THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2020 tỉnh Quảng Bình 

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Triển khai gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2020 khá thuận lợi, các loại cây trồng thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo lịch thời vụ đề ra và cơ bản gieo trồng hết diện tích. Đến nay, các loại cây trồng vụ Đông Xuân đã kết thúc gieo trồng. Quy mô diện tích cây hàng năm vụ Đông Xuân năm nay tương đương vụ Đông Xuân năm trước, một số cây trồng tăng, đặc biệt là cây rau các loại, cây gia vị cho hiệu quả kinh tế cao tăng khá.

Ước tính diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 54.950,6 ha, so với vụ Đông Xuân năm trước tăng 0,6%. Cụ thể như sau:

- Cây lúa: Diện tích cây lúa thực hiện 29.613 ha, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4% so với kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm nay. Cụ thể diện tích lúa của các địa phương: Đồng Hới 881 ha, Ba Đồn 2.658 ha, Minh Hóa 473 ha, Tuyên Hóa 1.486 ha, Quảng Trạch 3.500 ha, Bố Trạch 5.185 ha, Quảng Ninh 5.200 ha, Lệ Thủy 10.230 ha.

Nhìn chung, cây lúa phát triển tốt nhờ thời tiết thuận lợi, lúa trà đầu một số nơi đã thu hoạch; trà muộn đang làm đòng. Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, trên địa bàn Quảng Bình đã có mưa to và gió lớn xảy ra từ chiều ngày 11 đến 13/4 làm rạp đổ nhiều diện tích tại một số nơi của các huyện Quảng Trạch, Ba Đồn, Tuyên Hóa,...

- Cây trồng khác: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác thực hiện 4.028 ha, tăng 2,1%; cây lấy củ có chất bột 9.312 ha, tăng 1,3%; cây mía 215 ha tăng 3,9%; cây thuốc lá, thuốc lào 2,9 ha; cây lấy sợi 1,2 ha; cây có hạt chứa dầu 4.390 ha, tăng 0,2%; cây rau, đậu và các loại hoa 4.878 ha, tăng 1,4%; cây hàng năm khác 2.510,5 ha, tăng 0,7% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Thời tiết chuyển mùa nên sâu bệnh gây hại cây trồng đã xuất hiện hầu hết ở các địa phương. Trên cây lúa, các đối tượng gây hại chủ yếu là chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đạo ôn lá, bệnh đốm nâu. Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu, bệnh khô vằn. Trên cây lạc xuất hiện bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng. Trên cây rau, xuất hiện sâu ăn lá,…

b. Chăn nuôi

Nhờ chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Đàn gia súc, tăng nhẹ sau tết Nguyên đán; đàn gia cầm, đặc biệt đàn gà phát triển nhanh. Chăn nuôi lợn đang có xu hướng tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế; chăn nuôi trâu, bò trong các doanh nghiệp đang từng bước phát triển khá về quy mô đàn; chăn nuôi gia cầm tăng cao nhằm thay thế thực phẩm thịt lợn. 

Ước tính đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 1/4/2020:

- Đàn trâu 35.120 con, tăng 1,2% so với cùng kỳ;

- Đàn bò 105.320 con, tăng 1,2% so với cùng kỳ;

- Đàn lợn 310.240 con, giảm 6,0% so với cùng kỳ;

- Đàn gia cầm 3.820 ngàn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ; riêng đàn gà 3.210 ngàn con, tăng 9,6%.

Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay đàn lợn đang trong quá trình phục hồi, tuy nhiên tốc độ còn chậm, một phần do người dân chưa yên tâm vì lo dịch có thể bùng phát trở lại, mặt khác một số địa phương do khó khăn về nguồn giống. Giá thịt lợn hơi thời điểm hiện nay rất cao, tiêu thụ thuận lợi, người chăn nuôi có lãi lớn. Riêng đàn gà do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ gặp khó khăn, giá giảm mạnh.

Ước tính sản lượng sản phẩm chăn nuôi chủ yếu xuất chuồng tháng 4 đạt 5.712 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,4%. Cụ thể: thịt trâu 172 tấn, tăng 4,2%; thịt bò 480 tấn, tăng 9,1%; thịt lợn 3.450 tấn, giảm 6,3%; thịt gia cầm 1.610 tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm sản lượng sản phẩm chăn nuôi chủ yếu xuất chuồng đạt 29.252 tấn, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,3%. Cụ thể: thịt trâu 912 tấn, tăng 3,1%; thịt bò 2.890 tấn, tăng 5,1%; thịt lợn 17.560 tấn, giảm 7,2%; thịt gia cầm 7.890 tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ bùng phát; tiếp tục thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung,… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

2. Lâm nghiệp

Từ đầu năm đến nay, các chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán và triển khai công tác phòng, chống cháy rừng. Công tác kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng tiếp tục được cơ quan chức năng tăng cường, trong đó chú trọng là các khu vực trọng điểm.

