THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 

Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 486-CV/TU ngày 27/01/2023 và UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 28/01/2023 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, theo đó các sở, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, khẩn trương triển khai nhiệm vụ, tập trung cao độ thực hiện các công việc theo các chương trình công tác năm 2023.

Quảng Bình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với nhiều khó khăn: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; trong nước, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng,... Bên cạnh khó khăn, có những thuận lợi: Các ngành kinh tế trên đà phục hồi, ổn định và tăng trưởng cao, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt nên các ngành dịch vụ và đặc biệt là du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ,...

Sáu tháng đầu năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên chú trọng các giải pháp phục hồi, phát triển KTXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2023 của Chính phủ; cùng với sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân trong toàn tỉnh, nhờ đó KTXH 6 tháng đầu năm tỉnh Quảng Bình đã đạt những kết quả quan trọng: Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đầu năm dự ước tăng 6,90% (đứng thứ 20 cả nước và đứng thứ 2 các tỉnh Bắc Trung bộ); sản xuất vụ Đông Xuân đạt kết quả khả quan, khai thác thủy sản được đẩy mạnh; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá cao; du lịch phục hồi và tăng trưởng nhanh; môi trường đầu tư từng bước được cải thiện; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống văn hóa và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm,...

I. KINH TẾ

Kết quả 6 tháng đầu năm 2023 của một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 14.173,9 tỷ đồng, tăng 6,90% [1] so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,19%; kế hoạch năm 2023 tăng 7,0-7,5%);

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thuỷ sản theo giá so sánh 2010 đạt 5.182,5 tỷ đồng, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 1,34%; kế hoạch năm 2023 tăng 3,5 - 4,0%);

- Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng theo giá so sánh 2010 đạt 14.164,9 tỷ đồng, tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,97%); Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.861 tỷ đồng, tăng 7,45% (cùng kỳ năm trước tăng 12,27%; kế hoạch năm 2023 tăng 8,5-9,0%);

- Giá trị sản xuất dịch vụ theo giá so sánh 2010 đạt 12.600,7 tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,41%; kế hoạch năm 2023 tăng 6,5-7,0%);

- Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2022-2023 đạt 201.534,8 tấn, tăng 1,1% so với vụ Đông Xuân năm trước và vượt 4,5% kế hoạch vụ Đông Xuân 2023;

- Sản lượng thủy sản đạt 45.778,1 tấn, tăng 4,8% với cùng kỳ năm trước;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 12.950,2 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước;

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 23.232,9 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng sản phẩm (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14.173,9 tỷ đồng, tăng 6,90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.660,8 tỷ đồng, tăng 2,91%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.698,4 tỷ đồng, tăng 8,91%, đóng góp 2,28 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt 7.269 tỷ đồng, tăng 7,44%, đóng góp 3,8 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 545,7 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,25 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay cao hơn 6 tháng đầu năm 2022 nhờ có sự đóng góp quan trọng của khu vực dịch vụ (khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 51,3% trong tổng số GRDP và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 7,44%); bên cạnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong 3 khu vực của nền kinh tế, chỉ có khu vực công nghiệp, xây dựng tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (do 6 tháng đầu năm 2022 điện gió mới vào hoạt động)...

Cơ cấu GRDP: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 20,20%, giảm 0,74 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,67% (bao gồm cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm), tăng 0,23 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 50,13%, giảm 0,51 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Hình 1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023


Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sáu tháng đầu năm 2023, sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 thời tiết thuận lợi. Diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng nhẹ, năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với vụ Đông Xuân năm trước; mặc dù gặp một số khó khăn nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng vẫn tăng so với cùng kỳ; sản xuất thủy sản phát triển ổn định, du lịch phục hồi mạnh mẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng mạnh, khai thác thủy sản được đẩy mạnh, sản lượng khai thác tăng khá. Đó là những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực này.

Khu vực công nghiệp - xây dựng: Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến có các đơn hàng mới được ký kết, sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước làm cho ngành công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Đối với lĩnh vực xây dựng - đầu tư, ngay từ đầu năm 2023 tỉnh ta đã khởi công nhiều dự án lớn, đồng thời các dự án phát triển khu nghỉ dưỡng, khu nhà ở thương mại, khu đô thị,… cũng tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, nhiều công trình đầu tư xây dựng của khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng được khởi công xây dựng trong những tháng đầu năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực này.

Khu vực dịch vụ: Cùng với sự phát triển các ngành sản xuất, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tiếp tục phát triển, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được đảm bảo; không có hiện tượng khan hàng, sốt giá,… Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt nên các ngành dịch vụ như: Bán lẻ hàng hoá, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, các dịch vụ vui chơi, giải trí,... có nhiều khởi sắc. Trong đó nổi bật là ngành du lịch đã có sự phục hồi nhanh, lượt khách đến Quảng Bình tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày Lễ 30/4, 1/5,… Khu vực này là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của cả tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 (đóng góp 3,8 điểm % trong tống số 6,90% tăng trưởng GRDP).

2. Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

Sáu tháng đầu năm 2023, sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên công tác gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo lịch thời vụ đề ra và cơ bản gieo trồng hết diện tích, năng suất lúa và một số loại cây trồng khác tăng. Hoạt động chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp tập trung trồng rừng, tuyên truyền, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tăng, ngư dân nỗ lực đẩy mạnh ra khơi bám ngư trường, nên sản lượng khai thác thủy sản tăng khá; nuôi trồng thuỷ sản phát triển trong việc thả nuôi mới và thu hoạch sản phẩm.

2.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

* Sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023

Vụ Đông Xuân năm nay thời tiết thuận lợi nên công tác gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo lịch thời vụ đề ra và cơ bản gieo trồng hết diện tích. Tuy nhiên, ngày 08/5/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kèm dông lốc làm đổ ngã 5.378 ha lúa, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân.

