THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tỉnh Quảng Bình 
     Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; năm có ý nghĩa rất quan trọng tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 81/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Bên cạnh đó, để các hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện giao nhiệm vụ cần thực hiện ngay cho các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp; trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã để ra giải các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7%.

     Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra, 9 tháng năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Thu ngân sách đạt khá; sản xuất trồng trọt được mùa, chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh ít xảy ra; sản lượng thuỷ sản tăng cao, khai thác thuỷ sản trở lại bình thường; hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, lượt khách, doanh thu lưu trú, lữ hành tăng cao; các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch được triển khai có hiệu quả, trong đó đáng chú ý là tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống của nhân dân được nâng lên. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 như sau:

     I. KINH TẾ

     1. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

     1.1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Sản xuất vụ Hè Thu do nắng nóng đầu vụ kéo dài, một số vùng xa nguồn nước bị khô hạn nên không triển khai gieo trồng được, tập trung các cây trồng chủ yếu là cây lúa, cây ngô, cây lạc, cây đậu các loại. Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đạt 30.257,3 ha, giảm 4,8% so với vụ Hè Thu năm trước. Các địa phương giảm nhiều là Bố Trạch giảm 18,3%, Quảng Ninh giảm 6,0%, Đồng Hới giảm 6,0%, Ba Đồn giảm 1,8%, Tuyên Hóa giảm 2,7%, Minh Hóa giảm 1,8%, Lệ Thủy giảm 0,3%.

     Cây lúa thực hiện 23.813,5 ha, so với vụ Hè Thu năm trước giảm 3,9%. Trong đó: Lúa tái sinh 8.650 ha, tăng 0,8%; lúa gieo cấy 15.163,5 ha, giảm 6,3%.

     Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác thực hiện 790,2 ha, giảm 15,1%; nhóm cây lấy củ có chất bột 906,9 ha, giảm 11,0%; nhóm cây lấy sợi 2,2 ha, giảm 57,0%; cây có hạt chứa dầu 721,9 ha, giảm 18,8%; nhóm cây rau, đậu, hoa cây cảnh 2.793,7 ha, giảm 6,6%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 80,6 ha, tăng 84,3%; cây hàng năm khác 1.148,5 ha, tăng 1,5% so với vụ Hè Thu năm trước. 

     Năng suất lúa Hè Thu bình quân chung toàn tỉnh đạt 41,79 tạ/ha, so với vụ Hè Thu năm trước tăng 3,8%. Trong đó: Lúa tái sinh đạt 28,17 tạ/ha, tăng 8,6%; lúa gieo cấy đạt 49,57 tạ/ha, tăng 0,6%. Nguyên nhân năng suất lúa Hè Thu tăng nhờ hệ thống kênh mương tưới tiêu cơ bản được tu sửa, nạo vét hoàn chỉnh nên công tác tưới nước cho cây trồng thực hiện thuận lợi; công tác bảo vệ thực vật được quan tâm, triển khai đồng bộ nên sâu bệnh hại cây trồng ảnh hưởng không lớn, chỉ phát tán cục bộ và khống chế kịp thời.

     Năng suất các loại cây trồng khác: Cây ngô đạt 37,74 tạ/ha, giảm 0,7%; cây khoai lang đạt 58,7 tạ/ha, tăng 2,1%; cây sắn đạt 180,33 tạ/ha, giảm 2,0%; cây lạc đạt 16,76 tạ/ha, tăng 4,3%; cây vừng đạt 7,14 tạ/ha, tăng 0,5%; cây rau các loại đạt 86,66 tạ/ha, tăng 0,1%; cây đậu các loại đạt 9,02 tạ/ha, tăng 0,3% so với vụ Hè Thu năm trước.

     Đầu vụ Hè Thu triển khai gieo trồng gặp khó khăn nhưng quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng gặp thuận lợi hơn, sâu bệnh phát sinh mang tính cục bộ, cây trồng phát triển tốt nhờ cơ cấu giống hợp lý… nên phần lớn năng suất các loại cây đạt khá. Tuy nhiên, do diện tích giảm nên sản lượng nhiều loại cây trồng giảm so với vụ Hè Thu năm trước.

     Dự ước sản lượng các loại cây trồng: Sản lượng lúa 99.526,3 tấn, giảm 0,2%; sản lượng ngô 2.958,6 tấn, giảm 15,7%; sản lượng khoai lang 4.045,7 tấn, giảm 1,2%; sản lượng sắn 107.898 tấn, giảm 9,1%; sản lượng lạc 887,7 tấn, giảm 19,8%; sản lượng vừng 137,2 tấn, giảm 3,7%; sản lượng rau các loại 14.503 tấn, giảm 0,9%; sản lượng đậu các loại 983,5 tấn, giảm 13,9% so với vụ Hè Thu năm trước.

     b. Chăn nuôi

     Sự quan tâm của lãnh đạo các cấp là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển và có bước chuyển dịch hợp lý hơn. Đặc biệt, chăn nuôi phát triển theo mô hình trang trại, gia trại từng bước khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong sản xuất hàng hóa, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp.

     Ước tính đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/10/2018: Đàn trâu 38.130 con, tăng 0,3%; đàn bò 108.200 con, tăng 0,7%; đàn lợn 335.829 con, tăng 1,6%; đàn gia cầm 3.680 ngàn con, tăng 3,4%; trong đó đàn gà 2.920 ngàn con, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

     Nhờ chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại phát triển nên hệ số xuất chuồng của lợn và gia cầm tăng khá so với năm trước. Ước tính 9 tháng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 54.801 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu 1.700 tấn, tăng 1,2%; thịt bò 4.540 tấn, tăng 4,5%; thịt lợn 38.800 tấn, tăng 1,3%; thịt gia cầm 9.761 tấn, tăng 4,6%. Riêng thịt gà 7.134 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

     Dự báo trong những tháng cuối năm, chăn nuôi lợn có chiều hướng phát triển trở lại và khả năng xuất chuồng tăng cao.

     1.2. Lâm nghiệp

     Sản xuất ngành lâm nghiệp duy trì tăng trưởng và tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang được các địa phương triển khai đúng kế hoạch nhằm thay thế diện tích bị thiệt hại do bão số 10 năm trước. Công tác giao khoán bảo vệ, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng được chú trọng nên tiến độ thực hiện khá nhanh. Công tác khai thác gỗ từ rừng trồng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ.

     Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 9 tháng thực hiện 275.000 m3, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác 9 tháng ước tính thực hiện 208.700 ste, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

     Trong tháng 9, một số chủ rừng đã triển khai công tác trồng rừng mới. Ước tính 9 tháng rừng trồng mới tập trung thực hiện 1.275 ha, tăng 54,0% so với cùng kỳ năm trước. Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện theo kế hoạch.

     Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, trong các tháng nắng nóng đã xảy ra một số vụ cháy rừng ở các địa phương là thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Ninh đã thiệt hại một số diện tích rừng trồng.

     1.3. Thủy sản

     Chín tháng năm 2018 sản xuất thuỷ sản tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Sau sự cố môi trường biển, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nên số lượng tàu và công suất tăng nhanh; cùng với đó, sản phẩm khai thác tiêu thụ thuận lợi nên ngư dân tích cực ra khơi bám biển. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, mặc dù gặp một số khó khăn do dịch bệnh, nhưng nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá toàn diện, diện tích nuôi trồng được mở rộng, số lượng lồng bè nuôi tăng cao, sản phẩm nuôi trồng đa dạng hơn.

     Sản lượng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 62.053,9 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá đạt 49.743,0 tấn, tăng 10,0%; tôm đạt 4.430,0 tấn, tăng 2,4%; thủy sản khác đạt 7.880,9 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Nuôi trồng

     Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước tính đạt 6.286,1 ha, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng diện tích nuôi cá lúa kết hợp; số lồng bè nuôi hiện có 2.632 lồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

     Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 9.943 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá đạt 6.063,9 tấn, tăng 6,5%; tôm đạt 3.591,7 tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 287,4 tấn, tăng 0,5%. Sản lượng tăng do các hộ nuôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, chú trọng phòng trừ dịch bệnh và quan tâm chất lượng con giống hơn.

     b. Khai thác

     Với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cơ chế chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Từ nguồn kinh phí đền bù thiệt hại môi trường biển nên nhiều chủ thuyền đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị nên năng lực khai thác hải sản trong 9 tháng năm 2018 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, số lượng tàu khai thác hải sản có động cơ 5.495 chiếc, tăng 8,0%. Trong đó: Số lượng tàu có công suất từ 90 CV trở lên có 1.463 chiếc, tăng 6,7%; số tàu công suất dưới 90 CV có 4.032 chiếc, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

     Năng lực đánh bắt tăng và thời tiết thuận lợi nên sản lượng thủy sản khai thác tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng sản lượng khai thác đạt 52.110,9 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá đạt 43.679,1 tấn, tăng 10,5%; tôm đạt 838,3 tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 7.593,5 tấn, tăng 4,6%. Riêng khai thác biển đạt 49.642,2 tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

     1.4. Tình hình trang trại

     Tại thời điểm 1/7/2018, toàn tỉnh hiện có 698 trang trại, so với cùng kỳ năm trước giảm 27 trang trại. Chia ra:

     - Trang trại trồng trọt có 6 trang trại, giảm 7 trang trại;

     - Trang trại chăn nuôi có 229 trang trại, tăng 16 trang trại;

     - Trang trại lâm nghiệp có 15 trang trại, tăng 2 trang trại;

     - Trang trại nuôi trồng thủy sản có 29 trang trại, giảm 18 trang trại;

     - Trang trại tổng hợp có 419 trang trại, giảm 20 trang trại.

     Các địa phương có số lượng trang trại tăng là Lệ Thủy tăng 4 trang trại, Đồng Hới tăng 12 trang trại, Quảng Ninh tăng 1 trang trại, tăng chủ yếu là loại hình trang trại chăn nuôi và lâm nghiệp. Các địa phương có số lượng trang trại giảm là Bố Trạch giảm 37 trang trại, Ba Đồn giảm 4 trang trại, Quảng Trạch giảm 3 trang trại. Nguyên nhân trang trại giảm là do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017, một số trang trại thiệt hại khá lớn về cơ sở vật chất cũng như sản lượng hàng hóa, đặc biệt là các trang trại tổng hợp, trang trại nuôi trồng thủy sản, trang trại trồng trọt, diện tích cây cao su gãy đổ khá nhiều. Nhiều trang trại không tiếp tục đầu tư, do vậy giá trị hàng hóa không đạt tiêu chí. Những trang trại này định hướng không tiếp tục trồng cao su mà chuyển qua trồng các lại cây lâm nghiệp và cây hàng năm ngắn ngày.

     Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn của địa phương và đang được phát triển khá nhanh nhằm khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có. Hiện nay, kinh tế gia trại đang được chú trọng và từng bước mở rộng quy mô là cơ sở để cho loại hình trang trại phát triển trong thời gian tới.

     1.5. Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM)

     Toàn tỉnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM; 106/136 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 120/136 xã đạt tiêu chí y tế; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm trên 79%; 89,1% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 62 xã đạt tiêu chí giao thông; 111/136 xã đạt tiêu chí thủy lợi, vượt 6,7% so với mục tiêu đề ra năm 2020; 134/136 xã có điện lưới đến trung tâm xã với hơn 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia; tỷ lệ phòng học văn hóa được kiên cố hóa đạt 76,45%; 67/136 xã đạt tiêu chí trường học.

     Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn; công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi có phần chững lại; số xã bị sụt giảm tiêu chí còn nhiều; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính truyền thống, đặc trưng; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thị trường còn chậm; nhiều xã, thôn, bản chưa quan tâm xây dựng Trung tâm, nhà Văn hóa - Thể thao; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn khá cao.

     2. Công nghiệp

     Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2018 tăng trưởng khá ổn định. Ngành sản xuất trang phục, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại có tốc độ tăng trưởng khá. Thời gian qua, các cấp, các ngành tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng và các chương trình hỗ trợ thiết thực như cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và đã đạt được kết quả nhất định.

     * Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2018 ước tính tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%.

     Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính thực hiện 9 tháng năm 2018 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 12,5%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,6%; ngành khai khoáng khác tăng 6,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,0%; xử lý và cung cấp nước tăng 4,8%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,9%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,8%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,8%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ (trong những tháng đầu năm, nhà máy sản xuất tinh bột sắn ngừng sản xuất theo mùa vụ sớm hơn năm trước do thiếu nguyên liệu); ngành sản xuất đồ uống giảm 3,0% (giảm chủ yếu ở ngành sản xuất bia, do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm).

     * Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010

     Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 8.449,4 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Kinh tế nhà nước ước tính đạt 744,0 tỷ đồng, tăng 8,5%; kinh tế ngoài nhà nước ước tính đạt 5.924,9 tỷ đồng, tăng 3,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 1.750,5 tỷ đồng, tăng 23,6%.

     Quy mô về giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có sự thay đổi lớn do có sự thay đổi về hình thức sở hữu vốn của hai Nhà máy xi măng Sông Gianh và Nhà máy xi măng Văn Hóa thuộc Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan.

     Chia theo ngành kinh tế: Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2018 ngành khai khoáng ước tính đạt 324,4 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đạt 7.916,7 tỷ đồng; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… ước tính đạt 136,3 tỷ đồng, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tính đạt 72,0 tỷ đồng.

     * Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

     Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tính thực hiện 9 tháng năm 2018 như sau: Dăm gỗ đạt 269.495 tấn, tăng 11,4%; áo sơ mi đạt 10,1 triệu cái, tăng 11,2%; clinker thành phẩm đạt 2,6 triệu tấn, tăng 8,9%; đá xây dựng đạt 2,2 triệu m3, tăng 5,9%; xi măng đạt 1,3 tấn, tăng 5,6%; điện thương phẩm đạt 585,0 triệu kwh, tăng 5,0%; gạch xây dựng bằng đất sét nung đạt 188,0 triệu viên, tăng 4,8%; nước máy đạt 6,3 triệu m3, tăng 4,8%; bia đóng chai đạt 13,6 triệu lít, giảm 8,7%; tinh bột sắn đạt 3.220 tấn, giảm 65,5% so với cùng kỳ.

     3. Vốn đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 9 năm 2018 ước tính thực hiện 372,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 3,3% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Tính chung  9 tháng năm 2018, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 2.712,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý thực hiện 750,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý thực hiện 1.962,0 tỷ đồng.

     Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 9 tháng năm 2018 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện 233,8 tỷ đồng, giảm 8,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện 110,3 tỷ đồng, giảm 1,7%; ngành sản xuất và phân phối điện nước thực hiện 34,9 tỷ đồng, tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 49,3 tỷ đồng, tăng 1,3%; ngành thương nghiệp thực hiện 37,8 tỷ đồng, tăng 1,7%; ngành vận tải kho bãi thực hiện 1.549,5 tỷ đồng, tăng 4,1%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thực hiện 31,3 tỷ đồng, giảm 4,5%; ngành thông tin truyền thông thực hiện 11,8 tỷ đồng, giảm 2,4%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ thực hiện 55,4 tỷ đồng, giảm 1,4%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ thực hiện 29,2 tỷ đồng, giảm 0,7%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 214,5 tỷ đồng, tăng 2,9%; ngành giáo dục và đào tạo thực hiện 160,0 tỷ đồng, tăng 14,8%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội thực hiện 124,6 tỷ đồng, tăng 0,1%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí thực hiện 31,2 tỷ đồng, giảm 10,8%; ngành hoạt động dịch vụ khác thực hiện 21,9 tỷ, giảm 0,6%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng thực hiện 16,7 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2017.

     Trong thời gian qua, tình hình thực hiện vốn đầu tư tiếp tục được đẩy nhanh, vốn đầu tư do Nhà nước chủ yếu tập trung thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp về giao thông; thủy lợi; quản lý nhà nước; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội... Tiến độ thực hiện một số công trình/dự án đầu tư xây dựng đảm bảo đúng kế hoạch nhất là đối với các công trình/dự án có khối lượng vốn lớn trên địa bàn tỉnh như: Trụ sở làm việc HĐND-UBND thành phố Đồng Hới; Trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới; Công trình quốc phòng; Tuyến đường ngang dọc nối từ QL 1A đi Bàu Sen đến vị trí quy hoạch khu trung tâm hành chính huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch; Tỉnh lộ 2; Cầu Nhật Lệ 2; Đê, kè Lý Hoà; Dự án đường từ ngã tư Quảng Thọ đi Quảng trường biển; Dự án củng cố nâng cấp kè tả sông Gianh (đoạn qua thị xã Ba Đồn); Dự án hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất khu dân cư phía Nam đường Hùng Vương, thị xã Ba Đồn;...

     Trong 9 tháng năm 2018, tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn thực hiện đúng tiến độ đề ra, việc quản lý vốn thực hiện nghiêm túc, công tác kiểm tra giám sát, đánh giá đầu tư đảm bảo đúng quy định. Hiện nay, các đơn vị đang đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đồng thời hoàn thành các công trình/dự án sớm đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, đặc biệt là các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê kè chống lũ. Tiến độ các công trình/dự án có vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn được đảm bảo do nhà thầu, chủ đầu tư chủ động hơn trong quá trình thi công thực hiện công trình/dự án, bên cạnh đó, công tác quản lý cũng như giải ngân nguồn vốn XDCB được các cấp, các ngành quan tâm.

     4. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Tháng 9, hoạt động bán lẻ hàng hoá sôi động hơn so với tháng trước do nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, các cơ sở bán lẻ, siêu thị thực hiện nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá kích thích tiêu dùng trong dịp Quốc Khánh 2/9. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 đạt 1.695,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ; 9 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá ước tính đạt 14.837,5 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ.

     Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế Nhà nước doanh thu tháng 9 đạt 108,5 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 45,3% so với cùng kỳ; 9 tháng doanh thu đạt 872,5 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ. Đây là thành phần kinh tế có mức tăng cao nhất, nguyên nhân do doanh thu của Công ty Xăng dầu Quảng Bình tăng cao; Kinh tế tập thể doanh thu không đáng kể, 9 tháng doanh thu ước đạt 8,2 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; Kinh tế cá thể doanh thu tháng 9 đạt 959,3 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ; 9 tháng doanh thu đạt 8.487,5 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; Kinh tế tư nhân doanh thu tháng 9 đạt 626,9 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ; 9 tháng doanh thu đạt 5.469,4 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.

