THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 tỉnh Quảng Bình 
          I. KINH TẾ

          1. Nông nghiệp

          a) Trồng trọt

          Năm 2021, sản xuất cây hàng năm trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, đất được bồi đắp phù sa sau lũ lụt, ít sâu bệnh, chuột gây hại; hệ thống kênh mương, thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo công tác tưới, tiêu nước hiệu quả, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đó, diện tích, năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng tăng khá so với năm trước. Kết quả sản xuất cây hàng năm đạt khá cao và đánh giá chung là được mùa. Sản lượng lương thực tăng cao so với năm trước, an ninh lương thực được đảm bảo.

          Diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng so với năm trước, tăng chủ yếu ở cây lúa, cây ngô và cây lương thực có hạt khác. Một số cây hàng năm có giảm so với năm trước là cây rau, đậu các loại và hoa,... Các địa phương đã tích cực thực hiện chuyển đổi cây trồng, một số cây do kém hiệu quả đang thực hiện chuyển sang trồng cây hàng năm khác như: cây dưa lê, dưa hấu, các loại cây gia vị,... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

          Diện tích gieo trồng cây hàng năm 85.289,8 ha, tăng 1,3% so với năm trước. Trong đó: Diện tích vụ Đông Xuân 48.140,4 ha, tăng 0,5%; diện tích vụ Hè Thu 36.684,4 ha, tăng 2,5%; diện tích vụ Mùa 465,1 ha, giảm 5,9% so với năm trước. Diện tích gieo trồng một số cây trồng chính: Cây lúa cả năm thực hiện 53.682,2 ha, tăng 0,9%; cây ngô 4.715,4 ha, tăng 10,8%; cây khoai lang 2.997,7 ha, giảm 2,7%; cây sắn 6.579,6 ha, tăng 5%; cây lạc 4.151,3 ha, giảm 2,2%; rau các loại 6.055,1 ha, giảm 0,6% so với năm trước.

          Năng suất gieo trồng một số cây trồng cả năm: Cây lúa đạt 54,55 tạ/ha, tăng 6,2%; cây ngô đạt 61,11 tạ/ha, tăng 6,9%; cây khoai lang đạt 78,82 tạ/ha, tăng 5,3%; cây sắn đạt 182,75 tạ/ha, tăng 3,4%; cây lạc đạt 24,41 tạ/ha, tăng 7,5%; cây rau các loại đạt 104,04 tạ/ha, giảm 1,5%; cây đậu các loại đạt 7,77 tạ/ha, tăng 0,8% so với năm trước.

          Sản lượng lương thực cả năm 2021 đạt 321.933,7 tấn, tăng 8,0% so với năm trước. Trong đó: Sản lượng lúa đạt 292.837,8 tấn, tăng 7,1%; sản lượng ngô đạt 28.816,3 tấn, tăng 18,4%; sản lượng kê đạt 279,6 tấn, giảm 7,7% so với năm trước. Sản lượng một số cây trồng khác: Khoai lang đạt 23.629,2 tấn, tăng 2,4%; sắn đạt 120.239,9 tấn, tăng 8,5%; lạc đạt 10.133,2 tấn, tăng 5,1%; rau các loại đạt 62.994,7 tấn, giảm 2,2% so với năm trước.

          Sản xuất Đông Xuân năm 2021 - 2022

          Triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trong thời tiết khá thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho công tác chuẩn bị và triển khai gieo trồng các loại cây vụ Đông Xuân. Theo đó, tiến độ gieo trồng các loại cây tăng so với cùng kỳ năm trước.

          Ước tính tháng 11, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân thực hiện 2.159,4 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể một số cây thực hiện như sau: Cây ngô 305 ha, tăng 1,7%; cây khoai lang 510 ha, tăng 2,0%; cây sắn 82 ha, tăng 2,5%; cây khoai các loại 8,2 ha, tăng 2,5%; cây rau các loại 1.050 ha, tăng 5,0%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 82,2 ha, tăng 0,2%; cây hàng năm khác 122 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

          Hiện tại, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất; thực hiện công tác chuẩn bị như giống, phân bón, triển khai tu sửa nạo vét kênh mương nhằm tạo thuận lợi thực hiện sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Trước mắt, tập trung triển khai sản xuất rau, màu vụ Đông (Đông Xuân sớm).

          b) Chăn nuôi

          Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá bán sản phẩm biến động, giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao,... nhưng hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn Tỉnh đang từng bước phục hồi. Riêng chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển tốt, dịch bệnh không phát sinh, giá thịt hơi và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định là những yếu tố thuận lợi tạo tâm lý yên tâm cho người chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu cuối năm.

