THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     * Tình hình triển khai sản xuất Đông Xuân 2019 - 2020:

     Thời tiết đầu vụ Đông Xuân tương đối thuận lợi nên các địa phương chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương thực hiện công tác làm đất và triển khai gieo trồng sớm một số diện tích ngô, khoai lang và rau các loại nhằm chủ động hạn chế thiếu lương thực trong các tháng giáp hạt sắp đến. Theo đó, trong tháng 11, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân thực hiện 2.817 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,1%. Cụ thể một số cây thực hiện như sau: Cây ngô 390 ha, tăng 1,3%; cây khoai lang 850 ha, tăng 1,8%; cây sắn 150 ha, tăng 0,7%; cây khoai các loại 7 ha; cây rau các loại 1.200 ha, tăng 7,1%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 85 ha, tăng 3,7%; cây hàng năm khác 135 ha, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ làm đất gieo cấy cây lúa; thực hiện công tác chuẩn bị như giống, phân bón, triển khai tu sửa nạo vét kênh mương nhằm tạo thuận lợi thực hiện sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

     b. Chăn nuôi

     Những tháng cuối năm 2019, sản xuất chăn nuôi của các địa phương có chiều hướng phát triển khá. Đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát nên đàn lợn đang có xu hướng tăng tổng đàn. Đàn gia cầm có xu hướng tăng nhanh, riêng đàn gà trong các trang trại, gia trại tăng mạnh về quy mô nuôi nên sản lượng xuất chuồng tăng cao nhằm thay thế thịt lợn trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh. Chăn nuôi trâu, bò và chăn nuôi khác có mức tăng ổn định.

     Ước tính 11 tháng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng từng loại sản phẩm như sau: Thịt trâu 2.281 tấn, tăng 5,7%; thịt bò 6.040 tấn, tăng 6,5%; thịt lợn 46.501 tấn, giảm 6,7%; gia cầm 15.230 tấn, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước.

     Giá lợn tăng mạnh thời gian gần đây khiến nhiều hộ chăn nuôi tái đàn ồ ạt trong khi nguồn lợn giống tốt khó tìm và khả năng tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi rất cao nếu không triển khai các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt. Dự báo trong thời gian tới, chăn nuôi lợn có chiều hướng phát triển trở lại nhanh hơn và khả năng xuất chuồng tăng khá và tạo nguồn hàng thực phẩm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

     2. Lâm nghiệp

     Thời tiết tương đối thuận lợi nên các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ rừng trồng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch năm 2019.

     Ước tính 11 tháng, sản lượng gỗ khai thác 484.300 m3, tăng 7,6%; sản lượng củi khai thác 300.600 ste, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

     Diện tích rừng trồng mới tập trung đến cuối tháng 11 đạt 4.395 ha, tăng 16,4%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 18.470 ha, tăng 1,3%; cây lâm nghiệp trồng phân tán 4.141 ngàn cây, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

     Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành thực sự quan tâm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật được chú trọng, nên các vụ phá rừng, cháy rừng được hạn chế, gây thiệt hại không đáng kể.

     3. Thủy sản

     Sản lượng thuỷ sản tháng 11 ước tính đạt 5.015,4 tấn và 11 tháng đạt 77.059,5 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá các loại đạt 62.169,4 tấn, tăng 7,7%; tôm đạt 5.003,7 tấn, tăng 5,4%; thủy sản khác đạt 9.886,4 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Thời tiết các tháng cuối năm đang có xu hướng diễn biến phức tạp, theo đó sản lượng khai thác đạt thấp so với các tháng giữa năm. Ước tính sản lượng khai thác tháng 11 đạt 4.217,7 tấn; 11 tháng khai thác đạt 64.782,6 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 54.193,0 tấn, tăng 7,6%; tôm các loại 1.042,3 tấn, tăng 5,3%; thuỷ sản khác 9.547,3 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 61.372,2 tấn, tăng 7,6%; khai thác nội địa 3.410,4 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Trong tháng 11, các hộ nuôi trồng thủy sản khẩn trương thu hoạch sản phẩm nhằm hạn chế thiệt hại trong mùa mưa lũ; đồng thời, tiến hành triển khai tu sửa hồ ao để chuẩn bị cho vụ nuôi sắp đến, tạo nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Ước tính tháng 11, sản lượng nuôi trồng thu hoạch 797,7 tấn; 11 tháng thu hoạch 12.276,9 tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 7.976,4 tấn, tăng 8,3%; tôm các loại 3.961,4 tấn, tăng 5,4%; thuỷ sản khác 339,1 tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Nước lợ 4.458,0  tấn, tăng 5,0%; nước ngọt 7.818,9 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

