THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng năm 2022 tỉnh Quảng Bình 

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Thời tiết trong 2 tháng đầu năm 2022 khá thuận lợi nên các địa phương tranh thủ đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân nhằm đảm bảo đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo. Theo đó, tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác gieo cấy lúa trước tết Nguyên đán. Ước tính đến ngày 28/2/2022, tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện 53.537,2 ha, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể diện tích gieo trồng các loại cây như sau:

- Cây lúa thực hiện 29.580 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Vụ Đông Xuân năm nay, các địa phương tiếp tục gieo trồng các giống lúa có năng suất và chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn như: VN20, P6, Nhị ưu 838, CT16, HT1, QS88, TBR279, TBR1, PC6, Hà Phát 3, QS447, LTh31, Phong Nha 99, ĐB6,... Hiện tại, lúa trà đầu đang vào giai đoạn đẻ nhánh.

- Các loại cây trồng khác thực hiện 23.957,2 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể một số cây trồng: Cây ngô 3.920 ha, tăng 2,9%; cây khoai lang 2.575 ha, tăng 0,2%; cây sắn 6.200 ha, tăng 2,0%; cây mía 145 ha, tăng 4,3%; cây lạc 3.780 ha, tăng 0,8%; cây rau, đậu các loại 4.935 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 1: Tiến độ gieo trồng một số cây hàng năm vụ Đông Xuân

(Tính đến 28/02/2022)

Dự báo kết thúc gieo cấy, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm nay thực hiện xấp xỉ năm trước. Các nhóm cây trồng tương đối ổn định về quy mô diện tích. Các cây trồng có khả năng tăng là cây ngô, cây lạc, cây mía, cây dược liệu,…

Thời tiết khá thuận lợi nên nhiều loại sâu, bệnh gây hại cây trồng đã xuất hiện nhiều nơi. Trên cây lúa: Bọ trĩ xuất hiện tại thành phố Đồng Hới, các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh; tỷ lệ 5-7%, cao 15-20%. Chuột xuất hiện tại thị xã Ba Đồn, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; tỷ lệ 1-3%, nơi cao 5-7%. Ốc bươu vàng xuất hiện ở Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy; mật độ phổ biến 5-7 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2. Rệp muội xuất hiện tại thành phố Đồng Hới, các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy; tỷ lệ 2-3%, nơi cao 5-7%. Tuyến trùng rễ xuất hiện ở các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy; tỷ lệ phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%. Sâu keo xuất hiện tại huyện Lệ Thủy, với mật độ phổ biến 1-3 con/m2. Bệnh đốm sọc vi khuẩn xuất hiện tập trung chủ yếu tại huyện Quảng Trạch, với tỷ lệ phổ biến 3-4%, cục bộ 7-10%. Bệnh khô vằn xuất hiện tập trung chủ yếu tại huyện Lệ Thủy, với tỷ lệ hại phổ biến 5-10%. Trên cây ngô: Sâu xám xuất hiện tại các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh; mật độ sâu phổ biến 1-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2, sâu tuổi 1-2. Sâu keo mùa thu, sâu cắn nõn xuất hiện tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh; mật độ sâu 2-3con/m2, nơi cao 7-10 con/m2, sâu tuổi 1-2 [1].

b) Chăn nuôi

Thời điểm sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, đàn gia súc, gia cầm giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do số lượng lớn gia súc, gia cầm được giết thịt phục vụ tết Nguyên đán vào cuối tháng 1/2022. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng 2 năm 2022 giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, do tháng 2 năm 2021 trùng vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng mạnh. Trong tháng 2, giá thịt lợn hơi ổn định, tuy có giảm chút ít so với trước tết Nguyên đán nên người chăn nuôi đang tích cực vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị tái đàn.

