THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2020 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Triển khai sản xuất vụ Đông Xuân thời tiết tương đối thuận lợi nên các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm, trong đó cố gắng cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa trước Tết Nguyên đán.

     Đến ngày 15/1/2020, tiến độ gieo trồng các loại cây thực hiện 42.466 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể các loại cây như sau:

     - Cây lúa thực hiện 25.050 ha, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo trồng diện tích lúa tăng khá là nhờ thời tiết thuận lợi; nguồn nước đảm bảo đầy đủ; sự quan tâm của các cấp, các ngành về công tác hỗ trợ cho người sản xuất, đặc biệt là cung ứng giống lúa chất lượng.

     - Các loại cây trồng khác thực hiện 17.416 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,5%. Cụ thể: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 3.739 ha, tăng 1,5%; cây lấy củ có chất bột 6.488,2 ha, tăng 2,6%; cây mía 23,0 ha, tăng 4,5%; cây có hạt chứa dầu 2.550,0 ha, tăng 2,0%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 3.685,0 ha, tăng 2,9%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 345,0 ha, tăng 1,5%; cây hàng năm khác 585,8 ha, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

     Nhìn chung, tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân ở hầu hết các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể diện tích một số cây trồng chính: cây ngô 3.600 ha, tăng 1,5%; cây khoai lang 2.300 ha, tăng 4,5%; cây lạc 2.550,0 ha, tăng 2,0%; cây rau các loại 3.450 ha, tăng 3,0%; cây đậu các loại 165,0 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

     Ước tính đến hết tháng 1/2020, diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 50.800 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích cây lúa tương đương vụ Đông Xuân năm trước.     

     Để phục vụ tưới tiêu có hiệu quả vụ Đông Xuân 2020, các ngành và các địa phương đã và đang quan tâm tu sửa các hạng mục công trình tưới tiêu nước; đồng thời chỉ đạo chặt chẽ công tác tưới tiêu khoa học, hợp lý nhằm tiết kiệm nước có hiệu quả ngay từ đầu Vụ. Nhờ đó, khả năng nguồn nước sẽ đáp ứng tốt cho công tác tưới tiêu vụ Đông Xuân năm nay.

     Thời tiết đầu tháng 1 thuận lợi nên nhiều loại sâu, bệnh gây hại cây trồng đã xuất hiện nhiều nơi. Trên cây lúa, chuột phá 64 ha; ốc bươu vàng nhiễm 280,5 ha; bọ trĩ nhiễm 7 ha, tập trung thị xã Ba Đồn. Trên cây rau màu, sâu ăn lá nhiễm 46 ha; rệp nhiễm 6 ha, tập trung huyện Quảng Ninh. Trên cây ngô, sâu cắn lá 25 ha; sâu xám nhiễm 6 ha. Trên các cây trồng khác, sâu bệnh phát sinh gây hại nhẹ.

     Sản xuất cây lâu năm đang được các doanh nghiệp và các hộ gia đình tiếp tục chăm sóc sau thiệt hại do bão cuối năm 2017. Diện tích cây lâu năm cơ bản ổn định về quy mô và có sự chuyển dịch theo hướng cây ăn quả tăng nhanh hơn. Ước tính sản lượng mủ cao su khai thác tháng 1 đạt 215 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cao su được chăm sóc 1.650 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Chăn nuôi

     Nhờ chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định hơn. Đàn gia cầm, đặc biệt là đàn gà phát triển nhanh. Chăn nuôi lợn đang có xu hướng tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Chăn nuôi trâu, bò trong các doanh nghiệp đang từng bước phát triển khá về quy mô đàn.  

     Ước tính đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 1/1/2020: Đàn trâu 36.400 con, tăng 1,7%; đàn bò 107.910 con, tăng 1,0%; đàn lợn 297.000 con, giảm 13,8%; đàn gia cầm 4.200 ngàn con, tăng 5,5%, riêng đàn gà 3.300 ngàn con, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.  

