THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2017 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Triển khai sản xuất vụ Hè Thu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tiến độ gieo trồng các nhóm cây khác chậm so cùng kỳ do nắng nóng gay gắt kéo dài và phải gieo trồng lại. Dự ước diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu toàn tỉnh thực hiện 31.215,2 ha, so với vụ Hè Thu năm trước tăng 0,8%. Cụ thể các cây trồng như sau:

     - Cây lúa: Diện tích toàn tỉnh thực hiện 24.701 ha, so với vụ Hè Thu năm trước tăng 1,8%. Trong đó: Lúa tái sinh 8.498 ha, giảm 3,1%; lúa gieo cấy 16.203 ha, tăng 4,6%. Nguyên nhân diện tích lúa Hè Thu gieo cấy tăng khá là do chủ động được nguồn nước tưới nên giảm diện tích lúa tái sinh chuyển sang gieo cấy, đồng thời chuyển đổi một số cây hoa màu kém hiệu quả sang gieo cấy lúa. Diện tích lúa của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 895 ha; thị xã Ba Đồn 2.234 ha; huyện Minh Hóa 449 ha, huyện Tuyên Hóa 1.190 ha; huyện Quảng Trạch 3.400 ha; huyện Bố Trạch 3.169 ha; huyện Quảng Ninh 3.633 ha; huyện Lệ Thủy 9.732 ha.

     Hiện tại, các địa phương đang triển khai công tác chăm sóc lúa Hè Thu gieo cấy. Đến giữa tháng 8 đã hoàn thành thu hoạch lúa tái sinh, dự kiến năng suất lúa tái sinh năm nay tương đương so năm trước. Do ảnh hưởng của cơn bão số 4  nên ở huyện Lệ Thuỷ có một số diện tích lúa tái sinh bị mất trắng.

     - Các loại cây trồng khác: Dự ước diện tích gieo trồng nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác 829,1 ha, giảm 5,8%; nhóm cây lấy củ có chất bột 957,5 ha, giảm 2,5%; nhóm cây lấy sợi 5 ha; cây có hạt chứa dầu 763,3 ha, giảm 2,5%; nhóm cây rau, đậu, hoa cây cảnh 2.944,6 ha, giảm 2,8%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 35,7 ha, tăng 15,2%; cây hàng năm khác 979 ha, giảm 2,6% so vụ Hè Thu năm trước. 

     Nhờ hệ thống kênh mương tưới tiêu cơ bản được tu sửa, nạo vét hoàn chỉnh nên công tác tưới nước cho cây trồng thực hiện thuận lợi. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây mưa nhiều nên từ đầu vụ đến nay chưa có diện tích cây lúa bị hạn gay gắt.

     Đến ngày 10/8/2017, diện tích bị ảnh hưởng sâu bệnh 2.051,2 ha, trong đó: Chuột phá 807 ha, tập trung nhiều ở huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy; bệnh khô vằn bị nhiễm 637 ha, tập trung chủ yếu huyện Quảng Ninh, huyện Tuyên Hóa, huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và rải rác các địa phương khác; bệnh bạc lá 353 ha; bệnh lùn sọc đen 36,2 ha; rầy lưng trắng 208 ha.

     Hiện tại, các địa phương đang tích cực phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nên công tác phòng trừ đạt kết quả tốt, ảnh hưởng xảy ra cục bộ, không lớn. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng không thuận lợi. Theo đó, dự báo năng suất nhiều loại cây trồng vụ Hè Thu năm nay xấp xỉ năm trước.

     b. Chăn nuôi

     Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển tại nhiều địa phương. Đặc biệt, mô hình trang trại, gia trại phát triển khá nhanh đã từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp.

     Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chưa có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên tổng đàn phát triển khá; riêng đàn lợn những tháng đầu năm giá thịt hơi giảm sâu, đến nay mặc dù giá có tăng trở lại nhưng người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh. Nhờ chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại phát triển nên hệ số xuất chuồng tăng khá so năm trước, nhất là đàn gia cầm. Trong 8 tháng năm 2017, sản phẩm xuất chuồng: Trâu xuất chuồng 1.529 tấn, tăng 3,1%; bò xuất chuồng 3.612 tấn, tăng 3,9%; lợn xuất chuồng 31.802 tấn, giảm 3,2%; gia cầm xuất chuồng 6.074 tấn, tăng 9,2%; riêng đàn gà: Sản lượng thịt xuất chuồng 4.802 tấn, tăng 9,5%; sản lượng trứng gà 32.555 ngàn quả, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước.           

     2. Lâm nghiệp

     Sản xuất ngành lâm nghiệp duy trì mức tăng trưởng và tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang được các địa phương triển khai đúng kế hoạch. Công tác giao khoán bảo vệ, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng được chú trọng nên tiến độ thực hiện khá nhanh. Công tác khai thác gỗ từ rừng trồng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ.

     Dự ước sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 8 đạt 19.120 m3, 8 tháng đạt 200.040 m3, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 8 là 24.200 ste, 8 tháng thực hiện 147.700 ste, so cùng kỳ năm trước tăng 4,7%.

     Trong tháng 8, mặc dù thời tiết nắng nóng, chưa đến mùa vụ trồng rừng nhưng một số chủ rừng đã triển khai công tác trồng rừng mới. Dự ước trong tháng 8 diện tích rừng trồng mới đạt 12 ha, 8 tháng đạt 828 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 33,9%. Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện theo kế hoạch. 

     Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao. Nắng nóng còn diễn biến khá phức tạp, lãnh đạo các cấp địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại.

     3. Thủy sản

     Tổng sản lượng thuỷ sản ước thực hiện trong tháng 8 đạt 10.089,3 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 13,3%; 8 tháng thực hiện 48.213,5 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 13,2%. Sản lượng 8 tháng chia ra: Cá các loại 38.003,0 tấn, tăng 17,4%; tôm các loại 3.871,5 tấn, giảm 12,2%; thủy sản khác 6.339,0 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Thời tiết trong tháng khá thuận lợi, giá nhiên liệu tương đối ổn định, môi trường biển xa bờ an toàn nên ngư dân các địa phương tăng cường ra khơi bám biển. Bên cạnh đó, với chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 đã phát huy hiệu quả tích cực; kinh phí đền bù do sự cố môi trường biển được nhiều hộ đầu tư sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền nên năng lực đánh bắt của nhiều địa phương tăng nhanh.

     Dự ước sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 8 ước đạt 7.585,1 tấn; 8 tháng khai thác 40.560,9 tấn, tăng 17,9% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng 8 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 33.771,6 tấn, tăng 19,5%; tôm các loại 740,3 tấn, tăng 20,1%; thủy sản khác 6.049,0 tấn, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Khai thác biển 38.565,2 tấn, tăng 18,5%; khai thác nội địa 1.995,7 tấn, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Do thời tiết nắng nóng kéo dài, công tác xử lý môi trường của các hộ nuôi không đúng kỹ thuật, giống tôm nhiều hộ không đảm bảo yêu cầu chất lượng,... nên đã gây ra dịch bệnh ở nhiều diện tích nuôi tôm của một số địa phương. Bên cạnh đó, giữa tháng 7 có bão số 2 gây mưa rất to trên diện rộng, làm cho nhiều lồng nuôi cá sắp thu hoạch bị sốc nước, cá chết nhiều. Vì vậy, sản lượng nuôi trồng trong tháng 8 giảm so cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8 thu hoạch 2.504,2 tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Dự ước sản lượng 8 tháng thu hoạch 7.652,6 tấn, giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước.

