THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 

Đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, nhiều ngành kinh tế đã có sự phục hồi tốt nên khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng trưởng khá cao. Trong đó, ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, kết qủa đạt được không cao do cuối vụ Đông Xuân thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến năng suất lúa, một số sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ còn khó khăn, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đánh bắt thuỷ sản.

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm nay trong điều kiện thời tiết thuận lợi, gieo trồng đảm bảo đúng tiến độ, cơ bản hết diện tích, giống lúa được đáp ứng đầy đủ, có chất lượng cao; công tác tưới, tiêu được chủ động, điều tiết hợp lý. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa trái mùa từ ngày 31/3 - 04/4/2022 và đợt không khí lạnh kèm mưa to từ ngày 30/4 - 02/5/2022 nên nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập lụt, gãy đổ, ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác, điều kiện thời tiết cũng làm cho các loại sâu, bệnh gây hại cây trồng xuất hiện nhiều nơi. Do đó, năng suất, sản lượng một số cây trồng đạt thấp hơn so với vụ Đông Xuân năm trước.

Ước tính diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 54.941,6 ha, tăng 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích gieo trồng cây lúa thực hiện 29.437 ha, giảm 0,6% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích gieo trồng lúa ở các địa phương: Đồng Hới 869,0 ha, giảm 1,1%; Ba Đồn 2.631,9 ha, giảm 0,7%; Minh Hoá 506,0 ha, tăng 2,6%; Tuyên Hoá 1.443,7 ha, giảm 0,9%; Quảng Trạch 3.401,7 ha, giảm 3,1%; Bố Trạch 5.180,2 ha, giảm 1%; Quảng Ninh 5.215 ha, tăng 0,1%; Lệ Thuỷ 10.189,5 ha, tăng 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu: Cây ngô 4.125 ha, tăng 1,1%; cây khoai lang 2.550 ha, tăng 0,5%; cây mía 176 ha, giảm 3%; cây lạc 3.650 ha, tăng 1,1%; cây rau, đậu các loại 4.856 ha, tăng 1,7% so với vụ Đông Xuân năm trước. Nổi bật trong bố trí sản xuất cây hàng năm là các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp được thay thế. Nhiều diện tích cây ngô, khoai lang, khoai sọ được thay thế trồng cây khác như cây gia vị, cây thức ăn gia súc (cỏ voi),

Hình 1. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân 2022

Thời tiết vào đầu vụ Đông Xuân năm nay thuận lợi cho gieo trồng, sinh trưởng và phát triển cây hàng năm. Tuy nhiên vào cuối Vụ xuất hiện các đợt mưa lớn trái mùa đã làm cho nhiều diện tích cây lúa và hoa màu bị ngập lụt, gãy đổ; thêm vào đó, sâu bệnh hại cây trồng như chuột, rầy nâu, rầy nâu lưng trắng,... phát triển mạnh ở một số nơi nên đã gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Ước tính năng suất một số cây trồng chủ yếu vụ Đông Xuân năm 2022 như sau: Năng suất cây lúa bình quân chung toàn tỉnh đạt 61,78 t/ha, giảm 3,7%; ngô đạt 64,97 t/ha, tăng 0,3%; khoai lang 83,33 t/ha, tăng 0,8%; khoai sọ 79,80 tạ/ha, tăng 0,4%; dong giềng 28,61 tạ/ha, giảm 16,0%; lạc 25,48 t/ha, tăng 0,2%; vừng 6,67 tạ/ha, tăng 0,7%; rau các loại 100,63 t/ha, giảm 7,7%; ớt cay 21,52 tạ/ha, tăng 1,5% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Ước tính sản lượng lương thực vụ Đông Xuân năm 2022 đạt 208.952,9 tấn, giảm 3,6% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó: Sản lượng lúa 181.872,9 tấn, giảm 4,3%; sản lượng lương thực khác 27.080 tấn, tăng 1,5% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm nay tăng nhẹ; năng suất, sản lượng lúa và rau các loại giảm, một số cây trồng khác có tăng, song không đáng kể so với vụ Đông Xuân năm trước. Cơ cấu diện tích cây trồng đã chuyển dịch theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; công tác chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ vào sản xuất đạt kết quả tốt, nhờ đó đã tạo được sự ổn định về năng suất, sản lượng cây trồng; công tác đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng được quan tâm đẩy mạnh. Nổi bật là giống lúa, ngô, lạc đều được gieo trồng bằng các loại giống mới, giống nguyên chủng, giống cấp I có thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt và cho năng suất cao.