Ước tính diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 54.432,7 ha, tăng 0,2% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó, diện tích gieo trồng cây lúa thực hiện 29.385,7 ha, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng lúa ở các địa phương như sau: Đồng Hới 851,7 ha, giảm 2,1%; Ba Đồn 2.625,2 ha, giảm 0,3%; Minh Hóa 511,2 ha, tăng 1,0%; Tuyên Hóa 1.440,5 ha, giảm 0,2%; Quảng Trạch 3.467 ha, tăng 1,9%; Bố Trạch 5.150,4 ha, giảm 0,5%; Quảng Ninh 5.182 ha, giảm 0,6%; Lệ Thủy 10.157,7 ha, giảm 0,3% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu: Ngô 4.006 ha, tăng 2,2%; khoai lang 2.490 ha, giảm 2,4%; sắn 6.790 ha, tăng 1%; mía 155 ha, giảm 5,8%; lạc 3.420 ha, giảm 1,3%; rau các loại 4.320,9 ha, tăng 1,7%; đậu các loại 510,8 ha, tăng 2,3% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Hình 2. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân


Ước tính năng suất một số cây trồng chủ yếu vụ Đông Xuân 2023 như sau: Năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh đạt 60,21 tạ/ha, tăng 1,4%; ngô đạt 60,9 tạ/ha, giảm 0,2%; khoai lang đạt 80,52 tạ/ha, giảm 0,04%; lạc đạt 25,0 tạ/ha, tăng 2%; rau các loại đạt 105,49 tạ/ha, tăng 11,1%; đậu các loại đạt 10,33 tạ/ha, tăng 16,6% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Ước tính sản lượng lương thực vụ Đông Xuân năm 2023 đạt 201.534,8 tấn, tăng 1,1% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó: Sản lượng lúa đạt 176.930,8 tấn, tăng 1,2%; sản lượng lương thực khác 24.604 tấn, tăng 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm nay tăng nhẹ, năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với vụ Đông Xuân năm trước. Được sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của lãnh đạo các cấp đã chuyển dịch cây trồng theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Công tác chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ vào sản xuất đạt kết quả tốt, nhờ đó đã tạo được sự ổn định về tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Vấn đề đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng được quan tâm đẩy mạnh.

* Triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2023

Ngay sau khi kết thúc thu hoạch lúa Đông Xuân, các địa phương tập trung vào việc triển khai sản xuất vụ Hè Thu đảm bảo đúng lịch thời vụ; xây dựng kế hoạch điều tiết, dự trữ nước bảo đảm phục vụ cho công tác gieo trồng; chuẩn bị triển khai các phương án phòng tránh diễn biến bất thường của thời tiết, nhằm thu hoạch trước mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Ngành Nông nghiệp đã bố trí đầy đủ về số lượng, chủng loại và cơ cấu giống lúa, đặc biệt tăng cường sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, chống chịu khá với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất thuận và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí trong sản xuất lúa vụ Hè Thu,... Hiện tại, các địa phương đang tập trung làm đất.

* Sản xuất cây lâu năm

Sáu tháng đầu năm 2023, thời tiết tương đối thuận lợi tạo điều kiện tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển cây lâu năm; sản xuất cây lâu năm được phục hồi và phát triển khá so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo kiểm tra, soát xét lại diện tích và tiếp tục chăm sóc; đồng thời triển khai trồng mới một số cây có hiệu quả, phù hợp điều kiện thời tiết. Theo đó, diện tích cây lâu năm tăng khá, và có sự chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 17.876,9 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm chia theo các nhóm cây như sau: Cây ăn quả 4.249,3 ha, tăng 1,6%; cây lấy quả chứa dầu 53,2 ha, tăng 1,1%; cây hồ tiêu 1.030 ha, tăng 1,0%; cây cao su 12.100 ha, tăng 0,4%; cây chè 173,6 ha, tăng 0,6%; cây gia vị, cây dược liệu lâu năm 98 ha, tăng 1,9%; cây lâu năm khác 172,8 ha, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng một số cây trồng chủ yếu 6 tháng đầu năm như sau: Cao su 3.192 tấn, tăng 3,0%; hồ tiêu 970 tấn, tăng 0,2%; chuối 9.001 tấn, tăng 0,1%; cam 520 tấn, tăng 2,0%; bưởi 629 tấn, tăng 1,5%; dứa 647 tấn, tăng 1,1%; mít 1.275 tấn, tăng 0,4%; vải 315 tấn, tăng 1,6%; xoài 330 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, nên sản lượng một số cây lâu năm 6 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

b) Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm có nhiều biến động, đặc biệt là số lượng trâu, bò giảm do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng, giá thịt hơi giảm, đồng cỏ chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó thì sản xuất chăn nuôi cũng có những mặt thuận lợi, nhờ sự quan tâm chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nên đàn lợn đã và đang phục hồi lại sau khi dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế; đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, sản lượng xuất chuồng tăng cao, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong các dịp nghĩ lễ, phục vụ nhu cầu du lịch, ăn uống.

Ước tính quý II/2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 20.552,6 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 364,5 tấn, giảm 3,6%; thịt bò 1.960 tấn, tăng 0,5%; thịt lợn hơi 12.166,5 tấn, tăng 1,2%; thịt gia cầm 6.061,6 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 45.094,0 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 950 tấn, giảm 0,2%; thịt bò 4.710 tấn, tăng 0,5%; thịt lợn 25.680 tấn, tăng 2,6%; thịt gia cầm 13.754 tấn, tăng 6,4% (riêng thịt gà 10.500 tấn, tăng 7,3%) so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2023


Ước tính tổng đàn tại thời điểm 30/6/2023:

- Đàn trâu hiện có 31.695 con, giảm 0,1%; đàn bò 95.209 con, giảm 1,8%; đàn lợn 245.844 con, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, đàn lợn các địa phương đều đang tái tạo đàn do dịch tả lợn châu Phi đã dần được kiểm soát.

