THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 năm 2016 tỉnh Quảng Bình. 
           Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2016 - 2020. Thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm 2016 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề, động lực cho những năm tiếp theo. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Bình đã kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Nghị quyết 02-NP/TU ngày 07/12/2015 của Tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng năm 2016.

Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có những thuận lợi, như: Giá nhiên liệu liên tục giảm, lạm phát ở mức thấp, nguồn vốn cho vay của ngân hàng khá dồi dào… Bên cạnh đó, trong năm 2016 có nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, biến động khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ; rét đậm, rét hại kéo dài, xuất khẩu trên địa bàn gặp khó khăn... ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhờ chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, sử dụng đồng bộ các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư nên trong 3 tháng đầu năm 2016 kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, cơ sở hạ tầng được cải thiện, đặc biệt bộ mặt đô thị được chỉnh trang. Cụ thể kết quả đạt được trên các lĩnh vực như sau:

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Triển khai gieo trồng vụ Đông Xuân 2016 không được thuận lợi do rét đậm, rét hại kéo dài từ trước đến sau Tết Nguyên đán đã làm cho một số diện tích lúa bị chết. Hiện nay, thời tiết ấm dần các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và cấy dặm số diện tích bị chết nhằm đảm bảo theo lịch thời vụ đề ra. Dự kiến đến hết tháng 3, cơ bản hoàn thành gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân.

Dự ước diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân thực hiện 54.930 ha, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng chia theo nhóm cây như sau: Cây lúa thực hiện 30.130 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lúa ổn định là nhờ công tác thủy lợi được chú trọng, hệ thống các công trình ngày càng hoàn thiện hơn nên hạn chế diện tích bỏ hoang, một số diện tích cây hàng năm khác được chuyển sang trồng lúa; cây ngô và cây lương thực có hạt khác 4.083 ha, tăng 0,3%; cây lấy củ có chất bột 9.785 ha, tăng 0,2%; cây mía 91 ha, tăng 1,1%; cây thuốc lá, thuốc lào 5 ha, tăng 6,4%; cây lấy sợi 4 ha, bằng 80%; cây có hạt chứa dầu 4.571 ha, tăng 0,5%; cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 4.746 ha, tăng 1,9%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 434 ha, bằng 93,1%; cây hàng năm khác 1.081 ha, tăng 6,7% so cùng kỳ.

Diện tích một số cây trồng chính: Cây lúa thực hiện 30.130 ha, tăng 0,1%, đạt 102,1% kế hoạch; cây ngô 3.980 ha, tăng 0,3%, đạt 94,8% kế hoạch; cây khoai lang 2.910 ha, bằng 98,7%; cây sắn 6.350 ha, tăng 1,3%, đạt 100,8% kế hoạch; cây lạc 4.340 ha, tăng 0,1%, đạt 90,4% kế hoạch; cây vừng 231 ha, tăng 9,8%; cây rau các loại 4.045 ha, tăng 1,7%; cây đậu các loại 614 ha, tăng 0,7%; cây ớt 402 ha, bằng 92,7% (diện tích cây ớt giảm mạnh nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm ớt khó tiêu thụ nên người sản xuất đã chuyển diện tích cây ớt sang trồng ngô, sắn…); cây làm thức ăn gia súc 1.047 ha, tăng 6,5% so cùng kỳ.

Hiện tại, thời tiết thuận lợi các địa phương triển khai công tác làm cỏ, bón phân, tỉa dặm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Sâu bệnh hại cây trồng đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Đến ngày 25/2/2016, sâu bệnh hại cây trồng: Diện tích lúa bị rệp muội gây hại 522 ha; diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá 34,5 ha; diện tích lúa bị nhiễm tuyến trùng rễ 83,5 ha; chuột phá lúa trên diện tích 365 ha; một số cây hàng năm khác đã có sâu bệnh phát sinh và gây hại rải rác. Các địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng, chống nên hạn chế lây lan, mức độ ảnh hưởng không đáng kể.

Nhìn chung, vụ Đông Xuân gieo trồng hết diện tích và đảm bảo lịch thời vụ. Sản xuất cây lúa theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được mở rộng ở một số địa phương và đạt kết quả tốt. Giống cung ứng cho sản xuất đảm bảo chất lượng, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và khắc nghiệt của điều kiện thời tiết. Nước tưới cho cây trồng được đảm bảo; công tác dự báo và phòng trừ sâu bệnh được tăng cường nên diện tích bị nhiễm sâu bệnh ít hơn cùng kỳ năm trước. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định

Cây lâu năm đang được các doanh nghiệp và các hộ gia đình tiếp tục chăm sóc, đầu tư cải tạo vườn tạp nhằm bố trí các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, cơ cấu các loại cây lâu năm ở các địa phương đang từng bước chuyển dịch hợp lý hơn. Dự ước sản lượng mủ cao su khai thác tháng 3 là 150 tấn, 3 tháng khai thác 525 tấn, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Một số bệnh đã xuất hiện trên cây cao su và cây hồ tiêu, như: Diện tích cao su bị bệnh rụng lá mùa mưa 50 ha và bị nứt vỏ xì mủ 2 ha; cây hồ tiêu bị bệnh vàng lá 7 ha.

b. Chăn nuôi

Đàn gia súc và gia cầm của các địa phương phát triển ổn định. Chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại tiếp tục mở rộng, theo đó đàn gia súc và gia cầm của địa phương có tăng trưởng so cùng kỳ năm trước.

