THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2017 tỉnh Quảng Bình 
     I. KINH TẾ

     1. Nông nghiệp

     a. Trồng trọt

     Triển khai sản xuất vụ Hè Thu trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng tiến độ gieo trồng một số cây rau, màu. Đến giữa tháng 7, ảnh hưởng của bão số 2 làm hư hại một số diện tích phải gieo trồng lại. Với quyết tâm thu hoạch lúa vụ Hè thu trước mùa mưa bão nên các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy cây lúa đúng kế hoạch, đồng thời triển khai khắc phục nhanh diện tích rau, màu hư hỏng.

     Dự ước đến ngày 30/7/2017, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện 30.551,3 ha, tăng 2,6% so cùng kỳ.

     - Cây lúa: Tiến độ gieo cấy khá nhanh so cùng kỳ. Dự ước đến ngày 30/7/2017 diện tích toàn tỉnh thực hiện 24.402,1 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Trong đó: Lúa tái sinh 8.583,1 ha, bằng 98,6%; lúa gieo cấy 15.819 ha, tăng 6,5%. Nguyên nhân diện tích lúa Hè Thu gieo cấy tăng là do chủ động được nguồn nước tưới nên diện tích bỏ hoang giảm, đồng thời chuyển đổi một số cây hoa màu kém hiệu quả sang gieo cấy lúa. Diện tích lúa của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 895 ha, thị xã Ba Đồn 2.234 ha, huyện Minh Hóa 30 ha, huyện Tuyên Hóa 1.117 ha, huyện Quảng Trạch 3.400 ha, huyện Bố Trạch 3.063,1 ha, huyện Quảng Ninh 3.634 ha, huyện Lệ Thủy 9.759 ha.

     Nhìn chung, diện tích lúa của các địa phương cơ bản ổn định. Diện tích lúa tái sinh giảm và được chuyển sang gieo cấy ở những diện tích cho năng suất thấp. Hiện tại, các địa phương đang triển khai công tác chăm sóc lúa Hè Thu gieo cấy và triển khai thu hoạch lúa tái sinh chín sớm. Đến ngày 15/7/2017, diện tích lúa tái sinh đã thu hoạch 1.700 ha. Dự kiến đến cuối tháng 7/2017 cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa tái sinh; dự kiến năng suất lúa tái sinh năm nay tương đương so năm trước.

     Sâu bệnh gây hại lúa đã phát sinh ở một số nơi, thời điểm đầu tháng 7 các loại sâu gây hại chủ yếu là: Ốc bươu vàng 191 ha, chuột 277 ha, sâu cuốn lá nhỏ 335 ha, rầy lưng trắng 307 ha, sâu keo 20 ha, bọ trĩ 37 ha. Sâu bệnh gây hại chỉ cục bộ, không thành dịch. Các địa phương đang tích cực phòng, trừ nhằm hạn chế thiệt hại.

     - Các loại cây trồng khác: Tiến độ gieo trồng các nhóm cây khác chậm so cùng kỳ do nắng nóng gay gắt kéo dài và phải gieo trồng lại. Dự ước đến 30/7/2017: Tiến độ gieo trồng nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác 578 ha, bằng 98,2%; nhóm cây lấy củ có chất bột 779,5 ha, bằng 97,1%; nhóm cây lấy sợi 5 ha; cây có hạt chứa dầu 742 ha, bằng 99,9%; nhóm cây rau, đậu, hoa cây cảnh 3.199,5 ha, bằng 96,9%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 21 ha; cây hàng năm khác 817 ha. 

     Hệ thống kênh mương tưới tiêu cơ bản được tu sửa, nạo vét hoàn chỉnh; bên cạnh đó, nhờ tưới vụ Đông Xuân tiết kiệm nên dù nắng nóng các hồ đập chứa nước vẫn đầy đủ, đáp ứng cho sản xuất lúa Hè Thu. Từ đầu vụ đến nay chưa có diện tích cây lúa bị hạn gay gắt.