     Sản lượng xuất chuồng trong tháng 1/2020: Thịt trâu 184 tấn, tăng 3,0%; thịt bò 725 tấn, tăng 5,1%; thịt lợn 3.690 tấn, giảm 10,9%; thịt gia cầm 1.905 tấn, tăng 6,4%, riêng thịt gà 1.390 tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Khả năng đến cuối tháng 2, sản lượng xuất chuồng tăng cao hơn nhờ đàn lợn được phục hồi sau dịch bệnh.

     Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và chuẩn bị lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch bệnh lây lan; thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp đến.

     2. Lâm nghiệp

     Trong tháng 1, các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán và triển khai công tác điều chế, vệ sinh rừng để chuẩn bị cho khai thác rừng năm 2020.

     Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong tháng 1 thực hiện 21.500 m3, tăng 4,9%; sản lượng củi khai thác 17.500 ste, tăng 4,1%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 2.000 ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, các chủ rừng tiếp tục thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích trồng năm trước và triển khai trồng cây phân tán theo kế hoạch. Ước tính tháng 1 số cây trồng phân tán thực hiện 780 ngàn cây, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, lượng cây giống cho kế hoạch trồng cây dịp Tết cơ bản đầy đủ, sau Tết Nguyên đán các địa phương, các ngành thực hiện ra quân Tết trồng cây.

     3. Thuỷ sản

     Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 1 năm 2020 thực hiện 3.562 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Khai thác thực hiện 2.980 tấn, tăng 8,0%; nuôi trồng thực hiện 582,0 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Thời tiết tháng 1 rất thuận lợi nên bà con ngư dân đã chủ động tăng cường bám biển, tìm kiếm ngư trường khai thác hợp lý nên kết quả khai thác tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 1 thực hiện 2.980 tấn, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 2.617,0 tấn, tăng 8,5%; tôm các loại 40 tấn, tăng 8,1%; thủy sản khác 323 tấn, tăng 4,2%. Sản lượng chia theo ngư trường: Khai thác biển 2.725 tấn, tăng 8,6%; khai thác nội địa 255 tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Trong tháng 1 các hộ nuôi trồng tăng cường thu hoạch sản phẩm nhằm phục vụ dịp Tết Nguyên đán nên sản lượng nuôi trồng tháng 1 tăng khá so với tháng trước và so với cùng năm trước. Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 1 thực hiện 582 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 498 tấn, tăng 7,8%; tôm các loại 65 tấn, tăng 1,6%; thủy sản khác 19 tấn, tăng 5,6%. Nguyên nhân sản lượng nuôi trồng tăng khá là nhờ mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt; một số diện tích nuôi nước lợ trước đây bỏ hoang nay đã nuôi trở lại. Hiện tại, nhiều hộ tiếp tục thả giống mới, triển khai cải tạo, tu sửa hệ thống ao hồ để chuẩn bị cho vụ nuôi thâm canh đầu tiên năm 2020.

     4. Công nghiệp

     Do năm nay Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nằm trọn trong tháng 1 nên số ngày sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp ít hơn, do đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước và giảm sâu so với tháng trước.

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2020 giảm 29,1% so với tháng 12/2019. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 18,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30,7%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 23,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 13,8%.

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng 1,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,4%.

     Chỉ số sản công nghiệp tháng 1 năm 2020 so với cùng kỳ năm trước của các ngành công nghiệp như sau:

     Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng nhẹ 2,4% . Trong tháng này, phần lớn các mỏ khai thác quặng, đá xây dựng tạm dừng hoạt động khai thác vào các ngày nghỉ Tết.

      Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8%. Một số ngành như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ… giữ tốc độ tăng trưởng khá, đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của toàn ngành. Bên cạnh đó, ngành sản xuất đồ uống có chỉ số sản xuất giảm sâu so với cùng kỳ, mặc dù vào dịp Tết nhu cầu tiêu thụ đồ uống tăng cao nhưng  ngành sản xuất đồ uống trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là bia đóng chai) gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

     Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%. Tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trong dịp nghỉ Tết đã được các đơn vị chủ động chuẩn bị tốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất.

     Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,4%. Trong đó ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,4% do nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình nâng cao sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

     Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng 1 năm 2020: Tinh bột sắn đạt 1.940 tấn, tăng 1,8%; gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản đạt 601 m3, tăng 1,1%; gạch xây dựng bằng đất sét nung đạt 20.659 nghìn viên, tăng 2,4%; đá xây dựng đạt 240.218 m3, tăng 4,0%; dăm gỗ đạt 25.995 tấn, tăng 3,3%; áo sơ mi đạt 992 nghìn cái, tăng 2,8%; clinker thành phẩm đạt 250.075 tấn, tăng 2,0%; xi măng đạt 128.982 tấn, tăng 2,0%; nước máy thương phẩm đạt 689 nghìn m3, tăng 3,4%; điện thương phẩm đạt 64 triệu Kwh, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

     5. Vốn đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 1 năm 2020 ước tính thực hiện 231,2 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý 72,2 tỷ đồng, tăng 3,4%; vốn ngân sách địa phương quản lý 159,0 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng cùng kỳ năm 2019.

     Vốn đầu tư Nhà nước quản lý tháng 1 năm 2020 phân theo ngành kinh tế thực hiện như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 14,4 tỷ đồng, giảm 0,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9,4 tỷ đồng, giảm 2,3%; ngành sản xuất và phân phối điện nước 2,8 tỷ đồng, tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 4,5 tỷ đồng, giảm 0,2%; ngành thương nghiệp 4,6 tỷ đồng, giảm 4,8%; ngành vận tải kho bãi 136,8 tỷ đồng, giảm 1,3%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 2,8 tỷ đồng, giảm 10,4%; ngành thông tin truyền thông 1,4 tỷ đồng, tăng 2,2%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 5,4 tỷ đồng, tăng 2,3%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, giảm 13,3%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước 14,6 tỷ đồng, giảm 7,3%; ngành giáo dục và đào tạo 13,3 tỷ đồng, tăng 4,6%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 11,7  tỷ đồng, tăng 2,3%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí 3,7 tỷ đồng, tăng 2,4%; ngành hoạt động dịch vụ khác 2,7 tỷ đồng, giảm 1,5%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng 1,5 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2019.

     Tháng 1 năm 2020 một số công trình/ dự án vẫn đang tiếp tục thực hiện, tuy nhiên do tháng 1 có dịp Tết Nguyên đán nên vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1 năm 2020 vốn đầu tư NSNN địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ yếu là các công trình/dự án chuyển tiếp năm 2019, như: Đường vào Trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra quảng trường biển; Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Bình; Nhà xưởng thực hành Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Quảng Ninh; Trường mầm non mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Khối nhà điều trị người bệnh nội trú - Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình; Đầu tư tăng cường thiết bị lĩnh vực Khoa học và Công nghệ; Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình; Dự án Hạ tầng Quảng trường trung tâm; Dự án Tuyến đường ngoài hàng rào phía Nam dự án FLC nối từ đường tránh lũ BOT đến xã Hải Ninh… Đồng thời triển khai sửa chữa một số tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng để đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi trong dịp Tết Nguyên đán và triển khai các thủ tục cho các công trình/dự án xây dựng mới năm 2020.

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Tháng 1 năm 2020, thị trường bán lẻ hàng hoá diễn ra rất sôi động, đặc biệt ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình (hàng điện lạnh, hàng gia dụng), hàng hoá khác (hoa, cây cảnh). Tháng 1 năm 2020 là tháng có Tết Nguyên đán Canh Tý nên nhu cầu mua sắm tăng cao đột biến, hàng hóa trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

     Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 2.392,9 tỷ đồng, tăng 12,5% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ.

     Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 1 của hầu hết các nhóm hàng tăng cao so với cùng kỳ, tăng cao nhất là nhóm ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống tăng 62,2%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm ngành hàng, nguyên nhân do nhu cầu mua xe dịp Tết tăng cao; tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 20,3%, tháng này các mặt hàng điện lạnh, hàng điện tử, gia dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 20%; nhóm bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 17,7%, nhu cầu tiêu thụ đối với nhóm hàng hoá này tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài ra giá cả một số mặt hàng tăng cao đột biến cũng làm nhóm này tăng cao; nhóm bán lẻ hàng hoá khác tăng 12,5%; các nhóm còn lại cũng tăng khá cao so với cùng kỳ.

