THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 tỉnh Quảng Bình 

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Trong tháng 7, các địa phương tập trung chăm sóc cây trồng vụ Hè Thu. Mặc dù điều kiện thời tiết đầu Vụ nắng nóng kéo dài, nhưng nhờ có dự báo và chuẩn bị trước nên cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã chủ động triển khai tốt các giải pháp thủy lợi, xây dựng kế hoạch điều tiết, dự trữ, tưới tiêu nước hợp lý, bảo đảm đáp ứng cho gieo trồng và chuẩn bị triển khai các phương án phòng tránh diễn biến bất thường của thời tiết, cố gắng thu hoạch vụ Hè Thu trước mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Ước tính đến ngày 31/7/2022, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện 35.208 ha, tăng 0,2% so với vụ Hè Thu năm trước.

- Cây lúa: Diện tích thực hiện 23.255 ha, giảm 1,9% so với vụ Hè Thu năm trước. Trong đó: Lúa tái sinh 8.818 ha, tăng 6,8%; lúa gieo cấy 14.437 ha, giảm 6,6% so với vụ Hè Thu năm trước. Diện tích lúa Hè Thu gieo cấy giảm do giá vật tư nông nghiệp, chi phí dịch vụ trồng trọt tăng cao khiến nhiều nông dân một số địa phương không mặn mà với việc trồng lúa; bên cạnh đó một số nơi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, như rau đậu, cây ăn quả,... hoặc sang nuôi trồng thủy sản.

Hình 1. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu 2022

Diện tích lúa Hè Thu của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 747,6 ha, giảm 8,0%; thị xã Ba Đồn 2.176,6 ha, tăng 1,8%; huyện Minh Hóa 449 ha, tăng 1,3%; huyện Tuyên Hóa 1.251 ha, tăng 18,2%; huyện Quảng Trạch 3.362 ha, giảm 1,1%; huyện Bố Trạch 2.214,2 ha, giảm 15,0%; huyện Quảng Ninh 3.630,5 ha, tăng 0,9%; huyện Lệ Thủy 9.424,1 ha, giảm 2,4% so với vụ Hè Thu năm trước.

Hiện tại, các địa phương đang triển khai thu hoạch lúa tái sinh chín sớm. Dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ thu hoạch xong 8.818 ha lúa tái sinh. Ước tính năng suất lúa tái sinh năm nay đạt cao hơn so với năm trước.

- Cây trồng khác: Các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng một số cây hàng năm khác. Cụ thể diện tích gieo trồng một số cây chủ yếu như sau: Cây ngô 530 ha, tăng 3,9%; cây khoai lang 570 ha, tăng 5,6%; cây sắn 6.420 ha, tăng 2,2%; cây lạc 490 ha, tăng 3,2%; rau, đậu các loại 2.651 ha, tăng 9,1% so với vụ Hè Thu năm trước.

Tình hình sâu bệnh hại cây trồng: Sâu bệnh và chuột hại lúa đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Trên cây lúa, các đối tượng gây hại chủ yếu là chuột, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, bệnh khô vằn, sâu đục thân. Trên cây rau xuất hiện sâu ăn lá, với mật độ sâu phổ biến 3 - 5 con/m2, nơi cao 7 - 8 con/m2.[1]

b) Chăn nuôi

Sản xuất chăn nuôi tháng 7 và 7 tháng năm 2022 ổn định và tiếp tục có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước cả về tổng đàn cũng như sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Tình hình dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục tái dịch và lây lan nên ảnh hưởng đến việc tái đàn.

