THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 tỉnh Quảng Bình 

          I. KINH T

          1. Nông nghiệp

          a. Trồng trọt

          Triển khai sản xuất vụ Hè Thu năm 2020 trong điều kiện thời tiết không thuận lợi do nắng nóng gay gắt kéo dài, nhưng nhờ dự báo sớm tình hình nên các ngành chức năng đã chủ động triển khai tốt các giải pháp thủy lợi, đảm bảo công tác tưới tiêu nước phục vụ sản xuất. Do đó, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu tăng; năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với vụ Hè Thu năm trước.

          Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu thực hiện 35.394,2 ha, so với vụ Hè Thu năm trước tăng 2,6%. Cụ thể các cây trồng như sau:

          Cây lúa: Diện tích thực hiện 23.058,8 ha, so với vụ Hè Thu năm trước tăng 3,6%. Nhờ hệ thống thủy lợi tưới tiêu nước hiệu quả, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho nhu cầu gieo cấy nên diện tích lúa tăng khá.

          Diện tích lúa Hè Thu của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 802,5 ha, tăng 23,2%; thị xã Ba Đồn 2.212,3 ha, tăng 1,3%; huyện Minh Hóa 438,3 ha, giảm 2,7%, huyện Tuyên Hóa 1.190 ha, tăng 4,2%; huyện Quảng Trạch 3.400 ha, tăng 13,8%; huyện Bố Trạch 2.320,5 ha, tăng 26,9%; huyện Quảng Ninh 3.388 ha, giảm 1,4%; huyện Lệ Thủy 9.307,2 ha, giảm 2,7% so với vụ Hè Thu năm trước.

          Hiện tại, những trà lúa sớm vụ Hè Thu đã thu hoạch. Đến ngày 15/8/2020, các địa phương thu hoạch xong lúa tái sinh, dự kiến năng suất lúa tái sinh năm nay thấp hơn so với năm trước.

          Các loại cây trồng khác: Tiến độ gieo trồng các nhóm cây khác chậm so  với cùng kỳ, một số cây phải gieo trồng lại nên diện tích nhiều nhóm cây trồng khác (ngoài cây lúa) đạt thấp so với vụ Hè Thu năm trước. Cụ thể: Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác 551,9 ha, giảm 8,5%; nhóm cây lấy củ có chất bột 6.893,4 ha, tương đương vụ Hè Thu năm trước; cây mía 191,6 ha, giảm 7,4%; nhóm cây lấy sợi 1,2 ha; cây có hạt chứa dầu 695,8 ha, giảm 16,7%; nhóm cây rau, đậu các loại và hoa 2.719,2 ha, tăng 7,8%; cây hàng năm khác 1.282,3 ha, tăng 9,2%.

          Tuy thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhưng nhờ hệ thống kênh mương tưới tiêu cơ bản được tu sửa, nạo vét hoàn chỉnh nên công tác tưới nước cho cây trồng thực hiện thuận lợi. Vì vậy, từ đầu vụ đến nay chưa có diện tích cây lúa bị hạn gay gắt và mất trắng hoàn toàn. Công tác bảo vệ thực vật được quan tâm, triển khai đồng bộ nên sâu bệnh hại cây trồng ảnh hưởng không lớn, chỉ phát tán cục bộ và khống chế kịp thời. Theo đó, năng suất nhiều loại cây trồng vụ Hè Thu năm nay cho năng suất cao hơn năm trước, một số cây giảm không đáng kể.

          Ước tính năng suất một số loại cây trồng chính như sau: Cây lúa đạt 36,62 tạ/ha, tăng 8%; cây ngô đạt 37,66 tạ/ha, tăng 81,2% (do năm ngoái diện tích lúa, ngô mất trắng nhiều); cây khoai lang đạt 57,92 tạ/ha, tăng 0,6%; cây sắn đạt 179,24 tạ/ha, giảm 0,9%; cây lạc đạt 13,41 tạ/ha, tăng 4,7%; cây vừng đạt 6,57 tạ/ha, tăng 2,3%; cây rau các loại đạt 96,94 tạ/ha, tăng 6,8%; cây đậu các loại đạt 8,21 tạ/ha, giảm 3,9% so với vụ Hè Thu năm trước.