b) Chăn nuôi

Nhìn chung, tình hình chăn nuôi 5 tháng đầu năm phát triển ổn định. Đàn trâu, bò có giảm nhẹ; đàn lợn đã và đang phục hồi lại rất nhanh sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế; đàn gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện nay, giá thịt gia cầm tăng nên người chăn nuôi tích cực tái đàn.

Sản lượng sản phẩm xuất chuồng ước tính tháng 5 đạt 6.142 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,5%. Trong đó: Thịt trâu 110 tấn, giảm 4,4%; thịt bò 625 tấn, tăng 1,6%; thịt lợn 3.450 tấn, tăng 0,3%; thịt gia cầm 1.957 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản phẩm xuất chuồng ước tính 5 tháng đầu năm đạt 35.225,5 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,2%. Trong đó: Thịt trâu 830,2 tấn, giảm 0,6%; thịt bò 3.997,9 tấn, tăng 1,2%; thịt lợn 20.003,9 tấn, tăng 6,5%; thịt gia cầm 10.393,5 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi: Lũy kế từ ngày 01/01/2022 đến ngày 23/5/2022, toàn tỉnh có 25 hộ/14 thôn/10 xã/3 huyện có dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn tiêu hủy là 336 con, trọng lượng 21.244 kg. Hiện nay còn 04 xã/2 huyện chưa qua 21 ngày (Cảnh Hóa, Phù Hóa - huyện Quảng Trạch và Trung Hóa, Hóa Sơn - huyện Minh Hóa).

Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ, tiêm chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; bơm hóa chất khử trùng, khử độc cho đàn gia súc, gia cầm năm 2022.

2. Lâm nghiệp

Hoạt động lâm nghiệp những tháng đầu năm tập trung tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, với các hoạt động chủ yếu là chăm sóc, trồng dặm, trồng bổ sung và triển khai trồng cây phân tán.

Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong tháng 5 đạt 52.000 m3, tăng 0,8%; 5 tháng đầu năm đạt 166.000 m3, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 5 đạt 19.950 ste, tăng 0,5%; 5 tháng đầu năm đạt 106.500 ste tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, thời tiết đã bắt đầu vào mùa nắng nóng, ngành Kiểm lâm đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm đôn đốc chủ rừng đẩy nhanh công tác vệ sinh rừng, xử lý thực bì phục vụ phòng, chống cháy rừng năm 2022.

3. Thủy sản

Ước tính sản lượng thủy sản tháng 5 đạt 9.504,2 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,6%. Sản lượng thủy sản thực hiện 5 tháng đầu năm đạt 34.099,9 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,7%; trong đó: sản lượng khai thác 30.700,7 tấn, tăng 4,0%; sản lượng nuôi trồng thu hoạch 3.399,2 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 5 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 27.959,4 tấn, tăng 1,8%; tôm các loại 2.003,6 tấn, tăng 16,1%; thủy sản khác 4.137 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

a) Khai thác

Tuy giá xăng, dầu tăng cao nhưng thời tiết tương đối thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt, giá các mặt hàng hải sản ổn định, nhu cầu tiêu thụ tăng nên bà con ngư dân nỗ lực khắc phục khó khăn vươn khơi bám biển, bám ngư trường, duy trì sản xuất nên sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng khai thác tháng 5 đạt 8.542,1 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 5 tháng đầu năm, sản lượng khai thác đạt 30.700,7 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 25.721,4 tấn, tăng 1,7%; tôm các loại 940,6 tấn, tăng 56,9%; thủy sản khác 4.038,8 tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