Trong tháng 4 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ dăm gỗ khó khăn hơn nên các nhà máy chế biến gỗ hạn chế thu mua gỗ nguyên liệu, do vậy các hộ có rừng giảm sản lượng khai thác. Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 4 thực hiện 20.500 m3, giảm 48,0%; 4 tháng đầu năm thực hiện 93.000 m3, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi tháng 4 khai thác 15.400 ste, giảm 38,1%; 4 tháng đầu năm khai thác 80.400 ste, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc 4 tháng thực hiện là 7.710 ha, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, thời tiết bắt đầu nắng nóng nên công tác phòng, chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện sớm.

3. Thuỷ sản

Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 4 đạt 7.834,3 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; 4 tháng đầu năm đạt 21.415,4 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

a. Khai thác

Mặc dù giá hải sản giảm do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn nhưng nhờ giá nhiên liệu giảm mạnh và thời tiết thuận lợi nên tàu thuyền tiếp tục khai thác ổn định, theo đó sản lượng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính tháng 4 sản lượng khai thác đạt 7.116,5 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm sản lượng khai thác đạt 18.992,9 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 4 tháng chia theo nhóm sản phẩm: cá các loại 16.499,1 tấn, tăng 7,4%; tôm các loại 331,7 tấn, tăng 4,8%; thuỷ sản khác 2.162,1 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Khai thác biển: Ước tính sản lượng 4 tháng đạt 18.020,4 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo nhóm sản phẩm: cá các loại 15.965,6 tấn, tăng 7,5%; tôm các loại 230,3 tấn, tăng 4,9%; thủy sản khác 1.824,5 tấn, tăng 4,9%.

- Khai thác nội địa: Ước tính sản lượng 4 tháng đạt 972,5 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo nhóm sản phẩm: cá các loại 533,5 tấn, tăng 4,6%; tôm các loại 101,4 tấn, tăng 4,5%; thủy sản khác 337,6 tấn, tăng 3,2%.

b. Nuôi trồng

Ước tính tháng 4 sản lượng thủy sản thu hoạch thực hiện 717,8 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm sản lượng nuôi trồng thu hoạch 2.422,5 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 4 tháng chia theo nhóm sản phẩm: cá các loại 1.690,8 tấn, tăng 5,8%; tôm các loại 651,9 tấn, tăng 1,7%; thủy sản khác 79,8 tấn, tăng 3,5% .

Sản lượng nuôi trồng trong tháng 4 đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường thiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, do đó các hộ nuôi chưa thu hoạch nhiều. Dự kiến sang tháng 5, sản xuất - kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, các hộ nuôi trồng sẽ thu hoạch nhiều hơn. Hiện tại, các hộ nuôi củng cố đê bao, nạo vét xử lý ao hồ để chuẩn bị vụ nuôi đầu tiên trong năm 2020.

4. Công nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do thị trường tiêu thụ khó khăn. Do đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 và 4 tháng năm 2020 tăng trưởng thấp. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tháng 4/2020 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 1,8% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (năm 2019 tăng 6,0%). Cụ thể các ngành như sau:

- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng 4 tháng đầu năm tăng 5,3%. Đây là nhóm ngành ít chịu sự ảnh hưởng của dịch. Cụ thể: khai thác quặng kim loại tăng 5,4%; khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 5,3%.

- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của các ngành kinh tế cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu như sau:

+ Ngành chế biến thực phẩm, chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm tăng 2,4%. Trong ngành chế biến thực phẩm, nhóm ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng thấp do các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn đã ngừng sản xuất vì hết mùa vụ sắn; nhóm chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng thấp so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc,… giảm mạnh;

+ Ngành sản xuất trang phục, do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm may mặc trang phục giảm, các đơn đặt hàng tạm dừng nên một số doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang phòng chống dịch, chỉ số sản xuất ước tính tháng 4 giảm 1,8% so với tháng trước; tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,6% so với cùng kỳ;

 + Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, với những năng lực hiện có thì đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nổi bật trong nhóm ngành chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ dăm gỗ có xu hướng giảm, các đơn đặt hàng ít hơn, các doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất, chỉ số sản xuất ước tính tháng 4 giảm 1,8% so với tháng trước; tính chung 4 tháng đầu năm tăng 8,5% so với cùng kỳ.

+ Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,9%, đây là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất vẫn duy trì bình thường, tốc độ tăng trưởng khá.

Bên cạnh những ngành có tốc độ tăng khá và có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp, vẫn còn một số ngành có tốc độ tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, cụ thể:

+ Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,9%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,7%. Nguyên nhân do sản phẩm Colophan và nhựa thông giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, giá thành sản phẩm cao, nhưng giá bán ra trên thị trường lại giảm, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, doanh nghiệp hạn chế sản xuất;

+ Ngành sản xuất đồ uống giảm 34,9% so với cùng kỳ. Giảm chủ yếu ở nhóm ngành sản xuất bia, do sản phẩm bia gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ; bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh;

- Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện 4 tháng đầu năm tăng 4,4% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất và phân phối điện luôn đảm bảo đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất, sử dụng của doanh nghiệp và người dân.