Hình 2: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 2 đạt 7.387,9 tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 190,7 tấn, giảm 17,1%; thịt bò 878,3 tấn, giảm 10,2%; thịt lợn 3.925,6 tấn, giảm 11,0%; thịt gia cầm 2.393,3 tấn, giảm 8,3% (trong đó thịt gà 1.789,6 tấn, giảm 8,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2 tháng đầu năm đạt 14.136,5 tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 363,7 tấn, giảm 9,1%; thịt bò 1.774,3 tấn, giảm 2,3%; thịt lợn 7.113,1 tấn, giảm 4,3%; thịt gia cầm 4.885,4 tấn, giảm 2,7% (trong đó thịt gà 3.454,7 tấn, giảm 3%) so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh

- Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)

Lũy kế từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/02/2022, toàn tỉnh có 5 hộ/2 thôn/2 xã/2 huyện có DTLCP, tổng số lợn tiêu hủy là 40 con, trọng lượng 2.542 kg. Hiện nay còn 01 xã chưa qua 21 ngày (Lâm Hóa, Tuyên Hóa).

- Bệnh Cúm gia cầm A/H5N1

Xuất hiện ngày 31/01/2022, tính đến ngày 15/2/2022, dịch Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 01 hộ thuộc xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy làm 4.100 con gà mắc bệnh, chết và tiêu hủy.

Đợt rét đậm, rét hại trong tháng 02/2022, nhiệt độ giảm sâu, đột ngột làm một số gia súc bị chết. Luỹ kế đến ngày 24/02/2022, toàn tỉnh có 98 con gia súc chết do rét (trâu 45 con, bò 48 con, dê 5 con). Trong đó, huyện Minh Hóa 68 con, huyện Tuyên Hóa 4 con, huyện Quảng Trạch 15 con, huyện Lệ Thuỷ 11 con.

Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2022. Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tiêm phòng vắc xin; tăng cường tuyên truyền triển khai tiêm vắc xin gia súc, gia cầm trên diện rộng; hướng dẫn chăn nuôi bảo đảm vệ sinh phòng dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các khu vực có nguy cơ; kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ động vật; tổ chức tiêu hủy động vật chết theo quy định.

2. Lâm nghiệp

Trong tháng 2/2022, các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ từ rừng trồng, khai thác củi. Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong tháng 2 thực hiện 17.200 m3, tăng 1,2%; lũy kế 2 tháng đầu năm khai thác 39.650 m3, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác tháng 2 thực hiện 21.700 ste, tăng 0,9%; lũy kế 2 tháng khai thác 39.800 ste, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chăm sóc rừng trồng, trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích trồng năm trước và triển khai trồng cây phân tán theo kế hoạch. Ước tính tháng 2, số cây trồng phân tán 975 ngàn cây, tăng 0,5%; lũy kế 2 tháng trồng được 1.800 ngàn cây, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay từ đầu năm nay, Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu giao chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện trong năm; chỉ đạo các địa phương, chủ rừng thực hiện phương án bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng có nguy cơ bị xâm hại cao; tích cực triển khai giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; thực hiện đúng tiến độ khai thác rừng trồng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra,… Bên cạnh đó, công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng, chi trả dịch vụ môi trường; bảo vệ rừng cũng được quan tâm chú trọng.

Sáng 7/2/2022 (tức mồng 7 tết Nhâm Dần 2022), tại bãi biển xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ngay trong buổi lễ phát động đã tiến hành trồng trên 400 cây xanh dọc bãi biển Quang Phú. Đồng thời, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng ra quân trồng cây đầu năm, phấn đấu đạt chỉ tiêu cao hơn ít nhất 20% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Trong những năm qua, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã được người dân và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh hưởng ứng hăng hái thực hiện, tích cực trồng cây gây rừng. Từ phong trào này đã nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát triển môi trường sống trong cộng đồng và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Thủy sản

Sau tết Nguyên đán, thời tiết khá thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt hải sản nên sản lượng thuỷ sản đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thủy sản tháng 2 đạt 3.816,9 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thủy sản 2 tháng đạt 7.471,8 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3: Sản lượng thủy sản

a) Khai thác

Thời tiết tháng 2 khá thuận lợi nên bà con ngư dân chủ động tăng cường ra khơi bám biển sau tết Nguyên đán. Nhờ phương tiện đánh bắt được trang bị hiện đại hơn, công tác tìm kiếm ngư trường khai thác hợp lý nên kết quả các chuyến khai thác của bà con ngư dân đạt cao. Tuy nhiên, giá, xăng dầu trong thời gian gần đây tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả trong khai thác thuỷ sản.