b) Nuôi trồng

Trong tháng 5, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ nuôi tiếp tục thả giống cho vụ chính trong năm. Ước tính sản lượng nuôi trồng thu hoạch tháng 5 đạt 962,1 tấn, giảm 1,5%; sản lượng 5 tháng đầu năm thu hoạch 3.399,2 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 5 tháng đầu năm chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 2.238 tấn, tăng 3,5%; tôm các loại 1.063 tấn, giảm 5,7%; thủy sản khác 92,2 tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản lượng tôm thu hoạch giảm do đầu vụ một số nơi thả nuôi giống bị chết nhiều nên tỷ lệ con thu hoạch thấp, một số địa bàn bị thu hồi đất nên nghỉ nuôi tôm.

4. Công nghiệp

Việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các quy định về phòng, chống dịch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2022 có nhiều dấu hiệu tích cực và tăng trưởng khá. Một số lĩnh vực như sản xuất trang phục đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ đã có đơn hàng tiêu thụ sản phẩm, sản xuất dược phẩm, sản xuất và phân phối điện có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cụm trang trại điện gió B&T hoạt động ổn định, cùng với thủy điện và điện mặt trời đạt sản lượng khá so với cùng kỳ năm trước đã góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 năm 2022 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 102,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ dự án điện gió mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, thủy điện và điện mặt trời cũng đạt sản lượng khá so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 9,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 122,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất 5 tháng năm 2022 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 205,0% (doanh nghiệp tập trung sản xuất để đảm bảo đơn hàng, những tháng tiếp theo doanh nghiệp ngừng sản xuất để bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị); sản xuất và phân phối điện tăng 122,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 65,1%; sản xuất trang phục tăng 62,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 26,7%;… Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 49,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 20,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn do giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật tư, nguyên liệu, vật liệu tăng giá, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao làm cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 32,9 nghìn tấn, tăng 12,5%; đá xây dựng đạt 1,3 triệu m3, tăng 8,4%; cao lanh đạt 25,6 nghìn tấn, tăng 10,2%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 8,2 nghìn tấn, tăng 41,2%; tinh bột sắn đạt 1,6 nghìn tấn, giảm 73,7% (do hết mùa vụ sản xuất); áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 3,5 triệu cái, tăng 111,3%; áo sơ mi đạt 5,4 triệu cái, tăng 64,4%; dăm gỗ đạt 231,8 nghìn tấn, tăng 92,0%; ván ép từ gỗ đạt 56,9 nghìn m3, tăng 36,9%; kính cường lực đạt 1,0 nghìn tấn, tăng 12,1%; clinker thành phẩm đạt 1,2 triệu tấn, giảm 14,7%; xi măng đạt 616,8 nghìn tấn, giảm 21,7%; điện mặt trời đạt 39,9 triệu kwh, tăng 17,1%; điện gió đạt 193,7 triệu kwh.

5. Vốn đầu tư

Năm tháng đầu năm 2022, các chủ đầu tư và nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công các công trình/dự án dở dang chuyển tiếp, đồng thời triển khai một số công trình mới của kế hoạch năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 năm 2022 ước tính đạt 347,6 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 228,3 tỷ đồng, tăng 10,0%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 71,4 tỷ đồng, tăng 36,0%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 47,9 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện như: Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; Hệ thống đường nối từ Trung tâm Thành phố đi sân bay Đồng Hới; Đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt (GĐ1); Đường nối Quốc lộ 1A đến Quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ thủy; dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình;…

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.651,5 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.109,5 tỷ đồng, tăng 33,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 320,2 tỷ đồng, tăng 60,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 221,8 tỷ đồng, tăng 70,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự báo những khó khăn do biến động giá cả vật liệu xây dựng và đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án/công trình và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.

6. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 5/2022, hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra bình thường, nhu cầu tiêu dùng của người dân ổn định, tuy nhiên giá mặt hàng nhiên liệu xăng dầu lại tăng cao làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng, từ đó giá cả các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng theo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 ước tính đạt 3.956,1 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ. Tất cả các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 19.602,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm xăng dầu các loại tăng cao nhất 35,7% do giá xăng tiếp tục tăng cao nhất từ trước đến nay vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít.

b) Lưu trú, ăn uốngdu lịch

Du lịch Quảng Bình sau khi mở cửa trở lại đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Trong thời gian này, ngành du lịch tiếp tục tập trung triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến với Quảng Bình bằng các chương trình khuyến mãi, kích cầu, chương trình tour, sản phẩm du lịch thật sự mới lạ, hấp dẫn, chất lượng, giá ưu đãi, tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực, du lịch đặc sắc và các hoạt động truyền thông quảng bá sâu rộng. Tháng 5 bắt đầu mùa du lịch trên địa bàn tỉnh, cũng là tháng trùng vào dịp nghỉ lễ ngày lễ 30/4 - 1/5 nên các hoạt động tham quan du lịch diễn ra sôi động. Vì vậy doanh thu lưu trú, ăn uống du lịch ước tính tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 5/2022 ước tính đạt 38,0 tỷ đồng, tăng 25,6% so với tháng trước và tăng 129,1% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 113,1 tỷ đồng, tăng 80,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 6. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống

Số lượt khách lưu trú tháng 5/2022 ước tính đạt 109.050 lượt khách, tăng 26,0% so với tháng trước và tăng 117,9% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 334.491 lượt khách, tăng 90,9% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 5/2022 ước tính đạt 2.350 lượt khách, tăng 123,8% so với tháng trước và tăng 55,9% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 4.974 lượt khách, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày khách tháng 5/2022 ước tính đạt 108.500 ngày khách, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 87,0% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 343.591 ngày khách, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 5/2022 ước tính đạt 349,1 tỷ đồng, tăng 19,8% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 1.422,2 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 5/2022 ước tính đạt 31,2 tỷ đồng, tăng 30,0% so với tháng trước và tăng 59,9% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 75,5 tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 7. Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 5/2022 ước tính đạt 47.200 lượt khách, tăng 29,1% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 100.927 lượt khách, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 5/2022 ước tính đạt 2.100 lượt khách, tăng 100,0% so với tháng trước và tăng 140,0% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 4.527 lượt khách, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

c) Dịch vụ khác

Cùng với tốc độ tăng cao của ngành du lịch, lưu trú, ăn uống, nhu cầu sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, làm đẹp,… của người dân tăng. Bên cạnh đó, tháng 5 bắt đầu mùa du lịch nên các hoạt động cho thuê xe du lịch, sử dụng lao động phục vụ du lịch, dịch vụ tăng, do đó doanh thu các ngành dịch vụ khác tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 5/2022 đạt 150,4 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hầu hết các nhóm dịch vụ đều tăng so với tháng trước, chỉ có nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 25,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ khác đạt 741,4 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng cao 26,6% đóng góp cao nhất trong tổng số tăng chung của dịch vụ khác. Nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 0,9% do hoạt động dịch vụ lao động và việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu tìm việc của người dân.

d) Hoạt động vận tải

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp của trong quý I/20222 làm cho lượng hành khách vận tải giảm mạnh, giá xăng dầu biến động làm tăng chi phí lên cao. Tuy nhiên, ngành du lịch sau thời gian ngưng trệ đã có bước phát triển khởi sắc, hoạt động vận tải hành khách đã dần phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là trong dịp tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày Lễ lớn 30/4, 1/5, Tuần lễ văn hóa Đồng Hới, Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa,... Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh của Nhà nước và dân cư đồng loạt triển khai, nhu cầu vận tải nguyên, vật liệu, thiết bị phục vụ cho các dự án, công trình tăng mạnh làm cho hoạt động vận tải hàng hóa đạt kết quả cao so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu vận tảiTổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5/2022 ước tính đạt 372,3 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1.806,6 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách đạt 306,2 tỷ đồng, tăng 7,0%; vận tải hàng hóa đạt 1.370,0 tỷ đồng, tăng 8,1%.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

