THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2017 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Do ảnh hưởng của cơn bão số 10 nên đã gây thiệt hại lớn đến lúa vụ Mùa, các loại cây lâu năm ở nhiều địa phương. Diện tích lúa vụ Mùa mất trắng nhiều diện tích, dự kiến năng suất bình quân đạt thấp so với năm trước; một số diện tích cây sắn vụ Hè Thu thu hoạch chậm nên ảnh hưởng đến năng suất.

     Trong tháng 10, cùng với việc thu hoạch sản phẩm cây trồng, các địa phương tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017. Do ảnh hưởng của bão số 10 và thời tiết mưa nhiều trong tháng 10 nên khâu làm đất và gieo trồng các loại cây vụ Đông gặp khó khăn.

     Bão số 10 vừa qua đã làm 6.610 ha cây cao su và nhiều diện tích cây ăn quả… gãy đổ, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Trong tháng 10, các địa phương tập trung dọn dẹp các cây gãy đổ có thể tiếp tục khai thác khi thời tiết thuận lợi. Sản lượng cao su khai thác trong tháng 10 giảm mạnh, dự ước đạt 300 tấn; 10 tháng khai thác 5.600 tấn, tăng 41,2% so cùng kỳ năm trước.

     b. Chăn nuôi

     Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, chủ động triển khai các đợt tiêm vắc xin nên đã khống chế được dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, dịch bệnh ít xảy ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định; chăn nuôi gia cầm tập trung được mở rộng quy mô và hệ số xuất chồng tăng; một số doanh nghiệp đang tích cực triển khai dự án chăn nuôi trâu, bò có chất lương cao. Giá thịt lợn hơi sau một thời gian phục hồi và tăng trở lại nhưng trong nửa cuối tháng 8/2017 đến nay có xu hướng giảm. Hiện nay, người chăn nuôi đang thận trọng trong việc đầu tư tái đàn; các gia trại, trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tái đàn với số lượng hạn chế vì lo ngại rủi ro.

     Dự ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng đạt 61.969 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 2,9%. Cụ thể: Thịt trâu 1.705 tấn, tăng 5,5%; thịt bò 5.278 tấn, tăng 6,1%; thịt lợn 43.378 tấn, tăng 1,1%; thịt gia cầm 11.608 tấn, tăng 8,2%; riêng thịt gà 8.495 tấn, tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước.

     Các địa phương đã triển khai tiêm văc xin đợt II năm 2017. Đến ngày 10/10/2017, kết quả tiêm như sau: Tụ huyết trùng trâu/bò 37.725 liều, đạt 47,2% kế hoạch; dịch tả lợn, tam liên 23.480 liều, đạt 16,7% kế hoạch; cúm gia cầm 310.200 liều, đạt 31,0% kế hoạch; tai xanh lợn 2.850 liều, đạt 28,0% kế hoạch. 

     2. Lâm nghiệp

     Do ảnh hưởng bão số 10 nên rừng trồng bị thiệt hại khá nặng, buộc các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác, theo đó sản lượng gỗ và củi khai thác từ rừng trồng trong tháng 10 tăng cao. Dự ước tháng 10 sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 36.000 m3, tăng 25,9%; củi 30.500 ste, tăng 34,1%. Dự ước 10 tháng, sản lượng gỗ khai thác 261.000 m3, tăng 9,4%; sản lượng củi khai thác 200.650 ste, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước.

     Tháng 10, bước vào thời vụ trồng rừng nên các chủ rừng triển đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Dự ước tháng 10 diện tích trồng rừng tập trung 929 ha, tăng 5,8%; cây lâm nghiệp trồng phân tán 570 ngàn cây, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung 1.757 ha, tăng 3,5%; cây lâm nghiệp trồng phân tán 3.090 ngàn cây, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước.

     Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài trong các tháng 5,6,7 nên cháy rừng có xảy ra nhưng quy mô thiệt hại không đáng kể. Từ tháng 8 đến nay, chưa xảy ra cháy rừng.

     3. Thuỷ sản

     Sản xuất thủy sản 10 tháng đạt kết quả khá, sản lượng thủy sản tăng cao so cùng kỳ năm trước. Đánh bắt thủy sản từ đầu năm đến nay đã cơ bản ổn định sau sự cố môi trường biển, các địa phương tích cực triển khai Nghị định 67 của Chính phủ nên nhiều tàu được cải hoán, đóng mới công suất lớn đi vào hoạt động, nhờ đó khai thác biển xa bờ phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao. Riêng nuôi trồng thủy sản giảm do ảnh hưởng của cơn bão số 2, số 10 và dịch bệnh đốm trắng ở tôm (tháng 6,7) ở một số địa phương nên sản lượng nuôi trồng giảm so cùng kỳ năm trước.   

