THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2015 tỉnh Quảng Bình 
 I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Trong tháng 10 năm 2015, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hoạch một số loại cây trồng vụ Hè Thu nhằm phòng tránh lũ lụt và tiếp tục chăm sóc lúa vụ Mùa đang thời kỳ trổ.

Cùng với việc thu hoạch sản phẩm cây trồng, các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2016 đúng lịch thời vụ. Nhờ đó, tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2016 nhanh hơn cùng kỳ năm trước, đặc biệt là rau màu vụ Đông Xuân sớm. Dự ước đến ngày 15/10/2015, diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 979 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngô 58 ha, tăng 5,5%; khoai lang 411 ha, tăng 2,8%; rau các loại 502 ha, tăng 2,4%; cây thức ăn gia súc 8 ha, tăng 33,3% năm trước.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện chăm sóc, trồng mới cây lâu năm. Riêng cây cao su, diện tích được phục hồi và trồng mới năm nay đạt khá. Dự ước diện tích cây lâu năm có đến cuối tháng 10 là 23.500 ha, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng cao su khai thác trong tháng 10 ước đạt 350 tấn; 10 tháng ước đạt 4.550 tấn, tăng 33,8% so cùng kỳ năm trước.

b. Chăn nuôi

Do thời tiết chuyển mùa, khả năng phát sinh dịch bệnh cao, tiềm ẩn rủi ro lớn; thị trường tiêu thụ khó khăn nên người chăn nuôi hạn chế đầu tư tăng quy mô đàn, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Theo đó, đàn lợn và đàn gia cầm có mức tăng chậm lại, riêng đàn trâu, đàn bò có mức tăng khá hơn.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương được kiểm soát nên không xuất hiện ổ dịch nguy hiểm. Ở một số nơi, rãi rác xy ra một số dịch nhưng đã được điều trị kịp thời. Công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm được triển khai theo đúng tiến độ kế hoạch. Kết quả tiêm phòng đợt 2 tính đến ngày 7/10/2015: Cúm gia cầm 228.300 liều, đạt 23% kế hoạch; lở mồm long móng 62.230 liều, đạt 66% kế hoạch; tụ huyết trùng trâu bò 55.210 liều, đạt 69% kế hoạch; dịch tả lợn 92.590 liều, đạt 62% kế hoạch.

2. Lâm nghiệp

Gỗ khai thác từ rừng trồng có xu hướng giảm đáng kể, nguyên nhân do diện tích rừng trồng đưa vào khai thác giảm. Dự ước tháng 10, sản lượng gỗ khai thác 10.000 m3; dự ước 10 tháng khai thác 121.870 m3, bằng 64,2% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 10 đạt 10.560 ste; 10 tháng khai thác 164.260 ste, bằng 86% so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, các chủ rừng triển khai xử lý thực bì, làm đất, chuẩn bị cây giống cho kế hoạch trồng rừng năm nay. Dự kiến sẽ triển khai trồng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Dự ước 10 tháng diện tích rừng trồng được chăm sóc 14.740 ha, đạt kế hoạch đề ra và bằng 97,6% cùng kỳ năm trước. Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tháng nên đã xẩy ra nhiều vụ cháy rừng.

3. Thủy sản

Năng lực khai thác hải sản được tăng cường đáng kể, hình thức khai thác theo tổ hợp tác phát triển khá. Nhờ đó, sản phẩm khai thác biển tăng cao và chuyển dịch sản phẩm có hiệu quả hơn. Nuôi trồng thuỷ sản được đa dạng hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế. Theo đó, nuôi nước lợ, nuôi lồng bè phát triển trở lại, nuôi cá kết hợp lúa được mở rộng. Công tác dự báo, phòng trừ dịch bệnh được tăng cường nên dịch nguy hiểm trên diện rộng ít xẩy ra.

Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 10 thực hiện 5.642 tấn, 10 tháng thực hiện 59.844 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 7,9%, chia ra: Nuôi trồng 9.990,3 tấn, tăng 4,1%; khai thác 49.853,7 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 46.087,9 tấn, tăng 8,9%; tôm các loại 5.391 tấn, bằng 99%; thuỷ sản khác 8.365,1 tấn, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước.

a. Nuôi trồng thủy sản

Dự ước tháng 10 sản lượng nuôi trồng thu hoạch 671,3 tấn, so cùng kỳ năm trước bằng 79,4%; 10 tháng thu hoạch 9.990,3 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 5.210,4 tấn, tăng 9,9%; tôm các loại 4.457,4 tấn, bằng 98,1% (tôm sú 726,5 tấn, tăng 1,8%; tôm thẻ chân trắng 3.699 tấn, bằng 97,3%); thuỷ sản khác 322,5 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo địa phương: Thành phố Đồng Hới 762 tấn, bằng 95,4%; thị xã Ba Đồn 2.325,4 tấn, tăng 8%; huyện Minh Hoá 79,6 tấn, tăng 2,6%; huyện Tuyên Hoá 313,8 tấn, tăng 6,8%; huyện Quảng Trạch 784 tấn, tăng 4,6%; huyện Bố Trạch 1.967,5 tấn, tăng 4,8%; huyện Quảng Ninh 1.364,5 tấn, bằng 91,1%; huyện Lệ Thuỷ 2.393,5 tấn, tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước.

b. Khai thác thủy sản

Dự ước tháng 10 sản lượng khai thác 4.970,7 tấn; 10 tháng khai thác 49.853,7 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 40.877,5 tấn, tăng 8,8%; tôm các loại 933,6 tấn, tăng 3,2%; thuỷ sản khác 8.042,6 tấn, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 47.585,6 tấn, tăng 8,9%; khai thác nội địa 2.268,1 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước

4. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2015 tăng trưởng khá ổn định, trong đó ngành chế biến thực phẩm có tốc độ tăng cao so với các tháng trước do tháng này đã bắt đầu vào mùa thu hoạch sắn nên đã có nguồn nguyên liệu để các nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động. Bên cạnh đó, với sản lượng sản xuất tăng cao so với cùng kỳ, Xí nghiệp may Hà Quảng đã góp phần rất lớn vào tốc độ tăng cao của ngành sản xuất trang phục.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2015 ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng 10 năm 2014. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 2,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,9%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt… tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tính đến cuối tháng 10 năm 2015 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 48,6%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 14,4%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 8,9%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 4,4%; ngành sản xuất đồ uống tăng 3,8%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 3,6%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,3%; ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 0,4%...

Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu ngành công nghiệp ước tính đến cuối tháng 10 năm 2015: Đá xây dựng 2,5 triệu m3, tăng 3,6%; mực đông lạnh 923 tấn, giảm 5,0%; tinh bột sắn 11.868 tấn, tăng 11,8%; bia đóng chai 16,6 triệu lít, tăng 3,9%; gạch lát nền 5,2 triệu viên, giảm 0,3%; gạch xây bằng đất sét nung 183 triệu viên, tăng 9,6%; clinker thành phẩm 2,2 triệu tấn, tăng 17,6%; xi măng 1,3 triệu tấn, tăng 12,8%; điện thương phẩm 602 triệu kwh, tăng 5,0%; nước máy 6,3 triệu m3, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước…

5. Vốn đầu tư

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 10 năm 2015 ước thực hiện 357,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước thực hiện 154,8 tỷ đồng; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước thực hiện 203,1 tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2015, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 3.103,6 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước thực hiện 1.259,4 tỷ đồng; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước thực hiện 1.844,2 tỷ đồng. Trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 267,1 tỷ đồng, tăng 15,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện 127 tỷ đồng, tăng 8,4%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.922 tỷ đồng, tăng 16%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 151,1 tỷ đồng, tăng 10,3%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 146,9 tỷ đồng, tăng 10,9%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 193,5 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong những tháng qua, vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện cho các công trình đê kè, công trình giao thông, trụ sở các cơ quan… Trong tháng 10/2015 đã khởi công xây dựng Trung tâm nhà Văn hóa tỉnh do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư trên 216 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa về mặt xã hội rất lớn và là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV. Song song với các công trình khởi công mới, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình chuyển tiếp năm 2014 và công tác thanh quyết toán vốn năm 2014 cho các công trình hoàn thành nhằm đảm bảo cho các đơn vị có nguồn vốn kịp thời, đáp ứng về mặt tài chính cho các đơn vị thực hiện tái đầu tư có hiệu quả. Hiện nay, các trụ sở cơ quan đang gấp rút thi công các hạng mục để sớm đưa vào sử dụng như: Trụ sở Tỉnh uỷ, trụ sở Chi cục Thuế thành phố Đồng Hới, trụ sở làm việc Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Hới. Bên cạnh đó, các công trình sửa chữa, xây dựng trường học được đẩy nhanh nhằm phục vụ cho việc dạy và học; các công trình giao thông được đầu tư xây dựng thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã được quan tâm đẩy mạnh.