Trong 7 tháng năm 2022, sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, lượng cung các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng và đẩy giá tăng cao. Riêng giá thịt lợn hơi trong vài tuần trở lại đây tăng khá cao, nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do tác động bởi giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy giá thành chăn nuôi lên cao.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 7 năm 2022 đạt 6.115 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 180 tấn, tăng 1,7%; thịt bò 955 tấn, tăng 4,4%; thịt lợn 3.130 tấn, tăng 5,0; thịt gia cầm 1.850 tấn, tăng 3,4% (trong đó: thịt gà 1.500 tấn, tăng 7,1%) so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 7 tháng đạt 48.492,1 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 1.123,8 tấn, giảm 1,2%; thịt bò 5.744,4 tấn, tăng 3,7%; thịt lợn hơi 26.825,8 tấn, tăng 6,0%; thịt gia cầm 14.798,1 tấn, tăng 8,9% (trong đó: thịt gà 11.280,5 tấn, tăng 7,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tai xanh lợn, cúm gia cầm; chỉ xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Lũy kế từ ngày 01/01/2022 đến ngày 19/7/2022, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 144 hộ/48 thôn/20 xã/4 huyện làm 1.171 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng 80,4 tấn. Hiện nay, có 7 xã/3 huyện đã qua 21 ngày và 13 xã/4 huyện chưa qua 21 ngày (Lê Hóa, Cao Quảng, Thạch Hóa - huyện Tuyên Hóa; Trung Hóa, Hóa Thanh, Dân Hóa, Hóa Hợp, Minh Hóa, Hóa Tiến, Hồng Hóa, Trọng Hoá - huyện Minh Hóa; Phù Hóa - huyện Quảng Trạch; Trường Sơn - huyện Quảng Ninh).

Để kịp thời phòng, chống dịch bệnh, ngành Thú y đang kết hợp với các ngành liên quan triển khai công tác rà soát, nắm tình hình và tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các giải pháp phòng dịch; đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch lây lan, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin dịch bệnh cho người chăn nuôi và thực hiện nhiều giải pháp khác,...

2. Lâm nghiệp

Hoạt động lâm nghiệp tháng 7 tập trung chủ yếu tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, với các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 7 đạt 55.500 m3, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 7 tháng thực hiện 267.869 m3, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng củi khai thác tháng 7 đạt 56.000 ste, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 7 tháng thực hiện 193.120 ste, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện theo kế hoạch. Trong tháng 7 thời tiết nắng nóng nên không triển khai công tác trồng rừng tập trung. Diện tích rừng trồng tập trung 7 tháng thực hiện 3.590 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Triển khai kịp thời công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân vùng có rừng; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống cháy rừng cho các chủ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép.

Ngày 05/7/2022, tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy đã xảy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy 3,95 ha, trong đó: diện tích rừng bị cháy 1,61 ha (ước tính thiệt hại 30%), cháy trảng cỏ, cây bụi 2,34 ha. Từ đầu năm đến nay xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng tại huyện Lệ Thủy. Diện tích cháy 6,26 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 3,27 ha, trảng cỏ cây bụi 2,99 ha [2].

3. Thủy sản

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần, với mức giảm khá mạnh; cùng với tháng 7 đang là cao điểm của mùa du lịch, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao nên ngư dân tăng cường ra khơi bám biển. Sản xuất thủy sản trong tháng 7 năm 2022 duy trì mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thủy sản tháng 7 đạt 10.467 tấn, tăng 2,4%; trong đó sản lượng khai thác đạt 8.120 tấn, tăng 2,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 2.347 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thủy sản 7 tháng năm 2022 đạt 54.164,8 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 43.611,9 tấn, tăng 0,9%; tôm các loại 4.238 tấn, tăng 8,9%; thủy sản khác 6.314,9 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

a) Khai thác

Tháng 7, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy, hải sản trên biển, nhiều chủ tàu tích cực vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác. Tuy nhiên vấn đề khó khăn hiện nay đối với khai thác thủy sản biển đó là giá xăng dầu ở mức cao gây gánh nặng chi phí cho các chủ tàu, nguồn lao động thiếu do số lao động trẻ có xu hướng đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng; một số tàu vỏ sắt được đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ hoạt động hiệu quả thấp có nguy cơ phải nằm bờ dài ngày (trong tháng 6 năm 2022 đã có 24 tàu nằm bờ); mặt khác việc chuyển đổi nghề cho phù hợp với Luật Thủy sản 2017 vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để mua ngư lưới cụ, cải hoán tàu thuyền, kinh nghiệm đánh bắt sau khi chuyển đổi nghề,...