Dự ước đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/4/2016: Đàn trâu 36.228 con, tăng 5%; đàn bò 96.665 con, tăng 6,2%; đàn lợn 366.210 con, tăng 4,3%; đàn gia cầm 2.745 ngàn con, tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước, riêng đàn gà tăng khá hơn, tăng trên 3% so với cùng kỳ.

          Thời tiết đang chuyển mùa nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Do đó, ngành Thú y đang kết hợp với các ngành liên quan, các địa phương nhanh chóng triển khai công tác dự báo và thực hiện phòng trừ dịch bệnh. Trước mắt, triển khai đồng bộ việc rà soát tổng đàn, lập kế hoạch chi tiết tiêm phòng các loại vacxin. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển, thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát giết mổ tập trung gia súc, gia cầm nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục thực hiện công tác khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán và trồng dặm trên diện tích rừng trồng năm trước.

Dự ước 3 tháng đầu năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 22.500 m3, bằng 58,6% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 43.800 ste, bằng 75,7% so cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc 3 tháng đầu năm thực hiện 3.990 ha, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước; số cây trồng phân tán trong 3 tháng đầu năm thực hiện 2.570 ngàn cây, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng đầu năm, khai thác lâm sản được quản lý chặt chẽ, đặc biệt khai thác gỗ từ rừng trồng được thực hiện đúng tiến độ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Công tác chăm sóc rừng trồng mới và trồng cây phân tán được quan tâm, công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai đồng bộ.

3. Thuỷ sản

Dự ước tháng 3 sản lượng thủy sản thực hiện 4.757,5 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 8,9%. Dự ước 3 tháng đầu năm thực hiện 10.649,6 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 8,7%. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng thu hoạch 1.507,5 tấn, tăng 5,0%; khai thác 9.142,1 tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 9.073,9 tấn, tăng 9%; tôm các loại 405,6 tấn, tăng 6,4%; thủy sản khác 1.170,1 tấn, tăng 7,3%.

a. Nuôi trồng

Dự ước trong tháng 3 sản lượng nuôi trồng thu hoạch 355,3 tấn, bằng 97,8% so cùng kỳ năm trước; dự ước 3 tháng thu hoạch 1.507,5 tấn, tăng 5,0% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 1.250,8 tấn, tăng 5,1%; tôm các loại 199 tấn, tăng 5,3%; thủy sản khác 57,7 tấn, tăng 2,3%.

Sản lượng nuôi trồng 3 tháng chia theo mặt nước: Nuôi trồng nước lợ 231,8 tấn, tăng 5,6%; nuôi trồng nước ngọt 1.275,7 tấn, tăng 4,9%. Hầu hết sản lượng nuôi trồng thu hoạch 3 tháng của các địa phương đều tăng khá so cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thành phố Đồng Hới 166,5 tấn, tăng 4,1%; thị xã Ba Đồn 194,9 tấn, tăng 6,7%; huyện Minh Hoá 24,2 tấn, tăng 3%; huyện Tuyên Hoá 81,5 tấn, tăng 0,9%; huyện Quảng Trạch 146,1 tấn, tăng 2%; huyện Bố Trạch 303,6 tấn, tăng 4,1%; huyện Quảng Ninh 292,2 tấn, tăng 9,2%; huyện Lệ Thủy 298,5 tấn, tăng 4,4%.

            b. Khai thác

Dự ước tháng 3 sản lượng khai thác 4.402,2 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 9,9%; dự ước 3 tháng khai thác 9.142,1 tấn, tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 7.823,1 tấn, tăng 9,7%; tôm các loại 206,6 tấn, tăng 7,5%; thủy sản khác 1.112,4 tấn, tăng 7,5%.

- Khai thác nước mặn (biển): Tháng 3 khai thác 4.219,4 tấn; 3 tháng khai thác 8.544,7 tấn, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 7.482 tấn, tăng 9,7%; tôm các loại 145,2 tấn, tăng 9,8%; thủy sản khác 917,5 tấn, tăng 7,3%. 

- Khai thác nước lợ: Tháng 3 khai thác 55,6 tấn; 3 tháng khai thác 142,7 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 93,1 tấn, tăng 6,9%; tôm các loại 23,1 tấn, bằng 99,6%; thủy sản khác 26,5 tấn, tăng 4,7%.

- Khai thác nước ngọt:

Tháng 3 khai thác 127,2 tấn; 3 tháng khai thác 454,7 tấn, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 248 tấn, tăng 9,4%; tôm các loại 38,3 tấn, tăng 4,0%; thủy sản khác 168,4 tấn, tăng 9,1%.

Nhìn chung, sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm của các địa phương đều tăng so cùng kỳ năm trước. Một số địa phương phát triển đánh bắt hải sản xa bờ nên sản lượng tăng cao. Cụ thể: Thành phố Đồng Hới 1.615,1 tấn, tăng 9,9%; thị xã Ba Đồn 1.215,8 tấn, tăng 8,1%; huyện Minh Hoá 24,9 tấn, tăng 1,2%; huyện Tuyên Hoá 33,7 tấn, tăng 4,3%; huyện Quảng Trạch 1.576,8 tấn, tăng 8,8%; huyện Bố Trạch 3.505,4 tấn, tăng 9,9%; huyện Quảng Ninh 452 tấn, tăng 10,2%; huyện Lệ Thủy 718,4 tấn, tăng 8,5%.