Trong thời gian qua, công tác quản lý vốn XDCB được thực hiện nghiêm túc, thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng quy định. Tuy nhiên, công tác giải ngân nguồn vốn XDCB còn chậm so với kế hoạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chậm trể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án; công tác thẩm định của một số dự án còn chậm. Do vậy, các cấp, các ngành cần chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án bảo đảm giải ngân đúng tiến độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Dước tháng 10 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.335,4 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 9,8% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.844,9 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,6%.

Trong tháng, ngoại trừ nhóm gỗ và vật liệu xây dựng, vật phẩm văn hoá giáo dục, phương tiện đi lại thì tất cả các nhóm còn lại đều tăng, cụ thể một số nhóm ngành hàng có tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hóa:

- Nhóm lương thực, thực phẩm tháng này ước tăng 3,2% so tháng trước, 10 tháng ước tăng 20,9% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

- Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tháng này giảm 8,5% so tháng trước, 10 tháng ước tăng 3,3% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Nguyên nhân doanh thu trong tháng 10 của nhóm này giảm do bước vào mùa mưa nên nhu cầu xây dựng thấp.

- Nhóm hàng xăng, dầu các loại tháng này tăng 4,8% so tháng trước, 10 tháng ước giảm 3,6% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Mặc dù sản lượng bán ra vẫn được duy trì nhưng do giá xăng dầu giảm doanh thu 10 tháng của nhóm này giảm.

- Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tháng này tăng 4,4% so tháng trước, tính chung 10 tháng ước tăng 0,2% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

- Nhóm phương tiện đi lại tháng này giảm 17,4% so tháng trước, 10 tháng tăng 3,4% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Nhìn chung thị trường xe máy đã bão hòa nên tốc độ tăng của nhóm này không cao như các năm trước.

- Nhóm hàng may mặc tháng này tăng 4,8% so tháng trước, tính chung 10 tháng ước tăng 16,2% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9% trong tổng mức bán lẻ hàng.

Phân theo loại hình kinh tế:

Kinh tế Nhà nước, doanh thu 10 tháng ước đạt 785,8 tỷ đồng, giảm 33% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa; kinh tế tập thể, doanh thu 10 tháng ước đạt 16,5 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ; kinh tế cá thể, doanh thu 10 tháng ước đạt 7.494,9 tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ, đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thành phần kinh tế (58,4%) và cũng là thành phần có mức tăng cao nhất; kinh tế tư nhân, doanh thu 10 tháng ước đạt 4.547,7 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 35,4%.

b. Khách sạn, nhà hàng, du lịch

Tháng 10, đã hết mùa du lịch nên lượt khách, doanh thu của khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành đều giảm so với tháng trước.

   Dự ước doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch tháng 10 đạt 142,7 tỷ đồng, giảm 9,5% so tháng trước, tăng 18,4% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn 12,2 tỷ đồng, tăng 9,7%, doanh thu nhà hàng ước đạt 123,0 tỷ đồng, tăng 15,9%, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 127,3% so cùng kỳ năm trước.

   Dự ước doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch 10 tháng đạt 1.642,2 tỷ đồng, tăng 19,5% so cùng kỳ. Trong tổng số, doanh thu khách sạn 142,2 tỷ đồng, tăng 6,4%, doanh thu nhà hàng ước đạt 1.332 tỷ đồng, tăng 15,8%, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 168 tỷ đồng, tăng 87,6% so cùng kỳ năm trước.

Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 10 đạt 73.858 lượt khách, giảm 16,7% so tháng trước và tăng 6,9% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2015 ước đạt 868.745 lượt khách, tăng 5,6% so cùng kỳ. Dự ước tháng 10 số ngày khách đạt 80.073 ngày khách, giảm 15,6% so tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước đạt 951.970 ngày khách, tăng 7,4% so cùng kỳ. Trung bình số ngày khách lưu lại 9 tháng năm 2015 là 1,18 ngày.

Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước tháng 10 đạt 50.113 lượt khách, giảm 35,5% so tháng trước và giảm 9,5% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước đạt 699.428 lượt khách, tăng 5,6% so cùng kỳ.

   Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 10 đạt 168 ngàn lượt khách, giảm 11% so tháng trước và tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2014. Dự ước 10 tháng, số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2.583,6 ngàn lượt khách, tăng 3,8% so cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế tháng 10 ước đạt 2 ngàn lượt khách, giảm 18,4% so tháng trước và giảm 11% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 42.268 ngàn lượt khách, tăng 10,4% so cùng kỳ.

c. Hoạt động dịch vụ

Dước tháng 10 doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 61,1 tỷ đồng, tăng 4,2% so tháng trước và tăng 5,8% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng doanh thu ước đạt 590,8 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ của năm 2014.

Cụ thể của từng nhóm như sau: Nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản tháng này tăng 4,5%, ước 10 tháng tăng 8,1%. Nhìn chung hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục có mức tăng cao hơn so với các năm trước; nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tháng này tăng 6,5%, ước 10 tháng tăng 6,4%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tháng này tăng 4,1%, ước 10 tháng tăng 12,6%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tháng này tăng 3,9%, ước 10 tháng tăng 30%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tháng này tăng 3,7%, ước 10 tháng tăng 15,6%, tốc độ tăng chậm lại do khối nhà nước giảm doanh thu; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tháng này tăng 1,7%, tính chung 10 tháng năm 2015 ước giảm mạnh nhất trong các nhóm dịch vụ (-18,9%); nhóm hoạt động dịch vụ khác tháng này tháng này tăng 4,1%, ước 10 tháng tăng 12,6% so cùng kỳ.

d. Xuất nhập khẩu

Xuất khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 9,5 triệu USD, tính chung 10 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 87,8 triệu USD, bằng 79,7% so cùng kỳ và đạt 58,6% so với kế hoạch năm.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 86,6 triệu USD, chiếm 96,6%; còn lại 1,4% là của khu vực kinh tế nhà nước; xét về hình thức xuất khẩu, xuất trực tiếp đạt 62,0 triệu USD, chiếm tỷ trọng 70,6%, xuất uỷ thác chiếm 29,4%; xét về nhóm ngành hàng thì hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tiếp đến là hàng nông sản chiếm 31,1%, hàng lâm sản chiếm 28,0%, còn lại là của các nhóm hàng khác.

Cụ thể các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như sau:

- Cao su: Xuất khẩu cao su từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn nên kết quả so cùng kỳ giảm mạnh. Dự ước tháng 10 xuất 1,4 ngàn tấn; tính chung 10 tháng sản lượng xuất đạt 14,6 ngàn tấn, bằng 53,7% so cùng kỳ. Nhưng do giá giảm nên trị giá chỉ đạt 50% so cùng kỳ;

- Thuỷ sản: Dự ước tháng 10 xuất 50 tấn; 10 tháng xuất 251,1 tấn, bằng 95,7% so cùng kỳ; giá trị 10 tháng đạt 1,2 triệu USD, bằng 63,5% so với cùng kỳ;

- Dăm gỗ: Dự ước tháng 10 xuất 20,7 ngàn tấn; 10 tháng xuất 155,7 ngàn tấn, bằng 88,2% so cùng kỳ; giá trị 10 tháng đạt 21,9 triệu USD, bằng 96,2% so với cùng kỳ;

- Gỗ: Mặt hàng này chủ yếu là tạm nhập tái xuất từ Lào qua Trung Quốc, do nguồn hàng nhập khẩu cũng như thị trường đầu ra ngày càng khó khăn nên sản lượng xuất đạt thấp so cùng kỳ. Dự ước tháng 10 xuất 2,3 ngàn m3; 10 tháng xuất 16,4 ngàn m3, bằng 81,8% so cùng kỳ; giá trị 10 tháng đạt 23,2 triệu USD, bằng 97,1% so với cùng kỳ;

- Phân bón: Dự ước tháng 10 xuất 1.000 tấn; 10 tháng xuất 10.413,5 tấn, bằng 78,9% so cùng kỳ; giá trị 10 tháng đạt 10 triệu USD, tăng 159,7% so với cùng kỳ;

- Nhựa thông: Dự ước tháng 10 xuất 44,5 tấn; 10 tháng xuất 756,6 tấn, tăng 11,4% so cùng kỳ; giá trị 10 tháng đạt 1,2 triệu USD, bằng 86,8% so với cùng kỳ.