- Vận tải hành khách: Ước tính tháng 5/2022, tổng số hành khách vận chuyển đạt 2,4 triệu hành khách, tăng 6,0% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ; tổng số hành khách luân chuyển đạt 114,1 triệu hành khách.km, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng số hành khách vận chuyển đạt 11,7 triệu hành khách, tăng 5,8%; tổng số hành khách luân chuyển đạt 559,5 triệu hành khách.km, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa: Ước tính tháng 5/2022, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2,3 triệu tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ; tổng khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 174,7 triệu tấn.km, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 11,6 triệu tấn, tăng 6,0%; tổng khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 743,8 triệu tấn.km, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Tháng 5/2022, giá xăng dầu trong nước có 3 lần điều chỉnh liên tiếp, hiện tại giá xăng lập đỉnh là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tỉnh Quảng Bình tháng 5 tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,58% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 3,75%; nhóm dịch vụ tăng 0,65%).

CPI tháng 5 năm 2022 tăng 0,35% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 03 nhóm tăng, 01 nhóm giảm và 07 nhóm không đổi so với tháng trước. Các nhóm tăng: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm giao thông tăng 1,80%. Nhóm giảm: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,33%. Các nhóm không đổi: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác.

Nguyên nhân làm CPI tháng 5 năm 2022 tăng: Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu 03 đợt vào ngày 04/5/2022, 11/5/2022 và ngày 23/5/2022 (giá xăng so với tháng trước tăng 5,92%, dầu Diezen tăng 4% đã tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,80% so với tháng trước); giá nước tăng 1,44% và giá điện sinh hoạt tăng 0,09% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng; một số mặt hàng có chi phí đầu vào tăng nên tăng giá bán, như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình.

* Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng tháng 2/2022 có giá dao động quanh mức 5,49 triệu đồng/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 0,74% so với tháng trước, tăng 42,30% so với kỳ gốc 2019, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,70% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm chỉ số giá vàng tăng 1,27% so với cùng kỳ.

* Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ tháng 5/2022 có giá bình quân 22.856 đồng/USD. Chỉ số đô la Mỹ tháng 5/2022 tăng 0,51% so với tháng trước, giảm 1,05% so với kỳ gốc 2019, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,78% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm chỉ số đô la Mỹ giảm 1,13% so với cùng kỳ.

7. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2022 ước tính thực hiện 3.746,6 tỷ đồng, đạt 62,4% so với dự toán địa phương, tăng 38,5% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 3.641,8 tỷ đồng, bằng 65% dự toán địa phương, tăng 45,8% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 105 tỷ đồng, đạt 26,3% dự toán địa phương, giảm 49,4% so với cùng kỳ.

Thu nội địa 5 tháng đầu năm, nếu trừ thu tiền sử dụng đất đạt 1.204,8 tỷ đồng, đạt 45,4% dự toán địa phương giao, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

So với dự toán năm: Có 7/15 khoản thu đạt tiến độ (41,7%) dự toán cả năm, là thu từ DN (doanh nghiệp) nhà nước địa phương; thu từ DN đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu xổ số kiến thiết; thu tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Còn lại 8 khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

So với cùng kỳ: Có 9/15 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ DN nhà nước TW; thu từ DN nhà nước địa phương; thu từ DN đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thu xổ sổ kiến thiết; thu cấp quyền khai thác khoáng sản. Còn lại 6 khoản thu giảm so với cùng kỳ.

b) Tín dụng

Đến 30/4/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 53.748 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm, tăng 10,3% so với cùng kỳ, đáp ứng được 73% nhu cầu về vốn vay của nền kinh tế. Ước tính đến 31/5/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 53.945 tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm.

Đến 30/4/2022, tổng dư nợ cho vay đạt 73.420 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 48.521 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Ước tính đến 31/5/2022, tổng dư nợ đạt 73.900 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm.

Mặt bằng lãi suất huy động đối với những khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng có sự biến động tăng 0,3 - 1%/năm.