Ước tính sản lượng khai thác thủy sản tháng 7 đạt 8.120 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng khai thác thủy sản 7 tháng đạt 47.535,1 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 45.512,8 tấn tăng 3,9%; khai thác nội địa 2.022,3 tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 40.046,9 tấn, tăng 0,7%; tôm các loại 1.306 tấn, tăng 50,2%; thủy sản khác 6.182,2 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, các ngành chức năng đang thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hướng tới khai thác bền vững, giảm thiểu khai thác ven bờ.

b) Nuôi trồng

Thời tiết khá thuận lợi và không có dịch bệnh xảy ra nên sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch tăng khá. Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch tháng 7 đạt 2.347 tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 892 tấn, tăng 2,6%; tôm các loại 1.440 tấn, tăng 1,4%; thủy sản khác 15 tấn, tăng 25,0% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch 7 tháng đạt 6.629,7 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 3.565 tấn, tăng 4,0%; tôm các loại 2.932 tấn, giảm 2,9%; thủy sản khác 132,7 tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

4. Công nghiệp

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và giá xăng dầu, chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp để duy trì và phục hồi, mang lại hiệu quả tích cực; Cụm trang trại điện gió B&T hoạt động ổn định đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, do một số công ty đang tiến hành bảo trì, sửa chữa máy móc, chỉ sản xuất với sản lượng thấp (Công ty Dược phẩm Quảng Bình, Công ty bia Hà Nội); mặt khác, một số doanh nghiệp may mặc có đơn hàng trong tháng 7 giảm (Công ty Cổ phần Xí nghiệp may Hà Quảng, Công ty Cổ phần Dệt may Huế - Chi nhánh Quảng Bình) nên chỉ số ngành chế biến chế tạo tăng thấp so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 năm 2022 ước tính tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 19,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 95,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 19,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 115,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2022 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện tăng 115,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 60,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 53,0%; sản xuất trang phục tăng 43,8%; khai thác quặng kim loại tăng 37,6%.

Bên cạnh những ngành có mức tăng cao cũng có một số ngành có mức giảm sâu do doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn mới, thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên, vật liệu,… cụ thể: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 49,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 21,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 7 tháng năm 2022: Quặng titan đạt 52,0 nghìn tấn, tăng 37,6%; đá xây dựng đạt 2,0 triệu m3, tăng 9,4%; cao lanh đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 12,6%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 13,3 nghìn tấn, tăng 36,9%; bia đóng chai đạt 1,1 triệu lít, giảm 40,2%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 4,4 triệu cái, tăng 78,6%; áo sơ mi đạt 7,9 triệu cái, tăng 46,4%; dăm gỗ đạt 295,0 nghìn tấn, tăng 73,5%; ván ép từ gỗ đạt 66,8 nghìn m3, tăng 14,4%; kính cường lực đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 25,2%; clinker thành phẩm đạt 1,9 triệu tấn, giảm 13,3%; xi măng đạt 921,9 nghìn tấn, giảm 17,1%; điện gió đạt 294,8 triệu kwh; điện mặt trời đạt 63,5 triệu kwh, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

5. Vốn đầu tư

Tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh trong tháng 7 chủ yếu tập trung hoàn thành các thủ tục để triển khai thực hiện các dự án khởi công mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, các dự án trọng điểm đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, cùng với các chính sách, biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án và giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cam kết thực hiện theo từng mốc thời gian cụ thể góp phần tích cực vào kết quả thực hiện vốn đầu tư trong 7 tháng năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7 năm 2022 ước tính đạt 389,5 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 265,5 tỷ đồng, tăng 0,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 73,9 tỷ đồng, tăng 32,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 50,1 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.407,8 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.619,4 tỷ đồng, tăng 19,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 467,5 tỷ đồng, tăng 50,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 320,9 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như: giá nguyên vật liệu tăng, nguồn cung ứng nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị, giá xăng dầu biến động; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương, các chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan khác, nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất.

6. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Để tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy hợp tác các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã tổ chức Hội chợ Thương mại khu vực Bắc Trung bộ - Quảng Bình 2022 từ ngày 08 - 13/7/2022 nhằm giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường. Mặt khác, tháng 7 là thời gian cao điểm của mùa du lịch, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của tiếp tục tăng. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 7/2022 tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7/2022 ước tính đạt 4.100,5 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 27.710,5 tỷ đồng, tăng 11,0 % so với cùng kỳ, trong đó nhóm xăng dầu tăng cao nhất 36,6% đóng góp tăng 4,0% trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

b) Lưu trú, ăn uốngdu lịch

Tháng 7, nhờ những nỗ lực tích cực nhằm nhanh chóng phục hồi sau những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra, ngành du lịch đã sôi động trở lại. Tại nhiều công ty du lịch, lượng khách đặt tour tăng cao, đặc biệt, dịp cuối tuần, các bãi biển, điểm du lịch khám phá sông Chày - hang Tối, suối Nước Moọc,… rất đông du khách. Nhiều khách sạn ở dọc bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh kín phòng, lượng khách đổ về các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn rất đông. Đáng chú ý là một lượng lớn khách nội tỉnh thay vì lựa chọn các địa điểm du lịch ngoại tỉnh đã chọn trải nghiệm dịch vụ du lịch tại các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn. Để góp phần phục hồi ngành du lịch sau hơn hai năm bị gián đoạn, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, triển khai các chương trình kích cầu, như: Lễ hội khinh khí cầu Quảng Bình, Giải đua thuyền truyền thống năm 2022, Giải bóng đá bãi biển và Hội thi Ẩm thực du lịch Quảng Bình,… Nhiều đơn vị nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm nhiều trải nghiệm để thu hút du khách. Mặt khác, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối các thị trường du lịch vẫn diễn ra thường xuyên, nhằm thu hút khách du lịch từ các thị trường trong nước và các thị trường khách quốc tế tiềm năng đến với Quảng Bình. Vì vậy dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 7/2022 tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 7/2022 ước tính đạt 57,8 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước và tăng 587,4% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng năm 2022 đạt 222,5 tỷ đồng, tăng 175,0% so với cùng kỳ.

Hình 6. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống

Số lượt khách lưu trú tháng 7/2022 ước tính đạt 168.500 lượt khách, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 565,5% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 653.551 lượt khách, tăng 183,5% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 7/2022 ước tính đạt 3.500 lượt khách, tăng 36,7% so với tháng trước và tăng 1.111,1% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 11.034 lượt khách, tăng 101,7% so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 7/2022 ước đạt 180.800 ngày khách, tăng 14,5% so với tháng trước và 576,5% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 682.241 ngày khách, tăng 164,0% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7/2022 ước tính đạt 429,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 24,5% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 2.251,2 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ.

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 7/2022 ước tính đạt 49,0 tỷ đồng, tăng 15,5% so với tháng trước và tăng 820,2% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 166,9 tỷ đồng, tăng 163,8% so với cùng kỳ.

Hình 7. Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 7/2022 ước tính đạt 73.000 lượt khách, tăng 13,2% so với tháng trước và tăng 7.185,4% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 238.427 lượt khách, tăng 138,5% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 7/2022 ước tính đạt 3.000 lượt khách, tăng 20,0% so với tháng trước và tăng 8.990,9% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2022 đạt 10.027 lượt khách, tăng 161,7% so với cùng kỳ.

c) Dịch vụ khác

Du lịch phát triển góp phần tác động đến tăng trưởng ngành dịch vụ khác, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tăng nhằm thỏa mãn vui chơi khi đi du lịch của khách du lịch. Tuy nhiên trong đó có ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm do chính sách tài khóa siết chặt làm cho hoạt động giao dịch cầm chừng so với các tháng trước.

Ước tính doanh thu dịch vụ khác tháng 7/2022 đạt 155,2 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Bảy tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ khác đạt 1.049,5 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng năm 2022, nhóm kinh doanh bất động sản tăng cao nhất (tăng 23,4% so với cùng kỳ), đóng góp tăng 7,0% trong tổng số tăng chung 10,2% của dịch vụ khác. Ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản có xu hướng bớt phần sôi động bởi trong thời gian gần đây, các cơ quan, ban, ngành đã có những chính sách tài khóa siết chặt liên quan đến kinh doanh bất động sản như các chính sách thu thuế bất động sản, siết tín dụng bất động sản,… giúp kìm hãm độ nóng của thị trường bất động sản.

