THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 năm 2018 tỉnh Quảng Bình 
     Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; năm có ý nghĩa rất quan trọng tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Theo dự báo, năm 2018 kinh tế Việt Năm duy trì mức tăng trưởng cao; cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí sản xuất kinh doanh được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sẽ phát huy hiệu quả… là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, năm 2018 cũng được dự báo gặp không ít khó khăn, thách thức, như: việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu trong khối ASEAN đối với nhiều mặt hàng sẽ gây áp lực về giá cả và chất lượng sản phẩm trong nước, thiên tai khó lường, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn về thị trường; trong tỉnh, cơn bão số 10 năm trước còn để lại hậu quả nặng nề, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước rất hạn chế...

     Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 81/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Bên cạnh đó, để các hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện giao nhiệm vụ cần thực hiện ngay cho các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

     Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra, đến nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt những kết quả nhất định. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2018 như sau:

     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Mặc dù đầu vụ Đông Xuân, thời tiết có rét đậm, rét hại kéo dài nhưng với sự nỗ lực của các địa phương nên tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo lịch thời vụ đề ra. Nhờ đó, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay cơ bản thực hiện hết diện tích, một số cây trồng tăng so năm trước, đặc biệt là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

     Ước tính diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 54.955,2 ha, so vụ Đông Xuân năm trước giảm 0,2%. Cụ thể như sau:

     - Cây lúa:

      Diện tích cây lúa thực hiện 29.930,2 ha, giảm 0,4% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích lúa của các địa phương như sau: Đồng Hới 943,7 ha, giảm 3,6%; Ba Đồn 2.652,1 ha, giảm 2,7%; Minh Hóa 500,1 ha, tăng 6,0%; Tuyên Hóa 1.500 ha, tăng 1%; Quảng Trạch 3.550 ha, bằng năm trước; Bố Trạch 5.390 ha, giảm 1%; Quảng Ninh 5.210 ha, bằng năm trước; Lệ Thủy 10.184,3 ha, tăng 0,1%.

     Diện tích cây lúa giảm tập trung các địa phương: Thị xã Ba Đồn giảm 72 ha do nhiễm mặn bỏ hoang, chuyển qua xây dựng cơ bản 10 ha; thành phố Đồng Hới giảm 35,3 ha chuyển xây dựng cơ bản; Bố Trạch giảm 54 ha do chuyển đổi cây trồng sang nuôi cá và chuyển qua xây dựng cơ bản.

     Chất lượng giống lúa sử dụng trong vụ Đông Xuân năm nay đảm bảo nên cây lúa phát triển nhanh, khả năng chống chịu với thời tiết và sâu bệnh tốt. Hiện nay các địa phương triển khai công tác làm cỏ, bón phân, tỉa dặm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Công tác tưới, tiêu chủ động, điều tiết hợp lý đáp ứng đủ nước cho cây trồng.

     - Cây trồng khác:

     Diện tích gieo trồng các cây trồng khác: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 4.096 ha, giảm 0,6%; cây lấy củ có chất bột 9.466 ha, giảm 1,8%; cây mía 130 ha, tăng 5,2%; cây lấy sợi 5 ha, bằng 100%; cây có hạt chứa dầu 4.500 ha, tăng 0,5%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 5.137 ha, tăng 2,1%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 478 ha, tăng 8,9%; cây hàng năm khác 1.210,0 ha, tăng 0,5% so vụ Đông Xuân năm trước.

     Tình tình sâu bệnh hại lúa xuất hiện hầu hết ở các địa phương, các đối tượng gây hại chủ yếu là chuột, ốc bươu vàng, rệp muỗi, tuyến trùng rễ, bệnh đạo ôn lá. Trên cây ngô xuất hiện sâu xám, sâu cắn lá và rệp.

     Sản xuất cây lâu năm còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của cơn bão số 10 năm trước. Nhiều diện tích cây lâu năm bị ảnh hưởng, đặc biệt diện tích cây cao su của các địa phương bị đổ gãy tỷ lệ cao, khó khôi phục. Theo đó, năng suất, sản lượng thấp so cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng mủ cao su khai thác 3 tháng đầu năm đạt 520 tấn, so cùng kỳ năm trước giảm 7,1%.

     Nhìn chung, mặc dù thời tiết xuất hiện rét đậm, rét hại đầu vụ sản xuất nhưng tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân được thực hiện đúng thời vụ, tổng diện tích gieo trồng toàn vụ ổn định, diện tích một số cây trồng cho hiệu quả cao tăng khá như rau các loại, cây gia vị.

     b. Chăn nuôi

     Đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ít xảy ra. Theo đó, chăn nuôi của các địa phương phát triển ổn định. Nhờ chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng tập trung (trang trại, gia trại) nên hệ số xuất chuồng tăng lên, trọng lượng xuất chuồng tăng khá so cùng kỳ năm trước.

     Ước tính đàn gia súc, gia cầm thời điểm 01/4/2018 như sau:

     Đàn trâu 38.213 con, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước;

     Đàn bò 105.121 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước;

     Đàn lợn 342.518 con, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước;

     Đàn gia cầm 3.250 ngàn con, tăng 0,3%; trong đó đàn gà 2.587 ngàn con, tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước.

