THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 

Trong tháng 11 và 11 tháng năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ những giải pháp với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch KT-XH năm 2023, nhờ vậy KT-XH của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình cụ thể trên các lĩnh vực trong tháng 11 và 11 tháng năm 2023 như sau:

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 11/2023 tập trung vào công tác chuẩn bị cho gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024 như làm đất, chọn mua giống, phân bón, triển khai tu sửa nạo vét kênh mương và triển khai sản xuất rau các loại. Sản xuất lâm nghiệp tập trung công tác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Sản xuất thuỷ sản phát triển ổn định.

- Trồng trọt

Nhìn chung, tình hình sản xuất cây hàng năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Hoạt động trồng trọt đảm bảo tiến độ và chuyển dịch đúng hướng. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng và sự nỗ lực của bà con nông dân nên cơ bản kết thúc gieo trồng các Vụ sản xuất đều đúng lịch thời vụ, hầu hết các địa phương gieo trồng hết diện tích.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm 83.241,7 ha, giảm 0,8% so với năm trước. Trong đó: Diện tích vụ Đông Xuân 47.072,6 ha, giảm 0,8%; diện tích vụ Hè Thu 35.898,2 ha, giảm 0,5%; diện tích vụ Mùa 271,0 ha, giảm 28,1% so với năm trước. Nguyên nhân, diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm do giá cả các loại vật tư phân bón, giống, chi phí làm đất tăng cao, nên nhiều hộ bỏ ruộng hoang, một số nơi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn như rau các loại, cây ăn quả,...; bên cạnh đó, một số diện tích đất bị thu hồi do các dự án của Nhà nước triển khai giải phóng mặt bằng.

Diện tích gieo trồng một số loại cây trồng cả năm: Cây lúa thực hiện 52.952,5 ha, giảm 0,1% (trong đó: Vụ Đông Xuân 29.375,0 ha, giảm 0,2%; vụ Hè Thu 23.306,5 ha, tăng 0,4%; vụ Mùa 271,0 ha, giảm 28,1%); cây ngô và cây lương thực có hạt khác 4.592,9 ha, tăng 1,4%; cây lấy củ có chất bột 2.707,9 ha, giảm 1,6%; cây thuốc lá, thuốc lào 0,2 ha, giảm 33,3%; cây có hạt chứa dầu 3.919,0 ha, giảm 11,2%; cây rau, đậu các loại và hoa 7.725,2 ha, tăng 2,6%; cây hàng năm khác 3.960,3 ha, giảm 5,4% so với năm trước.

Nhìn chung, diện tích gieo trồng cây hàng năm các nhóm cây trồng phần lớn giảm chủ yếu ở cây lạc, cây khoai lang, cây hàng năm khác, cây có hạt chứa dầu. Một số diện tích do kém hiệu quả đang thực hiện chuyển sang trồng loại cây khác như: Sâm bố chính, cây rau màu,… có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều diện tích khoai lang, khoai sọ được thay thế trồng cây khác như hoa các loại, cây gia vị, dược liệu hàng năm, cây thức ăn gia súc. Diện tích cây lạc giảm do nhiều hộ dân chuyển sang trồng sắn, ngô, khoai và một số diện tích bị thu hồi để làm khu tái định cư, thu hồi để giải phóng mặt bằng cho Dự án đường cao tốc Bắc - Nam ở địa bàn huyện Bố Trạch.

Năng suất gieo trồng một số cây trồng cả năm: Cây lúa đạt 53,15 tạ/ha, tăng 4,2% (trong đó: Vụ Đông Xuân đạt 62,51 tạ/ha, tăng 5,3%; vụ Hè Thu đạt 41,81 tạ/ha, tăng 1,8%; vụ Mùa đạt 13,78 tạ/ha, tăng 13,4%); ngô đạt 59,36 tạ/ha, giảm 0,2%; khoai lang đạt 77,67 tạ/ha, tăng 0,2%; sắn đạt 178,94 tạ/ha, giảm 3,8%; lạc đạt 23,64 tạ/ha, giảm 0,6%; rau các loại đạt 104,49 tạ/ha, tăng 10,9%; đậu các loại đạt 9,08 tạ/ha, tăng 1,8% so với năm trước.