- Ngành cung cấp nước vẫn duy trì ổn định, chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 4 tháng đầu năm tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước: Sản phẩm cao lanh đạt 21.496 tấn, giảm 2%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 92,2 triệu viên, tăng 9,2%; áo sơ mi đạt 4,0 triệu cái, giảm 6,3%; dăm gỗ đạt 116.332 tấn, giảm 0,4%; clinker thành phẩm đạt 1,2 triệu tấn, tăng 6,5%; đá xây dựng đạt 1,0 triệu m3, tăng 5,8%; nước máy thương phẩm đạt 2,9 triệu m3, tăng 6,6%; xi măng đạt 564.381 tấn, tăng 3,4%; điện thương phẩm đạt 273 triệu kwh, tăng 4,2%; sản phẩm tinh bột sắn do hết mùa vụ, tháng 4 tạm ngừng sản xuất, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 3.487 tấn, tăng 2,9%.

5. Vốn đầu tư

Mặc dù triển khai thực hiện vốn đầu tư trong tháng 4 gặp khó khăn do tình hình dịch Covid-19, tuy nhiên các nhà thầu, đơn vị thi công, chủ đầu tư đã chủ động về  quản lý và phối hợp với chính quyền trong việc thi công các công trình nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Người lao động của các đơn vị thi công chấp hành tốt các quy định theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch.

Vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước tính thực hiện 261,8 tỷ đồng, giảm 9,4% so với tháng trước và giảm 10,7% so với tháng cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách trung ương quản lý 66,3 tỷ đồng, giảm 26,9%; vốn ngân sách địa phương quản lý 195,5 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 4 tháng đầu năm, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 1.033,6 tỷ đồng, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 744,5 tỷ đồng, tăng 7,2%; nguồn vốn vay 242,6 tỷ đồng, giảm 6,1%; nguồn vốn tự có 18,3 tỷ đồng, tăng 1,8%; nguồn vốn viện trợ 28,2 tỷ đồng, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 4 tháng năm 2020 phân theo ngành kinh tế như sau: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 60,6 tỷ đồng, giảm 8,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 36,4 tỷ đồng, giảm 13,6%; ngành sản xuất và phân phối điện 13,1 tỷ đồng, tăng 0,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 16,4 tỷ đồng, giảm 10,3%; ngành thương nghiệp 13 tỷ đồng, giảm 25,8%; ngành vận tải kho bãi 628,4 tỷ đồng, tăng 6,7%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 9,4 tỷ đồng, giảm 31,8%; ngành thông tin truyền thông 5,5 tỷ đồng, tăng 2,4%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 26,1 tỷ đồng, giảm 2,5%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 8,4 tỷ đồng, giảm 14,3%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước 64,6 tỷ đồng, tăng 4,5%; ngành giáo dục và đào tạo 65,5 tỷ đồng, tăng 13,9%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 57,5 tỷ đồng, tăng 12,5%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí 12 tỷ đồng, giảm 13,8%; ngành hoạt động dịch vụ khác 10 tỷ đồng, giảm 11,2%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng 6,26 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn chung, trong những tháng đầu năm các công trình thuộc nguồn vốn Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu chuyển tiếp từ năm 2019 của các công trình thuộc ngành giao thông; y tế; giáo dục và đào tạo; quản lý nhà nước. Các gói thầu thuộc các công trình/dự án mới năm 2020 đang triển khai bố trí vốn nhằm đảm bảo triển khai đúng tiến độ thi công công trình, chất lượng và kỹ thuật. Bên cạnh đó, các nhà thầu, chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, hồ sơ đấu thầu các công trình mới trong năm 2020 đã được phân bổ vốn và một số công trình đang trong quá trình bàn giao và giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện sau khi đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ đấu thầu.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị đóng cửa, tạm dừng sản xuất kinh doanh; nhiều lao động không có việc làm nên không có thu nhập; người dân hạn chế mua sắm nơi công cộng, khách du lịch giảm đã làm cho sức mua giảm mạnh. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, nhiều người dân sử mua hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhìn chung, trong thời gian dịch, hàng hoá cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, đẩy giá lên.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 2.455,3 tỷ đồng, giảm 22,2% so với tháng trước và giảm 20,5% so với cùng kỳ. Ước tính 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 12.487,2 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ.