Về chương trình cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Luỹ kế đến 30/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình đã giải ngân 35,5 tỷ đồng cho 93 đơn vị sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và vay trả lương phục hồi sản xuất, 9.411 lượt người lao động được hỗ trợ.

Về thực hiện chính sách cho vay ưu đãi nhằm bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm: Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình đã và đang triển khai 22 chương trình cho vay với dự nợ 3.892 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với dư nợ 186 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP dư nợ 359 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg dư nợ 59,8 tỷ đồng.

II. Xã hội

1. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 383 trường hợp cúm; 185 trường hợp tiêu chảy; 8 trường hợp thủy đậu; 1 trường hợp viêm gan virut C. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/4/2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 21 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 601 trường hợp tiêu chảy; 1 trường hợp viêm gan virut B; 1 trường hợp viêm gan virut C; 9 trường hợp viêm gan vi rút khác; 46 trường hợp thủy đậu; 1 trường hợp quai bị; 1.550 trường hợp cúm; 4 trường hợp lỵ trực trùng; 3 trường hợp lỵ amip; 2 trường hợp sốt rét. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè và thực hiện Công văn số 2189/BYT-DP ngày 28/4/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, ngày 9/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 753/UBND-NCVX yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virut Rota, sốt xuất huyết, viêm não và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Để chủ động, tích cực phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, ngày 9/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 754/UBND-NCVX yêu cầu các ngành, cơ quan liên quan ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và huy động các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.

Tháng 5, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm. Theo Quyết định số 1271/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19, tỉnh Quảng Bình hiện nay có 146/151 xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 1 (vùng xanh); có 5/151 xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 2 (vùng vàng); không có xã, phường, thị trấn phân loại cấp độ dịch cấp 3 (vùng cam), cấp 4 (vùng đỏ).

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 24/5/2022, toàn tỉnh có 1.709.503 liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm, trong đó 608.673 người đã tiêm 2 mũi; 440.739 người đã tiêm 3 mũi; tổng số ca dương tính là 126.968 ca (trong đó 125.617 ca đã khỏi bệnh, 1.269 ca đang nhiễm và 82 ca tử vong).

Hình 9. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh

Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 4/2022, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 65 lượt người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 3.169 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,0%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 144 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 2 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 9.222 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,02%.

Tháng 4/2022 trên địa bàn tỉnh phát hiện 2 người nhiễm mới HIV, 2 người chuyển sang AIDS. Tính đến ngày 30/4/2022, lũy tích nội tỉnh số người nhiễm HIV là 459 người; số bệnh nhân AIDS là 404 người; số bệnh nhân tử vong là 138 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hướng dẫn các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

Tiếp tục triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 4/2022, toàn tỉnh xảy ra 31 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

2. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng 5/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, từng bước đổi mới nội dung và hình thức giáo dục, nâng cao chất lượng học tập trong học kỳ II năm học 2021 - 2022. Tập trung chỉ đạo các cấp học thực hiện tốt kế hoạch thi học kỳ 2 năm học 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các lớp cuối cấp; tăng cường công tác kiểm tra việc dạy thêm, học thêm theo quy định.

Ngày 13/5/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 988 học sinh đăng ký dự thi, kết quả có 471 học sinh đạt giải, trong đó có 29 giải Nhất, 83 giải Nhì, 150 giải Ba, 209 giải Khuyến khích. Các đơn vị có số lượng, chất lượng giải cao trong kỳ thi năm nay như: THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (130 giải), THPT Lệ Thủy (38 giải), THPT Lương Thế Vinh (33 giải), THPT Trần Hưng Đạo (26 giải), THPT Đào Duy Từ (22 giải), THPT Ninh Châu (22 giải), THPT Lê Hồng Phong (18 giải),… thông qua Kỳ thi sẽ thành lập đội dự tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tiếp tục bồi dưỡng trước khi chọn đội tuyển chính thức tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công Hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh với tổng số 80 giáo viên dự thi. Kết quả: 100% giáo viên tham gia dự thi đạt giỏi, được cấp Giấy chứng nhận công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi; 06 giáo viên đạt giải Nhất, 11 giáo viên đạt giải Nhì, 17 giáo viên đạt giải Ba và 25 giáo viên đạt giải Khuyến khích.