    Về thị trường xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã mở rộng quan hệ ngoại thương với 13 nước (năm trước là 15 nước). Trong đó, Trung Quốc là thị trường số 1 với thị phần 75,1%, Hồng Kông 9,7%, các nước còn lại chỉ chiếm 15,2% và không có nước nào vượt quá thị phần 5%.

Nhập khẩu

Dự ước tháng 10 kim ngạch nhập khẩu đạt 11,1 triệu USD; 10 tháng đạt 96,3 triệu USD, tăng 6,4% so cùng kỳ và vượt 100,6% so với kế hoạch năm. Trong đó, 100% là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đều là nhập khẩu trực tiếp. Xét về công dụng và tính chất hàng hóa nhập khẩu, tất cả hàng nhập là tư liệu sản xuất và chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất.

Mặt hàng nhập khẩu còn rất đơn điệu, riêng 3 mặt hàng xăng dầu, gỗ và trâu bò sống đã chiếm đến 96,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả tỉnh. Còn lại các mặt hàng khác chỉ chiếm 3,8%. Ngoài ra còn có một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất trong tỉnh như nguyên vật liệu chế biến gốm sứ, tân dược với giá trị không lớn. Tình hình cụ thể các mặt hàng chủ yếu như sau:

- Xăng, dầu: Dự ước tháng 10 nhập 7,5 ngàn tấn; 10 tháng nhập 96,3 ngàn tấn, tăng 222,6% so với cùng kỳ;

- Gỗ các loại: Dự ước tháng 10 nhập 3,2 ngàn m3; 10 tháng nhập 20,9 ngàn m3, bằng 58,5% so cùng kỳ;

- Trâu, bò sống: Dự ước tháng 10 nhập 2,9 ngàn con; 10 tháng nhập 43,8 ngàn con, bằng 56,9% so cùng kỳ.

Về thị trường nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, các đơn vị nhập khẩu trong tỉnh đã có quan hệ ngoại thương với 10 nước, vùng lãnh thổ (tăng 3 nước so năm trước), trong đó có 9 nước thuộc khu vực châu Á, 1 nước châu Âu, 1 nước châu Mỹ. Trong đó, Singapore chiếm thị phần lớn nhất với 57,5% (nhập xăng dầu), tiếp đến là Lào chiếm 21,4 (nhập gỗ), Thái Lan chiếm 10,4%, còn lại là của các nước khác.

e. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải từ đầu năm đến nay phát triển khá nhanh nhờ các dự án, công trình giao thông được triển khai đồng bộ. Mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng được nâng cấp, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển tạo thuận lợi đi lại cho nhân dân. Hệ thống giao thông trên địa bàn phát triển nhanh chóng được nối liên hoàn giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông địa phương với tuyến đường xuyên Á, bến cảng, sân bay, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế của tỉnh và nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó số lượng, chất lượng của phương tiện vận tải được nâng lên đáng kể.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 ước đạt 200 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước, 10 tháng ước đạt 1.998,2 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Trong tổng số doanh thu, doanh thu vận tải hành khách tháng 10 ước đạt 39,9 tỷ đồng; tính chung 10 tháng doanh thu ước đạt 399,9 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa dự ước tháng 10 đạt 158,6 tỷ đồng; tính chung 10 tháng doanh thu đạt 1.581,2 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải dự ước tháng 10 đạt 1,6 tỷ đồng; tính chung 10 tháng ước đạt 17 tỷ đồng, giảm 31,3% so cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 10 ước đạt 1.580,6 nghìn hành khách, tăng 1,1% so tháng trước; tính chung 10 tháng ước đạt 15.788 nghìn hành khách, tăng 6,3% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển dự ước tháng 10 đạt 71,7 triệu hk.km, tăng 0,2% so tháng trước; tính chung 10 tháng ước đạt 721,8 triệu hk.km, tăng 7,4% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa dự ước tháng 10 đạt 1.549,8 nghìn tấn, tăng 2,4% so tháng trước; tính chung 10 tháng ước đạt 15.624,7 nghìn tấn, tăng 6,4% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 10 ước đạt 78 triệu tấn.km, tăng 1% so tháng trước; tính chung 10 tháng ước đạt 791,9 triệu tấn.km, tăng 7,5% so cùng kỳ.

f. Chỉ số giá

* Chỉ số giá tiêu dùng

  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2015 tăng nhẹ so với tháng trước với mức tăng 0,08%; so với tháng 12 năm trước tăng 0,44%. CPI bình quân 10 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 1% (trong đó nhóm hàng hóa tăng 0,24%, nhóm dịch vụ tăng 2,99%).