     4. Công nghiệp

     Sản xuất công nghiệp tháng 11 năm 2019 tăng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, clinker, áo sơ mi người lớn, tinh bột sắn, dăm gỗ, gạch nung tiếp tục duy trì sản xuất ổn định và tăng khá so với cùng kỳ. Riêng một số sản phẩm còn gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ như: cao su, bia đóng chai nên chỉ số sản xuất của các ngành sản xuất hóa chất và ngành sản xuất đồ uống giảm so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm trước.

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 tăng 10,7% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%.

     Tính chung 11 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9%.

     Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,8%. Bước vào những tháng cuối năm, các dự án/công trình đẩy mạnh hoạt động xây dựng cho kịp với tiến độ kế hoạch đề ra nên nhóm ngành khai thác vật liệu xây dựng (như đá xây dựng, cát sạn,…) tăng khá so với cùng kỳ. Cụ thể: Khai thác quặng kim loại tăng 7,4%; khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 7,8%.

     Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 11 tháng năm 2019 của các ngành kinh tế cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá so với cùng kỳ; trong đó, nổi bật ở một số ngành như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ;… Bên cạnh những ngành có chỉ số tăng khá thì ngành sản xuất đồ uống có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ do ngành sản xuất đồ uống (chủ yếu là bia đóng chai) gặp khó khăn trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể:

     Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu:

     Ngành chế biến thực phẩm chỉ số sản xuất tăng 10,5%. Nhóm ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng cao do các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn đã bước vào mùa vụ sản xuất và sản lượng tinh bột sắn tăng khá cao so với cùng kỳ. Nhóm chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản duy trì mức độ tăng trưởng ổn định.

     Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 8,7%. Đạt được kết quả trên nhờ có sự đầu tư, cải tiến sản phẩm của các doanh nghiệp nên tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành sản xuất khoáng phi kim loại khá ổn định, đặc biệt hoạt động xây dựng tăng lên trong những tháng cuối năm nên nhóm ngành sản xuất bê tông thương phẩm cũng tăng khá cao so với cùng kỳ.

     Ngành sản xuất trang phục tăng khá 8,1%. Các nhà máy sản xuất trang phục hoạt động khá ổn định. Sản lượng sản xuất của một số đơn vị như Xí nghiệp may Hà Quảng; Công ty TNHH S&D Quảng Bình,… có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ, giải quyết được việc làm cho người lao động tại địa phương.

     Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 7,0%. Nguyên nhân tăng là do nguồn nguyên liệu dồi dào; thị trường tiêu thụ mạnh nên các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là sản phẩm dăm gỗ, các sản phẩm ván ép từ gỗ và gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản.

     Bên cạnh những ngành có tốc độ tăng cao và có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp thì vẫn còn một số ngành có tốc độ tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, cụ thể:

     Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,8%. Do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như: sản phẩm Colophan và nhựa thông; sản phẩm phân bón do hiện nay nhiều tỉnh trên toàn quốc là thị trường tiêu thụ của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón của tỉnh đều có nhà máy sản xuất (như Bắc Ninh, Bình Dương, Đắc Lắc…) do đó ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành ngành;

     Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,0%. Do sản lượng tiêu thụ trong tháng giảm so với tháng cùng kỳ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất.

     Ngành sản xuất đồ uống giảm 12,5% so với cùng kỳ. Giảm chủ yếu ở nhóm ngành sản xuất bia, do sản phẩm bia gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

     Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%. Ngành sản xuất và phân phối điện luôn đảm bảo đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của doanh nghiệp và người dân.

     Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9%. Trong đó ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,5% do nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình nâng cao sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

     Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 11 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn đạt 11.665 tấn, tăng 40,0% (sản phẩm tinh bột sắn tăng cao so với cùng kỳ do doanh nghiệp đã vào sản xuất theo mùa vụ và sản lượng tăng cao so với cùng kỳ); gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản đạt 5.839 m3, tăng 19,2%; gạch xây dựng bằng đất sét nung đạt 249,5 triệu viên, tăng 8,9%; đá xây dựng đạt 2,950 triệu m3, tăng 8,7%; dăm gỗ đạt 356.555 tấn, tăng 8,4%; áo sơ mi đạt 13,4 triệu cái, tăng 7,8%; clinker thành phẩm đạt 3,28 triệu tấn, tăng 7,4%; xi măng đạt 1,6 triệu tấn, tăng 7,3%; nước máy thương phẩm đạt 8,2 triệu m3, tăng 6,5%; điện thương phẩm đạt 767 triệu Kwh, tăng 6,2%.

     5. Vốn đầu tư

     Tháng 11 năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 377,0 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Trung ương quản lý thực hiện 124,0 tỷ đồng, tăng 41,1%; vốn ngân sách địa phương quản lý thực hiện 253,0 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ.

     Tính chung 11 tháng năm 2019, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 3.485,8 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó: nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 2.488,4 tỷ đồng, tăng 1,0%; nguồn vốn vay thực hiện 825,9 tỷ đồng, tăng 11,1%; nguồn vốn tự có thực hiện 67,8 tỷ đồng, tăng 8,2%; nguồn vốn viện trợ thực hiện 103,7 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018.

     Ước tính vốn đầu tư Nhà nước quản lý 11 tháng năm 2019 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 287,5 tỷ đồng, giảm 1,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 133,2 tỷ đồng, giảm 1,0%; ngành sản xuất và phân phối điện nước 44,3 tỷ đồng, tăng 0,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 57,5 tỷ đồng, giảm 4,5%; ngành thương nghiệp 43,4 tỷ đồng, giảm 2,4%; ngành vận tải kho bãi 1.936,9 tỷ đồng, tăng 2,5%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 40,9 tỷ đồng, tăng 8,6%; ngành thông tin truyền thông 15,6 tỷ đồng, tăng 8,7%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 89,2 tỷ đồng, tăng 27,2%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 34,2 tỷ đồng, giảm 9,0%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước 268,5 tỷ đồng, giảm 5,6%; ngành giáo dục và đào tạo 243,7 tỷ đồng, tăng 15,1%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 199,6 tỷ đồng, tăng 17,1%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí 40,0 tỷ đồng, tăng 8,8%; ngành hoạt động dịch vụ khác 29,3 tỷ đồng, tăng 14,2%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng 22,1 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.

     Hiện nay, các công trình/dự án có vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng tiến độ, các đơn vị đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, các công trình có kế hoạch hoàn thành trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung các nguồn lực thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới và thi công các công trình đối với các huyện, xã về đích nông thôn mới trong năm 2019 và các huyện, xã sẽ về đích trong năm 2020. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã huy động nguồn lực để sửa chữa, trùng tu lại các công trình/dự án, hệ thống đường sá, đê điều bị hư hỏng do ảnh hưởng hai cơn bão số 4, số 5 và cơn lũ vừa qua ở một số huyện.

     Tiến độ thực hiện một số công trình/dự án đầu tư xây dựng đảm bảo đúng kế hoạch nhất là đối với các công trình/dự án có khối lượng vốn lớn trên địa bàn tỉnh như: Đường vào Trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra quảng trường biển; Trụ sở công an huyện Quảng Trạch; Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Bình; Nhà lớp học 12 phòng Trường THPT Lương Thế Vinh; Nhà xưởng thực hành Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Quảng Ninh; Khối nhà điều trị người bệnh nội trú - Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình; Đầu tư tăng cường thiết bị lĩnh vực Khoa học và Công nghệ; Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình; Dự án Hạ tầng Quảng trường trung tâm; Dự án Tuyến đường ngoài hàng rào phía Nam dự án FLC nối từ đường tránh lũ BOT đến xã Hải Ninh…

     Trong thời gian tới, giữa chủ đầu tư và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ nhằm rà soát lại tiến độ thực hiện các công trình/dự án, nhất là các công trình/dự án có quy mô vốn lớn, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các ngành, cơ quan chức năng cũng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về thủ tục để giải ngân nguồn vốn sớm, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý đảm bảo cho doanh nghiệp ổn định, duy trì đà hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2019.

