đạt 64,2 tỷ đồng, tăng 15,5% so tháng trước và tăng 28,2% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2015 doanh thu ước đạt 119,7 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ (2 tháng năm 2014 tăng 14,8%).

d. Xuất, nhập khẩu

- Xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 6,8 triệu USD, 2 tháng đầu năm ước đạt 12,6 triệu USD, bằng 80,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân kết quả xuất khẩu đạt thấp chủ yếu là do giá cả xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là cao su và gỗ giảm mạnh.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2015, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 99,4%, còn lại 0,6% là của khu vực kinh tế nhà nước. Xét về hình thức xuất khẩu, xuất trực tiếp chiếm phần lớn với tỷ trọng 77,8%, xuất uỷ thác chiếm 22,2%. Xét về cơ cấu nhóm ngành hàng thì hàng công nghiệp nhẹ và TCN chiếm tỷ trọng lớn nhất với 48,1%, hàng lâm sản chiếm thứ hai 26,9%; tiếp đến là nông sản chiếm 16,7%, còn lại là của nhóm hàng thuỷ sản và khoáng sản.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có: Cao su, gỗ các loại, thuỷ sản, dăm gỗ khô. Tình hình cụ thể như sau:

- Cao su: Dự ước tháng 2 xuất 500 tấn, tính chung cả 2 tháng đầu năm, sản lượng cao su xuất 1 ngàn tấn, bằng 66,7% so cùng kỳ năm 2014;

- Gỗ các loại: Dự ước 2 tháng xuất 2,4 ngàn m3, bằng 52,4% so 2 tháng đầu năm 2014;

- Nhựa thông: Dự ước 2 tháng xuất 38 tấn, tăng 68,9% so cùng kỳ;

- Dăm gỗ khô: Dự ước 2 tháng xuất 37,1 ngàn tấn, bằng 86,4% so cùng kỳ năm 2014;

- Thuỷ sản: Dự ước 2 tháng xuất 39 tấn, tăng 66,7% so cùng kỳ.

- Nhập khẩu

Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 4 triệu USD, dự ước 2 tháng đạt 7,9  triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số trị giá kim ngạch nhập khẩu của 2 tháng đầu năm 2015, tất cả đều là nhập khẩu trực tiếp, 100% thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đều là tư liệu sản xuất.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm có: Gỗ (chiếm 40% trong tổng trị giá), trâu bò sống (chiếm 35,2%), nguyên liệu sản xuất tân dược, sản xuất gốm sứ.

Nhìn chung, tình hình nhập khẩu trong các tháng đầu năm 2015 chưa có gì khởi sắc. Ngoài việc tạm nhập tái xuất gỗ (nhập từ Lào, xuất sang Trung Quốc), hàng hóa nhập khẩu gồm một số tư liệu sản xuất như nguyên vật liệu sản xuất tân dược, men gốm, trâu bò sống và các mặt hàng khác trị giá nhỏ không đáng kể.

  e. Hoạt động vận tải

Tháng 2 năm 2015 trùng vào dịp Tết Nguyên Đán nên nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao. Tuy vậy, với việc giá xăng dầu liên tục giảm trong năm vừa qua, đã tạo điều kiện cho cước vận tải giảm giá nên thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và đi lại trong dịp Tết Nguyên Đán.

  Ngày 7/2/2015 hãng Sun taxi, Chi nhánh Công ty TNHH H và H tại Quảng Bình khai trương dịch vụ taxi giá rẻ, kỳ vọng sẽ có nhiều lựa chọn cho nhu cầu đi lại của người dân.

Tổng doanh thu vận tải tháng 2 năm 2015 ước đạt 209,9 tỷ đồng, tăng 6,1% so tháng trước, ước 2 tháng đạt 407,8 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ. Trong tổng doanh thu, doanh thu vận tải hành khách tháng 2 năm 2015 ước đạt 43,1 tỷ đồng, tăng 12% so tháng trước, 2 tháng ước đạt 81,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 165,1 tỷ đồng, tăng 4,6% so tháng trước, 2 tháng ước đạt 322,9 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1,8 tỷ đồng, 2 tháng ước đạt 3,4 tỷ đồng, giảm 34,3% so cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 2 năm 2015 ước đạt 1.752 nghìn hành khách, tăng 12,7% so tháng trước, ước 2 tháng đạt 3.306,2  nghìn hành khách, tăng 6,5% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 2 ước đạt 78,4 triệu hk.km, tăng 10,8% so tháng trước, ước 2 tháng đạt 149,2 triệu hk.km, tăng 7,9% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 2 năm 2015 ước đạt 1.698 nghìn tấn, tăng 8% so tháng trước, 2 tháng ước đạt 3.271 nghìn tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 2 năm 2015 ước đạt 85,1 triệu tấn.km, tăng 8,4% so tháng trước, 2 tháng ước đạt 163,8 triệu tấn.km, tăng 7,2% so cùng kỳ.