          Ước tính sản lượng lúa đạt 84.440,4 tấn, tăng 11,9%; sản lượng ngô đạt 2.065,2 tấn, tăng 65,9%; sản lượng khoai lang đạt 2.867,2 tấn, giảm 12,3%; sản lượng sắn đạt 112.169,6 tấn, tăng 0,7%; sản lượng lạc đạt 658 tấn, giảm 19,5%; sản lượng vừng đạt 134,6 tấn, tăng 2,5%; sản lượng rau các loại đạt 17.202,7 tấn, tăng 13,9%; sản lượng đậu các loại đạt 760,5 tấn, tăng 7,4% so với vụ Hè Thu năm trước.

          b. Chăn nuôi

         Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên việc tái tạo đàn lợn chậm. Trước thực trạng đó các trang trại, gia trại chăn nuôi chuyển hướng sang nuôi gia cầm, đặc biệt là nuôi gà phát triển nhanh. Đàn trâu, bò phát triển tương đối ổn định. Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên thị trường của tỉnh vẫn đang ở mức cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thị trường giảm nên tiêu thụ sản phẩm gia cầm khó khăn hơn.

         Ước tính sản lượng sản phẩm xuất chuồng 8 tháng: Thịt trâu hơi 1.461 tấn, tăng 1,9%; thịt bò hơi 4.999 tấn, tăng 3,6%; thịt lợn hơi 26.558 tấn, giảm 6,4%; thịt gia cầm 15.762 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt gà 11.738 tấn, tăng 11,2%; sản lượng trứng gia cầm 74.904 ngàn quả, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

          Để phòng ngừa dịch bệnh những tháng cuối năm, các ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tổ chức tiêm các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Dự báo những tháng cuối năm tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt kết quả khả quan hơn.

          2. Lâm nghiệp

          Sản xuất ngành lâm nghiệp duy trì mức tăng trưởng và tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang được các địa phương triển khai đúng kế hoạch. Công tác giao khoán bảo vệ, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng được chú trọng nên tiến độ thực hiện khá nhanh. Khai thác gỗ từ rừng trồng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ. Trong tháng 8, một số chủ rừng đã triển khai công tác trồng rừng mới, chủ yếu làm đất chuẩn bị mặt bằng. Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện theo kế hoạch.

         Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 8 thực hiện 69.550 m3; 8 tháng thực hiện 335.050 m3, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác tháng 8 thực hiện 48.240 ste; 8 tháng thực hiện 238.740 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,0%.

          Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được triển khai đồng bộ, các đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, trực gác, hạn chế thấp nhất điểm phát lửa và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Cuối tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy rừng.

          3. Thủy sản

         Sản xuất thủy sản 8 tháng năm 2020 tăng trưởng khá cả khai thác và nuôi trồng. Ước tính tháng 8 sản lượng thủy sản đạt 11.741,8 tấn; 8 tháng đạt 62.071,7 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,7%. Trong đó: Cá các loại 49.374,3 tấn, tăng 8,1%; tôm các loại 4.545,9 tấn, tăng 5,1%; các loại thủy sản khác 8.151,5 tấn, tăng 6,6%.

          a. Khai thác

          Hiện nay, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản biển, ngư dân phấn khởi ra khơi mở rộng ngư trường khai thác. Các ngành chức năng đang phối hợp với ngư dân tiếp tục lắp đặt thiết bị giám sát hành trình các tàu cá, hướng tới khai thác bền vững; khai thác thủy sản ven bờ đang có xu hướng giảm. Ước tính tháng 8 sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 8.902 tấn; 8 tháng đạt 53.198,1 tấn, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 50.957,1 tấn tăng 8,2%; khai thác nội địa 2.241 tấn 4,2%. Sản lượng khai thác chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 44.505,7 tấn, tăng 8,3%; tôm các loại 871,8 tấn, tăng 6,3%; thủy sản khác 7.820,6 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

          b. Nuôi trồng

         Trong tháng 8 một số địa phương tập trung đẩy nhanh thu hoạch sản phẩm nuôi trồng nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Ước tính sản lượng nuôi trồng tháng 8 thu hoạch 2.839,8 tấn, tăng 36,5% so với tháng trước, tăng 6,5% so với cùng kỳ; 8 tháng thu hoạch 8.873,6 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 4.868,6 tấn, tăng 6,7%; tôm các loại 3.674,1 tấn, tăng 4,9%; thủy sản khác 330,9 tấn, tăng 2,9%.

          Nét nổi bật trong nuôi trồng thủy sản đó là diện tích nuôi tăng; nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá trong ruộng lúa phát triển khá; nuôi cá lồng, bè phát triển ổn định; cơ sở ươm nuôi tôm giống được đầu tư và tăng quy mô nên đã cung cấp một phần giống tôm thẻ chân trắng cho người nuôi.