Ước tính sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 2 đạt 3.215,2 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác tháng 2 chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 2.599,8 tấn, tăng 5,5%; tôm các loại 118,6 tấn, giảm 4,6%; thuỷ sản khác 496,8 tấn, giảm 2,2%. Sản lượng tháng 2 chia theo ngư trường: Khai thác biển 2.966 tấn, tăng 4,3% (Cá các loại 2.451 tấn, tăng 5,9%; tôm các loại 94 tấn, giảm 3,1%; thủy sản khác 421 tấn, giảm 2,5%); khai thác nội địa 249,2 tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thuỷ sản khai thác 2 tháng đầu năm đạt 6.371,7 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác 2 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 5.272,8 tấn, tăng 4,1%; tôm các loại 162,1 tấn, giảm 2,4%; thủy sản khác 936,8 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 2 tháng chia theo ngư trường: Khai thác biển 5.863 tấn, tăng 3,5% (Cá các loại 4.961 tấn, tăng 4,3%; tôm các loại 116 tấn, giảm 1,7%; thủy sản khác 786 tấn, giảm 0,5%); khai thác nội địa 508,7 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

b) Nuôi trồng

Trong tháng 2, các hộ nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục thu hoạch sản phẩm nuôi trồng, đồng thời cải tạo, tu sửa, gia cố ao hồ, bờ đê ruộng lúa để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch trong tháng 2 thực hiện 601,7 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tháng 2 chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 416 tấn, tăng 5,2%; tôm các loại 177,6 tấn, giảm 7,1%; thuỷ sản khác 8,1 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch trong 2 tháng thực hiện 1.100,1 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 2 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 791,6 tấn, tăng 4,2%; tôm các loại 289,3 tấn, giảm 7,2%; thủy sản khác 19,2 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng cá nuôi thu hoạch tăng khá là do cuộc sống của Nhân dân đã dần dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, các ngành dịch vụ, du lịch đã dần khởi sắc hơn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng cao, người dân thu hoạch cá bán được giá. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch giảm là do diện tích bị thu hẹp, chuyển mục đích sử dụng.

4. Công nghiệp

Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ra quân sản xuất đầu năm mới, hoạt động sản xuất từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Nhiều cơ sở đã chủ động được đơn hàng đảm bảo cho việc sản xuất trong những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Cụm trang trại điện gió B&T hoạt động ổn định đã đóng góp lớn cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên do tháng 2/2022 trùng với dịp tết Nguyên đán nên chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 năm 2022 giảm 13,5% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 30,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 109,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ dự án điện gió mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, sản lượng điện mặt trời cũng đạt sản lượng khá so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 26,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 116,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2022 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất trang phục tăng 131,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 116,9%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 87,9%; khai thác quặng kim loại tăng 82,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 31,1%; sản xuất đồ uống tăng 30,2%; chế biến thực phẩm tăng 19,7%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại khác giảm 3,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 8,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 10,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 13,2% và sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 38,6%. Sau tết Nguyên đán, vẫn còn một số cơ sở sản xuất chưa ổn định do chưa có đơn hàng nên chỉ số sản xuất một số ngành giảm so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 2 tháng đầu năm 2022: Quặng titan đạt 17.753 tấn, tăng 82,0%; đá xây dựng đạt 502,6 nghìn m3, tăng 15,6%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 3,6 nghìn tấn, tăng 146,5%; tinh bột sắn đạt 3,0 nghìn tấn, giảm 35,7%; bia đóng chai đạt 199 nghìn lít, giảm 38,1%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 1,5 triệu cái, tăng 135,6%; áo sơ mi đạt 2,2 triệu cái, tăng 233,9%; dăm gỗ đạt 56,7 nghìn tấn, tăng 21,3%; ván ép từ gỗ đạt 34,3 nghìn m3, tăng 242,9%; cao su tổng hợp đạt 138 tấn, tăng 73,9%; kính cường lực đạt 393 tấn, giảm 7,1%; clinker thành phẩm đạt 400,7 nghìn tấn, giảm 28,0%; xi măng đạt 233,5 nghìn tấn, giảm 20,1%; điện mặt trời đạt 14,2 triệu kwh, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

5. Vốn đầu tư

Thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo đó năm 2022 tiếp tục xác định việc đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương, nhằm tạo việc làm, kích cầu thị trường, tăng thu ngân sách,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện dịch COVID-19. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4655/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 về giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương năm 2022; Quyết định số 4656/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 về giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 để các cấp, các ngành sớm triển khai thực hiện.