     Cây lâu năm đang được các doanh nghiệp và các hộ gia đình tiếp tục chăm sóc, đầu tư cải tạo vườn tạp nhằm bố trí các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Diện tích cây lâu năm thực hiện 23.840,4 ha, tăng 3,5% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích cao su 17.736 ha, tăng 1,5%; diện tích cây hồ tiêu 1.060 ha, tăng 11,8%. Sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 7 đạt 400 tấn, 7 tháng 3.370 tấn, tăng 11% so cùng kỳ.

     b. Chăn nuôi

     Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp nên ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển tại nhiều địa phương. Đặc biệt, từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển, chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình giảm khá nhanh; ngược lại, chăn nuôi phát triển theo mô hình trang trại, gia trại từng bước khẳng định vị trí trong cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp. Theo đó, đàn trâu và đàn bò phát triển khá, đàn gia cầm phát triển nhanh; riêng đàn lợn, do giá bán giảm trong thời gian khá dài, người nuôi không chú trọng tái tạo đàn nên tổng đàn giảm so cùng kỳ năm trước. Nhờ chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại phát triển nên hệ số xuất chuồng của lợn và gia cầm tăng khá so năm trước, đặc biệt là chăn nuôi gà.

     Vừa qua, Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát đi vào hoạt động và đã đầu tư nuôi hơn 4.000 con bò, do đó tổng đàn bò toàn tỉnh tăng khá. Hiện nay, giá thịt lợi hơi tăng lên đáng kể, tuy nhiên, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên chủ quan ồ ạt tái đàn rộng để tránh tình trạng thừa cung, giá giảm và sẽ tiếp tục chịu thua lỗ. 

     Đến cuối tháng 5, kết thúc tiêm phòng văcxin đợt I/2017. Kết quả như sau: Lở mồm long móng 28.200 liều, đạt 28,2%; Tụ huyết trùng trâu, bò 70.325 liều, đạt 87,9% kế hoạch; Dịch tả, tam liên lợn 141.130 liều, đạt 88,8% kế hoạch; Cúm gia cầm 754.500 liều, đạt 75,5% kế hoạch; Dại chó 28.320 liều, đạt 56,6% kế hoạch. Hiện tại, ngành chức năng đang lập kế hoạch và chuẩn bị tiêm văcxin đợt II các tháng cuối năm.

     2. Lâm nghiệp

     Nhờ nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp nên mặc dù Nhà nước “đóng cửa rừng” nhưng sản xuất ngành lâm nghiệp duy trì mức tăng trưởng và tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Theo đó, công tác trồng rừng sản xuất, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng, bảo vệ rừng được chú trọng và mang lại kết quả cao.

     Dự ước sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 7 thực hiện 21.820 m3, 7 tháng thực hiện 190.920 m3, tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 7 thực hiện 24.900 ste, 7 tháng thực hiện 148.400 ste, so cùng kỳ năm trước tăng 5,2%.

     Dự ước 7 tháng năm 2017 toàn tỉnh trồng mới 816 ha rừng tập trung, tăng 32% so cùng kỳ năm trước. Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện theo kế hoạch. 

     Tình hình nắng nóng còn diễn biến khá phức tạp, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lãnh đạo các cấp địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai diễn tập công tác chữa cháy nhằm hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại trong những tháng nắng nóng tiếp theo.

     3. Thủy sản

     Những tháng đầu năm 2017, sản xuất thủy sản đang từng bước phục hồi sau sự cố môi trường biển. Theo đó, sản lượng thủy sản thực hiện tăng cao so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vùng gần bờ chưa được an toàn tuyệt đối nên đánh bắt biển ở các xã vùng bãi ngang còn hạn chế; ở một số địa phương công tác xử lý môi trường của các hộ nuôi không đảm bảo nên dịch bệnh xảy ra, một số nơi không thả giống hoặc thả giống muộn; bão số 2 gây thất thoát sản lượng trên một số diện tích nên ảnh hưởng đến sản lượng nuôi trồng thu hoạch. Dự ước tháng 7 sản lượng thuỷ sản thực hiện 7.619,6 tấn. Dự ước 7 tháng sản lượng thủy sản thực hiện 38.109,2 tấn, tăng 13,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 30.381,0 tấn, tăng 17%; tôm các loại 2.956,0 tấn, giảm 8,7%; thủy sản khác 4.772,2 tấn, tăng 7% so cùng kỳ năm trước.