4. Công nghiệp

Trong 3 tháng đầu năm 2016 sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định. Một số ngành có chỉ số tăng khá so với cùng kỳ, như: Ngành sản xuất trang phục; ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; ngành sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác. Tăng trưởng chung của ngành có đóng góp lớn của ngành công nghiệp nói trên. Đối với ngành sản xuất trang phục, với năng lực hiện có vẫn tiếp tục sản xuất với sản lượng lớn so với cùng kỳ. Dự án Nhà máy may ở huyện Lệ Thủy dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý II/2016 sẽ góp phần tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.

* Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2016 dự ước tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 7,8% so với tháng 3 năm 2015. Tính chung 3 tháng đầu năm 2016 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 3,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 6,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,0%.  

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính 3 tháng đầu năm 2016 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: Ngành sản xuất trang phục tăng 36,7% so với cùng kỳ; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 10,6%; ngành sản xuất đồ uống tăng 9,5%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,4%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,2%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,3%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 2,8%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,1%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 0,6%...

* Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 (tính theo giá cơ bản) 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2.314,0 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: kinh tế Nhà nước ước đạt 150 tỷ đồng, tăng 7,9%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2.161,1 tỷ đồng, tăng 8,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,9 tỷ đồng, tăng 8,3%.

Chia theo ngành kinh tế: Giá trị sản xuất ngành khai khoáng ước đạt 80,9 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 2.171,0 tỷ đồng, tăng 8,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… ước đạt 44,1 tỷ đồng, tăng 7,4%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 18,0 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước.

* Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện 3 tháng đầu năm 2016 như sau: Đá xây dựng đạt 677.303 m3, tăng 2,8%; mực đông lạnh đạt 392 tấn, tăng  9,0%; tinh bột sắn đạt 5.810 tấn, tăng 0,5%; bia đóng chai đạt 2,5 triệu lít, tăng 10,1%; áo sơ mi đạt 2,2 triệu cái, tăng 36,7%; gạch lát nền đạt 1,7 triệu viên, tăng 144,7% (Gạch lát nền tăng cao do trong tháng 2 và tháng 3 năm 2015, Công ty cổ phần Gốm sứ và Xây dựng Cosevco ngừng sản xuất để bảo trì máy móc, thiết bị); gạch xây dựng đạt 47,9 triệu viên, giảm 6,9%; clinker thành phẩm đạt 543.500 tấn, tăng 11,0%; xi măng đạt 345.240 tấn, tăng 7,1%; điện thương phẩm đạt 185 triệu kwh, tăng 3,3%; nước máy đạt 1,8 triệu m3, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước…

5. Vốn đầu tư

Trong 3 tháng đầu năm, khối lượng vốn đầu tư thực hiện chủ yếu từ các công trình chuyển tiếp, trong đó chủ yếu là các công trình thuộc ngành giao thông; y tế; giáo dục và đào tạo; công nghiệp chế biến; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và quản lý Nhà nước. Hiện nay, một số công trình của kế hoạch năm 2016 đã động thổ thi công, còn lại phần lớn đang được các chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật để triển khai thực hiện.

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 3 năm 2016 ước thực hiện 232,9 tỷ đồng, tăng 11,1% so với tháng trước và giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 659,3 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 195,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 463,8 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 3 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (Năm 2015 trên địa bàn tỉnh thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1A nên khối lượng vốn đầu tư 3 tháng năm 2015 cao hơn 3 tháng năm 2016).

Trong những tháng đầu năm 2016 một số công trình/dự án lớn đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn Nhà nước như: Công trình Cầu Nhật Lệ 2; Đường nối từ Khu kinh tế Hòn La đến KCN xi măng tập trung Tiến - Châu - Văn Hoá; Trụ sở Tỉnh uỷ; Trung tâm Văn hoá tỉnh; Kè cửa sông biển Nhật Lệ; Bãi đỗ xe nhập cảnh tại Khu trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo…

Khối lượng thực hiện vốn đầu tư Nhà nước quản lý 3 tháng đầu năm của các ngành: Ngành nông, lâm, nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 47,5 tỷ đồng, tăng 5,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện 29,6 tỷ đồng, giảm 2,7%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 400,4 tỷ đồng, giảm 29,7%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 31,5 tỷ đồng, tăng 3,2%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 35,6 tỷ đồng, tăng 3,8%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 34,3 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2015…

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 3, tháng sau Tết Nguyên đán, thị trường bán lẻ hàng hóa trầm lắng hơn 2 tháng trước đó do người dân đã chi tiêu mạnh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng này đạt thấp hơn tháng trước. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3 đạt 1.365,7 tỷ đồng, giảm 6,0% so tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 4.284,7 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ.

Theo thành phần kinh tế, 3 tháng đầu năm 2016, doanh thu các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng, riêng kinh tế Nhà nước giảm, chủ yếu do tác động của giá xăng dầu, cụ thể: Doanh thu kinh tế Nhà nước ước đạt 203 tỷ đồng, giảm 28%; kinh tế tập thể ước đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,7%; kinh tế cá thể ước đạt 2.571,3 tỷ đồng, tăng 13,6%; kinh tế tư nhân ước đạt 1.505,4 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước.