Xét theo các nhóm ngành hàng: Nhóm bán lẻ ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống tháng 4 giảm 31,7% so với tháng trước và giảm 34,0% so với cùng kỳ, nguyên nhân giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên xe tiêu thụ khó khăn; 4 tháng giảm 2,5% so với cùng kỳ. Nhóm bán lẻ mô tô, xe máy tháng 4 giảm 47,1% so với tháng trước và giảm 39,9% so với cùng kỳ; 4 tháng giảm 1,4% so với cùng kỳ. Nhóm bán lẻ lương thực, thực phẩm tháng 4 giảm 14,3% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ, đây là nhóm có mức giảm ít nhất do đây là nhu cầu tối thiểu của người dân; ước tính 4 tháng tăng 0,6% so với cùng kỳ. Nhóm bán lẻ phương tiện đi lại (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) và phụ tùng tháng 4 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 20,0% so với cùng kỳ, nguyên nhân tăng do nhu cầu mua xe đạp nâng cao sức khoẻ tăng trong mùa dịch; ước tính 4 tháng tăng 15% so với cùng kỳ. Nhóm bán lẻ xăng, dầu các loại tháng 4 giảm 43,7% so với tháng trước và giảm 53,6% so với cùng kỳ, nguyên nhân do giá xăng giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm qua và người dân hạn chế đi lại; ước tính 4 tháng giảm 14,3% so với cùng kỳ.

b. Dịch vụ lưu trú, ăn uống

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động thời gian khá dài. Đây là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19. Đến ngày 23/4/2020, dịch vụ ăn uống, lưu trú đã bắt đầu trở lại hoạt động.

- Dịch vụ lưu trú

Ước tính doanh thu lưu trú tháng 4 đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 64,8% so với tháng trước và giảm 86,5% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 57,2 tỷ đồng, giảm 42,9% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 4 ước tính đạt 11.065 lượt khách, giảm 68,6% so với tháng trước và giảm 86,7% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 157.560 lượt khách, giảm 42,7% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 4 ước tính đạt 850 lượt khách, giảm 83,1% so với tháng trước và giảm 94,4% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 28.348 lượt khách, giảm 48,6% so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 4 ước tính đạt 11.804 ngày khách, giảm 67,2% so với tháng trước và giảm 88,9% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 175.344 ngày khách, giảm 47,7% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 4 ước tính đạt 87,9 tỷ đồng, giảm 50,7% so với tháng trước và giảm 73,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 872,1 tỷ đồng, giảm 34,0% so với cùng kỳ. Đây là ngành vừa chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 vừa bị ảnh hưởng của Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

c. Dịch vụ lữ hành

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động đón tiếp khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh kể từ ngày 17/3/2020, các hoạt động lữ hành trên địa bàn ngừng hẵn trong tháng 4. Bốn tháng doanh thu hoạt động lữ hành ước tính đạt 45,6 tỷ đồng, giảm 56,0% so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch lữ hành 4 tháng ước tính đạt 102.900 lượt khách, giảm 57,2% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế lữ hành 4 tháng ước tính đạt 27.601 lượt khách, giảm 51,2% so với cùng kỳ.

d. Dịch vụ khác

Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 4 đạt 61,6 tỷ đồng, giảm 36,1% so với tháng trước và giảm 52,7% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 420,3 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ.

Xét theo từng nhóm ngành dịch vụ khác như sau:

Nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 25,3% so với tháng trước và giảm 50,3% so với cùng kỳ 4 tháng giảm 24,6% so với cùng kỳ. Nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 28,6% so với tháng trước, giảm 59,3% so với cùng kỳ; 4 tháng giảm 29,8% so với cùng kỳ. Nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 67,7% so với tháng trước và giảm 71,6% so với cùng kỳ; 4 tháng giảm 17,6% so với cùng kỳ. Nhóm dịch vụ nghệ thuật vui chơi giải trí là nhóm giảm sâu nhất trong tháng này do thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc quyết liệt, thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đã tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Nhóm dịch vụ khác giảm 46,1% so với tháng trước và giảm 59,0% so với cùng kỳ; ước tính 4 tháng giảm 18,1% so với cùng kỳ.

e. Hoạt động vận tải

Thực hiện hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn. Theo đó, cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn khu vực này sang địa bàn khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt. Do vậy hoạt động vận tải tháng 4/2020 giảm sâu so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải tháng 4 ước tính đạt 216,6 tỷ đồng, giảm 26,8% so với tháng trước, giảm 33,7% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 1.191,7 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách tháng 4 ước tính đạt 29,5 tỷ đồng, giảm 39,4% so với tháng trước, giảm 45,3% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 189,5 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 160,2 tỷ đồng, giảm 25,2% so với tháng trước, giảm 32,4% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 869,3 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4 ước tính đạt 26,9 tỷ đồng, giảm 18,1% so với tháng trước, giảm 25,1% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 132,8 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 4 ước tính đạt 1,3 triệu hành khách, giảm 35,4% so với tháng trước, giảm 43,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 8,0 triệu hành khách, giảm 9,8% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 4 ước tính đạt 59,0 triệu hk.km, giảm 34,7% so với tháng trước, giảm 41,5% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 357,3 triệu hk.km, giảm 12,6% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 1,4 triệu tấn, giảm 25,8% so với tháng trước, giảm 36,1% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 8,0 triệu tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 4 ước tính đạt 74,8 triệu tấn.km, giảm 24,7% so với tháng trước, giảm 33,4% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm đạt 411,0 triệu tấn.km, giảm 10,8% so với cùng kỳ.

f. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số đô la Mỹ

* Chỉ số giá tiêu dùng

          Tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh so với tháng trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng tiêu thụ khó khăn nên giảm giá bán; giá xăng, dầu điều chỉnh giảm mạnh liên tiếp góp phần làm cho chỉ số giá nhóm giao thông giảm 12,38% so với tháng trước; giá gas tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu 41.000 đồng/bình 12kg, giảm 11,68% so với tháng trước; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,16% do giá xăng dầu giảm mạnh tác động giảm đến chi phí vận chuyển.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2020 giảm 1,35% so với tháng trước; tăng 1,50% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,49% so với tháng 12 năm trước; tăng 17,81% so với kỳ gốc 2014. Chỉ số giá bình quân 4 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,21% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 2,80%; nhóm dịch vụ tăng 6,19%).

  Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm giảm, 2 nhóm tăng và 5 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: nhóm giao thông giảm 12,38%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,16%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,47%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,05%; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số không đổi so với tháng trước.

         * Chỉ số giá vàng 99,99%

         Giá vàng trong tỉnh có chiều hướng tăng theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 4/2020 giá vàng tăng 1,61% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,54 triệu đồng/chỉ, so với kỳ gốc 2014 tăng 37,99%, so với cùng kỳ năm trước tăng 24,56% và so với tháng 12 năm trước tăng 9,93%. Bình quân 4 tháng chỉ số giá vàng tăng 20,89% so với cùng kỳ năm trước.

  * Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ tháng 4 có giá bình quân 23.361 đồng/USD, tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 6,99% so với kỳ gốc 2014, tăng 0,91% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,07% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 4 tháng chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước. 

7. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a. Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng năm 2020 ước tính thực hiện 1.811,2 tỷ đồng, đạt 32,9% so với dự toán địa phương, tăng 44,8% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 1.744,2 tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán địa phương, tăng 39,8% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 67 tỷ đồng, đạt 22,3%  dự toán địa phương, tăng  41,9% so với cùng kỳ.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 4 tháng năm 2020 so vi d toán năm: có 3/15 khoản thu đạt tiến độ 33,3% dự toán cả năm, là thuế thu nhập cá nhân; thu tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; còn lại 12 khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm là thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu từ công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế bảo vệ môi trường; thu lệ phí trước bạ; thu phí và lệ phí; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; xổ số kiến thiết; thu khác ngân sách; thu hoa lợi công sản.

 So với cùng kỳ: có 6/15 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương; thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; Thuế thu nhập cá nhân; thu tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thu hoa lợi công sản; còn lại 9 khoản thu giảm so với cùng kỳ, đó là: Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; Thuế bảo vệ môi trường; thu Lệ phí trước bạ; thu phí và lệ phí; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu xổ số kiến thiết; thu khác ngân sách. 

           b. Tín dụng

         - Lãi suất: Trong tháng 4, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định lãi suất ban hành theo Quyết định số 419/QĐ-NHNN và Quyết định số 420/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 15/4/2020, các mức lãi suất như sau: 

          Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1 - 0,5% đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng (giảm 0,1% so tháng trước); từ 4,0 - 4,75%/năm đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (giảm 0,1 - 0,5%/năm so với tháng trước); từ 5,1 - 7,8%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng (giảm 0,1 - 0,2%/năm so với tháng trước) và đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên là từ 6,6 - 7,9%/năm (giảm 0,2-0,3%/năm so với tháng trước).

          Lãi suất cho vay: Đối với các lĩnh vực ưu tiên, một số ngân hàng thương mại tiếp tục giảm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay mức phổ biến từ 5,0% - 5,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, từ 9 - 9,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay thông thường từ 6,5-9,5% đối với cho vay ngắn hạn, từ 9,0 - 11,5%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Hiện nay một số ngân hàng trên địa bàn đã giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với mức giảm từ 0,5-2,0%/năm.

- Huy động vốn: Đến 31/3/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 43.540 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 2,2% so với đầu năm. Ước tính đến cuối tháng 4/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 43.690 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,5% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng: Đến 31/3/2020, tổng dư nợ đạt 55.408 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước và giảm 0,3% so với đầu năm. Các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa,… được đáp ứng. Ước tính đến cuối tháng 4/2020, dư nợ đạt 55.950 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước và tăng 0,6% so với đầu năm.

- Nợ xấu: Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến 29/02/2020 nợ xấu nội bảng 958 tỷ đồng, chiếm 1,75% tổng dư nợ cho vay.

         - Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng (số liệu 31/3/2020):

+ Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ: Đã giải ngân 87 hợp đồng tín dụng, số tiền giải ngân 988,9 tỷ đồng; dư nợ 877,8 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là 415 tỷ đồng, chiếm 47,3% dư nợ cho vay theo chương trình.

+ Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: 165.648 khách hàng, dư nợ 27.285 tỷ đồng, chiếm 49,2% tổng dư nợ.

+ Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai 21 chương trình cho vay, dư nợ cho vay 3.316 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng dư nợ.

          II. XÃ HỘI

1. Giáo dục

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trong cộng đồng, tỉnh đã chủ động cho học sinh, học viên giáo dục thường xuyên tiếp tục nghỉ học để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo, đơn vị trực thuộc, trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh,… tiếp tục cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT và học viên giáo dục thường xuyên kéo dài thời gian nghỉ học đến khi có thông báo mới. 

Để thực hiện việc cách ly toàn xã hội theo yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quán triệt của cấp trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan giáo dục, các trường học, cơ sở giáo dục bố trí cán bộ trực xử lý công việc theo quy định, không tập trung đông người; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trường học. Trong thời gian dịch đang diễn biến phức tạp, Sở yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh toàn tỉnh hạn chế tối đa việc đi lại, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Các đơn vị trong toàn ngành căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để xem xét thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, trao đổi công việc thông qua hệ thống email công vụ, mạng xã hội hoặc các hình thức phù hợp khác, nhưng phải bảo đảm hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh phải chấp hành nghiêm chỉnh việc cách ly y tế khi có yêu cầu của cơ quan chức năng; đồng thời thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành Y tế tìm ra các trường hợp cần chú ý để bảo đảm phòng chống dịch một cách chủ động, nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Khuyến cáo đội ngũ giáo viên và học sinh tuyệt đối không đưa tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, gây hoang mang dư luận về tình hình dịch bệnh Covid-19. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, chuẩn bị các điều kiện để học sinh tham gia học trực tuyến trên truyền hình và qua internet theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ  Giáo dục và Đào tạo trong thời gian nghỉ học dài ngày.

Để tổ chức hiệu quả việc học trên truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học thông báo rộng rãi lịch phát sóng dạy học trên truyền hình của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh được biết. Đồng thời, xây dựng kế hoạch dạy học để giáo viên chủ động tương tác được với học sinh và gia đình học sinh trong việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh trước khi phát sóng và thu lại kết quả học tập sau khi học sinh học trên truyền hình. Đã chỉ đạo các trường và cơ sở giáo dục khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ những học sinh không có thiết bị (tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh) hoặc có thiết bị nhưng không thể tiếp sóng truyền hình VTV7 để có biện pháp khắc phục, giúp đỡ bằng các hình thức như: tải bài giảng ghi lên các loại thiết bị nhớ (đĩa CD, flash disk) và cung cấp cho học sinh để các em có thể học lại qua đầu đọc đĩa hoặc máy tính; có biện pháp huy động tối đa các thiết bị tiếp sóng mà các đơn vị và các cơ quan, tổ chức,… lân cận hiện có để cho học sinh mượn phục vụ hoạt động học tập trong thời gian học trên truyền hình; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch dạy học để bảo đảm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Sở đã lưu ý các nhà trường, việc dạy học trên truyền hình theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo là dạy kiến thức mới. Vì vậy, các đơn vị phải triển khai khẩn trương và nghiêm túc nhằm bảo đảm tối đa học sinh được tham gia học tập. Đối với các khối lớp và các môn còn lại, các đơn vị tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến và hướng dẫn học sinh tự ôn tập kiến thức theo hướng dẫn.

 Nhằm hỗ trợ học sinh cả nước trong thời gian học tập ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức phát sóng Chương trình dạy học trên truyền hình bắt đầu học trực tuyến tuần đầu từ ngày 13/4 - 18/4/2020 học sinh khối 9 và khối 12 trong toàn tỉnh qua truyền hình trên kênh VTV7. Trong đó, khối 12 học 9 môn liên quan đến thi tốt nghiệp THPT quốc gia (văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân và tiếng Anh); khối 9 học 3 môn: văn, toán và tiếng Anh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, đối với những đơn vị đã có phương án dạy học trực tuyến tốt (bảo đảm 100% học sinh được học) thì có thể duy trì phương án đó khi dạy học kiến thức mới (sao cho nội dung dạy học đầy đủ theo chương trình quy định) không nhất thiết phải tổ chức cho học sinh học trên truyền hình. Riêng môn Tiếng Anh, ở tỉnh Quảng Bình đang thực hiện dạy học theo 2 chương trình (Tiếng Anh 7 năm và 10 năm). Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức phát sóng chương trình 10 năm. Vì vậy, các đơn vị đang thực hiện chương trình 7 năm tự tổ chức dạy học trực tuyến bằng các hình thức khác. Nếu các đơn vị không thể tự thực hiện được việc dạy học chương trình 7 năm thì vẫn tổ chức cho học sinh học chương trình 10 năm trên truyền hình; sau khi học sinh đi học trở lại, các đơn vị tiếp tục bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng.