     Ước tính sản lượng xuất chuồng 3 tháng đầu năm 2018: Thịt trâu 750 tấn, tăng 1,4%; thịt bò 2.287 tấn, tăng 4,6%; thịt lợn 17.214 tấn, tăng 0,6%; thịt gia cầm 4.426 tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

     Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và chuẩn bị lập kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2018.

     2. Lâm nghiệp

     Ước tính 3 tháng đầu năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 35.000 m3, tăng 36,2% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác 3 tháng đầu năm đạt 55.200 ste, tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước.

     Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước tính 3 tháng đầu năm đạt 3.600 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước. Trong những tháng đầu năm, các chủ rừng thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung trên số diện tích trồng năm trước. Số cây trồng phân tán 3 tháng đầu năm ước tính thực hiện 2.670 ngàn cây, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước.

     3. Thuỷ sản

     Nhờ đa dạng hình thức nuôi trồng thủy sản, năng lực đánh bắt hải sản được tăng cường nên sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm tăng khá so cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thuỷ sản 3 tháng đầu năm thực hiện 11.544,7 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 10,5%. Trong đó: Cá các loại 9.945,4 tấn, tăng 11,6%; tôm các loại 422,8 tấn, giảm 7,0%; thủy sản khác 1.176,5 tấn, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước.

     a. Nuôi trồng

     Ước tính 3 tháng đầu năm sản lượng nuôi trồng thu hoạch 1.487,5 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 1,1%. Sản lượng nuôi trồng tăng thấp do nuôi tôm nước lợ giảm về diện tích (chuyển mục đích sử dụng) và thả giống chậm nên chưa đến kỳ thu hoạch (huyện Quảng Ninh).

     Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 1.215,3 tấn, tăng 4,7%; tôm các loại 213,3 tấn, giảm 16,2%; thủy sản khác 58,9 tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Nuôi nước lợ 242,5 tấn, giảm 14,2%; nuôi nước ngọt 1.245 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước.

     b. Khai thác

     Thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi cho khai thác hải sản nên ngư dân đã tích cực ra khơi bám biển. Sau Tết Nguyên đán, nhiều tàu thuyền của ngư dân ra khơi trúng mùa cá, trong đó nhiều tàu trúng đậm cá trích. Đến nay, sự cố môi trường biển cơ bản được khắc phục nên sản phẩm hải sản tiêu thụ thuận lợi, được giá.

     Sản lượng khai thác thuỷ sản 3 tháng đầu năm ước tính đạt 10.057,2 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 12,1%. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 8.730,1 tấn, tăng 12,7%; tôm các loại 209,5 tấn, tăng 4,6%; thuỷ sản khác 1.117,6 tấn, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước khai thác: Khai thác nước mặn (biển) thực hiện 9.377,4 tấn, tăng 12,6%; khai thác nước lợ 155,0 tấn, tăng 5,4%; khai thác nước ngọt 524,8 tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ năm trước.

     4. Công nghiệp

     Sau dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2018 tăng cao so với tháng trước do tháng 02/2018 trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tính tăng 4,4% so tháng trước và tăng 1,1% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,0% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 5,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%. 

     Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện 3 tháng đầu năm 2018 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 12,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,6%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,6%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,0%; ngành khai khoáng khác tăng 5,6%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,1%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,3%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,8%; ngành sản xuất đồ uống tăng 1,2%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,1% so cùng kỳ (do Công ty cổ phần Focosev đã ngừng sản xuất theo mùa vụ sớm hơn năm trước do thiếu nguyên liệu).

     Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tính thực hiện 3 tháng đầu năm 2018 như sau: Đá xây dựng đạt 670,6 nghìn m3, tăng 5,1%; tinh bột sắn đạt 385 tấn, giảm 94,2%; bia đóng chai đạt 2,4 triệu lít, giảm 0,8%; áo sơ mi đạt 2,7 triệu cái, tăng 12,7%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) đạt 59,0 triệu viên, tăng 5,2%; clinker thành phẩm đạt 706,0 nghìn tấn, tăng 10,2%; xi măng đạt 375,0 nghìn tấn, tăng 4,0%; điện thương phẩm đạt 186,0 triệu Kwh, tăng 3,2%; nước máy đạt 1,9 triệu m3, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước.

     5. Vốn Đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 3 năm 2018 ước tính thực hiện 265,1 tỷ đồng, tăng 21,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước tính thực hiện 90,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước tính thực hiện 174,6 tỷ đồng.

     Ba tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 716,0 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước tính thực hiện 239,8 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước tính thực hiện 476,2 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước tính thực hiện 48,1 tỷ đồng, giảm 1,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thực hiện 29,9 tỷ đồng, tăng 0,5%; ngành vận tải kho bãi ước tính thực hiện 435,7 tỷ đồng, tăng 1,9%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước tính thực hiện 41,2 tỷ đồng, tăng 1,8%; ngành giáo dục và đào tạo ước tính thực hiện 36,5 tỷ đồng, tăng 8,7%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước tính thực hiện 31,1 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2017.

      Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm tiến độ thi công các công trình/dự án trên địa bàn tỉnh được triển khai chủ yếu là các công trình/dự án chuyển tiếp năm 2017 thuộc các công trình thuộc ngành giao thông; y tế; giáo dục và đào tạo; công nghiệp chế biến; nông lâm nghiệp, thuỷ sản và quản lý Nhà nước như: Công trình Trụ sở Công an huyện Quảng Trạch; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trụ sở Chi cục Thuế huyện Quảng Trạch; Trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới; Cầu Nhật Lệ 2; Đê, kè Lý Hoà; Đường tỉnh lộ 2; Cụm Mầm non trung tâm xã Sơn Thuỷ nhà lớp học 6 phòng; Xây dựng mới Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Trạch;… Những tháng đầu năm các nhà thầu, chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, hồ sơ đấu thầu các công trình/dự án mới trong năm 2018 đã được phân bổ vốn như: Khối nhà điều trị người bệnh nội trú, bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình; Xây dựng 8 phòng học 2 tầng Trường THCS Cự Nẫm; Hệ thống sàn đạo và điện chiếu sáng động Phong Nha; Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật; Nhà điều trị bệnh nhân bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch…

     Trong thời gian qua, các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh thanh quyết toán vốn năm 2017 cho các công trình hoàn thành nhằm đảm bảo cho các đơn vị có nguồn vốn kịp thời, đáp ứng về mặt tài chính trong quá trình hoạt động cũng như tái sản xuất.

     6. Thương mại, dịch vụ

     Tháng 3, thị trường bán lẻ trầm lắng hơn tháng trước, nhu cầu mua sắm hàng hoá giảm, do đó tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt thấp so với tháng trước. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3 đạt 1.555,3 tỷ đồng, giảm 15,0% so tháng trước và tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước; ước tính 3 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 4.927,3 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ.

     Phân theo loại hình kinh tế:

     Kinh tế Nhà nước tháng 3 doanh thu ước tính đạt 71 tỷ đồng, giảm 9,3% so tháng trước và tăng 6,2% so cùng kỳ; ước tính 3 tháng đạt 219,3 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ. Kinh tế tập thể tháng 3 doanh thu ước tính đạt 0,7 tỷ đồng, giảm 12,9% so tháng trước và giảm 7,9% so cùng kỳ; ước tính 3 tháng đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 14,4% so cùng kỳ. Kinh tế cá thể tháng 3 doanh thu ước đạt 890,9 tỷ đồng, giảm 17,7% so tháng trước và tăng 9,9% so cùng kỳ; ước tính 3 tháng doanh thu đạt 2.863,4 tỷ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ. Kinh tế tư nhân ước tháng 3 doanh thu đạt 592,7 tỷ đồng, giảm 11,4% so tháng trước và tăng 10,0% so cùng kỳ; ước tính 3 tháng doanh thu đạt 1.842,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước.

     Phân theo nhóm ngành hàng:

     Doanh thu 3 tháng đầu năm tất cả các nhóm hàng đều tăng so cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất là nhóm ô tô các loại tăng 42,3%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 14,7%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,6%; nhóm hàng may mặc tăng 9,8%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,1%  so cùng kỳ năm trước.

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     - Dịch vụ lưu trú

     Doanh thu lưu trú tháng 3 ước tính đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 10,5% so tháng trước và tăng 22,9% so cùng kỳ; ước tính 3 tháng đầu năm doanh thu đạt 25,8 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ năm trước.

     Số lượt khách lưu trú tháng 3 ước tính đạt 55.148 lượt khách, tăng 8,1% so tháng trước và tăng 15,7% so cùng kỳ; ước tính 3 tháng đầu năm đạt 154.647 lượt khách, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 3 ước tính đạt 5.184 lượt khách, tăng 16,3% so với tháng trước và tăng 29,3% so với cùng kỳ; ước tính 3 tháng đầu năm đạt 13.451 lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

     Ngày khách tháng 3 ước tính đạt 63.021 ngày khách, tăng 7,4% so tháng trước và tăng 14,2% so cùng kỳ; 3 tháng ước tính đạt 178.404 ngày khách, tăng 14,8% so cùng kỳ năm trước.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 3 ước tính đạt 150,6 tỷ đồng, giảm 6,5% so tháng trước (tháng trước có nhiều hoạt động tổng kết, hội họp cuối năm) và tăng 14,8% so cùng kỳ; 3 tháng đầu năm doanh thu ước tính đạt 454,5 tỷ đồng, tăng 17,3% so cùng kỳ năm trước.

     - Du lịch lữ hành

     Tháng 3 hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục tăng cao so tháng trước do các tour du lịch sinh thái trên địa bàn đẩy mạnh công suất tour. Ước tính tháng 3 doanh thu du lịch lữ hành đạt 22,5 tỷ đồng, tăng 34,7% so tháng trước và tăng 4,6% so cùng kỳ; 3 tháng doanh thu ước tính đạt 53 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ trước.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 3 ước tính đạt 55.006 lượt khách, tăng 31,9% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ; 3 tháng đầu năm ước tính đạt 129.764 lượt khách, tăng 12,6% so kỳ cùng năm trước.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 3 ước tính đạt 12.628, tăng 20,9% so tháng trước và tăng 32,5% so cùng kỳ; 3 tháng ước tính đạt 30.981 lượt khách, tăng 29,9% so cùng kỳ năm trước.

     c. Dịch vụ

     Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 3 ước đạt 83 tỷ đồng, giảm 2,6% so tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ. Ước tính 3 tháng doanh thu đạt 251,2 tỷ đồng, tăng 4,1% so cùng kỳ.