Theo nhóm hàng, doanh thu 3 tháng đầu năm phần lớn các nhóm hàng đều tăng, loại trừ 3 nhóm giảm gồm: nhóm ô tô các loại; nhóm phương tiện đi lại và nhóm xăng, dầu các loại. Doanh thu tăng cao nhất là nhóm hàng may mặc, tăng 19,7%; lương thực, thực phẩm tăng 18% so cùng kỳ.

   b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

       Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung kêu gọi đầu tư nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thu hút du khách, qua đó phát triển du lịch theo hướng ngày càng bền vững. Đối với các cơ sở lưu trú, đang tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất để chuẩn bị cho mùa du lịch sắp đến. Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 3 đạt 165,3 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu lưu trú đạt 11,6 tỷ đồng, tăng 3,6%; doanh thu ăn uống đạt 140,5 tỷ đồng, tăng 16,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ năm trước.

      Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 3 tháng đầu năm đạt 486,2 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu lưu trú đạt 33,1 tỷ đồng, tăng 6,7%; doanh thu ăn uống đạt 421,4 tỷ đồng, tăng 14,7%, doanh thu du lịch lữ hành đạt 31,7 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước.

      Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 3 đạt 267,8 ngàn lượt khách, giảm 17% so với tháng trước, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Dự ước 3 tháng số lượt khách đến Quảng Bình đạt 710,6 ngàn lượt khách, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Khách du lịch tăng khá do tăng lượt khách du lịch tâm linh; khách lưu trú, lữ hành tăng không đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm khách du lịch tâm linh ước đạt 474,2 ngàn lượt khách, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

         c. Dịch vụ

Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 3 năm 2016 ước đạt 66 tỷ đồng, giảm 7,8% so tháng trước và tăng 14,1% so cùng kỳ. Tính chung 3 tháng năm 2016 doanh thu ước đạt 208,9 tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ

So tháng trước, phần lớn doanh thu các nhóm dịch vụ tháng 3 đều giảm, chỉ có 3 nhóm tăng là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 0,1%, nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 7,1%, nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 2% .

So cùng kỳ năm trước, tất cả các nhóm dịch vụ tháng 3 đều tăng; tăng cao nhất là nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 29,1%, nhóm kinh doanh bất động sản tăng 16,7%, tăng thấp nhất là nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 0,3%.

d. Xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu

Ba tháng đầu năm 2016 giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt thấp so với cùng kỳ do gặp khó khăn về thị trường. Cao su là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu, trong 3 tháng năm 2016 sản lượng xuất chỉ bằng 36,6% so với cùng kỳ do đó ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu trên địa bàn.

Dự ước kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 7,5 triệu USD, 3 tháng đầu năm đạt 15,8 triệu USD, bằng 85,6% so với cùng kỳ. Trong đó: Xuất trực tiếp chiếm 90,4%, ủy thác chiếm 9,6%. Kinh tế ngoài nhà nước chiếm ưu thế trong hoạt động xuất khẩu với 98,1%, kinh tế Nhà nước chiếm 1,9%.

Xét theo nhóm hàng, hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54,4%, tiếp đến là nhóm lâm sản chiếm 31,3%, hàng nông sản chiếm 13,9% và nhóm hàng khác chỉ chiếm 0,4%.

Cụ thể một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như sau:

- Cao su: Ước tháng 3 xuất 1.181 tấn, giá trị đạt 1,8 triệu USD; 3 tháng đầu năm xuất 1.362,0 tấn, bằng 36,6% so với cùng kỳ, giá trị đạt 2,1 triệu USD, bằng 33,4% so với cùng kỳ;

- Thuỷ sản: Ước tháng 3 xuất 7,0 tấn, giá trị đạt 34,3 ngàn USD; 3 tháng đầu năm xuất 14,0 tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ, giá trị đạt 67,3 ngàn USD, bằng 71,5% so với cùng kỳ;

- Gỗ: Ước tháng 3 xuất 1,6 ngàn m3, giá trị đạt 2,3 triệu USD; 3 tháng đầu năm xuất 3,3 ngàn m3, tăng 40,0% so với cùng kỳ, giá trị đạt 4,5 triệu USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ;

- Dăm gỗ khô: Ước tháng 3 xuất 21,5 ngàn tấn, giá trị đạt 3,1 triệu USD; 3 tháng đầu năm xuất 50,8 ngàn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ, giá trị đạt 7,3 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ;

- Nhựa thông: Ước tháng 3 xuất 66,5 tấn, trị đạt 129,6 ngàn USD, 3 tháng đầu năm xuất 155,5 tấn, bằng 81,4% so với cùng kỳ, giá trị đạt 300,8 ngàn USD, bằng 87,5% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu, trong 13 nước thì Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 với thị phần 85%, Hồng Kông chiếm 5,6%, các nước còn lại chỉ chiếm 9,4%.

 Nhập khẩu

                 Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 6,5 triệu USD, 3 tháng đầu năm đạt 17,1 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Trong tổng số, hàng tư liệu sản xuất chiếm 99,5%; 100% nhập khẩu trực tiếp và đều là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng phục vụ sản xuất trong tỉnh và hàng tạm nhập tái xuất, cụ thể:

- Gỗ các loại: Ước tháng 3 nhập 1,9 ngàn m3, giá trị đạt 2,5 triệu USD; 3 tháng đầu năm nhập 4,2 ngàn m3, tăng 22,5% so với cùng kỳ, giá trị đạt 5,4 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ;

- Trâu, bò sống: Ước tháng 3 nhập 3,1 ngàn con, giá trị đạt 0,8 triệu USD; 3 tháng đầu năm sản lượng nhập 10,1 ngàn con, bằng 81,5% so với cùng kỳ; giá trị đạt 2,7 triệu USD, bằng 81,7% so với cùng kỳ;