     a. Khai thác

     Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương đẩy nhanh thực hiện chi trả kinh phí đền bù do sự cố môi trường biển đúng thời gian và tích cực triển khai Nghị định 67 của Chính phủ nên nhiều tàu có công suất lớn được đưa vào hoạt động đầu quý II năm nay. Vì vậy, khai thác hải sản phát triển nhanh trở lại, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ. Riêng khai thác gần bờ vẫn còn hạn chế do môi trường chưa khắc phục hoàn toàn.

     Dự ước sản lượng khai thác trong tháng 7 đạt 5.895,8 tấn, 7 tháng khai thác 32.975,8 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 17,4%. Trong đó: Cá các loại 27.743 tấn, tăng 18,9%; tôm các loại 662,4,4 tấn, tăng 21,9%; thủy sản khác 4.570,4 tấn, tăng 8,5%.

     Khai thác biển thực hiện 31.192,5 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 17,9%. Sản lượng khai thác biển chia ra: Cá các loại 26.655,7 tấn, tăng19,3%; tôm các loại 473,6 tấn, tăng 27,7%; thủy sản khác 4.063,2 tấn, tăng 8,5% so cùng kỳ. Khai thác nội địa 7 tháng thực hiện1.783,3 tấn, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước.

     b. Nuôi trồng

     Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên nhiều diện tích nuôi tôm thâm canh nhiễm dịch bệnh, các hộ nuôi thu hoạch sớm để hạn chế mức thiệt hại. Vì vậy, năng suất tôm đạt thấp, sản lượng thu hoạch tôm giảm khá cao so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có diện tích nuôi tôm bị chết: Xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) 7,74 ha; phường Quảng Phúc, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) 35 ha.

     Dự ước tháng 7 sản lượng nuôi trồng thu hoạch 1.723,8 tấn; 7 tháng thu hoạch 5.133,4 tấn, giảm 8% so cùng kỳ. Trong đó: Cá các loại 2.638,0 tấn, tăng 0,6%; tôm các loại 2.293,6 tấn, giảm 14,9%; thủy sản khác 201,8 tấn, giảm 18,4% so cùng kỳ năm trước.

     4. Công nghiệp

     Trong thời gian vừa qua ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có nhiều năng lực mới có giá trị lớn đi vào hoạt động, do đó sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng năm 2017 tăng trưởng thập, chưa tạo được bước đột phá. Tăng trưởng của ngành công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào năng lực hiện có của các nhà máy sản xuất xi măng, clinker, bia, dăm gỗ xuất khẩu, sản phẩm may công nghiệp.

     * Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2017 ước tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 6,9% so với tháng 7 năm 2016. Tính chung 7 tháng năm 2017 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%.  

     Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện 7 tháng năm 2017 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 13,7%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,2%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 5,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,3%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành xử lý và cung cấp nước tăng 3,7%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,3%; ngành sản xuất đồ uống tăng 1,6%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,9%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 3,7%...

     * Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

     Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện 7 tháng năm 2017 như sau: Đá xây dựng đạt 1,9 triệu m3, tăng 5,3%; mực đông lạnh đạt 468 tấn, giảm 15,6%; tinh bột sắn đạt 6.649 tấn, tăng 5,9%; bia đóng chai đạt 10,7 triệu lít, tăng 1,6%; áo sơ mi đạt 5,9 triệu cái, tăng 13,6%; gạch lát nền đạt 2,1 triệu m2, giảm 42,4% (do trong tháng 1 và tháng 2/2017 Công ty cổ phần Gốm sứ và xây dựng Cosevco ngừng sản xuất để bảo trì máy móc, thiết bị); gạch xây dựng đạt 124,7 triệu viên, tăng 0,4%; clinker thành phẩm đạt 1,86 triệu tấn, tăng 10,1%; xi măng đạt 0,9 triệu tấn, tăng 3,2%; điện thương phẩm đạt 455,0 triệu Kwh, tăng 3,7%; nước máy đạt 4,7 triệu m3, tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước.

