THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2019 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Vụ sản xuất Đông Xuân năm 2019, thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác gieo trồng cây hàng năm nên cơ bản kết thúc gieo trồng đúng lịch thời vụ, hầu hết các địa phương gieo trồng hết diện tích, một số cây trồng diện tích có giảm nhưng không đáng kể.

     - Diện tích gieo trồng

     Sơ bộ diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2019 thực hiện 54.499,4 ha, so với vụ Đông Xuân năm trước giảm 0,4%. Diện tích gieo trồng của các địa phương: Đồng Hới 1.209,6 ha, giảm 7,5%; Ba Đồn 4.693,5 ha, giảm 0,2%; Minh Hoá 3.175,1 ha, tăng 5,8%; Tuyên Hoá 4.521,9 ha, giảm 2,5%; Quảng Trạch 6.447,3 ha, tăng 0,02%; Bố Trạch 13.616,0 ha, giảm 1,0%; Quảng Ninh 6.942,8 ha, giảm 1,4%; Lệ Thuỷ 13.893,2 ha, tăng 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

     Cây lúa: Diện tích thực hiện 29.599,7 ha, giảm 0,9% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích lúa của các địa phương: Đồng Hới 904,2 ha, giảm 4,2%; Ba Đồn 2.636,0 ha, giảm 0,6%; Minh Hoá 474,8 ha, giảm 3,4%; Tuyên Hoá 1.473,2 ha, giảm 0,4%; Quảng Trạch 3.509,0 ha, bằng năm trước; Bố Trạch 5.224,5 ha, giảm 3,2%; Quảng Ninh 5.129,0 ha, giảm 1,7%; Lệ Thuỷ 10.249,9 ha, tăng 0,6% so với vụ Đông Xuân năm trước. Nguyên nhân diện tích lúa giảm chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng cơ bản và chuyển đổi cây trồng.

     Cây trồng khác: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác thực hiện 3.964,8 ha, giảm 1,0%; cây lấy củ có chất bột 9.192,1 ha, tăng 0,04%; cây mía 194,3 ha, tăng 17,9%; cây thuốc lá, thuốc lào 2,9 ha, giảm 23,7%; cây lấy sợi 1,2 ha; cây có hạt chứa dầu 4.343,7 ha, tăng 3,5%; cây rau, đậu các loại và hoa 4.685,8 ha, giảm 8,4%; cây hàng năm khác 2.514,9 ha, tăng 15,4% so với vụ Đông Xuân năm trước.

     Nổi bật trong bố trí sản xuất cây hàng năm là các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp được thay thế. Nhiều diện tích cây ngô, khoai lang, khoai sọ được thay thế trồng cây khác như hoa các loại, cây gia vị, dược liệu hàng năm, cây thức ăn gia súc…

     - Năng suất cây trồng

     Tuy có nắng nóng gay gắt một số thời điểm, nhưng cơ bản toàn Vụ thời tiết tương đối thuận lợi nên cây trồng phát triển tốt. Một số nơi có xuất hiện sâu bệnh hại cây như chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, sâu ăn lá nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến năng suất nên vụ Đông Xuân đánh giá được mùa.

     Ước tính năng suất một số cây trồng chủ yếu vụ Đông Xuân 2019 như sau:

     Cây lúa: Năng suất bình quân chung toàn tỉnh đạt 62,27 tạ/ha, tăng 0,7% so với vụ Đông Xuân năm trước. Cụ thể năng suất lúa các địa phương: Đồng Hới 56,05 tạ/ha, giảm 0,8%; Ba Đồn 57,8 tạ/ha, tăng 1,3%; Minh Hóa 54,00 tạ/ha, tăng 1,9%; Tuyên Hóa 54,00 tạ/ha, giảm 9,4%; Quảng Trạch 56,81 tạ/ha, tăng 0,9%; Bố Trạch 56,10 tạ/ha, giảm 1,8%; Quảng Ninh 65,02 tạ/ha, tăng 2,6%; Lệ Thủy 69,19 tạ/ha, tăng 1,9%. Vụ Đông Xuân 2019, các địa phương cơ bản đã thực hiện tốt việc bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng chân đất; tập trung điều tiết nước đầy đủ, kịp thời; công tác bảo vệ thực vật cũng được chú trọng ngay từ đầu năm nên năng suất cây lúa đạt cao.