     Phân theo nhóm ngành hàng: Tháng 9, do thị trường ô tô tiếp tục có nhiều loại xe ra mắt như Hyundai Kona, Toyota Vios phiên bản mới… nên nhóm hàng ô tô các loại có mức tăng cao nhất, tăng 10,7% so tháng trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,1%, tháng này trùng vào dịp Lễ Quốc Khánh 2/9 nên nhiều cơ sở áp dụng nhiều hoạt động khuyến mãi kích thích người tiêu dùng; nhóm hàng may mặc giảm 5,3% và nhóm vật phẩm văn hoá giáo dục giảm 6,0%, đây là 2 nhóm giảm sâu so với tháng trước do đã bước vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm trong tháng này giảm; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng giảm 1,9%, nguyên nhân do đã bước vào mùa mưa nên nhiều hoạt động xây dựng giảm. Các nhóm còn lại có mức tăng cụ thể như sau: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,4%; nhóm phương tiện đi lại tăng 4,0%; nhóm xăng dầu các loại tăng 1,3%; nhóm nhiên liệu khác tăng 1,9%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 1,6%; nhóm hàng hóa khác tăng 2,8%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 2,1%.

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

     Chín tháng năm 2018 ghi nhận khởi sắc của du lịch Quảng Bình, nhất là các tháng cao điểm của mùa du lịch. Các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, 2/9, lượng khách du lịch tăng cao so với những năm trước. Những điểm đến chủ yếu khách du lịch lựa chọn tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng, như: Động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường; suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối; làng bích họa Cảnh Dương; các bãi biển Đá Nhảy, Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú và các điểm du lịch văn hóa tâm linh như: Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, hang Tám cô… Để đáp ứng như cầu của du khách, nhiều điểm du lịch được đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ. Khác với hai năm trước, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, gần đây các bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thu hút được lượng lớn du khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản. Du khách có thêm nhiều sự lựa chọn, từ đó giảm áp lực lên các điểm du lịch tập trung quá đông khách.

     Trong mùa du lịch năm 2018, chuỗi các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp lễ được tổ chức hấp dẫn, đa dạng, như các chương trình Gala Dinner Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 tại Sunspa Resort; lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Son và sông Nhật Lệ; Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố Đồng Hới; Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch và hội Rằm tháng Ba Minh Hóa... đã thu hút đông đảo khách du lịch. Các hoạt động vui chơi, giải trí tại các bãi biển như thuyền buồm, mô tô nước, dù lượn, bóng chuyền... mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

     Nhờ mở thêm các điểm tham quan, du lịch; cơ sở lưu trú được nâng lên về số lượng và chất lượng; các hoạt động quảng bá du lịch có hiệu quả… nên số lượng khách, doanh thu dịch vụ lữ hành, lưu trú và ăn uống 9 tháng năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

     - Dịch vụ lưu trú

     Tháng 9, hoạt động lưu trú và ăn uống giảm theo đúng chu kỳ của mùa vụ du lịch tại địa phương nên doanh thu và lượt khách giảm mạnh so với tháng trước. Ước tính doanh thu lưu trú tháng 9 đạt 18,3 tỷ đồng, giảm 21,7% so với  tháng trước và tăng 45,4% so với cùng kỳ; 9 tháng doanh thu ước tính đạt 139,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 9 ước tính đạt 72.452 lượt khách, giảm 13,5% so với tháng trước và tăng 26,9% so với cùng kỳ; 9 tháng ước tính đạt 653.216 lượt khách, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 9 ước tính đạt 12.502 lượt khách, giảm 13,5% so với tháng trước và tăng 164,5% so với cùng kỳ; 9 tháng ước tính đạt 82.153 lượt khách, tăng 68,9% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 9 ước tính đạt 98.634 ngày khách, giảm 13,3% so với tháng trước và tăng 49,0% so với cùng kỳ; 9 tháng ước tính đạt 819.128 ngày khách, tăng 24,7% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống: Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 9 ước tính đạt 148,1 tỷ đồng, giảm 8,6% so với tháng trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ; 9 tháng doanh thu ước tính đạt 1.462,2 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 9, do bước vào mùa mưa nên lượt khách và doanh thu du lịch lữ hành giảm hẳn so với tháng trước, trong đó hang Sơn Đoòng đã bắt đầu dừng khai thác theo chu kỳ hang thở.

     Ước tính tháng 9 doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 75,9% so với tháng trước (giảm mạnh do hang Sơn Đoòng dừng khai thác) và tăng 10,7% so với cùng kỳ; 9 tháng doanh thu ước tính đạt 237,0 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 9 ước đạt 53.608 lượt khách, giảm 46,4% so tháng trước và tăng 26,3% so cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 754.599 lượt khách, tăng 15,5% so cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 9 ước tính đạt 15.750, giảm 11,8% so với tháng trước và tăng 155,5% so với cùng kỳ; 9 tháng ước tính đạt 131.757 lượt khách, tăng 65,0% so với cùng kỳ.

     c. Hoạt động dịch vụ

     Hoạt động dịch vụ tháng 9 tiếp tục có mức tăng khá so với tháng trước, do trùng vào dịp nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9 nên nhiều dịch vụ tăng cao. Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 9 đạt 91,5 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 13,0% so với cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 780,9 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

     Ước tính 9 tháng năm 2018, doanh thu phần lớn các nhóm hàng dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ khác tăng 15,5%; tiếp đến là nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 13,9%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 12,6%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 11,5%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,9%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 6,1%; có 1 nhóm giảm là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

     d. Hoạt động vận tải

     Tháng 9 năm 2018 là tháng tựu trường, là thời điểm sinh viên, học sinh bắt đầu nhập học, cùng với đó là dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 3 ngày, nhu cầu đi lại, tham quan, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, vì vậy các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực vận tải tập trung nguồn lực tăng chuyến, nhằm phục vụ việc đi lại của người dân trong và ngoài tỉnh.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 9 ước tính đạt 293,1 tỷ đồng, tăng 1,46% so với tháng trước; ước tính 9 tháng doanh thu đạt 2.500,9 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách 9 tháng đạt 493,8 tỷ đồng, tăng 9,9%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.704,6 tỷ đồng, tăng 9,2%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 302,5 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 9 ước đạt 2,4 triệu hành khách, tăng 1,7% so với tháng trước; 9 tháng ước tính đạt 19,4 triệu hành khách, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 9 ước tính đạt 107,0 triệu hk.km, tăng 1,2% so với tháng trước; 9 tháng ước tính đạt 872,3 triệu hk.km, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 2,2 triệu tấn, tăng 1,2% so với tháng trước; 9 tháng ước tính đạt 19,3 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 9 ước tính đạt 105,2 triệu tấn.km, tăng 0,9% so với tháng trước; 9 tháng ước tính đạt 923,1 triệu tấn.km, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục

     - Giáo dục mầm non

     Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặc biệt là chất lượng tổ chức bán trú ở các trường mầm non, hiện có 181/182 trường tổ chức bán trú (tỷ lệ 99,4%); 100% trẻ Nhà trẻ được ăn bán trú với nhiều hình thức; 96,3% trẻ Mẫu giáo được ăn bán trú. 100% trường xây dựng mô hình vườn rau của bé, đảm bảo cung cấp từ 20 - 30% lượng rau sạch cho trẻ tại trường; 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, không có trẻ bị tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong các trường mầm non; 100% trẻ được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hiện còn: 2,9% trẻ nhà trẻ và 4,2% trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; 3,6% trẻ nhà trẻ và 4,5% trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thể thấp còi.

     Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: kết thúc năm học 2017 - 2018, đã có 158/159 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 99,4%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

     - Giáo dục phổ thông

     Cấp Tiểu học: Thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học theo quy định, bám sát Chuẩn kiến thức - kỹ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình các môn học; thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học đối với giáo dục Tiểu học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

     Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), có 113 trường nhân rộng toàn phần với 23.211 học sinh/912 lớp, tất cả các trường còn lại thực hiện nhân rộng mức độ 1. Thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục với 16.935 học sinh/658 lớp. Chất lượng môn Tiếng Việt lớp 1 đạt cao, kĩ năng đọc, viết và các kĩ năng học tập được đánh giá tốt hơn so với chương trình hiện hành. Tiếp tục chỉ đạo dạy học theo Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 tại 214/227 trường có học sinh tiểu học với 62.574 học sinh. Triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch ở tất cả các trường tiểu học, bước đầu giáo viên đã thực hiện tốt, học sinh yêu thích môn học và có sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng cao.

     Kết quả đánh giá năng lực: Tự phục vụ tự quản: 70,95% số em đạt loại tốt, 28,68% số em đạt và 0,37% số em cần cố gắng; Hợp tác: đạt tốt 69,55%, đạt 30,0%, cần cố gắng 0,45%; Tự học và giải quyết vấn đề: đạt tốt 66,93%, đạt 32,55% và cần cố gắng 0,52%. Kết quả xếp loại môn học: môn Toán, học sinh hoàn thành tốt 61,89%, học sinh hoàn thành 37,52%, học sinh chưa hoàn thành 0,59%; Môn Tiếng Việt: tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt 58,30%, tỷ lệ học sinh hoàn thành 41,05% và tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành 0,65%.

     Phổ cập giáo dục tiểu học: đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, trong đó, có 154/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 96,86%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.

     Cấp trung học cơ sở (THCS): Kết quả xếp loại 2 mặt cấp THCS, về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 81,20%, khá 16,97%, loại trung bình 1,79%, loại yếu 0,04%. Về học lực, xếp loại giỏi 21,48%; loại khá 41,17%, loại trung bình 35,28%, loại yếu 2,06%, loại kém 0,01%. Số học sinh được công nhận tốt nghiệp cấp trung học cơ sở toàn tỉnh 13.879/13.892 học sinh dự xét, đạt tỷ lệ 99,9%.

     Phổ cập giáo dục THCS: đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên, trong đó, có 158/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 99,37%); có 108/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (tỷ lệ 67,92 %); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên; trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 87,50%) và thành phố Đồng Hới đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

     Cấp trung học phổ thông: Kết quả xếp loại về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 77,1%, khá 19,3%; loại trung bình 3,2%, loại yếu 0,4%. Về học lực xếp loại giỏi 12%; loại khá 49,7%, loại trung bình 34,8%, loại yếu 3,5%, loại kém 0,1%. Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 9.155/9.669 em dự thi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 94,68%.

     Về xóa mù chữ: đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó, có 157/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 98,7%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

     Về kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh: Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 3.013 học sinh lớp 9, lớp 11, lớp 12 dự thi 9 môn: Văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh học, Tiếng Anh và Tin học. Kết quả đã có 1.447 em đạt giải (trong đó, có 77 giải nhất, 254 giải nhì, 449 giải ba, 667 giải khuyến khích).

     Tổ chức cuộc thi Tài năng Tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh năm 2018, với 65 học sinh tham gia; kết quả: 6 giải nhất, 13 giải nhì, 20 giải ba và 26 giải khuyến khích.

     Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Quảng Bình lần thứ 5 năm học 2017 - 2018, với 110 dự án/59 đơn vị tham gia. Kết quả: 2 giải nhất, 5 giải nhì, 22 giải ba và 32 giải khuyến khích cho các dự án đạt giải; đã chọn 4 dự án xuất sắc tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

     Về kết quả thi học sinh giỏi cấp Quốc gia: có 38/60 học sinh dự thi đạt giải. Trong đó có 12 giải nhì, 8 giải ba và 18 giải khuyến khích; có 3 học sinh được Bộ giáo dục và Đào tạo chọn vào đội dự tuyển Olimpic Toán quốc tế.

     Về kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2017 - 2018: Theo công bố kết quả tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 toàn tỉnh có 9.669 thí sinh dự thi để lấy kết quả tốt nghiệp, trong đó có 9.155 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 94,68%. 

     - Công tác chuẩn bị và khai giảng năm học 2018 - 2019

     Bước vào năm 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xác định tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục (đại trà và mũi nhọn), Sở sẽ giảm tải những cuộc thi tự nguyện để tăng đầu tư cho chất lượng mũi nhọn; nâng cao chất lượng đội ngũ (phẩm chất và năng lực), chú trọng bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên để thích ứng với đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. 

     Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, gắn với thực tế của địa phương; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp học, phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; tránh việc tổ chức máy móc, qua loa hoặc nặng nề, hình thức, gây quá tải cho học sinh. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên phải xây dựng quy định về văn hóa nhà trường, xây dựng và thực hành quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường.

     Để nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo giai đoạn mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong dịp hè. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra một số hoạt động đầu năm học như đón học sinh đầu cấp học; tổ chức hoạt động để học sinh đầu cấp học tìm hiểu về nhà trường, tìm hiểu về chương trình giáo dục, hướng dẫn tham gia một số hoạt động trong và ngoài nhà trường. Chuẩn bị tốt cho công tác khai giảng năm học mới, tiến hành giảng dạy ngay sau khi khai giảng. Ngăn chặn kịp thời việc ép buộc học sinh học thêm trái qui định, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Các đơn vị nghiên cứu và vận dụng linh hoạt, đúng các khoản thu - chi theo quy định. Sở đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị ngày khai giảng năm học mới tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc. Nhìn chung, công tác chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cơ bản tại các trường, các đơn vị đã sẵn sàng. Các trường học trong toàn tỉnh Quảng Bình từ cấp học mầm non đến cấp phổ thông đã tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9/2018.

     2. Công tác y tế

     a. Y tế cơ sở

     Chín tháng năm 2018, ngành Y tế tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là tuyến y tế cơ sở và địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế, trong đó đã có 145/159 xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế (đạt tỷ lệ 91,19%); 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động và được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Về hoạt động, nhìn chung các bệnh viện đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện, cải cách hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quy trình khám bệnh và quy trình xét nghiệm. Đã thành lập các nhóm cải tiến, nhóm đánh giá và xây dựng các quy trình chuyên môn tại khoa khám bệnh với một số nội dung phù hợp với thực trạng. Công khai các quy trình khám bệnh, chữa bệnh, bố trí bộ phận thường trực tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân, tăng cường đội ngũ y bác sĩ cho khoa khám bệnh trong giờ cao điểm, áp dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian chờ đợi để đáp ứng kịp thời yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Các trạm y tế đã cố gắng duy trì các hoạt động; triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục giám sát các loại dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra; duy trì khám chữa bệnh ban đầu về BHYT; công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền có nhiều tiến bộ.

     b. Hoạt động khám chữa bệnh

     Hoạt động khám chữa bệnh trong 9 tháng năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn về khám chữa bệnh được thực hiện theo đúng tiến độ. Ước tính 9 tháng năm 2018 toàn tỉnh có 938.082 lần người được khám chữa bệnh, trong đó: tuyến tỉnh 109.351 lần người; tuyến huyện/thị/thành phố 372.854 lần người; tuyến xã/phường/thị trấn 455.877 lần người.

     Hoạt động khám chữa bệnh đã thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, thu dung điều trị người bệnh, thực hiện y đức. Các cơ sở y tế đã phát huy hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có như: máy nội soi, máy siêu âm, máy thở, máy xét nghiệm nhiều thông số; đảm bảo thường xuyên đủ thuốc có chất lượng cho người bệnh… nên cơ bản đã đảm bảo an toàn điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh.

     c. Công tác phòng chống dịch bệnh

     Công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng... Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch tại địa phương; tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc đầu tiên và chủ động bao vây dập tắt, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong. Ngoài ra, các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh xã hội cho cộng đồng; chú trọng công tác phối hợp giữa các phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quân y, y tế ngành trên địa bàn để hỗ trợ nhau trong việc thông báo dịch, xử lý dịch và thu dung điều trị bệnh nhân.

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 53 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 5 trường hợp Tay - chân - miệng; 2.424 trường hợp Tiêu chảy; 76 trường hợp Lỵ trực trùng; 53 trường hợp Lỵ a míp; 5 trường hợp viêm gan vi rút B; 1 trường hợp viêm gan vi rút C; 90 trường hợp viêm gan vi rút khác; 632 trường hợp Thủy đậu; 655 trường hợp Quai bị; 6.729 trường hợp Cúm; 4 trường hợp Lao phổi, 1 trường hợp Thương hàn; 1 trường hợp Ho gà. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     d. Tình hình nhiễm HIV/AIDS 

     Từ đầu năm đến 31/7/2018 trên địa bàn tỉnh phát hiện 22 người nhiễm mới HIV, 48 người chuyển sang AIDS, 4 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 31/7/2018, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.372 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 434 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 139 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     e. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Tám tháng năm 2018, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng công tác truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ và nhân viên các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các địa phương. Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn, chỉ xảy ra 346 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     f. Chương trình phòng chống sốt rét

     Trung tâm phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh đã tổ chức giám chặt chẽ tình hình sốt rét trên địa bàn, chuẩn bị chu đáo cho công tác phun tẩm hóa chất phòng chống véc tơ, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 1.342 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 72 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 29.627 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,18%.

     3. Văn hoá, thông tin

     a. Công tác thông tin tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị

     Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: kỷ niệm 88 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, 43 năm ngày thống nhất đất nước, 132 năm ngày Quốc tế Lao động, kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác, 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 107 năm ngày sinh và tưởng niệm 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực chào mừng. Trong đó, toàn tỉnh đã treo móc, thay mới trên 3.200 cờ, pano, băng rôn, đèn hoa các loại; thực hiện trên 650 buổi dạ hội văn nghệ. Bên cạnh đó hệ thống xe loa lưu động tiếp tục được phát huy, tạo không khí tươi mới, phấn khởi, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân.

     b. Công tác phát triển các lĩnh vực văn hóa

     Trên lĩnh vực hoạt động chuyên ngành, Sở Văn hoá và Thể thao đã tổ chức Hội nghị bảo vệ hồ sơ và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử Chứng tích tội ác chiến tranh tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy. Hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Cầu ngư tỉnh Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Ban hành Quyết định thành lập tổ kiểm kê, lập quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; thành lập tổ công tác điều tra, khảo sát tổ chức các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

     Trong các ngày 24-26/8/2018, tại tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ III. Đoàn diễn viên, nghệ nhân dân gian và vận động viên đại diện cho các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình đã trình diễn, trưng bày những nét văn hóa đặc sắc như: phục dựng lễ hội Lấp lỗ trỉa hạt của người Bru - Vân Kiều, trưng bày ảnh, hiện vật của các dân tộc, trình diễn các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục truyền thống, thi bắn nỏ, đẩy gậy... Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số miền Trung là không gian hội tụ văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên dải đất miền Trung, là dịp để các tỉnh giao lưu, quảng bá những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn và đông đảo du khách gần xa. Ngày hội văn hóa cũng là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, cùng xây dựng bản làng quê hương ngày càng giàu đẹp và thôi thúc lòng tự hào để giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Kết thúc chuỗi các hoạt động tại Ngày hội, đoàn tỉnh Quảng Bình vinh dự được Ban Tổ chức trao 4 giải A, 2 giải B và 3 giải C cho các phần thi trình diễn.

     Hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan được duy trì thường xuyên. Thiết thực chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tổ chức đợt phim chào mừng từ ngày 19/8 - 5/9/2018. Đợt phim gồm những tác phẩm tiêu biểu như: Sứ mệnh trái tim, Bản tình ca trong đêm, Sao tháng tám, Đường thư... Phim tài liệu Huỳnh Thúc Kháng - chiến sỹ yêu nước thương dân, Đất nước giữa biển khơi, Ngày độc lập 2/9/1945, Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam... Bên cạnh đó, các đội chiếu bóng lưu động cũng sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

     c. Các hoạt động Lễ hội đặc trưng                                                  

     Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với các địa phương tổ chức một số Lễ hội đặc trưng như: Thị xã Ba Đồn tổ chức hát Bài Chòi; huyện Quảng Ninh tổ chức Lễ hội Danh thắng Thần Đinh; huyện Lệ Thủy tổ chức Lễ hội chùa Hoằng Phúc; huyện Quảng Trạch và Bố Trạch tổ chức Lễ hội Cầu ngư; huyện Bố Trạch tổ chức Lễ hội Đập trống của người Ma Coong; Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy trong dịp đón Tết Độc lập… Nhìn chung, các lễ hội đã khai thác được vốn văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là dịp để nhân dân hưởng thụ và tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội.

     d. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

     Đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tổ chức với nhiều hình thức và nội dung phong phú, tạo không khí tươi mới, góp phần cổ vũ tinh thần nhân dân trong lao động, sản xuất. Nổi lên là “Tuần Văn hóa - Du lịch” thành phố Đồng Hới năm 2018 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao như: Lễ hội diễu hành đường phố; Lễ hội ẩm thực Quảng Bình; Hội Bài chòi; Lễ hội Cù; đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ và chương trình nghệ thuật chào mừng Tuần văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2018… Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách, góp phần tích cực vào đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở các địa phương, thông qua đó góp phần khôi phục và phát huy các giá trị văn hoá, tôn vinh những nét đẹp văn hoá truyền thống.

     Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn; hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 06 và 16 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

     Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tham gia hưởng ứng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đảm bảo an ninh chính trị, phát huy truyền thống tương thân tương ái, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa năm 2018 ước đạt 84%; số thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa ước đạt 69%; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 74%.

     4. Hoạt động thể dục thể thao

     a. Thể thao quần chúng

     Phong trào thể dục, thể thao của tỉnh đã có những bước chuyển biến, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Đến nay, số người tập luyện thể thao thường xuyên ước đạt 31,0%, tăng 0,3% so với năm 2017, số gia đình thể thao ước đạt 25,4%, tăng 0,2% so với năm 2017.

     Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi. Đáng chú ý là Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2018 đã thu hút 24 thuyền bơi nam, 9 thuyền đua nữ của các xã, thị trấn trên địa bàn; huyện Quảng Ninh tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ với sự tham gia của 12 đội thuyền đua nam, 7 đội thuyền đua nữ đến từ 12/15 xã, thị trấn của huyện; huyện Tuyên Hóa tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh vào ngày 18/8/2018, có 9 đội tham gia với hơn 300 vận động viên và huấn luyện viên đến từ 9/20 xã, thị trấn của huyện; ngày 29/8/2018, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống với 4 đội thuyền từ 10 thôn của xã; huyện Bố Trạch tổ chức giải bóng chuyền truyền thống nam, nữ thu hút trên 300 vận động viên của 28 đội bóng (14 đội nam, 14 đội nữ) đến từ các xã, thị trấn và một số cơ quan trong toàn huyện, thi đấu 4 ngày từ ngày 28 đến ngày 31/8/2018.

     Ngày 1/9/2018, thành phố Đồng Hới đã tổ chức giải đua xe đạp thành phố mở rộng lần thứ 2 năm 2018, tham gia giải đua có hơn 100 vận động viên tập luyện xe đạp thể thao thuộc 11 đội các câu lạc bộ (CLB), cụ thể: 7 CLB đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố Đồng Hới, 1 CLB thị xã Ba Đồn, 1 CLB của tỉnh Thanh Hóa, 1 CLB tỉnh Hà Tĩnh và 1 CLB tỉnh Quảng Trị và sự tham gia hỗ trợ, hộ tống của CLB mô tô Quảng Bình. Nhìn chung các hoạt động thi đấu thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn và các môn thể thao truyền thống nhân các ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hầu hết ở các địa phương trong tỉnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong các tầng lớp nhân dân.

     b. Thể thao thành tích cao

     Tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (Asiad 18), VĐV Nguyễn Huy Hoàng của Quảng Bình đã giành được HCB ở nội dung bơi 1500m tự do nam với thành tích 15 phút 1 giây 63. Trước đó, ngày 20/8/2018 VĐV Nguyễn Huy Hoàng cũng đã giành được HCĐ nội dung 800m tự do nam, đồng thời phá kỷ lục quốc gia do chính vận động viên nắm giữ. VĐV đua thuyền Rowing Lường Thị Thảo của Quảng Bình cùng đồng đội đã xuất sắc giành HCV nội dung thuyền 4 nữ mái chèo hạng nhẹ với thành tích 7 phút 1 giây 11. Ngày 30/8/2018 VĐV điền kinh Hoàng Thị Ngọc của Quảng Bình cùng đồng đội đã giành được HCĐ nội dung chạy tiếp sức 4 x 400m nữ với thành tích 3 phút 33 giây 23. Kết thúc các nội dung thi đấu tại ASIAD, các vận động viên của tỉnh đã xuất sắc giành được 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

     Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao đã đạt được 135 Huy chương các loại, trong đó có 55 HCV, 39 HCB và 41 HCĐ. Trong đó đã xuất sắc đạt được 27 Huy chương quốc tế (11 HCV, 7 HCB và 9 HCĐ)

     5. Tình hình an toàn giao thông và cháy nổ

     a. An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 8 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, giảm 5 vụ so với tháng 8 năm 2017, trong đó đường bộ 14 vụ, giảm 6 vụ; đường sắt 1 vụ, bằng cùng kỳ; đường thủy 1 vụ, tăng 1 vụ. Số người chết do tai nạn giao thông 5 người, giảm 4 người so với tháng 8 năm 2017; trong đó đường bộ chết 4 người, giảm 5 người; đường sắt chết 1 người, tăng 1 người; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 12 người, giảm 5 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ bị thương 10 người, giảm 7 người; đường sắt bị thương 2 người, tăng 2 người; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2017.

     Lũy kế 8 tháng năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, giảm 36 vụ so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đường bộ 122 vụ, giảm 35 vụ so cùng kỳ; đường sắt xảy ra 2 vụ, giảm 2 vụ so cùng kỳ; đường thủy xảy ra 1 vụ, tăng 1 vụ. Số người chết do tai nạn giao thông 62 người, giảm 18 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 61 người, giảm 17 người; đường sắt chết 1 người, giảm 1 người so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 95 người, giảm 30 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 91 người, giảm 34 người; đường sắt bị thương 4 người, tăng 4 người, đường thủy không xảy ra, bằng với cùng kỳ năm 2017.

     b. Tình hình cháy nổ

     Tháng 9 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy với giá trị thiệt hại 180 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ cháy với giá trị thiệt hại 105.847 triệu đồng; trong đó, thành phố Đồng Hới 11 vụ với giá trị thiệt hại 1.399 triệu đồng; thị xã Ba Đồn 5 vụ với giá trị thiệt hại 116 triệu đồng; huyện Minh Hóa 2 vụ với giá trị thiệt hại 130 triệu đồng; huyện Tuyên Hóa 1 vụ với giá trị thiệt hại 500 triệu đồng; huyện Quảng Trạch 4 vụ với giá trị thiệt hại 500 triệu đồng; huyện Bố Trạch 11 vụ với giá trị thiệt hại 102.902 triệu đồng; huyện Quảng Ninh 2 vụ với diện tích rừng bị cháy là 15 ha; huyện Lệ Thủy 4 vụ với giá trị thiệt hại 300 triệu đồng.

     6. Một số vấn đề xã hội

     Thực hiện các giải pháp của chương trình giải quyết việc làm, cùng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và sự cố gắng nổ lực của người lao động đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết việc làm. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, 9 tháng năm 2018 đã tư vấn về việc làm và xuất khẩu lao động cho hơn 13.315 lượt người; giới thiệu và cung ứng việc làm cho hơn 2.217 lao động.

     Tổ chức tặng 67.322 suất quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh và các cá nhân với tổng kinh phí hơn 13,2 tỷ đồng. Giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 616 trường hợp; trợ cấp 1 lần cho 3.852 trường hợp; giải quyết công tác mộ - nghĩa trang liệt sỹ cho 195 trường hợp; giải quyết công tác quản lý hồ sơ người có công cho 6.856 trường hợp. Phối hợp với với các cơ quan có liên quan tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ và các dịp lễ, Tết. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đưa 996 đối tượng người có công và thân nhân đi điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng.

     Để thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên Đán và thiếu đói giáp hạt, ngay từ những tháng đầu năm 2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ 2.702 tấn gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; chỉ đạo các địa phương trao Thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước cho 64 cụ tròn 100 tuổi và chúc thọ 825 cụ tròn 90 tuổi, 64 cụ tròn 100 tuổi với tổng kinh phí 378 triệu đồng.

     Khái quát lại, kinh tế - xã hội 9 tháng 2018 tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết qủa đáng phấn khởi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức: Ngành công nghiệp do năng lực mới tăng không đáng kể nên tăng trưởng còn thấp, sản phẩm chủ yếu là gia công và sản xuất thô, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất công nghiệp; công tác dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp ở một số khâu chưa chủ động, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu các nơi xa nguồn nước, sản xuất một số sản phẩm mũi nhọn chất lượng cao còn thiếu nên sức cạnh tranh trên thị trường chưa đủ mạnh, tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn khó khăn, nhất là thị trường và giá cả không ổn định; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch được tăng cường, tuy nhiên tính chuyên nghiệp chưa cao; giải quyết việc làm cho người lao động còn khó khăn, tình hình an ninh chính trị còn nhiều nguy cơ bất ổn... Để tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, những tháng cuối năm, các ngành, các cấp và các địa phương cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau đây:

     Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Thực hiện điều chỉnh lãi suất phù hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tập trung huy động nguồn vốn để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản để hạn chế rủi ro nợ xấu; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đi đôi với đổi mới cơ chế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các chi nhánh ngân hàng thương mại;

     Hai là, có chính sách, giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản; đẩy mạnh hoạt động đánh bắt vùng biển xa bờ, thực hiện hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển nuôi trồng thủy sản; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy hải sản; có chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông sản, chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh; tập trung sản xuất theo quy mô lớn, chuỗi giá trị. Thực hiện Kế hoạch Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra; củng cố, duy trì các tiêu chí đã được;

     Ba là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, các dư án mới đầu tư sản xuất ổn định; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp; chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai các dự án đã đăng ký và cấp giấy chứng nhận đầu tư;

     Bốn là, tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh theo mùa; kiểm tra công tác tiêm vắc xin, đặc biệt chú trọng vắc xin dịch vụ tại các cơ sở y tế; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các cơ sở y tế, tăng cường quản lý, kiểm soát thuốc, giá thuốc...

     Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội. Quan tâm và thực hiện tốt các chính sách đối với những đối tượng nghèo, gia đình có công. Triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho người khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông, cháy nổ. Ngăn chặn, xử lý tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, cá độ bóng đá, lô đề./.

[Trở về]