     5. Vốn đầu tư

     Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 7 năm 2017 ước thực hiện 341,5 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 10,6% so với tháng cùng kỳ năm 2016. Tính chung 7 tháng năm 2017, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 1.955,2 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 499,1 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 1.456,1 tỷ đồng.

     Trong 7 tháng năm 2017, vốn đầu tư khu vực nhà nước chủ yếu tập trung thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp về giao thông; thủy lợi; quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; công nghiệp chế biến, thương nghiệp; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Trong thời gian qua công tác xử lý nợ đọng, công tác giải ngân được quan tâm và tập trung cho công trình/dự án hoàn thành đã đưa vào sử dụng.

     Tiến độ thực hiện các công trình/dự án đầu tư xây dựng những tháng đầu năm đảm bảo đúng kế hoạch, nhất là đối với các công trình/dự án có khối lượng vốn lớn trên địa bàn tỉnh như: Cầu Nhật Lệ 2; Trụ sở Tỉnh uỷ; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trụ sở Huyện ủy và Khối mặt trận huyện Quảng Trạch; Hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; Tuyến đường Quốc lộ 1A đến trung tâm huyện mới của huyện Quảng Trạch tại xã Quảng Phương; Củng cố nâng cấp tuyến đê kè Tả sông Gianh; Cảng cá Ròon, huyện Quảng Trạch; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập...

     6. Thương mại, dịch vụ

     a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

     Kinh tế 7 tháng năm 2017 của tỉnh có sự phục hồi khá nên doanh thu bán lẻ tăng cao hơn so với cùng kỳ. Nguồn cung ứng hàng hoá trên bàn tỉnh dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

     Dước tháng 7 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.528,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 10.413,3 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ.

     Cụ thể doanh thu bán lẻ hàng hoá 7 tháng năm 2017 của các thành phần kinh tế như sau: Kinh tế Nhà nước ước đạt 482,8 tỷ đồng, tăng 20,2%, nguyên nhân tăng do doanh thu Công ty xăng dầu Quảng Bình tăng; kinh tế tập thể ước đạt 6,5 tỷ đồng, giảm 25,6%; kinh tế cá thể ước đạt 6.006,4 tỷ đồng, tăng 8,9%, đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong trong tổng mức bán lẻ hàng hoá (57,7%); kinh tế tư nhân ước đạt 3.917,5 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ.

     Phân theo nhóm ngành hàng: So với 7 tháng năm trước, ngoại trừ nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm, còn lại tổng mức bán lẻ của tất cả các nhóm hàng đều tăng cao, cụ thể: Nhóm lương thực thực phẩm tăng 11,2%, nhóm hàng may mặc tăng 8,8%, nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,9%, nhóm ô tô các loại tăng 132,2% (nguyên nhân do hoạt động mua bán ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng mạnh), nhóm xăng dầu các loại tăng 11,4%, nhóm nhiên liệu khác tăng 14,9%, nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 21,5% so với cùng kỳ...

     b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

     Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó đáng chú ý là Lễ hội hang động Quảng Bình 2017 diễn ra trong tháng 6/2017. Trong dịp này đã khai trương các tuyến, điểm, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch mới; chương trình kích cầu du lịch “Khám phá vương quốc hang động Quảng Bình - những trải nghiệm khác biệt” đã thu hút được nhiều lượt khách du lịch. Các hoạt động này đã đem lại hiệu quả, thương hiệu và hình ảnh du lịch Quảng Bình ngày càng được khẳng định.

     Cùng kỳ năm trước ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển, đến nay, ngành du lịch có nhiều khởi sắc nên doanh thu cũng như lượt khách lưu trú, lượt khách lữ hành tăng cao so với cùng kỳ.