Sau tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhiều dự án được các đơn vị triển khai thực hiện. Tuy nhiên do tháng hai trùng với dịp tết Nguyên đán nên vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh giảm so với tháng trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 2 năm 2022 ước tính đạt 269,4 tỷ đồng, giảm 24,9% so với tháng trước và tăng 96,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 180,0 tỷ đồng, tăng 86,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 51,3 tỷ đồng, tăng 126,0%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 38,1 tỷ đồng, tăng 110,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ do nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện như: Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình; dự án xây dựng hạ tầng kết nối giao thông từ trung tâm huyện Quảng Trạch đến Quốc lộ 12A; dự án Nâng cấp, mở rộng đường trục chính từ thị xã Ba Đồn vào trung tâm huyện Quảng Trạch (giai đoạn 2); dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Bàu Sen tại Trung tâm huyện Quảng Trạch; dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch giai đoạn 2,…

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 628,2 tỷ đồng, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 432,7 tỷ đồng, tăng 69,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 114,0 tỷ đồng, tăng 115,0%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 81,5 tỷ đồng, tăng 122,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các dự án chuyển tiếp đang được thực hiện, trong thời gian tới, nhiều dự án lớn dự kiến được triển khai thực hiện, như: Dự án Cầu Nhật Lệ 3; Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2); dự án cấp nước sinh hoạt cụm xã phía Tây huyện Lệ Thủy; dự án xây cầu Đức Nghĩa, thành phố Đồng Hới; hạ tầng khu công nghiệp Bắc Đồng Hới; dự án Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình,…

6. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 2/2022, sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, các dịch vụ kinh doanh thương mại hoạt động trở lại bình thường. Để chuẩn bị cho Tết nên trong tháng 1/2022 người dân đã chi tiêu mua hàng rất nhiều, do đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng này giảm so với tháng trước và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

Hình 5: Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 2/2022 ước tính đạt 3.840,9 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước hầu hết các nhóm hàng giảm từ 1,9% - 3,9%, riêng các nhóm như xăng dầu, gas, vàng tăng do giá mặt hàng tăng cụ thể: nhóm xăng dầu các loại tăng 4,2%, nhóm nhiên liệu khác tăng 3,0% so với tháng trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7.754,3 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó tăng cao nhất là nhóm xăng dầu các loại tăng 22,0% đóng góp tăng 2,1% trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa, nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao so với cùng kỳ.

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch

Tháng 2/2022, trùng với dịp tết Nguyên đán, bên cạnh đó điều kiện thời tiết trong những ngày Tết khá thuận lợi, hầu hết các điểm tham quan du lịch, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh mở cửa đón khách du lịch và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thực hiện đón, phục vụ khách du lịch xuyên suốt dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ ngày 29/01/2022 và mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm độc đáo tại Quảng Bình - điểm đến an toàn và khác biệt. Các công ty lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, mạo hiểm, các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, điểm tham quan du lịch cộng đồng, khách sạn từ 3 sao trở lên và các homestay, farmstay có cảnh quan đẹp, gần gũi với thiên nhiên, có lượng khách đặt trước trong dịp Tết với tỷ lệ cao.

Những điểm đến chính của khách du lịch là Động Phong Nha, Động Thiên Đường, Chùa Hoằng Phúc, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Đại Giác, Núi Thần Đinh, Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường biển Bảo Ninh, các điểm tham quan tại Phong Nha - Kẻ Bàng như điểm du lịch Đồi Dẻ, Ồ Ồ Lake,...