          4. Công nghiệp

          Đến nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch nhưng không lớn. Theo đà tăng trưởng của tháng 7, sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 tiếp tục tăng nhẹ.

          Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 5,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%. Cụ thể các ngành như sau:

          - Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,6%. Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 7,0%; khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 5,5%. Do ít bị ảnh hưởng bởi dịch nên ngành khai khoáng vẫn duy trì được mức tăng khá ổn định.

          - Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%. Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2020 của các ngành kinh tế cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu như sau:

          + Ngành chế biến thực phẩm, chỉ số sản xuất tăng 5,0%. Nhóm ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột đã có nguyên liệu, đang trong quá trình chuẩn bị để sản xuất trở lại vào cuối tháng 8/2020. Nhóm chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản đang dần ổn định thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ mới;

          + Ngành sản xuất trang phục gặp phải một số khó khăn do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm may mặc trang phục giảm, các đơn hàng xuất khẩu bị hủy nên các doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Chỉ số sản xuất ngành trang phục 8 tháng ước tính tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục;

           + Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, đây là ngành có nguồn nguyên liệu chủ động, không phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu, tình hình xuất khẩu cũng dần ổn định trở lại. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nổi bật trong nhóm ngành chế biến, chế tạo, tính chung 8 tháng chỉ số sản xuất tăng 11,7% so với cùng kỳ;

          + Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 7,2%, đây là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hoạt động sản xuất vẫn duy trì bình thường, tốc độ tăng trưởng khá. 

          Bên cạnh những ngành có tốc độ tăng khá trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì vẫn còn một số ngành có tốc độ tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ: Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,2%; do sản phẩm sản xuất cạnh tranh với nhiều sản phẩm thương hiệu trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu nên khó khăn trong tiêu thụ. Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 0,2%; nguyên nhân do sản phẩm colophan và nhựa thông giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, giá thành sản phẩm cao trong khi giá bán ra trên thị trường giảm, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Ngành sản xuất đồ uống giảm 36,3% so với cùng kỳ; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân nên sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh.

          - Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%. Nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng cao do thời gian qua có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài.

          - Ngành cung cấp nước vẫn duy trì ổn định, chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%.

          Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước: ván ép từ gỗ đạt 43.106 m3, tăng 369,9%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 202,8 triệu viên, tăng 16,3%; điện thương phẩm đạt 601 triệu kwh, tăng 9,3%; sản phẩm tinh bột dong, riềng đạt 3.737 tấn, tăng 8,6%; nước máy thương phẩm đạt 6,3 triệu m3, tăng 7,0%; đá xây dựng đạt 2,2 triệu m3, tăng 6,7%; clinker thành phẩm đạt 2,5 triệu tấn, tăng 5,7%; xi măng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 5,6%; dăm gỗ đạt 242.424 tấn, giảm 4,7%; áo sơ mi người lớn đạt 8,6 triệu cái, giảm 9,4%; cao lanh đạt 41.989 tấn, giảm 9,9%.

          Nhìn chung, ngành sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm 2020 giữ được mức tăng khá so với cùng kỳ. So với cả nước, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mức độ thấp hơn.

           5. Vốn đầu tư

          Triển khai thực hiện Công văn số 1045/UBND-TH ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để thi công các công trình đúng tiến độ; bên cạnh đó, tình hình thời tiết thuận lợi, giá cả các loại vật liệu ổn định tạo điều kiện cho các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Do vậy, tình hình thực hiện vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực.

          Tháng 8 năm 2020, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý ước tính thực hiện 563,5 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý thực hiện 3.005,0 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 2.368,5 tỷ đồng, tăng 37,7%; nguồn vốn vay thực hiện 530,0 tỷ đồng, giảm 4,5%; nguồn vốn tự có thực hiện 47,6 tỷ đồng, tăng 1,1%; nguồn vốn viện trợ thực hiện 58,8 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2019.

          Vốn đầu tư Nhà nước quản lý 8 tháng năm 2020 phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện 198,2 tỷ đồng, tăng 9,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện 100,9 tỷ đồng, tăng 7,3%; ngành sản xuất và phân phối điện nước thực hiện 31,9 tỷ đồng, tăng 5,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 37,8 tỷ đồng, giảm 6,9%; ngành thương nghiệp thực hiện 18,1 tỷ đồng, giảm 45,6%; ngành vận tải kho bãi thực hiện 1.842,4 tỷ đồng, tăng 34,7%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thực hiện 13,6 tỷ đồng, giảm 55,5%; ngành thông tin và truyền thông thực hiện 11,8 tỷ đồng, tăng 1,7%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ thực hiện 83,8 tỷ đồng, tăng 24,7%; ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ thực hiện 19,0 tỷ đồng, giảm 20,6%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 160,4 tỷ đồng, giảm 4,7%; ngành giáo dục và đào tạo thực hiện 217,2 tỷ đồng, tăng 43,9%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội thực hiện 200,4 tỷ đồng, tăng 57,3%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí thực hiện 31,2 tỷ đồng, tăng 7,7%; ngành hoạt động dịch vụ khác thực hiện 23,9 tỷ đồng, tăng 3,5%; ngành hoạt động dịch vụ cá nhân cộng đồng thực hiện 14,2 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