     Sản lượng nuôi trồng 8 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 4.231,4 tấn, tăng 3,2%; tôm các loại 3.131,2 tấn, giảm 17,4%; thủy sản khác 290,0 tấn, giảm 3,4% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước nuôi: Nuôi nước lợ 3.485,3 tấn, giảm 16,1%; nuôi nước ngọt 4.167,3 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước. Riêng các địa phương có mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi cá trong ruộng lúa cho sản lượng tăng cao như: Đồng Hới tăng 4,8%; huyện Bố Trạch tăng 5,6%, huyện Lệ Thủy tăng 4,7%.

     4. Công nghiệp

     * Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

     Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2017 ước tính tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 7,1% so với tháng 8 năm 2016. Tính chung 8 tháng năm 2017 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,0% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%.

     Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2017 tăng thấp so với 8 tháng năm 2016 (8 tháng năm 2016 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ), do trong thời gian gần đây, ngành công nghiệp chưa có nhiều nhà máy tạo ra giá trị lớn cho ngành công nghiệp đi vào hoạt động (ngoài một số năng lực mới tăng như dự án Nhà máy may S&D giai đoạn 2; dự án Nhà máy may Lệ Thủy,… nhưng giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra không lớn). Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2017 tăng 6,0% chủ yếu nhờ sự đóng góp của các nhà máy sản xuất công nghiệp hiện có trên địa bàn như nhà máy sản xuất xi măng; clinker, công ty Bia Hà Nội - Quảng Bình; các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.

     Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện 8 tháng năm 2017 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 13,8%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,9%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 6,0%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,5%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%; ngành xử lý và cung cấp nước tăng 3,8%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,2%; ngành sản xuất đồ uống tăng 2,3%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,3%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 2,6%;...

     * Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

     Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện 8 tháng năm 2017 như sau: Đá xây dựng đạt 2,2 triệu m3, tăng 6,0%; mực đông lạnh đạt 486 tấn, giảm 12,3%; tinh bột sắn đạt 6,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; bia đóng chai đạt 13,4 triệu lít, tăng 2,1%; áo sơ mi đạt 7,0 triệu cái, tăng 13,8%; Gạch lát nền đạt 2,7 triệu m2, giảm 36,6% (do trong tháng 1 và tháng 2/2017 Công ty cổ phần Gốm sứ và xây dựng Cosevco ngừng sản xuất để bảo trì máy móc, thiết bị); gạch xây dựng đạt 142,9 triệu viên, tăng 1,1%; clinker thành phẩm đạt 2,1 triệu tấn, tăng 9,7%; xi măng đạt 1,1 triệu tấn, tăng 4,1%; Điện thương phẩm đạt 523,0 triệu Kwh, tăng 3,8%; Nước máy đạt 5,4 triệu m3, tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước.

     5. Vốn đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2017 ước thực hiện 347,1 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 7,2% so với tháng cùng kỳ năm 2016. Tính chung 8 tháng năm 2017, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 2.296,1 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 579,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 1.716,8 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý phân theo một số ngành kinh tế như sau: Ngành nông lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 212,2 tỷ đồng, tăng 3,0%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 99,1 tỷ đồng, tăng 2,1%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.299,3 tỷ đồng, tăng 9,8%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 172,4 tỷ đồng, tăng 11,6%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 123,0 tỷ đồng, tăng 3,0%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 108,7 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2016,…

     Trong 8 tháng năm 2017, vốn đầu tư khu vực nhà nước chủ yếu tập trung thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp về giao thông; thủy lợi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội,... Trong thời gian qua, tiến độ thực hiện một số công trình/dự án đầu tư xây dựng đảm bảo đúng kế hoạch nhất là đối với các công trình/dự án có khối lượng vốn lớn trên địa bàn tỉnh như: Cầu Nhật Lệ 2; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trụ sở Huyện ủy và Khối mặt trận huyện Quảng Trạch; Hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; Tuyến đường Quốc lộ 1A đến trung tâm huyện mới của huyện Quảng Trạch tại xã Quảng Phương; Kè cửa sông Nhật Lệ; Củng cố nâng cấp tuyến đê kè Tả sông Gianh; Cảng cá Ròon, huyện Quảng Trạch; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập.

