THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2020 tỉnh Quảng Bình 
     Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cũng rất nặng nề, không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2020, mà còn tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo.

     Quảng Bình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo ứng phó và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch. Đến nay, mặc dù dịch Covid-19 trong tỉnh đang được kiểm soát tốt nhưng do sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các ngành trong khối dịch vụ, như: vận tải, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch… Các cơ sở lưu trú, du lịch gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy kế hoạch du lịch, hủy đặt phòng; hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực và tâm lý người dân ngại đến những nơi đông người do lo sợ dịch Covid-19.

     Điểm sáng trên lĩnh vực kinh tế 3 tháng đầu năm, đó là: sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản triển khai thuận lợi; sản xuất công nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid không lớn nên ngành công nghiệp tăng trưởng ổn định. Kết quả thực hiện các lĩnh vực kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2020 như sau:

     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Dự kiến đến cuối tháng 3/2020, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân 2020 cơ bản hoàn thành. Đến nay, riêng cây lúa đã kết thúc thời vụ gieo cấy, một số cây trồng khác tiếp tục gieo trồng nhưng không đáng kể. Ước tính đến cuối tháng 3/2020, diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 53.750,2 ha, so với vụ Đông Xuân năm trước tăng 0,5%. Cụ thể như sau:

     - Cây lúa: Diện tích cây lúa thực hiện 29.613 ha, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4% so với kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm nay. Cụ thể diện tích lúa của các địa phương: Đồng Hới 881 ha, Ba Đồn 2.658 ha, Minh Hóa 473 ha, Tuyên Hóa 1.486 ha, Quảng Trạch 3.500 ha, Bố Trạch 5.185 ha, Quảng Ninh 5.200 ha, Lệ Thủy 10.230 ha.

     Nhìn chung, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển khá nhanh và đang thời kỳ đẻ nhánh. Hiện tại, các địa phương đang triển khai công tác làm cỏ, bón phân, tỉa dặm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Công tác tưới, tiêu thực hiện chủ động, điều tiết nước hợp lý, đáp ứng đủ nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển giai đoạn đầu.

     - Cây trồng khác: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 4.005 ha, tăng 1,5%; cây lấy củ có chất bột 9.079 ha, tăng 1%; cây mía 175 ha, tăng 2,9%; cây thuốc lá 3 ha; cây lấy sợi 1,2 ha; cây có hạt chứa dầu 4.187 ha, tăng 0,2%; cây rau, đậu và các loại hoa 4.875 ha, tăng 1,6%; cây hàng năm khác 1.812 ha, tăng 1,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

     Tình tình sâu bệnh hại lúa xuất hiện hầu hết ở các địa phương. Các đối tượng gây hại trên lúa chủ yếu là chuột, bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ. Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu, sâu cắn lá, cắn nõn, bệnh rỉ sắt, bệnh đốm lá. Trên cây lạc xuất hiện bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng, bệnh lở cổ rễ. Trên cây rau xuất hiện sâu ăn lá gây hại. Các cây trồng khác có sâu bệnh gây hại nhẹ.

     Thời tiết trong 3 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất cây lâu năm triển khai chăm sóc, phục hồi và thực hiện chuyển đổi cây trồng. Theo đó, quy mô diện tích cây lâu năm giảm so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu ở cây cao su, do nhiều hộ phá bỏ không phục hồi sau bão năm 2017), đồng thời mở rộng diện tích các loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn. Ước tính sản lượng mủ cao su khai thác 3 tháng đầu năm đạt 540 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,9%.

     b. Chăn nuôi

     Nhờ chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Đàn gia súc tăng nhẹ sau Tết, đàn gia cầm, đặc biệt đàn gà phát triển nhanh. Riêng đàn lợn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đang có xu hướng tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Ước tính đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 1/4/2020 như sau:

     Đàn trâu 34.300 con, tăng 0,6%; đàn bò 104.130 con, tăng 0,6%; đàn lợn 294.700 con, giảm 14,0%; đàn gia cầm 3.700 ngàn con, tăng 10,8%; riêng đàn gà 3.100 ngàn con, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

     Sản lượng xuất chuồng 3 tháng đầu năm đạt 23.540 tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu 740 tấn, tăng 2,8%; thịt bò 2.410 tấn, tăng 4,3%; thịt lợn 14.110 tấn, giảm 7,5%; thịt gia cầm 6.280 tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

     Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

     2. Lâm nghiệp

     Ba tháng đầu năm, các chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán và triển khai công tác phòng, chống cháy rừng.

     Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 3 tháng đầu năm thực hiện 72.500 m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác 65.000 ste, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng được chăm sóc 4.700 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp tục thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích trồng năm trước. Số cây trồng phân tán 3 tháng thực hiện 2.750 ngàn cây, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

     3. Thuỷ sản

     Thời tiết những tháng đầu năm thuận lợi nên hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt kết quả cao. Đặc biệt, hoạt động khai thác hải sản xa bờ được tăng cường về thời gian và mở rộng ngư trường nên sản lượng khai thác tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản mở rộng về quy mô diện tích nuôi, nuôi cá lồng phát triển trở lại, đa dạng hình thức nuôi trồng nên sản lượng nuôi thu hoạch tăng cao so với các năm trước.