     Sản lượng thủy sản 10 tháng ước đạt 62.328,3 tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Cá đạt 49.798,9 tấn, tăng 18,9%; tôm đạt 4.357,2 tấn, giảm 10,5%; thủy sản khác đạt 8.172,2 tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Hiện đang vào mùa mưa bão, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều đợt gió mùa gây biển động ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản của ngư dân. Vì vậy, sản lượng khai thác trong tháng giảm so với các tháng trước. Dự ước tháng 10 sản lượng khai thác 4.358,3 tấn; 10 tháng khai thác 51.947,8 tấn, tăng 20,1% so cùng kỳ. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 43.256,6 tấn, tăng 21,1%; tôm các loại 878,5 tấn, tăng 12,7%; thuỷ sản khác 7.812,7 tấn, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 49.353,1 tấn, tăng 20,9%; khai thác nội địa 2.594,7 tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo địa phương: Đồng Hới 8.723,0 tấn, tăng 17,6%; Ba Đồn 8.685,1 tấn, tăng 27,7%; Minh Hoá 82,2 tấn, tăng 1,9%; Tuyên Hoá 135,0 tấn, tăng 4,6%; Quảng Trạch 10.117,1 tấn, tăng 14,1%; Bố Trạch 18.257,6 tấn, tăng 16,9%; Quảng Ninh 1.957,9 tấn, tăng 47,2%; Lệ Thuỷ 3.989,9 tấn, tăng 31,8% so cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Do ảnh hưởng của bão số 10, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Dự ước tháng 10 sản lượng nuôi trồng thu hoạch 879,7 tấn; 10 tháng thu hoạch 10.380,5 tấn, giảm 2,1% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 6.542,3 tấn, tăng 5,9%; tôm các loại 3.478,7 tấn, giảm 14,9%; thuỷ sản khác 359,5 tấn, tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Nước lợ 4.004,0 tấn, giảm 12,9%; nuôi nước ngọt 6.376,5 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước.

     Sản lượng nuôi trồng 10 tháng của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 816,0 tấn, tăng 2,5%; thị xã Ba Đồn 1.786,9 tấn, giảm 24,9%; huyện Minh Hoá 82,4 tấn, tăng 2,0%; huyện Tuyên Hoá 335,8 tấn, tăng 2,4%; huyện Quảng Trạch 810,5 tấn, giảm 3,1%; huyện Bố Trạch 2.521,3 tấn, tăng 8,7%; huyện Quảng Ninh 1.262,9 tấn, giảm 1,3%; huyện Lệ Thuỷ 2.764,7 tấn, tăng 7,0% so cùng kỳ năm trước.

     Hiện nay, các hộ nuôi tập trung thu hoạch sản phẩm, đặc biệt đối với những địa bàn có khả năng ngập lũ trong mùa mưa, bão; với các ao hồ không ngập lũ, các hộ nuôi gia cố bờ bao, tiếp tục chăm sóc để thu hoạch trong quý IV. 

     4. Công nghiệp

     * Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP

     Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2017 ước tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 8,8% so với tháng 10 năm 2016. Tính chung 10 tháng năm 2017 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%.  

     Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện 10 tháng năm 2017 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 13,8%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,5%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 6,7%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; xử lý và cung cấp nước tăng 4,0%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,9%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,6%; ngành sản xuất đồ uống tăng 1,3%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,4%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 12,5%...;

     * Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

     Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ như sau: Đá xây dựng đạt 2,8 triệu m3, tăng 5,6%; mực đông lạnh đạt 575 tấn, giảm 9,6%; tinh bột sắn đạt 9,9 nghìn tấn, giảm 12,2% (do ảnh hưởng của cơn bão số 10 nên sản xuất tinh bột sắn muộn hơn 1 tháng so với năm 2016 dẫn đến sản lượng tính đến tháng 10/2017 thấp hơn so với cùng kỳ); bia đóng chai đạt 16,8 triệu lít, tăng 1,4%; áo sơ mi đạt 8,9 triệu cái, tăng 13,9%; gạch lát nền đạt 3,8 triệu viên, giảm 29,7%; gạch xây dựng đạt 179,6 triệu viên, tăng 1,6%; clinker thành phẩm đạt 2,7 triệu tấn, tăng 7,7%; xi măng đạt 1,3 triệu tấn, tăng 4,2%; điện thương phẩm đạt 658,0 triệu Kwh, tăng 4,1%; nước máy đạt 6,8 triệu m3, tăng 4,0% so cùng kỳ năm trước…

     5. Vốn đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 10 năm 2017 ước thực hiện 344,4 tỷ đồng, giảm 4,5% so với tháng trước (nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi cho việc thi công) và tăng 13,8% so với tháng cùng kỳ năm 2016.

