THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2019 gặp rất nhiều khó khăn. Nắng hạn đã khiến mực nước ở các hồ, đập xuống thấp, không cung cấp đủ nước cho sản xuất. Do đó, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2019 giảm đáng kể so với vụ Hè Thu năm trước. Ước tính diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2019 thực hiện 28.256,2 ha, so với vụ Hè Thu năm trước giảm 7,2%. Cụ thể các loại cây trồng như sau:

     - Cây lúa: Diện tích thực hiện 22.483,3 ha, so với vụ Hè Thu năm trước giảm 5,7%; trong đó diện tích lúa tái sinh 8.633,8 ha, giảm 0,2%; lúa gieo cấy 13.849,5 ha, giảm 8,8%. Diện tích lúa Hè Thu gieo cấy giảm là do đầu Vụ thời tiết nắng nóng kéo dài, không chủ động được nguồn nước tưới, nhiều diện tích không thể triển khai gieo trồng phải chuyển đổi hoặc bỏ hoang; một số diện tích chuyển đổi sang xây dựng cơ sở hạ tầng.

     Diện tích lúa Hè Thu của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 641,5 ha, giảm 23,7%; thị xã Ba Đồn 2.189,3 ha, giảm 0,3%; huyện Minh Hóa 450,3 ha, tăng 2,2%; huyện Tuyên Hóa 1.141,8 ha, giảm 6,3%; huyện Quảng Trạch 2.926,0 ha, giảm 13,4%; huyện Bố Trạch 2.125,0 ha, giảm 19,3%; huyện Quảng Ninh 3.441,0 ha, tăng 0,7%; huyện Lệ Thủy 9.568,4 ha, giảm 1,4% so với vụ Hè Thu năm trước. Nhìn chung, hầu hết diện tích lúa Hè Thu của các địa phương giảm.

     Trong tháng 8 các địa phương tập trung thu hoạch lúa tái sinh. Đến ngày 15/8, các địa phương thu hoạch xong lúa tái sinh, dự kiến năng suất lúa tái sinh năm nay tương đương so với năm trước.

     - Các loại cây trồng khác: Tiến độ gieo trồng các nhóm cây khác chậm so với cùng kỳ, một số cây phải gieo trồng lại nên diện tích cây trồng khác đạt thấp. Cụ thể: Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác 600,8 ha, giảm 24,1%; nhóm cây lấy củ có chất bột 736 ha, giảm 18,1%; nhóm cây lấy sợi 1,2 ha, giảm 45,5%; nhóm cây có hạt chứa dầu 833,9 ha, tăng 14,7%; nhóm cây rau, đậu các loại và hoa 2.605,4 ha, giảm 9,1%; cây hàng năm khác 995,6 ha, giảm 24,5% so với vụ Hè Thu năm trước.

     Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, hạn hán xảy ra trên diện rộng nên công tác tưới nước cho cây trồng vụ Hè Thu gặp nhiều khó khăn. Từ đầu Vụ đến nay đã có nhiều diện tích cây lúa, cây ngô bị hạn làm mất trắng hoàn toàn.

     Công tác bảo vệ thực vật được quan tâm, triển khai đồng bộ nên sâu, bệnh hại cây trồng ảnh hưởng không lớn, chỉ phát tán cục bộ và được khống chế kịp thời. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng không thuận lợi. Theo đó, nhiều loại cây trồng vụ Hè Thu năm nay cho năng suất thấp hơn năm trước, một số cây tăng không đáng kể. Dự báo năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh đạt 35 tạ - 36 tạ/ha, giảm 14% so với vụ Hè Thu năm trước.

     Triển khai gieo cấy lúa vụ Mùa: Cùng với công tác chăm sóc lúa Hè Thu, các địa phương có diện tích lúa vụ Mùa triển khai làm đất và gieo trỉa vào cuối tháng 8. Ước tính tháng 8 diện tích lúa vụ Mùa thực hiện 554 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,4%, tập trung chủ yếu các xã vùng núi các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh.

     b. Chăn nuôi

     Sản xuất chăn nuôi những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng nên việc tái tạo đàn lợn sau xuất chuồng bị hạn chế, tổng đàn giảm mạnh; một số sản phẩm chăn nuôi đạt thấp do ảnh hưởng dịch bệnh và các nguyên nhân khác. Hiện nay, đàn gà nuôi tập trung tăng cao tại các trang trại, gia trại nhằm đáp ứng thực phẩm thay thế thịt lợn.