     Hiện nay chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, do đó các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình/dự án, nhằm đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, đặc biệt là các công trình giao thông, thuỷ lợi thường cố gắng hoàn thành sớm nhằm đảm bảo chất lượng công trình cũng như chống xói lở trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, các công trình sửa chữa, xây dựng trường học cũng thường xuyên được đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị cho năm học mới.

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Hoạt động bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh tháng 8 khá nhộn nhịp, trong tháng có Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại khu vực Bắc Trung bộ và bước vào mùa tựu trường nên một số nhóm hàng tăng cao như vật phẩm văn hoá, giáo dục, nhóm hàng may mặc, nhóm phương tiện đi lại.

     Dự ước tháng 8 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.525,6 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 11.909,1 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ.

     Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế Nhà nước tháng 8 doanh thu ước đạt 72,2 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước và tăng 13,8% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 554,9 tỷ đồng, tăng 19,3% so cùng kỳ, nguyên nhân do giá xăng dầu tăng nên doanh thu Công ty Xăng dầu Quảng Bình tăng. Kinh tế tập thể, doanh thu tháng 8 ước đạt 1 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước và giảm 13,5% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 7,4 tỷ đồng, giảm 24,7% so cùng kỳ. Kinh tế cá thể, doanh thu tháng 8 ước đạt 875,9 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 9,8% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 6.866,9 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ, đây là thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hoá (57,7%). Kinh tế tư nhân, doanh thu tháng 8 ước đạt 576,4 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và tăng 8,2% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 4.479,9 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ.

     Phân theo nhóm ngành hàng: Trong tháng 8/2017, ngoại trừ nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm thì tất cả các nhóm hàng còn lại đều tăng so với tháng trước. Cụ thể: Nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,4%, nguyên nhân tăng cao do bước vào mùa tựu trường nên nhu cầu đối với nhóm hàng này tăng cao; nhóm phương tiện đi lại với mức tăng 5,7%, do nhu cầu mua sắm xe đạp, xe máy phục vụ cho học sinh, sinh viên tăng cao trong tháng này; nhóm hàng may mặc tăng 4,2%, mức tăng cao do nhu cầu mua sắm áo quần mới của học sinh, sinh viên tăng; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 1,6%; nhóm ô tô các loại tăng 3,2%,...

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Tháng 8 bước vào mùa tựu trường của học sinh, sinh viên nên hoạt động du lịch không sôi động như tháng trước. Do đó số lượt khách, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm so với tháng trước. Nhưng nhìn chung, năm nay ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ nên số lượng khách, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tháng 8 và 8 tháng đều tăng cao so với cùng kỳ.

     - Dịch vụ lưu trú

     Tháng 8 doanh thu cũng như lượt khách lưu trú giảm so tháng trước theo đúng chu kỳ mùa vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Dự ước tháng 8 doanh thu lưu trú đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 10,6% so tháng trước và tăng 133,4% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 81,1 tỷ đồng, tăng 39,2% so cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 8 đạt 70.374 lượt khách, giảm 8,7% so tháng trước và tăng 91,3% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 ước đạt 461.539 lượt khách, tăng 31,4% so cùng kỳ.

     Ngày khách: Dự ước tháng 8 đạt 82.162 ngày khách, giảm 7,0% so tháng trước và tăng 117,3% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 ước đạt 516.893 ngày khách, tăng 33,5% so cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 dự ước đạt 148,1 tỷ đồng, giảm 5,2% so tháng trước và tăng 30,6% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 1.154,2 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Dự ước tháng 8 doanh thu lữ hành đạt 28,3 tỷ đồng, giảm 8,6% so tháng trước và tăng 55,2% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 182,0 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước tháng 8 đạt 109.282 lượt khách, giảm 8,9% so tháng trước và tăng 62,8% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 ước đạt 622.808 lượt khách, tăng 22,3% so cùng kỳ.