     Nhìn chung, ngoài mạng lưới cơ sở bán lẻ các kênh bán hàng truyền thống như chợ, các điểm bán hàng, hiện nay còn có nhiều hệ thống các siêu thị mini cùng các siêu thị lớn như Co.opmart Quảng Bình, Vinmart… đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Tháng 1/2020, trong khi hoạt động lưu trú giảm nhẹ bởi yếu tố mùa vụ và thời tiết thì hoạt động ăn uống tăng do cuối năm nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, liên hoan, tổng kết… Tuy nhiên, mức tăng không cao như những năm trước do thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã làm doanh thu nhiều nhà hàng, quán nhậu giảm sút.

     - Dịch vụ lưu trú:

     Ước tính doanh thu lưu trú tháng 1/2020 đạt 14,0 tỷ đồng, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 1/2020 đạt 66.380 lượt khách, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 1/2020 ước tính đạt 13.150 lượt khách, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 1/2020 ước tính đạt 78.760 ngày khách, giảm 0,4% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống:

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 1/2020 ước tính đạt 206,2 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 1/2020, hoạt động lữ hành giảm nhẹ do yếu tố thời tiết và mùa vụ.

     Ước tính tháng 1, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 18,4 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 1 ước tính đạt 37.150 lượt khách, giảm 0,4% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 1 ước tính đạt 13.120 lượt khách, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ.

     c. Hoạt động dịch vụ

     Bước sang tháng 1 năm 2020 hoạt động dịch vụ có tốc độ tăng cao so tháng trước do tháng này trùng với dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 1 năm đạt 132,0 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ.

     Doanh thu tháng 1 phần lớn các nhóm hàng dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản (tăng 22,7%), đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm dịch vụ; nhóm dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 2,9%, nguyên nhân là do vào thời điểm giáp Tết, đồng thời vào mùa cưới nên các dịch vụ cho thuê đồ dùng cá nhân, cho thuê phương tiện đi lại tăng; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,7%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 13,7%; nhóm dịch vụ khác tăng 9,1%, cuối năm nên các dịch vụ phục vụ làm đẹp như massage, cắt tóc, gội đầu… tháng này tăng cao so với tháng trước. Cụ thể dịch vụ phục vụ cá nhân khác tăng tăng 7,6%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

     d. Hoạt động vận tải

     Tháng 1/2020 trùng với dịp Tết Nguyên Đán nên hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động hơn do nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao.

     Các công ty vận tải, bến xe, nhà ga, Cảng hàng không đã tăng cường nhân lực phục vụ bán vé để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Ngày 4/1/2020 Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Phong Nha cũng đã khai trương taxi mang thương hiệu “Taxi Phong Nha” với 25 xe mới gồm 5 xe 5 chỗ ngồi, 20 xe 7 chỗ ngồi nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh và du khách đến tham quan du lịch. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hàng hóa cũng tăng mạnh đáp ứng nhu cầu lưu thông trong dịp Tết. Do đó, doanh thu, khối lượng vận chuyển cũng như khối lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa tháng 1/2020 tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 1 ước tính đạt 317,0 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước tính đạt 73,6 tỷ đồng, tăng 8,8%; doanh thu vận tải hàng hóa 213,1 tỷ đồng, tăng 9,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 30,3 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 1 ước tính đạt 1,9 triệu hành khách, tăng 1,0% so với tháng trước, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 1 ước tính đạt 147,7 triệu hk.km, tăng 3,0% so với tháng trước, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 1,8 triệu tấn, tăng 2,7% so với tháng trước, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 1 ước tính đạt 127,5 triệu tấn.km, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 9,0% so với cùng kỳ.