- Đàn gia cầm phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng các giống gia cầm có chất lượng, dễ tiêu thụ, với nhiều hình thức chăn nuôi phù hợp lợi thế của từng vùng như: Nuôi gà thả vườn, nuôi gà công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi vịt chạy đồng,... Nhờ vậy, nhiều trang trại, gia trại tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Tổng đàn gia cầm hiện có 5.707 ngàn con, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Đàn gà 4.650 ngàn con, tăng 16,1%; đàn vịt 750 ngàn con, tăng 1,1%; đàn ngan 300 ngàn con, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

+ Dịch tả lợn châu Phi: Hiện nay, 4/4 xã có dịch đã qua 21 ngày. Lũy kế từ ngày 01/01/2023 đến ngày 23/5/2023, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 5 hộ/4 thôn/4 xã/2 huyện (Quảng Trạch, Tuyên Hóa) làm 316 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 15.125 kg.

+ Dịch bệnh viêm da nổi cục: Lũy kế từ ngày 14/4/2023 đến ngày 23/5/2023, dịch bệnh đã xảy ra ở 55 hộ/14 thôn/7 xã/2 huyện (Quảng Trạch, Tuyên Hóa) làm 56 con bò mắc bệnh, trong đó có 12 con bò chết do bệnh với trọng lượng 1.839 kg [2].

2.2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp sáu tháng đầu năm 2023 ở các địa phương tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc, trồng dặm, trồng bổ sung và triển khai trồng cây phân tán; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân, tổ chức tập huấn công tác phòng chống, cháy rừng trước khi bước vào mùa nắng nóng.

Ước tính quý II/2023, diện tích rừng trồng mới thực hiện 1.921 ha, tăng 0,8%; 6 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới thực hiện 3.610 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng gỗ khai thác quý II ước đạt 142.310 m3, tăng 2,4%; 6 tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 222.110 m3, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng củi khai thác quý II ước đạt 71.680 ste, tăng 2,1%; 6 tháng đầu năm ước đạt 139.189 ste, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc 6 tháng đầu năm ước đạt 20.691 ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước; các tổ chức, cá nhân đang tiến hành chăm sóc rừng lần 1 đối với diện tích rừng trồng đúng tiến độ. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 6 tháng đầu năm ước đạt 4.380 ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Các địa phương tiếp tục triển khai kịp thời công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân vùng có rừng; tổ chức tập huấn công tác phòng chống, cháy rừng cho các chủ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.

2.3. Thuỷ sản

Sản xuất thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả khả quan trong khai thác và nuôi trồng. Hoạt động khai thác thuỷ sản được tăng cường, bà con ngư dân nỗ lực ra khơi bám biển, số ngày hoạt động nhiều hơn. Nuôi trồng thủy sản được đa dạng hóa về sản phẩm, không có dịch bệnh xảy ra; các địa phương triển khai công tác củng cố đê bao, nạo vét xử lý ao hồ, tiến hành thả giống nuôi vụ mới.

Ước tính sản lượng thủy sản quý II/2023 đạt 30.484,8 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 25.484,0 tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 1.491,4 tấn, tăng 2,2%; thuỷ sản khác đạt 3.509,4 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023


Ước tính sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 45.778,1 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 37.957,1 tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 2.340,6 tấn, tăng 2,4%; thuỷ sản khác đạt 5.480,4 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

a) Khai thác

Những tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thuỷ sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, ngư dân các địa phương tiếp tục bám biển nên kết quả khai thác thủy sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính quý II/2023 sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 27.693,1 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 23.820,0 tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 435,0 tấn, tăng 3,3%; thuỷ sản khác đạt 3.438,1 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 41.385,4 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 35.202,7 tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 821,5 tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 5.361,2 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo ngư trường: Khai thác biển 39.734,0 tấn tăng 5,2%; khai thác nội địa 1.651,4 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

b) Nuôi trồng

Sáu tháng đầu năm 2023, thuỷ sản nuôi trồng khá ổn định, thời tiết thuận lợi, không xảy ra mưa gió, lũ lụt, ít dịch bệnh, nên sản lượng nuôi trồng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính quý II/2023, sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 2.791,7 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 1.664,0 tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 1.056,4 tấn, tăng 1,8%; thuỷ sản khác đạt 71,3 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trồng thu hoạch 6 tháng ước đạt 4.392,7 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 2.754,4 tấn, tăng 3,0%; tôm đạt 1.519,1 tấn, tăng 1,8%; thủy sản khác đạt 119,2 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

3. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất bao bì từ giấy, cao su tổng hợp; sản xuất các cấu kiện kim loại; sản xuất và phân phối điện; sản xuất phân bón có các đơn hàng mới được ký kết và sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước đã làm cho ngành công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Một số ngành như: Ngành sản xuất trang phục, ngành chế biến gỗ, khai thác quặng kim loại gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí vật liệu tăng cao, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 ước tính 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.861,0 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng đạt 371,3 tỷ đồng, giảm 2,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.106,6 tỷ đồng, tăng 7,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 330,4 tỷ đồng, tăng 18,6%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 52,7 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý II năm 2023 tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 0,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 5. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023


