THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016 tỉnh Quảng Bình. 
            Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu phát triển cho cả giai đoạn. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016.
Năm 2016 thực sự là năm đầy khó khăn, thách thức, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển làm hải sản chết hàng loạt đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người lao động và gây bức xúc trong nhân dân. Nhưng với sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình để phát triển sản xuất của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách, các giải pháp của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh nên một số lĩnh vực đạt được kết quả nhất định: Sản xuất nông nghiệp được mùa, chăn nuôi phát triển khá; sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên nhiều chỉ tiêu kinh tế đề ra đạt thấp so với cùng kỳ và kế hoạch. Cụ thể kết quả đạt được trên các lĩnh vực: 
 I. KINH  TẾ 
1. Nông, lâm nghiệp, thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt  
Triển khai sản xuất cây hàng năm vụ Hè Thu gặp thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, các địa phương chỉ đạo bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, thực hiện phương châm thu hoạch đến đâu làm đất đến đó. Vì vậy, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Sơ bộ diện tích gieo trồng vụ Hè Thu thực hiện 31.094,2 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 2,8%. Diện tích chia theo nhóm cây: Cây lúa thực hiện 24.203 ha, tăng 3% so cùng kỳ. Trong đó: Lúa Hè Thu tái sinh thực hiện 8.769 ha, bằng 94,3%; cây ngô và cây lương thực có hạt khác 794,8 ha, tăng 13,5%; cây lấy củ có chất bột 940,6 ha, tăng 2,1%; cây lấy sợi 5 ha, tăng 31,6%; cây có hạt chứa dầu 768,8 ha, tăng 0,2%; cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 3.358,4 ha, bằng 98,3%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 26,7 ha, tăng 18,7%; cây hàng năm khác 996,9 ha, tăng 9,9%.
Diện tích gieo trồng chia theo địa phương: Đồng Hới thực hiện 1.003,3 ha, bằng 99,8%; Ba Đồn thực hiện 2.555,3 ha, tăng 10,2%; Minh Hoá thực hiện 1.017,0 ha, tăng 35,1%; Tuyên Hoá thực hiện 2.868,0 ha, bằng 98,1%; Quảng Trạch thực hiện 4.069,8 ha, tăng 10,8%; Bố Trạch thực hiện 4.714,7 ha, tăng 5,2%; Quảng Ninh thực hiện 4.180,6 ha, bằng 96,3%; Lệ Thuỷ thực hiện 10.685,5 ha, bằng 99,5% so cùng kỳ.
Dự ước năng suất một số cây trồng chính: Lúa đạt 40,94 tạ/ha, tăng 1,8% so năm trước. Trong đó: Lúa Hè Thu gieo cấy đạt 49,5 tạ/ha, tăng 0,1%; ngô đạt 38,62 tạ/ha, tăng 3,7%; khoai lang đạt 58,58 tạ/ha, tăng 0,2%; sắn đạt 187,11 tạ/ha, tăng 2,4%; rau các loại đạt 84,54 tạ/ha, bằng 99,6%; đậu các loại đạt 8,57 tạ/ha, tăng 0,5%; lạc đạt 16,33 tạ/ha, tăng 1,8%; vừng đạt 6,89 tạ/ha, tăng 0,6% so năm trước.
Dự ước sản lượng lương thực vụ Hè Thu năm 2016 đạt 102.135,4 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng thóc 99.084 tấn, tăng 4,8%; lương thực khác thực hiện 3.051,4 tấn, tăng 17,7% so cùng kỳ.
Cây lâu năm ở các địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Theo đó, diện tích một số cây kém hiệu quả giảm dần, chuyển sang trồng một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn như hồ tiêu, cam, chanh, ổi… Diện tích cây lâu năm có đến cuối tháng 9 đạt 24.250 ha, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 9 đạt 350 tấn; 9 tháng khai thác 3.717 tấn, bằng 90,6% so cùng kỳ năm trước. 
b. Chăn nuôi 
Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, chủ động triển khai tiêm vắc xin nên đã khống chế được dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm. Tổng đàn phát triển ổn định, chăn nuôi tập trung từng bước được mở rộng quy mô, theo đó sản lượng xuất chuồng trong 9 tháng năm nay tăng khá.
Dự ước đàn gia súc, gia cầm có đến thời điểm 01/10/2016: Đàn trâu 36.110 con, tăng 2,1%; đàn bò 95.741 con, tăng 5,4%; đàn lợn 371.090 con, tăng 2,4%; đàn gia cầm 2.920 ngàn con, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đạt 47.515 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 6,2%: Cụ thể: Thịt trâu 1.265 tấn, tăng 3,9%; thịt bò 4.690 tấn, tăng 4,5%; thịt lợn 34.680 tấn, tăng 6,1%; thịt gia cầm 6.880 tấn, tăng 8,8%.  
1.2. Lâm nghiệp 
Dự ước 9 tháng sản lượng gỗ khai thác 116.300 m3, tăng 4,0%; sản lượng củi khai thác 157.500 ste, tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước.
Dự ước diện tích rừng trồng mới tập trung 9 tháng thực hiện 619 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 129%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 9 tháng thực hiện 14.500 ha, so cùng kỳ năm trước bằng 98,4%; cây lâm nghiệp trồng phân tán 9 tháng thực hiện 2.350 ngàn cây, so cùng kỳ năm trước tăng 1,5%.
