THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Vụ Đông Xuân năm 2019 thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo theo lịch thời vụ và cơ bản gieo trồng hết diện tích. Theo đó, quy mô diện tích cây trồng hàng năm tương đương năm trước, một số cây trồng tăng, đặc biệt là cây rau các loại, cây gia vị cho hiệu quả kinh tế cao tăng nhanh hơn.

     Sơ bộ diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2019 thực hiện 54.606 ha, so với vụ Đông Xuân năm trước giảm 0,2%.

     Cụ thể như sau:

     - Cây lúa:

     Diện tích cây lúa thực hiện 29.605 ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4% so với kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân. Nguyên nhân diện tích lúa giảm chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng cơ bản như thành phố Đồng Hới; chuyển đổi cây trồng như Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Diện tích lúa của các địa phương như sau: Đồng Hới 900 ha, giảm 4,6%; Ba Đồn 2.640 ha, giảm 0,5%; Minh Hóa 490 ha, giảm 0,3%; Tuyên Hóa 1.462 ha, giảm 1,1%; Quảng Trạch 3.509 ha, bằng năm trước; Bố Trạch 5.280 ha, giảm 2,2%; Quảng Ninh 5.149 ha, giảm 1,3%; Lệ Thủy 10.175 ha, giảm 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

     Nhìn chung, cây lúa phát triển tương đối tốt nhờ thời tiết thuận lợi, lúa trà đầu, trà chính vụ đang giai đoạn chín sữa, chín sáp; trà muộn đang làm đòng, hiện tại lúa đã trổ trên 75%.

     - Cây trồng khác:

     Diện tích gieo trồng các cây trồng khác như sau: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 3.995 ha, giảm 0,3%; cây lấy củ có chất bột 9.140 ha, giảm 0,5%; cây mía 170 ha, tăng 3,2%; cây thuốc lá 3,7 ha; cây lấy sợi 3,3 ha; cây có hạt chứa dầu 4.200 ha, tăng 0,1%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 5.227 ha, tăng 1,7%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 620 ha, tăng 6,9%; cây hàng năm khác 1.642 ha, tăng 4,1% so với vụ Đông Xuân năm trước. Các địa phương tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi trên đất lúa 38,1 ha sang trồng ngô, rau và đậu các loại.

     Thời tiết chuyển mùa nên sâu bệnh gây hại cây trồng đã xuất hiện hầu hết ở các địa phương. Trên cây lúa, các đối tượng gây hại chủ yếu là chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng; trên cây rau xuất hiện sâu ăn lá; trên cây lạc xuất hiện bệnh héo rũ…

     Sản xuất cây lâu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai các năm trước, nhiều diện tích cây lâu năm bị đổ gãy với tỷ lệ khá cao, khó khôi phục và giá nhiều loại sản phẩm cây lâu năm ở mức thấp nên người sản xuất hạn chế đầu tư mở rộng diện tích. Theo đó, quy mô diện tích cây lâu năm tăng chậm so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng mủ cao su khai thác tháng 4 đạt 200 tấn; lũy kế 4 tháng đầu năm khai thác 730 tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Chăn nuôi

     Trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh ở nhiều tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lây lan diện rộng nên gây ảnh hưởng tâm lý người nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Do đó, đàn lợn có xu hướng cầm chừng so với cùng kỳ năm trước ở một số địa phương. Đàn trâu, bò và gia cầm phát triển ổn định.

     Ước tính đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/4/2019 như sau:

     Đàn trâu 38.100 con, tăng 0,1%; đàn bò 107.900 con, tăng 0,7%; đàn lợn 330.100 con, giảm 4,1%; đàn gia cầm 3.670 ngàn con, tăng 3,4%, riêng đàn gà 2.930 ngàn con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

     Sản phẩm xuất chuồng 4 tháng đầu năm thực hiện 30.784 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu: Thịt trâu 925 tấn, tăng 1,4%; thịt bò 2.700 tấn, tăng 4,1%; thịt lợn 20.929 tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm 6.230 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Thịt lợn tăng khá so với cùng kỳ là do người chăn nuôi xuất bán nhiều nhằm tránh rủi ro trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở các tỉnh lân cận.

     Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gia súc, khoanh vùng các nơi có nguy cơ dịch bệnh phát sinh để chủ động phòng ngừa. Tiếp tục rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và triển khai kế hoạch tiêm phòng Vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm năm 2019.

     2. Lâm ngiệp

     Trong tháng 4, tiến độ khai thác gỗ từ rừng trồng chậm lại. Theo đó, 4 tháng đầu năm 2019, khai thác gỗ, củi từ rừng trồng tăng chậm.

     Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 4 thực hiện 29.000 m3; 4 tháng thực hiện 98.500 m3, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi tháng 4 khai thác 17.500 ste; 4 tháng khai thác 80.700 ste, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 4 tháng thực hiện là 6.600 ha, tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước.

     Tình hình khai thác lâm sản trái phép ở một số địa phương trong thời gian gần đây diễn biến khá phức tạp. Nhiều diện tích rừng đầu nguồn, rừng vùng đệm… bị khai thác “lậu” xảy ra khá nghiêm trọng. Các ngành chức năng đang kiểm tra và xử lý các vụ việc khai thác gỗ trái phép ở các địa phương. Công tác phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành triển khai sớm trong điều kiện nắng nóng đã xuất hiện trên diện rộng.

     3. Thủy sản

     Thời tiết các tháng đầu năm 2019 tương đối thuận lợi nên hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt kết quả cao. Đặc biệt, khai thác hải sản xa bờ được mùa nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản mở rộng về diện tích, đa dạng hình thức nuôi, nuôi cá lồng phát triển nên sản lượng nuôi trồng thu hoạch tăng cao.

     Ước tính tháng 4 sản lượng thủy sản thực hiện 7.443 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,2%; 4 tháng thực hiện 20.056,2 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,5%.

     a. Khai thác

     Ước tính tháng 4 sản lượng thủy sản khai thác 6.725 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; 4 tháng sản thực hiện 17.739,8 tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 4 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 15.356,2 tấn, tăng 9,3%; tôm các loại 316,6 tấn, tăng 4,8%; thuỷ sản khác 2.067 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

     - Khai thác biển:

     Khai thác biển ước tính thực hiện 4 tháng 16.805,6 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 14.846 tấn, tăng 9,5%; tôm các loại 219,6 tấn, tăng 6,0%; thủy sản khác 1.740 tấn, tăng 6,6%.

     - Khai thác nội địa:

     Khai thác nội địa ước tính thực hiện 4 tháng 934,2 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 510,2 tấn, tăng 2,4%; tôm các loại 97 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác 327 tấn, tăng 4,7%.

     b. Nuôi trồng

     Ước tính tháng 4 sản lượng thủy sản thu hoạch 718 tấn, tăng 1,9% so với tháng cùng kỳ năm trước; 4 tháng sản lượng thu hoạch 2.316,4 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 4 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 1.598 tấn, tăng 7,7%; tôm các loại 641,3 tấn, tăng 1,3%; thủy sản khác 77,1 tấn, tăng 3,1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá chủ yếu tăng sản phẩm cá các loại, đặc biệt sản phẩm nuôi cá lồng. Riêng sản phẩm tôm các loại tăng chậm là do giảm về diện tích. Hiện tại, các địa phương triển khai công tác củng cố đê bao, nạo vét xử lý ao hồ để chuẩn bị vụ nuôi đầu tiên trong năm 2019.

     4. Công nghiệp

     Sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2019 có mức tăng khá ổn định so với cùng kỳ năm 2018, cụ thể: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tháng 4/2019 tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 3,7% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 5,9% chủ yếu do hoạt động khai thác quặng kim loại, cao lanh và khai thác đá; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

     Một số ngành có chỉ số sản xuất luỹ kế 4 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,3%; ngành sản xuất trang phục tăng 7,9%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,0%; ngành khai khoáng khác tăng 5,9%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 4,9%; ngành xử lý và cung cấp nước tăng 4,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp như: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 2,4%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,2%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,9%,…

     Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định nhờ các ngành công nghiệp có quy mô lớn duy trì tốc độ tăng trưởng khá (ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; ngành sản xuất chế biến thực phẩm; ngành sản xuất trang phục). Các ngành công nghiệp chủ yếu này tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu thị trường lớn, doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.