Chỉ số sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 28,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 24,7%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 23,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 17,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 20,3%. Một số ngành cấp 2 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác tăng 3,2%; sản xuất trang phục giảm 4,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 10,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 16,9%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 19,0%; khai thác quặng kim loại giảm 49,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 20,6 nghìn tấn, giảm 49,5%; đá xây dựng đạt 1,6 triệu m3, giảm 3,6%; cao lanh đạt 39,4 nghìn tấn, tăng 29,1%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 11,6 nghìn tấn, tăng 6,6%; bia đóng chai đạt 1.049 nghìn lít, giảm 0,8%; nước khoáng đạt 822 nghìn lít, giảm 9,4%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 2.667 nghìn cái, giảm 27,7%; áo sơ mi đạt 5.427 nghìn cái, giảm 19,1%; dăm gỗ đạt 183,1 nghìn tấn, giảm 15,5%; ván ép từ gỗ đạt 16,5 nghìn m3, giảm 59,0%; cao su tổng hợp đạt 520 tấn, tăng 31,6%; kính cường lực đạt 1,4 nghìn tấn, tăng 11,6%; clinker thành phẩm đạt 1,3 triệu tấn, giảm 17,3%; xi măng đạt 785,9 nghìn tấn, tăng 5,3%; điện gió đạt 282,0 triệu kwh, tăng 18,5%; điện thương phẩm đạt 517 triệu kwh, tăng 1,4%; nước máy thương phẩm đạt 6.693 nghìn m3, tăng 5,7%.

4. Vốn đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tập trung nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng và địa phương, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư, tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ. Ngay từ đầu năm 2023 đã khởi công nhiều dự án lớn, như: Dự án Thành phần 2 cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu; dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Quảng Bình và dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Quảng Bình. Bên cạnh đó, các dự án phát triển khu nghỉ dưỡng, khu nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, như: Dự án Regal Legend Quảng Bình (Khu đô thị Bảo Ninh 1), dự án La Celia City (Khu đô thị Bảo Ninh 2), dự án khách sạn 5 sao Dolce Penisola Quảng Bình,… cũng đang tiếp tục được các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhiều công trình đầu tư xây dựng của khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng được khởi công xây dựng trong những tháng đầu năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương trong những tháng đầu năm.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn: Vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh trong quý II năm 2023 ước tính đạt 7.104,3 tỷ đồng, tăng 21,5% so với quý trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 12.950,2 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước đạt 2.752,2 tỷ đồng, tăng 10,8%; vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 10.124,4 tỷ đồng, tăng 4,6%; vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,6 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý: Quý II năm 2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý ước tính đạt 1.154,6 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý đạt 2.196,8 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn NSNN cấp tỉnh đạt 1.438,5 tỷ đồng, tăng 6,2%; vốn NSNN cấp huyện đạt 442,8 tỷ đồng, tăng 12,5%; vốn NSNN cấp xã đạt 315,5 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 6. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm 2023


5. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6 tăng cao so với cùng kỳ do thời tiết nắng nóng nên doanh thu bán lẻ nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình phục vụ cho mùa hè tăng; đây cũng là tháng cao điểm của du lịch nên chi tiêu, mua sắm của khách du lịch cũng góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6/2023 ước tính đạt 3.924,4 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với tháng trước (chỉ có 1 nhóm là Vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 5,1% so với tháng trước do kết thúc năm học, các cháu bước vào kỳ nghỉ hè) và hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ (chỉ có 1 nhóm là ô tô các loại giảm 5,9% so với cùng kỳ).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý II/2023 ước đạt 11.662,8 tỷ đồng, tăng 0,8% so quý trước và tăng 12,8% so cùng kỳ, trong đó các nhóm hàng tăng cao so với cùng kỳ đó là: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.334,8 tỷ đồng, tăng 15,9%; nhóm may mặc đạt 1.517,7 tỷ đồng, tăng 17,8%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.968,8 tỷ đồng, tăng 16,7%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 23.232,9 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ, trong đó hầu hết nhóm ngành đều tăng cao so với cùng kỳ, trừ nhóm ô tô các loại và phương tiện đi lại giảm do các mặt hàng này có giá trị cao trong khi người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu. Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 8.759,7 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ, đóng góp tăng cao nhất (6,3 điểm phần trăm) trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Hình 7. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023


b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Sáu tháng đầu năm 2023, du lịch Quảng Bình phục hồi nhanh và trên đà phát triển. Nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức với quy mô lớn và chất lượng dịch vụ tốt để phục vụ du khách. Bên cạnh đó nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của người dân tăng cao sau thời gian dịch COVID-19 bùng phát (quý I/2022 dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra), do đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2023 ước tính đạt 145,0 tỷ đồng, tăng 54,2% so với quý trước, tăng 21,0% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2023 đạt 239,0 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú quý II/2023 ước tính đạt 452.206 lượt khách, tăng 53,9% so với quý trước, tăng 30,6% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 đạt 746.088 lượt khách, tăng 53,8% so với cùng kỳ.

Ngày khách quý II/2023 ước tính đạt 465.519 lượt khách, tăng 51,6% so với quý trước, tăng 28,4% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 đạt 772.607 ngày khách, tăng 54,1% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống: 

Doanh thu dịch vụ ăn uống quý II/2023 ước tính đạt 1.149,6 tỷ đồng, tăng 44,2% so với quý trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.946,8 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ.

Hình 8. Dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2023


- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành quý II/2021 ước tính đạt 116,9 tỷ đồng, tăng 26,7% so với quý trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 đạt 209,2 tỷ đồng, tăng 75,6% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành quý II/2023 ước tính đạt 189.579 lượt khách, tăng 26,9% so với quý trước, tăng 27,9% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 đạt 338.913 lượt khách, tăng 104,9% so với cùng kỳ.

Số ngày khách du lịch lữ hành quý II/2023 ước tính đạt 211.649 ngày khách, tăng 28,5% so với quý trước, tăng 35,2% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 đạt 376.392 ngày khách, tăng 116,1% so với cùng kỳ.