Đến cuối tháng 8/2016, toàn tỉnh có 6 vụ cháy rừng, thiệt hại 9,3 ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là rừng trồng ở các địa phưong. 
1.3. Thủy sản 
Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất thuỷ sản, nhất là đối với khai thác thuỷ hải sản. Theo đó sản lượng thuỷ sản 9 tháng giảm so với cùng kỳ. Dự ước sản lượng thủy sản 9 tháng đạt 48.801 tấn, bằng 90,0% so với cùng kỳ năm trước. 
a. Nuôi trồng 
Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước đạt 5.674,6 ha, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng ở diện tích nuôi thủy sản nước ngọt; riêng diện tích nuôi thủy sản nước lợ từ đầu năm đến cuối tháng 4/2016 có tăng nhưng đến nay giảm do nguồn nước nuôi thủy sản nước lợ bị ô nhiễm do sự cố môi trường biển.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước đạt 9.913,6 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá đạt 5.422 tấn, tăng 15%; tôm đạt 4.150,6 tấn, bằng 96,2%; thủy sản khác đạt 341 tấn, tăng 17%. Riêng tôm sú  đạt 592,1 tấn, bằng 82,9%; tôm thẻ chân trắng 3.458,5 tấn, bằng 97,8% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng tăng khá nhờ nuôi thủy sản lồng bè và bể bồn phát triển, nuôi cá trong ruộng lúa tái sinh được các địa phương mở rộng diện tích. 
b. Khai thác 
Đến cuối tháng 9/2016 số lượng tàu, thuyền khai thác hải sản có động cơ có 4.043 chiếc, tăng 0,8%, tổng công suất 512.549 CV, tăng 26,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Số lượng tàu có công suất từ 90 CV trở lên có 1.173 chiếc, tăng 2,7% với tổng công suất 461.388 CV tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng cũng như công suất tàu, thuyền khai thác hải sản tăng khá, tuy nhiên từ giữa tháng 4/2016 cho đến nay, do sự cố ô nhiễm môi trường biển nên khai thác hải sản gần bờ hầu như dừng hẳn.
Sản lượng thủy sản khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 38.887,4 tấn, bằng 86,6% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá đạt 32.056,1 tấn, bằng 87,3%; tôm đạt 700,5 tấn, bằng 85,4%; thủy sản khác đạt 6.130,8 tấn, bằng 83,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khai thác biển ước tính đạt 36.778,7 tấn, bằng 85,3%. 
1.4. Tình hình trang trại 
Trang trại ở một số địa phương có xu hướng phát triển khá, nhất là trang trại chăn nuôi và sản xuất tổng hợp. Tại thời điểm 01/7/2016, toàn tỉnh có 704 trang trại, so cùng kỳ năm trước tăng 53 trang trại. Chia ra: Trồng trọt có 237 trang trại, giảm 45 trang trại; chăn nuôi có 147 trang trại, tăng 33 trang trại; lâm nghiệp có 12 trang trại, giảm 2 trang trại; nuôi trồng thủy sản có 47 trang  trại, giảm 3 trang trại; tổng hợp có 261 trang trại, tăng 70 trang trại so cùng kỳ năm trước. 
1.5. Tình hình xây dựng nông thôn mới 
Nhờ sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên kết quả xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Đặc biệt, công tác phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng, kết cấu hạ tầng tại các xã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hơn, khang trang hơn. Đến cuối tháng 6/2016, toàn tỉnh đã có 30 xã hoàn thành 19 tiêu chí; 19 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 54 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 33 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2016 trên một số lĩnh vực có mức tăng khá so cùng kỳ năm trước. Sản xuất cây hàng năm nhìn chung được mùa; diện tích, năng suất và sản lượng một số cây trồng tăng khá so năm trước; sản lượng lương thực tăng so năm trước và vượt kế hoạch đề ra; diện tích cây lâu năm có xu hướng vừa tăng quy mô vừa thực hiện chuyển đổi cây trồng, theo đó một số cây có hiệu quả kinh tế cao hơn được phát triển nhanh ở các địa phương; năng lực đánh bắt hải sản được cải thiện đáng kể, công suất tăng nhanh. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số địa phương có những hạn chế nhất định. Cụ thể: Bố trí cây trồng thiếu tính ổn định và bền vững; công tác dịch vụ cho sản xuất ở một số khâu chưa chủ động, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu vùng xa nguồn nước nên sản xuất trồng trọt gặp khó khăn khi thời tiết nắng nóng dài ngày; sản xuất một số sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng cao còn lúng túng nên sức cạnh tranh trên thị trường chưa đủ mạnh; tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn là vấn đề cần được xem xét thấu đáo và có chiến lược cụ thể, nhất là việc chế biến nông sản tại chỗ nhằm tăng giá trị sản phẩm và giải quyết một số vấn đề khác; dịch vụ con giống nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm) chưa cung cấp đủ cho nhu cầu người nuôi trên địa bàn, phải nhập từ các địa phương khá nên khó kiểm soát dịch bệnh. 