d) Hoạt động vận tải

Bước sang tháng 7, điều kiện thời tiết khá thuận lợi, ngành vận tải tiếp tục đạt được kết quả cao, cả về doanh thu và sản lượng, nhất là vận tải hành khách. Với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của du lịch, hầu hết các điểm, tuyến du lịch đều sôi động, nhộn nhịp, lượng hành khách vận tải tháng 7/2022 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển nguyên, vật liệu, thiết bị phục vụ cho nhiều dự án, công trình trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng mạnh nên vận tải hàng hóa đạt kết quả khá cao.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

- Doanh thu vận tải:

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 ước tính đạt 405,1 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; luỹ kế 7 tháng đạt 2.599,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 442,6 tỷ đồng, tăng 11,0%; vận tải hàng hóa đạt 1.971,9 tỷ đồng, tăng 8,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 185,3 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hành khách:

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 7 năm 2022 ước tính đạt 2,8 triệu hành khách, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển tháng 7 năm 2022 ước tính đạt 123,9 triệu hành khách.km, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 25,0% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, tổng số hành khách vận chuyển đạt 17,1 triệu hành khách, tăng 9,7%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 802,6 triệu hành khách.km, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa:

Ước tính tháng 7 năm 2022, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2,6 triệu tấn, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 186,0 triệu tấn.km, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2022, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 16,7 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.082,6 triệu tấn.km, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng tới và những tháng cuối năm, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch,... tăng trưởng mạnh sẽ tác động làm cho ngành vận tải đạt kết quả cao so với năm trước. Tuy nhiên, những tháng tới dự báo thời tiết sẽ hết sức phức tạp, xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt là vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ, khả năng sẽ có bão mạnh, với tình hình thời tiết như vậy sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động vận tải cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tỉnh Quảng Bình tháng 7 tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 7,92% so với kỳ gốc 2019, tăng 3,17% so cùng kỳ năm trước và tăng 2,28% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,88% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 3,86%; nhóm dịch vụ tăng 0,99%).

So với tháng trước, CPI tháng 7 năm 2022 tăng 0,14%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 5 nhóm tăng, 1 nhóm giảm và 5 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,09%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,38%; nhóm giao thông giảm 2,44%; các nhóm: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục có chỉ số không đổi so với tháng trước.

Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7 năm 2022: Giá phòng khách sạn tăng so với tháng trước; giá nước tăng 4,03% và giá điện [3] sinh hoạt tăng 0,98% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng; một số mặt hàng có chi phí sản xuất tăng nên tăng giá bán, ăn uống ngoài gia đình tăng giá. Tính chung nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,46%, làm CPI chung tăng 0,36%.

* Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 7/2022 giá vàng giảm 2,28% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,29 triệu đồng/chỉ, tăng 37,21% so với kỳ gốc 2019, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,92% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022 giá vàng tăng 1,76% so với cùng kỳ.

* Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.191 đồng/USD, tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 0,40% so với kỳ gốc 2019, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,25% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,56% so với cùng kỳ.

7. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 7 tháng năm 2022 ước tính thực hiện 5.697,4 tỷ đồng, bằng 95,0% dự toán địa phương giao và tăng 37,1% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 5.554,6 tỷ đồng, bằng 99,2% dự toán địa phương giao, tăng 52,9% so với cùng kỳ (nếu trừ thu tiền sử dụng đất đạt 64,4% dự toán Trung ương và 62,6% dự toán tỉnh, bằng 106% so với cùng kỳ); thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 142,8 tỷ đồng, bằng 35,7% dự toán địa phương giao và bằng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 7 tháng năm 2022, có 8/16 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ khu vực DNNN TW; thu từ DN có vốn ĐTNN; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền thuê đất; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền sử dụng đất; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu xổ số kiến thiết.

b) Tín dụng

- Hoạt động huy động vốn:

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 54.450 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Ước tính đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 54.055 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng:

Đến 30/6/2022, tổng dư nợ đạt 76.287 tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm. Ước tính đến 31/7/2022, dư nợ đạt 76.250 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm.

- Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng:

Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP: dư nợ nội bảng 117,0 tỷ đồng, đã chuyển hạch toán ngoại bảng 737,1 tỷ đồng. Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn: 158.073 khách hàng, dư nợ 35.161 tỷ đồng, chiếm 46,1% tổng dư nợ, tăng 12,4% so với đầu năm. Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 114.851 khách hàng, dư nợ 15.033 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng dư nợ, giảm 3,7% so với đầu năm. Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 24 chương trình cho vay, dư nợ cho vay 4.138 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rải rác một số ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị với biểu hiện nặng. Ngành Y tế tỉnh đang tập trung triển khai các biện pháp để khống chế ngay tại những ổ dịch nhỏ, không để bùng phát trên diện rộng, kết hợp với truyền thông phòng chống dịch trong Nhân dân.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 284 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 272 trường hợp cúm; 137 trường hợp tiêu chảy; 10 trường hợp viêm gan virut B; 3 trường hợp viêm gan virut khác; 9 trường hợp thủy đậu; 2 trường hợp quai bị; 7 trường hợp lỵ amip; 28 trường hợp tay - chân - miệng; 1 trường hợp lỵ trực trùng; 1 trường hợp viêm não virut khác; 3 trường hợp bệnh do virut Adeno. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 332 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 2.158 trường hợp cúm; 869 trường hợp tiêu chảy; 12 trường hợp viêm gan virut B; 1 trường hợp viêm gan virut C; 17 trường hợp viêm gan vi rút khác; 69 trường hợp thủy đậu; 6 trường hợp quai bị; 5 trường hợp lỵ trực trùng; 11 trường hợp lỵ amip; 5 trường hợp sốt rét; 35 trường hợp tay - chân - miệng; 1 trường hợp viêm não khác; 3 trường hợp bệnh do virut Adeno. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngày 12/7/2022, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Công văn số 1250/UBND-NCVX, theo đó các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với dịch COVID-19, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện tốt khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 225/CĐ-UBND ngày 07/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 25/7/2022, toàn tỉnh có 1.871.473 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó 638.013 người đã tiêm 2 mũi; 502.335 người đã tiêm 3 mũi; 34.525 người đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4); tổng số ca dương tính là 128.354 ca (trong đó 127.886 ca đã khỏi bệnh, 386 ca đang nhiễm và 82 ca tử vong).

Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 6/2022, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 137 lượt người, không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 4.288 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,0%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 396 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 5 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 17.187 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,03%.

Tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 người nhiễm mới HIV. Tính đến ngày 30/6/2022, lũy tích nội tỉnh số người nhiễm HIV là 463 người; số bệnh nhân AIDS là 405 người; số bệnh nhân tử vong là 138 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hướng dẫn các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 59 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ. Đầu tháng 7 xảy ra 1 vụ ngộ độc với 12 ca mắc đều là khách du lịch, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời.

2. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng 7, ngành Giáo dục đã hoàn thành công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đảm bảo an toàn, đúng quy chế; tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên hè 2022 và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch đề ra; rà soát, chỉ đạo đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên lớp 1 và lớp 6, bồi dưỡng giáo viên cốt cán; tiếp tục chỉ đạo công tác tăng cường cơ sở vật chất trường học, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2022 - 2023.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, kết quả thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Năm 2022, Quảng Bình tổ chức 1 hội đồng thi dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 07/7/2022 và 08/7/2022, các thí sinh thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Tham gia kỳ thi, tỉnh Quảng Bình có 11.154 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó: 10.691 thí sinh đang học lớp 12 và 463 thí sinh tự do. Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, đánh giá đúng năng lực học sinh, đảm bảo các quy định trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay các địa phương đang tiến hành chấm thi tốt nghiệp THPT 2022 theo đúng tiến độ, đảm bảo quy định của Quy chế thi. Ngày 24/7/2022, các Hội đồng thi công bố kết quả; ngày 26/7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường xét công nhận tốt nghiệp THPT; chậm nhất ngày 28/7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả tốt nghiệp THPT.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với địa phương và cha mẹ học sinh quản lý học sinh nghỉ hè an toàn, thực hiện nghiêm túc các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống đuối nước.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trong tháng diễn ra sôi nổi và ý nghĩa, mang đến không khí vui tươi trong đời sống Nhân dân. Ngày 02/7/2022, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Lèn Hà, huyện Tuyên Hoá và Binh chủng Thông tin liên lạc long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 (02/7/1972 - 02/7/2022). Lễ tưởng niệm là dịp để tri ân, tưởng nhớ những công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ; đồng thời, giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, truyền thống quân đội, truyền thống quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình tham gia Liên hoan Ca - Múa - Nhạc toàn quốc tại tỉnh Đăk Lăk từ ngày 17 đến ngày 30/6/2022 với chương trình nghệ thuật “Quảng Bình - Miền kiệt tác”. Chương trình được đầu tư công phu có chất lượng từ cảnh trí, phục trang, đạo cụ, âm nhạc, biên đạo,... với 11 tiết mục trong thời gian 80 phút. Tổng kết liên hoan, Ban tổ chức đã trao huy chương bạc toàn đoàn cho chương trình “Quảng Bình - Miền kiệt tác”. Liên hoan là sự kiện có ý nghĩa nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam và tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi, sáng tạo hướng đến việc tìm kiếm, phát hiện những tài năng nghệ thuật mới. Bên cạnh đó, thông qua chương trình “Quảng Bình - Miền kiệt tác” của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, mảnh đất, con người Quảng Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thể thao phong trào trong tháng tiếp tục sôi động với các giải thi đấu nằm trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Quảng Bình lần thứ IX. Ngày 15/7/2022, Giải đua thuyền truyền thống Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ IX diễn ra trên sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới với sự tham gia của 7 đội thuyền đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đội thi đấu bằng thuyền compusite ở cự ly 1.000m và 2.000m. Giải thu hút khoảng 300 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và hàng nghìn khán giả đến xem, cổ vũ. Giải đua thuyền truyền thống là môn thi đấu 14 trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ IX năm 2021 - 2022. Giải được tổ chức nhằm động viên, cổ vũ, duy trì phong trào luyện tập các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Đội tuyển thể thao thành tích cao đã nỗ lực thi đấu và giành được 13 huy chương các loại, trong đó 8 huy chương vàng (HCV), 3 huy chương bạc (HCB), 2 huy chương đồng (HCĐ). Cụ thể: giải Bơi vô địch các nhóm tuổi quốc gia đạt 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; giải Lặn vô địch các nhóm tuổi quốc gia đạt 4 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; giải đua thuyền Rowing vô địch các câu lạc bộ toàn quốc đạt 2 HCV. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 65 huy chương các loại (25 HCV, 17 HCB và 23 HCĐ).

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 15/6/2022 - 14/7/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, giảm 5 vụ so với tháng trước, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 7 vụ, tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, tăng 3 người so với tháng trước, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người bị thương do tai nạn giao thông 6 người, giảm 6 người so với tháng trước, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông, giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đường bộ 59 vụ, giảm 30 vụ so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 40 người, giảm 24 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 40 người, giảm 24 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 49 người, giảm 18 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 49 người, giảm 18 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2021.

Hình 9. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy với giá trị thiệt hại 1.700 triệu đồng và 1,61 ha rừng, trong đó 1 vụ cháy phương tiện giao thông đường bộ với giá trị thiệt hại 1.700 triệu đồng, 1 vụ cháy rừng với giá trị thiệt hại 1,61 ha rừng; so với tháng trước, số vụ cháy bằng tháng trước, giá trị thiệt hại tăng 1.396 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy tăng 2 vụ, giá trị thiệt hại tăng 1.700 triệu đồng. Lũy kế 7 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy với giá trị thiệt hại 3.522 triệu đồng và 1,61 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 6 vụ, giá trị thiệt hại tạm ước giảm 266,5 triệu đồng./.

[1] Nguồn: Thông báo số 263/BC-TTBVTV ngày 21/7/2022 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

[2] Nguồn: Báo cáo số 645/BC-CCKL ngày 14/7/2022 của Chi cục Kiểm lâm

[3] Chỉ số giá điện tháng báo cáo được tính trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng của tháng trước báo cáo, do đó chỉ số giá điện hàng tháng sẽ phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[Trở về]