     Năng suất các loại cây trồng khác: Cây ngô đạt 58,71 tạ/ha, tăng 1,3%; cây khoai lang đạt 79,36 tạ/ha, tăng 2,1%; khoai sọ đạt 99,44 tạ/ha, tăng 4,7%; dong giềng đạt 51,05 tạ/ha, giảm 1,1%; cây lạc đạt 23,99 tạ/ha, giảm 0,3%; cây vừng đạt 6,31 tạ/ha, giảm 0,4%; cây rau các loại đạt 117,71 tạ/ha, tăng 1,0%; đậu các loại đạt 8,54 tạ/ha, giảm 4,5%; ớt cay đạt 16,26 tạ/ha, giảm 1,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

     Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2019 ước tính đạt 207.356,4 tấn, giảm 0,2% so vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó: Sản lượng thóc 184.330 tấn, giảm 0,2%, đạt 107,8% kế hoạch; sản lượng lương thực khác 23.026,4 tấn, tăng 0,3% so với vụ Đông Xuân năm trước.

     Vụ Đông Xuân năm nay diện tích gieo trồng có giảm nhẹ, tuy nhiên năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với vụ Đông Xuân năm trước. Điều nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp là cơ cấu diện tích cây trồng đã chuyển dịch theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi trên đất lúa và bố trí trồng một số loại cây cho hiệu quả cao. Công tác chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ vào sản xuất và đạt kết quả tốt, nhờ đó đã tạo ra được sự ổn định về tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

     b. Chăn nuôi

     Những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ít có dịch bệnh xảy ra nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Riêng chăn nuôi lợn có phần ảnh hưởng về quy mô đàn do dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận nên đàn lợn giảm so với cùng kỳ năm trước.

     Ước tính sản lượng xuất chuồng 5 tháng đầu năm: Thịt trâu 1.095 tấn, tăng 0,7%; thịt bò 3.129 tấn, tăng 5,0%; thịt lợn 23.800 tấn, tăng 4,3%; thịt gia cầm 5.100 tấn, tăng 6,3%, riêng thịt gà 3.989 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

     Ngành Thú y tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I/2019. Các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ các cấp địa phương thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là vào thời điểm dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

     2. Lâm nghiệp

     Tháng 5, tiến độ khai thác gỗ từ rừng trồng có xu hướng ổn định, theo đó sản lượng khai thác 5 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 5 thực hiện 42.500 m3; 5 tháng đầu năm thực hiện 143.500 m3, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2019 đến nay, giá gỗ rừng trồng tăng nên các chủ rừng tranh thủ thời tiết nắng ráo tổ chức khai thác những diện tích rừng đã đến chu kỳ thu hoạch. Sản lượng củi khai thác 5 tháng đầu năm đạt 103.700 ste, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

     Nhìn chung, các chủ rừng đang tích cực thực hiện đúng tiến độ khai thác rừng theo kế hoạch nhằm chủ động cho công tác trồng rừng vào cuối năm nay.

     Trong tháng 5, do thời tiết nắng nóng nên các chủ rừng không triển khai công tác trồng rừng mới. Ước tính đến cuối tháng 5, diện tích rừng trồng mới thực hiện 1.195 ha, chủ yếu trồng trong quý I. Năm tháng đầu năm, diện tích rừng trồng được chăm sóc thực hiện 10.700 ha, tăng 4,2%; số cây trồng phân tán thực hiện 2.696 ngàn cây, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

     Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Triển khai công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân vùng có rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các vùng có nguy cơ cháy rừng cao… Tuy nhiên, do thời tiết giữa tháng 5 nắng nóng gay gắt nên xảy ra cháy rừng phòng hộ ven biển ở huyện Quảng Ninh, diện tích thiệt hại gần 15 ha.