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Thị trường bán lẻ hàng hoá bắt đầu tăng cao vào các tháng cuối năm, nguyên nhân do các cơ sở bán lẻ cuối năm thúc đẩy lưu chuyển hàng tồn kho, nhập về các mặt hàng mới; bên cầu sức mua của người dân thường cao hơn trong vào các tháng cuối năm.

     Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước tính đạt 2.054,5 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ; 11 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 21.707,0 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

     Doanh thu bán lẻ hàng hoá 11 tháng của hầu hết các nhóm hàng tăng cao so với cùng kỳ, tăng cao nhất là nhóm ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống tăng 64,0%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm ngành, thị trường ô tô cuối năm dự kiến tiếp tục sôi động do nhu cầu mua sắm ô tô cao vào các tháng trước Tết Nguyên đán, thời điểm các đại lý ô tô áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi. Nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) và phụ tùng tăng 15,9%; nhóm vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 14,0%; nhóm bán lẻ gỗ và vật liệu xây dựng tăng 17,7%; nhóm bán lẻ hàng may mặc, dày dép tăng 14,5%; nhóm bán lẻ phụ tùng, bộ phận phụ trợ của ô tô tăng 14,9%; nhóm bán lẻ hàng hóa khác tăng 14,2%; bán lẻ phụ tùng mô tô, xe máy tăng 13,7%; nhóm bán lẻ lương thực thực phẩm tăng 12,5%; các nhóm còn lại cũng tăng khá cao so với cùng kỳ.

     b. Lưu trú, ăn uống

     Hoạt động lưu trú và ăn uống tháng 11 giảm so với tháng trước do đã bước sang mùa mưa, cùng với nhu cầu tham quan du lịch của người dân giảm.

     - Dịch vụ lưu trú

     Ước tính doanh thu lưu trú tháng 11 đạt 13,5 tỷ đồng, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 21,7% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 199,1 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 11 đạt 62.775 lượt khách, giảm 15,9% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ; 11 tháng ước đạt 900.514 lượt khách, tăng 17,6% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 11 ước tính đạt 13.576 lượt khách, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ; 11 tháng ước đạt 141.404 lượt khách, tăng 17,9% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 11 ước tính đạt 81.623 ngày khách, giảm 17,1% so với tháng trước và tăng 22,5% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 1.159.202 ngày khách, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 11 ước tính đạt 186,3 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 2.238,1 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

     c. Du lịch

     Tháng 11, hoạt động lữ hành giảm so với tháng trước do thời tiết không thuận lợi cho việc đi du lịch, trong tháng xuất hiện nhiều đợt mưa kéo dài làm giảm công suất khai thác tour.

     Ước tính tháng 11, doanh thu hoạt động lữ hành đạt 11,4 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 276,2 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 11 ước tính đạt 31.928 lượt khách, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 820.472 lượt khách, tăng 5,6% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 11 ước tính đạt 12.803 lượt khách, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 19,0% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 158.578 lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

     d. Hoạt động dịch vụ

     Tháng 11, hoạt động dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ, đây là tháng chuyển mùa, đồng thời là dịp cuối năm nên nhiều nhóm dịch vụ như: dịch vụ y tế, dịch vụ phục vụ hôn lễ, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ cho thuê xe đồ dùng cá nhân, dịch vụ giải trí,… có mức tăng cao hơn so với các tháng trước.

     Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 11 năm 2019 đạt 148,5 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 48,9% so với cùng kỳ; 11 tháng ước tính đạt 1.428,3 tỷ đồng, tăng 29,0% so với cùng kỳ.