     Hầu hết các sản phẩm công nghiệp sản xuất trong 4 tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn đạt 3,4 nghìn tấn, tăng 1.203,8% (sản phẩm tinh bột sắn tăng cao so với cùng kỳ do năm trước doanh nghiệp không thu mua đủ nguyên liệu sắn phục vụ cho sản xuất); áo sơ mi đạt 3,1 triệu cái, tăng 8,2%; clinker thành phẩm đạt 1,1 triệu tấn, tăng 7,5%; nước máy thương phẩm đạt 2,7 triệu m3, tăng 4,8%; đá xây dựng đạt 757,4 nghìn m3, tăng 5,8%; điện thương phẩm đạt 262,0 triệu kwh, tăng 4,3%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) đạt 54,0 triệu viên, tăng 4,3%; xi măng đạt 514,2 nghìn tấn, tăng 3,8%; bia đóng chai đạt 4,2 triệu lít, tăng 0,4%.

     5. Vốn đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 4 năm 2019 ước thực hiện 292,7 tỷ đồng, tăng 15,4% so với tháng trước và tăng 4,9% so với tháng cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý thực hiện 91,6 tỷ đồng, tăng 14,8%; vốn ngân sách địa phương quản lý thực hiện 201,1 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng cùng kỳ năm 2018.

     Tính chung 4 tháng đầu năm năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 1.003,1 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 693,0 tỷ đồng, tăng 2,5%; nguồn vốn vay thực hiện 259,0 tỷ đồng, tăng 3,4%; nguồn vốn tự có thực hiện 18,2 tỷ đồng, giảm 8,1%; nguồn vốn viện trợ thực hiện 32,9 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2018.

     Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 4 tháng đầu năm 2019 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện 65,7 tỷ đồng, giảm 9,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện 42,1 tỷ đồng, giảm 0,1%; ngành sản xuất và phân phối điện nước thực hiện 13,1 tỷ đồng, tăng 1,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 18,1 tỷ đồng, tăng 2,1%; ngành thương nghiệp thực hiện 17,4 tỷ đồng, tăng 1,5%; ngành vận tải kho bãi thực hiện 589,0 tỷ đồng, tăng 1,7%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thực hiện 13,8 tỷ đồng, tăng 1,6%; ngành thông tin truyền thông thực hiện 5,4 tỷ đồng, tăng 5,4%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ thực hiện 26,6 tỷ đồng, tăng 28,5%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ thực hiện 9,7 tỷ đồng, tăng 1,3%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 61,7 tỷ đồng, tăng 2,3%; ngành giáo dục và đào tạo thực hiện 57,2 tỷ đồng, tăng 6,9%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội thực hiện 50,9 tỷ đồng, tăng 19,4%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí thực hiện 14,1 tỷ đồng, tăng 1,3%; ngành hoạt động dịch vụ khác thực hiện 11,9 tỷ đồng, tăng 6,8%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng thực hiện 6,2 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2018.

     Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh, các công trình/dự án thực hiện đúng tiến độ. Trong thời gian tới, các đơn vị khẩn trương hoàn thành các công trình/dự án để sớm đưa vào sử dụng theo kế hoạch, bên cạnh đó công tác chuẩn bị mặt bằng ở một số công trình/dự án tạo điều kiện cho việc khởi công xây mới các công trình năm 2019 thuận lợi hơn.

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Tháng 4 là tháng có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại cùng với đó là tháng có các kỳ nghỉ tương đối dài nên các hoạt động vui chơi, du lịch được tổ chức nhiều hơn so với tháng trước. Vì vậy, hoạt động bán lẻ hàng hoá diễn ra khá sôi động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá ở hầu hết các nhóm hàng, Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 năm 2019 ước tính đạt 1.865,1 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 7.493,9 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ.

     Xét theo các nhóm ngành hàng, tháng 4 hầu hết các nhóm hàng đều tăng cao so với cùng kỳ, tăng cao nhất là nhóm ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 82,7 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 31,5% so với cùng kỳ, đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm ngành; bán lẻ hàng hoá khác đạt 71,4 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 27,4% so với cùng kỳ; bán lẻ vật phẩm, văn hoá, giáo dục đạt 24,6 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 24,0% so với cùng kỳ; bán lẻ nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) đạt 16,8 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ, do tháng này nhà nước điều chỉnh giá xăng tăng cao. Các nhóm còn lại đều có mức tăng trưởng khá cao so với tháng trước.