     Số lượt khách quốc tế lữ hành dự ước tháng 8 đạt 8.832 lượt khách, giảm 9,5% so tháng trước (do tháng này đã hết mùa du lịch quốc tế). Tính chung 8 tháng năm 2017 ước đạt 71.169 lượt khách, tăng 26,1% so cùng kỳ.

     - Du lịch tâm linh

     Số lượt khách du lịch tâm linh tháng 8 năm 2017 ước đạt 245.200 lượt khách, tăng 16,7% so tháng trước và tăng 238,6% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 ước đạt 1.654.099 lượt khách, tăng 51,7% so cùng kỳ.

     c. Dịch vụ

     Trong tháng 8, phần lớn các nhóm ngành dịch vụ tăng nhẹ so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình, nguyên nhân do dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh tăng cao.

     Dự ước tháng 8 doanh thu dịch vụ đạt 86,2 tỷ đồng, tăng 2,6% so tháng trước và tăng 9,2% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 636,7 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ. Trong đó: Nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 22%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 10,6%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 13,1%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 7,7%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, ĐDCN và gia đình tăng 7,7%.

     d. Hoạt động vận tải

     Ngày 11/8/2017, tại Cảng hàng không Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với hãng hàng không Jetstar Pacific khai trương đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai (Thái Lan). Đây là đường bay quốc tế đầu tiên tại Quảng Bình và cũng là đường bay quốc tế trực tiếp đầu tiên và duy nhất đến nay từ Việt Nam đến Chiềng Mai. Tuyến hàng không này đưa vào hoạt động, sẽ thu hút khách du lịch nước ngoài đến tham quan các địa danh du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

     Tháng 8 là thời điểm sinh viên, học sinh bắt đầu nhập học, cùng với đó, thời tiết chuẩn bị bước vào mùa mưa nên các công trình gấp rút thi công để hoàn thành tiến độ, vì vậy các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh vận tải tập trung nguồn lực tăng chuyến, nhằm phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong và ngoài tỉnh.

     Dự ước doanh thu vận tải tháng 8 ước đạt 256,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước. Dự ước 8 tháng năm 2017 doanh thu vận tải ước đạt 1.910,4 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 374,1 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.431,3 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 105 tỷ đồng, tăng 7,4%.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 8 ước đạt 1,9 triệu hành khách, tăng 2,9% so tháng trước; dự ước 8 tháng năm 2017 đạt 14,5 triệu hành khách, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 8 ước đạt 90,9 triệu hk.km, tăng 3,3% so với tháng trước; dự ước 8 tháng năm 2017 ước đạt 670,3 triệu hk.km, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 8 ước đạt 1,8 triệu tấn, tăng 1,9% so với tháng trước; dự ước 8 tháng năm 2017 ước đạt 13,5 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 8 ước đạt 97,5 triệu tấn.km, tăng 2,5% so với tháng trước; dự ước 8 tháng năm 2017 đạt 722,2 triệu tấn.km, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

     7. Thu, chi ngân sách

     a. Thu ngân sách

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng năm 2017 ước thực hiện 2.150,6 tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán địa phương giao và tăng 13,1% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 2.067,6 tỷ đồng, bằng 65,7% dự toán địa phương giao, tăng 12,9%; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 83,0 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán địa phương giao, tăng 18,7% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu ngân sách 8 tháng năm 2017, có các khoản thu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016: Thu ngoài quốc doanh tăng 77,6%, thu phí và lệ phí tăng 162,2%, thu tiền thuê đất tăng 54%, thuế thu nhập cá nhân tăng 14,2%, thu tại xã tăng 20%,…

     b. Chi ngân sách

     Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2017 ước thực hiện 6.457,8 tỷ đồng, bằng 92,9% so với cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện 1.862,3 tỷ đồng, bằng 78,3%; chi thường xuyên ước thực hiện 4.595,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ.

