THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2016 tỉnh Quảng Bình 
            I. KINH TẾ

           1. Nông nghiệp  

a. Trồng trọt 
Dự ước diện tích vụ Hè Thu năm 2016 thực hiện 31.094,2 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng của các địa phương: Đồng Hới thực hiện 1.003,3 ha, bằng 99,8%; Ba Đồn thực hiện 2.555,3 ha, tăng 10,2%; Minh Hoá thực hiện 1.017,0 ha, tăng 35,1%; Tuyên Hoá thực hiện 2.868,0 ha, bằng 98,1%; Quảng Trạch thực hiện 4.069,8 ha, tăng 10,8%; Bố Trạch thực hiện 4.714,7 ha, tăng 5,2%; Quảng Ninh thực hiện 4.180,6 ha, bằng 96,3%; Lệ Thuỷ thực hiện 10.685,5 ha, bằng 99,5% so cùng kỳ.
Diện tích vụ Hè Thu năm nay tăng khá nhờ một số địa phương đã chủ động động được nguồn nước. Hệ thống kênh mương tưới tiêu được kiên cố hóa khá hoàn chỉnh, việc nạo vét khơi thông dòng chảy triển khai sớm, bên cạnh đó nhờ có chuẩn bị từ sớm nên các hồ đập thủy lợi được tích lũy nước đầy đủ.
- Cây lúa:Cây lúa thực hiện 24.203 ha, tăng 3% so cùng kỳ. Trong đó: Lúa Hè Thu tái sinh thực hiện 8.769 ha, bằng 94,3%. Cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu chủ yếu là giống nguyên chủng, giống cấp I có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống hạn tốt.
Đến ngày 4/8/2016, diện tích lúa Hè Thu bị sâu bệnh và chuột gây hại 1.137 ha, so cùng kỳ năm trước bằng 80,8%. Một số loại sâu bệnh và chuột phá hoại: Diện tích lúa bị chuột phá 310,5 ha; rầy lưng trắng gây hại 215,5 ha; sâu cuốn lá nhỏ gây hại 256 ha; sâu đục thân gây hại 120 ha; bệnh khô vằn gây hại 235 ha.
Hiện nay, lúa Hè Thu gieo cấy ở các địa phương đang thời kỳ trổ bông. Diện tích lúa trổ tính đến ngày 17/8/2016 đạt khoảng 11.500 ha, tăng 16,2% so cùng kỳ. Đến 20/8/2016, các địa phương thu hoạch hoạch xong lúa tái sinh; dự ước năng suất đạt 25,9 tạ/ha, bằng 99,1% so năm trước. Năng suất lúa tái sinh giảm so vụ Hè Thu năm trước do nắng hạn kéo dài làm cho lúa ít đẻ nhánh, thời kỳ trổ bông gặp hạn nên hạt lép dẫn đến năng suất đạt thấp.
- Cây trồng khác: Diện tích các cây trồng khác vụ Hè Thu chia theo nhóm cây trồng: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 794,8 ha, tăng 13,5%; cây lấy củ có chất bột 940,6 ha, tăng 2,1%; cây lấy sợi 5 ha, tăng 31,6%; cây có hạt chứa dầu 768,8 ha, tăng 0,2%; cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 3.358,4 ha, bằng 98,3%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 26,7 ha, tăng 18,7%; cây hàng năm khác 996,9 ha, tăng 9,9%.
Diện tích một số cây trồng hàng năm khác chủ yếu: Cây ngô thực hiện 787,1 ha, tăng 13,4% so cùng kỳ; cây khoai lang thực hiện 778,2 ha, tăng 1,5%; cây rau các loại thực hiện 1.652 ha, bằng 97,5%; cây đậu các loại thực hiện 1.682,6 ha, bằng 98,7%; cây lạc thực hiện 553,5 ha, tăng 1,5%; cây vừng thực hiện 215,3 ha, bằng 97%; cây làm thức ăn gia súc thực hiện 938,5 ha, tăng 10,4% so cùng kỳ.
