THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THỐNG KÊ 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THỐNG KÊ

Ngay trong thời gian đầu cách mạng mới thành công, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ chống thù trong giặc ngoài, ngày 6 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Để ghi nhớ sâu sắc công ơn của Bác Hồ vĩ đại đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành thống kê, để phù hợp với thực tế lịch sử, và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngành Thống kê đã lấy ngày 6 tháng 5 năm 1946 là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam.

Đi cùng với lịch sử ngành Thống kê Việt Nam, ngành Thống kê Quảng Bình đã trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành. Từ khi mới thành lập (ngày 20 tháng 2 năm 1956) đến nay, đất nước và quê hương trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành thống kê Quảng Bình cũng đều cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo và quản lý của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp. Quá trình xây dựng và phát triển của ngành thống kê Quảng Bình có thể chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1956-1964:

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, miền Bắc bước vào giai đoạn cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ giải phóng miền Nam, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhà nước đã quyết định thành lập các cơ quan thống kê ở các địa phương. Ở tỉnh ta ngành thống kê được thành lập ngày 20/2/1956, cùng thời gian Thủ tướng ra Quyết định 695/TTg thành lập Cục Thống kê Trung ương trong Uỷ ban kế hoạch Nhà nước

Mô hình tổ chức được lập theo cấp hành chính: Ban thống kê tỉnh, phòng thống kê huyện và thống kê xã đều nằm trong văn phòng UBHC các cấp.

Ra đời trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc mới có hoà bình, tổ chức bộ máy còn sơ khai, số lượng cán bộ ít ỏi, Ban Thống kê tỉnh lúc thành lập chỉ có 4 người, mỗi huyện chỉ 1 đến 2 người, hầu hết từ cán bộ chính trị và quân đội chuyển sang chưa có chuyên môn nghiệp vụ thống kê. Tuy kinh nghiệm và trình độ còn non trẻ, nhưng động lực mãnh mẽ là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng đã tạo nên lòng nhiệt tình và ý chí phấn đấu vươn lên, vừa làm vừa học của những người làm công tác thống kê đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ. Thời kỳ 1958-1960, trước yêu cầu của công tác thống kê, tỉnh đã quyết định tăng cường thêm cán bộ cho ngành. Năm 1960, Ban thống kê được tách khỏi văn phòng UBHC tỉnh, thành cơ quan độc lập với tên gọi Chi cục thống kê. Số lượng cán bộ chi cục lúc này có 23 người được tổ chức theo các bộ phận chuyên môn khá đầy đủ và được phân công nhiệm vụ cụ thể. Cán bộ thống kê huyện cũng được tăng cường, mỗi huyện có 3 đến 4 người.

Nhiệm vụ thống kê giai đoạn này là cung cấp thông tin phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh mà trọng tâm là cải cách ruộng đất hình thành quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Thời kỳ 1961-1964 tập trung vào việc cung cấp thông tin cho việc xây dựng kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965.

Giai đoạn xây dựng và phát triển trong điều kiện đất nước có chiến tranh 1965-1975:

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng leo thang đánh phá miền Bắc, tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam với mức độ ngày càng ác liệt. Quảng Bình trở thành địa đầu của hậu phương lớn của tiền tuyến anh hùng, là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Cũng như cả nước giai đoạn này tỉnh Quảng Bình đồng thời làm 2 nhiệm vụ: vừa xây dựng phát triển kinh tế và chống chiến tranh phá hoại vừa làm nghĩa vụ hậu phương lớn cho miền Nam. Trong bối cảnh đó nhiệm vụ của thống kê Quảng Bình càng thêm khó khăn và nặng nề.

Ở Quảng Bình trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bị máy bay ném bom, tàu chiến bắn phá thường xuyên như cơm bữa nhất là các tuyến giao thông, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc hết sức khó khăn thiếu thốn. Nhưng cán bộ thống kê đã không quản khó khăn nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Nêu cao truyền thống quê hương “Hai giỏi”, trong khó khăn gian khổ, công tác thống kê tiếp tục mở rộng và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Thời kỳ cao điểm, số lượng cán bộ Chi cục thống kê lên đến 82 người. Cán bộ thống kê lúc này vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa sản xuất nông nghiệp (lúc thời vụ) vừa tham gia phục vụ chiến đấu. Công tác thống kê đã chuyển hướng hoạt động cho phù hợp tình hình thời chiến, vừa cải tiến phương pháp thu thập số liệu kinh tế - xã hội vừa thu thập thống kê các số liệu chiến tranh như: thống kê tình hình phục vụ chiến đấu, thống kê thiệt hại chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra, thống kê thành tích chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Thông tin thống kê phục vụ đắc lực đồng thời cả 2 mặt trận: chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Điều đáng ghi nhận trong thời kỳ này là vượt lên tất cả những khó khăn nguy hiểm, với tinh thần lạc quan, mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng phong trào thi đua yêu nước trong ngành được đẩy mạnh, đưa sự nghiệp thống kê phát triển nhiều mặt. Hệ thống chỉ tiêu thống kê kịp thời phục vụ chỉ đạo sản xuất, đời sống và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tổ chức nhiều cuộc điều tra chuyên đề, điều tra trọng điểm, các cuộc kiểm kê hàng hoá, vật tư để thu thập thông tin phục vụ các cơ quan quản lý.