     Ước tính sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm thực hiện 13.581,1 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,7%. Trong đó: Cá các loại 11.821,4 tấn, tăng 8,1%; tôm các loại 458,8 tấn, tăng 5,0%; thủy sản khác 1.300,9 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Ước tính sản lượng thuỷ sản khai thác 3 tháng đầu năm thực hiện 11.876,4 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8%. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 10.408 tấn, tăng 8,3%; tôm các loại 231,8 tấn, tăng 5,1%; thuỷ sản khác 1.236,6 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước khai thác: Khai thác nước mặn (biển) thực hiện 11.142,6 tấn, tăng 8,1%; khai thác nội địa 733,8 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Ước tính sản lượng nuôi trồng 3 tháng đầu năm thu hoạch 1.704,7 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,7%. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 1.413,4 tấn, tăng 7,0%; tôm các loại 227 tấn, tăng 4,9%; thủy sản khác 64,3 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng tăng khá chủ yếu tăng sản phẩm cá các loại, đặc biệt sản phẩm nuôi cá lồng. Hiện tại, các địa phương triển khai công tác củng cố đê bao, nạo vét xử lý ao hồ để chuẩn bị vụ nuôi đầu tiên trong năm 2020.

     Nhìn chung, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong 3 tháng đầu năm 2020 thu được một số kết quả đáng kể. Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân thực hiện đúng thời vụ và cơ bản gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch đề ra. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch đáng kể. Một số cây trồng cho hiệu quả cao tăng khá như rau các loại, cây gia vị. Dịch bệnh gia súc, gia cầm được khống chế, theo đó đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại và doanh nghiệp đầu tư phát triển khá. Nét nổi bật trong chăn nuôi là kịp thời chuyển đổi vật nuôi nên mặc dù ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng thị trường vẫn cung cấp đủ lượng thực, phẩm cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Khai thác gỗ từ rừng trồng tiếp tục đảm bảo tiến độ, công tác chăm sóc rừng trồng và trồng cây phân tán triển khai theo kế hoạch. Khai thác hải sản tăng cao nhờ thời tiết thuận lợi, năng lực khai thác được đầu tư phát triển. Nuôi trồng thủy sản đang phục hồi, đặc biệt nuôi cá lồng mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm.

     4. Công nghiệp

     Sản xuất công nghiệp tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, clinker, áo sơ mi, dăm gỗ, gạch nung tiếp tục duy trì ổn định và tăng khá so với cùng kỳ. Riêng một số sản phẩm còn gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ như: cao su, bia đóng chai nên chỉ số sản xuất của ngành sản xuất hóa chất và ngành sản xuất đồ uống giảm so với cùng kỳ năm trước.

     Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010

     Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm ước tính đạt 2.894,3 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: kinh tế nhà nước đạt 73,2 tỷ đồng, tăng 5,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.975,7 tỷ đồng, tăng 6,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 845,4 tỷ đồng, tăng 6,9%.

     Chia theo ngành kinh tế: Giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng đạt 136,8 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.676,4 tỷ đồng; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 49,6 tỷ đồng; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 31,5 tỷ đồng.

     Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2020 tăng 4,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4%.

     Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể các chỉ số sản xuất của các ngành 3 tháng đầu năm như sau:

     - Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,1%. Do Tết Nguyên đán Canh Tý tập trung chủ yếu trong tháng 1 nên hoạt động xây dựng được thực hiện sớm hơn so với năm trước. Do đó nhóm ngành khai thác vật liệu xây dựng (như đá xây dựng, cát sạn…) tăng khá so với cùng kỳ, trong đó: Khai thác quặng kim loại tăng 5,4%, khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 7,2%.

     - Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành kinh tế cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá so với cùng kỳ; trong đó, nổi bật ở một số ngành như:

     Ngành sản xuất trang phục tăng khá 9,0%. Sản lượng sản xuất tăng khá so với cùng kỳ, mặc dù nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trong tháng 2/2020 đã thông quan tại một số cửa khẩu và có nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Do đó các nhà máy sản xuất trang phục lớn hoạt động khá ổn định.

     Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 19,5%. Với nguồn nguyên liệu dồi dào; thị trường tiêu thụ mạnh nên các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là sản phẩm dăm gỗ, sản phẩm ván ép từ gỗ và gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản tăng khá, một số doanh nghiệp mới đầu tư vào hoạt động khá ổn định. Đặc biệt Công ty Cổ phần Gỗ Quảng Phát, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Thăng Long hiện nay sản xuất ổn định đã thúc đẩy ngành chế biến gỗ tăng cao so với cùng kỳ.

     Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 8,3%. Ngành này ít chịu ảnh từ dịch Covid-19 nên vẫn sản xuất bình thường, có tốc độ tăng trưởng khá. Ngay từ đầu năm hoạt động xây dựng các công trình đã được triển khai thực hiện sớm hơn so với những năm trước nên nhóm ngành sản xuất xi măng; bê tông thương phẩm tăng khá cao so với cùng kỳ.