Sản lượng lương thực năm 2023 đạt 308.416,3 tấn, tăng 3,8% so với năm trước. Trong đó: Sản lượng lúa đạt 281.434,7 tấn, tăng 4,0%; ngô đạt 26.714,1 tấn, tăng 0,7%; sản lượng kê đạt 267,5 tấn, tăng 23,9% so với năm trước. Sản lượng một số cây trồng khác: Khoai lang đạt 21.031,6 tấn, giảm 9,2%; sắn đạt 119.865 tấn, giảm 4,1%; lạc đạt 8.071,6 tấn, giảm 13,6%; rau các loại đạt 65.792,2 tấn, tăng 16,4% so với năm trước.

* Sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trong thời tiết khá thuận lợi, tạo điều kiện cho công tác chuẩn bị và triển khai gieo trồng các loại cây hàng năm. Theo đó, tiến độ gieo trồng các loại cây tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hình 1. Tiến độ gieo trồng một số cây hàng năm vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Ước tính tháng 11, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân thực hiện 2.236,0 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu thực hiện như sau: Cây ngô 308,2 ha, tăng 0,1%; khoai lang 510 ha, giảm 1,9%; sắn 82,5 ha, giảm 0,6%; rau, đậu các loại 1.130 ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất; thực hiện công tác chuẩn bị giống, phân bón, triển khai tu sửa, nạo vét kênh mương nhằm tạo thuận lợi thực hiện sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Trước mắt, tập trung triển khai sản xuất rau các loại.

- Chăn nuôi

Sản xuất chăn nuôi tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cơ bản ổn định. Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 5.987,8 tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 161,0 tấn, giảm 8,1%; thịt bò 712,3 tấn, giảm 5,3%; thịt lợn 2.440,5,0 tấn, tăng 4,6%; thịt gia cầm 2.674,0 tấn, tăng 11,8% (trong đó: thịt gà 1.704,5 tấn, tăng 14,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11 tháng đạt 76.676,2 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 1.711,0 tấn, giảm 4,3%; thịt bò 8.571,7 tấn, giảm 5,4% thịt lợn 41.664,5,0 tấn, tăng 4,9%; thịt gia cầm 24.729,0 tấn, tăng 10,3% (trong đó: thịt gà 19.355,5 tấn, tăng 12,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Dịch tả lợn châu Phi: Hiện nay, còn 2 xã của huyện Minh Hóa có dịch chưa qua 21 ngày. Lũy kế đến ngày 14/11/2023, dịch bệnh xảy ra tại 142 hộ/22 thôn/13 xã/4 huyện (Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch) làm 1.118 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 54.239 kg.

- Bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm,... chưa xảy ra [1].

b) Lâm nghiệp

Thời tiết trong tháng 11 tương đối thuận lợi, các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ rừng trồng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch năm 2023.

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 11 ước thực hiện 1.650 ha, giảm 4,3%; 11 tháng ước thực hiện 8.660 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các địa phương, đơn vị và hộ dân trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 11 ước thực hiện 62.425 m3, tăng 8,6%; 11 tháng ước thực hiện 557.727 m3, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 11 ước thực hiện 11.305 ste, tăng 2,1%; 11 tháng ước thực hiện 340.551 ste tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu tháng 11 đến nay không xảy ra cháy rừng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay xảy ra 14 vụ cháy rừng, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị cháy 80,63 ha, tăng 77,36 ha so với cùng kỳ năm trước.

c) Thủy sản

Sản xuất thuỷ sản tháng 11 trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, sản lượng thuỷ sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước.  Ước tính sản lượng thủy sản tháng 11 đạt 6.457,0 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản 11 tháng ước đạt 90.527,3 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 74.118,7 tấn, tăng 4,7%; tôm đạt 5.828,2 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 10.580,4 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

- Khai thác

Thời tiết trong tuần giữa tháng 11 biển động mạnh, áp thấp nhiệt đới, kèm theo mưa lớn xảy ra, vì vậy các địa phương có tàu thuyền đánh bắt phải chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để bám biển vươn khơi đánh bắt. Tranh thủ tình hình thời tiết lúc thuận lợi nên ngư dân đã đưa tàu ra khơi đánh bắt đạt hiệu quả.

Ước tính sản lượng khai thác tháng 11 đạt 5.231,9 tấn, tăng 2,9%; 11 tháng đạt 78.557,1 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 11 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 66.289,3 tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 1.915,8 tấn, tăng 3,2%; thuỷ sản khác đạt 10.352,0 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 74.611,0 tấn, tăng 4,9%; khai thác nội địa 3.946,1 tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, không cho ra biển hoạt động đối với các tàu không chấp hành đúng các quy định về khai thác thuỷ sản. Trong những tháng cuối năm, cần đẩy mạnh khai thác xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá; tăng cường năng lực đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, chú trọng khai thác các đối tượng có giá trị xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế thuỷ sản.