     3. Thuỷ sản

     Thời tiết những tháng đầu năm 2019 thuận lợi nên hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt kết quả cao. Khai thác hải sản xa bờ được tăng cường về thời gian và mở rộng ngư trường nên sản lượng khai thác tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản tăng về quy mô diện tích nuôi, đa dạng hình thức nuôi trồng, nuôi cá lồng phát triển trở lại nên sản lượng nuôi trồng thu hoạch tăng cao.

     Ước tính tháng 5 sản lượng thủy sản thực hiện 7.937,7 tấn, tăng 6,8% so với cùng tháng năm trước; 5 tháng đầu năm thực hiện 27.995 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,0%. Sản lượng 5 tháng chia ra: Nuôi trồng thu hoạch 2.999 tấn, tăng 5,0%; khai thác 24.996 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Thời tiết trong tháng thuận lợi nên ngư dân tăng cường bám biển, một số địa phương đang bước vào khai thác vụ cá Nam nên sản lượng tăng khá. Ước tính tháng 5 sản lượng khai thác đạt 7.256 tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm khai thác đạt 24.996 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 5 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 21.655 tấn, tăng 9,1%; tôm các loại 453 tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác 2.888 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Ước tính trong tháng 5 sản lượng nuôi trồng thu hoạch 681,7 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng thu hoạch 2.999 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 5 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 1.940,7 tấn, tăng 7,1%; tôm các loại 961,3 tấn, tăng 1,0%; thủy sản khác 97 tấn, tăng 5,2%. Sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong 5 tháng hầu hết các địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt nuôi cá lồng phát triển khá nên sản lượng cá lồng thu hoạch tăng cao. Thời gian tới, do mở rộng quy mô nuôi cá trong ruộng lúa nên sản lượng cá thu hoạch tăng nhanh. Riêng nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phát triển chậm do rủi ro cao nên sản lượng tôm thu hoạch tăng không đáng kể.

     4. Công nghiệp

     Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ; 5 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,4%.

     Một số ngành có chỉ số sản xuất luỹ kế 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,6%; ngành sản xuất trang phục tăng 8,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,5%; ngành khai khoáng khác tăng 6,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 5,4%; ngành xử lý và cung cấp nước tăng 5,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp như: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 2,6%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,0%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,0%; riêng ngành sản xuất đồ uống giảm 0,7%.

     Về sản phẩm công nghiệp, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 5 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn đạt 3.390 tấn, tăng 1.203,8% (sản phẩm tinh bột sắn tăng cao so với cùng kỳ do năm trước doanh nghiệp không thu mua đủ nguyên liệu sắn phục vụ cho sản xuất); áo sơ mi đạt 5,5 triệu cái, tăng 8,4%; clinker thành phẩm đạt 1,5 triệu tấn, tăng 7,5%; đá xây dựng đạt 1,2 triệu m3, tăng 5,6%; điện thương phẩm đạt 332 triệu kwh, tăng 5,2%; nước máy thương phẩm đạt 3,5 triệu m3, tăng 5,1%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) đạt 107,2 triệu viên, tăng 4,7%; xi măng đạt 718,3 nghìn tấn, tăng 3,4%; bia đóng chai đạt 6,1 triệu lít, giảm 1,7%.

     Nhìn chung, 5 tháng đầu năm tình hình sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, với xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Thời gian tới, để ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, các cấp, các ngành cần tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ thiết thực như cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh…

     5. Vốn đầu tư

     Tháng 5, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 322,2 tỷ đồng, tăng 9,9% so với tháng trước và tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách trung ương quản lý thực hiện 92,2 tỷ đồng, tăng 13,1%; vốn ngân sách địa phương quản lý thực hiện 230,0 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

     Năm tháng đầu năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 1.325,8 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó: nguồn vốn ngân sách Nhà nước 934,7 tỷ đồng, tăng 2,6%; nguồn vốn vay 322,7 tỷ đồng, tăng 4,2%; nguồn vốn tự có 27,1 tỷ đồng, tăng 4,7%; nguồn vốn viện trợ 41,3 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2018.

     Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 5 tháng đầu năm 2019 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 85,9 tỷ đồng, giảm 15,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 54,7 tỷ đồng, giảm 0,7%; ngành sản xuất và phân phối điện nước 17,0 tỷ đồng, tăng 1,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 23,6 tỷ đồng, tăng 0,9%; ngành thương nghiệp 21,6 tỷ đồng, tăng 0,8%; ngành vận tải kho bãi 777,1 tỷ đồng, tăng 2,8%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 17,7 tỷ đồng, tăng 1,0%; ngành thông tin truyền thông 6,8 tỷ đồng, tăng 5,5%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 36,2 tỷ đồng, tăng 33,3%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 12,8 tỷ đồng, giảm 1,6%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước 84,3 tỷ đồng, giảm 0,5%; ngành giáo dục và đào tạo 78,5 tỷ đồng, tăng 9,9%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 69,5 tỷ đồng, tăng 25,7%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí 17,2 tỷ đồng, giảm 3,0%; ngành hoạt động dịch vụ khác 14,9 tỷ đồng, tăng 10,0%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng 8,0 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018.

     Trong thời gian qua, tình hình thời tiết thuận lợi, giá cả các loại vật tư tương đối ổn định tạo đà cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình/dự án trọng điểm như: Trụ sở làm việc HĐND-UBND thành phố Đồng Hới; Trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới; Trụ sở công an huyện Quảng Trạch; Đường vào trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm; Củng cố, nâng cấp Kè tả Sông Gianh… Bên cạnh đó, một số công trình/dự án đã khởi công như: Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình; dự án Hạ tầng Quảng trường trung tâm; dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu điện tử và phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ; Xây dựng Nhà đa chức năng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nông nghiệp… Do đó, khối lượng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 5 tăng khá so với tháng trước.

     Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2019 tình hình thực hiện vốn đầu tư nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ổn định, thực hiện đúng tiến độ đề ra.

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Tháng 5 có dịp lễ 1/5 và thời tiết nắng nóng nên doanh thu nhiều nhóm hàng thiết yếu tăng cao như: Đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình, hàng may mặc… Ngoài ra, đây là tháng bắt đầu mùa du lịch cao điểm nên chi tiêu, mua sắm của khách du lịch cũng góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng cao hơn tháng trước.

     Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 đạt 2.190,8 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ; 5 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá ước tính đạt 9.792,8 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

     Xét theo các nhóm ngành hàng, tháng 5 hầu hết các nhóm hàng đều tăng cao so với cùng kỳ: Nhóm ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 168,6 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 52,7% so với cùng kỳ, đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm ngành vì có nhiều dòng xe giảm giá nhằm kích cầu người tiêu dùng, đồng thời các hãng đẩy nhanh bán ra thị trường các dòng xe nhập khẩu từ Đông Nam Á đang được miễn thuế nhập khẩu % theo hiệp định ATIGA; nhóm hàng may mặc, giày dép đạt 217,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ, đây cũng là nhóm có mức tăng khá cao do đã bước vào mùa hè nên nhu cầu mua sắm các trang phục mùa hè tăng cao; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 171,6 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ, nguyên nhân tăng cao do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng các mặt hàng điện lạnh tăng, như điều hòa, quạt nước…; nhóm xăng, dầu các loại đạt 252,6 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 16,9% so với cùng kỳ, đây là nhóm có mức tăng cao do nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu tăng vào ngày 2/5...

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Tháng 5, hoạt động lưu trú và ăn uống tiếp tục tăng mạnh do tháng này có dịp nghỉ lễ và đây cũng là thời điểm bước vào cao điểm mùa du lịch trên địa bàn tỉnh. Dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5, các điểm du lịch tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (động Phong Nha, động Tiên Sơn, sông Chày - hang Tối, suối nước Moọc và hang Tám Cô…) lượng khách rất đông. Ngoài ra, các địa điểm du lịch khác tại Quảng Bình như biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, cồn cát Quang Phú… cũng thu hút lượng lớn du khách. Đây cũng là tháng học sinh bước vào kỳ nghỉ hè nên các hoạt động tham quan du lịch của các trường học, gia đình cũng tăng cao.