2. Công nghiệp 
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tính đến tháng 9 năm 2016 duy trì được tốc độ tăng trưởng. Trong tháng 9/2016 một số nhà máy sản xuất tinh bột sắn bắt đầu sản xuất trở lại theo mùa vụ, cùng với các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy năng lực hiện có như: Nhà máy xi măng Sông Gianh; Nhà máy xi măng Văn Hóa; Nhà máy xi măng Vạn Ninh; Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Bình; Xí nghiệp may Hà Quảng… góp phần duy trì tăng trưởng ngành công nghiệp. 
* Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 ước tăng 11,7% so với tháng trước và tăng 10,9% so với tháng 9 năm 2015. Tính chung 9 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,9%.  
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của một số ngành công nghiệp chủ yếu: Ngành sản xuất trang phục tăng 25,1%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 8,1%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 5,9%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,8%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%; ngành sản xuất đồ uống tăng 4,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,9%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,5%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,8%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. 
* Giá trị sản xuất công nghiệp 
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010)9 tháng ước đạt 7.294,0 tỷ đồng,tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 470,0 tỷ đồng, tăng 8,0%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 6.814,7 tỷ đồng, tăng 9,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 14,3%.
Giá trị sản xuất công nghiẹp phân theo ngành kinh tế: Ngành khai khoáng ước đạt 257,3 tỷ đồng, tăng6,6% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 6.844,9 tỷ đồng, tăng 9,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… ước đạt 136,1 tỷ đồng, tăng 5,8%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 55,7 tỷ đồng, tăng 4,6%. 
* Sản phẩm công nghiệp chủ yếu 
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện 9 tháng: Đá xây dựng đạt 2,4 triệu m3 tăng 5,9%; mực đông lạnh đạt 563 tấn, giảm 34,3%; tinh bột sắn đạt 9.255 tấn, tăng 6,3%; bia đóng chai đạt 15,4triệu lít, tăng 4,5%; áo sơ mi đạt 8,6triệu cái, tăng 25,1%; gạch lát nền đạt 5,1triệu viên, tăng 17,4%; gạch xây dựng đạt 159,1triệu viên, giảm 3,2%; clinker thành phẩm đạt 2,3triệu tấn, tăng 13,8%; xi măng đạt 1,2 triệu tấn,tăng 0,1%điện thương phẩm đạt 568 triệu kwh, tăng 4,0%; nước máy sản xuất đạt 5,9triệu m3, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. 
3. Vốn đầu tư 
Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 9 năm 2016 ước thực hiện 345,9 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước và giảm 16,6% so với tháng cùng kỳ năm 2015.
Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2016 ước thực hiện 2.472,5 tỷ đồng, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 621,0 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 1.851,5 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản của một số ngành kinh tế: Ngành nông lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 248,3 tỷ đồng, tăng 6,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 109,7 tỷ đồng, giảm 5,0%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.362,6 tỷ đồng, giảm 29,8%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 186,9 tỷ đồng, tăng 10,6%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 137,4 tỷ đồng, tăng 1,2%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 131,2 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015…
Vốn đầu tư khu vực Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015 do Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư lớn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cơ bản hoàn thành đã đưa vào sử dụng.
Một số công trình lớn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện trong 9 tháng năm 2016: Cầu Nhật Lệ 2; Cải tạo, nâng cấp Đường 565 (Đường 16 cũ); tuyến đường Quốc lộ 1A đến trung tâm huyện mới của huyện Quảng Trạch tại xã Quảng Phương; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ; Kè cửa biển Nhật Lệ; Trụ sở Tỉnh uỷ; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trụ sở Huyện ủy và Khối mặt trận huyện Quảng Trạch… 
4. Thương mại, dịch vụ
a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2016 ước đạt 1.449,3 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 14,9% so cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 12.609,7 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ.
Theo thành phần kinh tế: Thành phần kinh tế nhà nước tháng 9 doanh thu ước đạt 69 tỷ đồng, tăng 3,8% so tháng trước và tăng 17,1% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 534,3 tỷ đồng, giảm 25,9% so cùng kỳ, nguyên nhân do doanh thu của Công ty Xăng dầu Quảng Bình giảm (ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm); kinh tế tập thể tháng 9 doanh thu ước đạt 1,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so tháng trước và giảm 40,3% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 10,9 tỷ đồng, giảm 24,5% so cùng kỳ, nguyên nhân do quy mô bán lẻ của HTX Thống Nhất bị thu hẹp; kinh tế cá thể tháng 9 doanh thu ước đạt 832,3 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và tăng 11,3% so cùng kỳ, 9 tháng doanh thu ước đạt 7.258,8 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ, đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức bán lẻ hàng hóa (57,6%), với quy mô nhỏ nên các cơ sở cá thể có thể tiếp cận được với người dân nhiều hơn; Kinh tế tư nhân tháng 9 doanh thu ước đạt 546,9 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 20,7% so cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 4.805,6 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ, đây là thành phần có mức tăng cao nhất, chiếm tỷ trọng 38,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Theo nhóm ngành hàng, doanh thu 9 tháng năm 2016 phần lớn các nhóm hàng đều tăng cao. Tăng cao nhất là nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 20,6%; kế tiếp nhóm hàng may mặc tăng 15,1%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm 14,8%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,5%. Có 3 nhóm giảm đó là nhóm ô tô các loại giảm 3%; xăng dầu các loại giảm 0,1% và nhóm phương tiện đi lại, giảm 0,4% so cùng kỳ. 
b. Lưu trú, ăn uống và du lịch 
Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động lưu trú và ăn uống, cộng với tháng 9/2016 là tháng bước vào mùa thấp điểm của du lịch nên hoạt động lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm so tháng trước và so cùng kỳ.
Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 9 đạt 148 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu lưu trú đạt 5,7 tỷ đồng, giảm 7,2% so với tháng trước, giảm 61,8% so với cùng kỳ; doanh thu ăn uống đạt 132,4 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng trước, giảm 0,4% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 43,4% so với tháng trước, giảm 10,3% so cùng kỳ năm trước.
Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 9 tháng đạt 1.483,9 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu lưu trú đạt 78,3 tỷ đồng, giảm 40,3%; doanh thu ăn uống đạt 1.246,4 tỷ đồng, tăng 2%, doanh thu du lịch lữ hành đạt 159,3,3 tỷ đồng, giảm 0,8% so cùng kỳ năm trước.
Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 9 đạt 38.139 lượt khách, giảm 14,3% so tháng trước và giảm 56,3% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng số lượt khách lưu trú đạt 473.738 lượt khách, giảm 39,9% so cùng kỳ. Ngày khách tháng 9 ước đạt 44.039 ngày khách, giảm 16,1% so tháng trước và giảm 53,2% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 532.987 ngày khách, giảm 38,7% so cùng kỳ.
Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước tháng 9 đạt 79.986 lượt khách, giảm 17% so tháng trước và giảm 0,6% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng số lượt khách lữ hành ước đạt 648.315 lượt khách, giảm 0,3% so cùng kỳ.
   Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 9 đạt 140,8 ngàn lượt khách, giảm 4% so với tháng trước, giảm 24,9% so với cùng kỳ. Dự ước 9 tháng số lượt khách đến Quảng Bình đạt 1.849,4 ngàn lượt khách, giảm 23,2% so với cùng kỳ. 
c. Hoạt động dịch vụ 
Nhìn chung, trong 9 tháng đa số các nhóm ngành hàng doanh thu đều tăng cao so với cùng kỳ, tăng mạnh nhất có nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản, nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Cụ thể doanh thu 9 tháng của các nhóm ngành hàng:
Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 134,8 tỷ đồng, tăng 198%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 115,4 tỷ đồng, tăng 21,7%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 23,8 tỷ đồng, tăng 10,1%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 187,6 tỷ đồng, tăng 6,3%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình ước đạt 56,8 tỷ đồng, tăng 5,7%; nhóm dịch vụ khác ước đạt 138,5 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. 
d. Xuất, nhập khẩu
Xuất khẩu 
Hoạt động xuất khẩu 9 tháng năm 2016 gặp nhiều khó khăn. Giá trị hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm so với cùng kỳ, như: Cao su, thủy sản, gỗ các loại, nhựa thông. Phần lớn các hàng hoá của tỉnh được nhập khẩu qua Trung Quốc, nhưng do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu suy giảm đáng kể. Việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường đã làm cho các các doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều thua thiệt. Nguồn cung dư thừa do đó giá các mặt hàng xuất khẩu đang ở mức thấp.
    Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2016 ước đạt 7,7 triệu USD, 9 tháng năm 2016 ước đạt 62,2 triệu USD, bằng 79,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Xuất trực tiếp chiếm 71,4%, ủy thác 28,6%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 98,6%, kinh tế nhà nước chỉ chiếm 1,4%. Xét theo nhóm hàng, hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54,1%, tiếp đến là nhóm lâm sản chiếm 31,5%, hàng nông sản chiếm 12,5% và nhóm hàng khác chỉ chiếm 1,9%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn với kim ngạch 9 tháng ước  đạt 30,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là theo là thị trường Hồng Kông với 4,1 triệu USD, chiếm 10,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn lại, thị trường Hàn Quốc chiếm 6,2%, Lào chiếm 2,6%… 
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như sau: 
- Thuỷ sản: Ước tháng 9 sản lượng xuất 8,9 tấn, giá trị đạt 89,1 ngàn USD; 9 tháng sản lượng xuất 133,7 tấn, bằng 97,5% so với cùng kỳ, giá trị đạt 949,9 ngàn USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ;
- Cao su: Ước 9 tháng sản lượng xuất 4.689 tấn, bằng 35,6% so với cùng kỳ, giá trị đạt 7,2 triệu USD, bằng 33,2% so với cùng kỳ;
- Gỗ: Ước tháng 9 sản lượng xuất 872,3 m3, giá trị đạt 1,2 triệu USD; 9 tháng sản lượng xuất 14,2 ngàn m3, tăng 0,6% so với cùng kỳ, giá trị đạt 18,6 triệu USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ.