Hình 9. Du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2023


c) Dịch vụ khác

Sáu tháng đầu năm 2023, cùng với sự phục hồi nhanh của ngành du lịch, các ngành kinh doanh dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Các nhóm ngành dịch vụ đều tăng do nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí, làm đẹp,… của người dân tăng kéo theo nhu cầu thuê xe du lịch, sử dụng lao động phục vụ tăng. Tuy nhiên, ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm sâu do chính sách tài khóa, thắt chặt tín dụng làm cho thanh khoản của thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, giá bất động sản giảm do nguồn cầu giảm đã tác động giảm đến tổng doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ.

Ước tính doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ quý II/2023 đạt 529,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và giảm 3,0% so với cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm 2023, doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ đạt 1.049,9 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm mạnh 38,3%, đã làm giảm 5,7 điểm phần trăm trong tổng số giảm chung của nhóm các ngành kinh doanh dịch vụ.

d) Hoạt động vận tải

Sau giai đoạn ngưng trệ vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động vận tải đã và đang có sự phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023, các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là sự khởi sắc của ngành du lịch. Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo triển khai tốt, hiệu quả các giải pháp giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao; đẩy mạnh triển khai các thủ tục mời các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý II năm 2023 ước tính đạt 1.302,5 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm đạt 2.677,0 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 436,2 tỷ đồng, tăng 16,8%; vận tải hàng hóa đạt 2.020,4 tỷ đồng, tăng 21,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 220,4 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 10. Doanh thu hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2023


Tổng số hành khách vận chuyển quý II năm 2023 ước tính đạt 8,4 triệu hành khách, giảm 3,3% so với quý I năm 2023 và tăng 14,5% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển quý II năm 2023 ước tính đạt 379,6 triệu hành khách.km, giảm 1,5% so với quý trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển đạt 17,0 triệu hành khách, tăng 18,9%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 765,0 triệu hành khách.km, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính quý II/2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 8,2 triệu tấn, giảm 7,5% so với quý trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 563,7 triệu tấn.km, giảm 9,5% so với quý trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 17,1 triệu tấn, tăng 22,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.186,7 triệu tấn.km, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn về khám chữa bệnh được thực hiện theo đúng tiến độ. Ngành Y tế tiếp tục duy trì và phát huy tốt hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở y tế nhà nước đã khám chữa bệnh cho 691.752 lượt người; trong đó: tuyến tỉnh 41.800 lượt người, tuyến huyện 247.572 lượt người, tuyến xã 402.380 lượt người.

Công tác phòng, chống dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2023 được chú trọng mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 547/UBND-NCVX về việc tăng cường triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2023 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm; ngày 15/01/2023 Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh ban hành Công văn số 103/BCĐ-SYT đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát tình hình tiêm chủng vắc xin tại đơn vị, địa phương đảm bảo tiêm chủng đúng tiến độ, an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không được để vắc xin hết hạn trên địa bàn. Ngoài ra, ngành Y tế đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng, chống bệnh mùa hè năm 2023, sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sáu tháng đầu năm 2023, số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên các ca bệnh chủ yếu không triệu chứng, mức độ nhẹ, trước diễn biến mới của dịch, UBND tỉnh giao ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo không để dịch bùng phát trở lại. Sở Y tế bám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chủ động, kịp thời, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 03/6/2023, toàn tỉnh có 2.049.063 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó 675.466 người đã tiêm 2 mũi; 151.727 người đã tiêm mũi bổ sung; 408.137 người đã tiêm mũi nhắc lại 1 (mũi 3); 95.175 người đã tiêm mũi nhắc lại 2 (mũi 4). Số ca mắc COVID-19 cộng dồn từ đầu năm đến 06h00 ngày 03/6/2023 là 822 ca (trong đó đang điều trị tại bệnh viện là 24, điều trị tại nhà là 129 ca). Số ca tử vong cộng dồn: 0.

2. Giáo dục và đào tạo

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Nhằm tạo cho học sinh có môi trường học tập tốt, các trường học trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đến việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện,...

Đối với bậc giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 3, Chương trình GDPT 2016 ở lớp 4 và 5. Các cơ sở giáo dục tiếp tục áp dụng các thành tố tích cực của mô hình trường học mới, nhân rộng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, vận dụng “Sơ đồ tư duy” vào tổ chức dạy học ở một số môn học/hoạt động giáo dục phù hợp tạo nên không gian lớp học nhiều màu sắc, theo hướng tăng cường các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm giúp học sinh kết nối kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

Năm học 2022-2023, trong 6 tháng đầu năm ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

Về kết quả thi học sinh giỏi cấp Quốc gia: Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia trung học phổ thông năm học 2022-2023, Quảng Bình có 64 học sinh của 4 trường THPT trong tỉnh dự thi ở 9 môn, gồm: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh. Kết quả có 28 học sinh đoạt giải, trong đó, có 1 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba và 17 giải khuyến khích. Trong 28 học sinh đoạt giải có 27 học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, 1 học sinh Trường THPT Lệ Thủy.

Về kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 năm học 2022-2023 và chọn đội dự tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024: Toàn tỉnh có 1.080 thí sinh dự thi ở 09 bộ môn, gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Với tổng số 543 thí sinh đoạt giải, tỷ lệ 50,28%, trong đó có 29 giải nhất, 79 giải nhì, 186 giải ba và 249 giải khuyến khích. Về kết quả giải đồng đội, xếp thứ nhất toàn đoàn là Trường THPT Lệ Thủy với 6.23 điểm; thứ nhì là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (5.88 điểm) và Trường THPT Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn) xếp thứ ba (5.68 điểm). Tại kỳ thi lần này, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp là đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất (300 thí sinh), đoạt 152 giải, gồm: 10 giải nhất, 26 giải nhì, 52 giải ba và 64 giải khuyến khích.