     - Dịch vụ lưu trú

     Ước tính doanh thu lưu trú tháng 5 đạt 18,7 tỷ đồng, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 74,4 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 5 ước tính đạt 92.852 lượt khách, tăng 11,8% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ; 5 tháng  đạt 367.689 lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 5 ước tính đạt 15.350 lượt khách, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 70.451 lượt khách, tăng 27,1% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 5 ước tính đạt 117.881 ngày khách, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 453.204 ngày khách, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 5 ước tính đạt 218,7 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 941,5 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 5, hoạt động lữ hành tiếp tục tăng cao so với tháng trước, nguyên nhân do có dịp nghỉ lễ; thời tiết nắng nóng nên lượng khách đến các điểm du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tăng.

     Ước tính tháng 5 doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 32,1 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 128,1 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 5 ước tính đạt 97.931 lượt khách, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 338.430 lượt khách, tăng 14,0% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 5 ước tính đạt 16.675 lượt khách, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 73.267 lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

     c. Dịch vụ

     Tháng 5, tháng trùng vào dịp nghỉ lễ nên các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, cho thuê đồ dùng cá nhân, làm đẹp… tăng cao. Đây cũng là tháng bước vào mùa du lịch và là tháng có nhiều đợt nắng nóng nên các hoạt động cho thuê xe du lịch, sửa chữa, lắp ráp điện lạnh tăng, đặc biệt là hoạt động bất động sản có mức tăng cao đột biến do trong tháng mở nhiều phiêu đấu giá đất nền.

     Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 5 năm 2019 đạt 127,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 26,0% so với cùng kỳ; 5 tháng đạt 582,3 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

     Năm tháng đầu năm 2019, doanh thu tất cả các nhóm hàng dịch vụ so với cùng kỳ đều tăng cao. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 55,1%; tiếp đến nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 9,2%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 9,1%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 8,9%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 6,8%; nhóm dịch vụ khác tăng 8,0%; tăng thấp nhất là nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước.

     d. Hoạt động vận tải

     Tháng 5, bước vào đầu mùa du lịch cao điểm nên nhu cầu đi lại của người dân tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho xây dựng nhà ở, thi công cơ sở hạ tầng, vì vậy các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh vận tải tập trung tăng chuyến nhằm phục vụ việc vận chuyển hàng hóa đáp ứng kịp thời cho các đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ đề ra và nhu cầu đi lại của người dân.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 5 ước tính đạt 335,0 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước; 5 tháng doanh thu đạt 1.641,0 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 235,4 tỷ đồng, tăng 5,0%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.221,9 tỷ đồng, tăng 9,8%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 183,7 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 5 ước tính đạt 2,4 triệu hành khách, tăng 1,0% so với tháng trước; 5 tháng đạt 10,6 triệu hành khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 5 đạt 97,7 triệu hk.km, tăng 6,3% so với tháng trước; 5 tháng đạt 429,7 triệu hk.km, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 2,8 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng trước; 5 tháng đạt 11,3 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 5 ước tính đạt 117,5 triệu tấn.km, tăng 1,4% so với tháng trước; 5 tháng đạt 541,4 triệu tấn.km, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

     e. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

     * Chỉ số giá tiêu dùng(CPI)

     Do giá xăng, dầu, điện được điều chỉnh tăng cao nên đã tác động làm giá của nhiều nhóm hàng tăng, nhất là nhóm giao thông vận tải. Do đó chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ.

     Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 3,70% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,07% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 5 tháng năm 2019 tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nhóm hàng hóa tăng 2,61%; nhóm dịch vụ tăng 4,92%.

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 5 nhóm tăng so với tháng trước, 1 nhóm giảm và 5 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,20%; nhóm giao thông tăng 2,30%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,95%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng  tăng 1,63%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21%; các nhóm: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số không đổi.

     Một số nhóm hàng tăng cao so với tháng trước:

     - Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,63%. Trong đó, nhóm nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tăng 1,22% do một số hộ cho thuê nhà tăng giá cho thuê; giá điện và dịch vụ điện tăng 6,22% do ảnh hưởng của quyết định tăng giá điện và nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên vào thời điểm nắng nóng; ngày 02/5/2019 giá gas Petrolimex được điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bình 12 kg nên giá gas tháng này tăng 0,51% so với tháng trước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đóng góp tăng 0,20% vào mức tăng chung của CPI tháng 5/2019.