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Tháng 4 là tháng bắt đầu bước vào mùa du lịch cao điểm của tỉnh, các kỳ nghỉ lễ dài và các sự kiện văn hóa - du lịch được tổ chức nhằm thu hút du khách. Trong đó, các hoạt động nổi bật, như: Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới với nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật đa sắc màu trên địa bàn thành phố như: triển lãm ảnh “Đồng Hới xưa và nay”; lễ hội Diễu hành đường phố; Chèo cạn Múa bông; giao lưu các làn điệu dân ca, âm nhạc đường phố; lễ hội ẩm thực Quảng Bình; Hội Bài chòi… Đây cũng cũng là tháng khai trương nhiều cơ sở homestay chất lượng cao tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khai trương Công viên Ozo - công viên trò chơi trên cây dài nhất Việt Nam…

     - Dịch vụ lưu trú

     Ước tính doanh thu lưu trú tháng 4 đạt 16,3 tỷ đồng, tăng 14,8% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 55,1 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 4 ước tính đạt 78.616 lượt khách, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 270.385 lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 4 ước tính đạt 17.118 lượt khách, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 46,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 57.039 lượt khách, tăng 35,9% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 4 ước tính đạt 94.082 ngày khách, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 322.954 ngày khách, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 4 ước tính đạt 179,3 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 689,4 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 4, hoạt động lữ hành tiếp tục tăng cao so với tháng trước, các tour du lịch tăng công suất hoạt động để phục vụ nhu cầu của du khách, đặc biệt là dịp nghỉ lễ giổ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5…

     Ước tính tháng 4 doanh thu hoạt động lữ hành đạt 29,9 tỷ đồng, tăng 16,3% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 95,8 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 4 ước tính đạt 76.877 lượt khách, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 223.594 lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 4 ước tính đạt 15.621 lượt khách, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 55.957 lượt khách, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

     c. Dịch vụ

     Hoạt động dịch vụ tháng 4 năm 2019 tăng cao do nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4, 1/5 nên doanh thu dịch vụ tăng khá so với tháng trước. Ước tính doanh thu dịch vụ tháng 4 năm 2019 đạt 117,7 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ; ước tính 4 tháng doanh thu đạt 450,6 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ.

     Trong tháng này tất cả các nhóm dịch vụ đều tăng cao, tăng cao nhất là nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản, ước tính tháng 4 doanh thu đạt 25,5 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 61,1% so với cùng kỳ, nguyên nhân do trong tháng nhiều doanh nghiệp đấu giá bán đất nền phân lô tăng cao; 4 tháng đạt 80,3 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.

     Nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí: Ước tính tháng 4 doanh thu đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 108,4 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

     Nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ: Ước tính tháng 4 doanh thu đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong tháng nhiều hoạt động như dịch vụ cho thuê xe tự lái, đồ dùng cá nhân gia đình tăng; 4 tháng đạt 130,9 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

     Nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo: Ước tính tháng 4 doanh thu đạt 3,0 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

     Nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội: Ước tính tháng 4 doanh thu đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 18,8 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

     Dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình: Ước tính tháng 4 doanh thu đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 30,5 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

     Dịch vụ khác tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ; 4 tháng ước đạt 69,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

     d. Hoạt động vận tải

     Tháng 4 diễn ra nhiều ngày lễ và kỷ niệm lớn của đất nước như: Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5; đây cũng là tháng khởi đầu cho mùa du lịch của tỉnh, với thời gian nghỉ lễ dài ngày nên nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân trong và ngoài tỉnh tăng cao.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 4 ước tính đạt 330,8 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 19,9% so với cùng kỳ; 4 tháng doanh thu đạt 1.305,6 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 181,8 tỷ đồng, tăng 5,9%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 977,4 tỷ đồng, tăng 9,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 146,4 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 4 ước tính đạt 2,4 triệu hành khách, tăng 23,0% so với tháng trước, tăng 14,6% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 8,2 triệu hành khách, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 4 ước tính đạt 97,7 triệu hk.km, tăng 21,4% so với tháng trước, tăng 2,9% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 337,8 triệu hk.km, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 1,9 triệu tấn, bằng 99,6% so với tháng trước, tăng 2,8% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 7,1 triệu tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 4 ước tính đạt 105,3 triệu tấn.km, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 4,9% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt 413,3 triệu tấn.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

     e. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng so với tháng trước do chịu ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng vào ngày 2/4 và ngày 17/4; giá sách, báo, tạp chí các loại được điều chỉnh giá tăng so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2019 tăng 0,27% so với tháng trước; tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 4 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,41% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 2,51%; nhóm dịch vụ tăng 4,93%).