     Doanh thu 11 tháng phần lớn các nhóm hàng dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 131,1%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,4%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 11,6%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 11,7%; nhóm dịch vụ khác tăng 8,1%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 7,1%  so với cùng kỳ năm trước.

     e. Hoạt động vận tải

     Hoạt động kinh doanh vận tải tháng 11 và 11 tháng năm 2019 trên địa bàn duy trì tốc độ phát triển khá do thời tiết năm nay diễn ra khá thuận lợi. Trong điều kiện kinh tế phát triển; cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện; số lượng và chất lượng phương tiện vận tải được nâng lên đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân nên vận tải hành khách và hàng hóa tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.  Cụ thể:

     Tổng doanh thu vận tải tháng 11 ước tính đạt 323,0 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 9,1% so với cùng kỳ; 11 tháng doanh thu ước tính đạt 3.657 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

     Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 592,2 tỷ đồng, tăng 9,3%;  doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.655,4 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 409,4 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 11 ước tính đạt 1,9 triệu hành khách, tăng 2,4% so với tháng trước, tăng 5,1% so với cùng kỳ; 11 tháng ước tính đạt 25,1 triệu hành khách, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 11 ước tính đạt 141,2 triệu hk.km, tăng 1,6% so với tháng trước, tăng 7,6% so với cùng kỳ; 11 tháng ước tính đạt 1.071,7 triệu hk.km, tăng 9,4% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 11 ước tính đạt 1,9 triệu tấn, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ; 11 tháng ước tính đạt 24,5 triệu tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 11 ước tính đạt 118,8 triệu tấn.km, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 8,2% so với cùng kỳ; 11 tháng ước đạt 1.232,3 triệu tấn.km, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

     f. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số đô la Mỹ

     * Chỉ số giá tiêu dùng

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng 0,51% so với tháng trước; tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,63% so với tháng 12 năm trước; tăng 18,38% so với kỳ gốc 2014; CPI bình quân 11 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,32% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 1,80%; nhóm dịch vụ tăng 6,51%).

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm tăng, 4 nhóm giảm và 3 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,80%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%;  nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón giảm 0,01%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,23%; nhóm giao thông giảm 0,68%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,44%; nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số không đổi so với tháng trước.

     * Chỉ số giá vàng 99,99%

     Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 11/2019 giá vàng giảm 0,59% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,13 triệu đồng/chỉ, so với kỳ gốc 2014 tăng 25,53%, tăng 17,91% so với cùng tháng năm trước, tăng 17,58% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 11 tháng giá vàng tăng 7,70% so với cùng kỳ tăng.

     * Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

     Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.140 đồng/USD, giảm 0,01% so với tháng trước, so với kỳ gốc 2014 tăng 5,98%; giảm 0,60% so với cùng tháng năm trước; giảm 0,55% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 11 tháng giá đô la Mỹ  tăng 1,05% so với cùng kỳ.

     7. Thu ngân sách nhà nước

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 11 tháng năm 2019 ước tính thực hiện 4.283,9 tỷ đồng, bằng 95,2% dự toán địa phương, tăng 31,8% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 4.074,8 tỷ đồng, bằng 94,5% dự toán địa phương, tăng 33,5% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 209,1 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán địa phương, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu cân đối ngân sách 11 tháng năm 2019, có một số khoản thu tăng khá cao so với cùng kỳ: Thu tiền sử dụng đất tăng 92,3%; Thu tiền thuê đất tăng 55,8%; Thu lệ phí trước bạ tăng 27,4%; Thu khác trong cân đối ngân sách tăng 15,4%; Thuế thu nhập cá nhân 27,8% so với cùng kỳ. Có 5 khoản thu giảm so với cùng kỳ.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục, đào tạo

     a. Giáo dục

     Theo báo cáo chính thức đầu năm học 2019 - 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, tổng số trường mầm non, trường mẫu giáo và cơ sở nhà trẻ là 186 trường, tăng 03 trường so với cùng kỳ. Lớp học mầm non có 2.244  lớp, tăng 53 lớp. Giáo viên trực tiếp giảng dạy mầm non có 4.367 giáo viên, tăng 89 giáo viên. Học sinh mầm non 59.616 cháu, giảm 785 cháu so với cùng kỳ.