2. Y tế

a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 110 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 154 trường hợp tiêu chảy; 11 trường hợp thủy đậu; 4 trường hợp quai bị; 510 trường hợp cúm; 6 trường hợp lỵ trực trùng; 1 trường hợp sởi; 3 trường hợp sốt rét trong đó có 1 trường hợp tử vong; 1 trường hợp lỵ amip; 1 trường hợp lao phổi. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/3/2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 837 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 502 trường hợp tiêu chảy; 4 trường hợp viêm gan vi rút khác; 35 trường hợp thủy đậu; 9 trường hợp quai bị; 1.641 trường hợp cúm; 2 trường hợp lao phổi; 13 trường hợp lỵ trực trùng; 7 trường hợp sởi; 8 trường hợp sốt rét trong đó có 1 trường hợp tử vong (bệnh nhân là lao động ở Lào về Việt Nam ngày 29/3/2020 tại cửa khẩu Cha Lo); 2 trường hợp lỵ amip; 12 trường hợp viêm gan virut khác.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện xét nghiệm các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 về việc thực hiện xét nghiệm Covid-19; Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ những người đang thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; đảm bảo 100% trường hợp trước khi hoàn thành thời gian cách ly (14 ngày) phải được xét nghiệm Covid-19. Đối với các trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm thì kéo dài thời gian cách ly tập trung (quá 14 ngày) để chờ kết quả xét nghiệm khẳng định trước khi quyết định hết thời gian cách ly tập trung. Theo báo của cáo Sở Y tế tỉnh, tính đến 17h ngày 19/4/2020, tổng số hiện đang cách ly tập trung tại tỉnh 44 người; trong đó: tại Trường Quân sự tỉnh 37 người, Đồn Biên phòng Ra Mai 2 người, Bệnh viện ĐKKV Bắc Quảng Bình 3 người, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba 2 người. Tổng số hoàn thành cách ly tập trung 3.055 người; tổng số mẫu xét nghiệm 2.342, cho kết quả âm tính có 2.286 người và đang chờ kết quả 56 người. Tổng số theo dõi, cách ly tại nhà trên địa bàn tỉnh là 5.965 người; trong đó ít hơn 14 ngày là 792 người.

Các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid, nhất là các biện pháp để thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh. Đối với việc tổ chức thực hiện cách ly tập trung, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đảm bảo hoạt động vệ sinh phòng bệnh, xử lý chất thải… tại khu tập trung tránh phát sinh dịch bệnh khác; tăng cường công tác an ninh, an toàn tại khu cách ly tập trung; công nhận hết cách ly tập trung và thực hiện dịch vụ vận chuyển bà con về địa phương nơi cư trú theo nguyện vọng. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ nâng cấp Phòng An toàn sinh học cấp 2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thực hiện thủ tục mua sắm, lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm toàn bộ người cách ly tập trung theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia; triển khai xét nghiệm toàn bộ những người cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 16/4/2020 của Văn phòng Chính phủ “Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19”, Quảng Bình được xác định là tỉnh nằm trong nhóm địa phương có nguy cơ thấp (nhóm 3). Tuy nhiên, Quảng Bình tiếp giáp với Hà Tĩnh trong nhóm nguy cơ cao và gần với Thừa Thiên Huế trong nhóm có nguy cơ; ngày 17/4/2020 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 641/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh; theo đó công văn yêu cầu các cấp, các ngành, mọi tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 16/4/2020 của Văn phòng Chính phủ “Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19” và Thông báo số 2328-TB/TU ngày 17/4/2020 thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về một số quy định để tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, các cơ quan chức năng; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm biện pháp phòng, chống dịch để xử phạt nghiêm; chỉ đạo Ban quản lý các chợ dân sinh thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc đeo khẩu trang, phối hợp các cơ quan chức năng xử phạt các trường hợp vi phạm.

b. Chương trình phòng chống sốt rét

Tháng 3/2020, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 30 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 3 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và có 1 bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 3.471 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,09%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2020, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 132 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 11 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và có 1 bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 8.726 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,11%.

c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

Từ đầu năm đến 31/3/2020, trên địa bàn tỉnh phát hiện 5 người nhiễm mới HIV, 4 người chuyển sang AIDS, không có người tử vong do AIDS, số mẫu xét nghiệm HIV là 1.206 mẫu. Tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.456 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 499 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 144 người, tổng số mẫu xét nghiệm HIV cộng dồn là 4.227 mẫu. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

 d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

 Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tăng cường kiểm tra các nhà hàng ăn uống trong việc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng và các văn bản chỉ đạo của tỉnh,… Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm và vi phạm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 31/3/2020 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và chỉ xảy ra 34 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