          Tháng 11/2021, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ổn định và có mức tăng khá so với cùng kỳ; tuy nhiên, do giá thịt lợn hơi biến động thất thường, mức giá vẫn thấp nên sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, làm cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng chung toàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 5.696 tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 167 tấn, tăng 7,7%; thịt bò 716 tấn, tăng 7,7%; thịt lợn 2.756 tấn, giảm 28,7%; thịt gia cầm 2.057 tấn, tăng 3,2% (trong đó thịt gà 1.499 tấn, tăng 4,5%) so với cùng kỳ năm trước.

          Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11 tháng đạt 64.762 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 1.747 tấn, tăng 6,3%; thịt bò 8.568 tấn, tăng 12,5%; thịt lợn 32.671 tấn, giảm 0,4%; thịt gia cầm 21.776 tấn, tăng 4,6% (trong đó thịt gà 16.039 tấn, tăng 5,6%) so với cùng kỳ năm trước.

          Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

          - Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu,: Lũy kế từ ngày 08/02/2021 đến ngày 16/11/2021, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 6.261 hộ/684 thôn/125 xã/8 huyện, thị xã, thành phố làm 10.070 con trâu, bò mắc bệnh và 1.340 con trâu, bò chết do bệnh. Hiện nay, có 114 xã, phường/8 huyện, thị, thành phố đã công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục và 05 xã/3 huyện chưa qua 21 ngày (6 xã không công bố dịch).

          - Dịch tả lợn châu Phi: Lũy kế từ ngày 01/01/2021 đến ngày 16/11/2021, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 263 hộ/86 thôn/43 xã/8 huyện, thị, thành phố làm 2.236 con lợn chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng là 13.203kg. Trong đó có 35 xã đã qua 21 ngày, còn 08 xã chưa qua 21 ngày (Trường Xuân - Quảng Ninh; Phú Thủy - Lệ Thủy; Phù Hóa, Quảng Xuân, Cảnh Hóa, Quảng Tùng - Quảng Trạch; Quy Đạt, Hóa Hợp - Minh Hóa).

          Nhìn chung, sản xuất chăn nuôi trong tháng 11 cơ bản ổn định. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch COVID-19, hiện nay hoạt động sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đang có xu hướng tăng trở lại. Đàn gà nuôi tập trung tăng cao tại các trang trại, gia trại nhằm đáp ứng thực phẩm tiêu dùng và phục vụ dịp tết Nguyên đán sắp đến.

          2. Lâm nghiệp

          Thời tiết tương đối thuận lợi nên các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ rừng trồng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch năm 2021.

          Ước tính tháng 11, diện tích rừng trồng mới tập trung thực hiện 1.450 ha, tăng 16,0%; cây lâm nghiệp trồng phân tán thực hiện 750 ngàn cây, tăng 4,2%; sản lượng gỗ khai thác 55.000 m3, tăng 10%; sản lượng củi khai thác 15.500 ste, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

          Ước tính 11 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung thực hiện 6.500 ha, tăng 17,4%; cây lâm ngiệp trồng phân tán 4.350 ngàn cây, tăng 4,4%; sản lượng gỗ khai thác 525.000 m3, tăng 4,1%; sản lượng củi khai thác 331.500 ste, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

          3. Thuỷ sản

          Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên thị trường tiêu thụ thủy sản bị thu hẹp, bà con ngư dân hạn chế ra khơi khai thác và thu hoạch sản phẩm nuôi trồng. Theo đó, sản lượng thủy sản trong tháng thực hiện chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

          Ước tính sản lượng thủy sản tháng 11 thực hiện 5.773,2 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thủy sản 11 tháng thực hiện 84.334,7 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại đạt 66.769,8 tấn, tăng 3,4%; tôm các loại đạt 7.521,6 tấn, tăng 7,5%; thủy sản khác đạt 10.043,3 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

          a) Khai thác

          Tháng 11 năm nay thời tiết thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hơn năm trước nên sản lượng khai thác trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng khai thác tháng 11 đạt 4.699,5 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

          Ước tính sản lượng khai thác 11 tháng đạt 72.187,5 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 11 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 60.923,7 tấn, tăng 4,0%; tôm các loại 1.405,6 tấn, tăng 6,5%; thuỷ sản khác 9.858,2 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 68.263,0 tấn, tăng 3,9%; khai thác nội địa 3.924,5 tấn, bằng so với cùng kỳ năm trước.

          b) Nuôi trồng

          Ước tính sản lượng nuôi trồng thu hoạch tháng 11 đạt 1.073,7 tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch 11 tháng đạt 12.147,2 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 11 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 5.846,1 tấn, giảm 1,8%; tôm các loại 6.116,0 tấn, tăng 7,8%; thuỷ sản khác 185,1 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

          4. Công nghiệp

          Trong tháng 11, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp đã dần ổn định trở lại. Việc áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều cơ sở bị ảnh hưởng và gặp khó khăn.

          Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 năm 2021 ước tính tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ dự án điện mặt trời mới đi vào hoạt đng trong năm. Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện Hố Hô tăng cường sản xuất nên sản lượng tăng khá cao so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước.

          Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 4,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

          Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành cấp 2 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác tăng 9,3%; sản xuất trang phục tăng 8,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 7,4%; khai thác thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,7%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 0,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 0,4%; in và sao chép bản ghi các loại giảm 1,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 2,1%; sản xuất đồ uống giảm 9,4%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản; mũ cao su và nhựa thông; dược liệu và hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị,… gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

          Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước: Cá đông lạnh đạt 2.068 tấn, tăng 138,2%; ván ép từ gỗ đạt 84.736 m3, tăng 64,8%; thủy điện đạt 33,7 triệu kwh, tăng 58,2%; gỗ xẻ đã được xử lý đạt 7.401 m3, tăng 28,9%; tinh bột sắn đạt 12.941 tấn, tăng 27,7%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 370,9 triệu viên, tăng 27,3%; đá xây dựng đạt 3,3 triệu m3, tăng 6,5%; xi măng đạt 1,6 triệu tấn, tăng 3,9%; clinker thành phẩm đạt 3,3 triệu tấn, tăng 1,8%; phân khoáng, phân NPK đạt 35.216 tấn, tăng 3,7%; thức ăn cho thủy sản đạt 2.333 tấn, tăng 2,5%; cao su tổng hợp đạt 440 tấn, giảm 1,6%; dăm gỗ đạt 282.463 tấn, giảm 5,4%; nước khoáng có ga đạt 8,5 triệu lít, giảm 13,3%; cao lanh đạt 49,4 nghìn tấn, giảm 13,9%.

          Nhìn chung, trong tháng 11 và 11 tháng năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như thiếu lao động; giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; các khoản chi phí vận tải kho bãi, chi phí phòng chống dịch,… Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành liên quan đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, một số dự án lớn mới đi vào hoạt động và có đóng góp vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

          5. Vốn đầu tư

          Tháng 11/2021, thời tiết thuận lợi, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đồng thời thực hiện các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nên việc thi công các công trình diễn ra thuận lợi. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 ước tính đạt 316,9 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 227,5 tỷ đồng, giảm 22,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 57,9 tỷ đồng, tăng 31,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 31,5 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

          Tính chung 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 2.969,2 tỷ đồng, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.155,1 tỷ đồng, giảm 15,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 491,6 tỷ đồng, tăng 14,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 322,5 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khối lượng vốn đầu tư thực hiện 11 tháng năm 2021 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, việc huy động nhân công, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số dự án vẫn còn gặp vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, địa chất phải tạm dừng thi công để giải quyết, xử lý, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thực tế thi công, hoàn thiện hồ sơ mất khá nhiều thời gian làm chậm trễ tiến độ triển khai dự án/công trình.

          Trong thời gian còn lại của năm 2021, để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, rà soát để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Đối với các chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo hoàn thành các công trình xây dựng trong năm theo kế hoạch.

          6. Thương mại, dịch vụ

          a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

          Tháng 11, thị trường hàng hoá tương đối ổn định, các cơ sở kinh doanh áp dụng nhiều chính sách khuyễn mãi thúc đẩy lưu chuyển hàng tồn kho, nhập về các mặt hàng mới làm cho mức độ lưu chuyển thị trường hàng hoá tăng, đồng thời nhu cầu mua sắm của người dân vào những tháng cuối năm tăng. Bên cạnh đó thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng, giá cả một số mặt hàng tăng như vật liệu xây dựng, nhiên liệu,… góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ.

          Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 đạt 3.519,0 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Tăng cao nhất trong các nhóm hàng là nhóm xăng dầu các loại ước đạt 374,2 tỷ đồng, tăng 9,9% so với tháng trước và tăng 44,0% so với cùng kỳ, nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 38.618,6 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, trong đó nhóm có mức tăng mạnh nhất so cùng kỳ là nhóm xăng dầu các loại đạt 3.705,8 tỷ đồng, tăng 29,0% do ảnh hưởng của giá xăng tăng mạnh; nhóm có mức tăng thấp nhất là xe đạp và phụ tùng xe đạp (tăng 1,6%) do nhu cầu sắm xe đạp của người dân giảm.

          b) Lưu trú, du lịch lữ hành và ăn uống

          Tháng 11 năm 2021, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động dịch vụ lưu trú và du lịch tăng so với tháng trước song vẫn giảm sâu so với cùng kỳ.

          - Dịch vụ lưu trú

          Doanh thu hoạt động lưu trú tháng 11 ước tính đạt 2,1 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 87,0 tỷ đồng, giảm 45,3% so với cùng kỳ.

          Số lượt khách lưu trú tháng 11 ước tính đạt 6.875 lượt khách, giảm 58,5% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 250.399 lượt khách, giảm 50,7% so với cùng kỳ.

          Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 11 ước tính đạt 325 lượt khách, giảm 33,0% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 6.200 lượt khách, giảm 82,3% so với cùng kỳ.

          Ngày khách tháng 11 ước tính đạt 6.875 ngày khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 278.663 ngày khách, giảm 55,2% so với cùng kỳ.

          - Dịch vụ ăn uống

          Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 11 ước tính đạt 258,4 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ, nguyên nhân tăng cao do tháng 11/2020 giảm mạnh bởi ảnh hưởng của các đợt mưa bão, lũ lụt kéo dài; 11 tháng đạt 3.009,1 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

          - Dịch vụ lữ hành

          Ước tính tháng 11 doanh thu hoạt động lữ hành đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ, 11 tháng đạt 65,6 tỷ đồng, giảm 46,6% so với cùng kỳ.

          Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 11 ước tính đạt 1.350 lượt khách, giảm 34,5% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 102.244 lượt khách, giảm 72,8% so với cùng kỳ.

          Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 11 ước tính đạt 350 lượt khách, giảm 1,7% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 4.201 lượt khách, giảm 87,6% so với cùng kỳ.

          Năm 2021, dịch vụ lưu trú và du lịch lữ hành là ngành giảm mạnh nhất trong các ngành kinh tế do đây là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, các hoạt động dịch vụ tạm dừng trong thời gian dài ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt hoạt động tham quan du lịch. Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, tỉnh Quảng Bình sớm triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, triển khai chương trình du lịch tham quan trọn gói “Khám phá Quảng Bình trong trạng thái bình thường mới”, hoạt động lưu trú và du lịch lữ hành sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới.

          c) Dịch vụ khác

          Tháng 11, hoạt động dịch vụ khác tăng so với tháng trước. Tình hình thời tiết trong tháng thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ kinh doanh, vui chơi, giải trí.

          Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 11 đạt 126,7 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng cao nhất, ước đạt 25,4 tỷ đồng, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng 2021 doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 1.435,5 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước.

          d) Hoạt động vận tải

          Tháng 11 năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch song song với việc thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

          Về lĩnh vực vận tải, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách một cách thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1322/CĐ-TTg ngày 10/10/2021. Hoạt động vận tải dần được phục hồi và phát triển, một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh được phép hoạt động trở lại, các tuyến vận tải nội tỉnh tiếp tục lưu thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

          Tháng 11 năm 2021, thời tiết thuận lợi cho hoạt động vận tải, theo đó, tổng doanh thu vận tải và doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng cao so với cùng kỳ (do thời điểm này năm trước, tỉnh Quảng Bình phải gánh chịu hậu quả nặng nề của những cơn bão, lụt liên tiếp, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng bị ách tắc, hoạt động vận tải bị tê liệt). Ước tính tổng doanh thu ngành vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 11/2021 đạt 361,7 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng đạt 3.797,8 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đạt 603,5 tỷ đồng, tăng 0,3%; vận tải hàng hóa đạt 2.899,9 tỷ đồng, tăng 10,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi đạt 294,4 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

          Vận chuyển hành khách: Tổng số hành khách vận chuyển ước tính tháng 11 đạt 2,3 triệu hành khách, giảm 0,4% so với cùng kỳ; 11 tháng năm 2021 đạt 24,0 triệu hành khách, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 11/2021 ước đạt 104,1 triệu lượt hành khách.km, tăng 4,5% so với cùng kỳ; 11 tháng 2021 đạt 1.097,9 triệu lượt hành khách.km, giảm 0,7% so với cùng kỳ.