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm tăng so với tháng trước, 2 nhóm giảm và 6 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,04%; nhóm giao thông tăng 3,79%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,82%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,46% nguyên nhân nhóm này giảm do giá các mặt hàng thịt gia súc tươi sống giảm do tâm lý e ngại dịch bệnh của người dân kéo theo nhu cầu về mặt hàng thịt lợn, nội tạng động vật cũng như các loại thịt chế biến liên quan đến thịt lợn cũng giảm theo; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,21%. Các nhóm: đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số không đổi.

     - Chỉ số giá vàng

     Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 4/2019 giá vàng giảm 0,53% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,64 triệu đồng/chỉ, tăng 3,77% so tháng 12 năm trước; bình quân 4 tháng so cùng kỳ không đổi.

     - Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

     Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.150 đồng/USD, giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 1,75% so cùng tháng năm trước; giảm 0,50% so tháng 12 năm trước và bình quân 4 tháng tăng 2,02% so cùng kỳ.

     7.  Thu ngân sách

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng năm 2019 ước thực hiện 1.319,3 tỷ đồng, bằng 29,3% so với dự toán địa phương, tăng 28,2% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 1.272,1 tỷ đồng, bằng 29,5% dự toán địa phương, tăng 32,4% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 47,2 tỷ đồng, bằng  24,9% dự toán địa phương, bằng 69,3% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu cân đối ngân sách so với dự toán năm, có 8/15 khoản thu có tăng trưởng và đạt tiến độ (33,3%) dự toán cả năm, là thu từ DNNN địa phương đạt 33,3%; Thuế thu nhập cá nhân đạt 46,8%; Thu lệ phí trước bạ đạt 37,9%; Thu phí, lệ phí đạt 34,4%; Tiền thuê đất đạt 41,6%; Thu tiền sử dụng đất đạt 46,5%; Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 47,6%; Thu khác ngân sách đạt 55,2%. Còn lại 7 khoản không đạt tiến độ của dự toán năm là thu từ DNNN Trung ương đạt 25,3%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15%; thu từ công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 27,7%; Thuế bảo vệ môi trường đạt 21%; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 29,7%; Thu tiền xổ số kiến thiết đạt 25,7%; Thu hoa lợi công sản đạt 15%.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục

     Trong tháng 4, các trường trong toàn tỉnh từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông tiến hành ôn tập chuẩn bị thi học kỳ II; các trường THPT chuẩn bị các điều kiện cả về kiến thức, cơ sở vật chất để kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả tốt.

     Sáng 14/3/2019, tại Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, lớp 12, năm học 2018-2019 và chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020. Tham dự kỳ thi năm nay có 1.601 thí sinh được tuyển chọn từ 8 Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường phổ thông trung học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, lớp 9 có 415 thí sinh; lớp 12 có 747 thí sinh; chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia có 439 thí sinh đang là học sinh lớp 11. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 14 -15/3/2019 với 9 môn thi: Toán, Văn,Tiếng Anh, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa và Tin học. Thời gian làm bài cho mỗi môn thi của lớp 11 và lớp 12 là 180 phút; lớp 9 là 150 phút. Kết quả: Lớp 9: 253/415 em đạt giải, chiếm tỷ lệ 60,95% (18 giải Nhất, 43 giải Nhì, 86 giải ba và 106 giải khuyến khích). Lớp 12: 374/747 em đạt giải, chiếm tỷ lệ 50,07% (21 giải Nhất, 56 giải Nhì, 121 giải Ba và 176 giải khuyến khích).