     Tổng số trường phổ thông 393 trường, giảm 8 trường so với năm học 2018 - 2019, trong đó: trường tiểu học 194 trường, giảm 09 trường; trung học cơ sở 139 trường, giảm 3 trường; phổ thông cơ sở 27 trường, tăng 4 trường; trung học phổ thông 27 trường, không thay đổi; trung học 06 trường, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Lớp học có 5.513 lớp, trong đó: tiểu học 3.111 lớp, trung học cơ sở 1.618 lớp, trung học phổ thông 784 lớp. Giáo viên, nhân viên có 11.950 người, trong đó: tiểu học 5.710 người, trung học cơ sở 4.282 người, trung học phổ thông 1.958 người. Tổng số học sinh 169.678 em, trong đó: tiểu học 82.541 em, trung học cơ sở 55.184 em, trung học phổ thông 31.953 em.

     Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới, Ngành giáo dục đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp; đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

     b. Đào tạo

     Theo báo cáo của Trường Đại học Quảng Bình số sinh viên nhập học chính quy năm học 2019 - 2020 là 302 sinh viên; hệ vừa học vừa làm là 30 sinh viên. Ngày 09/10/2019, Trường Đại học Quảng Bình đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới. Tại Lễ khai giảng, Trường Đại học Quảng Bình, Hội Khuyến học tỉnh cùng các nhà tài trợ đã trao thưởng cho 11 sinh viên thủ khoa của kỳ tuyển sinh năm 2019; trao 10 suất học bổng cho 10 sinh viên có hoàn gia đình đặc biệt khó khăn và sinh viên là con em người dân tộc thiểu số.

     Các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trường Trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tích cực đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp dạy học để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp. Hiện tại, các trường trên toàn tỉnh đang thông báo tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội; tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng đào tạo, sử dụng nhân lực.

     2. Y tế

     a. Y tế cơ sở

     Đến nay, toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã, phường có bác sỹ làm việc; 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh; toàn tỉnh có 147/159 (đạt tỷ lệ 92,45%) trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Về hoạt động, nhìn chung các trạm y tế đã tuân thủ thực hiện các chế độ chuyên môn theo quy định trong khám chữa bệnh, triển khai có hiệu quả các chương trình y tế tại cộng đồng. Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được quản lý và phát huy hiệu quả công tác, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đạt cao; công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá.

     b. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.539 trường hợp sốt xuất huyết Dengue và 1 trường hợp tử vong tại thị xã Ba Đồn; 261 trường hợp tiêu chảy; 6 trường hợp lỵ a míp; 5 trường hợp lỵ trực trùng; 25 trường hợp thủy đậu; 6 trường hợp quai bị; 1.046 trường hợp cúm; 96 trường hợp sởi; 2 trường hợp Lao phổi; 3 trường hợp viêm gan virut khác; 4 trường hợp tay-chân-miệng; 4 trường hợp sốt rét; 1 trường hợp viêm não virut khác; 3 trường hợp bệnh không thuộc danh mục. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/10/2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 9.045 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 2.697 trường hợp tiêu chảy; 89 trường hợp lỵ trực trùng; 25 trường hợp lỵ a míp; 103 trường hợp viêm gan vi rút khác; 377 trường hợp thủy đậu; 192 trường hợp quai bị; 7.471 trường hợp cúm; 17 trường hợp Lao phổi; 7 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp viêm gan virut C; 30 trường hợp Tay - chân - miệng; 26 trường hợp sốt rét; 339 trường hợp sởi; 1 trường hợp viêm màng não do não mô cầu; 7 trường hợp bệnh không thuộc danh mục; 2 trường hợp ho gà; 1 trường hợp viêm não virut khác.

     Từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue tại thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn. Hiện tại dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp khiến hàng ngàn người trên 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh mắc bệnh; tính đến cuối tháng 10/2019, toàn tỉnh ghi nhận 78 ổ bệnh nhỏ, với tổng số 6.819 trường hợp mắc; các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao ở các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn. Đầu tháng 11 số ca mắc vẫn ở mức rất cao, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc triển khai biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, đảm bảo phát hiện sớm trường hợp mắc để thu dung, điều trị kịp thời; xử lý triệt để các ổ bệnh ngay sau khi phát hiện, không để dịch bùng phát và lan rộng, kéo dài. Ngoài ra, các địa phương đang tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và phun hóa chất diện rộng tại khu vực nguy cơ cao, địa điểm tập trung đông người.

     c. Chương trình phòng chống sốt rét

     Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết, đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm, tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 10/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 78 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 3 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 5.968 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,05%. Lũy tích từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 684 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 43 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 39.724 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,09%. 

     d. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 31/10/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 34 người nhiễm HIV, 28 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 31/10/2019, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.436 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 484 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 141 người. Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     e. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 8 huyện/thị xã/thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Trong 10 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 4.921 cơ sở, kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 16 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 72,25 triệu đồng. Tỷ lệ cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 83,5% kế hoạch (cùng kỳ năm 2018 đạt 78,9% kế hoạch). Thông qua thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Hới với 21 ca mắc là khách du lịch đến từ Hà Nội và 265 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao

     a. Hoạt động văn hoá

     Để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng và ra mắt Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru Vân Kiều, xã Trường Xuân nhằm góp phần bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Vân Kiều nói riêng trước nguy cơ bị mai một, tạo thành loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù, phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.

     Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp tham gia các liên hoan, xây dựng các chương trình biểu diễn… đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Lũy kế từ đầu năm đến nay, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đã thực hiện 110 buổi biểu diễn, phục vụ khoảng 165 ngàn lượt người xem; các đội chiếu phim lưu động thực hiện 640 buổi chiếu, phục vụ 120 ngàn lượt người xem, đạt kế hoạch năm. Tạp chí Văn hóa phát hành 12 số với 8.400 cuốn, đạt kế hoạch đề ra; Thư viện tỉnh cấp mới 765 thẻ đọc, phục vụ 56.590 lượt bạn đọc, vượt 3,4% so kế hoạch năm; lưu hành: 83.750 lượt sách báo vượt 4,7% so với kế hoạch. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 58 hiện vật, 27 tư liệu, 58 tư liệu ảnh; tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị để đưa vào trưng bày phục vụ nhu cầu thăm quan và tìm hiểu của nhân dân và du khách như: Xe ZIN 157, tiếp nhận từ Quân khu IV; Cuốn sách “Đại tướng của nhân dân - Võ Nguyên Giáp, những năm tháng cuộc đời” có trọng lượng 500 kg, dày 260 trang được làm từ chất liệu gỗ và vải của nhà thư pháp - Nghệ nhân quốc gia Võ Dương, thành phố Hồ Chí Minh.

     Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn được đẩy mạnh. Lũy kế từ đầu năn đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức 7 cuộc, thanh tra, kiểm tra đối với 75 đối tượng; xử phạt 21 triệu đồng đối với 05 đối tượng vi phạm. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh văn hóa và dịch vụ văn hóa công cộng, hoạt động lễ hội năm 2019; thực hiện nhiều đợt kiểm tra độc lập đối với các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.

     Cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại các địa phương tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến không ngừng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các địa phương cũng đã phát huy khá tốt tính tự nguyện, tự quản trong phong trào, xem đây là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

     Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Bình tổ chức hội thi gia đình văn hóa tỉnh Quảng Bình năm 2019. Tham gia hội thi có 8 gia đình văn hóa tiêu biểu được lựa chọn từ các hội thi cấp huyện, cơ sở của 8 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

     Việc thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc c­ưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được chú trọng. Trong năm đã có 96,5% tổng số đám cưới trên địa bàn thực hiện theo nếp sống văn minh; có 95% tổng số đám tang thực hiện theo nếp sống mới. Tỷ lệ các danh hiệu văn hóa năm 2019 đều cao hơn cùng kỳ, trong đó tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa là 84%, tăng 0,6%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố 75,5%, tăng 0,1%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 82%, tăng 0,2% so với cùng kỳ.