- Nuôi trồng

Tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ ổn định. Ước tính tháng 11, sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 1.225,1 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm nuôi trồng đã được thu hoạch từ những tháng trước để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra nên sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng 11 chỉ tăng nhẹ. Hiện nay các hộ nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục bảo vệ, gia cố hồ, ao nuôi để chuẩn bị nuôi phục vụ cho tết Nguyên đán.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch 11 tháng đạt 11.970,2 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 11 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 7.829,4 tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 3.912,4 tấn, tăng 1,4%; thuỷ sản khác đạt 228,4 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

2. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục có sự tăng trưởng so với tháng trước, một số ngành sản xuất tăng so với tháng trước như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất trang phục; khai thác, xử lý và cung cấp nước; sản xuất và phân phối điện; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng của thế giới tiếp tục sụt giảm trước tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lam phát và cuộc chiến Nga - Ukraine,… đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 năm 2023 tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 5,2% (nguyên nhân do những tháng đầu năm trữ lượng thực tế khai thác tại mỏ của ngành khai thác quặng kim loại đạt thấp so với cùng kỳ năm trước); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 74,8%; sản xuất đồ uống tăng 53,0%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 28,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 24,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 17,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 16,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 15,8% (nguyên nhân một số ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước, do năm 2022 một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất sản phẩm với sản lượng thấp vì không có đơn hàng, sản phẩm tiêu thụ khó khăn). Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác giảm 2,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 7,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 9,1%; khai thác quặng kim loại giảm 29,3%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 11 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 43.290 tấn, giảm 29,3%; đá xây dựng đạt 2,7 triệu m3, giảm 8,6%; cao lanh đạt 74.613 tấn, tăng 11,0%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 23.505 tấn, giảm 0,3%tinh bột sắn đạt 11.522 tấn, tăng 92,9%; bia đóng chai đạt 4.673 nghìn lít, tăng 123,6%; nước khoáng đạt 1.632 nghìn lít, giảm 6,3%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 5.323 nghìn cái, giảm 2,2%; áo sơ mi đạt 9.087 nghìn cái, giảm 25,9%; dăm gỗ đạt 320.340 tấn, giảm 19,4%; ván ép từ gỗ đạt 39.740 m3, giảm 13,2%; cao su tổng hợp đạt 1.350 tấn, tăng 32,5%; kính cường lực đạt 2.636 tấn, tăng 5,9%; clinker thành phẩm đạt 2,3 triệu tấn, giảm 15,8%; xi măng đạt 1,6 triệu tấn, tăng 9,6%; điện gió đạt 522,4 triệu kwh, tăng 30,3%; điện thương phẩm đạt 1.008 triệu kwh, tăng 0,5%; nước máy thương phẩm đạt 13.240 nghìn m3, tăng 7,9%.

3. Vốn đầu tư

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2023 dự kiến tăng so với tháng trước, nguyên nhân do thời điểm cuối năm nhiều công trình, dự án được các nhà thầu và đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như các điểm nghẽn trong nghiệm thu, bàn giao khối lượng nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Quảng Bình; Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình…

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 11 năm 2023 ước tính đạt 566,3 tỷ đồng, tăng 14,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 396,2 tỷ đồng, tăng 11,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 103,0 tỷ đồng, tăng 18,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 67,1 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 4.518,6 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 3.005,9 tỷ đồng, tăng 9,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 896,4 tỷ đồng, tăng 15,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 616,3 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

4. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Hoạt động thương mại trong tháng 11/2023 bắt đầu sôi động trở lại nhờ nhu cầu mua sắm tăng vào những tháng cuối năm, đặc biệt các mặt hàng may mặc khi thời tiết chuyển mùa, đồ dùng gia dụng,…Thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng phong phú, chất lượng cao, đáp ứng đủ mọi nhu cầu thiết yếu của người dân. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2023 tăng nhẹ so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2023 đạt 3.677,8 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ; trong đó hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 1.366,1 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc ước đạt 465,5 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ; nhóm nhiên liệu khác ước đạt 20,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ; nhóm đá quý, kim loại quý và săn phẩm ước đạt 36,4 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,0% so với cùng kỳ,…; Riêng có 2 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ đó là: nhóm ô tô con ước đạt 215,9 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 10,0% so với cùng kỳ; nhóm phương tiện đi lại ước đạt 96,4 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 đạt 42.076,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao nhất 14,0% và đóng góp tăng 5,1 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023