     Tính chung 10 tháng năm 2017, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 2.998,2 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 760,7 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 2.237,5 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý phân theo một số ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 289,8 tỷ đồng, tăng 2,5%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 122,9 tỷ đồng, tăng 2,2%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.676,6 tỷ đồng, tăng 10,2%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 240,6 tỷ đồng, tăng 11,6%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 152,3 tỷ đồng, tăng 3,6%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 149,7 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2016…

     Trong tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10, hệ thống đê kè, công trình giao thông đường bộ ở các địa phương, trụ sở, thiết bị các cơ quan, trường học, cơ sở y tế… bị hỏng nặng. Vì vậy, trong những tháng tới vốn đầu tư dự kiến tăng do sử dụng để sửa chữa, khắc phục lại các công trình, hệ thống bị hư hỏng.

     Hiện nay, các công trình/dự án có vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng tiến độ, các đơn vị đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đồng thời hoàn thành các công trình/dự án sớm đưa vào sử dụng, đặc biệt là các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê kè chống lũ. Trong thời gian tới, tiến độ các công trình/dự án có vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn được đảm bảo do nhà thầu, chủ đầu tư chủ động hơn trong quá trình thi công thực hiện công trình/dự án, bên cạnh đó, công tác quản lý cũng như giải ngân nguồn vốn XDCB được các cấp, các ngành quan tâm.

      6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Dự ước tháng 10/2017 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.540,7 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 9,6% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 14.919,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ.

     Phân theo loại hình kinh tế:

     - Kinh tế Nhà nước, dự ước tháng 10 doanh thu đạt 76,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 29,2% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 702,5 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ (Doanh thu 10 tháng của kinh tế Nhà nước tăng cao do giá xăng dầu biến động tăng nên doanh thu của Công ty Xăng dầu Quảng Bình tăng). Kinh tế tập thể, dự ước tháng 10 doanh thu đạt 0,9 tỷ đồng, giảm 0,3% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 20,5% so cùng kỳ. Kinh tế cá thể, dự ước tháng 10 doanh thu đạt 888,6 tỷ đồng, tăng 3,2% so tháng trước và tăng 6,8% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 8.607,9 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ, đây là thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức bán lẻ hàng hoá (chiếm 57,7%). Kinh tế tư nhân, dự ước tháng 10 doanh thu đạt 574,7 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 11,8% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 5.599,9 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ.

     Phân theo nhóm ngành hàng: Doanh thu 10 tháng của tất cả các nhóm hàng đều tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm ô tô các loại, với mức tăng 139% so với cùng kỳ (nguyên nhân do doanh thu của các đại lý, công ty kinh doanh ô tô trên địa bàn tỉnh tăng); tiếp đến là nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 22,6%

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Tháng 10/2017, bước vào mùa mưa bão nên số lượt khách, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm mạnh so với tháng trước. Năm nay ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ nên tính chung 10 tháng năm 2017, số lượng khách, doanh thu lưu trú, lữ hành và doanh thu ăn uống tăng cao so cùng kỳ năm trước.

     - Dịch vụ lưu trú

     Dự ước tháng 10 doanh thu lưu trú đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 12,1% so tháng trước và tăng 132,6% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 98,4 tỷ đồng, tăng 43,1% so cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 10 đạt 51.558 lượt khách, giảm 17,9% so tháng trước và tăng 196,8% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 584.489 lượt khách, tăng 43,1% so cùng kỳ.

     Dự ước tháng 10 đạt 64.863 ngày khách, giảm 14,6% so tháng trước và tăng 158,5% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 665.016 ngày khách, tăng 49,4% so cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống dự ước tháng 10 đạt 119,5 tỷ đồng, giảm 9,3% so tháng trước và tăng 16,8% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 1.396,8 tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Tháng 10 hoạt động du lịch lữ hành giảm so tháng trước do bước vào mùa mưa bão lượng khách ít nên một số công ty lữ hành ngừng khai thác các tour du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

     Dự ước tháng 10 doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,8 tỷ đồng, giảm 25,1% so tháng trước và tăng 86,2% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 198,8 tỷ đồng, tăng 23,9% so cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước tháng 10/2017 đạt 30.004 lượt khách, giảm 25,2% so tháng trước và tăng 19,0% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 676.965 lượt khách, tăng 16,3% so cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 10 ước đạt 7.243, tăng 3,5% so tháng trước và tăng 115,2% so cùng kỳ. Lượt khách quốc tế tháng 10 tăng cao, nguyên nhân do trong tháng 10 có cuộc thi Hoa hậu Hoà bình thế giới diễn ra tại Quảng Bình. Tính chung 10 tháng năm 2017 khách quốc tế ước đạt 85.356 lượt khách, tăng 31,8% so cùng kỳ.