- Xăng, dầu: Ước tháng 3 nhập 6,5 ngàn tấn, giá trị đạt 2,9 triệu USD; 3 tháng đầu năm nhập 18,3 ngàn tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ; giá trị đạt 8,2 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có một số mặt hàng khác như nguyên liệu sản xuất tân dược, gốm sứ, may mặc có giá trị nhỏ.

       e. Vận tải

Hoạt động vận tải trên địa bàn nhìn chung ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại của người dân.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3 ước đạt 203,4 tỷ đồng, giảm 2% so tháng trước. Ước 3 tháng đầu năm doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 616,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ ước đạt 556,7 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ; doanh thu vận tải đường thủy ước đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 43,9 tỷ đồng, tăng 29,1% so cùng kỳ (tăng cao do phí đường bộ được điều chỉnh từ tháng 01/2016).

  Tổng số hành khách vận chuyển tháng 3 ước đạt 1,7 triệu hành khách, giảm 2,3% so tháng trước, tăng 1,1% so cùng kỳ; 3 tháng ước đạt 5,0 triệu hành khách, tăng 3,2% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 3 ước đạt 77,3 triệu hk.km, giảm 6,7% so tháng trước, tăng 1% so cùng kỳ; 3 tháng ước đạt 239,9 triệu hk.km tăng 4,6% so cùng kỳ.

  Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3 ước đạt 1,4 triệu tấn, giảm 3,2% so tháng trước, tăng 1,1% so cùng kỳ; 3 tháng ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 3 ước đạt 76,2 triệu tấn.km, giảm 5,9% so tháng trước, tăng 4,3% so cùng kỳ; 3 tháng ước đạt 232,3 triệu tấn.km, tăng 4,5% so cùng kỳ.

   f. Giá tiêu dùng(CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

     * Chỉ số giá tiêu dùng(CPI)    

    Tháng 3/2016 giá cả có nhiều biến động so với tháng trước, nguyên nhân do nhu cầu xây nhà tăng nên giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng tăng; từ ngày 01/3/2016 giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh tăng và giá gas được điều chỉnh tăng 6.000 đ/bình 12kg. 

   So với hai tháng trước, tháng này chỉ số giá biến động mạnh nhất. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2016 tăng 2,42% so với tháng trước; tăng 2,95% so tháng 12 năm trước; tăng 3,6% so cùng tháng năm trước và tăng 3,88% so với kỳ gốc năm 2014.

  Chỉ số giá các nhóm hàng hàng chính so với tháng trước:

          - Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,23%: Tháng này nhóm lương thực tăng 1,05% (chủ yếu do giá gạo tăng), nhưng do nhóm thực phẩm tháng này giảm 2,27% nên đã làm cho chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm. Một số loại rau củ có giá giảm do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, bên cạnh đó thịt gia súc, gia cầm giảm làm cho nhóm thực phẩm giảm.

           - Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,76%. Nguyên nhân do giá gas và các loại chất đốt khác giảm;

            - Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 70,59%, do từ ngày 01/3/2016 giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc được điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BHYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính;

           - Nhóm giao thông giảm 3,67%: Giá xăng được điều chỉnh giảm 980 đ/lít vào ngày 18/02/2016 và chịu ảnh hưởng từ đợt giảm giá tháng trước nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu tháng 3/2016 giảm 8,24%;

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%: Chủ yếu tăng do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,79%;

           - Các nhóm đồ uống thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; bưu chính viễn thông có giá ổn định.

           Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

           - Chỉ số giá vàng 99,99%: Tháng này tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 0,22% so với kỳ gốc 2014;

- Giá đô la Mỹ (USD): Tháng này giảm 0,29% so với tháng trước và tăng 2,0% so với kỳ gốc 2014.   

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

a. Thu ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn  3 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 603 tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán địa phương giao và tăng 2,5% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 559,5 tỷ đồng, bằng 20% dự toán địa phương giao, tăng 8,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 43,5 tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán địa phương giao, bằng 60,3% so với cùng kỳ.

Trong tổng số thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2016, so với dự toán có 4/15 khoản thu tăng trưởng khá và đạt tiến độ từ 25% dự toán năm, đó là: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,5%, thu lệ phí trước bạ đạt 27,6%, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 26,9%, thu khác trong cân đối ngân sách đạt 29,7%. Còn lại 11 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

b. Chi ngân sách

Tổng chi NSNN trên địa bàn ước 3 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 2.856,2 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện 1.198,5 tỷ đồng, bằng 103%; chi thường xuyên ước thực hiện 1.657,7 tỷ đồng, bằng 99,1% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, các khoản thu ngân sách nhà nước được tập trung đầy đủ, kịp thời và điều tiết đúng theo tỷ lệ cho các cấp ngân sách; các khoản chi ngân sách được chi trả kịp thời, đảm bảo đúng chế độ quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn.