     Bên cạnh những ngành có tốc độ tăng cao và có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp thì vẫn còn một số ngành có tốc độ tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,3% do tiêu thụ khó khăn nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 0,4%; ngành sản xuất đồ uống giảm 28,0% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu ở nhóm ngành sản xuất bia, do sản phẩm bia gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

     - Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%. Ngành sản xuất và phân phối điện luôn đảm bảo đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của doanh nghiệp và người dân, duy trì mức tăng ổn định.

     - Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7%. Trong đó ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,2% do nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình nâng cao sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

     Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

     Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong trong 3 tháng đầu năm: cao lanh đạt 17.754 tấn, tăng 9,9%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 67,7 triệu viên, tăng 9,1%; áo sơ mi đạt 3,3 triệu cái, tăng 9,0%; dăm gỗ đạt 91.137 tấn, tăng 7,9%; clinker thành phẩm đạt 859.635 tấn, tăng 7,4%; đá xây dựng đạt 761.562 m3, tăng 7,0%; nước máy thương phẩm đạt 2,2 triệu m3, tăng 6,2%; xi măng đạt 418.447 tấn, tăng 5,5%; điện thương phẩm đạt 218 triệu kwh, tăng 4,2%; tinh bột sắn đạt 3.444 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

     Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm có mức tăng khá so với cùng kỳ. So với cả nước, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mức độ thấp hơn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian vừa qua như Chi nhánh Công ty cổ phần gỗ Quảng Phát; Nhà máy may Lệ Thủy; Nhà máy chế biến thủy sản Surimi… sản xuất ổn định và có mức tăng cao hơn cùng kỳ. Cùng với đó là một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm… do đó tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá ổn định.

     5. Vốn đầu tư

     Tình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2020 có chuyển biến tích cực. Các đơn vị thi công, nhà thầu, chủ đầu tư chủ động đẩy nhanh tiến độ các công trình/dự án thuộc vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thành kế hoạch được giao.

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 3 năm 2020 ước tính thực hiện 289,5 tỷ đồng, tăng 13% so với tháng trước và tăng 14,2% so với tháng cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý thực hiện 73,1 tỷ đồng, giảm 3,7%; vốn ngân sách địa phương quản lý thực hiện 216,5 tỷ đồng, tăng 21,9% so với tháng cùng kỳ năm 2019.

     Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh thực hiện 772,3 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 551,4 tỷ đồng, tăng 13,7%; nguồn vốn vay thực hiện 185,3 tỷ đồng, giảm 1,3%; nguồn vốn tự có thực hiện 14,2 tỷ đồng, tăng 1,8%; nguồn vốn viện trợ thực hiện 21,4 tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.

     Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 3 tháng đầu năm 2020 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện 45,3 tỷ đồng, tăng 2,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện 27,4 tỷ đồng, giảm 6,6%; ngành sản xuất và phân phối điện nước thực hiện 9,5 tỷ đồng, tăng 3,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 12,3 tỷ đồng, giảm 5,1%; ngành thương nghiệp thực hiện 13,2 tỷ đồng, giảm 1,1%; ngành vận tải kho bãi thực hiện 466 tỷ đồng, tăng 11,8%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thực hiện 8,4 tỷ đồng, giảm 14,9%; ngành thông tin truyền thông thực hiện 4,1 tỷ đồng, tăng 2,1%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ thực hiện 18,7 tỷ đồng, tăng 2,5%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ thực hiện 6,3 tỷ đồng, giảm 7,1%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 48,3 tỷ đồng, tăng 6,9%; ngành giáo dục và đào tạo thực hiện 47,6 tỷ đồng, tăng 19,5%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội thực hiện 41,7 tỷ đồng, tăng 15,5%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí thực hiện 10,9 tỷ đồng, tăng 1,0%; ngành hoạt động dịch vụ khác thực hiện 7,9 tỷ đồng, giảm 8,5%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng thực hiện 4,7 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.

     Trong 3 tháng đầu năm 2020, thực hiện vốn đầu tư Nhà nước quản lý chủ yếu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu chuyển tiếp từ năm 2019 thuộc các công trình thuộc ngành giao thông; y tế; giáo dục và đào tạo; khoa học công nghệ và quản lý Nhà nước như: Đường vào trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; Tuyến đường chính vào trung tâm thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh; Trung tâm y tế huyện Quảng Trạch; Khối nhà điều trị người bệnh nội trú - Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình; Trường Mầm non xã Quảng Tân; Nhà lớp học 2 tầng 6 phòng trường Mầm non thị trấn Nông trường Lệ Ninh... Các gói thầu thuộc các công trình/dự án mới đang triển khai đã được bố trí vốn trong năm 2020 nhằm đảm bảo triển khai đúng tiến độ thi công trình, chất lượng và kỹ thuật như: Hạ tầng công viên thị trấn Kiếm Giang huyện Lệ Thủy; Tuyến đường chính từ Quốc lộ 12A đi vùng Nam, đoạn từ xã Quảng Lộc đi cụm trung tâm các xã vùng Nam, thị xã Ba Đồn; Hạ tầng khuôn viên tổ chức hội chợ tỉnh Quảng Bình…

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 3/2020 tăng nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên mức tăng không cao so với cùng kỳ do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng như thu nhập của nhiều người dân. Ngoài ra, lượng khách du lịch giảm cũng đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3 đạt 3.326,3 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ước tính 3 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 10.201,9 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

     Xét theo các nhóm ngành hàng, 3 tháng đầu năm hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Nhóm bán lẻ ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 660,4 tỷ đồng, tăng 10,6%; nhóm bán lẻ phụ tùng, bộ phận phụ trợ của ô tô đạt 54,8 tỷ đồng, tăng 13,8%; nhóm bán lẻ mô tô, xe máy đạt 412,5 tỷ đồng, tăng 11,5%; nhóm bán lẻ phương tiện đi lại (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) và phụ tùng đạt 47,1 tỷ đồng, tăng 14,4%; nhóm bán lẻ đá quý, kim loại quý đạt 113,0 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ; các nhóm còn lại cũng tăng khá so với cùng kỳ.