     Sản lượng sản phẩm xuất chuồng 8 tháng: Thịt trâu hơi 1.696 tấn, tăng 1,5%; thịt bò hơi 4.619 tấn, tăng 5,4%; thịt lợn hơi 35.660 tấn, tăng 0,3%; thịt gia cầm 8.209 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thịt gà 6.244,9 tấn, tăng 7,4%; sản lượng trứng gia cầm 58.400,5 ngàn quả, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

     Tình hình dịch tả lợn châu Phi: Từ ngày xuất hiện dịch tả đầu tiên trên địa bàn tỉnh đến 22/8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 139 hộ, 58 thôn, 23 xã của 6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tổng số lợn tiêu hủy là 1.053 con, với tổng trọng lượng là 53.194 kg (huyện Bố Trạch, Ba Đồn chưa bị dịch). Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đến nay dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Bình cơ bản được khống chế, không để lây lan trên diện rộng. Hiện còn 6 xã ở 3 huyện đang còn dịch. Một số địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Trạch và Đồng Hới, sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi đã tích cực khống chế, xử lý kịp thời nên hạn chế lây lan ở các địa bàn khác.

     Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, cây hàng năm vụ Hè Thu bị hạn nặng kéo dài nên mất mùa; diện tích gieo trồng giảm, năng suất nhiều loại cây trồng đạt thấp nên sản lượng thu hoạch thấp hơn vụ Hè Thu năm trước. Chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi nên tổng đàn giảm mạnh. Khả năng các tháng cuối năm xuất chuồng sẽ giảm mặc dù tổng đàn đang có chiều hướng khôi phục.

     2. Lâm nghiệp

     Sản xuất ngành lâm nghiệp duy trì mức tăng trưởng và tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang được các địa phương triển khai đúng kế hoạch; công tác giao khoán bảo vệ, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng được chú trọng nên tiến độ thực hiện khá nhanh; khai thác gỗ từ rừng trồng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ.

     Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 8 đạt 62.000 m3, 8 tháng đạt 301.300 m3, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác tháng 8 đạt 40.100 ste, 8 tháng đạt 213.600 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,1%.

     Trong tháng 8, một số chủ rừng đang chuẩn bị triển khai công tác trồng rừng mới, chủ yếu làm đất chuẩn bị mặt bằng. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng mới đạt 1.195 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện theo kế hoạch; công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao, trong tháng 8 chưa xảy ra cháy rừng.

     3. Thủy sản

     Sản lượng thuỷ sản tháng 8 ước tính đạt 10.802 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,9%; 8 tháng thực hiện 57.641,1 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,0%. Chia ra: Cá các loại 45.597 tấn, tăng 6,8%; tôm các loại 4.323,5 tấn, tăng 4,4%; thủy sản khác 7.720,6 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Thời tiết trong tháng 8 tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản nên ngư dân các địa phương ven biển tích cực ra khơi bám biển. Ước tính sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 8 thực hiện 8.135,8 tấn; 8 tháng khai thác 49.251,3 tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 40.982,3 tấn, tăng 7,0%; tôm các loại 819,9 tấn, tăng 4,9%; thủy sản khác 7.449,1 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Khai thác biển 47.100,4 tấn, tăng 7,5%; khai thác nội địa 2.150,9 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Nuôi trồng thuỷ sản từ đầu năm đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, diện tích nuôi trồng tăng, nuôi cá trong ruộng lúa phát triển khá, nuôi cá lồng, bè phát triển ổn định. Ước tính 8 tháng sản lượng nuôi trồng thu hoạch 8.389,8 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 4.614,7 tấn, tăng 5,7%; tôm các loại 3.503,6 tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác 271,5 tấn, giảm 0,1%. Trong tháng 8, một số địa phương tiếp tục thu hoạch tôm.

     4. Công nghiệp                              

     Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng khá so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, các ngành có vai trò thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng khá như: khai thác quặng kim loại, khai khoáng khác, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại; chế biến gỗ…

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,5%; ngành công nghiệp chế biến, ngành chế tạo tăng 9,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,2%.

     Tính chung 8 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4%.

     Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 90% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, đóng vai trò quyết định đến tăng trưởng của ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng tăng 6,4%. Trong đó: ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,5%; ngành sản xuất trang phục tăng 8,5%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 7,3% so với cùng kỳ. Riêng ngành sản xuất đồ uống giảm 7,4% so với cùng kỳ. Giảm chủ yếu ở nhóm ngành sản xuất bia, do sản phẩm bia gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

     Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng tăng khá so với cùng kỳ: Tinh bột sắn đạt 3,4 nghìn tấn, tăng 1.203,8% (sản phẩm tăng cao do năm trước doanh nghiệp không thu mua đủ nguyên liệu sắn phục vụ cho sản xuất); áo sơ mi đạt 9,5 triệu cái, tăng 8,3%; dăm gỗ đạt 255,1 nghìn tấn, tăng 7,9%; cao lanh đạt 47,8 nghìn tấn, tăng 7,8%; đá xây dựng đạt 2,1 triệu m3, tăng 7,6%; clinker thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, tăng 6,7%; quặng titan đạt 21.559 tấn, tăng 6,6%; thức ăn cho thủy sản đạt 1.551 tấn, tăng 6,5%; xi măng đạt 1,18 triệu tấn, tăng 6,1%; nước máy thương phẩm đạt 5,9 triệu m3, tăng 6,0%; điện thương phẩm đạt 546 triệu kwh, tăng 5,7%. Riêng sản phẩm cao su tổng hợp giảm 3,2%; bia đóng chai giảm 14,4%.

     Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 và 8 tháng năm 2019 phát triển ổn định, ở các ngành không có sự tăng hay giảm đột biến. Để hoàn thành kế hoạch năm 2019, cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.

     5. Vốn đầu tư

     Tháng 8 năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 374,4 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Trung ương quản lý 99,4 tỷ đồng, tăng 7,9%; vốn ngân sách địa phương quản lý 275,0 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ.

     Tám tháng năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 2.401,3 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 8 tháng năm 2019 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 180,2 tỷ đồng, giảm 9,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 94,0 tỷ đồng, giảm 3,1%; ngành sản xuất và phân phối điện nước 30,2 tỷ đồng, tăng 0,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 40,6 tỷ đồng, giảm 5,3%; ngành thương nghiệp 33,3 tỷ đồng, giảm 1,7%; ngành vận tải kho bãi 1.375,7 tỷ đồng, tăng 2,3%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 30,6 tỷ đồng, tăng 8,3%; ngành thông tin truyền thông 11,6 tỷ đồng, tăng 10,7%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 67,3 tỷ đồng, tăng 40,3%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 24,0 tỷ đồng, giảm 3,3%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước 168,4 tỷ đồng, giảm 5,9%; ngành giáo dục và đào tạo 150,9 tỷ đồng, tăng 11,4%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 127,6 tỷ đồng, tăng 24,1%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí 29,0 tỷ đồng, tăng 4,2%; ngành hoạt động dịch vụ khác 23,1 tỷ đồng, tăng 15,6%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng 14,8 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

     Vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu tập trung thực hiện các công trình/dự án về giao thông; thủy lợi; quản lý nhà nước; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ… Nguồn vốn chủ yếu được tiếp tục đầu tư thi công các công trình/dự án quan trọng trên địa bàn như: Đường từ QL1A đến nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đường vào Trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; Đường Mai Thủy - An Thủy, huyện Lệ Thủy; Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra quảng trường biển; Trụ sở làm việc khối cơ quan Huyện ủy và khối Mặt trận đoàn thể huyện Quảng Trạch; Trụ sở làm việc HĐND và UBND thành phố Đồng Hới; Trụ sở công an huyện Quảng Trạch; Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh; Nhà lớp học 12 phòng Trường THPT Lương Thế Vinh; Nhà xưởng thực hành Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Quảng Ninh…

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 tăng cao so với cùng kỳ, do tháng này chuẩn bị bước vào năm học mới nên các nhóm hàng như vật phẩm, văn hoá, giáo dục, hàng may mặc, phương tiện đi lại tăng cao góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 2.078,6 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 23,0% so với cùng kỳ; 8 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 15.781,4 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

     Doanh thu bán lẻ hàng hoá 8 tháng của hầu hết các nhóm hàng tăng cao so với cùng kỳ, tăng cao nhất là nhóm bán lẻ ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống tăng 56,2%; nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) và phụ tùng tăng 18,6% do nhu cầu mua xe đạp điện tăng; nhóm vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 18,6%, đây là nhóm có mức tăng cao do tháng nhập học nên nhu cầu mua sắm áo quần, đồ dùng học tập mới cho học sinh tăng cao; nhóm bán lẻ phụ tùng, bộ phận phụ trợ của ô tô tăng 15,2%; nhóm bán lẻ hàng hóa khác tăng 14,8%; nhóm bán lẻ gỗ và vật liệu xây dựng tăng 17,2%; nhóm bán lẻ xăng, dầu các loại tăng 13,1%; các nhóm còn lại cũng tăng khá cao so với cùng kỳ.