Năm 2023, hoạt động thương mại, dịch vụ trong tỉnh vẫn duy trì ổn định và có nhiều tín hiệu khởi sắc, cùng với nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân tăng cao vào các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch đã tác động tích cực đến tổng mức bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp khó lường của nền kinh tế thế giới và trong nước, lạm phát tăng cao, tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ; giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Trong năm, nhờ sự nỗ lực của các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp đã chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng,… Nhờ vậy, tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ tương đối ổn định, sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu người dân, góp phần làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tỉnh.

b) Lưu trú, ăn uống và du lịch

Tháng 11 năm 2023, hoạt động dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống giảm so với tháng trước do thời tiết chuyển mùa mưa lụt nên nhu cầu giảm.

- Dịch vụ lưu trú

Doanh thu hoạt động lưu trú tháng 11 ước đạt 38,2 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 518,1 tỷ đồng, tăng 26,0% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 11 đạt 115.543 lượt khách, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 1.576.579 lượt khách, tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 11 ước đạt 6.357 lượt khách, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 61,4% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 86.855 lượt khách quốc tế, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 11 ước đạt 123.844 ngày khách, giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 1.673.443 ngày khách, tăng 32,0% so với cùng kỳ.

Hình 6. Lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2023

- Dịch vụ ăn uống

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 11 ước đạt 286,5 tỷ đồng, giảm 0,4% so với tháng trước, tăng 3,2% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 3.699,3 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ lữ hành

Ước tính tháng 11 doanh thu hoạt động lữ hành đạt 31,7 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng trước, tăng 9,9% so với cùng kỳ, 11 tháng đạt 422,0 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ.

Hình 7. Du lịch lữ hành 11 tháng năm 2023

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 11 ước đạt 55.834 lượt khách, giảm 0,8% so với tháng trước, tăng 23,4% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 701.652 lượt khách, tăng 46,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 11 ước đạt 5.868 lượt khách, tăng 11,8% so với tháng trước, tăng 80,6% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 77.212 lượt khách quốc tế, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Năm 2023, nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của người dân tương đối cao, nhiều du khách trên cả nước đã chọn Quảng Bình là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, giúp tỉnh nhà thu hút lượng khách du lịch lớn. Đặc biệt trong quý II và quý III năm 2023 lượng khách du lịch tương đối lớn, bước sang quý IV, dù lượng khách du lịch giảm nhiều, nhưng nhiều chương trình quảng bá hình ảnh du lịch trên địa bàn được triển khai như: Chương trình Chào đón năm mới 2024; sự kiện Làng du lịch Tân Hóa thuộc huyện Minh Hóa được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”,… Nhiều chương trình giảm giá vẫn tiếp tục diễn ra những tháng cuối năm nhằm kích cầu như: Khu du lịch suối nước nóng Bang Onsen Spa & Resort Quảng Bình giảm giá 30% tất cả các dịch vụ từ tháng 10/2023 - 31/12/2023 cho khách du lịch là người Quảng Bình; các Khách sạn từ 3 sao trở lên giảm giá phòng nghĩ từ tháng 10/2023 - 01/2024,… nhằm thu hút lượng khách tham quan, nghĩ dưỡng.

c) Dịch vụ khác

Các ngành kinh doanh dịch vụ tăng trưởng tích cực trong năm 2023, đặc biệt trong quý II và quý III, các nhóm ngành dịch vụ đều tăng do nhu cầu tiêu dùng, du lịch, vui chơi giải trí vào dịp hè sôi động hơn bởi ảnh hưởng từ ngành du lịch phát triển kéo theo các dịch vụ đi kèm tăng như dịch vụ lao động, cho thuê phương tiện đi lại, vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm mạnh do chính sách tài khóa, thắt chặt tín dụng làm cho thanh khoản của thị trường bất động sản gặp khó khăn, giá bất động sản giảm do nguồn cầu giảm đã tác động giảm đến tổng doanh thu của các ngành kinh doanh dịch vụ.