Dự ước sản lượng cao su khai thác trong tháng 8 đạt 330 tấn; 8 tháng khai thác 3.367 tấn, bằng 89,8% so cùng kỳ năm trước.  
b. Chăn nuôi
Chăn nuôi ở các địa phương phát triển ổn định, đàn trâu, đàn bò ở một số nơi phát triển khá, chăn nuôi lợn và gà đang có chiều hướng phát triển tập trung. Nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn và chăn nuôi gà được đầu tư mở rộng nên số lượng trang trại và quy mô nuôi tăng khá so cùng kỳ. Ngành chăn nuôi từng bước thể hiện là ngành sản xuất hàng hóa chủ lực trong nông nghiệp. Thời gian nuôi mỗi lứa giảm, hệ số vòng quay tăng khá.
Trong thời gian qua trên địa bàn xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh đã xuất hiện dịch tả lợn. Tính đến ngày 4/8/2016, trên địa bàn xã Vạn Ninh có 253 con lợn bị mắc bệnh và có 101 con lợn bị chết đã được các cơ quan chức năng tổ chức thu gom tiêu hủy. Để phòng chống dịch tả lợn, cơ quan Thú y đã tiêm phòng 16.340 liều vắc cho lợn ở địa bàn xuất hiện dịch. Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, kiểm soát chặt chẽ nên chỉ xảy ra trên phạm vi hẹp. 
2. Lâm nghiệp
Dự ước trong tháng 8 sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 5.500 m3;8 tháng khai thác 106.300 m3, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi tháng 8 khai thác 12.000 ste; 8 tháng khai thác 144.600 ste, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước.
Hiện tại các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng, chuẩn bị mặt bằng và cây giống cho công tác trồng rừng theo kế hoạch năm 2016. Dự ước 8 tháng, diện tích rừng trồng được chăm sóc 14.500 ha, bằng 98,4%; rừng tập trung trồng mới 619 ha, tăng 129% so cùng kỳ năm trước.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở một số địa phương. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 8, toàn tỉnh xẩy ra 6 vụ cháy, thiệt hại 9,3 ha rừng trồng.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản ước thực hiện trong tháng 8 đạt 9.201 tấn, so cùng kỳ năm trước bằng 67,7%; 8 tháng thực hiện 42.581,3 tấn, so cùng kỳ năm trước bằng 88%. Chia ra: Cá các loại 32.305,3 tấn, bằng 87,4%; tôm các loại 4.408,7 tấn, bằng 92,8%; thủy sản khác 5.867,3 tấn, bằng 87,9% so cùng kỳ năm trước.  
a. Nuôi trồng
Dự ước sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8 thu hoạch 2.611,3 tấn, tăng 8,5%; 8 tháng thu hoạch 8.191,2 tấn, tăng 6,0% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tôm sú 515,6 tấn, bằng 82,5%; tôm thẻ chân trắng 3.276,9 tấn, bằng 96,8%. Sản lượng 8 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 4.098,5 tấn, tăng 19,2%; tôm các loại 3.792,5 tấn, bằng 94,1%; thủy sản khác 300,2 tấn, tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước nuôi: Nuôi nước lợ 4.156,3 tấn, bằng 97,8%; nuôi nước ngọt 4.034,9 tấn, tăng 16% so cùng kỳ năm trước.
Nhờ mở rộng diện tích nuôi trồng nên sản lượng của một số địa phương tăng cao như: Huyện Quảng Trạch tăng 8,8%, huyện Bố Trạch tăng 7,6%, huyện Quảng Ninh tăng 6,9%, huyện Lệ Thủy tăng 9,0%.
b. Khai thác
Do ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên hoạt động khai thác hải sản ven bờ hầu như dừng hẳn, theo đó sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng giảm so với cùng kỳ. Dự ước sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 8 đạt 6.589,7 tấn, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng khai thác 34.390,1 tấn, bằng 84,6% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 28.206,8 tấn, bằng 84,1%; tôm các loại 616,6 tấn, bằng 85,6%; thủy sản khác 5.567,1 tấn, bằng 86,8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Khai thác biển 32.708,9 tấn, bằng 83,6%; khai thác nội địa 1.681,2 tấn, tăng 9,0% so cùng kỳ năm trước.
4. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2016 dự ước tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 10,8% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2016 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 6,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8%.  
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước 8 tháng của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: Ngành sản xuất trang phục tăng 25,8%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 8,4%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,4%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 6,1%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,2%; ngành sản xuất đồ uống tăng 3,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,7%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,0%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,8%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 0,2%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện  8 tháng năm 2016: Đá xây dựng đạt 2,1 triệu m3 tăng 6,1%; mực đông lạnh đạt 552 tấn, giảm 29,7%; tinh bột sắn đạt 6.279 tấn, tăng 8,6%; bia đóng chai đạt 12,7triệu lít, tăng 3,9%; áo sơ mi đạt 7,4triệu cái, tăng 25,8%; gạch lát nền đạt 4,5triệu viên, tăng 21,8% (chỉ số gạch lát nền tăng cao do trong tháng 2 và tháng 3 năm 2015, Công ty Cổ phần  Gốm sứ và Xây dựng Cosevco ngừng sản xuất để bảo trì máy móc, thiết bị); gạch xây dựng đạt 142,7triệu viên, giảm 2,8%; clinker thành phẩm đạt 2triệu tấn, tăng 14,4%; xi măng đạt 1triệu, tăng 0,7%; điện thương phẩm đạt 503 triệu kwh, tăng 3,7%; nước máy đạt 5,2triệu m3, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước.
5. Vốn đầu tư
Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2016 ước thực hiện 329,1 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước và giảm 15,7% so với tháng cùng kỳ năm 2015.
Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2016 ước thực hiện 2.131,8 tỷ đồng, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 560,0 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 1.571,8 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý của một số ngành như sau: Ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 205,5 tỷ đồng, tăng 5,8%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 96,6 tỷ đồng, giảm 5,7%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.189,5 tỷ đồng, giảm 29,2%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 154,5 tỷ đồng, tăng 10,0%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 119,9 tỷ đồng, tăng 1,4%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 110,1 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện nay bắt đầu bước vào mùa mưa bão, vì vậy các đơn vị thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo thực hiện hoàn thành khối lượng đúng kế hoạch, đặc biệt là các công trình giao thông, thuỷ lợi nhằm hoàn thành các công trình vượt lũ. Bên cạnh đó, các công trình sửa chữa, xây dựng trường học được đẩy nhanh chuẩn bị cho năm học mới.
6. Thương mại, dịch vụ  
a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng8 năm 2016ước đạt 1.435,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước và tăng 10,8% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2016 tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 11.169,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ.
 Theo thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước tháng 8 năm 2016 doanh thu ước đạt 66,4 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước và giảm 23,3% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 465,3 tỷ đồng, giảm 29,7% so cùng kỳ, nguyên nhân do doanh thu của Công ty Xăng dầu Quảng Bình giảm (ảnh hưởng của giá xăng dầu);Kinh tế tập thể tháng 8 ước đạt 1,1 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và giảm 40,8% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ, nguyên nhân do quy mô bán lẻ của HTX Thống Nhất bị thu hẹp;Kinh tế cá thểtháng 8 ước đạt 821,7 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 10,6% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 6.430,3 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ; Kinh tế tư nhân tháng 8 ước đạt 546,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng trước và tăng 17,8% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 4.264,1 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ, đây là thành phần có mức tăng cao nhất, chiếm tỷ trọng 38,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Theo nhóm ngành hàng, doanh thu 8 tháng năm 2016 phần lớn các nhóm hàng đều tăng cao. Tăng cao nhất là nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,2%; kế tiếp nhóm hàng may mặc tăng 15,3%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm 13,6%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,3%. Có 3 nhóm giảm đó là nhóm ô tô các loại giảm 4,6%; nhóm xăng dầu các loại giảm 2,1% và nhóm phương tiện đi lại giảm 0,8% so cùng kỳ.  
b. Lưu trú, ăn uống và du lịch
Sự cố môi trường biển hiện nay còn ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, cộng với tháng 8/2016 là tháng bước vào mùa thấp điểm của du lịch nên hoạt động lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm so tháng trước và so cùng kỳ.
Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 8 đạt 166 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu lưu trú đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 4,4% so với tháng trước, giảm 54,6% so với cùng kỳ; doanh thu ăn uống đạt 136,7 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng trước, giảm 5,4% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 21,4 tỷ đồng, giảm 7,8% so với tháng trước, giảm 19,5% so cùng kỳ năm trước.
Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 8 tháng đạt 1.340 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu lưu trú đạt 73,7 tỷ đồng, giảm 36,6%; doanh thu ăn uống đạt 1.114,2 tỷ đồng, tăng 2,3%, doanh thu du lịch lữ hành đạt 152,1 tỷ đồng, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước.
Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 8 đạt 44.774 lượt khách, giảm 3,3% so tháng trước và giảm 56,6% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng số lượt khách lưu trú đạt 435.850 lượt khách, giảm 37,8% so cùng kỳ. Ngày khách dự ước tháng 8 đạt 52.589 ngày khách, giảm 2,9% so tháng trước và giảm 54,7% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng ước đạt 489.061 ngày khách, giảm 37% so cùng kỳ.
Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước tháng 8 đạt 94.579 lượt khách, giảm 5,8% so tháng trước và giảm 2,8% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng số lượt khách lữ hành ước đạt 573.134 lượt khách, tăng 0,1% so cùng kỳ.
Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 8 đạt 203,6 ngàn lượt khách, giảm 3,8% so với tháng trước, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Dự ước 8 tháng số lượt khách đến Quảng Bình đạt 1.765,6 ngàn lượt khách, giảm 20,5% so với cùng kỳ. 
c. Hoạt động dịch vụ
Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8 năm 2016 ước đạt 81,7 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước và tăng 36,5% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng doanh thu ước đạt 593,2 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, doanh thu tất cả các nhóm hàng dịch vụ so với cùng kỳ đều tăng cao. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản với mức tăng 177,9%, nguyên nhân do hoạt động mua bán đất phân lô tại các khu đô thị mới của kinh tế tư nhân tăng cao; tiếp đến là nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 22,2%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 8,6%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 6,3%; tăng thấp nhất là nhóm giáo dục và đào tạo, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. 
d. Xuất, nhập khẩu  
- Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2016 ước đạt 9,7 triệu USD, 8 tháng năm 2016 ước đạt 58,9 triệu USD, bằng 87,3% so với cùng kỳ. Trong kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2016: Xuất trực tiếp chiếm 74,1%, ủy thác 25,9%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 98,6%, kinh tế nhà nước chiếm 1,4%. Xét theo nhóm hàng thì hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,8%, tiếp đến là nhóm lâm sản chiếm 29,0%, hàng nông sản chiếm 16,3% và nhóm hàng khác chỉ chiếm 1,9%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như sau:  
- Thuỷ sản: Ước tháng 8 sản lượng xuất 7,9 tấn, giá trị đạt 73,9 ngàn USD; 8 tháng sản lượng xuất 133,7 tấn, bằng 87,5% so với cùng kỳ, giá trị đạt 849,9 ngàn USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ;
- Cao su: Ước tháng 8 sản lượng xuất 1.254 tấn, giá trị đạt 1,9 triệu USD; 8 tháng sản lượng xuất 5.943 tấn, bằng 54,1% so với cùng kỳ, giá trị đạt 9,2 triệu USD, bằng 50,2% so với cùng kỳ;
- Gỗ: Ước tháng 8 sản lượng xuất 872,3 m3, giá trị đạt 1,2 triệu USD; 8 tháng sản lượng xuất 12,3 ngàn m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ, giá trị đạt 16,2 triệu USD, bằng 96,5% so với cùng kỳ;
- Dăm gỗ khô: Ước tháng 8 sản lượng xuất 45 ngàn tấn, giá trị đạt 6,0 triệu USD; 8 tháng sản lượng xuất 196,1 ngàn tấn, tăng 70,3% so với cùng kỳ, giá trị đạt 27,2 triệu USD, tăng 67,4% so với cùng kỳ;
- Nhựa thông: Ước tháng 8 sản lượng xuất 45,0 tấn, trị đạt 61,8 ngàn USD, 8 tháng năm 2016 sản lượng xuất 640,8 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ, giá trị đạt 850,0 ngàn USD, bằng 86,0% so với cùng kỳ.  