     7. Thu ngân sách nhà nước

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 1 năm 2020 ước tính thực hiện 342,8 tỷ đồng, đạt 6,2% so với dự toán địa phương, bằng 87,4% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 323,0 tỷ đồng, đạt 6,2% dự toán địa phương, bằng 86,6% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 19,8 tỷ đồng, đạt 6,6% dự toán địa phương, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

     Trong tổng số thu cân đối ngân sách 1 tháng năm 2020 so với dự toán năm có 5/15 khoản thu đạt tiến độ (8,3%) dự toán cả năm là thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu lệ phí trước bạ; thu phí và lệ phí; thu khác ngân sách; còn lại 10 khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm là thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu từ công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; thuế bảo vệ môi trường; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; xổ số kiến thiết; thu hoa lợi công sản.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục và đào tạo

     Các trường học trên toàn tỉnh đã kết thúc kỳ thi học kỳ và sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2019 - 2020. Đầu tháng 1/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra một số trường Trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; quản lý dạy thêm, học thêm, thực hành tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, phổ biến giáo dục pháp luật.

     Ngày 27/12/2019, cùng với các hội đồng thi trong cả nước, tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020. Tham dự kỳ thi Quảng Bình có 9 đội với 61 học sinh tham dự gia thi  9 môn gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Tin học. Trong tổng số học sinh dự thi, có 59 học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp và 2 học sinh Trường THPT Lệ Thủy. Hội đồng thi Quảng Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động cán bộ, giáo viên của hai Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum và thành phố Đà Nẵng tham gia coi thi. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

     Sáng ngày 9/1/2020, tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khai mạc cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Bình lần thứ 7, năm học 2019 - 2020. Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống; góp phần phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Tham gia cuộc thi có 106 dự án của học sinh các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh. Sau khi chấm vòng sơ khảo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn được 72 dự án thuộc 17 lĩnh vực tham gia cuộc thi tại khu vực trưng bày. Sau 2 ngày diễn ra, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 63 dự án xuất sắc trong số 72 dự án vào vòng chung kết để trao giải thưởng, trong đó có 2 giải nhất, 7 giải nhì, 30 giải ba và 24 giải khuyến khích. Theo đánh giá của Ban giám khảo, phần lớn các dự án dự thi có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Nhiều dự án có tính sáng tạo; nhiều đề tài khoa học đã chú ý đến việc vận dụng kiến thức học được trên lớp vào nghiên cứu khoa học. Các dự án đã đi vào chiều sâu, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống, giải quyết những vấn đề đời sống đặt ra trong sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày.

     2. Công tác y tế

     a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 12/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.216 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 242 trường hợp tiêu chảy; 1 trường hợp lỵ a míp; 6 trường hợp lỵ trực trùng; 17 trường hợp thủy đậu; 2 trường hợp quai bị; 736 trường hợp cúm; 32 trường hợp sởi; 8 trường hợp viêm gan virut khác; 1 trường hợp viêm gan virut B; 1 trường hợp bệnh không thuộc danh mục.

     Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/12/2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 13.418 trường hợp sốt xuất huyết Dengue và đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; 3.176 trường hợp tiêu chảy; 101 trường hợp lỵ trực trùng; 32 trường hợp lỵ a míp; 116 trường hợp viêm gan vi rút khác; 417 trường hợp thủy đậu; 210 trường hợp quai bị; 9.076 trường hợp cúm; 20 trường hợp Lao phổi; 9 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp viêm gan virut C; 33 trường hợp Tay - chân - miệng; 26 trường hợp sốt rét; 417 trường hợp sởi; 1 trường hợp viêm màng não do não mô cầu; 8 trường hợp bệnh không thuộc danh mục; 2 trường hợp ho gà; 1 trường hợp viêm não virut khác.

     b. Chương trình phòng chống sốt rét

     Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Trong tháng 12/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 61 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 1 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 2.282 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,04%. Lũy tích từ đầu năm đến hết tháng 12/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 793 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 46 người, trong đó có không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 44.835 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,09%.

     c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 31/12/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 46 người nhiễm HIV, 34 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.448 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 490 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 142 người. Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 21 ca mắc là khách du lịch đến từ Hà Nội, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 285 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     Để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 2924/SYT về việc kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân 2020. Từ ngày 7 - 20/1/2020, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và Lễ hội Xuân như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo và cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Riêng đối với công tác quản lý về ATTP: Trong quá trình kiểm tra tại địa phương, đoàn kiểm tra của tuyến tỉnh sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo Vệ sinh ATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân 2020 tại địa phương. Thông qua việc kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP.