Hình 6: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Khách du lịch chủ yếu là khách tham quan nội tỉnh, khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị,... đi theo hình thức gia đình, nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân hoặc máy bay kết hợp phương tiện thuê riêng chiếm tỷ lệ cao.

Vì vậy doanh thu dịch vụ lưu trú, du lịch tăng cao so với tháng trước. Riêng doanh thu dịch vụ ăn uống giảm so với tháng trước do sau Tết nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, liên hoan, tổng kết, tất niên cuối năm giảm.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 2/2022 ước tính đạt 16,0 tỷ đồng, tăng 14,6% so với tháng trước, tăng 54,3% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 30,1 tỷ đồng, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 2/2022 ước tính đạt 49.799 lượt khách, tăng 13,9% so với tháng trước và tăng 77,7% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 93.519 lượt khách, tăng 64,0% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 2/2022 ước tính đạt 728 lượt khách, tăng 53,6% so với tháng trước và tăng 34,3% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1.202 lượt khách, giảm 3,3% so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 2/2022 ước tính đạt 49.809 ngày khách, tăng 13,8% so với tháng trước và tăng 58,1% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 93.572 ngày khách, tăng 45,9% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Tháng 2/2022, doanh thu dịch vụ ăn uống ước tính đạt 252,7 tỷ đồng, giảm 9,5% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ, 2 tháng đầu năm 2022 đạt 531,9 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 2/2022 ước tính đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 71,7% so với tháng trước, giảm 6,1% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 10,4 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 2/2022 ước tính đạt 5.700 lượt khách, tăng 53,8% so với tháng trước, giảm 61,8% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8.407 lượt khách, giảm 72,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 2/2022 ước đạt 700 lượt khách, tăng 72,0% so tháng trước, tăng 4,2% so cùng kỳ; 2 tháng năm 2022 ước đạt 1.107 lượt khách, giảm 20,8% so với cùng kỳ.

c) Dịch vụ khác

Sau tết Nguyên Đán, các hoạt động dịch vụ mở cửa trở lại, tuy nhiên nhu cầu sử dụng của người dân giảm so với tháng trước nên doanh thu các nhóm ngành dịch vụ giảm.

Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 2/2022 đạt 146,9 tỷ đồng, giảm 1,0% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các nhóm ngành dịch vụ đều giảm so với tháng trước, riêng nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước tính đạt 49,9 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà dài hạn tăng.

Tính chung 2 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ khác đạt 295,3 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 27,7% nhóm dịch vụ khác tăng 7,9%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động hoạt động trợ giúp xã hội tăng 19,7%.

d) Hoạt động vận tải

Trong tết Nguyên đán, lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khá đông; sau Tết, người dân di chuyển trở lại nơi làm việc, công tác; mặt khác, lượng lớn sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề,... mới nhập học; số sinh viên, học sinh trở lại trường sau một thời gian dài học online. Đó là những nguyên nhân làm cho doanh thu hoạt động vận tải hành khách tháng 2/2022 tăng nhẹ so với tháng trước. Trong khi đó, hoạt động vận tải hàng hóa tháng này có phần chững lại do nhu cầu lưu thông hàng hóa giảm mạnh. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận chuyển hàng hóa tháng 2/2022 vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Hình 7: Doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

 

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 2/2022 ước tính đạt 367,7 tỷ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm đạt 760,6 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách đạt 125,7 tỷ đồng, tăng 0,2%; vận tải hàng hóa đạt 582,4 tỷ đồng, tăng 12,8%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 52,6 tỷ đồng, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hành khách vận chuyển ước tính tháng 2/2022 đạt 2,4 triệu hành khách, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm đạt 4,9 triệu hành khách, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 2/2022 ước tính đạt 117,3 triệu lượt hành khách.km, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; 2 tháng đầu năm đạt 233,4 triệu lượt hành khách.km, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính tháng 2/2022 đạt 2,5 triệu tấn, giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 5,1 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính tháng 2/2022 đạt 130,8 triệu tấn.km, giảm 9,7% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2022 đạt 275,6 triệu tấn.km, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tỉnh Quảng Bình tháng 2 năm 2022 tăng 0,63% so với tháng trước, tăng 6,29% so với kỳ gốc 2019, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,73% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,29% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 3,38%; nhóm dịch vụ tăng 0,18%).