3. Văn hóa thông tin, thể dục, thể thao

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng về việc quyết liệt, thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng cơ bản đã dừng hoạt động. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tạm dừng hoạt động kể từ ngày 1-15/4/2020. Do đó, các hoạt động văn hóa và các Lễ hội theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 2020 như: Tuần Văn hóa và Du lịch Đồng Hới năm 2020 (theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 24-30/4/2020); Lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2020; Lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ 4 và Hội thi cá trắm sông Son năm 2020 buộc phải tạm dừng không tổ chức.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc cập nhật diễn biến dịch và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cấp, các ngành đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn, của các tổ dân phố, thôn, bản. Nội dung tuyên truyền liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như biểu hiện bệnh; hướng dẫn người dân cách phòng tránh và bảo vệ người thân; không tụ tập đông người, thực hiện cách ly toàn xã hội, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết,... nhằm giúp người dân nắm và hiểu rõ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, cách phòng tránh, không hoang mang. Trung tâm Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với việc tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, pa nô, áp phích, các Trung tâm Văn hóa và Thông tin đã đã tổ chức xe loa tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính, các khu dân cư,..., việc tuyên truyền thông qua xe loa lưu động đến tận các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã giúp cho người dân nắm bắt những thông tin chính xác và kịp thời để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. 

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19, được các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt với nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân. Nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh và ý thức phòng, chống bệnh của người dân được nâng lên. Việc thực hiện giãn cách xã hội cơ bản được người dân tự giác thực hiện; hầu hết mọi người đều ở nhà theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời mỗi gia đình, thôn, xóm, khu dân cư đều có biện pháp thiết thực để đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh lây lan. Trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị, các chợ dân sinh, cửa hàng vẫn đảm bảo cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt thường ngày của người dân. Nhiều hộ gia đình người dân cũng đã chủ động mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm đảm bảo sử dụng trong vài ngày nhằm hạn chế đi lại, tiếp xúc xã hội. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để tạm đình chỉ một số hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết,… có khả năng tập trung đông người. UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về việc thực hiện giãn cách xã hội; giám sát, theo dõi chặt chẽ việc người dân thực hiện cách ly toàn xã hội trên địa bàn quản lý, nhất là hoạt động tập trung đông người. Đặc biệt là việc thực hiện đeo khẩu trang được người dân thực hiện khá triệt để; hầu như người dân ra đường đều sử dụng khẩu trang. Hàng hóa tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn đủ cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Các doanh nghiệp phân phối, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ mặt hàng thiết yếu bảo đảm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời có nhiều phương án bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà trên cơ sở đảm bảo được sức khỏe mà vẫn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao kịp thời, hiệu quả,...

Đầu tháng 4, các sân vận động, các sân chơi thể thao, võ thuật, thể dục thẩm mỹ, phòng gym, phòng yoga, bóng đá,… và các cơ sở luyện tập thể thao công cộng trên địa bàn tỉnh đều được các ngành chức năng tạm đình chỉ hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động thể thao quần chúng tập trung đông người và thể thao thành tích cao buộc phải lùi thời gian tổ chức tổ chức.

4. An toàn giao thông, cháy nổ

a. An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 3 năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, giảm 8 vụ so tháng 3 năm 2019, trong đó đường bộ 8 vụ, giảm 8 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng tháng 3 năm 2019. Số người chết do tai nạn giao thông 6 người, giảm 3 người so với tháng 3 năm 2019, trong đó đường bộ chết 6 người, giảm 3 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 3 người, giảm 6 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 3 người, giảm 6 người; đường sắt, đường thủy không có người bị thương, bằng cùng kỳ năm trước.

 Lũy kế 3 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đường bộ 33 vụ, giảm 21 vụ so cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 18 người, giảm 12 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 18 người, giảm 12 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 26 người, giảm 10 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 26 người, giảm 10 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2019.

b. Tình hình cháy nổ

Đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 1 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại 300 triệu đồng, trong đó cháy nhà đơn lẻ 1 vụ với giá trị thiệt hại 300 triệu đồng; so với tháng 4 năm 2019 số vụ cháy nổ giảm 3 vụ, số người chết giảm 1 người, giá trị thiệt hại tăng 252,5 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy với giá trị thiệt hại 420 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 2 vụ với giá trị thiệt hại 330 triệu đồng, cháy loại hình khác 2 vụ với giá trị thiệt hại 90 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ cháy nổ giảm 1 vụ, số người chết giảm 1 người, số người bị thương giảm 1 người, giá trị thiệt hại giảm 1.152,5 triệu đồng.

          Tóm lại, trong thời gian qua dịch Covid-19 trong cả nước cũng như trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Để phòng, chống dịch lây lan trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp tỉnh đã tăng cường công tác dân vận, kịp thời triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh chưa có người nhiễm Covid-19. Đó là thắng lợi bước đầu của Quảng Bình trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tác tác động của dịch Covid-19 rất lớn, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội: nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải, trường học,… phải tạm dừng hoạt động, hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, nhiều người lao động phải nghỉ việc, đời sống của không ít người dân gặp khó khăn,... Đến nay, sau khi hết thực hiện cách ly xã hội, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã trở lại hoạt động. Để vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, tỉnh cần triển kịp thời, đồng bộ các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đảm bảo đúng đối tượng./.

 

[Trở về]