  II. XÃ HỘI

          1. Giáo dục, đào tạo

              Thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2015-2016, cùng với cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai, gắn với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Ngành Giáo dục toàn tỉnh đã triển khai chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế của đất nước. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ I năm học 2015-2016 và đã đạt nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực công tác.

a. Giáo dục

- Giáo dục mầm non

Tổng số trường mầm non, trường mẫu giáo và cơ sở nhà trẻ toàn tỉnh hiện có 180 trường, tăng 1 trường so với cùng kỳ; trong đó trường mầm non 178 trường, tăng 1 trường so với cùng kỳ; trường mẫu giáo 1 trường và 1 cơ sở nhà trẻ, không thay đổi so với cùng kỳ. Lớp học mẫu giáo có 1.599 lớp, với 45.752 cháu, đạt tỷ lệ huy động 96%; huy động trẻ dân tộc thiểu số tới nhà trẻ đạt 19,7%, huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,3%. Các đơn vị đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. 100% trẻ nhà trẻ được ăn bán trú bằng nhiều hình thức, trẻ mẫu giáo ăn bán trú đạt 95,2%, 100% trường tổ chức bán trú sử dụng phần mềm dinh dưỡng tính khẩu phần và quản lý bữa ăn cho trẻ. Tất cả các trường, lớp thực hiện nghiêm túc các loại chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Giáo dục tiểu học

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và triển khai có hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam tại 14 trường dự án và 71 trường nhân rộng toàn phần. Các trường đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. Đến nay, qua 1 năm triển khai thực hiện việc đánh giá theo Thông tư 30, cơ bản các giáo viên đứng lớp đã thực hiện khá tốt việc nhận xét, đánh giá học sinh, thể hiện được mức độ về kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất học sinh. Kết quả chất lượng giáo dục tiểu học: Về năng lực có 99,84% số học sinh đạt; về phẩm chất: 99,89% số học sinh đạt; trong đó có 67,7% số học sinh được các cấp khen thưởng đạt thành tích cao về học tập và các mặt hoạt động.

- Giáo dục trung học

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung, kế hoạch hoạt động nội khoá và ngoại khoá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sát đối tượng, bám chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình phổ thông, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, căn cứ vào mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, tư duy và thái độ, giáo viên chủ động vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học để có cách dạy, cách học tốt nhất.

Kết quả xếp loại hai mặt khối Trung học cơ sở: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 72,1%, khá 24,3%, trung bình 3,5%, yếu 0,1%; Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi đạt 14,6%, khá 38,1%, trung bình 41%, yếu 6,2%, kém 0,1%.

Kết quả xếp loại hai mặt khối Trung học phổ thông: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 67%, khá 26,1%, trung bình 5,6%, yếu 1,3%; Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi đạt 7,7%, khá 40,9%, trung bình 41,1%, yếu 9,8%, kém 0,5%.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 58 em tham gia thi học sinh giỏi quốc gia; kết quả kỳ thi đã có 34 em đạt giải (1 giải nhất, 6 giải nhì, 13 giải ba và 14 giải khuyến khích); trong đó có 1 giải nhất quốc gia môn lịch sử và 2 học sinh đạt giải nhì môn Toán và Vật lý.

- Giáo dục thường xuyên

Các Trung tâm giáo dục thường xuyên đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp thực hiện các chương trình xoá mù chữ, chuyên đề sau tiểu học, bổ túc THCS và bổ túc THPT; tư vấn có hiệu quả cho hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, củng cố kết quả phổ cập. Trong học kỳ I, đã huy động được 19 lớp, với 502 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; trong đó có 161 học viên/7 lớp theo mô hình học văn hóa - nghề, 207 học viên/6 lớp theo mô hình học văn hóa - trung cấp chuyên nghiệp. Đồng thời, huy động được 170 học viên/13 lớp học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS; đã tổ chức được 2 lớp xóa mù chữ với 33 học viên.

Công tác liên kết đào tạo, đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng tiếp tục phát triển, quản lý chất lượng được chú trọng và chặt chẽ hơn, trong học kỳ I có: 2.168 học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, 2.247 học viên đựợc cấp chứng chỉ tin học.

- Công tác phổ cập và xóa mù chữ

Kết thúc học kỳ I năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã hoàn thành kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học toàn tỉnh đã có 159/159 xã, phường, thị trấn và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 trở lên, trong đó có 3 huyện, thị xã, thành phố và 129 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn giáo dục phổ cập mức độ 2. Kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở toàn tỉnh đã có 159/159 xã, phường, thị trấn và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên, trong đó có 146/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 trở lên và 58/159 xã, phường, thị trấn  đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Về kết quả xóa mù chữ: Đến nay toàn tỉnh đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó có 156/159 xã, phường, thị trấn và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 2. Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Công tác vận động, huy động số lượng, duy trì sỉ số các cấp học được tiến hành tích cực. Số lượng học sinh bỏ học trong học kỳ I giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong học kỳ I chỉ có 285 em bỏ học, chiếm 0,18% (Tiểu học có 6 em bỏ học, chiếm 0,001%; THCS có 80 em bỏ học, chiếm 0,14%; THPT có 199 em bỏ học, chiếm 0,7%).

b. Đào tạo

Năm học 2015 - 2016 Trường Đại học Quảng Bình và Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình tiếp tục mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, phát triển thêm một số ngành nghề đào tạo mới. Chất lượng đào tạo có chuyển biến tích cực, bên cạnh đào tạo hệ chính quy, các Trường đã tranh thủ nguồn kinh phí từ các dự án đào tạo nghề để mở rộng các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của xã hội.