Tổ chức thành công Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tiểu học cấp tỉnh với 67 giáo viên chủ nhiệm tiêu biểu đến từ 08 phòng GD-ĐT dự thi. Kết quả 100% giáo viên tham gia dự thi đạt giỏi, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, trong đó tặng Giấy khen cho 01 giáo viên đạt giải Nhất; 11 giáo viên đạt giải Nhì; 09 giáo viên đạt giải Ba và 13 giáo viên đạt giải Khuyến khích. Cô giáo Lê Thị Trà My, Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới) đoạt giải nhất cuộc thi.

Giải Bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2023 diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 26/5/2023 tại Trường Phổ thông năng khiếu, huấn luyện và thi đấu thể thao thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Đoàn học sinh tỉnh Quảng Bình tham gia thi đấu ở môn bơi với 21 vận động viên (ở 3 cấp học), 04 huấn luyện viên và 05 cán bộ đoàn, các vận động viên thi đấu theo nội dung cá nhân và đồng đội (nam, nữ). Tổng thứ hạng huy chương đoàn Quảng Bình xếp thứ 8/24 đoàn tham gia.

Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình năm học 2022-2023 theo đúng khung thời gian quy định, tổ chức tổng kết năm học, bàn giao học sinh về nghỉ hè. Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024: Điểm mới trong kỳ thi này là tổ chức thi môn thứ ba là môn Tiếng Anh. Toàn tỉnh tổ chức một Hội đồng thi dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT trên địa bàn, tổ chức thi tại 30 Điểm thi và có 12.848 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 32 thí sinh so với năm học trước. trong đó có 12.775 thí sinh đang học lớp 9; 73 thí sinh tự do và có 186 thí sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng. Toàn tỉnh có 806 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (tăng 80 thí sinh so với kỳ thi năm trước). Theo kế hoạch kỳ thi diễn ra vào ngày 6,7 và 8/6/2023. Theo đó, ngày 6/6, thí sinh hoàn thành các thủ tục dự thi. Ngày 7/6, thí sinh dự thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Ngày 8/6, thí sinh thi các môn chuyên vào Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2023: Toàn tỉnh tổ chức một Hội đồng thi dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh Quảng Bình do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, dự kiến tổ chức thi tại 30 điểm thi với 11.168 thí sinh đăng ký dự thi. Lịch thi sẽ được tổ chức sớm hơn 2 tuần từ ngày 27-30/6/2023. Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển và công tác tổ chức xét tuyển, nhập học của các trường đại học cũng sớm hơn từ 2 tuần đến 1 tháng so với năm 2022. Kết quả kỳ thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trong năm học 2023, chỉ tiêu tuyển sinh trường Đại học Quảng Bình 675 chỉ tiêu hệ đại học, cao đẳng chính quy, trong đó hệ đại học 675 chỉ tiêu; cao đẳng sư phạm 0 chỉ tiêu. Hiện tại, trường Đại học Quảng Bình tiếp tục thông báo tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm học 2023.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Hoạt động văn hoá sáu tháng đầu năm 2023 với các hoạt động chào mừng năm mới 2023; Tết Nguyên đán Quý Mão và các ngày lễ lớn của đất nước đã tạo không khí vui tươi trong Nhân dân. Trong đó, nổi bật chương trình “Chào đón năm mới Phong Nha Countdown Party 2023”, tổ chức tốt các hoạt động theo Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 09/02/2023 về tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023); Kế hoạch số 300/KH-UBND ngày 03/3/2023 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở; thành lập mới hoặc duy trì, đẩy mạnh, đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ nghệ thuật, câu lạc bộ thể dục thể thao… tại các thôn, bản, tổ dân phố, đảm bảo 100% các thôn, bản, tổ dân phố có các câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhờ vậy, hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên đia bàn tỉnh từ các hoạt động chào mừng năm mới 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương đất nước. Trong đó, tiêu biểu là chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa; Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố Đồng Hới; các hoạt động Lễ hội trên sông Son của huyện Bố Trạch; lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Đồng Hới... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã tạo không khí tươi mới, phấn khởi trên địa bàn toàn tỉnh trong mỗi dịp kỷ niệm.

Đã có thêm 01 Di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp quốc gia (Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh); 01 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy); 01 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (Trận đánh lịch sử trên sông Gianh ngày 28/4/1965 tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn); thực hiện trùng tu, tôn tạo đối với 03 di tích.

Công tác phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Bảo tàng tổng hợp tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đổi mới nội dung và phương thức phục vụ, đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền nhờ vậy số lượng khách thăm quan, thưởng lãm bảo tàng và các điểm di tích tăng cao. Sáu tháng đầu năm đã có trên 30 ngàn lượt khách đến thăm quan, thưởng lãm, đạt 100% so kế hoạch năm. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã tổ chức thành công 04 cuộc trưng bày triển lãm.

Đoàn nghệ thuật truyền thống xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; phục vụ lãnh đạo tỉnh tiếp, làm việc với các phái đoàn cao cấp; phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn; biểu diễn phục vụ nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt 41/75 buổi diễn, chiếm 54% kế hoạch năm. Nổi lên là phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh thực hiện Chương trình sân khấu thực cảnh “Trở về bến phà xưa”; phối hợp với Nhà hát Ca - Múa - Nhạc Việt Nam chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng tại Lễ kỷ niệm, chương trình chào mừng Hội thảo khoa học về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; xây dựng biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc “Ân tình Minh Hóa” tại Hội Rằm Tháng Ba và Tuần Văn hóa, Thể thao Du lịch Minh Hóa.

Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” tại Hải Phòng đạt Huy chương Vàng cho nội dung Trưng bày và thuyết minh triển lãm, Huy chương Bạc cho nội dung Diễu hành xe tuyên truyền, 01 Huy chương vàng và 02 Huy chương Bạc cho các tiết mục văn nghệ tuyên truyền; phối hợp với Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Quảng Bình tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy; tổ chức 35 buổi tuyên truyền lưu động biểu diễn văn nghệ kết hợp chiếu phim phục vụ nhân dân tại các xã miền núi, các xã khó khăn đạt 175% so kế hoạch năm; phát hành 3.400 cuốn, đăng tải 100 tin, bài bản tin văn hóa đạt 52%; thực hiện 400 buổi chiếu phim miền núi, phục vụ khoảng 40.000 lượt người xem đạt 66% so với kế hoạch năm; giúp đỡ các địa phương, đơn vị về chuyên môn nghiệp vụ bảo tồn văn hóa dân gian; xây dựng các chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị, tham gia các Hội thi, Hội diễn chuyên ngành.

 Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày sách báo kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội báo Xuân Quý Mão - 2023; Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xử lý sách báo và phục vụ bạn đọc; từng bước xây dựng thư viện số, thư viện điện tử. Cấp đổi và cấp mới 531 thẻ; phục vụ 32.400 lượt lượt bạn đọc; Bổ sung và tiếp nhận 4.280 bản sách, 150 loại báo, tạp chí; xử lý kỹ thuật đạt 4.476 bản sách, đạt 53,9 % so với kế hoạch năm; tổ chức chuỗi các hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 với nhiều hoạt động quy mô, ý nghĩa; phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình xây dựng và thực hiện Chương trình "Sách đến với các xã vùng biên giới"; Phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức Khai trương tủ sách Văn học Nghệ thuật Quảng Bình; xây dựng và hỗ trợ 04 tủ sách cơ sở với 420 bản sách; phát huy hiệu quả của xe thư viện lưu động phục vụ bạn đọc cơ sở.

Thể thao phong trào nổi bật như: Tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Quảng Bình năm 2023. Phối hợp các sở ngành, địa phương tổ chức nhiều hội thao, hội thi như: Hội thao Ngành Công an; giải Bóng đá Nam thanh niên của Tỉnh đoàn; Hội thao học sinh của ngành Giáo dục - Đào tạo; phối hợp đón, tiễn đoàn đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 “Non song liền một dải - Niềm tin chiến thắng”; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức giải Bóng chuyền CNVC-LĐ năm 2023; triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Thể thao thành tích cao trong sáu tháng đầu năm 2023 đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2023 (SEA Games 32), 3 vận động viên (VĐV) của thể thao Quảng Bình gồm Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi), Nguyễn Thị Hương (môn điền kinh), Trương Xuân Nguyên (môn đua thuyền truyền thống) đã xuất sắc đoạt 8 huy chương. Trong đó có 5 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB) và 2 huy chương đồng (HCĐ); tham gia thi đấu giải vô địch quốc gia Bơi, Lặn bể 25m tại Thừa Thiên Huế, kết quả đạt 01 HCB, 01 HCĐ; tham gia thi đấu giải Marathon và cự ly dài Giải “Báo Tiền Phong” lần thứ 64 tại tỉnh Lai Châu, kết quả: đạt 01 HCĐ; tham gia thi đấu giải vô địch Bi sắt đồng đội quốc gia năm 2023 tại Vũng Tàu đạt 02 HCĐ và Liên đoàn Karate tỉnh tham gia thi đấu giải Miền Trung Trung - Tây nguyên đạt 14 HC các loại, trong đó 02 HCV, 09 HCB, 03 HCĐ. Tổng số huy chương thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình đạt được là 118 HC các loại, trong đó có 8 HC quốc tế.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Sáu tháng đầu năm 2023, trật tự an toàn xã hội được chú trọng mạnh mẽ, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố, công an địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường, các địa bàn trọng điểm, tiến hành đón dừng nhiều phương tiện xe ô tô, mô tô, xe tải để kiểm tra hành chính, đo nồng độ cồn và test nhanh ma túy. Trong đó, lực lượng Công an tập trung xử lý đối với trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật, chở quá tải trọng, quá số người quy định, không thực hiện thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.

Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, dịp lễ 30/4 và 1/5, mùa du lịch hè năm 2023, để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, lực lượng công an đã triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền về Luật giao thông được chú trọng, đặc biệt là tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở các cụm dân cư và địa bàn cơ sở đã nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, qua đó góp phần kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đường bộ 35 vụ, giảm 5 vụ so với cùng kỳ; đường sắt 1 vụ tăng 1 vụ so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 18 người, giảm 11 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 17 người, giảm 12 người so với cùng kỳ; đường sắt 1 người, tăng 1 người so với cùng kỳ, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 34 người, tăng 3 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 34 người, tăng 3 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không có người bị thương, bằng cùng kỳ năm 2022.

Hình 11. Tình hình trật tự an toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023


Về cháy nổ: Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy với giá trị thiệt hại 532,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy tăng 2 vụ, giá trị thiệt hại tạm ước giảm 985,5 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ thiên tai làm 1 người chết; gãy đổ 5.378 ha lúa; ước tính tổng giá trị thiệt hại 50.150 triệu đồng, giảm 3,35 lần so với cùng năm 2022.

5. Tình hình nổi bật khác về xã hội

5.1. Lao động việc làm 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm; tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm và thông tin thị trường lao động cho 13.096 lượt người; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.900 người; hỗ trợ học nghề, tổ chức đào tạo cho 452 học viên tham gia học nghề, ngoại ngữ tại trung tâm. Đặc biệt, để kích cầu cung ứng lao động trong tỉnh, trung tâm đã tổ chức thành công phiên GDVL đầu xuân bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của 19 DN trong và ngoài tỉnh, thu hút 160 lao động tham gia phiên, trong đó có 80 lao động EPS [3] với 200 lượt phỏng vấn và tư vấn. Dự ước 6 tháng đầu năm, có 11.173 lao động được giải quyết việc làm, đạt 60,4% kế hoạch năm, trong đó có khoảng 2.595 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 70,1% kế hoạch năm. Người lao động chủ yếu đi làm việc tại thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu.