     - Du lịch tâm linh

     Số lượt khách du lịch tâm linh tháng 10 năm 2017 ước đạt 173.755 lượt khách, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 238,5% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2017 khách du lịch tâm linh ước đạt 1.966.451 lượt khách, tăng 65,7% so cùng kỳ.

     c. Dịch vụ

     Hoạt động dịch vụ tháng 10 tăng so với tháng trước, các nhóm ngành tăng tương đối đồng đều, trong đó tăng cao nhất là nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Dự ước tháng 10 doanh thu dịch vụ đạt 85,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước và tăng 12,2% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng doanh thu ước đạt 805,1 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ.

     Xét theo từng nhóm ngành dịch vụ, trong 10 tháng doanh thu của hầu hết hết các nhóm đều tăng, riêng nhóm kinh doanh bất động sản giảm. Nguyên nhân doanh thu nhóm kinh doanh bất động sản 10 tháng giảm do hoạt động phân lô, bán đất của thành phần kinh tế tư nhân giảm mạnh.

     Doanh thu 10 tháng của các nhóm hàng như sau: Doanh thu hoạt động kinh doanh đạt 162,8 tỷ đồng, giảm 6,6%; doanh thu hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 138,2 tỷ đồng, tăng 24%; doanh thu dịch vụ giáo dục và đào tạo đạt 23,7 tỷ đồng, tăng 11,9%; doanh thu dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 30 tỷ, tăng 17,7%; doanh thu dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí đạt 65,9 tỷ đồng, tăng 9,8%; doanh thu dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dung cá nhân và gia đình đạt 65,9 tỷ đồng, tăng 7,9%; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 160,5 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

     d. Hoạt động vận tải

     Tổng doanh thu vận tải tháng 10 ước đạt 255,8 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2017 doanh thu vận tải ước đạt 2.425,1 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 486,2 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.804,1 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 134,7 tỷ đồng, tăng 7,7%.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 10 ước đạt 1,9 triệu hành khách, giảm 1,3% so tháng trước; tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 18,5 triệu hành khách, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 10 ước đạt 93,4 triệu hk.km, giảm 1,9% so với tháng trước; tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 859,7 triệu hk.km, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 10 ước đạt 1,7 triệu tấn, giảm 1,9% so với tháng trước; tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 16,9 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 10 ước đạt 97,4 triệu tấn.km, giảm 2,2% so với tháng trước; tính chung 10 tháng năm ước đạt 918,2 triệu tấn.km, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

     7. Tài chính, ngân hàng

     a. Thu ngân sách nhà nước

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 10 tháng năm 2017 thực hiện 2.713,8 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán địa phương giao và tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 2.603,7 tỷ đồng, bằng 82,8% dự toán địa phương giao, tăng 13,1% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 110,1 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán địa phương giao, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu ngân sách 10 tháng năm 2017, có một số khoản thu sau đây tăng cao so với cùng kỳ: Thu thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 53,9%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 4,9%; thu phí và lệ phí tăng 164,5%; thu tiền sử dụng đất tăng 9,9%; thu tiền thuê đất tăng 7,1%; thu thuế thu nhập cá nhân tăng 16,1%; thu tại xã tăng 34,1%; thu xổ số kiến thiết tăng 92,7%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 7,9%.

     b. Ngân hàng

     * Hoạt động huy động vốn và cho vay

     - Huy động vốn: Đến 30/9/2017, tổng nguồn vốn huy động đạt 31.005 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 13,3% so đầu năm. Trong đó: Nguồn tiền gửi dân cư tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt 25.932 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng gần 18% so đầu năm. Khả năng thanh khoản của các TCTD được bảo đảm. Dự ước cuối tháng 10/2017, tổng nguồn vốn huy động đạt 31.310 tỷ đồng, tăng 0,98% so tháng trước và tăng 14,4% so đầu năm.

     - Hoạt động tín dụng: Trong tháng, dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ cho vay đạt 37.940 tỷ đồng, tăng 3,7% so tháng trước và tăng 4,5% so đầu năm. Các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều được đáp ứng. Dự ước cuối tháng 10/2017, dư nợ đạt 38.440 tỷ đồng, tăng 1,32% so tháng trước và tăng 5,6% so đầu năm.

     * Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng (số liệu 30/9/2017):

     - Cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ: Các NH đã ký kết được 86 HĐTD, số tiền 994,2 tỷ đồng. Đã giải ngân được 86 HĐTD, số tiền 954,4 tỷ đồng; đến 30/9/2017 có 86 chủ tàu còn dư nợ 947,9 tỷ đồng.

     - Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ với dư nợ 13.791 tỷ đồng, tăng 10,4% so đầu năm. Cho vay Xây dựng nông thôn mới 9.308 tỷ đồng, giảm 1,6% so đầu năm. Cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ 278 tỷ đồng, tăng 19,3% so đầu năm. Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách với 13 chương trình tín dụng, dư nợ 2.698 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, giảm 0,4% so tháng trước và tăng 4,3% so đầu năm.

     - Thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển: Các NH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.131 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 47,7 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 240 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm 1,5 tỷ đồng; cho vay mới 1.220 khách hàng, doanh số cho vay 373 tỷ đồng.

     - Triển khai thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Các NHTM đã rà soát, tổng hợp số tiền dự kiến cho vay, khoanh nợ, số tiền lãi cần được cấp bù theo Quyết định số 12/QĐ-TTg. Theo đó: Dự kiến cho vay khôi phục sản xuất, chuyển đổi ngành nghề 18,8 ngàn khách hàng, số tiền 1.033,6 tỷ đồng, số tiền lãi cấp bù 80,5 tỷ đồng; cho vay đóng mới tàu cá để chuyển từ khai thác gần bờ ra xa bờ 70 khách hàng, số tiền 383 tỷ đồng, số tiền lãi cấp bù 203,4 tỷ đồng; khoanh nợ 13 khách hàng, dư nợ đề nghị khoanh nợ 8,6 tỷ đồng, số tiền lãi cấp bù 629 triệu đồng.

     * Chất lượng tín dụng: Theo số liệu báo cáo của các TCTD, đến 31/8/2017 nợ xấu nội bảng là 434,5 tỷ đồng, chiếm 1,22% tổng dư nợ cho vay; nợ xấu đã bán cho VAMC 272 tỷ đồng; nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thì tổng nợ xấu là 706,5 tỷ đồng, chiếm 1,98% tổng dư nợ cho vay. Nợ nhóm 2 là 488,4 tỷ đồng, chiếm 1,37% tổng dư nợ cho vay.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục và đào tạo

     - Giáo dục

     Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, khai giảng năm học 2017 - 2018 thực hiện theo đúng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 587 trường, trong đó có 179 trường và cơ sở giáo dục mầm non; 209 trường tiểu học; 147 trường trung học cơ sở; 19 trường phổ thông cơ sở; 6 trường phổ thông trung học và 27 trường trung học phổ thông. Tổng số phòng học của cấp học mầm non và phổ thông là 7.205 phòng (trong đó có 5.146 phòng kiên cố, tỷ lệ 71,4%; 1.940 phòng bán kiên cố, tỷ lệ 26,9%). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non và phổ thông: 19.627 người (cán bộ quản lý 1.472 người, giáo viên 14.247 người và nhân viên 3.908 người). Đầu năm học 2017 - 2018 cấp học mầm non và phổ thông, toàn tỉnh có 219.098 học sinh; trong đó, giáo dục mầm non 60.460 cháu; tiểu học 74.009 học sinh; trung học cơ sở 54.681 học sinh; trung học phổ thông 29.948 học sinh.

     Để giảm bớt khó khăn cho học sinh và phụ huynh, đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1832/SGDĐT-KHTC đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về việc thu nộp các khoản đầu năm học. Trong đó, việc thực hiện xã hội hóa phải bảo đảm minh bạch, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thẩm định các khoản thu tại các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc (bao gồm các khoản thu của Ban đại diện CMHS) để các đơn vị triển khai thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường học thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu các khoản thu để giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh; trước mắt, trong thời gian khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, chưa thu các khoản thu chưa thực sự cấp thiết. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục; không để diễn ra tình trạng lạm thu; và sẽ xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện trái quy định. Kết quả thanh tra, kiểm tra sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định. 