So với tháng trước, CPI tháng 2 năm 2022 tăng 0,63%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm tăng và 5 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,95%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,68%; nhóm giao thông tăng 1,97%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,33%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,20%, các nhóm: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác có chỉ số không đổi so với tháng trước.

Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 2 năm 2022 đó là: Giá gas được điều chỉnh tăng so với tháng trước: Bình gas Pertrolimex 12 kg có giá 452.000đ/bình, tăng 14.000đ/bình làm giá gas tăng 3,2% so tháng 01/2022; giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh tăng 2 đợt vào ngày 11/02/2022 và ngày 21/02/2022 (giá xăng so với tháng trước tăng 5,77%, dầu Diezen tăng 8,25% đã tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,97%); giá nước tăng 0,23% và giá điện sinh hoạt tăng 0,17% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng (Chỉ số giá điện tháng báo cáo được tính trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng của tháng trước báo cáo, do đó chỉ số giá điện hàng tháng sẽ phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác); ảnh hưởng của giá vàng tăng nên các mặt hàng trang sức tăng 0,78% so với tháng trước.

Đây là tháng trùng dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuy nhiên do tác động của đại dịch nên nhìn chung sức mua của người dân giảm so với những năm trước, dẫn đến hầu hết các nhóm mặt hàng phục vụ Tết có biến động tăng giá nhưng không lớn.

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 02/2022 giá vàng tăng 1,44% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,30 triệu đồng/chỉ, tăng 37,39% so với kỳ gốc 2019, giảm 3,65% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,05% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm giá vàng giảm 4,22% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 22.578 đồng/USD, giảm 0,14% so với tháng trước, giảm 2,25% so với kỳ gốc 2019, giảm 1,47% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,45% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm giá đô la Mỹ giảm 1,58% so với cùng kỳ.

7. Thu ngân sách Nhà nước, ngân hàng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 2 tháng năm 2022 ước tính thực hiện 759,9 tỷ đồng, đạt 12,7% so với dự toán địa phương giao, bằng 75,4% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 731,5 tỷ đồng, đạt 13,1% dự toán địa phương, bằng 75,7% so với cùng kỳ (nếu trừ thu tiền sử dụng đất đạt 17,9% dự toán địa phương, bằng 118,8% so với cùng kỳ); thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 28,3 tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán địa phương, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 so với dự toán năm có 7/15 khoản thu đạt tiến độ (16,7%) dự toán cả năm là thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; thu ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; thu phí, lệ phí; thu xổ số kiến thiết, đất phi nông nghiệp. Còn lại 8 khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm [2].

b) Ngân hàng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, trong đó tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời tiếp tục huy động vốn, cho vay phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

- Hoạt động huy động vốn:

Đến 31/01/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 52.860 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước. Ước tính đến 28/02/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 53.338 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng:

Đến 31/01/2022, tổng dư nợ đạt 70.501 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước. Ước tính đến 28/02/2022, dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm.

- Dư nợ các chương trình tín dụng:

Cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ nội bảng 117,1 tỷ đồng, đã chuyển hạch toán ngoại bảng 746,7 tỷ đồng.

Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn: 157.364 khách hàng, dư nợ 33.609 tỷ đồng, chiếm 48,6% tổng dư nợ, tăng 14,2% so với đầu năm.

Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 111.659 khách hàng, dư nợ 15.617 tỷ đồng, chiếm 22,6% tổng dư nợ, giảm 2,6% so với đầu năm.

Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 22 chương trình cho vay, dư nợ cho vay 3.694 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm [3].

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 01/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 1 trường hợp sốt rét; 312 trường hợp cúm; 1 trường hợp quai bị; 140 trường hợp tiêu chảy; 10 trường hợp thủy đậu; 2 trường hợp viêm gan virut khác. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

Sau tết Nguyên đán năm 2022, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngày 09/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 164/UBND-NCVX, theo đó UBND tỉnh yêu cầu các sở; các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm thông điệp 5K; hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết sau tết Nguyên đán. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá chính xác cấp độ dịch tại các xã, phường, thị trấn hàng tuần theo quy định tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế; tăng cường triển khai điều trị F0 tại nhà và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, tổ chức chăm sóc F0 tại nhà và Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh; khuyến khích người dân tự chủ động, thực hiện xét nghiệm, đặc biệt khi có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP.