Những năm trở lại đây, Tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là định hướng những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

5.2. Công tác an sinh xã hội

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, trong đó các đối tượng người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được lãnh đạo Tỉnh quan tâm và ưu tiên hàng đầu.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ ký quyết định triển khai thực hiện từ tháng 1/2022. Đây là 1 trong 5 chương trình vay của Nghị quyết số 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Từ khi triển khai đến tháng 5/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân số tiền 392,6 tỷ đồng, với 926 hộ vay. Với mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng, lãi suất vay ưu đãi chỉ 4,8%/năm, thời hạn không quá 25 năm, đây là chương trình vay ý nghĩa của Chính phủ nhằm giúp những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và người lao động có thu nhập thấp có cơ hội được xây mới nhà cửa để an cư lạc nghiệp.

Đa dạng hoá sinh kế để giảm nghèo bền vững là giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trong Tỉnh thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Ngày 25/5/2023, Tổ chức Helvetas Việt Nam - đơn vị thực hiện Tiểu hợp phần 6 thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), UBND xã Thượng Hóa (Minh Hóa) tổ chức “Ngày hội sinh kế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học”. Dự án VFBC đã tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm còn phối hợp với chính quyền địa phương, Dự án VFBC xây dựng nhiều mô hình sinh kế cho bà con trên địa bàn, như: trồng chanh leo, lạc, cây dược liệu, nuôi ong lấy mật… Nhờ đó, tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép đã giảm đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Tối 30/5/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tổ chức chương trình giao lưu “Mẹ đỡ đầu - Chắp cánh ước mơ”. “Mẹ đỡ đầu” là chương trình do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 10/2021 nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác. Tính đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 842 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu với tổng số tiền 12,5 tỷ đồng. Phát huy thành công từ chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, chương trình “Mẹ đỡ đầu - Chắp cánh ước mơ” năm 2023 hướng tới mục tiêu 100% trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được nhận đỡ đầu. Với giá trị nhân văn sâu sắc, thiết thực và sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình, tại đêm giao lưu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chung tay đóng góp gần 2 tỷ đồng để đỡ đầu cho 135 cháu.

Tóm lại, sáu tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế: Kinh tế của tỉnh không có nhiều dư địa để duy trì mức tăng trưởng cao; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách chưa bền vững, các khoản thu từ đất chiếm tỷ trọng lớn; cơ cấu thu ngân sách chưa đồng đều giữa các khoản thu. Quy mô sản xuất của hầu hết các DN còn nhỏ; nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp hiện nay đều chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư được phê duyệt; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, nhất là các điểm mua sắm, vui chơi, giải trí,… Trong thời gian tới, dự báo KTXH của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: tái cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả còn thấp, thu ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào thu tiền sử dụng đất trong khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn; dịch bệnh, thiên tai dự kiến còn diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu và nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn...

Do đó, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu KTXH năm 2023, 6 tháng còn lại, tỉnh cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

Một là, tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu đúng thời vụ, xây dựng phương án tưới, chống hạn, đảm bảm nước cho sản xuất Hè Thu. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, cháy rừng; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích ngư dân khai thác hải sản vùng biển xa, tăng thời gian bám biển; tăng cường theo dõi, chỉ đạo công tác nuôi trồng thủy sản, áp dụng đúng quy trình nuôi và các quy định, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường để hạn chế dịch bệnh; khuyến khích đa dạng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống nuôi, thức ăn và các chất cải tạo môi trường; tập trung sản xuất giống tại chỗ, dịch vụ giống có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

Hai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư nhằm tạo bứt phá và động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp lớn đang triển khai; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp có giá trị cao. Các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng các công trình, bảo đảm các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, trọng điểm, các dự án chuyển tiếp; tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục sau đấu thầu để triển khai thi công các dự án.

Ba là, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng hóa và dịch vụ do các DN trong tỉnh sản xuất và cung cấp. Hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh; phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Tiếp tục theo dõi và thực hiện có hiệu quả các giải pháp bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Tăng cường thực hiện hoạt động kích cầu du lịch, truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, sửa sang lại hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường để phục vụ tốt nhất cho du khách. Tăng cường giám sát thực hiện kê khai, niêm yết giá tại các nhà hàng, cơ sở lưu trú,... để giữ hình ảnh đẹp về Quảng Bình.

Bốn, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tốt nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên. Quản lý, kiểm soát tình trạng tăng giá đất bất thường, minh bạch thông tin, hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp. Rà soát và kiên quyết thực hiện thu hồi đất đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất đã quá thời hạn quy định nhưng chưa triển khai hoặc chậm tiến độ. Tập trung giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm của tỉnh.

Năm là, tiếp tục siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế và phát triển nguồn thu, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế; rà soát, cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí phù hợp. Tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Nâng cao chất lượng tín dụng; ưu tiên tập trung cho vay phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng và y tế cơ sở, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch.

Bảy là, tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, kết hợp hài hòa giữa phát triển KTXH với quốc phòng, an ninh. Quyết liệt, kiên quyết trấn áp, triệt phá tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phấn đấu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an toàn cho các DN, người dân an tâm sản xuất, kinh doanh./. 

[1] Nguồn: Công văn số 860/TCTK-TKQG ngày 29/5/2022 của Tổng cục Thống kê về việc thông báo số liệu GRDP ước tính quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

[2] Nguồn: Báo cáo số 246/BC-CNTY ngày 26/5/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y

[3] EPS là chương trình sử dụng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc

[Trở về]