     Cơn bão số 10 đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các trường trong toàn tỉnh, nhiều trường học bị hư hỏng nặng như: Tốc mái, vỡ kính cửa, sập hàng rào và nhiều thiết bị dạy học khác bị hư hỏng (máy vi tính, máy chiếu, bàn ghế học sinh…); đặc biệt đã có 7 trường bị sập một số phòng học. Toàn ngành giáo dục có trên 46.798­­­ m2 mái nhà lớp học bị tốc mái, 6.813 m hàng rào bị sập; 6.538 m2 cửa kính bị vỡ, 7.529 cây xanh bị gãy đổ, 649 bộ máy vi tính và 94 máy chiếu bị hỏng; 235 phòng học bị hư hỏng nặng và 11 phòng học bị sập hoàn toàn, 782 bộ bàn ghế học sinh bị hư do mưa bão… Tổng thiệt hại ước tính trên 205 tỷ đồng. Trước những thiệt hại nặng nề của các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra để đưa học sinh sớm trở lại trường học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, sau khi các trường đã sửa chữa, dọn dẹp xong mới gọi học sinh đi học lại. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3584/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2017 - 2018 theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; theo đó, UBND tỉnh phân bổ 380,9 tấn gạo cho 5.036 học sinh các trường ở khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên hướng dẫn và giám sát việc phát gạo tại UBND các huyện, thị xã có học sinh được hỗ trợ gạo; đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức tiếp nhận gạo hỗ trợ cho các trường trên địa bàn, vận chuyển đến từng điểm trường có học sinh được hỗ trợ gạo, hướng dẫn trường học cấp phát đúng đối tượng.

     - Đào tạo

     Năm học 2017 - 2018, Trường Đại học Quảng Bình được giao tuyển sinh 2.090 chỉ tiêu (bao gồm 1.330 chỉ tiêu đại học, 300 chỉ tiêu cao đẳng sư phạm và 460 chỉ tiêu cao đẳng ngoài sư phạm), thời gian xét tuyển được trình tự theo kế hoạch hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, số lượng thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 hệ chính quy đến làm thủ tục nhập học tại trường là 465 em/668 thí sinh trúng tuyển. Trường Đại học Quảng Bình tổ chức Lễ khai giảng năm học mới vào ngày 19/10/2017.

     2. Công tác y tế

     - Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 9/2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 trường hợp Tay - chân - miệng; 95 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 345 trường hợp tiêu chảy; 22 trường hợp lỵ trực trùng; 12 trường hợp lỵ a míp; 1 trường hợp viêm gan vi rút B; 3 trường hợp viêm gan vi rút khác; 21 trường hợp thủy đậu; 29 trường hợp quai bị; 1.161 trường hợp cúm; 1 trường hợp viêm não vi rút khác; 1 trường hợp uốn ván sơ sinh. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/9/2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 31 trường hợp Tay - chân - miệng; 279 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 3.454 trường hợp tiêu chảy; 254 trường hợp lỵ trực trùng; 119 trường hợp lỵ a míp; 17 trường hợp viêm gan vi rút B; 50 trường hợp viêm gan vi rút khác; 604 trường hợp thủy đậu; 887 trường hợp quai bị; 10.409 trường hợp cúm; 17 trường hợp Lao phổi; 1 trường hợp Bạch hầu; 1 trường hợp Ho gà; 1 trường hợp sởi; 1 trường uốn ván; 2 trường hợp viêm não vi rút khác; 1 trường hợp uốn ván sơ sinh. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     Sau bão lũ, để chủ động đối phó với các loại dịch bệnh có thể xảy ra, ngay trong những ngày có mưa to và sau khi nước rút, ngành Y tế đã cử cán bộ về tận các địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế về những thiệt hại của toàn ngành và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường ở các địa bàn. Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tổ chức xử lý nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng ngập lũ bằng hoá chất CloraminB. Ở các bãi rác, chợ đầu mối được phun thuốc khử trùng. Tại các huyện, các trường học cũng được phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn các loại dịch bệnh, tránh lây lan trên diện rộng.

     - Chương trình phòng chống sốt rét

     Đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Tháng 9/2017, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 194 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 21 người, trong đó có 1 bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 7.805 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,2%. Lũy tích từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 3.240 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 119 người, trong đó có 2 bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 43.541 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,4%.

     - Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 30/9/2017 trên địa bàn tỉnh phát hiện 43 người nhiễm mới HIV, 19 người chuyển sang AIDS, 4 người tử vong do AIDS; số mẫu xét nghiệm HIV là 8.804 mẫu. Tính đến ngày 30/9/2017, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.343 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 381 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 134 người; số mẫu xét nghiệm HIV cộng dồn là 16.502 mẫu. Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

     - Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Trong quý III/2017, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 753 cơ sở, trong đó 32 cơ sở sản xuất thực phẩm, 111 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 542 cơ sở dịch vụ ăn uống, 68 cơ sở vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Qua kiểm tra đã phát hiện 98 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, nhắc nhở 34 cơ sở; xử lý 31 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 156 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm của 33 cơ sở với giá trị sản phẩm bị tiêu hủy trên 291 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là do hồ sơ giấy tờ quá hạn hoặc không đầy đủ, ghi nhãn mác không đúng quy định, điều kiện cơ sở; trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo yêu cầu, kinh doanh hàng nhập lậu; không rõ xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển tôm sú có tạp chất, bảo quản thực phẩm sai quy định… Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 ca mắc tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 377 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao

     a. Hoạt động văn hoá  

     Để chào đón các thí sinh dự thi Hoa hậu Hòa bình thế giới năm 2017 đến Quảng Bình, tối 10/10/2017, UBND tỉnh đã tổ chức gala chúc mừng 76 thí sinh dự thi Hoa hậu Hòa bình thế giới năm 2017. Vòng thi Trang phục dân tộc của 76 hoa hậu đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã diễn ra vào lúc 20h tối 12/10 tại khu du lịch Sunspa Resort Mỹ Cảnh - Bảo Ninh, Đồng Hới. Tất cả các vòng thi đều được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình VTC9, Quảng Bình, Kiên Giang và một số quốc gia khác...

     Trong hoạt động văn hoá, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, quý III, Sở Văn hóa và Thể thao đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn. Trong đó, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 25 đơn vị, cơ sở; xử phạt 16 triệu đồng đối với 06 cơ sở vi phạm, buộc tháo dỡ 01 bảng quảng cáo ngoài trời và 250 băng rôn treo, móc không đúng quy định.

     Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các địa phương đã chú trọng tập trung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Hoàn thành việc trang cấp thiết bị văn hóa cơ sở theo dự án “Tăng cường đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em vùng núi, vùng xa, biên giới hải đảo”. Mặt khác, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh trong việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

     Hoạt động văn hóa ở cơ sở được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Các địa phương kết hợp tổ chức các giải thi đấu thể thao trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao cấp huyện với các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách, góp phần tích cực vào đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống trên địa bàn, thông qua đó, góp phần khôi phục, phát huy giá trị và tôn vinh những nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương.

     b. Hoạt động thể dục thể thao

     Hưởng ứng tháng hành động vì Người cao tuổi năm 2017 và chào mừng Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10), huyện Lệ Thủy tổ chức giải bóng chuyền hơi người cao tuổi lần thứ Nhất năm 2017. Tham gia giải đấu có 40 đội bóng chuyền hơi nam, nữ với tổng số gần 400 vận động viên là hội viên Hội Người cao tuổi. Sau thời gian tổ chức thi vòng loại, ngày 05 tháng 10 năm 2017, Ban đại diện Hội Người cao tuổi phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy tổ chức vòng chung kết. Với tinh thần thể thao vui, khỏe, bổ ích, các vận động viên đã tham gia thi đấu nhiệt tình, sôi nổi, cống hiến cho khán giả những trận đấu hay.

     Từ ngày 01- 09/10/2017, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Giải Bơi - Lặn Vô địch Quốc gia năm 2017. Các VĐV đội tuyển Bơi - Lặn Quảng Bình đã xuất sắc giành được 24 Huy chương các loại, trong đó có 9 Huy chương Vàng (HCV), 6 Huy chương Bạc (HCB), 9 Huy chương Đồng (HCĐ). Các VĐV đạt thành tích cao tại Giải, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (Bơi) giành được 4 HCV các cự ly 400m tự do, 800m tự do, 1500m tự do (phá 3 kỷ lục Quốc gia) và 400m hỗn hợp; Trần Thị Trang Điểm (Lặn) giành được 3 Huy chương Vàng cự ly 400m, 800m, 1500m vòi hơi chân vịt (phá 3 kỷ lục Quốc gia); Phan Đức Toản (Lặn) giành 2 HCV cự ly 200m, 400m khí tài; Mai Thị Linh (Bơi) giành được 5 HCB và 1 HCĐ.

     Tính đến nay, các đội tuyển tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được 157 huy chương các loại (59 HCV, 42HCB, 56HCĐ), trong đó có 4 huy chương quốc tế (2 HCV và 2 HCB).

     4. Tình hình trật tự an toàn - xã hội

     - An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 9 năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, giảm 2 vụ so với tháng 9 năm 2016; trong đó đường bộ 13 vụ, giảm 3 vụ; đường sắt 1 vụ, tăng 1 vụ. Số người chết do tai nạn giao thông 8 người, tăng 5 người so với tháng 9 năm 2016; trong đó đường bộ chết 8 người, tăng 5 người. Số người bị thương do tai nạn giao thông 13 người, giảm 14 người so với tháng 9 năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 13 người, giảm 15 người; đường sắt bị thương 1 người, tăng 1 người so với tháng 9 năm 2016.