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Hoạt động lưu trú và ăn uống tháng 8 giảm so với tháng trước do tháng 8 cuối mùa du lịch và đây là thời gian học sinh bắt đầu tựu trường nên nhu cầu du lịch của các gia đình giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 8 giảm so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ tăng khá cao do các hoạt động của Lễ hội hang động Quảng Bình kéo dài.

     - Dịch vụ lưu trú

     Ước tính doanh thu lưu trú tháng 8 đạt 26,3 tỷ đồng, giảm 15,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 153,7 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 8 đạt 99.000 lượt khách, giảm 18,1% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 685.098 lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 8 ước tính đạt 12.900 lượt khách, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 58,9% so với cùng kỳ (do có Lễ hội hang động nên lượt khách quốc tế tăng cao); 8 tháng đạt 105.173 lượt khách, tăng 19,4% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 8 ước tính đạt 135.865 ngày khách, giảm 12,4% so với tháng trước và tăng 30,0% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 872.611 ngày khách, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 ước tính đạt 247,8 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 1.677,2 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 8, hoạt động lữ hành giảm so với tháng trước do hiện nay đã cuối mùa du lịch. Ước tính tháng 8, doanh thu hoạt động lữ hành đạt 34,0 tỷ đồng, giảm 17,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 241,2 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 8 ước tính đạt 109.700 lượt khách, giảm 18,2% so với tháng trước và tăng 12,0% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 721.560 lượt khách, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 8 ước tính đạt 17.700 lượt khách, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 124.299 lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

     c. Hoạt động dịch vụ

     Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8 năm 2019 ước tính đạt 145,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 43,0% so với cùng kỳ; ước tính 8 tháng đạt 996,7 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao do 8 tháng đầu năm thị trường bất động sản diễn ra khá sôi động; các hoạt động vui chơi giải trí tăng cao do 8 tháng đầu năm có nhiều dịp nghỉ lễ dài hơn so với mọi năm; thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu về lắp đặt, sửa chữa các thiết bị làm mát tăng; hoạt động du lịch trên địa bàn phát tiển mạnh nên các dịch vụ như cho thuê xe du lịch, thuê đồ dùng cá nhân… cũng tăng theo.

     Doanh thu 8 tháng phần lớn các nhóm hàng dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 102,1%; tiếp đến nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,8%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 10%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10,2%; nhóm dịch vụ khác tăng 7%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 6,9%  so với cùng kỳ năm trước.

     d. Hoạt động vận tải

     Tháng 8 là thời điểm sinh viên, học sinh bắt đầu nhập học; cùng với đó, thời tiết chuẩn bị bước vào mùa mưa nên các công trình gấp rút thi công để hoàn thành tiến độ, vì vậy các doanh nghiệp cũng như các cơ sở kinh doanh cá thể tập trung tối đa nguồn lực tăng chuyến, nhằm phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong và ngoài tỉnh.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 8 ước tính đạt 345,7 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 9,7% so với cùng kỳ; 8 tháng doanh thu đạt 2.669,3 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 417,0 tỷ đồng, tăng 4,3%; doanh thu vận tải hàng hóa 1.952,2 tỷ đồng, tăng 11,1%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 300,1 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 8 ước tính đạt 2,6 triệu hành khách, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 8,8% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 18,1 triệu hành khách, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 8 ước tính đạt 100,8 triệu hk.km, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 11,1% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 731,6 triệu hk.km, tăng 5,0% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 2,8 triệu tấn, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 4,2% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 19,0 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 8 ước tính đạt 121,1 triệu tấn.km, tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 8,2% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 902,8 triệu tấn.km, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

     e. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số đô la Mỹ

     * Chỉ số giá tiêu dùng

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng 0,30% so với tháng trước; tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,26% so với tháng 12 năm trước; tăng 16,81% so với kỳ gốc 2014. CPI bình quân 8 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,34%; trong đó nhóm hàng hóa tăng 2,22%, nhóm dịch vụ tăng 5,18%.

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm tăng, 1 nhóm giảm và 2 nhóm không đổi so với tháng trước. Cụ thể diễn biến CPI tháng 8 năm 2019 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

     - Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,40%. Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,04%, thực phẩm tăng 0,66%, do giá thịt lợn tăng trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi;

     - Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,36%.

     - Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,80%, do giá các loại quần áo, mũ nón may sẵn cũng như nhu cầu mua sắm của người dân cho con em tăng lên trong dịp tựu trường;

     - Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,06%;

     - Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%;

     - Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,15% so với tháng trước, nguyên nhân do áp dụng song song Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT (Sở Y tế tỉnh Quảng Bình có quyết định tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 20/8/2019);

     - Nhóm giao thông giảm 1,13%, do chỉ số giá nhóm phương tiện đi lại giảm 1,58%. Tháng này các hãng xe áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu trong tháng 7 Âm lịch; bên cạnh đó nhóm nhiên liệu giảm 0,91% so với tháng trước do hai đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 01/8/2019 và ngày 16/8/2019, cụ thể: xăng A95 giảm 0,69%, xăng E5 giảm 1,32%, dầu điezen giảm 1,00%;

     - Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%;

     - Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%.

     * Chỉ số giá vàng 99,99%

     Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 8/2019 giá vàng tăng 3,98% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,04 triệu đồng/chỉ, so với kỳ gốc 2014 tăng 22,73%, tăng 16,38% so với cùng tháng năm trước, tăng 14,96% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 8 tháng chỉ số giá vàng tăng 3,44% so với cùng kỳ.

     * Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

     Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.150 đồng/USD, giảm 0,16% so với tháng trước; giảm 0,30% so với cùng tháng năm trước; giảm 0,50% so với tháng 12 năm trước; so với kỳ gốc 2014 tăng 6,03%. Bình quân 8 tháng chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,67% so với cùng kỳ.         

     7. Tín dụng, thu ngân sách nhà nước

     a. Tín dụng

     - Lãi suất: Lãi suất ổn định, không biến động nhiều so với tháng trước. Hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3 - 5,5%/năm; 5,4%-6,8%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,6 - 7,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 7,0 - 9,5%, khách hàng tốt từ 5,5 - 6%; trung, dài hạn từ 9 - 11,5% và cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 6,05 - 7,5%.

     - Huy động vốn: Đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 39.626 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước, tăng 6,9% so với đầu năm. Ước tính đến cuối tháng 8/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 39.920 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,7% so với đầu năm.

     - Hoạt động tín dụng: Đến 31/7/2019, tổng dư nợ cho vay đạt 52.452 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,7% so với đầu năm. Ước tính đến cuối tháng 8/2019, dư nợ đạt 52.950 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và  tăng 9,7% so với đầu năm.

     - Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng

     Cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ: Đến ngày 31/7/2019, các ngân hàng trên địa bàn đã ký kết được 87 hợp đồng tín dụng/90 chủ tàu nộp hồ sơ, số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 1.005 tỷ đồng; đã giải ngân được 87 hợp đồng tín dụng, số tiền giải ngân 988,9 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 31/7/2019 đạt 885 tỷ đồng. Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 21.644 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng dư nợ; cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đạt 290 tỷ đồng, chiếm gần 0,6% tổng dư nợ; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ngân hành Chính sách xã hội đang triển khai 20 chương trình cho vay, dư nợ cho vay đạt 3.179 tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng dư nợ.

     b. Thu ngân sách nhà nước

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng năm 2019 ước tính thực hiện 3.149,2 tỷ đồng, bằng 70% so với dự toán địa phương, tăng 42,3% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 3.016,8 tỷ đồng, bằng 70% dự toán địa phương, tăng 44,7% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 132,4 tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán địa phương, tăng 3,4% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu cân đối ngân sách so với dự toán năm, có 7/15 khoản thu có tăng trưởng và đạt tiến độ 66,7% dự toán cả năm, là thuế thu nhập cá nhân đạt 96,4%; thu lệ phí trước bạ đạt 83,8%; thu phí, lệ phí đạt 71,4%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 95,1%; tiền thuê đất đạt 111,6%; thu tiền sử dụng đất đạt 81,6%; và thu khác ngân sách là đạt 94,6%; còn lại 8 khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm là thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương 59,5%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 60,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 41,5%; thu từ ngoài quốc doanh 56,1%; thuế bảo vệ môi trường 43,5%; xổ số kiến thiết 60,1%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 55,6%; thu hoa lợi công sản 57,2%.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục - đào tạo