CPI tháng 10 năm 2015 tăng nhẹ so với tháng trước do các nguyên nhân sau: Thời tiết chuyển mùa mưa lạnh nên các loại thực phẩm có xu hướng tăng giá (do nguồn cung rau củ, quả ít hơn); ngày 01/10/2015 giá gas điều chỉnh tăng 10.000 đồng/bình 12kg; giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 18/9/2015 và ngày 03/10/2015.

Cụ thể diễn biến CPI tháng 10 năm 2015 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

          - Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%, đóng góp 0,08% vào mức tăng chung của CPI;

          - Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%;

          - Nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,14%, đóng góp 0,01% vào mức tăng chung của CPI;

         - Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,09%;

          - Nhóm giao thông giảm 0,27%: Giá cước xe khách tuyến đường dài giảm 5,79%; giá vé tàu hỏa giảm 1,85%; giá vé máy bay giảm 4% so với tháng trước đã làm cho chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,27%; đóng góp giảm 0,03% vào chỉ số CPI chung;

         - Các nhóm thiết bị đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác ổn định hoặc tăng, giảm không đáng kể.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

          - Chỉ số giá vàng 9999: Giá vàng 9999 so với tháng trước tăng 0,05%, so với cùng kỳ năm trước giảm 2,58%. Chỉ số giá vàng bình quân 10 tháng so với bình quân cùng kỳ giảm 5,57%.

          - Ch số giá đô la Mỹ (USD): Giá đô la Mỹ ổn định so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,12%. Chỉ số giá USD bình quân 10 tháng so với bình quân cùng kỳ tăng 2,95%.

7. Thu, chi ngân sách nhà nước

a. Thu ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 10 tháng thực hiện 2.147,9 tỷ đồng, bằng 85,9% dự toán địa phương giao và tăng 12,4% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 1.983 tỷ đồng, bằng 94% dự toán địa phương giao, tăng 16,7% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 164,8 tỷ đồng, bằng 42,3% dự toán địa phương giao, bằng 77,8% so với cùng kỳ.

Trong tổng số thu ngân sách 10 tháng năm 2015, so với dự toán có 10/15 khoản thu tăng trưởng và đạt tiến độ từ 83,3% dự toán năm trở lên, đó là: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 123,3%; thu lệ phí trước bạ đạt 99,9%; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 95,5%; thu tiền sử dụng đất đạt 119,9%; thu tiền thuê đất đạt 83,4%; thuế bảo vệ môi trường đạt 238,6%; thuế thu nhập cá nhân đạt 93,7%; thu khác ngân sách trong cân đối đạt 150,6%; thu cố định tại xã đạt 112,1%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 383,1%. Còn lại 5 khoản thu chưa đạt tiến độ.

b. Chi ngân sách

Tổng chi NSNN trên địa bàn ước 10 tháng thực hiện 8.788,4 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển 3.105 tỷ đồng; chi thường xuyên 5.683,3 tỷ đồng. Nhìn chung, các khoản chi ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

II. Xã hội

1. Giáo dục

Năm học 2015 - 2016, tuy còn một số mặt hạn chế, bất cập nhưng toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực cải tiến, đổi mới trong công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo, tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm, đề ra nhiều giải pháp khắc phục có hiệu quả những tồn tại yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tình trạng tiêu cực trong giáo dục được phát hiện, xử lý kịp thời; học sinh “ngồi sai lớp” cơ bản được khắc phục, nhờ đó chất lượng giáo dục đã có những biến chuyển đáng kể.

       Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo. Đến nay toàn tỉnh có 284/590 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 48,14%, tăng 17 trường so với năm học 2014 - 2015; trong đó mầm non 54/180 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 30%, tăng 3 trường so với năm học trước; tiểu học 151/211 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,56%, tăng 4 trường so với năm học trước; Trung học cơ sở 68/148 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 45,94%, tăng 9 trường so với năm học trước; Trung học phổ thông 11 trường, đạt tỷ lệ 40,74%, tăng 1 trường so với năm học trước.

Khai giảng năm học mới 2015 - 2016, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh diễn ra trong ngày 5/9, theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ.  Lễ khai giảng tạo không khí phấn khởi, vui tươi cho học sinh bước vào năm học mới. Trong đó, dành thời gian tổ chức lễ đón học sinh lớp 1, tạo ấn tượng và cảm xúc cho học sinh. 

Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 7.056 cháu đi nhà trẻ, tăng 636 cháu so với năm học 2014 - 2015, tổng số cháu đi mẫu giáo 45.191 cháu, tăng 4.801 cháu so với năm học 2014 - 2015. Tổng số học sinh trung học 154.115 em, giảm 1.337 em so năm học 2014 - 2015, trong đó: tiểu học 71.355 em, tăng 455 em; trung học cơ sở  54.070, giảm 89 em; trung học phổ thông 28.690, giảm 1.703em.

Ngày 6/10/2015 Trường Đại học Quảng Bình tổ chức khai giảng năm học 2015 - 2016. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, Trường Đại học Quảng Bình đã triển khai mạnh mẽ và sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động lớn của ngành, của tỉnh; quyết tâm xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ, đoàn kết và hợp tác... Năm học 2015 - 2016, qua hai đợt xét tuyển từ kết quả của kỳ thi Quốc gia, Trường Đại học Quảng Bình đã tuyển mới 1.500 sinh viên đại học, cao đẳng và 80 sinh viên là lưu học sinh nước CHDCND Lào. Hiện nay, Trường đang hoàn thiện khâu xét tuyển nguyện vọng 3 nhằm bảo đảm số lượng tuyển sinh theo kế hoạch tuyển sinh của trường trong năm học 2015 - 2016.

2. Công tác y tế

Ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị nhằm từng bước hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Nhờ đó hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển. Đến nay, 100% số xã, phường có cán bộ y tế hoạt động, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% số thôn bản có cán bộ y tế hoạt động. Do được quan tâm đầu tư nâng cấp, tăng cường cán bộ, thực hiện một số chế độ cho cán bộ y tế xã, nên các trạm y tế xã đã hoàn thành tốt việc triển khai các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia trên địa bàn, tổ chức tốt công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc thai sản, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ, trẻ em.

Sở y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị trong công tác phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng và các loại cúm. Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác tiêm chủng Sởi - Rubella.

Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến 30/9/2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra: 77 ca tay chân miệng xuất hiện rải rác trong cộng đồng; 365 trường hợp thủy đậu; 718 trường hợp lỵ trực trùng; 227 trường hợp lỵ a míp; 4.358 trường hợp tiêu chảy; 99 trường hợp viêm gan vi rút; 234 trường hợp quai bị; 13.115 trường hợp cúm; 12 trường hợp sốt xuất huyết, Rubella 1 trường hợp, các dịch bệnh khác chưa xảy ra. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình phòng chống sốt rét

Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết, đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm, tình hình sốt rét toàn tỉnh tính đến hết tháng 9/2015, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 7.782 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 491 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 43.468 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 0,7%.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS

Từ đầu năm đến ngày 30/9/2015 trên địa bàn tỉnh phát hiện 40 người nhiễm mới HIV, 21 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tính đến  30/9/2015, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.267 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 309 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 107 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế...

Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 8 huyện/thị xã/thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Ngày 14/10/2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do cơ sở bánh mỳ Vương Tiến Thành sản xuất làm, bệnh nhân đầu tiên nhập viện lúc 18h00 ngày 14/10/2015. Tính đến 16h00 ngày 20/10/2015 đã có 244 trường hợp bị ngộ độc, tổng số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế 222 ca, hiện nay số bệnh nhân đã ra viện 178 ca, số bệnh nhân đang điều trị 44 ca, không có trường hợp diễn biến nặng và chưa có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm theo phiếu trả lời kết quả ngày 19/10/2015 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình: 4/9 mẫu bệnh phẩm phát hiện thấy trực khuẩn Salmomella gây bệnh đường ruột.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

- Hoạt động văn hoá    

Trong tháng 10 năm 2015, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ chính trị của các địa phương.