     Nhìn chung, các khoản thu ngân sách nhà nước được tập trung đầy đủ, kịp thời và điều tiết đúng theo tỷ lệ cho các cấp ngân sách; các khoản chi ngân sách được chi trả kịp thời, đảm bảo đúng chế độ quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục và đào tạo

     Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý các trường còn thiếu, đảm bảo công tác giảng dạy ở các đơn vị và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. Từ đầu tháng 8 đến nay, Sở đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra tại Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc; kịp thời có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9/2017; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn Lãnh đạo tỉnh thăm và dự khai giảng năm học mới một số đơn vị trường học và cơ sở giáo dục trong tỉnh.

     Các trường THPT trên toàn tỉnh tổ chức xét tuyển và đã thông báo thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của các trường được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Nhìn chung điểm chuẩn năm nay không cao hơn năm học 2017 - 2018.

     Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, toàn tỉnh có 9.125 thí sinh dự thi, trong đó có 8.782 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 96,24%. Trong số 35 trường có thí sinh dự thi trên địa bàn toàn tỉnh, có 3 trường tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%, gồm: Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề Lệ Thủy, Trường THCS và THPT Chu Văn An. Kỳ thi này, Quảng Bình có 7 học sinh được miễn thi tốt nghiệp, 2 học sinh được đặc cách tốt nghiệp. Trong số đó, có 2 học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp được miễn thi tốt nghiệp và tuyển thẳng đại học, đó là em Nguyễn Thế Quỳnh, đội tuyển Olympic Vật lý Quốc tế và em Hầu Hải Phong, đạt giải nhất môn Sinh học, đội dự tuyển Olympic Sinh học Quốc tế.  

     Năm học 2017 - 2018, Trường Đại học Quảng Bình được giao tuyển sinh 2.090 chỉ tiêu; trong đó: 1.330 chỉ tiêu đại học và 300 chỉ tiêu cao đẳng sư phạm và 460 chỉ tiêu cao đẳng ngoài sư phạm. Dự kiến sau ngày 24/8/2017 Trường Đại học Quảng Bình tổ chức nhập học cho thí sinh trúng tuyển vào trường đợt 1.

     2. Công tác y tế

     - Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch tại địa phương; tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc đầu tiên và chủ động bao vây dập tắt, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong. Ngoài ra, các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh xã hội cho cộng đồng; chú trọng công tác phối hợp giữa các phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quân y, y tế ngành trên địa bàn để hỗ trợ nhau trong việc thông báo dịch, xử lý dịch và thu dung điều trị bệnh nhân. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh 7 tháng năm 2017 được hạn chế đáng kể.

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 7/2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 2 trường hợp Tay - chân - miệng, 19 trường hợp sốt xuất huyết Dengue, 501 trường hợp tiêu chảy, 41 trường hợp lỵ trực trùng, 14 trường hợp lỵ a míp, 2 trường hợp viêm gan vi rút khác, 25 trường hợp thủy đậu, 54 trường hợp quai bị, 1.118 trường hợp cúm, 3 trường hợp lao phổi. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 20 trường hợp Tay - chân - miệng; 83 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 2.708 trường hợp tiêu chảy; 206 trường hợp lỵ trực trùng; 101 trường hợp lỵ a míp; 14 trường hợp viêm gan vi rút B; 27 trường hợp viêm gan vi rút khác; 557 trường hợp thủy đậu; 797 trường hợp quai bị; 8.142 trường hợp cúm; 15 trường hợp lao phổi; 1 trường hợp bạch hầu; 1 trường ho gà; 1 trường hợp sởi; 1 trường uốn ván; 1 trường hợp viêm não vi rút. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     - Công tác phòng chống sốt rét

     Trung tâm phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh đã phân phối kịp thời hóa chất, vật tư phòng chống sốt rét cho cơ sở. Các đơn vị đã tổ chức giám chặt chẽ tình hình sốt rét trên địa bàn, chuẩn bị chu đáo cho công tác phun tẩm hóa chất phòng chống véc tơ, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm.

     Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh, trong tháng 7/2017 số lượt người điều trị sốt rét toàn tỉnh là 253 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 15 người, không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Lũy kế từ đầu năm đến 31/7/2017, tổng số lượt người điều trị sốt rét toàn tỉnh là 2.799 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 81 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 27.948 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 0,2%.

     - Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 31/7/2017 trên địa bàn tỉnh phát hiện 38 người nhiễm mới HIV, 11 người chuyển sang AIDS, 4 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 31/7/2017, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.338 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 373 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 134 người.

     - Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Tám tháng năm 2017, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng công tác truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ và nhân viên các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các địa phương. Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

     Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 ca mắc tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 285 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao

     a. Hoạt động văn hoá

     Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình có công với cách mạng. Trong đó, nổi lên là: Chương trình Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây với chủ đề "Về bến Long Đại" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế tổ chức, Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV8 và Đài Truyền hình Quảng Bình; Chương trình "Linh thiêng Thành Cổ" do Hội Chiến sĩ Thành Cổ tổ chức tại Trường Đại học Quảng Bình… Mỗi chương trình gồm nhiều tiết mục nghệ thuật, bài ca đi cùng năm tháng được dàn dựng công phu. Bên cạnh đó, tại Chương trình "Linh thiêng Thành Cổ" Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với Hội Chiến sĩ Thành Cổ đã quyên góp và tặng nhiều suất quà nhằm chia sẻ, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ, giúp họ vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống,...  

     Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Liên hoan các câu lạc bộ ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ ba, năm 2017 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Tuyên Hóa. Liên hoan ca trù lần này có sự tham gia của hơn 80 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, trống chầu nòng cốt đến từ 7 câu lạc bộ ca trù của thị xã Ba Đồn và các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa.

     Trên lĩnh vực hoạt động chuyên ngành, Sở Văn hoá và Thể thao đã đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích; tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, bảo vệ, khoanh vùng, cắm mốc và phát huy giá trị di tích; trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận 2 di tích, nâng tổng số di tích hiện có trên địa bàn tỉnh lên 115 di tích, trong đó có 53 di tích quốc gia. Ngoài việc hoàn thiện hồ sơ Di sản Hò khoan Lệ Thủy để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở đã tích cực thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.  

     Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn được đẩy mạnh, từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 5 cuộc thanh tra, kiểm tra 83 đơn vị, cơ sở và đã xử phạt 9 triệu đồng đối với 3 cơ sở vi phạm. Nhờ đó đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hoá xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh, các tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, các đơn vị hoạt động du lịch đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

     Trên lĩnh vực gia đình, Sở đã tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Quảng Ninh. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được đẩy mạnh.

     b. Hoạt động thể dục thể thao

     - Thể thao quần chúng

     Từ ngày 10 đến 12/8/2017 đã diễn ra Giải Bóng chuyền Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VIII, quy tụ 16 đội bóng chuyền nam và nữ với sự tham gia trên 200 vận động viên. Trong đó, có 3 đội bóng chuyền nam hạng A, 6 đội bóng chuyền nam hạng B và 7 đội bóng chuyền nữ. Sau ba ngày thi đấu với 26 trận đấu, Giải bóng chuyền Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VIII đã kết thúc tốt đẹp, Ban tổ chức đã trao giải cá nhân cho 9 vận động viên xuất sắc và các đội đã đạt được thành tích cao.

     Thiết thực chào mừng các ngày lễ kỷ niệm lớn, đặc biệt là chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Viên chức lần thứ IV, Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Bình tổ chức giải bóng chuyền năm 2017, có 8 đội bóng chuyền đến từ các công đoàn cơ sở  tham gia giải.