     Bước vào năm học 2019 - 2020, để chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, các khoản thu, chi mua sắm sách, vở, tài liệu tham khảo, đồng phục học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật... Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các trường, cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cấp huyện tổ chức quán triệt, thực hiện đúng văn bản quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, của ngành về các khoản thu, chi trong trường học cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh của đơn vị. Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường học thông báo để học sinh, phụ huynh học sinh biết, chủ động lựa chọn sách, tài liệu tham khảo, tùy theo điều kiện, nhu cầu của học sinh để mua các loại sách, tài liệu tham khảo, tuyệt đối không bắt buộc, gợi ý có tính chất bắt buộc học sinh, phụ huynh học sinh mua toàn bộ sách mới hoặc mua thêm bất kỳ loại sách giáo khoa, tài liệu tham khảo ngoài hướng dẫn của Sở. Công văn cũng nêu cụ thể quy định về đồng phục học sinh, trang phục học sinh học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, khoản thu tiền học phí, hoạt động dạy thêm, học thêm, tiền Bảo hiểm y tế, khoản thu theo thỏa thuận... Yêu cầu Thủ trưởng các cơ sở giáo dục cần tổ chức rà soát, kiểm tra kế hoạch thu, chi của đơn vị, bảo đảm thực hiện đúng quy định, quy trình; đưa nội dung kiểm tra công tác thu, chi vào trong kế hoạch kiểm tra nội bộ của đơn vị, đảm bảo thường xuyên để kịp thời phát hiện chấn chỉnh sai phạm.

     Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu với UBND cấp huyện ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động về thu, chi các khoản đóng góp trong các trường học; tổ chức thẩm định, phê duyệt các khoản thu, chi, đặc biệt là việc chuẩn bị sách giáo khoa, tài liệu tham khảo của học sinh trong năm học; phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý những sai phạm về các khoản thu, chi theo quy định. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ nếu để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học và việc thu chi không đúng quy định của Ban Đại diện cha mẹ học sinh của đơn vị.

     Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý các trường còn thiếu, rà soát, tuyển dụng, bổ sung, sắp xếp và ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bảo đảm điều kiện và yêu cầu cho năm học mới. Hiện tại, toàn ngành đang tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2019 - 2020 tại các đơn vị trường học, nhất là các trường ở vùng rẻo cao, bãi ngang, vùng còn nhiều khó khăn. Tích cực tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất trường học; tu sửa, vệ sinh phong quang trường lớp, củng cố thư viện, phòng thí nghiệm thực hành, phòng học bộ môn, phòng chức năng đáp ứng tốt cho năm học mới. Từ ngày 10/8/2019, học sinh các cấp học phổ thông trong tỉnh tựu trường chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Theo kế hoạch đến ngày 26/8/2019, học sinh toàn tỉnh bắt đầu học chương trình học kỳ I năm học 2019 - 2020. Lễ khai giảng năm học mới ở các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào ngày 05/09/2019.

     Trong năm học mới 2019 - 2020, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Quảng Bình 1.604 chỉ tiêu hệ đại học, cao đẳng hệ chính quy; trong đó, hệ đại học 1.067 chỉ tiêu, cao đẳng sư phạm 267 chỉ tiêu và cao đẳng ngoài sư phạm 270 chỉ tiêu. Ngày 08/8/2019 Trường Đại học Quảng Bình đã công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 với số lượng trúng tuyển là 255 học viên; trong đó, hệ đại học là 233 học viên; hệ cao đẳng là 22 học viên. Ngày 09/8/2019 Trường Đại học Quảng Bình tiếp tục thông báo tuyển sinh đợt 2 năm 2019 với 712 chỉ tiêu (hệ đại học 612 chỉ tiêu, hệ cao đẳng sư phạm 100 chỉ tiêu); hồ sơ xét tuyển đợt 2 (cả 2 phương thức theo điểm thi THPT Quốc gia và điểm học bạ), thời gian nhận hồ sơ từ 09/8/2019 đến 19/8/2019.

     2. Công tác y tế

     a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 938 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 231 trường hợp tiêu chảy; 3 trường hợp lỵ a míp; 4 trường hợp lỵ trực trùng; 11 trường hợp thủy đậu; 7 trường hợp quai bị; 474 trường hợp cúm; 1 trường hợp sốt rét; 4 trường hợp sởi; 1 trường hợp viêm gan virut B; 2 trường hợp Tay - chân - miệng; 2 trường hợp Lao phổi; 2 trường hợp bệnh không thuộc danh mục. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 2.415 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 1874 trường hợp tiêu chảy; 69 trường hợp lỵ trực trùng; 14 trường hợp lỵ a míp; 75 trường hợp viêm gan vi rút khác; 317 trường hợp thủy đậu; 163 trường hợp quai bị; 4.895 trường hợp cúm; 11 trường hợp Lao phổi; 5 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp viêm gan virut C; 16 trường hợp Tay - chân - miệng; 22 trường hợp sốt rét; 15 trường hợp sởi; 1 trường hợp viêm màng não do não mô cầu; 4 trường hợp bệnh không thuộc danh mục.