     3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

     - Hoạt động văn hóa thông tin

     Năm 2019, hoạt động văn hóa đã được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực công tác, đặc biệt là thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị với việc tuyên truyền, tổ chức hoạt động chào mừng các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tỉnh, nhất là hoạt động chào mừng 30 năm Ngày tái lập tỉnh và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi; Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang huyện Lệ Thủy và Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đã tổ chức phục dựng Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy... Các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh về cơ bản được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn chưa cao; một số cá nhân khi tham gia lễ hội chưa có ý thức trong việc chấp hành quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, vẫn còn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong một số lễ hội...

     Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2186/UBND-KGVX yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân; tổ chức phương án về trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho Nhân dân và du khách. Các cấp, các ngành và địa phương tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết không để hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Ban Tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức lễ hội; hướng dẫn Nhân dân đặt tiền lễ, quản lý hòm công đức đúng quy định; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; bố trí, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, thuận tiện cho Nhân dân, tránh gây ùn tắc, mất an ninh trật tự; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, an toàn tuyệt đối khi Nhân dân tham gia lễ hội; bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong tổ chức lễ hội. UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

     Đầu tháng 01/2020, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với Chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động vui chơi lành mạnh, tổ chức nhiều hình thức văn hoá nghệ thuật nhân dịp đón chào Tết Dương lịch 2020. Từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 01/01/2020, tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) đã tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp chào đón năm mới 2020. Chương trình đếm ngược chào năm mới 2020 (Phong Nha Countdown Party) diễn ra từ 22 giờ với các màn biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc điện tử (EDM) vô cùng sôi động, tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Múa rối, nghệ thuật dân gian truyền thống, biểu diễn xiếc ngoài trời, múa lân sư rồng, ca nhạc đường phố… Việc tổ chức các hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi phấn khởi chào mừng năm mới 2020, đồng thời củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội.

     Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình phối hợp với huyện Bố Trạch tổ chức hội báo xuân Canh Tý 2020  từ ngày 15 - 21/1/2020 tại Trung tâm Văn hóa huyện Bố Trạch. Hội báo Xuân tỉnh Quảng Bình năm 2020 mang đến cho độc giả gần 300 ấn phẩm báo, tạp chí của nhiều cơ quan báo chí trong tỉnh; các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước với những bài báo hay, đặc sắc trên các trang báo Xuân. Những ấn phẩm tại Hội báo có hình thức trình bày đẹp; nội dung phong phú, biểu dương, ghi nhận những thành tích đổi mới về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước và quê hương Quảng Bình. Hội báo Xuân là nét đẹp văn hóa đọc ngày Tết, được đông đảo người dân ở trên địa bàn tỉnh đón nhận. Hội báo Xuân tỉnh Quảng Bình không chỉ là ngày hội của những người làm báo mà còn góp phần tôn vinh, phát huy văn hóa đọc, làm phong phú thêm các giá trị đời sống tinh thần của nhân dân mỗi độ Tết đến, xuân về.

     Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,  ngày 15/01/2020, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tỉnh đoàn, Văn phòng UBND tỉnh đã đến viếng và thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Đền tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Trường Sơn - Bến phà Long Đại. Tại các điểm đến viếng, Đoàn đã thành kính dâng hoa, thắp những nén hương thơm để tưởng nhớ Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì quê hương, đất nước và bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