Giai đoạn sát nhập tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1976-1989)

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất. Bộ máy thống kê tỉnh Bình Trị Thiên được hình thành với nồng cốt là cán bộ Chi cục thống kê Quảng Bình chuyển vào. Ngay từ những ngày đầu, đã phát huy tốt truyền thống quê hương, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thống kê Bình Trị Thiên. Nhiệm vụ công tác thông tin thống kê thời kỳ này tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh vùng mới giải phóng, khôi phục phát triển kinh tế sau chiến tranh cũng như phục vụ xây dựng, đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm: 1976-1980, 1981-1985, 1986-1990. Đặc biệt ngành đã triển khai một số cuộc điều tra và tổng kiểm kê để thu thập thông tin tình hình cơ bản phục vụ kiến thiết xây dựng quê hương, đất nước như: Tổng điều tra dân số năm 1979, điều tra và thống kê đất năm 1977- 1978, điều tra kê khai nhà ở năm 1977-1978.

Giai đoạn từ năm 1989 đến nay:

Tháng 7/1989, chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng bình trở lại địa giới và tên gọi cũ. Phần lớn cán bộ con em người Quảng Bình trở về thành lập Chi cục Thống kê Quảng Bình. Trong buổi đầu trở lại quê hương, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, nơi làm việc và chổ ăn ở của cán bộ viên chức đều phải mượn tạm. Mới đầu nằm trong UBKH tỉnh. Đến tháng 9/1989, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Cục Thống kê. Năm 1992 bộ máy thống kê được kiện toàn, thống nhất quản lý theo ngành dọc từ tỉnh đến huyện.

Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng 3

Từ khi chia tách tỉnh cũng là thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, truyền thống “Hai giỏi” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ý thức tự lực tự cường của quê hương được phát huy mạnh mẽ, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế, cơ sở vật chất, kỷ thuật được tăng cường đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều mặt. Trong thành quả chung có sự đóng góp xứng đáng của ngành Thống kê. Công tác thống kê đã đổi mới nhiều mặt và thu được những kết quả khả quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Với ý thức trách nhiệm cao của cán bộ viên chức toàn ngành trước nhiệm vụ chính trị được giao, ngành thống kê luôn bám sát thực tiễn, cải tiến phương pháp công tác đã đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước các cấp các ngành trong công tác lãnh đạo quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

Bước sang thời kỳ đổi mới, ngành đã quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, từng bước đổi mới công tác. Đã nghiên cứu và chuyển từ hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, nặng về các chỉ tiêu hiện vật, chủ yếu phục vụ quản lý vi mô, sang hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ quản lý điều hành cấp vĩ mô trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung nhiều chỉ tiêu giá trị và nhiều yêu cầu đa dạng khác.

Nội dung, phương pháp thống kê cũng có nhiều đổi mới để phù hợp với chuyển đổi cơ chế quản lý và từng bước hoà nhập với thống kê khu vực và quốc tế: chuyển đổi từ hệ thống phương pháp luận thống kê bảng cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), triển khai thu thập thông tin tính chỉ số giá tiêu dùng, bổ sung nhiều chỉ tiêu chất lượng... Đã đổi mới về hình thức cũng như phương thức thu thập, xử lý, cung cấp thông tin. Phương pháp thu thập thông tin được áp dụng một cách linh hoạt phù hợp với các thành phần kinh tế, vừa áp dụng chế độ báo cáo thống kê định kỳ được nhà nước ban hành, đồng thời tăng cường áp dụng phương pháp điều tra thống kê (bao gồm điều tra toàn bộ, điều tra chọn mẫu). Ngành Thống kê đã hoàn thiện việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu Thống kê Quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quyết định số 305/2005/QĐ-TTG ngày 24/11/2005 đáp ứng các thông lệ quốc tế. Với phương pháp thu thập thông tin đa dạng đó cho phép ngành thống kê nắm bắt được tình hình một cách toàn diện và nhanh nhạy, phù hợp với cơ chế thị trường. Hệ thống thông tin thống kê ngày càng hoàn thiện, phản ánh đầy đủ hơn tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê từng bước được tăng cường và hoàn thiện với việc ban hành Luật Thống kê, nghị định 14/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thống kê đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động thống kê trong cơ chế thị trường. Ý thức của các tổ chức và cá nhân về công tác thống kê được nâng lên.

Thống kê Quảng Bình đã xây dựng được cơ quan là đơn vị có chuyên môn vững vàng, nội bộ đoàn kết, cán bộ có tinh thần trách nhiệm. Trong thời gian qua thống kê Quảng Bình đã cung cấp thông tin thống kê, phục vụ việc đánh giá thực trạng tình hình kinh tế- xã hội hàng tháng, quý, năm và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài số liệu thống kê định kỳ, ngành còn thực hiện nhiều cuộc điều tra lớn. Thông qua đó đã giúp cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương có cơ sở khoa học, thực tiễn đề ra chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ghi nhận những kết quả phấn đấu và thành tích đã đạt được của ngành Thống kê tỉnh Quảng Bình, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc cho Cục Thống kê nhiều năm liên tục từ 1996 đến nay, nhiều bằng khen của Tổng cục Thống kê và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho các tập thể và cá nhân trong ngành, đặc biệt năm 2001 ngành vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng ba.

[Trở về]