          Vận chuyển hàng hóa: Tổng số hàng hóa vận chuyển ước tính tháng 11 đạt 2,5 triệu tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ; 11 tháng năm 2021 đạt 25,3 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tổng số hàng hóa luân chuyển tháng 11 ước đạt 132,4 triệu tấn.km, tăng 14,2% so với cùng kỳ; 11 tháng năm 2021 đạt 1.343,8 triệu tấn.km, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

          đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

          * Chỉ số giá tiêu dùng

          Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 5,65% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,55% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 1,94%; nhóm dịch vụ tăng 0,76%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 06 nhóm tăng và 05 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,12%; nhóm giao thông tăng 2,98%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,01%; các nhóm: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục; nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số không đổi so tháng trước.

          Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 11 năm 2021:

          Giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh tăng 2 đợt vào ngày 26/10/2021 và ngày 10/11/2021. Giá xăng so với tháng trước tăng 8,81%, dầu diezen tăng 7,59% đã tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,98%, cùng với đó tác động đến hầu hết giá các nhóm trong chỉ số giá tiêu dùng của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng; thời tiết trong tháng mưa nhiều, gây khó khăn cho việc chăm sóc và trồng các loại rau, củ, quả làm giá nhóm rau tươi tăng so với tháng trước; giá gas được điều chỉnh tăng 9.000đ từ đầu tháng 11/2021 làm giá ga tăng 1,98% so với tháng 10/2021; ảnh hưởng của giá vàng tăng nên các mặt hàng trang sức tăng 1,54% so với tháng trước.

          * Chỉ số giá vàng 99,99%

          Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 11/2021 giá vàng tăng 2,21% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,20 triệu đồng/chỉ, tăng 34,75% so với kỳ gốc 2019, giảm 2,97% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,80% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 11 tháng chỉ số giá vàng tăng 8% so với cùng kỳ.

          * Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

          Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 22.651 đồng/USD, giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 1,93% so với kỳ gốc 2019, giảm 1,90% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,69% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 11 tháng chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,28% so với cùng kỳ.

          7. Thu, chi ngân sách nhà nước

          a) Thu ngân sách nhà nước

          Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song với những giải pháp điều hành linh hoạt cùng với sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp nên số thu nội địa của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực. Kết quả thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện đến 30/11/2021 vượt tiến độ dự toán giao và tăng so với cùng kỳ. Ước tính thực hiện thu ngân sách nhà nước đến 30/11/2021 đạt 5.740,1 tỷ đồng, bằng 130,7% so với dự toán Trung ương giao; bằng 105,7% dự toán địa phương giao; tăng 26,2% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Trong đó:

          - Thu cân đối ngân sách đạt: 5.042,1 tỷ đồng, đạt 120,7% dự toán Trung ương giao; đạt 102,3% dự toán địa phương giao, tăng 15,3% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

          So với dự toán năm: Có 12/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán cả năm. Đó là: Thu DNNN TW đạt 99,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 135,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 99%; Thu lệ phí trước bạ đạt 96,3%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 110,9%; thu tiền thuê đất đạt 94,3%; thuế thu nhập cá nhân đạt 106,3%; thu phí, lệ phí đạt 95,8%; thu tiền sử dụng đất đạt 107,9%; thu khác ngân sách đạt 100,5%; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác đạt 103,7%; thu cổ tức, lợi nhuận được chia đạt 351,6%.

          So với cùng kỳ: Có 8/16 khoản thu có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thu thuế trước bạ; thuế thu nhập cá nhân; thu phí, lệ phí; thu tiền sử dụng đất; thuế bảo vệ môi trường; thu cổ tức, lợi nhuận được chia.

          - Thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện đến 30/11/2021 đạt: 698 tỷ đồng, bằng 324 % so với dự toán Trung ương giao, bằng 139,6% dự toán địa phương giao và tăng 299% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng thu đột biến chủ yếu là do phát sinh nhóm hàng máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án điện gió, ngoài ra một số mặt hàng có thuế phát sinh tăng như clinker, tinh quặng Ilmenite, đá vôi xuất khẩu và thạch cao, tinh bột sắn, đường và quặng sắt nhập khẩu.

          b) Chi ngân sách nhà nước

          Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các ngành, các cấp về điều hành chi NSNN đảm bảo chặt chẽ theo đúng dự toán được duyệt, sử dụng ngân sách triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện. Các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo, đặc biệt là trong việc giải ngân vốn đầu tư công và chi cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh.

          Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 diễn ra trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện ngân sách Tỉnh khó khăn, nhu cầu chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất lớn, UBND tỉnh điều hành ngân sách linh hoạt, chủ động, ngoài tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương đã tập trung rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết để tập trung nguồn lực cho công tác pòng, chống dịch COVID-19. UBND các cấp đã thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; không bổ sung ngoài dự toán đầu năm, trừ một số trường hợp đặc biệt cấp bách.

          Dự toán chi NSNN năm 2021, HĐND tỉnh quyết định là 12.264 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương 11 tháng năm 2021 thực hiện 10.758 tỷ đồng, bằng 93% dự toán Trung ương giao, bằng 87% dự toán HĐND tỉnh giao. Các nhiệm vụ chi ngân sách cơ bản được đảm bảo theo đúng dự toán, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách.

          II. XÃ HỘI

          1. Giáo dục, đào tạo

          a) Giáo dục

          Đầu năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 396 cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (CSGDPT và GDTX) (trong đó có: 185 trường Tiểu học, 03 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật cấp TH, 30 trường TH-THCS, 137 trường THCS, 06 trường THCS-THPT, 26 trường THPT, 08 TTGD-DN, 1 TTGDTX tỉnh) với 182.155 học sinh. Cấp học mầm non: 183 trường, 2.324 nhóm, lớp với 58.343 trẻ.

          Tất cả các xã, phường, thị trấn đều có trường tiểu học hoặc trường liên cấp có cấp tiểu học; 150/151 xã, phường, thị trấn có trường Mầm non; 149/151 xã, phường, thị trấn có trường THCS hoặc trường liên cấp có cấp học THCS, chủ yếu là trường công lập.

          Đầu năm học 2021 - 2022, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên đến nay các cơ sở giáo dục Mầm non chủ yếu hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà, một số ít trường cho trẻ học trực tiếp từ ngày 25/10/2021. Nhiều cơ sở Mầm non ngoài công lập chưa hoạt động trở lại. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới.

          Để triển khai năm học 2021 - 2022, cấp Tiểu học đã tổ chức đồng bộ các lớp tập huấn cán bộ quản lí, giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hình thức trực tuyến; đến nay đã tập huấn Mô đun 1, 2 cho 100% cán bộ quản lí và giáo viên dạy lớp 2; tập huấn cho 100% giáo viên dạy lớp 5 chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tập huấn Mô đun 3, 4 cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán dạy lớp 2; tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến cho giáo viên sử dụng các nền tảng, phần mềm dạy học trực tuyến để sẵn sàng cho việc dạy học trực tuyến đảm bảo có chất lượng; tập huấn mô đun 1, 2, 3 cho cán bộ quản lý cấp Tiểu học về quản trị hoạt động dạy học, giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức, giải pháp giáo dục hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

          Cấp Trung học và Giáo dục thường xuyên triển khai các hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo chất lượng năm học theo đúng kế hoạch. Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6. Tổ chức tập huấn dạy học STEM cho giáo viên cốt cán bậc THCS; phối hợp với Đại học Vinh tổ chức bồi dưỡng năng lực sư phạm đợt 1, 2, 3, 4 cho giáo viên tiếng Anh,… để triển khai năm học mới.

          Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương triển khai thực hiện. Đến ngày 26/10/2021, Ban tiếp nhận của Giáo dục đào tạo đã tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng giá trị quy đổi là 3.574.105.734 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Quảng Bình trao tặng 1.000 điện thoại thông minh và 13 tháng truy cập miễn phí cho học sinh (tương đương số tiền 2,02 tỷ đồng). Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành các bước mua sắm theo quy định. Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức mua sắm thiết bị, phương tiện dạy học trực tuyến từ nguồn kinh phí quyên góp được, để hỗ trợ cho học sinh thuộc đối tượng của Chương trình. Tiếp tục kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động quyên góp, ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”.

          b) Đào tạo

          Bước vào năm học mới 2021 - 2022, Trường Đại học Quảng Bình đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản: Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy và đạo đức nhà giáo; đổi mới công tác tuyển sinh đáp ứng nhu cầu xã hội; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong năm học mới, Trường Đại học Quảng Bình đã chủ động triển khai dạy học trực tuyến để ứng phó với đại dịch COVID-19.