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Hoạt động lưu trú và ăn uống tháng 3 tăng nhẹ trở lại sau tháng giảm mạnh trước đó, tuy nhiên trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 nên nhu cầu du lịch cũng như ăn uống ngoài gia đình giảm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động lưu trú và ăn uống trên địa bàn.

     - Dịch vụ lưu trú

     Ước tính doanh thu lưu trú tháng 3 đạt 20,2 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 63,5 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú tháng 3 ước tính đạt 52.719 lượt khách, tăng 2,0% so với tháng trước và giảm 26,4% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 163.996 lượt khách, giảm 14,5% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 3 ước tính đạt 11.695 lượt khách, tăng 1,0% so với tháng trước và giảm 31,7% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 34.158 lượt khách, giảm 14,3% so với cùng kỳ.

     Ngày khách tháng 3 ước tính đạt 60.256 ngày khách, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 29,9% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 187.829 ngày khách, giảm 17,9% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 3 ước tính đạt 289,5 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và giảm 11,9% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 895,6 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 3, hoạt động du lịch lữ hành tăng so với tháng trước do nhiều tour du lịch sinh thái của các công ty lữ hành tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khai thác nhiều vào mùa khô. Tuy nhiên so với cùng kỳ hoạt động lữ hành giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. So với các tỉnh trong vùng, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Quảng Bình ít hơn do số lượng khách quốc tế đến tỉnh đa số là khách châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tỷ lệ nhỏ.

     Ước tính tháng 3, doanh thu hoạt động lữ hành đạt 20,3 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 30,9% so với cùng kỳ; 3 tháng đạt 58,3 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 3 ước tính đạt 42.491 lượt khách, tăng 1,3% so với tháng trước và giảm 38,1% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 120.580 lượt khách, giảm 17,8% so với cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 3 ước tính đạt 11.066 lượt khách, tăng 1,7% so với tháng trước và giảm 27,3% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 33.501 lượt khách, giảm 16,9% so với cùng kỳ.

     c. Hoạt động dịch vụ

     Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 3 ước tính đạt 132,2 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 2,0% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm đạt 400,3 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ.

     Xét theo nhóm dịch vụ 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ: Nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 6,9%; nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 7,6%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 6,0%, hoạt động giáo dục tháng này giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động liên quan đến dịch vụ giáo dục giảm xuống; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 14,7%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 8,7%; nhóm dịch vụ khác tăng 6,2%, trong đó, dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 6,2%, hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác tăng 6,3% so với cùng kỳ.

     d. Hoạt động vận tải

     Bước qua tháng 3/2020, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh diễn ra ít sôi động hơn do nhu cầu đi lại cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân giảm xuống. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế di chuyển. Do đó, doanh thu, khối lượng vận chuyển cũng như khối lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa tháng 3 tăng nhẹ so với tháng trước.

     Tổng doanh thu vận tải tháng 3 ước tính đạt 347,1 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 1,7% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 1.041,0 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 58,0 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước, tăng 1,5% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 171,1 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 253,6 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 1,9% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 762,4 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 35,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 107,5 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 3 ước tính đạt 2,3 triệu hành khách, tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 1,1% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 7,1 triệu hành khách, tăng 7,0% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 3 ước tính đạt 108,3 triệu hk.km, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 1,4% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 320,3 triệu hk.km, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3 ước tính đạt 2,3 triệu tấn, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 1,2% so với cùng kỳ, tính chung 3 tháng đầu năm đạt 7,0 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 3 ước tính đạt 120,2 triệu tấn.km, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 1,3% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm đạt 365,7 triệu tấn.km, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục

     Thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục đã tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017 - 2020 theo Đề án số 981/ĐA-UBND ngày 20/6/2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Mạng lưới trường, lớp các cấp học và trình độ đào tạo cơ bản ổn định, tiếp tục giữ vững và mở rộng theo hướng đa dạng hóa các loại hình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của của các cấp học.

     - Giáo dục Mầm non

     Đã chỉ đạo 100% trường thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non theo quy định. Các chuyên đề trọng tâm tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường “mở” tạo nhiều cơ hội cho trẻ được hoạt động, vui chơi, khám phá trải nghiệm một cách tích cực.

     Kết thúc học kỳ I, tổng số trường mầm non, trường mẫu giáo và cơ sở nhà trẻ toàn tỉnh có 186 trường, trong đó 173 trường công lập và 13 trường ngoài công lập. Huy động trẻ vào Nhà trẻ, nhóm trẻ và các lớp mẫu giáo tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đã huy động được 59.716 cháu mầm non/2.224 nhóm lớp, trong đó Nhà trẻ có 7.681 cháu/388 nhóm lớp; Mẫu giáo có 52.035 cháu/1.836 nhóm lớp. Giáo viên trực tiếp giảng dạy mẫu giáo có 4.376 giáo viên.