Ước tính doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ tháng 11 đạt 176,7 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng 2023 đạt 1.937,2 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó các nhóm ngành tăng cao so với cùng kỳ đó là: nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,4%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 8,3%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 13,4%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 17,7%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 14,1%;... Riêng nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 25,6% làm ảnh hưởng giảm 1,6 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của các ngành kinh doanh dịch vụ.

d) Vận tải

Tháng 11, thời tiết trở lạnh nên nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng của người dân tăng; bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh và hộ dân cư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước Tết nên nhu cầu vận chuyển nguyên, vật liệu, thiết bị phục vụ cho các công trình giai đoạn hoàn thiện tăng, dẫn đến hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 11/2023 ước tính đạt 461,5 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 4.957,8 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ, trong đó: Vận tải hành khách đạt 802,9 tỷ đồng, tăng 8,5%; vận tải hàng hóa đạt 3.754,6 tỷ đồng, tăng 13,3%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 400,3 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải 11 tháng năm 2023

- Vận tải hành khách: Ước tính tháng 11/2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 2,9 triệu hành khách, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 131,3 triệu hành khách.km, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 31,2 triệu hành khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.412,2 triệu hành khách.km, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa: Ước tính tháng 11/2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2,9 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 187,3 triệu tấn.km, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 31,6 triệu tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 2.144,7 triệu tấn.km, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

- Chỉ số giá tiêu dùng

Nhìn chung tình hình giá tiêu dùng tháng này có những điều chỉnh tăng giảm rõ rệt, cụ thể: Giá điện sinh hoạt tăng, giá lương thực tăng do gạo tăng giá mạnh, giá vàng tăng do giá vàng thế giới tăng mạnh; ngược lại giá một số mặt hàng giảm mạnh như giá nhiên liệu trong nước điều chỉnh giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá thực phẩm giảm mạnh, đặc biệt là một số mặt hàng có quyền số lớn như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm,… các yếu tố trên đã tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Quảng Bình tháng 11 năm 2023 giảm 0,08% so tháng trước; tăng 9,39% so với cùng kỳ năm trước; tăng 9,70% so với tháng 12 năm trước; tính chung 11 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,80% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Nhóm hàng hóa tăng 2,86%; nhóm dịch vụ tăng 5,68%).

So với tháng trước, CPI tháng 11/2023 giảm 0,08% (khu vực thành thị tăng 0,24%; khu vực nông thôn giảm 0,26%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm giảm và 4 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng ổn định. Cụ thể 5 nhóm hàng tăng giá đó là: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu ở nhóm rượu các loại tăng 0,65%; thuốc hút tăng 1,50%,... nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09% so với tháng trước, do nhóm điện sinh hoạt tăng 1,37%, giá ga tăng 0,89% so với tháng trước,…; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05% so với tháng trước, trong đó có nhóm đồ dùng trong nhà tăng 0,06%, nhóm xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,14%,...; nhóm giao thông tăng 0,33% so với tháng trước, chủ yếu do nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 19,25%, trong đó nhóm vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 72,63% do nhu cầu tăng cao; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01% so với tháng trước; Có 2 nhóm chỉ số giá CPI giảm đó là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,44% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,17 điểm phần trăm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu giảm ở nhóm giải trí giảm 0,21% và nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh giảm 0,48%,...; Có 4 nhóm chỉ số giá CPI ổn định đó là: nhóm may mặc mũ nón và dày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục và nhóm bưu chính viễn thông.

- Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 11/2023 giá vàng tăng 3,55% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5.886,5 triệu đồng/lượng vàng 99,99%, tăng 52,12% so với kỳ gốc 2019, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,79% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ (USD) tháng 11/2023 giá bình quân 24.259 đồng/USD, tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 5,03% so với kỳ gốc 2019, giảm 1,35% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,98% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước.

5. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 11 tháng năm 2023 ước tính thực hiện 4.852,4 tỷ đồng, bằng 69,3% dự toán địa phương giao và bằng 64,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 4.279,4 tỷ đồng, bằng 65,8% dự toán địa phương giao và bằng 57,9% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 573,0 tỷ đồng, vượt 14,6% dự toán địa phương giao, vượt 116,2% so với dự toán Trung ương và tăng 247,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 11 tháng năm 2023, có 6/16 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu ngoài quốc doanh, thu phí và lệ phí, thuế bảo vệ môi trường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu xổ số kiến thiết và thu tiền sử dụng khu vực biển.