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 13,3 triệu USD, 8 tháng năm 2016 ước 74,7 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng tư liệu sản xuất chiếm 99,8%; 100% nhập khẩu trực tiếp và đều là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. 
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như sau:
- Gỗ các loại: Ước tháng 8 sản lượng nhập 1,3 ngàn m3, giá trị đạt 2,1 triệu USD, 8 tháng sản lượng nhập 13,3 ngàn m3, bằng 92,8% so với cùng kỳ; giá trị đạt 17,9 triệu USD, bằng 91,8% so với cùng kỳ;
- Tân dược: Ước tháng 8 giá trị nhập khẩu đạt 250 ngàn USD, 8 tháng giá trị đạt 1,6 triệu USD, tăng 58,6% so với cùng kỳ;
- Trâu, bò sống: Ước tháng 8 sản lượng nhập 9,9 ngàn con, giá trị đạt 2,6 triệu USD; 8 tháng sản lượng nhập 56,5 ngàn con, tăng 115,0% so với cùng kỳ; giá trị đạt 14,8 triệu USD, tăng 107,9% so với cùng kỳ;
- Xăng, dầu: Ước tháng 8 sản lượng nhập 18,1 ngàn tấn, giá trị đạt 8,2 triệu USD, 8 tháng sản lượng nhập 88,2 ngàn tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ; giá trị đạt 38,5 triệu USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, còn có một số mặt hàng khác như nguyên liệu sản xuất, gốm sứ, may mặc có giá trị nhỏ.  
e. Hoạt động vận tải 
Từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu nhiều lần được điều chỉnh và hiện nay giá xăng, dầu ở mức thấp đã tạo điều kiện để giảm giá cước vận tải. Hoạt động vận tải trong thời qua không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ khách hàng. Ngày 01/8/2016, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh chi nhánh Quảng Bình đã khai trương tuyến xe bus hai chiều Đồng Hới - Kiến Giang, với số lượng 12 xe và tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng. Với chất lượng dịch vụ và những tiện ích của tuyến xe này tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng để từng bước thay đổi thói quen đi lại từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tháng 8 ước đạt 219,9 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước. Tính chung 8 tháng doanh thu vận tải ước đạt 1.685,3 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 375,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.176,6 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 132,8 tỷ đồng, tăng 31,2%.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 8 ước đạt 1,7 triệu hành khách, tăng 1,5% so tháng trước, tăng 1,4% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 12.790,9 triệu hành khách, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 8 ước đạt 82,4 triệu hk.km, tăng 0,2% so tháng trước, tăng 1,6% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 655,2 triệu hk.km, tăng 5% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 8 ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 3% so tháng trước, tăng 1,7% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 12,5 triệu tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 8 ước đạt 87,4 triệu tấn.km, tăng 1,3% so tháng trước, tăng 1,9% so cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 670,9 triệu tấn.km, tăng 4,9% so cùng kỳ. 
f. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
* Chỉ số giá tiêu dùng:
  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2016 so với tháng trước giảm 0,2%; so với tháng 12 năm trước tăng 4,34%; so với cùng kỳ tăng 3,48%. CPI bình quân 8 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,34% (trong đó nhóm hàng hóa không thay đổi, nhóm dịch vụ tăng 9,19%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2016 giảm so với tháng trước chủ yếu do: Giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm 2 lần vào ngày 20/7/2016 và ngày 4/8/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 3,89%, trong đó xăng A95 giảm 5,59%, xăng A92 giảm 5,85% (sau 2 lần điều chỉnh giá xăng A95 và A92 lần lượt giảm 1.300 đồng/lít, 1.290 đồng/lít), dầu diezen giảm 1,40%; Giá gas Petrolimex giảm 4.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/8/2016 nên chỉ số giá gas tháng này giảm 3,15%.