Theo Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 của UBND tỉnh về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19, tỉnh Quảng Bình hiện nay có 29/151 xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 1 (vùng xanh); có 70/151 xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 2 (vùng vàng); có 49/151 xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 3 (vùng cam); có 3/151 xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 4 (vùng đỏ).

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 24/02/2022, toàn tỉnh có 1.375.566 liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm, trong đó 581.268 người đã tiêm 2 mũi; 182.929 người đã tiêm đủ 3 mũi; tổng số ca dương tính là 18.571 ca (trong đó 11.961 ca đã khỏi bệnh và 6.580 ca đang nhiễm, 30 ca tử vong); tổng số người hiện đang cách ly là 12.284 người.

Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 01/2022: Tổng số lượt người điều trị sốt rét là 8 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 1 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 1.607 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,06%.

Tháng 01/2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 người nhiễm mới HIV, 1 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 31/01/2022, lũy tích nội tỉnh số người nhiễm HIV là 455 người; số bệnh nhân AIDS là 400 người; số bệnh nhân tử vong là 138 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hướng dẫn các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV nhằm hạn chế lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

Tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2022 tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong dịp Tết. Hầu hết các cơ sở thực hiện tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhìn chung, những thực phẩm quá hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ đều giảm nhiều so với năm trước.

2. Giáo dục, đào tạo

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực, chủ động tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục học kì II, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo chất lượng dạy học, vừa an toàn phòng chống dịch cho học sinh và giáo viên; tổ chức các hoạt động Mừng Đảng - Mừng Xuân” với nội dung phong phú, phù hợp. Quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền cán bộ, giáo viên, người lao động ngành Giáo dục và học sinh đón tết Nguyên đán an toàn, lành mạnh, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống pháo nổ và trật tự an toàn giao thông.

Để triển khai hiệu quả học kỳ II năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục Quảng Bình tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác quản lý, phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh. Đặc biệt, toàn Ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh; phát động sâu rộng, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Tiếp tục thực hiện Chương trình Sóng và máy tính cho em”, tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, Ban tiếp nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng giá trị quy đổi trên 34,6 tỷ đồng. Dịp tết Nguyên đán năm 2022, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã trích từ nguồn kinh phí ủng hộ Chương trình Sóng và máy tính cho em” dành tặng 40 máy tính bảng cho học sinh và 69 suất quà cho giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hoá và Trường Tiểu học và THCS số 2 Kim Thuỷ. Trong thời gian tới, tiếp tục kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động quyên góp, ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức chu đáo các hoạt động đón Tết đảm bảo vui tươi, lành mạnh và triệt để tiết kiệm; kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022), đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức các hoạt động Chợ hoa Xuân Nhâm Dần năm 2022 đảm bảo an toàn; chỉnh trang đô thị, đặc biệt là hệ thống đèn hoa trang trí, chậu hoa lớn đặt tại một số điểm nhấn trong khu vực đô thị; lắp đặt điện trang trí tại một số điểm nhấn trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các trung tâm du lịch; làm vệ sinh tại các khu vực công cộng, các khu du lịch để tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi Tết đến, Xuân về. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan “Mừng Đảng -Mừng Xuân” Nhâm Dần như: Thực hiện các pa nô tấm lớn tại các cửa ngõ ra vào tỉnh trên đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cửa khẩu quốc tế Cha Lo và các điểm thuộc trung tâm thành phố Đồng Hới; thực hiện trang trí cờ, hoa tại Quảng Trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình tạo điểm nhấn thu hút du khách, Nhân dân đến thăm quan và chụp hình lưu niệm; thực hiện tuyên truyền tại các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng như: Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, sân Trung tâm Văn hóa cũ, Bảo tàng tổng hợp, Thư viện tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao; tổ chức Hội chợ hoa Xuân, trưng bày sinh vật cảnh tạo không khí vui tươi trên địa bàn tỉnh. Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, toàn tỉnh đã thực hiện 12 bảng pa nô tấm lớn, treo móc trên 25.000 băng rôn, 160.000 cờ các loại, 70.000 đèn hoa trang trí trên các tuyến đường; thực hiện 56 lượt truyên truyền bằng xe loa lưu động.