     Các trường đều thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý, theo dõi sức khỏe cho trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng; phối hợp với phụ huynh để nâng mức tiền ăn, thực hiện nghiêm túc công tác bán trú, duy trì tốt mô hình “Vườn rau của bé” trong các trường mầm non và cung cấp được khoảng 40% nguồn rau sạch tại chỗ. Kết quả đã có 185/186 trường tổ chức ăn bán trú cho trẻ, đạt tỷ lệ 99,5%, trong đó: Trẻ nhà trẻ đạt 100%, mẫu giáo 97,6% (tăng 2 trường và 69 lớp so với cùng kỳ năm học trước); 100% trẻ trong các trường được theo dõi sức khoẻ bằng biểu đồ tăng trưởng; Nhà trẻ hiện còn 3,6% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (giảm 0,8% so với đầu năm) và 4,6% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi (giảm 0,2% so với đầu năm); Mẫu giáo hiện còn 4,4% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (giảm 0,1% so với đầu năm) và 4,7% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi (giảm 0,2% so với đầu năm).

     - Giáo dục tiểu học

     Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mô hình trường học mới, dạy học theo phương pháp "bàn tay nặn bột", dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Tích cực đổi mới hình thức dạy học phong phú, linh hoạt, có tác dụng trong hỗ trợ, bổ sung kiến thức cũng như bồi dưỡng học sinh năng khiếu, giáo dục truyền thống, rèn luyện năng lực, phẩm chất cho học sinh như: học tại thư viện; học tại vườn trường; thực hành kỹ năng sống; tham gia các hoạt động trải nghiệm; học theo dự án.

     Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng và số lượng dạy học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho học sinh tiểu học. Có 208 trường với 43.221 học sinh học chương trình Tiếng Anh 4 tiết/tuần, đạt 97,51%. Các trường chưa đủ điều kiện đã tổ chức dạy học tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4, 5 từ 2 đến 3 tiết/tuần. Các trường có điều kiện và được sự đồng thuận của phụ huynh đã tổ chức cho học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen tiếng Anh. Các đơn vị đã tích cực xây dựng môi trường giáo dục thuận lợi hỗ trợ dạy và học tiếng Anh. Học sinh tham gia thi Trạng nguyên tiếng Anh cấp quốc gia đạt 38 giải: 1 giải Nhất (Trạng nguyên Tiếng Anh), 3 giải Nhì (Trạng nguyên sáng tạo và phong cách) và 35 giải Ba (Trạng nguyên tích cực).

     Kết thúc học kỳ I, toàn tỉnh có tiểu học 194 trường tiểu học (193 trường công lập và 1 trường ngoài công lập), 3.114 lớp, 4.601 giáo viên và 82.509 học sinh. Kết quả chất lượng giáo dục tiểu học học kỳ I về môn Toán đã có 53,60% em hoàn thành tốt, 43,52% em hoàn thành và 2,88% em chưa hoàn thành; Môn Tiếng việt 50,53% em hoàn thành tốt, 46,82% em hoàn thành và 2,65% em chưa hoàn thành.

     - Giáo dục trung học

     Đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tích cực áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế chương trình dạy học. Chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, báo cáo kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Trong học kỳ I các đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện được 396 chuyên đề chuyên môn cấp THPT, 883 chuyên đề chuyên môn cấp THCS, thực hiện được 716 chuyên đề rèn luyện kỹ năng sống (cấp THPT 166 chuyên đề, cấp THCS 550 chuyên đề). Trong học kỳ I đã thực hiện được 1.466 lần sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học (cấp THPT 524 lần và cấp THCS 942 lần), tổ chức 548 lần sinh hoạt chuyên môn liên trường (cấp THPT 141 lần, cấp THCS 407 lần), thực hiện 4.817 tiết thực tập, thao giảng (cấp THPT 1.601 tiết, cấp THCS 3.216 tiết).

     Kết quả xếp loại hai mặt khối trung học cơ sở: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 79,37%, khá 18,47%, trung bình 2,10%, yếu 0,06%; Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi đạt 17,31%, khá 39,22%, trung bình 38,93%, yếu 4,53%, kém 0,01%.

     Kết quả xếp loại hai mặt khối Trung học phổ thông: Về hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 73,18%, khá 21,91%, trung bình 3,99%, yếu 0,92%; Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi đạt 10,97%, khá 43,15%, trung bình 37,35%, yếu 8,24%, kém 0,29%.

     Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh có 36 đơn vị tham gia, trong đó có 28 đơn vị trực thuộc và 8 đơn vị phòng Giáo dục và Đào tạo với 106 dự án thông qua mạng “Trường học kết nối”. Ban tổ chức và Ban giám khảo đã tiến hành chấm thẩm định và lựa chọn được 72 dự án tiêu biểu tham gia vòng thi cấp tỉnh tại gian trưng bày. Kết thúc vòng thi cấp tỉnh tại gian trưng bày có 02 dự án xếp giải Nhất; 07 dự án để xếp giải Nhì; 30 dự án xếp giải Ba và 24 dự án xếp giải Khuyến khích.