          Nhìn chung, trong 8 tháng năm 2020, các công trình/dự án được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn chủ yếu tập trung thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp về giao thông, thủy lợi, quản lý nhà nước, giáo dục và đào tạo, y tế,... Mặt khác, các công trình/dự án được phân bổ vốn năm 2020 đã khởi công sau khi hoàn thành các thủ tục, hồ sơ kinh tế kỹ thuật. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt khẩn trương thực hiện việc giải ngân các công trình/dự án đã được phân bổ vốn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch được duyệt.

          6. Thương mại, dịch vụ

          a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

          Tháng 8/2020, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm cho tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, người dân hạn chế đến các trung tâm mua sắm đông người, chỉ ưu tiên mua sắm các hàng hóa thiết yếu và các thiết bị gia dụng. Ngoài ra, lượng khách du dịch giảm hẵn đã ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ.

          Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 3.087,5 tỷ đồng, giảm 9,0% so với tháng trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các nhóm ngành đều giảm so với tháng trước như: Nhóm bán lẻ ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống giảm 4,5%; nhóm bán lẻ phụ tùng, bộ phận phụ trợ của ô tô giảm 1,9%; Nhóm bán lẻ mô tô, xe máy giảm 1,4%; nhóm bán lẻ phụ tùng mô tô, xe máy giảm 6,7%; nhóm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác giảm 1,8%,...; chỉ có nhóm bán lẻ vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 5,1% so với tháng trước, nguyên nhân tăng do nhu cầu mua sách vở, thiết bị học tập cho năm học mới tăng.

          Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 25.408,9 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tăng cao nhất trong tổng mức bán lẻ hàng hoá đó là ngành phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,3%, tiếp đến là ngành bán lẻ gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,1%.

          b. Dịch vụ lưu trú và ăn uống

          Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng khách du lịch giảm nhiều so với tháng trước và so với cùng kỳ. Do đó tác động ảnh hưởng lớn đến dịch vụ lưu trú và ăn uống.

          - Dịch vụ lưu trú 

          Số lượt khách lưu trú tháng 8 ước tính đạt 56.035 lượt khách, giảm 44,9% so với tháng trước và giảm 42,9% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 445.263 lượt khách, giảm 34,9% so với cùng kỳ.

          Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 8 ước tính đạt 1.045 lượt khách, giảm 25,6% so với tháng trước và giảm 90,1% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 33.874 lượt khách, giảm 67,1% so với cùng kỳ.

          Ngày khách tháng 8 ước tính đạt 76.131 ngày khách, giảm 44,3% so với tháng trước và giảm 43,2% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 544.517 ngày khách, giảm 37,5% so với cùng kỳ.

          Doanh thu hoạt động lưu trú tháng 8 ước tính đạt 14,0 tỷ đồng, giảm 53,7% so với tháng trước và giảm 53,6% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 144,3 tỷ đồng, giảm 36,0% so với cùng kỳ, nguyên nhân do sự sụt giảm của khách du lịch sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều cơ sở lưu trú giảm mạnh doanh thu nên phải cắt giảm lao động để duy trì hoạt động.

          - Dch vụ ăn ung

          Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 ước tính đạt 230,2 tỷ đồng, giảm 35,1% so với tháng trước và giảm 38,2% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 2.165,0 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

          c. Dịch vụ lữ hành

          Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực lữ hành phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 8 ước tính đạt 50.046 lượt khách, giảm 51,4% so với tháng trước và giảm 51,3% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 378.053 lượt khách, giảm 47,1% so với cùng kỳ.

          Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 8 ước tính đạt 921 lượt khách, giảm 26,6% so với tháng trước và giảm 93,6% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 33.305 lượt khách, giảm 72,5% so với cùng kỳ.