     - Nhóm giao thông tăng 2,30%: Nhóm giao thông tăng chủ yếu do chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,40% so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do chịu ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 2/5 và ngày 17/5/2019, cụ thể: xăng A95 tăng 6,87%, xăng E5 tăng 8,16%, dầu điezen tăng 2,95%. Nhóm này đóng góp tăng 0,24% vào mức tăng chung của CPI tháng 5/2019.

     - Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,95%: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng này tăng do nhóm du lịch trọn gói tăng 4,68% so với tháng trước, cụ thể chỉ số giá nhóm khách sạn, nhà hàng tăng 5,73%. Nhóm này đóng góp tăng 0,07% vào mức tăng chung của CPI tháng 5/2019.

     * Chỉ số giá vàng 99,99%

     Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 5/2019 giá vàng giảm 0,74% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,62 triệu đồng/chỉ, tăng 3% so tháng 12 năm trước. Bình quân 5 tháng giá vàng giảm 0,10% so với cùng kỳ.

     * Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

  Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.236 đồng/USD, tăng 0,37% so với tháng trước, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm trước; giảm 0,13% so tháng 12 năm trước. Bình quân 5 tháng giá đô la Mỹ tăng 2,05% so với cùng kỳ.  

     7.  Thu ngân sách

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng năm 2019 ước tính thực hiện 1.620,2 tỷ đồng, bằng 36,0% so với dự toán địa phương, tăng 24,0% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 1.556,5 tỷ đồng, bằng 36,1% dự toán địa phương, tăng 26,5% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 63,7 tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán địa phương, bằng 84,1% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu cân đối ngân sách so với dự toán năm, có 7/15 khoản thu có tăng trưởng và đạt tiến độ (41,7%) dự toán cả năm: Thuế thu nhập cá nhân đạt 59,5%; thu lệ phí trước bạ đạt 47,7%; thu phí, lệ phí đạt 42,2%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 66,9%; tiền thuê đất đạt 57,7%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 49,7%; thu khác ngân sách đạt 62,6%. Còn lại 8 khoản không đạt tiến độ của dự toán năm là thu từ DNNN Trung ương đạt 29,8%; thu từ DNNN địa phương đạt 37,3%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,5%; Thu tiền sử dụng đất đạt 34,2%; thu từ công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 33,6%; thuế bảo vệ môi trường đạt 26,3%; thu tiền xổ số kiến thiết đạt 33,7%; thu hoa lợi công sản đạt 22,6%.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục         

     Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh tập trung công tác ôn tập, kiểm tra học kỳ II ở các cấp học phổ thông theo đúng tiến độ thời gian quy định; tiến hành tổng kết năm học 2018 - 2019; triển khai ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019; tập huấn nghiệp vụ coi thi, làm hồ sơ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia; kiểm tra, thẩm định công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia các cấp học, kiểm tra thư viện đạt chuẩn; kiểm tra sử dụng thiết bị dạy học, kiểm tra thẩm định phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...

     Năm học mới 2019 - 2020, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 3 - 4/6/2019. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT dùng kết quả thi để tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh và cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục ở các trường THCS, giúp các Phòng Giáo dục và Đào tạo có cơ sở để điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

     Môn thi tuyển vào các trường THPT không chuyên gồm: Toán, Ngữ văn và Lịch sử; thi tuyển vào trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn chuyên tương ứng với lớp chuyên mà học sinh đăng ký. Để tổ chức thực hiện tốt kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường THCS và THPT tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho học sinh, phụ huynh được biết về Kỳ thi; hướng dẫn học sinh có nguyện vọng dự tuyển sinh vào lớp 10 làm hồ sơ đăng ký dự thi và nộp đúng quy định; kiểm soát việc ký xác nhận vào đơn đăng ký tuyển sinh của học sinh đang học hoặc đã học tại trường mình để đảm bảo mỗi học sinh chỉ nộp 2 đơn có nội dung giống nhau; tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh đang học hoặc đã học tại trường mình; tiến hành nhập, dò thông tin nguyện vọng của học sinh đầy đủ, chính xác trên phần mềm quản lý thi của Sở Giáo dục và Đào tạo.