          Trong năm học mới 2021 - 2022, chỉ tiêu tuyển sinh Trường Đại học Quảng Bình là 1.165 chỉ tiêu đại học, cao đẳng hệ chính quy; trong đó, hệ đại học 1.115 chỉ tiêu, cao đẳng sư phạm 50 chỉ tiêu. Trường đã thông báo tuyển sinh và xét tuyển theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT, kết hợp với thi tuyển năng khiếu theo tổ hợp xét tuyển tương ứng (áp dụng đối với ngành giáo dục Thể chất và giáo dục Mầm non).

          Theo báo cáo của Trường Đại học Quảng Bình, số thí sinh trúng tuyển và đã nhập học năm học 2021 - 2022 tính đến ngày 19/11/2021 là 340 sinh viên; trong đó hệ Đại học là 311 sinh viên; hệ Cao đẳng giáo dục Mầm non là 29 sinh viên. Hiện tại Trường Đại học Quảng Bình đang tiếp tục công tác tuyển sinh các đợt bổ sung theo kế hoạch tuyển sinh của Trường.

          Các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trường Trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, phát triển thêm một số ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập nghề nghiệp của con em Nhân dân. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tích cực đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp dạy học để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp. Hiện tại, các trường trên toàn tỉnh đang thông báo tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội; tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, thông qua việc ký kết hợp đồng đào tạo, sử dụng nhân lực.

          2. Y tế

          Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 53 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 339 trường hợp cúm; 3 trường hợp thủy đậu; 111 trường hợp tiêu chảy; 12 trường hợp viêm gan virut khác; 2 trường hợp sốt rét. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/10/2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 205 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 1.805 trường hợp tiêu chảy; 72 trường hợp viêm gan vi rút khác; 381 trường hợp thủy đậu; 22 trường hợp quai bị; 4.191 trường hợp cúm; 24 trường hợp lỵ trực trùng; 4 trường hợp sốt rét; 14 trường hợp lỵ amip; 12 trường hợp tay-chân-miệng; 2 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp bệnh do virut Adeno; 4 trường hợp lao phổi; 2 trường hợp sởi. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

          Thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế của Bộ Y tế, ngày 01/11/2021, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2442/KH-UBND về việc Thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19” trên địa bàn, qua đó yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch và hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan, triển khai kịp thời các nhiệm vụ, biện pháp phòng chống dịch theo chức năng, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Hiện nay dịch COVID-19 đang được kiểm soát, số ca mắc mới chủ yếu là người về từ vùng dịch.

          Ngày 13/11/2021, UBND tỉnh có Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tăng cường rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp; tập trung tổ chức tiêm vắc xin với tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường công tác truyền thông để Nhân dân hiểu rõ hơn, ủng hộ và tham gia tích cực các giải pháp về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Theo Quyết định số 3376/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19, tỉnh Quảng Bình hiện nay ở Cấp 2 - Nguy cơ trung bình (vùng vàng).

          Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 19/11/2021, toàn tỉnh có 625.466 người được tiêm vắc xin COVID-19, trong đó 126.626 người đã tiêm đủ 2 mũi; tổng số người hiện đang cách ly tập trung là 1.379 người; tổng số người hiện đang theo dõi, cách ly tại nhà là 3.187 người; tổng số ca dương tính là 2.306 ca (trong đó 2.065 ca đã khỏi bệnh và 235 ca đang nhiễm, 6 ca tử vong).

          Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 10/2021, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 72 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 2 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 2.526 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,08%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 533 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 4 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 31.845 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,01%.

          Từ đầu năm đến ngày 31/10/2021, trên địa bàn tỉnh phát hiện 23 người nhiễm mới HIV, 19 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 31/10/2021, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.509 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 541 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 154 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hướng dẫn các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

          Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 10 năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với 13 ca mắc, trong đó: 1 vụ ở xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) với 03 ca mắc; 1 vụ ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) với 2 ca mắc; 1 vụ ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) với 5 ca mắc và 1 vụ ở xã Hóa Thanh (huyện Minh Hóa) với 03 ca mắc, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong, ngoài ra còn có 169 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

          3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

          Trong tháng, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn điều chỉnh kịp thời, phù hợp công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình và thể thao với việc phòng chống dịch bệnh. Sở đã ban hành Hướng dẫn số 1238/HD-SVHTT ngày 26/10/2021 về hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Quyết định số 3375/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh về việc Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19đối với từng cấp độ dịch áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong hoạt động văn hóa và thể thao.