- Dăm gỗ khô: Ước tháng 9 sản lượng xuất 45 ngàn tấn, giá trị đạt 6,0 triệu USD; 9 tháng sản lượng xuất 214,1 ngàn tấn, tăng 58,6% so với cùng kỳ, giá trị đạt 29,7 triệu USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ;
- Nhựa thông: Ước tháng 9 sản lượng xuất 45,0 tấn, giá trị đạt 61,9 ngàn USD, 9 tháng năm 2016 sản lượng xuất 685,8 tấn, bằng 96,3% so với cùng kỳ, giá trị đạt 911,7 ngàn USD, bằng 78,5% so với cùng kỳ. 
Nhập khẩu 
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 12,7 triệu USD, 9 tháng năm 2016 ước 85,4 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng tư liệu sản xuất chiếm 99,8%; 100% nhập khẩu trực tiếp và đều là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất trong tỉnh và hàng tạm nhập tái xuất, cụ thể:
- Gỗ các loại: Ước tháng 9 sản lượng nhập 1,3 ngàn m3, giá trị đạt 2,1 triệu USD; 9 tháng sản lượng nhập 14,6 ngàn m3, bằng 82,7% so với cùng kỳ, giá trị đạt 20,1 triệu USD, bằng 79,6% so với cùng kỳ;
- Tân dược: Ước tháng 9 giá trị nhập đạt 204,2 ngàn USD, 9 tháng giá trị đạt 1.756,2 ngàn USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ;
- Trâu, bò sống: Ước tháng 9 sản lượng nhập 9,9 ngàn con, giá trị đạt 2,6 triệu USD; 9 tháng sản lượng nhập 58,9 ngàn con, tăng 90,1% so với cùng kỳ; giá trị đạt 15,5 triệu USD, tăng 94,9% so với cùng kỳ;
- Xăng, dầu: Ước tháng 9/2016 sản lượng nhập 19,1 ngàn tấn, giá trị đạt 9,2 triệu USD; 9 tháng sản lượng nhập 99,2 ngàn tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ, giá trị đạt 39,5 triệu USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ. 
 e. Hoạt động vận tải 
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã khai trương nhiều tuyến xe mới như: Taxi Hoàng Sa; Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh chi nhánh Quảng Bình khai trương tuyến xe bus hai chiều Đồng Hới - Kiến Giang; nhiều công ty vận tải hành khách mới được thành lập... Số lượng, chất lượng phương tiện được tăng lên cũng như các luồng tuyến mới mở, đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như việc đi lại người dân tốt hơn.
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 ước đạt 218,7 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước. Tính chung 9 tháng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.898,3 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 425,5 tỷ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.319,5 tỷ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 153,3 tỷ đồng, tăng 31,1%.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 9 ước đạt 1,7 triệu hành khách, tăng 1,5% so tháng trước; tăng 1,3% so cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 14.467 triệu hành khách, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 9 ước đạt 83,7 triệu hk.km, tăng 1,8% so tháng trước; tăng 1,5% so cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 738,7 triệu hk.km tăng 5% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 9 ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 2,3% so tháng trước; tăng 1,7% so cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 14,2 triệu tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 9 ước đạt 87,4 triệu tấn.km, tăng 1,3% so tháng trước; tăng 1,8% so cùng kỳ; 9 tháng ước đạt 757 triệu tấn.km, tăng 4,9% so cùng kỳ.
            II. XÃ HỘI 
1. Giáo dục, đào tạo
a. Giáo dục
- Giáo dục mầm non 
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo, tập huấn cho 8 huyện, thị xã, thành phố về nội dung xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức thực hành các hoạt động giáo dục, kịp thời rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện. Năm học 2015-2016, đã có 100% trường và cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; 100% trường mầm non tổ chức bán trú sử dụng phần mềm dinh dưỡng để tính khẩu phần và quản lý chất lượng bữa ăn của trẻ; 100% trẻ được theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.
Công tác huy động vào nhà trẻ, nhóm trẻ và các lớp mẫu giáo tăng so với năm học trước. Trong năm học 2015-2016 đã huy động được 53.919 cháu mầm non, trong đó: Nhà trẻ có 413 nhóm trẻ với 8.167 cháu, tỷ lệ huy động 25,8%, tăng 3,8% so với cùng kỳ; mẫu giáo có 1.580 lớp với 45.752 cháu, đạt tỷ lệ huy động 97,1%, tăng 1,0% so với cùng kỳ; huy động trẻ 5 tuổi ra lớp 12.024 cháu/480 lớp đạt 99,8%, trong đó trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp đạt 97,5%. 
Giáo dục phổ thông 
Cấp tiểu học: Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện Chuẩn kiến thức - kỹ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình các môn học; điều chỉnh nội dung dạy học đối với giáo dục tiểu học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả xếp loại phẩm chất có 99,97% học sinh đạt yêu cầu, 0,03% học sinh không đạt yêu cầu; kết quả xếp loại năng lực có 99,68% học sinh đạt yêu cầu, 0,32% học sinh không yêu cầu; 81,1% số học sinh được các cấp khen thưởng đạt thành tích cao về học tập và các mặt hoạt động. Số học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học toàn tỉnh 13.532 học sinh, đạt tỷ lệ 99,95% tổng số học sinh tham dự xét.