     Năm học 2019 - 2020, chỉ xét tuyển thẳng vào THPT các đối tượng: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc Chứt (các tộc người Sách, Mã Liềng, Arem, Rục, Mày); học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

     2. Y tế

     a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 4/2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 100 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 300 trường hợp tiêu chảy; 17 trường hợp lỵ trực trùng; 2 trường hợp lỵ a míp; 15 trường hợp viêm gan vi rút khác; 69 trường hợp thủy đậu; 47 trường hợp quai bị; 812 trường hợp cúm; 1 trường hợp lao phổi; 2 trường hợp sởi; 1 trường hợp sốt rét. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/4/2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 225 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 940 trường hợp tiêu chảy; 41 trường hợp lỵ trực trùng; 11 trường hợp lỵ a míp; 49 trường hợp viêm gan vi rút khác; 176 trường hợp thủy đậu; 89 trường hợp quai bị; 2.886 trường hợp cúm; 9 trường hợp Lao phổi; 2 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp viêm gan virut C; 14 trường hợp Tay - chân - miệng; 13 trường hợp sốt rét; 7 trường hợp sởi; 1 trường hợp bệnh không thuộc danh mục. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     b. Chương trình phòng chống sốt rét

     Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 4/2019: Tổng số lượt người điều trị sốt rét là 87 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 3 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 3.745 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,08%. Từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 279 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 20 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 11.457 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,16%.

     c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 30/4/2019 trên địa bàn tỉnh đã có người 16 nhiễm HIV, 14 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 30/4/2019, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.418 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 470 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 140 người. Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 30/4/2019 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và chỉ xảy ra 94 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Văn hóa, thể dục, thể thao

     a. Hoạt động văn hoá  

     Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như: kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam; ngày Quốc tế Lao động; ngày Chiến thắng Biện Biên Phủ và các ngày lễ kỷ niệm khác. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại các địa phương thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nổi lên là Tuần Văn hoá - Du lịch Đồng Hới năm 2019 diễn ra từ ngày 23/4 đến 30/4/2019. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi. Tuần Văn hóa Du lịch Đồng Hới năm 2019 có 6 hoạt động chính gồm: Lễ hội ẩm thực “Hương Nhật Lệ” tại quảng trường biển Bảo Ninh; Âm nhạc đường phố được tổ chức tại Công viên Nhật Lệ; Chương trình nghệ thuật “Đồng Hới - Hoa hồng và biển” tại quảng trường biển Bảo Ninh; Lễ hội chèo cạn - múa bông ở Quảng trường biển Bảo Ninh; đón bằng công nhận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội cầu ngư Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm nhảy tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh; kết thúc các chuỗi hoạt động là giải đua thuyền truyền thống thành phố Đồng Hới năm 2019 trên sông Nhật Lệ.

     Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ Bài chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất năm 2019...

     Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quảng Bình được phát động từ tháng 8/2018, tính đến ngày 10/5/2019, Ban Tổ chức đã nhận được 79 tác phẩm của 51 tác giả tham gia. Đây là hoạt động nhằm tuyển chọn những sáng tác mới phục vụ các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989 - 1/7/2019) và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 - 15/7/2019). Chủ đề của cuộc vận động sáng tác là ca ngợi truyền thống văn hóa, giá trị lịch sử, cách mạng của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời khẳng định những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã đạt được trong thời kỳ mới.

     Chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã khai mạc triển lãm tranh cổ động tuyên. Triển lãm giới thiệu 60 tranh cổ động được tuyển chọn từ 285 tác phẩm của các họa sĩ trên toàn quốc gửi tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm. Những tác phẩm tại triển lãm đã góp phần tuyên truyền đến nhân dân, cán bộ, đảng viên về truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, vượt qua khó khăn của quân và dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tri ân công lao to lớn mà thế hệ cha anh đi trước đã làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh tổ chức Liên hoan Tuyên truyền lưu động với chủ đề “Trường Sơn - con đường huyền thoại”. Liên hoan diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15/5/2019, tại 8 tỉnh có tuyến đường huyền thoại đi qua, gồm: Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Chương trình Liên hoan tuyên truyền lưu động tại Quảng Bình có sự tham gia của 6 đội đến từ các tỉnh, thành phố: Bình Định, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hải Phòng vào tối ngày 12/5/2019 tại sân vận động xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.