     Để chuẩn bị đón năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý, hoạt động văn hóa, thông tin diễn ra sôi nổi rộng khắp tại các xã, phường, thị trấn; các hoạt động văn hóa tuyên truyền xuyên suốt từ ngày 4/1/2020 đến ngày 8/2/2020, với tinh thần trang trọng, thiết thực như: Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) và mừng Tết Nguyên đán Xuân Canh Tý, tổ chức bố trí đèn hoa trên các trục đường chính của thành phố Đồng Hới tạo quang cảnh đẹp, không khi vui tươi về đêm trên một số trục đường như đường Quang Trung - Hùng Vương - Lý Thường Kiệt - Quách Xuân Kỳ - Nguyễn Du - Trần Hưng Đạo. Công tác tuyên truyền, trong dịp Tết được triển khai đến tận cơ sở, bố trí đặt các loại pha nô, áp phít, cờ các loại, dọc các trục đường treo móc 200 cờ cánh bướm, 15 dây cờ vui, 300 cờ tổ quốc dọc ở các tuyến đường chính ngay trung tâm thành phố Đồng Hới, đối với địa bàn các xã, phường có ít nhất 3 - 5 băng rôn, khẩu hiệu qua các trục đường chính, 100% thôn, tổ dân phố, cơ quan, công sở đều có băng rôn khẩu hiệu; hệ thống điện sáng ở các trục đường thôn, xóm cũng được mắc thêm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại vui chơi vào ban đêm. Tổ chức dạ hội văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý năm 2020 ” tại 3 địa điểm: phường Nam Lý, xã Nghĩa Ninh, xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới). Tổ chức đường hoa xuân, điểm hoa xuân tại các điểm như Đường Mẹ Suốt, Quảng trường Sân vận động, sân nhà văn hóa, đường Trần Hưng Đạo và Hữu Nghị phường Nam Lý, đường Trần Phú, đường qua Cửa Đông. Theo kế hoạch, dạ hội văn nghệ và các trò chơi dân gian, các hoạt động TDTT và các điểm vui chơi được tổ chức tại các xã, phường từ 24/1- 3/2/2020.

     - Hoạt động thể dục, thể thao

     Năm 2019 toàn tỉnh có 204.300 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 85,3%; 964 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 81,6%. Thể thao thành tích cao đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc. Các đội tuyển thể thao thành tích cao đã tham gia 27 giải đấu trong nước và quốc tế, đạt 130 huy chương, gồm 41 huy chương vàng, 44 huy chương bạc, 45 huy chương đồng, trong đó có 14 huy chương quốc tế. Tại Seagame 30, tỉnh Quảng Bình có 4 vận động viên tham gia và xuất sắc giành 6 huy chương, gồm 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. 

     Mục tiêu được xác định trong năm 2020, ngành Văn hóa và Thể thao Quảng Bình tiếp tục tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa, gia đình và thể thao, đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục xây dựng phong trào thể dục, thể thao quần chúng, đầu tư phát triển thể thao thành tích cao ở các môn, các lĩnh vực có thế mạnh.

     4. Tình hình trật tự an toàn giao thông

     - An toàn giao thông

     Năm 2019, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, góp phần giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 205 vụ tai nạn giao thông, giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đường bộ 201 vụ, giảm 8 vụ so cùng kỳ; đường sắt xảy ra 3 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ; đường thủy xảy ra 1 vụ, bằng cùng kỳ năm trước. Số người chết do tai nạn giao thông 93 người, giảm 6 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 90 người, giảm 8 người; đường sắt chết 3 người, tăng 2 người so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 155 người, giảm 1 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 154 người, tăng 2 người; đường sắt không có người bị thương, giảm 4 người, đường thủy bị thương 1 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2018.

     Riêng trong tháng 12 năm năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đường bộ 15 vụ, giảm 2 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng tháng 12 năm 2018. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, giảm 2 người so với tháng 12 năm 2018; trong đó đường bộ chết 7 người, giảm 2 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 11 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ bị thương 11 người, giảm 2 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2018.

     - An toàn xã hội và pháp luật

     Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, Công an tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, nắm chắc tình hình, chủ động và liên tục tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Tăng cường lực lượng bám sát địa bàn, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp; tập trung đấu tranh triệt phá các ổ, nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh tài chính, tín dụng đen, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân; tăng cường tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ. Tại lễ ra quân, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra mắt hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh - cơ động (lực lượng 141QB). Lực lượng 141QB gồm 3 tổ là các cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông; Cảnh sát hình sự; Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy; Cảnh sát cơ động. Lực lượng 141QB được trang bị đầy đủ các phương tiện, vũ khí, công vụ hỗ trợ, tập trung tuần tra trên các tuyến giao thông đường bộ, địa bàn trọng điểm, khép kín địa bàn vào thời gian cao điểm các ngày đêm trong tuần; kịp thời phát hiện, trấn áp, ngăn cặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

[Trở về]