Trường Đại học Quảng Bình: Tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường có 277 người, trong đó giảng viên có 197 người (2 phó giáo sư, 24 giảng viên chính, 168 giảng viên và 3 giảng viên đang tập sự). Tổng số sinh viên đang học tại trường là 4.527 người; trong tổng số: có 2.948 sinh viên hệ đại học chính quy, 1.012 sinh viên hệ cao đẳng chính quy, 543 sinh viên đào tạo liên thông, 24 sinh viên đại học văn bằng 2. Tuyển mới của hệ đại học chính quy 1.334 sinh viên, tuyển mới hệ cao đẳng có 321 sinh viên. Tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học 486 người, trong đó hệ chính quy dài hạn 363 người (tốt nghiệp loại giỏi 75 người, loại khá 285 người, loại trung bình 3 người) hệ đại học liên thông 123 người. Sinh viên cao đẳng tốt nghiệp 383 người, trong đó hệ chính quy dài hạn 383 người.

Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình: Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện có 78 người; trong đó giáo viên có 58 người. Tổng số học viên đang học tại trường là 557 người, trong đó hệ cao đẳng dài hạn 219 người (tuyển mới 219 người); hệ trung học chuyên nghiệp dài hạn 338 người. Tổng số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề 175 người, trong đó hệ chính quy dài hạn 175 người. Sinh viên trung học chuyên nghiệp tốt nghiệp 145 người.

2. Công tác y tế

Trong những tháng đầu năm 2016 các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh phòng chống dịch và thực hiện các chương trình y tế cộng đồng. Các Trạm y tế xã đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì các hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 5 tuổi, thực hiện các chương trình y tế, giám sát và phòng chống dịch bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh triển khai thực hiện mục tiêu tiêm vắc xin Sởi - Rubella  cho đối tượng 16-17 tuổi đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm trên 95% nhằm khống chế bền vững bệnh Sởi và Rubella thông qua việc cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số ca mắc, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng.

Để chủ động triển khai công tác phòng chống các loại dịch bệnh có nguy cơ xảy ra, Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung vào các thực phẩm có mức tiêu thụ cao như thịt và các sản phẩm từ thịt, thuỷ sản tươi sống, trứng, sữa tươi, rau quả tươi, mứt, hạt dưa, các loại nước chấm; tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến. Vận động và hướng dẫn nhân dân quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 7/3/2016 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào và chỉ xảy ra 23 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

Tình hình về bệnh gây dịch từ đầu năm đến hết tháng 2 năm 2016: Tả, Thương hàn, Viêm não vi rút, Viêm màng não do NMC, sởi, Cúm A (H5N1) chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh; bệnh Tay - chân - miệng xảy ra 4 trường hợp. Hiện tại công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đang được thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Văn hoá, thể thao

Ba tháng đầu năm 2016, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã diễn ra xuyên suốt với tinh thần trang trọng, thiết thực thông qua các hoạt động Lễ hội. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động vui chơi lành mạnh, tổ chức nhiều hình thức văn hoá, nghệ thuật nhân dịp đón chào Tết Nguyên đán Bính Thân phù hợp với bản sắc văn hoá truyền thống. Nổi lên là Hội chợ Xuân Quảng Bình năm 2016 được khai mạc ngày 15/01/2016 đến hết ngày 22/01/2016 tại Quảng trường Sân vận động thành phố Đồng Hới; Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi niềm tin” chào mừng thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam; Kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016.

Các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tạp chí Văn hóa đã xuất bản số Tết có chất lượng phục vụ bạn đọc; Thư viện tỉnh phối hợp với Hội nhà báo tỉnh tổ chức Hội báo xuân 2016 thu hút nhiều đọc gia tham gia; Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan đã tổ chức các hoạt động như: Trưng bày sinh vật cảnh, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ, Câu lạc bộ Đàn và Hát dân ca. Ban Quản lý di tích thực hiện tốt công tác kiểm tra, làm vệ sinh hệ thống di tích nhằm phục vụ nhu cầu thăm quan của nhân dân; các điểm di tích mang yếu tố tâm linh như Đền Liễu Hạnh Công chúa, Núi Thần Đinh, Hang Tám TNXP và mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp... thu hút rất đông con em quê hương và du khách thăm viếng.

Các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của " Tết trồng cây" vào đầu Xuân, làm cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt. Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn đã bắn pháo hoa tầm thấp đêm giao thừa đảm bảo an toàn, tiết kiệm và tạo không khí vui tươi..

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh Đề cương Quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sở đã làm việc với các đơn vị liên quan để tạo điều kiện và thực hiện quảng bá du lịch thông qua đoàn làm phim Kong: Skull Island của Hollywood. Đoàn làm phim đến Quảng Bình từ ngày 22/02/2016 và quay phim tại 3 điểm trên địa bàn tỉnh (Hang Chuột - Tân Hóa - Minh Hóa, Hồ Yên Phú - Trung Hóa - Minh Hóa, Thung lũng Chà Nòi trên đèo Đá Đẽo - Xuân Trạch - Bố Trạch) đến ngày 27/02/2016.

Công tác thanh kiểm tra lĩnh vực văn hóa tiếp tục được tăng cường. Từ đầu năm đến hết tháng 2/2016, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thanh kiểm tra hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa của 27 cơ sở, trong đó, có 24 cơ sở karaoke, 02 cơ sở lưu trú có dịch vụ karaoke, 01 cơ sở lưu trú; đình chỉ 01 cơ sở kinh doanh karaoke không phép; cảnh cáo, nhắc nhở 02 cơ sở karaoke không đủ ánh sáng tại phòng karaoke theo quy định và hoạt động không đúng phạm vi quy định trong giấy phép. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa trong mùa Lễ hội.