     Từ ngày 24/4 - 20/5/2019, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đợt phim cao điểm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5 trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chủ đề của đợt phim chủ yếu là những bộ phim có đề tài truyền thống lịch sử, người chiến sĩ cách mạng, thế hệ thanh niên trong thời chiến và thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước như: phim truyện Sống cùng lịch sử, Làng vũ đại ngày ấy, Khi mẹ vắng nhà, Thời xa vắng, Tuổi thơ dữ dội; phim tài liệu: Chuyện những người lính già, Sông Gianh thương nhớ, Sống giữa yêu thương. Các đội chiếu bóng lưu động đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức lồng ghép chiếu phim tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trên địa bàn, thu hút đông người xem.

     b. Hoạt động thể dục thể thao

     Các địa phương, đơn vị đã tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, nhất là các môn thể thao truyền thống nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và ngày Quốc tế Lao động, ngày Chiến thắng Biện Biên Phủ. Tiêu biểu là thành phố Đồng Hới đã tổ chức thành công giải đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ với sự tham gia của gần 200 vận động viên của 8 đội thuyền đua đến từ các xã, phường trực thuộc thành phố Đồng Hới. Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa 2019 đã diễn ra các hoạt động thể thao như: Giải vô địch bóng chuyền huyện; các trò chơi dân gian như: Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Cờ thẻ, Đánh đu, Ném xoang, Cà kheo…

     Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức giải Việt dã truyền thống “Tranh cúp Sacombank” - Chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2019. Giải là hoạt động chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh và 70 năm Quảng Bình quật khởi. Giải Việt dã truyền thống “Tranh cúp Sacombank” - Chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2019 diễn ra tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào sáng 18/5, với 5 nội dung thi đấu gồm: Nam truyền thống hệ mở rộng (chạy 7km); Nữ truyền thống (chạy 4km); Nam trẻ (4km); Nữ trẻ (2km) và Giải chạy dành cho khách du lịch. Giải Việt dã là hoạt động thể thao được Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hàng năm nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong các cơ quan, đơn vị, địa phương vì mục tiêu nâng cao sức khỏe, phục vụ văn hóa tinh thần ở cơ sở.

     Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 57 huy chương các loại (20 HCV, 14 HCB và 23 HCĐ).

     4. An toàn giao thông, cháy nổ

     a. An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 4 năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, tăng 1 vụ so với tháng 4 năm 2018, trong đó đường bộ 16 vụ, tăng 1 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 9 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 9 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 8 người, giảm 4 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 8 người, giảm 4 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ.

     Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đường bộ 61 vụ, giảm 8 vụ so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 32 người, giảm 9 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 32 người, giảm 9 người; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 40 người, giảm 8 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 40 người, giảm 8 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2018.

     Tình hình an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 (từ ngày 27/4/2019 đến ngày 01/5/2019): Toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 1 người chết (ngày 27/4) và 1 người bị thương, so với dịp nghỉ Lễ 2018 số vụ, số người chết và số người bị thương bằng cùng kỳ.

     b. Tình hình cháy nổ

     Tháng 4 và đầu tháng 5 năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy với giá trị thiệt hại 2.004 triệu đồng; trong đó, cháy cơ sở sản xuất 1 vụ, giá trị thiệt hại 4 triệu đồng; cháy phương tiện vận tải 1 vụ, giá trị thiệt hại 2.000 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ, giá trị thiệt hại 3.576,5 triệu đồng. Trong đó, cháy nhà đơn lẻ 3 vụ, giá trị thiệt hại 34,5 triệu đồng; cháy cơ sở sản xuất 1 vụ, giá trị thiệt hại 4 triệu đồng; cháy phương tiện giao thông vận tải 2 vụ, giá trị thiệt hại 3.500 triệu đồng; cháy loại hình khác 2 vụ, giá trị thiệt hại 38 triệu đồng. Cuối tháng 3 năm 2019, trên địa bàn xã Quảng Minh thị xã Ba Đồn xảy ra 1 vụ nổ mìn khiến 1 người chết./. 

[Trở về]