Cấp trung học cơ sở: Kết quả xếp loại 2 mặt cấp trung học cơ sở, về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 75,6%, khá 21,5%, loại trung bình 2,8%, loại yếu 0,1%. Về học lực xếp loại giỏi 17,7%; loại khá 39,9%, loại trung bình 39,4%, loại yếu 2,7%, loại kém và không xếp loại 0,3%. Số học sinh được công nhận tốt nghiệp cấp trung học cơ sở toàn tỉnh 12.301 học sinh, đạt tỷ lệ 99,47% tổng số học sinh tham dự xét.
Cấp trung học phổ thông: Kết quả xếp loại về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 73,6%, khá chiếm 21,6%; loại trung bình 4,2%, loại yếu 0,6%. Về học lực xếp loại giỏi 9,5%; loại khá 47,4%, loại trung bình 38,2%, loại yếu 4,8%; loại kém 0,1%. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 9.710 học sinh thực tế dự thi, trong đó số học sinh thi đổ tốt nghiệp 9.080 em, tỷ lệ đổ tốt nghiệp 93,51%. 
- Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ 
Về phổ cập giáo dục tiểu học: Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo kết thúc năm học 2015-2016 đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên. Trong đó, có 129/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đạt tỷ lệ 81,13%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 3/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 37,5%). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.
Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Kết thúc năm học 2015-2016 đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, có 146/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 91,8 %); có 58/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 (tỷ lệ 36,5%). Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên (đạt  tỷ lệ 100%); trong đó, có 4/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 50,0 %). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Về xóa mù chữ: Đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, có 156/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (đạt tỷ lệ 98,1%). Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố (tỷ lệ 100%) và 157/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (tỷ lệ 98,7%), tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi từ tháng 10/2014.
Về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Kết thúc năm học 2015-2016 toàn tỉnh đã có 309/590 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 52,4%), tăng 9,5% so với năm học trước; trong đó có 64/180 trường mầm non (tỷ lệ đạt 35,55%), 159/211 trường tiểu học (tỷ lệ đạt 75,36%), 73/166 trường trung học cơ sở (tỷ lệ đạt 43,98%), 13/33 trường trung học phổ thông (tỷ lệ đạt 39,39%). 
- Công tác chuẩn bị và khai giảng năm học 2016-2017 
Bước vào năm 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xác định nhiệm vụ chung của các cấp học là tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi theo yêu cầu đặt ra; củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ; nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm tạo môi trường để học sinh được hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống xã hội.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo giai đoạn mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong dịp hè. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực tư duy và phẩm chất của học sinh. 
Các trường học trong toàn tỉnh Quảng Bình từ cấp học mầm non đến cấp phổ thông đã tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới vào ngày 05/9/2016. 
               b. Đào tạo 
Năm học 2016-2017 Trường Đại học Quảng Bình và các trường trung học chuyên nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, phát triển thêm một số ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề của xã hội. Các trường trung cấp chuyên nghiệp đã công bố chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo; tích cực đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp dạy học để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp. Đa dạng hoá các ngành nghề, hình thức và các hệ đào tạo; thực hiện phân luồng học sinh vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Hiện tại, các trường trung cấp chuyên nghiệp trên toàn tỉnh đang thông báo tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội; tập trung đào tạo theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp thông qua việc việc ký kết hợp đồng đạo tạo, sử dụng nhân lực.
 Năm học 2016-2017, Trường Đại học Quảng Bình tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu; trong đó: 1.300 chỉ tiêu đại học và 700 chỉ tiêu cao đẳng. 
2. Công tác y tế
               - Y tế cơ sở  
Chín tháng năm 2016, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo tốt hoạt động của Trạm Y tế và mạng lưới nhân viên y tế thôn bản. Sở Y tế đã tăng cường chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và thực hiện các chương trình y tế cộng đồng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân, đình chỉ các hoạt động vượt quá phạm vi kinh doanh của các phòng khám tư nhân. Thẩm định hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề y, dược và cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Y tế đã tổ chức lễ ký kết với 8 bệnh viện trực thuộc Sở về triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc; 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Về hoạt động, nhìn chung các trạm y tế đã tuân thủ thực hiện các chế độ chuyên môn theo quy định trong khám chữa bệnh; triển khai có hiệu quả các chương trình y tế tại cộng đồng; đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được quản lý và phát huy hiệu quả công tác, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đạt cao; công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hóa. 
- Hoạt động khám chữa bệnh 
Hoạt động khám chữa bệnh trong 9 tháng năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn về khám chữa bệnh được thực hiện theo đúng tiến độ. Ước tính 9 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh có 937.097 lượt người được khám chữa bệnh, trong đó tuyến tỉnh 109.216 lượt người, tuyến huyện/thị xã/thành phố 372.562 lượt người, tuyến xã/phường/thị trấn 455.319 lượt người.
Nhìn chung, công tác khám và chữa bệnh 9 tháng năm 2016 đạt kết quả khả quan, công tác chăm sóc và tuyên truyền về sức khoẻ cho mọi người dân và các chương trình y tế cộng đồng được triển khai có hiệu quả. Các cơ sở y tế đã phát huy hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có, đảm bảo an toàn điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh. 