Trong 11 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước đó là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,37%; nhóm giao thông giảm 3,14%; nhóm giáo dục giảm 0,05%. Ba nhóm có giá ổn định đó là nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch. Năm nhóm còn lại đều tăng giá nhẹ.
Biến động của một số nhóm hàng so với tháng trước:
         - Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,47%;
         - Nhóm may mặc mũ nón giày dép tăng 0,25%;
         - Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%;
        - Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,37%;
        - Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%;
        - Nhóm giao thông giảm 3,14%;
        - Nhóm giáo dục giảm 0,05%;
        - Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%.
        * Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
      - Chỉ số giá vàng 99,99%: Giá vàng bình quân tháng này là 3.573.506 đồng/chỉ, tăng 1,6% so với tháng trước, tăng 19,34% so tháng 12 năm trước, tăng 14,04% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 8 tháng so với cùng kỳ tăng 4,21%.
          - Chỉ số giá đô la Mỹ (USD): Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,31% so tháng 12 năm trước, tăng 3,26% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 8 tháng tăng 3,83% so với cùng kỳ.
7. Thu, chi ngân sách nhà nước 
a. Thu ngân sách
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 8 tháng năm 2016 thực hiện 1.851,3 tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán địa phương giao và tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước thực hiện 1.785,2 tỷ đồng, bằng 63,8% dự toán địa phương giao, tăng 13% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 66,1 tỷ đồng, bằng 33,1% dự toán địa phương giao, bằng 46,4% so với cùng kỳ.
Trong tổng số thu ngân sách 8 tháng năm 2016, có 7/15 khoản thu có tăng trưởng và đạt tiến độ (66,6%) dự toán cả năm là: Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (127,6%); Thuế bảo vệ môi trường (77,9%); Lệ phí trước bạ (73,7%); Thuế thu nhập cá nhân (69,7%); Thu tiền sử dụng đất (73,7%); Thu tiền thuê đất (78,4%); Thu tại xã (73,6%). Còn lại các khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm là Thu từ DNNN Trung ương (62,3%); Thu ngoài Quốc Doanh (49,5%); Thuế DNNN địa phương  (58,1%); Thu khác ngân sách trong cân đối (64,2%); Thuế sử dụng đất phi NN (65,4%); Thu phí, lệ phí (57,6%); Thu cấp quyền khai thác khoáng sản (63,6%) và thu khác ngoài cân đối (51%). 
b. Chi ngân sách
Tổng chi NSNN trên địa bàn ước 8 tháng  năm 2016 thực hiện 6.921 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 2.202,6 tỷ đồng; chi thường xuyên 4.718,4 tỷ đồng. Nhìn chung, các khoản chi ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn. 
II. VĂN HOÁ - XÃ HỘI
1. Giáo dục - Đào tạo
Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, toàn tỉnh có 9.080/9.710 học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 93,51%. Trong đó, có 4 đơn vị có số học sinh đỗ tốt nghiệp 100%, gồm: Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Tuyên Hóa và Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Quảng Trạch; một số trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp khá thấp như: Trường THPT Lê Lợi 79,36%, THPT Lê Trực 84,76%, THPT Phan Đình Phùng 84,75%, THPT Minh Hóa 84,81%.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, từ đầu tháng 8 đến nay Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý các trường còn thiếu, đảm bảo công tác giảng dạy ở các đơn vị. Sở đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra tại các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc về công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường 15/8/2016. Theo kế hoạch, các trường bắt đầu học kỳ I vào ngày 22/8/2016 và tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9/2016.