Tổng chi NSNN trên địa bàn 11 tháng ước tính thực hiện gần 12.015,5 tỷ đồng, đạt 90,2% dự toán trung ương giao, đạt 83,7% dự toán địa phương giao.

b) Tín dụng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó tập trung triển khai chính sách tín dụng tại Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

- Hoạt động huy động vốn:

Đến 31/10/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 62.084 tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Ước tính đến 30/11/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 62.495 tỷ đồng, tăng 11,9% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng:

Đến 31/10/2023, tổng dư nợ đạt 82.785 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm. Ước tính đến 30/11/2023, dư nợ đạt 83.300 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm.

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Tình hình các bệnh truyền nhiễm đều được kiểm soát tốt, trong tháng, ngành y tế đã phát hiện 391 trường hợp sốt xuất huyết, 461 trường hợp cúm, 129 trường hợp tiêu chảy, các trường hợp bệnh đều được phát hiện và điều trị kịp thời.

Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong tháng xảy ra 17 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, tính đến ngày 16/11/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 32 ca mắc, ngoài ra còn có 201 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, các bệnh nhân đã được nhập viện điều trị kịp thời.

2. Giáo dục và đào tạo

Hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn ngành Giáo dục lần đầu tiên phối hợp một đơn vị y tế tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên (hơn 2.300 người) ở các đơn vị trực thuộc. Hoạt động có ý nghĩa này góp phần chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục, qua đó động viên các nhà giáo khắc phục khó khăn vươn lên dạy tốt. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo còn triển khai những chương trình nhân ái đầy ý nghĩa như khởi công nhà nhân ái tặng cô giáo mầm non có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Bình; trao 181 triệu đồng đến giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngày 13/11/2023, tại Quảng Bình, Cụm thi đua số 6 khu vực Bắc Trung bộ (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục các tỉnh tập trung thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; trong đó, tập trung thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và các Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả phong trào thi đua dạy tốt - học tốt; phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; thực hiện chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

a) Hoạt động văn hóa

Quảng Bình vinh dự có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm Hát Kiều, Hát ru Cảnh Dương. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân Quảng Bình, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, góp phần phát triển du lịch.

Trong tháng, các xã, phường, thị trấn sôi nổi tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực; là dịp để bà con gặp gỡ, chia sẻ, chung vui với kết quả đạt được trong năm qua; xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển cho năm tới; cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, động viên nhau cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.

b) Hoạt động thể dục thể thao

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp giúp đỡ các đơn vị Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tổ chức hội thao Ngành thành công tốt đẹp.

Tính đến hết ngày 31/10/2023, các đội tuyển thể thao thành tích cao Quảng Bình đã tham gia thi đấu 25 giải toàn quốc và 02 giải quốc tế đạt được 180 huy chương các loại (42 HCV, 54 HVB, 84 HCĐ).

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

- An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 17/10/2023-16/11/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, trong đó, đường bộ 23 vụ, đường sắt 1 vụ; số người chết do tai nạn giao thông 9 người, số người bị thương do tai nạn giao thông 19 người. Lũy kế 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông, tăng 24 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, đường bộ 128 vụ, đường sắt 03 vụ. Số người chết do tai nạn giao thông 65 người, tăng 02 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 102 người, tăng 20 người so với cùng kỳ.

- Tình hình cháy nổ

Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ đầu tháng đến nay không xảy ra vụ cháy. Lũy kế 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy với giá trị thiệt hại tạm ước tính 6.535,5 triệu đồng.

5. Tình hình đời sống dân cư

Trong tháng 11 và 11 tháng năm 2023, tình hình kinh tế của cả nước và của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao, thị trường bất động sản trầm lắng,... đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, nhờ các chính sách an sinh, xã hội được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời nên đời sống nhân dân trên địa bàn tương đối ổn định. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất được triển khai đến từng hộ gia đình tạo nguồn lực sản xuất, tăng cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến xuất khẩu lao động được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động trong tháng 11 được nâng lên; nhiều cơ quan tổ chức đã thực hiện việc chi trả lương mới theo chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (từ ngày 01/7/2023) đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, cải thiện mức sống dân cư. Các chế độ tiền lương, chính sách đối với đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn được đảm bảo; giá cả hàng hóa tiêu dùng tuy có tăng lên, nhưng cơ bản vẫn ổn định, đời sống của người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn có phần được cải thiện hơn./.

[1] Nguồn: Báo cáo số 560/BC-CNTY ngày 16/11/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y

[Trở về]