Hoạt động Phát hành phim và Chiếu bóng được tổ chức thường xuyên, định kỳ, đúng kế hoạch và có hiệu quả cao. Chú trọng phục vụ nhân dân vùng biển, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Tạp chí Văn hoá Quảng Bình đã phát hành Tạp chí tháng 10 với các chuyên mục cụ thể, cung cấp các văn bản quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch mới nhất cho bạn đọc tham khảo; nghiên cứu các giá trị bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn Quảng Bình.

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và được tiến hành thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa. Qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hoá xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh. Các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực thể dục, thể thao, du lịch luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 144 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, câu lạc bộ thể dục thể thao, lữ hành và lưu trú trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính và phạt tiền 56,5 triệu đồng đối với 14 cơ sở; thu hồi giấy phép hoạt động của 5 cơ sở; đình chỉ hoạt động đối với 9 cơ sở; tịch thu trên 200 DVD, CD, sách các loại không tem nhãn và cấm lưu hành.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì, triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn của tỉnh. Toàn tỉnh đã có 81,4% gia đình, 62,1% làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký các danh hiệu văn hoá. Hiện tại, công tác bình bầu và xét để công nhận các danh hiệu văn hóa đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

- Hoạt động thể dục thể thao

Chín tháng năm 2015, phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’’ có bước phát triển mới về chất lượng, đưa tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên tăng hàng năm, các địa phương đã có nhiều cố gắng để đưa các điểm tập, cơ sở vật chất, sân bãi vào hoạt động. Các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, nhất là các môn thể thao truyền thống chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các Lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh diễn ra khá sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, các đội tuyển thể thao Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đã đạt được 153 HC các loại (51 HCV, 46 HCB, 56 HCĐ).

4. Tình hình trật tự, an toàn giao thông

- An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, giảm 15 vụ so với tháng 9 năm 2014, trong đó đường bộ 15 vụ, giảm 15; đường sắt, đường thuỷ không xảy tai nạn. Số người chết do tai nạn giao thông 3 người, giảm 11 người so với tháng 9 năm 2014, trong đó đường bộ chết 3 người, giảm 11 người. Số người bị thương do tai nạn giao thông 16 người, giảm 4 người so với tháng 9 năm 2014, trong đó đường bộ bị thương 16 người, giảm 4 người so cùng kỳ năm 2014.

Luỹ kế 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 194 vụ tai nạn giao thông, giảm 67 vụ so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ 186 vụ, giảm 73 vụ; đường sắt 8 vụ, tăng 6 vụ; đường thuỷ không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 87 người, giảm 20 người so với cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ chết 82 người, giảm 23 người, đường sắt chết 5 người, tăng 3 người, đường thuỷ không xảy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 192 người, giảm 87 người so cùng kỳ năm 2014, trong đó đường bộ bị thương 190 người, giảm 89 người, đường sắt bị thương 2 người, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2014.

- An toàn xã hội và pháp luật

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 9 năm 2015 phạm pháp kinh tế xảy ra 2 vụ với 1 đối tượng phạm tội, so với tháng 9 năm 2014 tăng 2 vụ, đối tượng phạm tội tăng 1 người. Phạm pháp hình sự 54 vụ với 62 đối tượng phạm tội, so với tháng 9 năm 2014 tăng 5 vụ, đối tượng phạm tội giảm 2 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 10 vụ với 14 đối tượng vi phạm, so tháng 9 năm 2014 tăng 7 vụ và đối tượng vi phạm tăng 12 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 5 vụ với 9 đối tượng vi phạm, so tháng 9 năm 2014 tăng 3 vụ và đối tượng vi phạm tăng 6 người.

Luỹ kế 9 tháng năm 2015, phạm pháp kinh tế xảy ra 5 vụ với 12 đối tượng vi phạm, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 1 vụ đối tượng vi phạm tăng 2 người. Phạm pháp hình sự xảy ra 413 vụ với 560 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2014 giảm 125 vụ, đối tượng phạm tội giảm 128 người; Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy bị phát hiện 52 vụ với 76 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014 tăng 9 vụ, đối tượng vi phạm tăng 3 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 33 vụ với 50 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2014, tăng 7 vụ và đối tượng vi phạm tăng 1 người./. 

[Trở về]