 Năm học 2016 - 2017, Trường Đại học Quảng Bình được giao chỉ tiêu tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu, trong đó có 1.300 chỉ tiêu cho 20 ngành thuộc hệ Đại học và 700 chỉ tiêu cho 13 ngành thuộc hệ Cao đẳng. Cơ cấu ngành nghề được xây dựng phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận. Từ ngày 1 đến ngày 12/8/2016 Trường Đại học Quảng Bình đã tiến hành thu nhận hồ sơ xét tuyển Đại học và Cao đẳng căn cứ kết quả thi của thí sinh tại kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Đối với chỉ tiêu xét tuyển Đại học, Trường sẽ căn cứ vào tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (chưa nhân hệ số) cộng với điểm ưu tiên (điểm khu vực, đối tượng) từ 15 điểm trở lên. Đối với chỉ tiêu xét tuyển hệ cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn ở bậc cao đẳng, nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ cao đẳng là tốt nghiệp THPT. Ngày 14/8/2016 Trường Đại học Quảng Bình tổ chức xét tuyển và thông báo số lượng thí sinh đậu vào Trường, nếu chưa đủ chỉ tiêu Trường sẽ thông báo xét tuyển nguyện vọng 2.
2. Công tác y tế
- Công tác phòng chống các bệnh dịch lây
Công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch tại địa phương; tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc đầu tiên và chủ động bao vây dập tắt, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong...; tổ chức tập huấn về kỹ năng giám sát bệnh nhân, huyết thanh, côn trùng, kỹ năng xử lý hóa chất diệt muỗi, chẩn đoán và điều trị cho các cán bộ y tế tuyến huyện, xã. Ngoài ra, các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh xã hội cho cộng đồng. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh 7 tháng đầu năm được hạn chế đáng kể. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 14/8/2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 25 trường hợp sốt xuất huyết, tay - chân - miệng xảy ra 26 trường hợp. Các loại bệnh truyền nhiểm khác tính đến ngày 31/7/2016, toàn tỉnh đã xảy ra 2.785 trường hợp tiêu chảy; 268 trường hợp lỵ trực trùng; 147 trường hợp lỵ a míp; 90 trường hợp viêm gan vi rút; 460 trường hợp thủy đậu; 217 trường hợp quai bị; 8.707 trường hợp cúm; 2 trường hợp ho gà. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.
- Công tác phòng chống sốt rét
Trung tâm phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh đã phân phối kịp thời hóa chất, vật tư phòng chống sốt rét cho cơ sở. Các đơn vị đã tổ chức giám chặt chẽ tình hình sốt rét trên địa bàn, chuẩn bị chu đáo cho công tác phun tẩm hóa chất phòng chống véc tơ, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Lũy kế từ đầu năm đến 31/7/2016, tổng số lượt người điều trị sốt rét toàn tỉnh là 4.348 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 213 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 24.402 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 0,5%.  
- Tình hình nhiễm HIV/AIDS 
Từ đầu năm đến 31/7/2016 trên địa bàn tỉnh phát hiện 23 người nhiễm mới HIV, 31 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 31/7/2016, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.294 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 341 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 115 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.  
- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm  
Bảy tháng đầu năm 2016, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng công tác truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ và nhân viên các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các địa phương. Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ,thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; qua kiểm tra đã xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 73 người mắc, trong đó có 31 người mắc nhập viện, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 138 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.
3. Hoạt động văn hoá, thể dục thể  
- Hoạt động văn hoá   
Cuối tháng 7/2016, Báo Lao động phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Sống mãi một huyền thoại”, chương trình nhằm kỷ niệm 105 năm ngày sinh và 3 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình phối hợp với Hội chiến sĩ thành cổ tổ chức đêm ca nhạc "Nghĩa tình thành cổ". Đêm ca nhạc được các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn nghệ thuật truyền thống biểu diễn bằng những ca khúc hùng tráng, những điệu múa đã khắc họa được những nét sinh động, hào hùng về những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ đã chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt tại thành cổ Quảng Trị... Chương trình nghệ thuật tổ chức thành công và đã quyên góp để giúp đỡ những thương binh, gia đình liệt sĩ và con em thành cổ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
         Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và được tiến hành thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc Ngành, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hoá xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh; các tổ chức hoạt động thể dục thể thao, các đơn vị hoạt động du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.  
- Hoạt động thể dục thể thao 
Thể thao quần chúng: Phong trào thể dục thể thao của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Các hoạt động thể thao, các cuộc thi đấu của các cơ quan, ban, ngành và ở các địa phương diễn ra thường xuyên, đạt chất lượng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, có tác dụng cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân. Theo kế hoạch, các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... và lễ hội đua thuyền truyền thống chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9 sẽ được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh.