Tổ chức kiểm tra thực hiện, hoàn thành chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, công tác kiểm định và trường đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, công tác thi cuối kỳ, tổng kết năm học các cấp, công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 và các điều kiện cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Ngành Giáo dục và đào tạo cũng đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022. Hiện nay, một số trường trong tỉnh tham mưu UBND tỉnh đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo giáo viên năm 2022 và đề xuất nhu cầu các năm từ 2023 đến 2025 theo phương thức quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5, kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) được các địa phương tổ chức chu đáo, tạo không khí vui tươi, tiết kiệm và đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong đó, nổi bật là Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022 diễn ra vào ngày 30/4/2022 và Lễ đón nhận bằng công nhận Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son lần thứ V tại bến phà Xuân Sơn (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch). Các hoạt động chào mừng tiếp tục nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương, đồng thời góp phần phát triển phong trào thể thao đoàn kết trong quần chúng Nhân dân và đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chương trình văn nghệ, chiếu phim lưu động tại một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động văn hoá có ý nghĩa góp phần đưa ánh sáng văn hoá về với đồng bào, đồng thời tuyên truyền, khơi dậy tình yêu với Bác Hồ, quê hương, đất nước.

Thể thao phong trào nổi bật với lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và “Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2022” vào ngày 7/5/2022 tại thành phố Đồng Hới. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, đồng thời động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao nhằm rèn luyện, bảo vệ sức khoẻ. Sau Lễ phát động, các đại biểu và 700 người đại diện cho các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, vận động viên đến từ các xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tham gia chạy hưởng ứng “Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2022”.

Hoạt động thể thao thành tích cao trọng tâm trong tháng là Seagame 31, Quảng Bình có 6 VĐV (vận động viên) tham gia thi đấu ở các môn bơi, điền kinh, đua thuyền Canoeing, đua thuyền Rowing. Các VĐV Quảng Bình đã giành được 9 huy chương trong đó có 8 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB). Cụ thể: VĐV Lường Thị Thảo cùng với đồng đội đã giành được 2 HCV môn đua thuyền Rowing ở nội dung bốn mái chèo đôi nữ hạng nhẹ và nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ hai mái chèo. VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng giành 5 HCV trong đó có 4 HCV cá nhân ở nội dung bơi 1.500m tự do, 400m tự do, 800m tự do, 200m bơi bướm và 1 HCV đồng đội ở nội dung bơi 4x200m tiếp sức tự do nam. VĐV điền kinh Nguyễn Thị Hương giành HCB ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ. VĐV điền kinh Hoàng Thị Ngọc cùng với đồng đội giành HCV ở nội dung chạy 4x400m nữ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 52 huy chương các loại (17 HCV, 14 HCB và 21 HCĐ).

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 15/4/2022 - 14/5/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, bằng tháng trước, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 8 vụ, tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 9 người, tăng 5 người so với tháng trước, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người bị thương do tai nạn giao thông 8 người, tăng 2 người so với tháng trước, tăng 3 người so với cùng kỳ năm 2021.

Hình 10. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, giảm 42 vụ so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đường bộ 40 vụ, giảm 42 vụ so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 29 người, giảm 29 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 29 người, giảm 29 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 31 người, giảm 31 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 31 người, giảm 31 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy xảy ra. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy với giá trị thiệt hại 1.518 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 6 vụ, giá trị thiệt hại tạm ước giảm 2.155,5 triệu đồng.

5. Tình hình thiên tai

Từ đầu tháng 5 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra mưa lớn và giông lốc (mưa lớn từ ngày 30/4 - 02/5/2022) đã làm gãy đổ 3.528 ha lúa và 52,2 ha hoa màu, rau màu. Ước tính giá trị thiệt hại do mưa lớn khoảng 36,1 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 03 vụ thiên tai, ước tính tổng giá trị thiệt hại 167,9 tỷ đồng./.

[Trở về]