Các hoạt động thể dục, thể thao trong 3 tháng đầu năm 2016 được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Đáng chú ý là trong dịp Tết Nguyên đán toàn tỉnh đã có 56 xã, phường tổ chức giao hữu bóng đá, bóng chuyền; 10 xã tổ chức giải Kéo co, vật; 05 xã tổ chức giải Cờ tướng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương tổ chức nhiều trò chơi dân gian khác, như Bài chòi, chơi đu, cướp cù, chọi gà và các môn thể thao truyền thống khác. Sau dịp Tết Nguyên đán, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công giải vô địch cờ tướng toàn tỉnh Quảng Bình lần thứ 19 năm 2016; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Giải thể thao học sinh phổ thông tỉnh… Nhìn chung, các hoạt động thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã diễn ra sôi nổi, vui tươi và tiết kiệm, hướng về cơ sở để phục vụ nhân dân vui Tết - đón Xuân đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của nhiều cán bộ cùng nhân dân, nêu cao tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao trong toàn tỉnh.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, thể thao thành tích cao tổ chức huấn luyện và tham gia thi đấu giải cờ vua, cờ tướng các nhóm tuổi trẻ miền Trung mở rộng 2015 diễn ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả, đoàn vận động viên tỉnh Quảng Bình đã đạt 12 huy chương (2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 7 huy chương đồng).

  4. Tình hình trật tự, an toàn giao thông

  a. An toàn giao thông

  Từ đầu năm đến nay Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Thanh tra giao thông bố trí ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp có nguy cơ ùn tắc cao; xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện sẵn sàng giải tỏa cứu nạn kịp thời khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc giao thông kéo dài…

Tình hình trật tự và an toàn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2016 có giảm về số vụ, số người bị thương nhưng tăng về số người chết, cụ thể:

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 2 năm 2016 toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, giảm 9 vụ so với tháng 2 năm 2015, trong đó đường bộ 25 vụ, giảm 7 vụ; đường sắt không xảy ra, giảm 2 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 18 người, tăng 4 người; trong đó đường bộ chết 18 người, tăng 5 người; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 18 người, giảm 24 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 18 người, giảm 23 người; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với tháng 2 năm 2015.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ 49 vụ, giảm 7 vụ; đường sắt không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 31 người, tăng 4 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 31 người, tăng 6 người; đường sắt không xảy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 36 người, giảm 34 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 36 người, giảm 32 người; đường sắt không xảy ra, giảm 2 người so với cùng kỳ năm 2015.

b. An toàn xã hội và pháp luật

Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai quyết liệt, mạnh mẽ đợt cao điểm tập trung tấn công trấn áp các loại tội phạm. Sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, tập trung rà soát lại toàn bộ các loại đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm; tổ chức tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của các thế lực thù địch và bọn phản động; tiến hành kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các hoạt động mại dâm, cờ bạc, số đề trái phép, kinh doanh văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực; tập trung lực lượng triệt phá các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng kém chất lượng; triển khai biện pháp kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, chất nổ, sử dụng quả nổ tự tạo trái phép; phòng chống cháy, nổ... Nhờ vậy, tình hình trật tự, anh toàn xã hội và pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục được giữ vững, cụ thể:

Theo báo cáo của Công an tỉnh, lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, phạm pháp kinh tế xảy ra 1 vụ với 2 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2015 số vụ tăng 1 vụ, đối tượng phạm tội tăng 2 người; Phạm pháp hình sự 99 vụ với 174 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2015 số vụ tăng 4 vụ, đối tượng phạm tội tăng 54 người. Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 10 vụ với 16 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015, số vụ tăng 1 vụ và đối tượng vi phạm bằng cùng kỳ. Sử dụng ma túy bị phát hiện 11 vụ với 20 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015 số vụ tăng 1 vụ và tăng 5 đối tượng vi phạm.

 Tóm lại, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong 3 tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong nông nghiệp, cây trồng vụ Đông Xuân phát triển tốt, diện tích ổn định, dịch bệnh gia cầm được khống chế, năng lực đánh bắt ngành thuỷ sản được tăng cường; sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng; thị trường hàng hóa dồi dào, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng khá, giá tiêu dùng ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành kinh tế phát triển còn chậm, nhất là ngành công nghiệp chưa tạo được sự bứt phá, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn thấp; nông nghiệp phát triển còn nhỏ lẻ, manh mún; tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong những tháng tiếp theo cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

-Tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao khả năng phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa;

- Tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; có kế hoạch phòng chống hạn, cháy rừng trong mùa khô; thực hiện có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, chú trọng hỗ trợ việc kiểm dịch giống thủy sản (chủ yếu tôm giống) cho hộ nuôi trong vụ sản xuất sắp đến. Chủ động tìm kiếm thị trường để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra;

- Đẩy mạnh thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai, sớm đưa vào sản xuất. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, có giải pháp hiệu quả hỗ trợ sản xuất ngành công nghiệp phát triển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh;

- Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; khuyến khích đầu tư nâng cấp và phát triển mạnh mẽ hơn nữa cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch. Xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú;

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo và đồng bào người dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Tăng cường phòng chống các loại dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân và đánh giá thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua kịp thời hỗ trợ cho người dân;

           - Đẩy mạnh công tác tuần tra nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu tai nạn giao thông; tệ nạn cờ bạc, số đề, cá cược bóng đá và tăng cường các biện pháp giữ vững trật tự, an toàn xã hội./.

[Trở về]