     Luỹ kế 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 175 vụ tai nạn giao thông, giảm 15 vụ so với 9 tháng năm 2016, trong đó đường bộ 170 vụ; giảm 16 vụ; đường sắt 5 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 88 người, tăng 8 người so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ chết 86 người, tăng 9 người; đường sắt chết 2 người, giảm 1 người. Số người bị thương do tai nạn giao thông 138 người, giảm 33 người so cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 137 người, giảm 31 người; đường sắt bị thương 1 người,  giảm 2 người so với cùng kỳ năm 2016.

     - An toàn xã hội và pháp luật

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 9 năm 2017 phạm pháp kinh tế không xảy ra, so với tháng 9 năm 2016, số vụ giảm 9 vụ, đối tượng vi phạm giảm 9 người; phạm pháp hình sự 30 vụ với 32 đối tượng phạm tội (trong đó có 6 vụ chưa xác định được đối tượng gây án), so với tháng 9 năm 2016, số vụ giảm 8 vụ, đối tượng phạm tội giảm 12 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 2 vụ với 4 đối tượng vi phạm, so với tháng 9 năm 2016, số vụ giảm 4 vụ và đối tượng vi phạm giảm 5 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 1 vụ với 2 đối tượng vi phạm; so với tháng 9 năm 2016, số vụ và đối tượng vi phạm bằng cùng kỳ.

     Lũy kế 9 tháng năm 2017, phạm pháp kinh tế xảy ra 21 vụ với 24 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 9 vụ, đối tượng phạm tội giảm 8 người; phạm pháp hình sự 350 vụ với 468 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2016 giảm 17 vụ, đối tượng phạm tội giảm 147 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 38 vụ với 59 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 9 vụ và đối tượng vi phạm giảm 9 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 89 vụ với 136 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016 số vụ tăng 35 vụ và tăng 46 đối tượng vi phạm.

     5. Một số vấn đề xã hội

     Ngày 15/9/2017, bão số 10 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình với sức gió rất mạnh. Tốc độ gió giật tại thành phố Đồng Hới lên tới cấp 12, tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn gió giật cấp 13, cấp 14; tại huyện Tuyên Hóa bão cấp 9 cấp 10 giật cấp 12. Thời gian bão duy trì trên cấp 9 cấp 10 kéo dài hơn 5 giờ.

     Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nhưng với cường độ bão mạnh, mưa lớn nên nước lên rất nhanh và lớn, đạt đỉnh lũ năm 2007, đã gây thiệt hại lớn về người (2 người chết và 48 người bị thương), sản xuất kinh doanh, đời sống và tài sản của nhân dân và Nhà nước bị thiệt hại nặng nề. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do bão số 10 gây ra là 7.860 tỷ đồng. Trước, trong bão tỉnh đã chỉ đạo tổ chức sơ tán, di dời 11.110 hộ/33.541 người đến nơi an toàn, kêu gọi và sắp xếp tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú bão hoặc vào bờ neo đậu an toàn gồm 8.397 tàu của ngư dân trong tỉnh, hơn 200 tàu của ngư dân ngoài tỉnh.

     Để giúp nhân dân tháo gỡ khó khăn, sớm ổn định đời sống, ngay sau bão số 10, Lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi nhân dân, động viên những gia đình bị thiệt hại nặng do bão gây ra, huy động lực lượng, phương tiện để giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả. UBND tỉnh Quảng Bình đã trích 50 tỷ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trích 6 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ tỉnh và UBND tỉnh đã ứng trước 500 tấn gạo (trong số 3.000 tấn gạo Chính phủ hỗ trợ tỉnh) để hỗ trợ nhân dân và địa phương khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra; trong đó: huyện Minh Hóa 200 tấn, huyện Tuyên Hóa 100 tấn, huyện Quảng Trạch 100 tấn, thị xã Ba Đồn 50 tấn và huyện Bố Trạch 50 tấn. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của các địa phương.

     Ngày 10/10/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3578/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo dự trữ Quốc gia cho các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do bão số 10. Theo đó, UBND tỉnh đã phân bổ 2.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân ở các địa phương, trong đó huyện Lệ Thủy 300 tấn, huyện Quảng Ninh 230 tấn, thành phố Đồng Hới 97 tấn, huyện Bố Trạch 450 tấn, huyện Quảng Trạch 500 tấn, thị xã Ba Đồn 350 tấn, huyện Tuyên Hóa 103 tấn và huyện Minh Hóa 470 tấn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giao, nhận, hướng dẫn các địa phương cấp phát đúng đối tượng, chế độ quy định và phù hợp với tình hình khó khăn thực tế trên địa bàn. Các địa phương đã khẩn trương triển khai rà soát và kịp thời phân bổ số gạo nói trên theo đúng đối tượng; nhờ đó, đời sống của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản được đảm bảo, thiếu đói trong dân cư chưa xảy ra./.

[Trở về]