          Ước tính tháng 8 doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 11,0 tỷ đồng, giảm 56,0% so với tháng trước và giảm 67,9% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 31,1 tỷ đồng, giảm 52,4% so với cùng kỳ.

          d. Hoạt động dịch v

          Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và ổn định xã hội, ngày 31/7/2020 UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu về việc tạm thời ngưng hoạt động một số cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó trên địa bàn tỉnh đã tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn. Do vậy hoạt động dịch vụ tháng 8 và 8 tháng năm 2020 giảm so với cùng kỳ.

          Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8 đạt 125,8 tỷ đồng, giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 991 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ.

          Phần lớn doanh thu các nhóm hàng dịch vụ 8 tháng giảm so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 5,5%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 7,3%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 3,9%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 9,2%; nhóm dịch vụ khác giảm 3,7%, trong đó, dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 5,0%; hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác giảm 3,1% so với cùng kỳ.

          e. Hoạt động vận tải

          Bước qua tháng 8, hoạt động vận tải có dấu hiệu chững lại do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, doanh thu vận tải tháng 8 giảm đáng kể so với tháng trước và so với cùng kỳ.

          Tổng doanh thu vận tải tháng 8 ước tính đạt 346,5 tỷ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước, giảm 2,1% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 2.676,3 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách tháng 8 đạt 54,9 tỷ đồng, giảm 7,3% so với tháng trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 445 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 8 đạt 253 tỷ đồng, giảm 6,9% so với tháng trước, giảm 1,7% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 1.944 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 đạt 38,6 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước, giảm 2,6% so với cùng kỳ; 8 tháng đạt 287,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ.

          Tổng số hành khách vận chuyển tháng 8 ước tính đạt 2,5 triệu hành khách, giảm  9,2% so với tháng trước, giảm 2,5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 18,1 triệu hành khách, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 8 ước tính đạt 109,8 triệu hk.km, giảm 10,4% so với tháng trước, giảm 5,0% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 816,1 triệu hk.km, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

          Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 2,4 triệu tấn, giảm 12,4% so với tháng trước, giảm 8,0% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 17,8 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 8 ước tính đạt 127,7 triệu tấn.km, giảm 9,6% so với tháng trước, giảm 4,2% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 909,3 triệu tấn.km, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

          f. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

          Chỉ số giá tiêu dùng

          Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng 0,06% so với tháng trước; tăng 1,66% so với cùng kỳ năm trước; giảm 0,71% so với tháng 12 năm trước; tăng 2,43% so với kỳ gốc 2019. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,39% (trong đó: Nhóm hàng hóa tăng 1,69%; nhóm dịch vụ tăng 5,89%).

          Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm tăng và 1 nhóm giảm và 4 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm giao thông tăng 0,13%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,12%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,08%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số không đổi so tháng trước.

          Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2020 tăng do các nguyên nhân sau: Giá xăng, dầu bình quân tháng 8 tăng so với tháng 7/2020, làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,13% so với tháng trước; đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng nên tiêu thụ điện của người dân tăng lên nên giá điện bình quân tăng 1,19% so với tháng trước; do dịch Covid-19 bùng phát trở đã gây tâm lý lo ngại cho người dân làm ảnh hưởng đến giá một số loại lương thực, thực phẩm tăng.

           Chỉ số giá vàng 99,99%

          Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 8/2020 giá vàng tăng 5,57% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,29 triệu đồng/chỉ, tăng 37,04% so với kỳ gốc 2019, tăng 30,88% so với cùng kỳ năm trước, tăng 27,96% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá vàng tăng 25,39% so với cùng kỳ.

           Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

          Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.088 đồng/USD, giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,03% so với kỳ gốc 2019, giảm 0,27% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,11% so tháng 12 năm trước. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,07% so với cùng kỳ.

          7. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

          a. Thu ngân sách Nhà nước

          Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước tính tháng 8 thực hiện 247,8 tỷ đồng; 8 tháng  thực hiện 3.309,4 tỷ đồng, đạt 60,2% so với dự toán địa phương, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 3.204,8 tỷ đồng, bằng 61,6% dự toán địa phương, tăng 8,7% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 104,6 tỷ đồng, đạt 34,9% dự toán địa phương, bằng 79,2% so với cùng kỳ năm trước.

          Trong tổng số thu cân đối ngân sách 8 tháng năm 2020 so với dự toán năm có 6/15 khoản thu đạt tiến độ 66,7% dự toán cả năm, là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thu hoa thu hoa lợi cộng sản; còn lại không đạt tiến độ. So với cùng kỳ có 5/15 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thu hoa lợi công sản; còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

          b. Tín dng

          Hoạt động huy động vốn: Đến 31/7/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 45.210 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 6,1% so với đầu năm. Ước tính đến 31/8/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 45.450 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,6% so với đầu năm.