     Cuộc thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019 - 2020 tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh đã có 34 học sinh đạt giải, với 7 giải nhì, 10 giải ba và 17 giải khuyến khích; trong đó môn Toán đạt 7 giải (2 giải nhì, 4 giải ba và 1 giải khuyến khích); Vật lý đạt 5 giải (3 giải ba, 2 giải khuyến khích); Hóa học 2 giải (1 giải nhì, 1 giải khuyến khích); Sinh học 2 giải (1 giải nhì, 1 giải ba); Tin học đạt 1 giải nhì; Văn đạt 4 giải (1 giải nhì, 2 giải ba, 1 khuyến khích); Lịch sử đạt 4 giải (1 giải nhì, 3 giải khuyến khích); Địa lý đạt 4 giải khuyến khích; Tiếng Anh đạt 5 giải khuyến khích. So với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2018 - 2019 số lượng giải chính thức kỳ thi năm nay tăng 6 giải.

     - Giáo dục thường xuyên

     Các trung tâm giáo dục - dạy nghề đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng học viên; nỗ lực cố gắng trong việc phối hợp thực hiện các chương trình xóa mù chữ, giáo dục thường xuyên cấp THPT. Chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng thực hiện việc điều tra nhu cầu người học, tranh thủ các dự án để tổ chức các chuyên đề áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất cho người lao động. Công tác liên kết đào tạo, đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng được chú trọng, phát triển, chất lượng và hiệu quả. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 toàn tỉnh; tiếp tục hướng dẫn thực hiện Đề án xóa mù chữ của tỉnh đến năm 2020. Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các địa phương tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019” đạt kết quả tốt.

     - Công tác phổ cập và xóa mù chữ

     Kết thúc học kỳ I năm học 2019 - 2020, công tác phổ cập và xóa mù chữ  các cấp học đã đạt được kết quả sau:

     Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Có 158/159 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 99,4%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn. Tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

     Về phổ cập giáo dục tiểu học: Có 159/159 xã, phường, thị trấn; 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

     Về phổ cập giáo dục THCS: Có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên, trong đó, có 148/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (tỷ lệ 93,08%); 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên, trong đó, có 3 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

     Về xóa mù chữ: 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên; trong đó có 157/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 98,7%); 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

     Đầu tháng 2 năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo về việc cho học sinh các cấp học nghỉ học từ ngày 04/02/2020 đến hết tháng 2 năm 2020 nhằm phòng tránh dịch bệnh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dạy bù thời gian nghỉ của học sinh đảm bảo khung chương trình năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo đã dừng, lùi thời gian tổ chức các hoạt động mang tính tập thể đến khi có thông báo mới (dừng giải bóng chuyền nữ 08/3; lùi thời gian tổ chức cuộc thi “xây dựng khu vui chơi phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”, “ngày hội học sinh tiểu học”, “hội khỏe phù đổng cấp tỉnh”, “thi chọn đội tuyển học sinh giỏi”). Trong thời gian học sinh nghỉ học các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn để tiến hành tẩy trang, phun thuốc khử trùng, dọn vệ sinh trường lớp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại trường học. Đồng thời, các đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo đã đến kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở một số đơn vị trường học; qua kiểm tra đã đánh giá cao tinh thần chủ động phòng chống dịch của các nhà trường. Ngày 02/3/2020 học sinh trung học phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đi học lại bình thường. Riêng học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 08/3/2020.

     2. Y tế

     Ngành Y tế tiếp tục duy trì và phát huy tốt hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện, thành phố trực thuộc Sở Y tế, tổ chức phục vụ kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, không để bệnh nhân thiếu thuốc tại các cơ sở điều trị. Ước tính 3 tháng đầu năm, các cơ sở y tế nhà nước đã khám chữa bệnh cho 286.350 lần người; trong đó: tuyến tỉnh 27.518 lần người, tuyến huyện 120.218 lần người, tuyến xã 138.614 lần người. Các cơ sở y tế tuyến xã đã phát huy hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có, đảm bảo an toàn điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh.

     Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh; thông tin chính xác, đúng mức độ của dịch bệnh; chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới triển khai bố trí khu vực cách ly 3 vùng vàng, xanh, đỏ theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời sẵn sàng thực hiện thu dung, điều trị cho bệnh nhân theo tiêu chí 4 tại chỗ. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng tiến hành sàng lọc bệnh nhân ngay tại cổng bệnh viện, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ được đưa vào phòng khám riêng. Bệnh viện đã bố trí khu vực cách ly từ 50 - 60 giường bệnh và thành lập đội lưu động với đầy đủ các chuyên khoa để sẵn sàng điều trị riêng cho bệnh nhân.

     Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được giao nhiệm vụ tiếp nhận các công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác trở về từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch và bố trí khu vực cách ly đảm bảo an toàn trong vòng 14 ngày. UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác cách ly, theo dõi sức khỏe cho các công dân này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã thành lập đường dây nóng với 3 số điện thoại của ngành Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch; ngành Y tế đảm bảo hoạt động thông suốt của Đường dây nóng nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin, phản ánh của người dân... Nhờ đó, công tác phòng, chống và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Quảng Bình đã đạt được những kết quả tích cực; ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân được nâng cao; các ngành, các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống một cách quyết liệt, trong đó có việc cho học sinh nghỉ học. Các trường hợp có nguy cơ và nghi ngờ nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đều được cách ly. Tính đến cuối tháng 2/2020, toàn tỉnh chỉ có 10 trường hợp bệnh nghi ngờ Covid-19 được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 từ Việt Pasteur Nha Trang (kể cả 01 trường hợp chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế, sau đó tử vong do viêm phổi, có địa chỉ ở Hưng Trạch, Bố Trạch, đi từ Trung Quốc về không phải nguyên nhân do Covid-19).

     Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch trên địa bàn tỉnh, thực hiện Công văn số 868/BYT ngày 24/02/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các cấp, các ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh để khẩn trương áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang để tổ chức cách ly y tế kịp thời. Đối với những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chức năng tại địa phương phối hợp với ngành y tế để rà soát các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 09/02/2020 đi về cư trú hoặc sinh hoạt tại địa phương để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn. Đối với những người trở về từ các khu vực khác ngoài khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc thì khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe và thông báo với cơ quan chức năng, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

     Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các trường hợp người lao động đi từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các vùng có dịch về Quảng Bình đã được tổ chức giám sát, cách ly tại cộng đồng. Tính đến cuối tháng 2/2020, tổng số  trường hợp cách ly tập trung đã quá 14 ngày kể từ khi nhập cảnh về Việt Nam là 10 người, không có trường hợp nào có dấu hiệu nhiễm Covid-19.

     Tính đến cuối tháng 2/2020, hiện có 2 trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung, trong đó có 1 người sức khỏe bình thường và 1 người đang có triệu chứng; 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2 người, trong đó cả 2 người này đang có tình trạng sức khỏe bình thường chưa có triệu chứng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất lớn. Trong thời gian tới UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các cấp, các ngành liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh tiếp tục tăng cường công tác giám sát cộng đồng; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận, cách ly tập trung và theo dõi theo quy định các trường hợp trở về từ các Quốc gia đang có dịch.

     3. Văn hóa thông tin

     Ba tháng đầu năm 2019, các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chỉ tập trung diễn ra trong thời gian trước, trong Tết Nguyên đán Canh Tý. Nổi lên là chương trình đếm ngược chào năm mới 2020 (Phong Nha Countdown Party) với các màn biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc điện tử (EDM) vô cùng sôi động, múa rối, nghệ thuật dân gian truyền thống, biểu diễn xiếc ngoài trời, múa lân sư rồng, ca nhạc đường phố; huyện Bố Trạch tổ chức hội báo xuân Canh Tý 2020 với gần 300 ấn phẩm báo, tạp chí của nhiều cơ quan báo chí trong tỉnh; các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước. Chương trình nghệ thuật “Sáng mãi niềm tin với Đảng” chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình văn nghệ quần chúng vào đêm giao thừa tại Trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm các xã, phường, thị trấn; tổ chức tốt các hoạt động Chợ hoa Xuân Canh Tý năm 2020, trang trí đèn hoa trên các tuyến đường trung tâm để tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi Tết đến, Xuân về; Tết Canh Tý 2020, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm (thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn) từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

     Đã tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, báo về chủ đề “90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Những móc son lịch sử” tại Thư viện tỉnh với hơn 1.000 bản sách chọn lọc giới thiệu những dấu mốc quan trọng, những thành tựu vẻ vang của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bảo tàng tổng hợp tỉnh trưng bày các tư liệu quý với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - 90 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức đợt phim cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn các xã miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

     Các hoạt động văn hóa thể thao trong dịp Tết Nguyên đán được tổ chức hầu hết các địa phương; nổi lên là huyện Minh Hóa tổ chức giải Cờ thẻ vào ngày 03 Tết, tổ chức giải bóng chuyền hơi, giải vật vào ngày 04 Tết, giải bóng chuyền 7 xã vào ngày 05 Tết; huyện Quảng Ninh tổ chức Lễ hội chùa Kim Phong - núi Thần Đinh; thành phố Đồng Hới tổ chức hội Bài chòi, Chương trình nghệ thuật “Chào Xuân Canh Tý 2020”.. Cũng trong dịp Tết, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.090 thôn bản tổ chức dạ hội văn nghệ, hái hoa dân chủ, các trò chơi dân gian truyền thống; 1.120 thôn, bản tổ chức giao lưu, thi đấu thể thao tạo không khí vui vẻ, đoàn kết trong tầng lớp nhân dân. Hệ thống pano, cụm cổ động, cờ các loại được treo móc, gần 100% gia đình treo cờ Tổ quốc; hệ thống loa phát thanh được phát huy đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi đối với nhân dân.

     Hoạt động vui Tết, đón Xuân tại các điểm di tích, lễ hội đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Không xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi. Các sở, ngành, địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, vui Tết, đón Xuân tại các điểm di tích, các lễ hội phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương.