Nhìn chung, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trong dịp tết tăng cao, nhưng hoạt động vận tải kho bãi đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sản xuất và dân cư, đảm bảo lưu thông thông suốt.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2014 - 2015, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nổ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ I đạt nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực công tác.

Kết thúc học kỳ I, toàn tỉnh có 159/159 xã phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; 8/8 huyện, thị xã, thành phố, với 157/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (tỷ lệ 98,74%); có 158/159 xã, phường, thị trấn (tỷ lệ 99,37%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Công tác vận động, huy động số lượng, duy trì sĩ số các cấp học được tiến hành tích cực. Số lượng học sinh bỏ học trong học kỳ I giảm so với cùng kỳ năm trước; có 289 em bỏ học, chiếm 0,19% (Tiểu học có 5 em bỏ học, chiếm 0,01%; THCS có 96 em bỏ học, chiếm 0,18%; THPT có 188 em bỏ học, chiếm 0,63%).

Giáo dục Mầm non

Mẫu giáo có 1.535 lớp, với 41.896 cháu, đạt tỷ lệ huy động 94,8%; huy động trẻ 5 tuổi ra lớp 15.696 em/583 lớp, đạt 99,8%  (trong đó, số trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp đạt 97,1%). Các đơn vị đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. 100% trẻ nhà trẻ bán trú bằng nhiều hình thức, trẻ mẫu giáo bán trú đạt 91,2% (tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước), 100% trường tổ chức bán trú sử dụng phần mềm dinh dưỡng tính khẩu phần và quản lý bữa ăn cho trẻ.

Ngày 05/01/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 12/QĐ-BGDĐT về việc công nhận tỉnh Quảng Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi tại thời điểm tháng 10/2014. Như vậy, Quảng Bình đã hoàn thành trước 1 năm trong thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học đã thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT. Chất lượng học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Số trường, số học sinh được học 2 môn tự chọn là tin học và ngoại ngữ tăng đáng kể so với năm học trước. Toàn tỉnh có 37.309 học sinh học tin học, 49.091 học sinh học Tiếng anh. Kết quả chất lượng giáo dục tiểu học:  Về năng lực: 98,55% học sinh đạt và 1,45% học sinh chưa đạt; về phẩm chất: 99,44% học sinh đạt và 0,56% học sinh chưa đạt.

Giáo dục trung học

Các trường THCS, THPT đã tổ chức đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tạo cho học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo... Trong học kỳ I năm học 2014-2015, kết quả xếp loại hai mặt khối THCS: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 69,9%, khá 25,8%, trung bình 4,2%, yếu 0,1%; về học lực, tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi đạt 13,5%, khá 36,9%, trung bình 42,7%, yếu 6,9%. Kết quả xếp loại hai mặt khối THPT: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 66,9%, khá 26,1%, trung bình 5,3%, yếu 1,7%; về học lực, tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi đạt 6,0%, khá 40,3%, trung bình 43,7%, yếu 9,8%, kém 0,2%.

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2014-2015 với thành tích đáng được ghi nhận. 58 em tham gia với 9 đội tuyển, kết quả có 32 em đạt giải (1 giải nhất, 1 giải nhì, 14 giải ba và 16 giải khuyến khích).

Giáo dục thường xuyên

Các Trung tâm giáo dục thường xuyên đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp thực hiện các chương trình xoá mù chữ, chuyên đề sau tiểu học, bổ túc THCS và bổ túc THPT; tư vấn có hiệu quả cho hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, củng cố kết quả phổ cập. Trong học kỳ I năm học 2014-2015, đã huy động được: 118 học viên học giáo dục thường xuyên cấp THCS, 590 học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT, xoá mù chữ cho 47 học viên/2 lớp.