          Dư nợ tín dụng: Đến 31/7/2020, tổng dư nợ đạt 56.391 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,5% so với đầu năm. Ước tính đến 31/8/2020, dư nợ đạt 56.640 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 1,9% so với đầu năm. 

           Dư nợ các chương trình tín dụng (thời điểm 30/6/2020)

          Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Đã giải ngân 87 hợp đồng tín dụng, số tiền giải ngân 988,9 tỷ đồng; dư nợ 873 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là 473 tỷ đồng, chiếm 54,2% dư nợ cho vay theo chương trình, chiếm 0,8% tổng dư nợ, chiếm 33,9% toàn bộ nợ xấu trên địa bàn; nợ gốc quá hạn 63 tỷ đồng, chiếm 7,2% dư nợ cho vay theo chương trình; nợ lãi quá hạn 22 tỷ đồng.

          Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: Có 164.304 khách hàng, dư nợ 27.740 tỷ đồng, chiếm 49,2% tổng dư nợ, tăng 4,2% so với đầu năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

          Cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Có 127.626 khách hàng, dư nợ 13.948 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ, giảm 3,1% so với đầu năm, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

          Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 21 chương trình cho vay, dư nợ cho vay 3.410 tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

          II. XÃ HỘI

          1. Giáo dục

          Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca lây nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng nhanh. Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi tại địa phương. Do dịch có những diễn biến phức tạp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 2 đợt. Những địa phương không thực hiện cách ly xã hội sẽ thi trước theo đúng lịch từ ngày 8 - 10/8/2020. Những khu vực cách ly xã hội, thí sinh thuộc đối tượng F1, F2 phải thi đợt 2. 

          Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Quảng Bình tổ chức 1 Hội đồng thi dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Toàn tỉnh tổ chức thi tại 30 điểm thi với 476 phòng thi, 23 phòng chờ thi và 30 phòng dự phòng. Các cơ sở giáo dục ít học sinh được ghép với cơ sở giáo dục lân cận để tổ chức một điểm thi; thí sinh tự do, thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT là học sinh lớp 12 tại một số điểm thi thuộc địa bàn huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp công tác tổ chức thi được thuận lợi, thí sinh không phải đi dự thi quá xa.

          Song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Quảng Bình được tổ chức bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế. Tại Hội đồng thi Quảng Bình có 10.734 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, có 4.392 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm tỉ lệ 40,92%; 5.931 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 55,25%; 411 thí sinh thi chỉ để đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm tỉ lệ 3,83%.

          Qua 2 ngày thi số thí sinh dự thi các môn luôn ở mức cao so với số lượng thí sinh đăng ký dự thi ban đầu. Trong đó, các môn thi độc lập là Ngữ văn đạt tỷ lệ 99,32%; Toán 99,32%; Tiếng Anh 99,26% và các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên đạt 99,56%; Khoa học xã hội đạt 99,35%. Qua 9 môn thi, tại 30 điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh có 410 lượt thí sinh vắng thi, trong số đó có 12 thí sinh  tự cách ly do liên quan đến vùng dịch (11 em về từ Đà Nẵng, 1 em về từ Hà Nội) và 1 thí sinh bị tai nạn.

          Hiện tại, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang tập trung hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp học; kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2020 - 2021 tại các đơn vị trường học, nhất là các trường ở vùng rẻo cao, bãi ngang, vùng còn nhiều khó khăn. Lễ khai giảng năm học học 2020 - 2021 tại các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào ngày 5/9/2020. 

          2. Y tế

          a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

          Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 415 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 246 trường hợp tiêu chảy; 30 trường hợp thủy đậu; 1 trường hợp quai bị; 538 trường hợp cúm; 10 trường hợp lỵ trực trùng; 3 trường hợp sốt rét; 2 trường hợp lao phổi; 2 trường hợp viêm gan virut B; 17 trường hợp viêm gan virut khác; 3 trường hợp lỵ amip; 3 trường hợp Tay - chân - miệng; 1 trường hợp sốt vàng.

          Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 2.173 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 1.543 trường hợp tiêu chảy; 125 trường hợp thủy đậu; 28 trường hợp quai bị; 3.924 trường hợp cúm; 12 trường hợp lao phổi; 51 trường hợp lỵ trực trùng; 11 trường hợp lỵ amip; 10 trường hợp sởi; 21 trường hợp sốt rét, trong đó có 1 trường hợp tử vong; 1 trường hợp viêm gan A; 11 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp viêm gan virut C; 61 trường hợp viêm gan vi rút khác; 4 trường hợp Tay - chân - miệng; 1 trường hợp sốt vàng. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo công tác giám sát phòng, chống các bệnh mùa hè như sởi, sốt xuất huyết, bệnh tả, tay chân miệng và các loại dịch bệnh khác; chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu y tế - dân số.