     Cuộc thi tài năng tiếng Anh (OTE) cấp tỉnh dành cho học sinh tiểu học và THCS năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh đã có 46 thí sinh (27 em tiểu học và 19 em THCS) tham dự vòng chung kết đã xuất sắc vượt qua 3 phần thi: đoán chủ đề, nghe hiểu và thuyết trình. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 4 giải nhất, 9 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc. Trong đó, 4 giải nhất thuộc về các em: Lê Văn Thái Sơn, Trường tiểu học Đại Phong và Lê Thu Hà Bình, Trường tiểu học số 1 An Thủy (Phòng Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy); Trương Kim Chi, Trường THCS số 1 Nam Lý và Nguyễn Ngọc Khánh Chi, Trường THCS Đồng Phú (Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Hới). 

     2. Y tế

     a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 44 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 311 trường hợp tiêu chảy; 12 trường hợp lỵ trực trùng; 1 trường hợp lỵ a míp; 13 trường hợp viêm gan vi rút khác; 53 trường hợp thủy đậu; 14 trường hợp quai bị; 765 trường hợp cúm; 3 trường hợp lao phổi; 2 trường hợp sởi; 2 trường hợp sốt rét; 1 trường hợp Tay - chân - miệng; 1 trường hợp bệnh không thuộc danh mục; 1 trường hợp viêm gan virut B. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/3/2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 125 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 640 trường hợp tiêu chảy; 24 trường hợp lỵ trực trùng; 9 trường hợp lỵ a míp; 34 trường hợp viêm gan vi rút khác; 107 trường hợp thủy đậu; 42 trường hợp quai bị; 2.074 trường hợp cúm; 8 trường hợp Lao phổi; 2 trường hợp viêm gan virut B; 2 trường hợp viêm gan virut C; 15 trường hợp Tay - chân - miệng; 12 trường hợp sốt rét; 5 trường hợp sởi; 1 trường hợp bệnh không thuộc danh mục. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     b. Chương trình phòng chống sốt rét

     Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 3/2019: Tổng số lượt người điều trị sốt rét là 59 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 3 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 3.471 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,06%. Từ đầu năm đến hết tháng 3/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 192 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 17 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 7.712 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,19%.

     c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 31/3/2019 trên địa bàn tỉnh đã có người 14 nhiễm HIV, 12 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 31/3/2019, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.416 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 468 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 140 người. Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 63 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Văn hóa thông tin, thể dục thể thao

     a. Hoạt động văn hoá

     Trọng tâm của hoạt động văn hóa trong tháng 4 là các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, của quê hương, đất nước như ngày Giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng Miền nam thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5; kỷ niệm 30 năm Ngày Tái lập tỉnh (01/7/1989 - 01/7/2019) và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 - 15/7/2019). Trong đó, nổi bật: Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày Tái lập tỉnh và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi trong toàn tỉnh; tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh sau 30 năm tái lập; liên hoan nghệ thuật quần chúng Công - Nông - Binh tỉnh Quảng Bình; xuất bản tập sách “Quảng Bình - 30 năm đổi mới và phát triển”; tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quảng Bình - 30 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển”; Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố Đồng Hới; liên hoan tổ, nhóm, câu lạc bộ Bài chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ Nhất và đón Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Bên cạnh đó, một số hoạt động khác sẽ được triển khai như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” tại thành phố Đồng Hới từ ngày 23 - 25/4/2019 với sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh bắc miền Trung và tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh; triển lãm tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019)... Theo đó, công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm đã được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, chu đáo.

     Ngày 25/3/2019, tại bờ biển xã Nhân Trạch huyện Bố Trạch đã diễn ra lễ hội cầu mùa và ra quân đánh bắt thủy hải sản năm 2019. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như hoạt động múa bông, chèo cạn... thu hút đông đảo người dân tham gia. Ngày 29/3, tại thành phố Đồng Hới, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ khai mạc trại sáng tác văn học lần thứ 2 về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2017 - 2020.

     Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tuyên truyền trên bản tin về chủ đề và thông điệp của Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, nơi đông dân cư. Tổ chức các hoạt động từ thiện, tọa đàm, hội thi, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại cho người thân, gia đình, cộng đồng… Việc tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng tại tỉnh Quảng Bình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình năm 2019, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Qua đó, góp phần chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững.

     b. Hoạt động thể dục thể thao

     - Thể thao quần chúng

     Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946- 27/3/2019), xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch đã tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh. Giải đua thuyền diễn ra sôi nổi với sự tranh tài của 4 đội đua đến từ 4 thôn có truyền thống nghề biển, gồm các thôn: Thanh Xuân, Thanh Hải, Thanh Gianh và Thanh Khê.

     Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2019 diễn ra từ ngày 14 đến 19/4 (tức ngày 10 đến ngày 15/3 âm lịch), huyện Minh Hóa tổ chức nhiều hoạt động thể thao thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem. Trong đó, đáng chú ý là giải vô địch bóng chuyền huyện Minh Hóa năm 2019 có sự tham gia của một số tuyển thủ hạng A và nhiều tuyển thủ thi đấu tại các đội bóng chuyền chuyên nghiệp diễn ra hết sức sôi động thu hút hàng nghìn khán giả. Ngoài ra, nhiều môn thi đấu thể thao dân tộc truyền thống như: bắn nỏ, ném xoang, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, kéo co… cũng thu hút rất đông người dân và du khách đến xem, cổ vũ.

     - Thể thao thành tích cao

     Chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành Thể dục, Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2019); từ ngày 20 - 22/3/2019, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức giải Vô địch quốc gia bể 25m môn Lặn và từ ngày 23 - 27/3/2019 tổ chức giải Vô địch quốc gia bể 25m môn Bơi. Tham gia thi đấu môn Lặn có 12 đoàn, với hơn 100 vận động viên (VĐV) của các tỉnh, thành trên toàn quốc. Kết quả thi đấu các VĐV đội tuyển Lặn Quảng Bình đã xuất sắc giành được 08 huy chương các loại; trong đó có 05 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 02 Huy chương Đồng; lập 05 kỷ lục Quốc gia, xếp thứ Nhì toàn đoàn (sau đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Đối với môn Bơi, tham gia thi đấu tại Giải có 21 đoàn, với hơn 190 VĐV; sau 05 ngày thi đấu sôi nổi và hấp dẫn, các VĐV đội tuyển Bơi tỉnh Quảng Bình giành được 13 Huy chương các loại; trong đó có 07 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc và 02 Huy chương Đồng, lập 03 kỷ lục Quốc gia.

     Từ ngày 8 - 15/4/2019, tại Hồ Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang- thành phố Đà Nẵng) Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức Giải Đua thuyền Rowing - Canoeing Vô địch các câu lạc bộ toàn quốc năm 2019. Tham gia thi đấu tại giải có 24 Câu lạc bộ của các tỉnh, thành, với hơn 300 VĐV trên toàn quốc tham dự; các VĐV tham gia tranh tài ở 19 nội dung thi đấu của môn Rowing và Canoeing. Kết quả, các VĐV đội tuyển Đua thuyền tỉnh Quảng Bình đã xuất sắc giành được 07 Huy chương các loại; trong đó có 03 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 02 Huy chương Đồng.

     Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 57 huy chương các loại (20 HCV, 14 HCB và 23 HCĐ).

     4. An toàn giao thông,  cháy nổ

     a. An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 3 năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, giảm 1 vụ so với tháng 3 năm 2018, trong đó đường bộ 15 vụ, giảm 1 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 7 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 9 người, bằng cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 9 người, bằng tháng 3 năm 2018.

     Lũy kế 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đường bộ 45 vụ, giảm 9 vụ so cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 23 người, giảm 7 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 23 người, giảm 7 người; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 32 người, giảm 4 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 32 người, giảm 4 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2018.

     b. Tình hình cháy nổ

     Tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy với giá trị thiệt hại 47,5 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 1 vụ với giá trị thiệt hại 9,5 triệu đồng; cháy loại hình khác 2 vụ với giá trị thiệt hại 38 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy với giá trị thiệt hại 1.575,2 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 3 vụ với giá trị thiệt hại 34,5 triệu đồng; cháy phương tiện giao thông vận tải 1 vụ với giá trị thiệt hại 1.500 triệu đồng; cháy loại hình khác 2 vụ với giá trị thiệt hại 38 triệu đồng. Cuối tháng 3 năm 2019 trên địa bàn xã Quảng Minh thị xã Ba Đồn xảy ra 01 vụ nổ mìn khiến 1 người chết./.

[Trở về]