Công tác liên kết đào tạo, đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng tiếp tục phát triển, quản lý chất lượng được chú trọng và chặt chẽ hơn, trong học kỳ I năm học 2014-2015 đã có: 1.724 học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, 1.411 học viên được cấp chứng chỉ tin học.

2. Công tác y tế

Để chủ động triển khai công tác phòng chống các loại dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong dịp Tết, Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, tập trung vào các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết như thịt và các sản phẩm từ thịt, thuỷ sản tươi sống, trứng, sữa tươi, rau quả tươi, mứt, hạt dưa, các loại nước chấm... Đã chỉ đạo các bệnh viện, trạm xá bố trí đầy đủ y, bác sĩ trực 24/24 giờ và cơ số thuốc để phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cấp cứu các tình huống kịp thời khi xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Các huyện, thị xã và thành phố đã tổ chức các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến. Vận động và hướng dẫn nhân dân quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh. Nhờ đó, trong tháng 1 và đầu tháng 2-2015 không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến ngày 8/2/2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 trường hợp sốt xuất huyết, 1 trường hợp tay - chân - miệng ở thành phố Đồng Hới. Các loại dịch bệnh khác như: Tả, Thương hàn, Viêm màng não do NMC, Viêm não vi rút, Cúm A (H5N1) chưa xảy ra trên các địa bàn của tỉnh. Công tác điều tra, giám sát cũng được thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết, đã triển khai tích cực các biện phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Tính đến hết tháng 1 năm 2015, tổng số bệnh nhân sốt rét được phát hiện và điều trị 891 người, số bệnh nhân sốt rét được điều trị khỏi bệnh 35 người, trong đó bệnh nhân sốt rét ác tính không có, không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Đã tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 2.795 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 1,1%.

3. Hoạt động văn hoá - thể thao

- Hoạt động văn hóa

Hướng tới kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2015) và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, tối 2/2/2015, UBND thành phố Đồng Hới tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi 2015”. Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các nghệ sỹ, ca sỹ trong nước và Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Bình. Các ca sỹ, diễn viên đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc, ý nghĩa, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi đất nước, quê hương Quảng Bình chịu thương, chịu khó. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như: “Đảng là cuộc sống của tôi”, “Đảng đã cho ta mùa xuân”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Thiêng liêng Việt Nam”, “Phố biển tình anh”... Chương trình đã thu hút đông đảo người dân đến xem, tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ dưới hình thức sinh hoạt theo chuyên đề, tọa đàm, hội thảo khoa học về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; tôn vinh người có công với Đảng, với cách mạng và phát động phong trào thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi 2015; tổ chức các đoàn đại biểu thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu.

Công tác quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường. Thanh tra Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát, kiểm tra công tác tuyên truyền, cổ động trực quan và buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan tháo dở các panô, băng rôn, ápphích đã hết thời hạn tuyên truyền, nội dung không còn phù hợp hoặc cũ nát để không làm ảnh hưởng tới mỹ quan trên địa bàn; kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa để nhân dân vui Tết, đón Xuân.

 Các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đã bố trí cán bộ trực cơ quan trong các ngày nghỉ Tết, bảo mật phòng gian, phòng chống cháy nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ đã nghỉ hưu thuộc cơ quan, đơn vị và tổ chức đón Xuân cho cán bộ nhân viên trong đơn vị vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.

Các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Bình, Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố đã liên tục đưa tin các hoạt động vui Xuân, đón Tết, đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Trước Tết Nguyên đán, Tạp chí Quảng Bình phát hành Tạp chí chủ đề Mừng Đảng - Mừng Xuân phục vụ kịp thời Tạp chí số Xuân Ất Mùi đến bạn đọc; Tạp chí Văn hóa đã ra số Tết với nhiều bài viết có chất lượng và hình thức đẹp phục vụ bạn đọc; tổ chức Hội báo xuân 2015; trưng bày sinh vật cảnh đã thu hút số lượng lớn người xem.

Các điểm du lịch như Động Phong Nha, Động Thiên Đường; các điểm di tích mang yếu tố tâm linh như Đền Liễu Hạnh Công chúa, Núi Thần Đinh, Hang Tám cô và mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp... được làm vệ sinh sạch sẽ phục vụ con em quê hương cũng như du khách thăm viếng.