          Ngày 31/7/2020 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 1335/UBND-KGVX về việc tạm thời ngưng hoạt động một số cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19; các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và ổn định xã hội.

          Theo báo của cáo Sở Y tế, tính đến 17h ngày 17/8/2020, số ca bệnh nghi ngờ đang điều trị cách ly tại các bệnh viện 01 người, hiện đang cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh 103 người. Tổng số hoàn thành cách ly tập trung 3.914 người; tổng số mẫu xét nghiệm 4.787 mẫu, kết quả có 4.748 người âm tính và đang chờ kết quả 39 người. Tổng số theo dõi, cách ly tại nhà trên địa bàn tỉnh là 20.161 người; trong đó dưới 14 ngày 2.682 người. Ngày 13/8/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập chốt kiểm dịch y tế trên Quốc lộ 1A, tại khu vực Hạ cờ huyện Lệ Thủy. Hiện tại, Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, rà soát người đến và trở về từ vùng dịch; thường xuyên cập nhật, nắm thông tin từ các bản thông báo của Bộ Y tế và trong nhân dân để kịp thời phát hiện các trường hợp đến và trở về Quảng Bình từ các tỉnh, thành phố có người mắc Covid-19; khẩn trương tổ chức theo dõi y tế, áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “vùng dịch” về cư trú trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện khai báo y tế, giám sát y tế đủ thời gian quy định.

          b. Công tác phòng chống sốt rét

          Tháng 7/2020, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 70 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 3 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 4.289 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,02%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2020, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 378 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 21 người, trong đó 1 bệnh nhân sốt rét ác tính và có 1 bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 25.919 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,06%.

          c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

          Từ đầu năm đến 31/7/2020 trên địa bàn tỉnh phát hiện 18 người nhiễm mới HIV, 15 người chuyển sang AIDS, 04 người tử vong do AIDS. Tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.466 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 505 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 146 người. Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

          d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

          Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; qua kiểm tra đã xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và chỉ xảy ra 139 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

          3. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao

          Các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hoạt động cổ động trực quan như treo móc hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, xây dựng hệ thống cổng chào đèn led tuyên truyền trên địa bàn tỉnh; xây dựng mới các cụm pano tấm lớn, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực kỷ niệm 71 năm ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2020); kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020) và chào mừng Đại hội Đảng các huyện, thị xã, thành phố tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

          Đầu tháng 8 năm 2020, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc cập nhật diễn biến dịch và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thông tin kịp thời, minh bạch về tình hình dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng tránh dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và chính quyền địa phương; thông tin định hướng để tránh gây bi quan, sợ hãi hoặc kỳ thị với người mắc bệnh; đấu tranh, phản bác các thông tin sai sự thật, xấu độc về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng; đồng thời vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

          Các địa phương đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị chu đáo các hoạt động văn hóa chào mừng 75 năm ngày Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020); nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; thực hiện Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 29/7/2020 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; để chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31/7/2020 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 1335/UBND-KGVX về việc tạm thời ngưng hoạt động một số cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19,... Vì vậy, các hoạt động Lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người kể từ ngày 01/8/2020 đến nay buộc phải tạm dừng không được tổ chức theo kế hoạch.

          Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 81 huy chương các loại. Trong đó, 17 huy chương vàng, 25 huy chương bạc và 39 huy chương đồng. 

          4. An toàn giao thông và phòng chống cháy nổ

          a. An toàn giao thông

          Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 7 năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, giảm 6 vụ so với tháng 7 năm 2019, trong đó tai nạn giao thông đường bộ 14 vụ, giảm 3 vụ; tai nạn giao thông đường sắt không xảy ra, giảm 2 vụ; tai nạn giao thông đường thủy không xảy ra, giảm 1 vụ so với tháng 7 năm 2019. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, giảm 3 người so với tháng 7 năm 2019, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chết 7 người, giảm 1 người; đường sắt không có người chết, giảm 2 người; đường thủy không có người chết, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 12 người, giảm 6 người so với tháng 7 năm 2019, trong đó tai nạn giao thông đường bộ bị thương 12 người, giảm 5 người; đường sắt không có người bị thương, bằng cùng kỳ; đường thủy không có người bị thương, giảm 1 người so với tháng 7 năm 2019. 