- Công tác phòng chống các bệnh dịch lây 
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/8/2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 28 trường hợp sốt xuất huyết, Tay - chân - miệng xảy ra 30 trường hợp. Các loại bệnh tuyền nhiểm khác tính đến ngày 31/7/2016, toàn tỉnh đã xảy ra 2.785 trường hợp tiêu chảy; 268 trường hợp lỵ trực trùng; 147 trường hợp lỵ a míp; 90 trường hợp viêm gan vi rút; 460 trường hợp thủy đậu; 217 trường hợp quai bị; 8.707 trường hợp cúm; 2 trường hợp ho gà. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra. 
- Tình hình nhiễm HIV/AIDS 
Từ đầu năm đến 31/8/2016 trên địa bàn tỉnh phát hiện 23 người nhiễm mới HIV, 31 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 31/8/2016, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.294 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 341 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 115 người. 
- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm 
Chín tháng năm 2016, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng công tác truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ và nhân viên các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các địa phương. Tích cực kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 8 huyện, thị xã, thành phố; trong đó tuyến tỉnh đã tổ chức thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 297 cơ sở, qua kiểm tra đã có 41 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng đã tiến hành phạt cảnh cáo 2 cơ sở, phạt tiền 15 cơ sở với số tiền phạt là 39,15 triệu đồng. Tuyến huyện, xã đã thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 3.008 cơ sở, qua kiểm tra đã có 788 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng đã tiến hành phạt cảnh cáo 18 cơ sở, phạt tiền 35 cơ sở với số tiền phạt là 51,95 triệu đồng; tiến hành tiêu hủy nhiều hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 73 người mắc, trong đó có 31 người mắc nhập viện, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 152 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ. 
3. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao
- Các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và tổ chức lễ hội 
Đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: kỷ niệm 86 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2), đón tết Nguyên đán Bính Thân, kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), 62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ tưởng niệm, tri ân các cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại hang Lèn Hà năm 1972. Phong trào văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh chào mừng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Tổ chức triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” thu hút hàng ngàn lượt người xem… 
- Công tác hoạt động quản lý nhà nước
Công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định cấp phép tiếp tục được chú trọng. Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rà soát, kiểm tra công tác tuyên truyền, cổ động trực quan và buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan tháo dở các panô, băng rôn, áp phích đã hết thời hạn tuyên truyền, nội dung không còn phù hợp hoặc cũ nát để không làm ảnh hưởng tới mỹ quan trên địa bàn; kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa. Các huyện, thành phố, thị xã tiến hành thay mới nội dung các cụm cổ động, panô, khẩu hiệu tuyên truyền ở các tuyến đường, cổng chào ở xã, phường, thị trấn, Nhà văn hoá ở các thôn, bản, tiểu khu. Đôn đốc các cơ quan, doanh nghiệp treo băng rôn, khẩu hiệu trước, trong dịp Tết Độc Lập. 
Đến nay, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịchđã tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với 95 cơ sở karaoke, lưu trú, lữ hành, kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao. Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 02 cá nhân vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với 01 cơ sở karaoke. 
- Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở 
Cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại các địa phương tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, tạo sự chuyển biến không ngừng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các địa phương cũng đã phát huy khá tốt tính tự nguyện, tự quản trong phong trào, xem đây là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh. Các địa phương đã tổ chức đăng ký các danh hiệu văn hóa; trong đó, số hộ gia đình đăng ký danh hiệu văn hóa năm 2016 là 81,8%; số thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa 62,6%. Việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang và lễ hội đã được các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đúng mức. Tại các làng, thôn, bản, khu phố, phần lớn các đám cưới, đám tang được tổ chức theo nếp sống mới, không phô trương lãng phí; đến nay, toàn tỉnh đã có 96,5% đám cưới, 97,4% đám tang được thực hiện theo nếp sống mới. 
- Hoạt động thể dục - thể thao
Thể thao quần chúng 
Chín tháng năm 2016, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’’ có bước phát triển mới về chất lượng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Số người luyện tập thể thao thường xuyên ước đạt 30,2%, tăng 0,5%, số gia đình thể thao ước đạt 25%, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Các hoạt động hội thao, các cuộc thi đấu của cơ quan, ban, ngành ở các địa phương diễn ra thường xuyên, đạt chất lượng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, có tác dụng cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất và ren luyện sức khỏe cho nhân dân. Nhìn chung, các địa phương đã có nhiều cố gắng để đưa các điểm tập, cơ sở vật chất, sân bải vào hoạt động. Đầu tháng 9 năm 2016, phong trào thể dục thể thao trên các địa bàn của tỉnh diễn ra khá sôi nổi, Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống được tổ chức tại các huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... đã được các địa phương chú trọng tổ chức trong dịp kỷ niệm 71 năm Tết Độc Lập. Thông qua tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, niềm lạc quan trong quần chúng nhân dân, khơi dậy niềm tự hào truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
                Thể thao thành tích cao 
Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình ngày càng có những bước tiến trên đấu trường quốc tế. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đã đạt được 114 huy chương các loại (49 HCV, 37 HCB, 28 HCĐ), trong đó có 6 huy chương quốc tế (4 HCV và 2 HCB). 