Các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tại các địa bàn treo cờ Tổ quốc trong dịp Tết. Tỉnh đã giao cho UBND thành phố Đồng Hới tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa chào đón năm mới đảm bảo an toàn, tiết kiệm tại 2 điểm, gồm cầu Nhật Lệ và phía tây thành phố Đồng Hới. Các huyện, thị xã, thành phố đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai "Tết trồng cây" vào ngày mồng 6 Tết.

Hầu hết các thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh đều có kế hoạch để tổ chức dạ hội văn nghệ, hái hoa dân chủ. Hệ thống pano, cụm cổ động, cờ các loại được treo móc; hệ thống loa phát thanh được phát huy hiệu quả và đã tạo được không khí vui tươi dịp Tết, vừa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng đã đẩy mạnh hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động phục vụ nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Hoạt động thể dục thể thao

Chuẩn bị Tết Nguyên đán, các địa phương, đơn vị đã tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao như bóng chuyền, bóng đá và các môn thể thao truyền thống nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930- 03/02/2015) và chào mừng Tết Nguyên đán Ất Mùi. Các hoạt động thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã diễn ra sôi nổi, vui tươi và tiết kiệm, hướng về cội nguồn, phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

- An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 1 năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, giảm 4 vụ so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ 24 vụ, giảm 6 vụ; đường sắt 2 vụ, tăng 2 vụ so cùng kỳ; đường thuỷ không xảy. Số người chết do tai nạn giao thông 13 người, tăng 1 người, trong đó đường bộ chết 12 người; đường sắt chết 1 người. Số người bị thương do tai nạn giao thông 28 người, tăng 7 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 27 người; đường sắt 1 người.

- An toàn xã hội và pháp luật

Ngành Công an đã đồng loạt tổ chức lễ ra quân trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 (thời gian triển khai đợt cao điểm từ ngày 16/01/2015 - 15/3/2015). Trong đợt lễ ra quân, Ban Chỉ huy Công an các địa phương trong tỉnh đã huy động tối đa lực lượng để tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện những biện pháp nhằm chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các địa bàn, đối tượng, nhất là tập trung vào các tuyến đường và địa bàn trọng điểm của huyện, thị xã, thành phố. Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 1 năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ phạm pháp hình sự với 39 đối tượng phạm tội, so với tháng 1 năm 2014 số vụ giảm 21 vụ, đối tượng phạm tội giảm 25 người, đối tượng phạm tội chủ yếu là do uống rượu, gây gổ đánh nhau, trộm cắp tài sản công dân. Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 2 vụ với 4 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014 số vụ giảm 3 vụ và đối tượng vi phạm giảm 6 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 7 vụ với 12 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014 số vụ tăng 3 vụ và đối tượng vi phạm tăng 7 người.

5. Tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

Thực hiện Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, ngày 20/01/2015 UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Thực hiện nội dung Chỉ thị, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường. Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm đủ nguồn hàng nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để điều tiết kịp thời. Đồng thời đã tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, nhất là ở những khu vực, địa bàn trọng yếu, địa phương giáp biên giới; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương. Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác trong dịp Tết.

Để hỗ trợ kịp thời các hộ đói nghèo trong dịp Tết, ngày 06/02/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 335/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ với số lượng 1.000 tấn cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn; Trong đó: thành phố Đồng Hới: 50 tấn; huyện Minh Hóa: 180 tấn; huyện Tuyên Hóa: 170 tấn; huyện Quảng Trạch: 140 tấn; huyện Bố Trạch: 200 tấn; huyện Quảng Ninh: 50 tấn; huyện Lệ Thủy: 150 tấn; thị xã Ba Đồn: 60 tấn). Hiện tại các địa phương đang triển khai rà soát để kịp thời phân bổ số gạo nói trên theo đúng đối tượng.

Theo kế hoạch thăm tặng quà, toàn tỉnh có trên 55.241 suất quà với tổng trị giá trên: 13,738 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khách trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, trong đó: Quà của Chủ tịch Nước tặng các đối tượng chính sách 29.500 suất quà, trị giá: 6,2 tỷ đồng. Quà của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên và các đơn vị, doanh nghiệp tặng: 25.741 suất quà, trị giá trên 7,538 tỷ đồng./.

[Trở về]