     Xét theo từng nhóm dịch vụ: Ba tháng đầu năm nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 1%; nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 4,9%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 1,4%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 5,5%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 4,8%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dung cá nhân và gia đình tăng 4,9%; nhóm hoạt động dịch vụ khác tăng 7,5% so cùng kỳ.

     d. Hoạt động vận tải

     Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm, tuy nhiên nhu cầu đi lại của sinh viên trở lại trường, công nhân làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp thuộc thành phố lớn và du xuân của người dân tăng.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 3 ước tính đạt 269,2 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước. Ước tính 3 tháng đầu năm doanh thu đạt 799,6 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 147,2 tỷ đồng, tăng 4,1%; doanh thu vận tải hàng hóa ước tính đạt 554,8 tỷ đồng, tăng 3,8%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính đạt 97,5 tỷ đồng, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 3 ước tính đạt 2,1 triệu hành khách, tăng 3,1% so tháng trước; ước tính 3 tháng đầu năm đạt 6,0 triệu hành khách, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 3 ước tính đạt 91,1 triệu hk.km, tăng 3,3% so với tháng trước; ước tính 3 tháng đầu năm đạt 264,2 triệu hk.km, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3 ước đạt 2,0 triệu tấn, giảm 1,7% so với tháng trước; ước tính 3 tháng đầu năm đạt 6,0 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 3 ước tính đạt 100,8 triệu tấn.km, giảm 1,6% so với tháng trước; ước tính 3 tháng đầu năm đạt 301,5 triệu tấn.km, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

     e. Giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

     * Chỉ số giá tiêu dùng   

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tháng 3 năm 2018 giảm 0,43% so với tháng trước, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 3 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,66% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 0,40%; nhóm dịch vụ tăng 3,75%).

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 05 nhóm giảm, 03 nhóm tăng và 03 nhóm ổn định so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,67%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,74%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%; nhóm giao thông giảm 1,30%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%; các nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông và giáo dục có chỉ số ổn định.

     * Chỉ số giá vàng 99,99%

     Giá vàng trong nước biến động hàng ngày theo giá vàng thế giới. Theo đó, bình quân giá vàng tháng này là 3.664.301 đồng/chỉ, giảm 0,07% so với tháng trước, so với kỳ gốc 2014 tăng 11,37%, tăng 7,73% so cùng tháng năm trước, tăng 4,17% so tháng 12 năm trước, tăng 8,13% so bình quân cùng kỳ.

       * Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

     Giá đô la Mỹ (USD) tháng này có giá bình quân 22.712 đồng/USD, tăng 0,24% so với tháng trước, so với kỳ gốc 2014 tăng 4,03%; giảm 0,30% so cùng tháng năm trước; giảm 0,02% so tháng 12 năm trước và giảm 0,52% so với bình quân cùng kỳ.

     7. Thu, chi ngân sách nhà nước, tín dụng

     a. Thu, chi ngân sách Nhà  nước

     - Thu ngân sách

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 3 tháng năm 2018 ước tính thực hiện 779,9 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán địa phương giao và tăng 35,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước tính thực hiện 721,3 tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán địa phương giao, tăng 31,6% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước tính thực hiện 58,7 tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán địa phương giao, tăng 117,9% so với cùng kỳ năm trước.

     Trong tổng số thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2018, có 5/16 khoản thu có tăng trưởng và đạt tiến độ (25%) so dự toán năm: Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (53,2%); Thuế bảo vệ môi trường (28,7%); Thu lệ phí trước bạ (33,5%); Thu từ DNNN trung ương (27,1%) và thuế thu nhập cá nhân (25,4%); còn lại 11 khoản chưa đạt tiến độ của năm.

     - Chi ngân sách

     Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2018 ước tính thực hiện 2.494,1 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển ước tính thực hiện 861,4 tỷ đồng, bằng 89,7%; chi thường xuyên ước tính thực hiện 1.632,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

     Nhìn chung, các khoản thu ngân sách nhà nước được tập trung đầy đủ, kịp thời và điều tiết đúng theo tỷ lệ cho các cấp ngân sách; các khoản chi ngân sách được chi trả kịp thời, đảm bảo đúng chế độ quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn.

     b. Tín dụng

     - Tình hình lãi suất: So đầu năm, lãi suất ổn định,không biến động, hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3-5,5%/năm; 5,3%-6,6%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,5-7,55%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 7,0-9,5%, khách hàng tốt, từ 5,5-6%; trung, dài hạn từ 9-11% và cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 6,5-7,5%.

     - Huy động vốn: Đến 28/02/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 32.608 tỷ đồng, giảm 1,1% so tháng trước và tăng 0,6% so đầu năm. Nguồn tiền gửi dân cư tiếp tục tăng trưởng ổn định, đến cuối tháng đạt 27.284 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng gần 2% so đầu năm. Khả năng thanh khoản của các TCTD được bảo đảm. Dự ước cuối tháng 3/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 32.920 tỷ đồng, tăng 1,5% so đầu năm và tăng 15,8% so cùng kỳ.