     Hội Vovinam Quảng Bình đã tổ chức Giải vô địch trẻ Vovinam các câu lạc bộ toàn tỉnh lần thứ I, năm 2017. Tham gia giải có gần 100 vận động viên đến từ 9 câu lạc bộ Vovinam trên địa bàn tỉnh. Giải đấu bao gồm 2 nội dung chính là đối kháng cá nhân và thi quyền. Kết thúc giải, Ban Tổ chức đã trao 19 bộ huy chương cho tất cả các nội dung. Đây là lần đầu tiên Quảng Bình tổ chức giải đấu Vovinam có quy mô cho các võ sinh hiện đang tham gia tập luyện tại các câu lạc bộ.

     Theo kế hoạch, các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông,... và lễ hội đua thuyền truyền thống chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 sẽ được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, góp phần làm sôi nổi, phong phú của tuổi trẻ địa phương trong dịp lễ kỷ niệm.

     - Thể thao thành tích cao

     Từ đầu năm đến nay thể thao thành tích cao đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong tháng 7/2017, thể thao thành tích cao đã tham gia thi đấu 5 giải trong nước, 1 giải quốc tế. Kết qủa đoạt 50 huy chương các loại, trong đó 23 HCV, 17 HCB và 10 HCĐ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, các đội tuyển đã tham gia thi đấu 13 giải trong nước, 1 giải quốc tế; kết quả đoạt 130 huy chương các loại, trong đó 48 HCV, 35 HCB và 47 HCĐ. Có 3 vận động viên ở bộ môn bơi và bộ môn điền kinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại Seagame 29 tổ chức tại Malaysia.

     4. Tình hình trật tự an toàn - xã hội

     - An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 7 năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, giảm 2 vụ so với tháng 7 năm 2016, trong đó đường bộ 20 vụ, giảm 2 vụ; đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 8 người, giảm 2 người so với tháng 7 năm 2016, trong đó đường bộ chết 8 người, giảm 2 người. Số người bị thương do tai nạn giao thông 19 người, tăng 5 người so với tháng 7 năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 19 người, tăng 5 người so với tháng 7 năm 2016.

     Luỹ kế 7 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 170 vụ tai nạn giao thông, giảm 13 vụ so với 7 tháng năm 2016, trong đó đường bộ 137 vụ; giảm 12 vụ; đường sắt 3 vụ, giảm 1 vụ; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 71 người, tăng 5 người so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ chết 69 người, tăng 6 người; đường sắt chết 2 người, giảm 1 người; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 108 người, giảm 17 người so cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 108 người, giảm 14 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, giảm 3 người so với cùng kỳ năm 2016.

     - An toàn xã hội và pháp luật

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 7 năm 2017 phạm pháp kinh tế không xảy ra, so với tháng 7 năm 2016, số vụ giảm 5 vụ, đối tượng vi phạm giảm 6 người; phạm pháp hình sự 44 vụ với 71 đối tượng phạm tội, so với tháng 7 năm 2016, số vụ tăng 9 vụ, đối tượng phạm tội giảm 9 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 5 vụ với 10 đối tượng vi phạm, so với tháng 7 năm 2016, số vụ giảm 1 vụ và đối tượng vi phạm tăng 4 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 16 vụ với 29 đối tượng vi phạm; so với tháng 7 năm 2016, số vụ tăng 8 vụ và đối tượng vi phạm tăng 15 người.

     Lũy kế 7 tháng năm 2017, phạm pháp kinh tế xảy ra 21 vụ với 24 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2016 số vụ tăng 4 vụ, đối tượng phạm tội tăng 5 người; phạm pháp hình sự 270 vụ với 388 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2016 số vụ giảm 26 vụ, đối tượng phạm tội giảm 131 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 32 vụ với 50 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 6 vụ và đối tượng vi phạm giảm 5 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 83 vụ với 121 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016 số vụ tăng 36 vụ và tăng 42 đối tượng vi phạm./.

[Trở về]