     b. Hoạt động thể dục, thể thao

     Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’’ có bước phát triển mới về chất lượng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 31,5%, tăng 0,5% so cùng kỳ; tỷ lệ gia đình thể thao là 25,8%, tăng 0,4% so với cùng kỳ; tổ chức 750 cuộc thi đấu thể thao các cấp, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

     Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã tổ chức Giải vô địch cầu lông tỉnh Quảng Bình năm 2019. Tham gia giải có 110 vận động viên đến từ 13 địa phương, đơn vị, câu lạc bộ cầu lông trên địa bàn toàn tỉnh. Giải diễn ra ở 3 nội dung đôi nam nữ, đôi nam và đôi nữ; sau 3 ngày thi đấu đã có 150 trận thi đấu hấp dẫn, sôi nổi.

     Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình ngày càng có những bước tiến vững chắc trên đấu trường toàn quốc và quốc tế. Hiện nay, Quảng Bình có 04 vận động viên tham gia các đội tuyển quốc gia thi đấu các giải Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Segames lần thứ 30) tại Philippines.

     Tính đến nay, thể thao thành tích cao đã đạt được 124 Huy chương các loại, trong đó có 38 HCV, 42 HCB và 44 HCĐ. Trong đó đã xuất sắc đạt được 8 Huy chương quốc tế (3 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ).

     4.Tình hình an toàn giao thông và cháy nổ

     a. An toàn giao thông

     Từ đầu năm đến nay Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát các hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; ra quân thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong các dịp nghỉ lễ, thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại địa phương; đã kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy vậy, tình hình tai nạn giao thông 10 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

     Trong tháng 10 năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, tăng 3 vụ so với tháng 10 năm 2018, trong đó đường bộ 25 vụ, tăng 3 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm trước. Số người chết do tai nạn giao thông 6 người, giảm 3 người so với tháng 10 năm 2018; trong đó đường bộ chết 6 người, giảm 3 người so với tháng 10 năm 2018; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 23 người, tăng 7 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 23 người, tăng 7 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không có người bị thương, bằng tháng 10 năm 2018.

     Lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đường bộ 178 vụ, tăng 4 vụ so cùng kỳ; đường sắt xảy ra 3 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ; đường thủy 1 vụ, bằng cùng kỳ năm 2018. Số người chết do tai nạn giao thông 81 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm trước; trong đó đường bộ chết 78 người, giảm 1 người; đường sắt chết 3 người, tăng 2 người; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm trước. Số người bị thương do tai nạn giao thông 137 người, tăng 3 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 136 người, tăng 6 người; đường sắt không xảy ra, giảm 4 người; đường thủy bị thương 1 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2018.

     b. Tình hình cháy nổ

     Tháng 10 năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy với giá trị thiệt hại 2.023 triệu đồng; trong đó, cháy phương tiện giao thông vận tải 2 vụ với giá trị thiệt hại 2.023 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ cháy với giá trị thiệt hại 10.185 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 8 vụ với giá trị thiệt hại 435 triệu đồng; cháy cơ sở sản xuất 1 vụ với giá trị thiệt hại 4 triệu đồng; cháy phương tiện giao thông vận tải 6 vụ với giá trị thiệt hại 8.423 triệu đồng; cháy loại hình khác 7 vụ với giá trị thiệt hại 1.248 triệu đồng; cháy rừng 19 vụ với giá trị thiệt hại 75 triệu đồng và 11,7 ha rừng.

     Từ đầu tháng 11 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra vụ nổ nào. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ nổ làm chết 1 người và bị thương 1 người.

     Nhìn chung, kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2019 đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm tăng trưởng cao hơn những tháng đầu năm; thực hiện vốn đầu tư có nhiều chuyển biến, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để triển khai một số công trình quan trọng; thu ngân sách đạt cao so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra cả năm; phần lớn các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch của HĐND tỉnh đề ra; các tệ nạn xã hội được ngăn chặn đẩy lùi. Bên cạnh, trong sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, vẫn tiềm ẩn nguỷ cơ bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến kết quả sản xất nông nghiệp; dịch sốt xuất huyết xảy ra trên diện rộng và đến nay chưa ngăn chặn hiệu quả./.

[Trở về]