     - Hoạt động tín dụng: Đến cuối tháng 02/2018, dư nợ cho vay đạt 41.310 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 3,8% so đầu năm. Dư nợ trong tháng tăng do nhu cầu chi tiêu của người dân và mua sắm, dự trữ hàng hóa của khách hàng, doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán. Dự ước đến cuối tháng 3/2018, dư nợ đạt 42.060 tỷ đồng, tăng 5,6% so đầu năm và tăng 12,3% so cùng kỳ.

     - Chất lượng tín dụng: Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến 31/01/2018 nợ xấu nội bảng là 304 tỷ đồng, chiếm 0,75% tổng dư nợ cho vay.

     - Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng (số liệu 28/02/2018):

     Cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ: Các NH đã ký kết được 86 hợp đồng tín dụng, số tiền 1.004,7 tỷ đồng. Đã giải ngân được 86 hợp đồng tín dụng, số tiền 969,3 tỷ đồng; đến 28/02/2018 có 86 chủ tàu còn dư nợ 945 tỷ đồng. Cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng dư nợ; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ với dư nợ 16.393 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng dư nợ; cho vay Xây dựng nông thôn mới 10.189 tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng dư nợ; cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ 298 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng dư nợ; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 2.744 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục và đào tạo

     a. Giáo dục

     Năm học 2017 - 2018 ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã vượt qua nhiều khó khăn nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản, để hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ I năm học 2017 - 2018.

     - Giáo dục Mầm non

     Huy động trẻ vào Nhà trẻ, nhóm trẻ và các lớp mẫu giáo tăng so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc học kỳ I, đã huy động được 62.734 cháu mầm non/2.221 nhóm lớp; trong đó, nhà trẻ có: 9.195 cháu, mẫu giáo có: 53.539/55.770 cháu, đạt tỷ lệ huy động 96%; huy động trẻ dân tộc thiểu số vào nhà trẻ đạt 22,5%, trẻ dân tộc thiểu số vào mẫu giáo đạt 92,2%; huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,6%. Lớp học mẫu giáo có 1.754 lớp, tăng 76 lớp. Giáo viên trực tiếp giảng dạy mẫu giáo có 3.404 giáo viên, tăng 113 giáo viên. Học sinh mẫu giáo có 53.071 cháu, tăng 1.359 cháu so với cùng kỳ năm trước.

     Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp tích cực trong chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là chất lượng tổ chức bán trú, công tác đảm bảo an toàn, khám sức khoẻ định kỳ và tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Đã có 182/182 (100%) trường tổ chức bán trú, 100% trẻ nhà trẻ ăn bán trú với các hình thức khác nhau, 95,4% trẻ mẫu giáo ăn bán trú (tăng 72 lớp, 1451 cháu). 100% trường xây dựng mô hình vườn rau của bé, đảm bảo cung cấp từ 20-30% lượng rau sạch cho trẻ tại trường; trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ.

     Tập trung chỉ đạo mô hình điểm các cấp về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm để tổ chức tham quan, học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, có 04 đơn vị được chọn chỉ đạo điểm cấp tỉnh và 30 đơn vị điểm cấp huyện. Ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn cho 100% đội ngũ trên địa bàn về thực hiện chương trình giáo dục mầm non sửa đổi; hướng dẫn nghiệp vụ chăm sóc, giáo dục trẻ đối với loại hình ngoài công lập; tổ chức cuộc thi ‘‘Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non”.

     - Giáo dục tiểu học

     Thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định; thực hiện tích hợp dạy học các nội dung giáo dục vào các môn học và hoạt động giáo dục. Triển khai dạy học tài liệu giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cấp tiểu học tại tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Triển khai có hiệu quả mô hình trường học mới toàn phần tại 113 trường với 23.211 học sinh/912 lớp, các trường còn lại áp dụng mô hình ở mức 1. Thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 với Công nghệ giáo dục tại tất cả các trường có học sinh tiểu học, chất lượng dạy và học Tiếng Việt lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các trường đã nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh và đổi mới dạy học ngoại ngữ; thực hiện dạy học Tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 cho học sinh tiểu học; phát triển số trường, lớp học chương trình Tiếng Anh 04 tiết/tuần tại 200 trường với 42.873 học sinh/1.633 lớp; đã có 18 trường với 1.470 học sinh/68 lớp học Tiếng Anh từ 02 đến 04 tiết/tuần; có 139 trường với 18.500 học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen Tiếng Anh; có 12 trường với 4.231 học sinh học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.

     Dạy học 2 buổi/ngày tiếp tục phát triển, toàn tỉnh, có 219 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 72.175 học sinh (đạt tỷ lệ 97,4%); số trường, số học sinh học tin học tăng, đã có 196 trường với 41.402 học sinh lớp 3, 4, 5 học tin học. Các hoạt động rèn luyện kĩ năng sống, nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh được các trường học quan tâm. Kết quả chất lượng giáo dục tiểu học về môn toán có 52,17% số học sinh hoàn thành tốt, 45,65% số học sinh hoàn thành và 2,18% số học sinh chưa hoàn thành; về môn tiếng việt có 47,94% học sinh hoàn thành tốt, 49,98% học sinh hoàn thành và 2,08% học sinh chưa hoàn thành.