Tỉnh Quảng Bình không tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa; các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt hoạt động truyên truyền, cổ động trực quan tạo không khí vui tươi, phấn khởi trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng trong dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, thể thao, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan thay mới hoặc tháo dỡ các pa nô, bảng, biển hiệu quảng cáo và băng rôn, áp phích, cờ phướn tuyên truyền đã hết thời hạn tuyên truyền hoặc cũ nát, gây mất mỹ quan; tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở dịch vụ văn hóa nhất là các điểm kinh doanh karaoke, dịch vụ thể thao, đảm bảo việc kinh doanh tuân thủ pháp luật; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các hoạt động văn hóa, thể thao.

Ngày 14/02/2022, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình làng Phan Long. Đình làng Phan Long, tọa lạc tại phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử có niên đại hàng trăm năm. Đình được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789), Đình làng thờ thành hoàng Nguyễn Đức Tuân và các vị tiên hiền, những người có công khai khẩn và có nhiều công lao với đất và người nơi đây.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 15/01/2022-14/02/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, tăng 6 vụ so với tháng trước, giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 14 vụ, tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 6 người, giảm 2 người so với tháng trước, giảm 13 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người bị thương do tai nạn giao thông 13 người, tăng 9 người so với tháng trước, giảm 19 người so với cùng kỳ năm 2021.

Hình 8: Tình hình trật tự an toàn xã hội

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đường bộ 22 vụ, giảm 28 vụ so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 14 người, giảm 19 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 14 người, giảm 19 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 17 người, giảm 25 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 17 người, giảm 25 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy xảy ra. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy với giá trị thiệt hại 1.518 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy nổ giảm 1 vụ, giá trị thiệt hại tạm ước giảm 9,5 triệu đồng.

5. Tình hình nổi bật khác về xã hội

Trong những ngày trước tết Nguyên đán, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, kiểm tra tình hình đời sống và sản xuất ở một số địa phương trong tỉnh; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Qua kiểm tra và báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tình hình đời sống của Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh trước Tết đảm bảo ổn định, Nhân dân phấn khởi, tích cực chuẩn bị các hoạt động để đón tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đẩy mạnh thực hiện mô hình chương trình bình ổn thị trường Tết, chương trình kết nối cung cầu hiệu quả tại một số địa phương, chú trọng các địa phương có chợ và các siêu thị lớn luôn đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Sở Công Thương Quảng Bình đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tham gia Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thành lập đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trước tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của Sở và cử thành viên tham gia Đoàn liên ngành của tỉnh.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các đơn vị, tổ chức đã đi thăm hỏi, động viên, chúc Tết các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên lãnh đạo tỉnh, gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số tiền thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong dịp tết Nguyên đán trên 37,989 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh phân bổ 2.286.615 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho Nhân dân thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và thời kỳ giáp hạt đầu năm 2022 đảm bảo đúng đối tượng, đúng định mức, đúng mục đích theo quy định tại Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

UBND tỉnh đã ủy quyền cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thăm các đơn vị Quân đội, Biên phòng, Công an đang làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn, Anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trực Tết ở các đơn vị và các gia đình chính sách; ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm các đối tượng tại nhà tình nghĩa của Hội Cựu thanh niên xung phong, các đối tượng chính sách tiêu biểu; ủy quyền cho các huyện, thị xã, thành phố thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo của tỉnh đã nghỉ hưu trên địa bàn./.

[1] Nguồn: Thông báo số 33/TB-TTBVTV ngày 23/02/2022 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

[2] Nguồn: Báo cáo số 497/BC-CTQBI ngày 21/2/2022 của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình

[3] Nguồn: Báo cáo số 113/BC-QUB ngày 18/2/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình

[Trở về]