          Hướng tới chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ngày 5/10/2021 tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã tổ chức Liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ (CLB) Bài chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ 3 năm 2021. Tại liên hoan, các CLB Bài chòi đã trình diễn nghệ thuật Bài chòi với những nét riêng độc đáo qua lời ca, điệu lý, câu hò, vè đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Liên hoan là dịp để các nghệ nhân đến từ các CLB Bài chòi trao đổi kinh nghiệm và thể hiện năng lực tổ chức trình diễn, kỹ năng tổ chức chơi bài chòi; đồng thời phát huy các giá trị di sản văn hóa ở địa phương.

          Ngày 29/10/2021, tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã tổ chức Liên hoan các câu lạc bộ ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ V năm 2021, với sự tham gia của gần 70 ca nương, kép đàn, trống chầu. Liên hoan được đánh giá có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, đề tài và phong cách biểu diễn phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tham gia liên hoan không chỉ có những nghệ nhân, ca nương gạo cội mà còn quy tụ được nhiều ca nương trẻ - là thế hệ kế cận, tiếp tục gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này. Liên hoan là dịp để các thành viên trong các CLB gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

          Giải quần vợt Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Quảng Bình lần thứ IX được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 12 - 14/11/2021), quy tụ hơn 100 vận động viên (VĐV) đến từ 17 sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Các trận thi đấu thể thao tại giải diễn ra hào hứng với chất lượng chuyên môn được nâng cao và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức giải quần vợt Đại hội TDTT lần thứ IX là dịp để các VĐV có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm thi đấu, nâng cao sức khỏe, tăng cường đoàn kết trong hoạt động thể thao nói chung cũng như các hoạt động văn hóa, xã hội giữa các đơn vị trong tỉnh; đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030.

          Từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao Quảng Bình đã tham gia thi đấu các giải như: Giải Karate miền Trung - Tây Nguyên tại Nghệ An đạt 6 huy chương vàng (HCV), 5 huy chương bạc (HCB), 11 huy chương đồng (HCĐ); giải Bơi và Lặn vô địch quốc gia bể 25m tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó: Bơi đạt 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; Lặn đạt 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ; giải Bi sắt vô địch quốc gia tại Vũng Tàu đạt 1 HCĐ; giải Canoing vô địch các câu lạc bộ toàn quốc đạt 1 HCB, 1 HCĐ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 34 huy chương các loại (9 HCV, 10 HCB và 15 HCĐ).

          4. An toàn giao thông, cháy nổ

          a) An toàn giao thông

          Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, tăng 13 vụ so với tháng trước, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm trước; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 18 vụ, tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 8 người, tăng 7 người so với tháng trước, tăng 5 người so với cùng kỳ năm trước. Số người bị thương do tai nạn giao thông 12 người, tăng 7 người so với tháng trước, tăng 4 người so với cùng kỳ năm trước.

          Lũy kế 11 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông, giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đường bộ 113 vụ, giảm 13 vụ so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 2 vụ so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 73 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 73 người, giảm 1 người so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 86 người, giảm 26 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 86 người, giảm 25 người so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2020.

          b) Cháy nổ

          Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy ước giá trị thiệt hại 1.143 triệu đồng, trong đó cháy phương tiện giao thông vận tải 1 vụ ước giá trị thiệt hại 1.000 triệu đồng, cháy nhà đơn lẻ 1 vụ ước giá trị thiệt hại 143 triệu đồng. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy với giá trị thiệt hại 4.972,5 triệu đồng và 23,7 ha rừng, trong đó cháy nhà đơn lẻ 4 vụ với giá trị thiệt hại 709,5 triệu đồng, cháy phương tiện giao thông vận tải 4 vụ với giá trị thiệt hại 3.100 triệu đồng, cháy loại hình khác 4 vụ với giá trị thiệt hại 1.163 triệu đồng, cháy rừng 2 vụ với giá trị thiệt hại 23,7 ha rừng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy nổ giảm 21 vụ, giá trị thiệt hại giảm 2.315,5 triệu đồng.

          5. Tình hình thiên tai

          Từ đầu tháng 11 đến nay, thiên tai không xảy ra trên địa bàn tỉnh nên không có thiệt hại do thiên tai gây ra. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ thiên tai, ước tính tổng giá trị thiệt hại là 43.010 triệu đồng. Tháng 11 năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, chỉ rải rác mưa nhẹ kèm không khí lạnh, không xảy ra thiên tai. Lũy kế từ đầu năm đến nay số vụ thiên tai tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, giá trị thiệt hại ước tính thấp hơn so với cùng kỳ./.

[Trở về]