     - Giáo dục Trung học

     Kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018, kết quả đánh giá xếp loại như sau:

     Kết quả xếp loại hai mặt khối Trung học cơ sở theo mô hình truyền thống: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 76,4%, khá 21,1%, trung bình 2,4%, yếu 0,1%. Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi đạt 40,2%, khá 18,2%, trung bình 37%, yếu 4,5%, kém 0,1%.

     Kết quả xếp loại hai mặt khối Trung học phổ thông: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 71%, khá 23%, trung bình 5%, yếu 1%. Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi đạt 9,6%, khá 43%, trung bình 39,7%, yếu 7,4%, kém 0,3%.

     Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2017-2018, tỉnh Quảng Bình có 60 thí sinh dự thi, chia làm 9 đội tuyển. Kết quả đã có 38/60 học sinh đạt giải; trong đó, có 12 em đạt giải nhì, 8 em đạt giải ba và 18 em đạt giải khuyến khích. Đặc biệt có 3 học sinh đạt giải nhì được chọn vào đội dự tuyển Olympic Quốc tế năm 2018. Đây là kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia có số lượng giải cao nhất từ năm 2010 trở lại đây.

     - Giáo dục thường xuyên

     Các Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề  huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện công tác tuyển sinh đúng quy chế, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học đúng tiến độ. Các Trung tâm đã có nhiều biện pháp tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng học viên; có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc phối hợp thực hiện các chương trình xóa mù chữ, chuyên đề sau cấp I, giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT. Chỉ đạo các Trung tâm học tập cộng đồng thực hiện việc điều tra nhu cầu người học, tranh thủ các Dự án để tổ chức các chuyên đề áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất cho người lao động, đã tổ chức được các lớp chuyên đề, với 213.231 lượt người tham gia.

     Kết thúc học kỳ I, đã huy động được 704 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, có 426 học viên học theo mô hình Văn hóa - Nghề và Văn hóa - TCCN; đã huy động được 57 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.

     Công tác liên kết đào tạo, đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng được chú trọng, phát triển, chất lượng và hiệu quả tốt; kỷ cương, nề nếp trong tổ chức dạy học và kiểm tra cấp phát chứng chỉ tại các Trung tâm ngoại ngữ, tin học được tăng cường, chặt chẽ hơn. Tham mưu UBND tỉnh thành lập 03 Trung tâm ngoại ngữ: Trung tâm Smart, Anh Khanh và Olympia.

     - Công tác phổ cập và xóa mù chữ

     Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Có 158/159 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 99,4%) và 08/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn. Tỉnh duy trì vững chắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

     Về phổ cập giáo dục tiểu học: Có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, trong đó, có 150/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 93,7%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn  phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, trong đó, có 7/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.

     Về phổ cập giáo dục THCS: Có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên, trong đó, có 158/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 99,4%); có 108/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (tỷ lệ 67,92 %); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên; trong đó, có 7 huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và thành phố Đồng Hới đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

     Về xóa mù chữ: Có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên; trong đó, có 157/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 98,7 %); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

     b. Đào tạo

     Năm học 2017 - 2018 Trường Đại học Quảng Bình, Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình và các trường trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô các loại hình đào tạo. Chất lượng đào tạo có chuyển biến tích cực, bên cạnh đào tạo hệ chính quy, các trường đã tranh thủ nguồn kinh phí từ các dự án đào tạo nghề để mở rộng các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của xã hội, góp phần tạo thêm nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

     Các trường trung cấp chuyên nghiệp đã có nhiều giải pháp tích cực để thực hiện công tác tuyển sinh, tuyên truyền quảng bá, tư vấn, thông báo công khai thông tin tuyển sinh của các trường trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, cử các đoàn cán bộ đến tận các trường trung học phổ thông trong tỉnh để tư vấn về thông tin tuyển sinh, hoạt động của trường; phối hợp với các trường trung học cơ sở và chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề.

     2. Công tác y tế

     - Hoạt động khám chữa bệnh

     Quý I năm 2018, ngành Y tế tiếp tục duy trì và phát huy tốt hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện, thành phố trực thuộc Sở Y tế, tổ chức phục vụ kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, không để bệnh nhân thiếu thuốc tại các cơ sở điều trị. Dự ước quý I năm 2018, các cơ sở y tế nhà nước đã khám chữa bệnh cho 283.951 lần người; trong đó: tuyến tỉnh 26.971 lần người, tuyến huyện 119.562 lần người, tuyến xã 137.418 lần người. Các cơ sở y tế tuyến xã đã phát huy hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có, đảm bảo an toàn điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh.

     - Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, chú trọng phòng chống dịch cúm, tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh nguy hiểm khác. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên để sớm phát hiện dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, sớm bao vây dập tắt dịch. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 02/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 300 trường hợp tiêu chảy; 8 trường hợp lỵ trực trùng; 12 trường hợp lỵ a míp; 9 trường hợp viêm gan vi rút khác; 74 trường hợp thủy đậu; 116 trường hợp quai bị; 1.109 trường hợp cúm; 1 trường hợp lao phổi. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 28/02/2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 14 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 563 trường hợp tiêu chảy; 20 trường hợp lỵ trực trùng; 15 trường hợp lỵ a míp; 17 trường hợp viêm gan vi rút khác; 100 trường hợp thủy đậu; 219 trường hợp quai bị; 1.816 trường hợp cúm; 2 trường hợp Lao phổi. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     - Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 28/02/2018 trên địa bàn tỉnh đã có người 9 nhiễm HIV, 32 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 28/02/2018, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.360 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 418 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 135 người. Hiện tại, Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế...

     - Chương trình phòng chống sốt rét

     Các đơn vị đã tổ chức giám sát kịp thời tình hình sốt rét trên địa bàn, thực hiện tốt công tác phun tẩm hóa chất phòng chống véc tơ ở các địa bàn trọng điểm. Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 02/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 175 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 8 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 2.490 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,24%. Từ đầu năm đến hết tháng 02/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 356 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 24 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 5.732 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,31%.

     - Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Để chủ động triển khai công tác phòng chống các loại dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong dịp Tết. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp liên ngành tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm và thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, nhất là chợ đầu mối, nơi bán thực phẩm Tết; chống hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm... nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trước, trong, sau Tết; đồng thời đã xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 28/02/2018 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và chỉ xảy ra 12 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Văn hoá thông tin

     Ba tháng đầu năm 2018, các hoạt động văn hóa, thông tin đã diễn ra xuyên suốt với tinh thần trang trọng, thiết thực thông qua các hoạt động Lễ hội. Sở Văn hoá Thể thao tỉnh đã phối hợp với Chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động vui chơi lành mạnh, tổ chức nhiều hình thức văn hoá nghệ thuật nhân dịp đón chào Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất phù hợp với bản sắc văn hoá truyền thống. Đáng chú ý trong chuỗi các hoạt động là chương trình nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân, chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; vào tối 02/02/2018, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Mậu Tuất”. Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp với Đội tuyên truyền văn hóa Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền lưu động "Xuân Biên phòng. Ấm lòng dân biên giới" 2018 tại xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) và xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Thư viện tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy tổ chức lễ Khai mạc Hội báo Xuân Mậu Tuất năm 2018 với chủ đề “Mừng Đảng - Mừng Xuân, mừng Đất nước quê hương đổi mới” với gần 250 đầu báo, tạp chí với trên 200 ấn phẩm báo Trung ương, báo ngành và các tỉnh, thành trong cả nước, bản tin của các huyện, thành thị trong tỉnh. Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã tổ chức Hội chợ “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa”, Hội chợ quê năm nay có 30 gian hàng, tái hiện hình ảnh chợ quê đầy độc đáo với nhiều hoạt động phong vị và màu sắc của chợ tết xưa.

     Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức sôi nổi ở các địa phương, đặc biệt là các trò chơi dân gian, các hoạt động hướng về cội nguồn, thể thao, nghệ thuật quần chúng… phù hợp với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình và Đài Phát thanh các huyện, thành phố đã liên tục đưa tin các hoạt động vui xuân, đón Tết, đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

     Các cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định trong công tác quản lý, tổ chức trước, trong và sau lễ hội; kiên quyết không để hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc... diễn ra tại lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và hành vi vi phạm pháp luật khác. Ban Quản lý Di tích tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, phục vụ khách tham quan, du lịch tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức hoạt động lễ hội tại các di tích trước, trong và sau Tết Nguyên đán; hướng dẫn Ban tổ chức lễ hội thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức lễ hội; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; bố trí, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông thuận tiện cho Nhân dân tham gia lễ hội.

     Đời sống văn hóa cơ sở được tổ chức có hiệu quả. Hầu hết các thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh đều có kế hoạch để tổ chức dạ hội văn nghệ, hái hoa dân chủ; Hệ thống pano, cụm cổ động, cờ các loại được treo móc; hệ thống loa phát thanh được phát huy hiệu quả và đã tạo được không khí vui tươi dịp Tết, vừa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Nhìn chung, quý I năm 2018 các hoạt động văn hóa thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông tin của nhân dân trong tỉnh.

     4. Hoạt động thể dục, thể thao  

     Các hoạt động thể dục, thể thao trong quý I năm 2018 được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Đáng chú ý là trong dịp Tết Nguyên đán đã tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao như bóng chuyền, bóng đá và các môn thể thao truyền thống nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930- 03/02/2018) và tổ chức các hoạt động thể thao chào mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Thị xã Ba Đồn đã tổ chức Hội vật truyền thống ngày xuân vào ngày 25/2.  Hội vật truyền thống thị xã Ba Đồn xuân Mậu Tuất 2018 có 50 đô vật. Sở Y tế đã tổ chức giải bóng chuyền chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2018); tham dự giải có 21 đội bóng với 335 vận động viên đến từ các đơn vị y tế trực thuộc. Lệ Thủy tổ chức các hoạt động thể thao như kéo co, cờ tướng, bài chòi, đẩy gậy, giải bóng chuyền nam nhân dịp tổ chức Lễ hội Di tích chùa Hoằng Phúc…

     Giải cờ vua, cờ tướng Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII diễn ra từ 9/3 đến 11/3/2018; tham gia giải đã có gần 100 kỳ thủ là những hạt nhân tiêu biểu đại diện cho phong trào tập luyện môn cờ vua, cờ tướng đến từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh; số lượng vận động viên cờ vua, cờ tướng tham gia đại hội lần này tăng lên, trình độ thi đấu được nâng lên; chất lượng chuyên môn của các vận động viên cũng cao hơn so với các kỳ đại hội trước. Ngoài ra, tại Giải cờ vua, cờ tướng Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VIII đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều kỳ thủ trẻ thi đấu khá tốt, đầy triển vọng.