     Từ đầu năm đến nay đã có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue tại thành phố Đồng Hới. Hiện tại, dịch sốt xuất huyết đã xảy ra 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Các địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao là thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Ninh và huyện Minh Hóa. Theo dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, ngày 09/8/2019 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hiện tại các cấp, các ngành liên quan đang huy động các nguồn lực để tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, kiên quyết xử lý không để dịch kéo dài và lan rộng.

     b. Công tác phòng chống sốt rét

     Trong tháng 7/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 58 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 4 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 4.095 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,10%. Từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 471 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 36 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 23.738 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,12%.

     c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 31/7/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 24 người nhiễm HIV, 18 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 31/7/2019, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.426 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 474 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 141 người. Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Từ đầu năm đến ngày 31/7/2019 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và chỉ xảy ra 206 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao

     a. Hoạt động văn hoá  

     Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9… Theo đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các cụm thông tin, cổ động, pa nô, áp phích, khẩu hiệu ở khu trung tâm, nơi tập trung đông người; các cơ quan, công sở trang trí khẩu hiệu, băng rôn cổ động tuyên truyền; tổ chức treo cờ Tổ quốc và khẩu hiệu tuyên truyền tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Các địa phương, cơ quan, đơn vị phát động các đợt thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chào mừng kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xóa đói giảm nghèo”; tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ ở các vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 74 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Thông qua các hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng.

     Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình tổ chức chương trình biểu diễn vở nhạc kịch (opera) “Lá đỏ” để tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Chương trình biểu diễn vở nhạc kịch được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Bình kể về tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

     Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp và Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện,thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý trên các lĩnh vực và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển sự nghiệp. Trong đó chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, công tác phát triển sự nghiệp và đời sống văn hóa cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, định hướng bảo tồn Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình” sau khi được tổ chức hội nghị Nghiệm thu cơ sở.

     Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn được đẩy mạnh, đã tăng cường công tác hậu kiểm đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là hoạt động karaoke, hoạt động quảng cáo, công tác quản lý di tích… nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động và kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Trong tháng 7/2019 đã thực hiện 3 đợt thanh tra, kiểm tra 29 cơ sở hoạt động kinh doanh và dịch vụ thể dục thể thao và quảng cáo trên địa bàn tỉnh, xử phạt 12 triệu đồng đối 3 cơ sở vi phạm.

     b. Hoạt động thể dục, thể thao

     - Thể thao quần chúng

     Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức thành công giải Bóng chuyền công nhân, viên chức, lao động tỉnh Quảng Bình năm 2019. Tham gia giải bóng chuyền  có 18 đội bóng chuyền nam, nữ, với gần 200 vận động viên tranh tài ở 2 nội dung bóng chuyền nam, nữ. Khối Thi đua các ngành Văn hóa - Xã hội đã tổ chức thành công giải Bóng chuyền nữ; Khối Thi đua các ngành Tổng hợp đã tổ chức thành công giải Cầu lông... Thông qua các giải thi đấu nhằm nâng cao sức khỏe cho người lao động, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức lao động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.

     Sở Văn hóa và Thể thao đã tuyển chọn, tập huấn đội tuyển thể thao người Khuyết tật tỉnh Quảng Bình tham gia thi đấu giải Vô địch môn Bơi người khuyết tật toàn quốc năm 2019 tại thành phố Cần Thơ, kết quả đạt 15 HC các loại (2 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ). Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Ban Điều phối Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học bơi an toàn cho trẻ em tại các xã dự án thuộc huyện Bố Trạch; tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các giải thi đấu, hội thao; đảm bảo các điều kiện để tổ chức các hoạt động thể thao dịp hè năm 2019, trong đó thực hiện chiêu sinh các lớp nghiệp dư môn Bơi, Bóng bàn, Quần vợt, Karatedo, Cờ vua...

     Theo kế hoạch, các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, Lễ hội đua thuyền truyền thống tại 2 huyện Quảng Ninh, Lệ thủy và giải đua xe đạp thành phố Đồng Hới chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sẽ được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh.