4. Tình hình trật tự an toàn giao thông
- An toàn giao thông 
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 8 năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, bằng tháng 8 năm 2015, trong đó đường bộ 21 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 11 người, tăng 4 người, trong đó đường bộ chết 11 người, tăng 4 người so với tháng 8 năm 2015. Số người bị thương do tai nạn giao thông 19 người, giảm 1 người, trong đó đường bộ bị thương 19 người, giảm 1 người so với tháng 8 năm 2015.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, giảm 5 vụ so cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ 170 vụ, giảm 1 vụ; đường sắt 4 vụ, giảm 4 vụ; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 77 người, giảm 7 người so với cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ chết 74 người, giảm 5 người; đường sắt chết 3 người, giảm 2 người; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 144 người, giảm 32 người so cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ bị thương 141 người, giảm 33 người; đường sắt bị thương 3 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2015. 
- An toàn xã hội và pháp luật 
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 8 năm 2016 phạm pháp kinh tế xảy ra 4 vụ với 4 đối tượng phạm tội, so với tháng 8 năm 2015, số vụ tăng 3 vụ, đối tượng vi phạm giảm 2 người. Phạm pháp hình sự 33 vụ với 52 đối tượng phạm tội, so với tháng 8 năm 2015, số vụ giảm 1 vụ, đối tượng phạm tội tăng 10 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 3 vụ với 4 đối tượng vi phạm, so với tháng 8 năm 2015, số vụ bằng cùng kỳ, đối tượng vi phạm giảm 2 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 6 vụ với 9 đối tượng vi phạm; so với tháng 8 năm 2015, số vụ tăng 4 vụ và đối tượng vi phạm tăng 7 người.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2016, phạm pháp kinh tế xảy ra 21 vụ với 23 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2015 số vụ tăng 18 vụ, đối tượng phạm tội tăng 12 người; phạm pháp hình sự 329 vụ với 571 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 30 vụ, đối tượng phạm tội tăng 73 người. Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 41 vụ với 59 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 1 vụ, đối tượng vi phạm giảm 3 người. Sử dụng ma túy bị phát hiện 53 vụ với 88 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015, số vụ tăng 25 vụ, đối tượng vi phạm tăng 47 người. 
Nhìn chung, kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2016 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sau thời điểm xảy ra tình trạng cá biển chết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là đối với nhân dân các xã ven biển. Gần như toàn bộ tàu thuyền đánh bắt gần bờ không hoạt động, do tiêu thụ khó khăn nên hiệu quả đánh bắt xa bờ giảm đáng kể; các hoạt động liên quan đến du lịch, khách sạn, nhà hàng, chế biến hải sản… gặp nhiều khó khăn.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh đã phối với các cơ quan Trung ương tìm nguyên nhân và biện pháp giải quyết; đồng thời chỉ đạo các các sở, ngành, các địa phương nắm bắt tình hình, làm công tác tư tưởng, có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Ngày 30/6/206, nguyên nhân cá hết đã được công bố. Hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra.
Do khó khăn nên đến nay nhiều chỉ tiêu đạt thấp, như: Thu ngân sách, giá trị xuất khẩu, sản lượng thuỷ sản, lượt khách du lịch; chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trương, nhưng tăng thấp hơn 9 tháng năm 2015. Trong 3 tháng cuối năm cũng như trong thời gian tới tình hình sẽ còn nhiều khó khăn tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dự báo một số chỉ tiêu của cả năm sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Để đạt được kết quả cao nhất của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đòi hỏi cần tập trung quan tâm làm tốt một số vấn đề sau:
- Tập trung phục hồi sản xuất do sự cố môi trường biển. Triển khai kịp thời, đúng quy định các chính sách hỗ trợ ngư dân theo chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh. Xem xét miễn, giảm lãi vay, cho vay mới đối với những khách hàng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển;
- Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch sản phẩm vụ Hè Thu, nhằm hạn chế thiệt hại; chủ động phòng tránh thiên tai, đặc biệt chủ động ứng phó các tình huống lũ lụt, mưa bão; triển khai và đẩy nhanh tiến độ tiêm văc xin cho gia súc và gia cầm khi thời tiết chuyển mùa; triển khai đồng bộ công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm di chuyển từ các địa phương khác đến; chủ động triển khai công tác chuẩn bị và thực hiện trồng rừng theo kế hoạch đã giao; chú trọng công tác giống cho sản xuất Đông xuân năm 2017; bố trí cây trồng phải hợp lý theo điều kiện thực tế và đạt hiệu quả cao; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa;
- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã đầu tư vào hoạt động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch, phương án đã được duyệt, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước;
- Nắm chắc tình hình trong nhân dân để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, triển khai các giải pháp đảm bảo ổn định an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối trên địa bàn, nhất là các xã vùng biển bị ảnh hưởng nặng bởi sự cố môi trường; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội;
- Chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng và nhân lực cho ngành du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tiếp tục đầu tư xúc tiến, quảng bá tiềm năng của du lịch Quảng Bình đến với du khách trong nước và quốc tế;
- Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với với các quan chuyên môn Trung ương thường xuyên giám sát, xét nghiệm các mẫu thuỷ sản, hải sản, sớm công bố kết quả thuỷ sản, hải sản an toàn hay chưa. Kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát chặt thị trường thuốc bảo vệ thực vật;
 - Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp./.

 

[Trở về]