          Lũy kế 7 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, giảm 43 vụ so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, tai nạn giao thông đường bộ 74 vụ, giảm 40 vụ so cùng kỳ; tai nạn giao thông đường sắt 1 vụ, giảm 1 vụ; tai nạn giao thông đường thủy không xảy ra, giảm 1 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 37 người, giảm 20 người so cùng kỳ; trong đó, tai nạn giao thông đường bộ chết 37 người, giảm 18 người so cùng kỳ; tai nạn giao thông đường sắt không có người chết, giảm 2 người; đường thủy không có người chết do tai nạn giao thông, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 63 người, giảm 22 người so với cùng kỳ; trong đó, tai nạn giao thông đường bộ bị thương 62 người, giảm 22 người; tai nạn giao thông đường sắt làm bị thương 1 người, tăng 1 người; đường thủy không xảy ra do tai nạn, giảm 1 người so với cùng kỳ năm 2019. 

          b. Tình hình cháy nổ

          Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ cháy với giá trị thiệt hại 4.318 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 6 vụ với giá trị thiệt hại 890 triệu đồng, cháy loại hình khác 6 vụ với giá trị thiệt hại 213 triệu đồng; cháy chợ 1 vụ với giá trị thiệt hại 15 triệu đồng, cháy phương tiện vận tải 2 vụ với giá trị thiệt hại 3.200 triệu đồng, cháy rừng 8 vụ với diện tích rừng bị cháy 47,56 ha. So với cùng kỳ năm trước số vụ cháy nổ giảm 9 vụ, số người chết giảm 1 người, số người bị thương giảm 1 người, giá trị thiệt hại giảm 2.552 triệu đồng. 

          5. Đời sống dân cư và thực hiện các gói hỗ trợ

          a. Tình hình thiếu đói trong dân cư 

          Tình hình đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Tính đến 10/8/2020, thiếu đói trong dân cư ở Quảng Bình không xảy ra. 

          b. Về kết quả thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP

          Đối với đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội 

         Thực hiện các Quyết định UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch Covid-19 của các huyện, thị xã và thành phố (đợt 1). Tổng số đối tượng đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ là 143.344 đối tượng, với tổng kinh phí là 148.194 triệu đồng. 

          Đối với đối tượng hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm và người lao động

          Từ ngày 21/5- 26/5/2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (chủ yếu liên quan đến nhóm người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh cá thể) cho gần 700 đại biểu là đại diện Lãnh đạo và cán bộ của UBND cấp huyện, xã và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

          Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thẩm định chặt chẽ các nhóm đối tượng còn lại để tổng hợp danh sách trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng. Sau khi UBND các huyện, thị xã, thành phố có tờ trình đề nghị, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 2.914 đối tượng (trong đó có: 90 hộ kinh doanh, 2.814 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, 4 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 6 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương), với số kinh phí đề nghị hỗ trợ là 2.799,1 triệu đồng.

          Để kịp thời chi hỗ trợ cho đối tượng người lao động, ngày 31/7/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2657/QĐ-UBND về việc trích từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ cho 2.778 đối tượng, với số kinh phí 2,65 tỷ đồng cho các địa phương, gồm: thành phố Đồng Hới và các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh để chi trả hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Như vậy, đến nay tỉnh Quảng Bình đã tiếp tục phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 5/8 huyện, thị xã, thành phố và đã có quyết định trích ngân sách bố trí cho 4/8 địa phương để thực hiện chi trả cho các đối tượng người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. 

          Đối với chính sách hỗ trợ việc tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, tử tuất và vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động

          Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04/5/2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn cho người sử dụng lao động thực hiện thủ tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu, tử tuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tính đến 30/6/2020 BHXH tỉnh đã hướng dẫn và thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Nghị định 115/2015/NĐ-CP cho 101 đơn vị, với 1.343 lao động, số tiền tạm ngừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 2.398 triệu đồng; số tiền còn nợ tính đến 31/6/2020 là 677 triệu đồng. Sau khi hết thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức đã hoạt động sản xuất, kinh doạnh trở lại và từ đầu tháng 6/2020, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và đóng bù số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo đúng quy định.

          Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thì đến nay, toàn tỉnh chưa có người sử dụng lao động nào đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. 

          6. Thiệt hại do thiên tai

          Từ đầu tháng 8 đến nay, thiên tai không xảy ra trên địa bàn tỉnh, nên không có thiệt hại do thiên tai gây ra. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ thiên tai, ước tính tổng giá trị thiệt hại là 8.176 triệu đồng./.

[Trở về]