     Theo kế hoạch, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2018 sẽ bắt đầu vào 7h00 ngày 25/3/2018 với các hoạt động biểu diễn văn nghệ và thể thao hưởng ứng Ngày chạy Olympic, đặc biệt là tổ chức chạy đồng hành tối thiểu 01 km. Đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của tập luyện thể dục thể thao trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

     Từ ngày 22/02 - 01/3/2018 tại Thành phố Thanh Hóa đã diễn ra giải Cờ Vua - Cờ Tướng Miền Trung mở rộng lần thứ XVI năm 2018 do Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức. Tại giải, các vận động viên Cờ Vua - Cờ Tướng trẻ Quảng Bình đã xuất sắc đạt được 11 Huy chương các loại; trong đó có 02 Huy chương Vàng (01 Huy chương Vàng cá nhân U10 nam Cờ Tướng của vận động viên Đoàn Nghĩa Dũng và 01 Huy chương Vàng đồng đội U10 nam Cờ Tướng), 03 Huy chương Bạc và 06 Huy chương Đồng.

     5. Tình hình trật tự, an toàn giao thông

     - An toàn giao thông

     Để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ Tết Nguyên đán; Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Thanh tra giao thông bố trí ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp có nguy cơ ùn tắc cao; xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện sẵn sàng giải tỏa cứu nạn kịp thời khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc giao thông kéo dài. Nhờ đó, tình hình trật tự và an toàn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2018 có giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; cụ thể:

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 2 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, giảm 14 vụ so với tháng 2 năm 2017, trong đó đường bộ 20 vụ, giảm 13 vụ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 11 người, giảm 6 người; trong đó đường bộ chết 11 người, giảm 6 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 20 người, giảm 7 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 20 người, giảm 7 người so với tháng 2 năm 2017.

     Lũy kế 2 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đường bộ 38 vụ, giảm 11 vụ so cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 2 vụ so cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 21 người, giảm 8 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 21 người, giảm 7 người; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 27 người, giảm 11 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 27 người, giảm 11 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2017.

     - An toàn xã hội và pháp luật

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 2 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy với giá trị thiệt hại 435 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 1 vụ với giá trị thiệt hại 70 triệu đồng, cháy phương tiện giao thông vận tải 2 vụ với giá trị thiệt hại 365 triệu đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy với giá trị thiệt hại 3.700 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 3 vụ với giá trị thiệt hại 2.120 triệu đồng, cháy phương tiện giao thông vận tải 4 vụ với giá trị thiệt hại 1.580 triệu đồng. Ngoài ra, vào ngày 25/2 đã xảy ra 1 vụ cháy tại phòng giao dịch Đồng Hới - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - số 59 đường Tố Hữu), hiện tại chưa thống kê được về thiệt hại do vụ cháy gây ra.

     Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong 3 tháng đầu năm 2018 có những khởi sắc, sản xuất nông nghiệp theo đúng lịch thời vụ, cây trồng vụ Đông Xuân phát triển tốt, chăn nuôi tăng trưởng khá; sản xuất lâm nghiệp phát triển đúng hướng; sản lượng khai thác hải sản tăng cao; giá tiêu dùng được kiểm soát tốt. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội còn những mặt hạn chế: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, chưa tạo được sự đột phá, nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tỉnh cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

     - Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Giảm và bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp; giải quyết các thủ tục hành chính bảo đảm có hiệu quả, đúng hẹn theo quy định.

     - Chỉ đạo chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh và chuột phá hoại vụ Đông Xuân. Đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa; tiếp tục phục hồi và phát triển tổng đàn, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngăn chặn không để phát sinh, lây lan dịch bệnh trên địa bàn; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ.

     - Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh các dự án lớn để sớm đưa vào hoạt động. Nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển lĩnh vực tiểu thủ và ngành nghề nông thôn.

     - Tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; chuẩn bị các điều kiện thuận lợi phục vụ mùa du lịch; các khách sạn, nhà hàng có chính sách giá phù hợp để thu hút du khách; chú trọng đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú; tiếp tục khuyến khích sử dụng các sản phẩm sản xuất trong tỉnh. Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn, bảo vệ môi trường, văn hóa ứng xử trong kinh doanh và an ninh trật tự ở các khu du lịch.

     - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường phòng chống các loại dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân để hỗ trợ kịp thời. Ngặn chặn, đảy lùi hoạt động “tín dụng đen”, số đề, cá độ…; tăng cường công tác tuần tra nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông và tăng cường các biện pháp giữ vững trật tự, an toàn xã hội./.

[Trở về]