Thể thao thành tích cao: Trong tháng 7 năm 2016, thể thao thành tích cao Quảng Bình đã tham gia thi đấu môn Lặn giải vô địch trẻ toàn quốc được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, kết quả đã đạt được 19 huy chương (8 HCV, 7 HCB, 4 HCĐ); tham gia thi đấu môn Bơi tại Đại hội trẻ em Châu Á tại Yakutst cộng hòa Sakha Liên bang Nga, kết quả đã đạt được 3 huy chương (2 HCV, 1 HCB); tham gia thi đấu môn Bơi giải vô địch trẻ toàn quốc tại thành phố Cần Thơ, kết quả đã đạt được 21 huy chương (10 HCV, 6 HCB, 5 HCĐ); tham gia thi đấu giải đua thuyền vô địch trẻ toàn quốc tại thành phố Hà Nội, kết quả đã đạt được 4 huy chương (3 HCB, 1 HCĐ) môn đua thuyền Rowing và đạt được 2 huy chương Đồng môn đua thuyền Canoeing; tham gia Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 18 năm 2016 tại Singapore, kết quả VĐV Hoàng Thị Ngọc đã xuất sắc đạt được 2 Huy chương Vàng ở các cự ly chạy 400m và tiếp sức 4 x 400m nữ. Hiện tại, đoàn thể thao Quảng Bình đang tham gia thi đấu giải vô địch trẻ toàn quốc tại Vĩnh Long.
          Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đã đạt được 113 huy chương các loại (49 HCV, 36 HCB, 28 HCĐ), trong đó có 6 huy chương quốc tế (4 HCV và 2 HCB). 
4. Tình hình an toàn xã hội và pháp luật 
- An toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 7 năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, tăng 7 vụ so với tháng 7 năm 2015, trong đó đường bộ 22 vụ, tăng 8 vụ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 10 người, tăng 2 người so với tháng 7 năm 2015, trong đó đường bộ chết 10 người, tăng 3 người; đường sắt không có người chết, giảm 1 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 14 người, bằng tháng 7 năm 2015 (trong đó đường bộ bị thương 14 người).
Luỹ kế 7 tháng năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 153 vụ tai nạn giao thông, giảm 5 vụ so cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ 149 vụ, giảm 1 vụ; đường sắt 1 vụ, giảm 4 vụ; đường thuỷ không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 66 người, giảm 11 người so với cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ chết 63 người, giảm 9 người; đường sắt chết 3 người, giảm 2 người; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 125 người, giảm 31 người so cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ bị thương 122 người, giảm 32 người; đường sắt bị thương 3 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2015. 
- An toàn xã hội và pháp luật   
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 7 năm 2016 phạm pháp kinh tế xảy ra 5 vụ với 6 đối tượng phạm tội, so với tháng 7 năm 2015, tăng 5 vụ, đối tượng vi phạm tăng 6 người. Phạm pháp hình sự 35 vụ với 80 đối tượng phạm tội, so với tháng 7 năm 2015 giảm 19 vụ, đối tượng phạm tội giảm 5 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 6 vụ với 6 đối tượng vi phạm, so với tháng 7 năm 2015 giảm 4 vụ, đối tượng vi phạm giảm 9 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 8 vụ với 14 đối tượng vi phạm; so với tháng 7 năm 2015, số vụ tăng 4 vụ và đối tượng vi phạm tăng 10 người. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2016, phạm pháp kinh tế xảy ra 17 vụ với 19 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 15 vụ, đối tượng phạm tội tăng 14 người; phạm pháp hình sự 296 vụ với 519 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2015 giảm 29 vụ, đối tượng phạm tội tăng 63 người. Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 38 vụ với 55 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015 giảm 1 vụ, đối tượng vi phạm giảm 1 người. Sử dụng ma túy bị phát hiện 47 vụ với 79 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015 tăng 21 vụ, đối tượng vi phạm tăng 40 người./.  
[Trở về]