     Các địa phương tiếp tục chuẩn bị chu đáo các hoạt động Lễ hội sau Tết Nguyên đán, nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 các hoạt động văn hóa và các Lễ hội kể từ ngày 01/02/2020 đến nay buộc phải tạm dừng không được tổ chức theo kế hoạch. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của các cấp về phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Hang Tám thanh niên xung phong và Núi Thần Đinh.

     4. Hoạt động thể dục, thể thao  

     Hoạt động thể dục, thể thao 3 tháng đầu năm chủ yếu tập trung trong dịp Tết Nguyên đán và chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống như: bóng đá, bóng chuyền và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, bóng bàn, cấp cù, cờ tướng, cờ thẻ... Nhìn chung, các hoạt động thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã diễn ra sôi nổi, vui tươi và tiết kiệm, hướng về cơ sở để phục vụ nhân dân vui Tết - đón Xuân và chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng. Thể thao thành tích cao đã tham gia thi đấu giải Cờ Vua, Cờ tướng các nhóm tuổi miền Trung mở rộng năm 2020 tại Nghệ An đạt 37 huy chương các loại (3 HCV, 13 HCB và 21 HCĐ) xếp thứ 3 toàn đoàn tham dự.

     Đầu tháng 2 năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức Hội khỏe phù đổng tỉnh lần thứ XV năm 2020 và dự kiến sẽ được vào đầu tháng 4/2020 (theo kế hoạch được tổ chức từ ngày 3/3/2020 đến ngày 6/3/2020); các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao tập trung đông người của tỉnh không được tổ chức theo kế hoạch.

     5. An toàn giao thông, cháy nổ

     a. An toàn giao thông

     Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, Công an tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ ra quân trấn áp tội phạm, ra mắt hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh - cơ động (lực lượng 141QB). Lực lượng 141QB gồm 3 tổ là các cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông; Cảnh sát hình sự; Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy; Cảnh sát cơ động.  Lực lượng 141QB được trang bị đầy đủ các phương tiện, vũ khí, công vụ hỗ trợ, tập trung tuần tra trên các tuyến giao thông đường bộ, địa bàn trọng điểm, khép kín địa bàn vào thời gian cao điểm các ngày đêm trong tuần, đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông  trên tất cả các tuyến đường, phục vụ người dân đi lại an toàn và thuận lợi trọng dịp Tết. Bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, các tuyến đường và địa bàn trọng điểm đã huy động 100% quân số ứng trực; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.. Nhờ đó, tình hình trật tự và an toàn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; cụ thể:

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 2 năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đường bộ 15 vụ, giảm 5 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng tháng 2 năm 2019. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, giảm 4 người so với tháng 2 năm 2019, trong đó đường bộ chết 7 người, giảm 4 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 13 người, giảm 7 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 13 người, giảm 7 người; đường sắt, đường thủy không có người bị thương, bằng cùng kỳ năm trước.

     Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đường bộ 25 vụ, giảm 13 vụ so cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 12 người, giảm 9 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 12 người, giảm 9 người; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 23 người, giảm 4 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 23 người, giảm 4 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2019.

     b. Tình hình cháy nổ

     Tháng 2 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra vụ 2 vụ cháy, ước giá trị thiệt hại 90 triệu đồng, trong đó cháy nhà đơn lẻ 1 vụ với giá trị thiệt hại 30 triệu đồng, cháy loại hình khác 1 vụ với giá trị thiệt hại 60 triệu đồng; so với tháng 2 năm 2019 số vụ cháy nổ tăng 1 vụ, giá trị thiệt hại tăng 80 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy với giá trị thiệt hại 120 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 1 vụ với giá trị thiệt hại 30 triệu đồng, cháy loại hình khác 2 vụ với giá trị thiệt hại 90 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ cháy nổ giảm 1 vụ, giá trị thiệt hại giảm 1.405 triệu đồng.

     Tóm lại, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong 3 tháng đầu năm 2020 gặp khá nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trước mắt ảnh hưởng đến một số ngành trong khối dịch vụ. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đang được triển khai thuận lợi; sản xuất công nghiệp có bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không đáng kể nên tăng trưởng sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm đạt khá. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch Covid trên thế giới còn tác diễn biến phức tạp sẽ tác động đến phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng. Nếu dịch kéo dài, không chỉ các ngành trong khối dịch vụ bị ảnh hưởng mà kể cả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh và thực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trước mắt tỉnh cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:

     - Tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, giảm thiểu tối đa các tác hại do dịch bệnh gây ra; thực hiện việc cách ly y tế theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh tại các cửa khẩu, biên giới, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp đưa tin thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân;

     - Thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân hàng và các biện pháp khác để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; có phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;

     - Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ổn định tâm lý cho nhân dân và khách du lịch; thực hiện chương trình quảng bá du lịch Quảng Bình là điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Bình;

     - Tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thực hiện có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Chủ động tìm kiếm thị trường để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra;

     - Đẩy mạnh thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai để sớm đưa vào sản xuất. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, có giải pháp hiệu quả hỗ trợ sản xuất ngành công nghiệp phát triển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân;

     - Triển khai thực hiện các giải pháp để học sinh đến trường an toàn sau thời gian nghỉ dài ngày do dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch dạy và học hiệu quả khi học sinh trở lại trường trong thời gian đến./.

[Trở về]