     - Thể thao thành tích cao

     Giải Bơi - Lặn Vô địch trẻ Quốc gia năm 2019 đã thu hút 28 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc với 347 vận động viên (VĐV) tham gia thi đấu. Kết quả, đội tuyển Bơi - Lặn Quảng Bình đã giành được 20 Huy chương các loại, trong đó có 8 Huy chương Vàng (HCV), 9 Huy chương Bạc (HCB), 3 Huy chương Đồng (HCĐ). Các VĐV Quảng Bình đạt thành tích cao môn Bơi, gồm: Mai Thị Linh giành được 5 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ; Ngô Thị Ngọc Quỳnh giành 1 HCV và 5 HCB. Môn Lặn gồm: Phan Đức Toản giành 2 HCV; Phan Văn Tuân giành 3 HCB.

     Giải Điền kinh Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam mở rộng lần thứ 26 được tổ chức tại Sân vận động Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Giải đấu thu hút hơn 400 VĐV đến từ 9 quốc gia trong lãnh thổ Châu Á, khu vực Đông Nam Á và 33 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc tham gia tranh tài ở 41 nội dung thi đấu. Kết quả, VĐV Nguyễn Thị Hương (Quảng Bình) đã giành được 1 Huy chương Bạc cự ly 10.000m và 01 Huy chương Đồng cự ly 5000m.

     Giải vô địch Cờ vua trẻ toàn quốc tại Hà Nội, đoàn Quảng Bình đã giành được 1 HCV; giải Lặn vô địch trẻ toàn quốc tại Hà Nội đã giành được 5 Huy chương (2 HCV, 3 HCB); giải Đua thuyền Rowing vô địch trẻ quốc gia tại Hà Nội đã giành được 2 HCĐ.

     Giải Vô địch thế giới 2019 vào sáng 23/7 ở Hàn Quốc, Nguyễn Huy Hoàng (Quảng Bình) đã đạt thành tích 7 phút 52 giây 74, xếp hạng 15/38 VĐV tham gia thi đấu ở cự ly 800m nam. Với kết quả này đã vượt chuẩn A tham dự Olympic. Nguyễn Huy Hoàng là VĐV đầu tiên của bơi lội Việt Nam chính thức đạt chuẩn A và đạt chuẩn dự Olympic Tokyo 2020. 

     Tính đến ngày 16/8/2019, thể thao thành tích cao đã đạt được 108 Huy chương các loại (36 HCV, 35 HCB và 37 HCĐ); trong đó có 6 Huy chương quốc tế (3 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ).

     4. Tình hình an toàn giao thông và cháy nổ

     a. An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 7 năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, tăng 8 vụ so với tháng 7 năm 2018, trong đó đường bộ 17 vụ, tăng 5 vụ; đường sắt 2 vụ, tăng 2 vụ; đường thủy 1 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm trước. Số người chết do tai nạn giao thông 10 người, tăng 5 người so với tháng 7 năm 2018; trong đó đường bộ chết 8 người, tăng 3 người so với tháng 7 năm 2018; đường sắt chết 2 người, tăng 2 người; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 18 người, tăng 6 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 17 người, tăng 5 người so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ năm trước; đường thủy bị thương 1 người, tăng 1 người so với tháng 7 năm 2018.

     Lũy kế 7 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đường bộ 115 vụ, tăng 7 vụ so cùng kỳ; đường sắt xảy ra 2 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ; đường thủy 1 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 57 người, bằng cùng kỳ năm trước; trong đó đường bộ chết 55 người, giảm 2 người; đường sắt chết 2 người, tăng 2 người cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm trước. Số người bị thương do tai nạn giao thông 85 người, tăng 2 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 84 người, tăng 3 người; đường sắt không xảy ra, giảm 2 người; đường thủy bị thương 1 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2018.

     b. Tình hình cháy nổ và vi phạm môi trường

     Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy với giá trị thiệt hại 6.870 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 5 vụ với giá trị thiệt hại 48 triệu đồng; cháy cơ sở sản xuất 1 vụ với giá trị thiệt hại 4 triệu đồng; cháy phương tiện giao thông vận tải 3 vụ với giá trị thiệt hại 5.500 triệu đồng; cháy loại hình khác 6 vụ với giá trị thiệt hại 1.243 triệu đồng; cháy rừng 14 vụ với giá trị thiệt hại 75 triệu đồng./.

 

[Trở về]