     - Dich vụ lưu trú

     Trong tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2017, trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã có thêm 1 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao đi vào hoạt động. Nhờ vậy, cơ sở lưu trú ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu người khách du lịch.

     Dước tháng 7 doanh thu lưu trú đạt 14,6 tỷ đồng, tăng 11,4% so tháng trước và tăng 137,5% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 68,5 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ.

     Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 7 đạt 89.728 lượt khách, tăng 8,6% so tháng trước và tăng 118,2% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 403.808 lượt khách, tăng 28,4% so cùng kỳ.

     Dước tháng 7 đạt 99.010 ngày khách, tăng 8,5% so tháng trước và tăng 102,6% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 445.402 ngày khách, tăng 27,5% so cùng kỳ.

     - Dịch vụ ăn uống

     Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7 ước đạt 163,8 t đồng, tăng 4,9% so tháng trước và tăng 37,4% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 1.013,7 tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng kỳ.

     - Dịch vụ lữ hành

     Dự ước tháng 7 doanh thu lữ hành đạt 28,7 tỷ đồng, tăng 9,6% so tháng trước và tăng 26,1% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 doanh thu ước đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 16,2% so cùng kỳ.

     Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 7 ước đạt 124.691 lượt khách, tăng 9,1% so tháng trước và tăng 49,7% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 518.313 lượt khách, tăng 17,3% so cùng kỳ.

     Trong tổng số khách du lịch lữ hành, số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 7 ước đạt 8.193, giảm 8,5% so tháng trước (do tháng 7 đã hết mùa du lịch quốc tế) và tăng 25,6% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 60.773 lượt khách, tăng 20,7% so cùng kỳ.

     - Du lịch tâm linh

     Số lượt khách du lịch tâm linh tháng 7 năm 2017 ước đạt 312.200 lượt khách, tăng 16,7% so tháng trước và tăng 135,5% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 1.412.391 lượt khách, tăng 38,8% so cùng kỳ.

     c. Dịch vụ

     Doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng nhẹ so với tháng trước. Trong các ngành dịch vụ, tăng cao nhất là nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính; nhóm đồ dùng cá nhân và gia đình; và nhóm dịch vụ khác.

     Dước tháng 7 doanh thu dịch vụ đạt 84,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2017 doanh thu dịch vụ ước đạt 550,8 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

     d. Hoạt động vận tải

     Tháng 7/2017 là tháng cao điểm của mùa du lịch, do vậy nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao. Cùng với đó, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá thể tập trung nguồn lực tăng chuyến nhằm đáp ứng việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

     Năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên các xe chuyên chở khách du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay, nhờ lượng khách du lịch tăng cao nên xe chuyên chở khách du lịch hoạt động liên tục. Trong tháng này, Công ty Cổ phần Sun taxi đã đầu tư thêm 20 chiếc xe 4 chỗ, đưa tổng số đầu xe của Công ty lên 84 chiếc, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của khách trong mùa du lịch.

     Dự ước doanh thu vận tải tháng 7 đạt 247,9 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2017 doanh thu vận tải ước đạt 1.650,6 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 320,3 tỷ đồng, tăng 6,9%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.240,9 tỷ đồng, tăng 6,8%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 89,4 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

     Tổng số hành khách vận chuyển tháng 7 ước đạt 1,9 triệu hành khách, tăng 2,4% so tháng trước; tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 12,6 triệu hành khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 7 ước đạt 86,8 triệu hk.km, tăng 3,7% so với tháng trước; tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 578,2 triệu hk.km, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

     Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 7 ước đạt 1,8 triệu tấn, tăng 2,3% so với tháng trước; tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 11,7 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 7 ước đạt 91,9 triệu tấn.km, tăng 2,0% so với tháng trước; tính chung 7 tháng năm 2017 ước đạt 621,4 triệu tấn.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

     7. Thu, chi ngân sách

     a. Thu ngân sách

     Tổng thu ngân sách trên địa bàn 7 tháng năm 2017 ước thực hiện 1.970,3 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán địa phương giao và tăng 20,2% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 1.897,5 tỷ đồng, bằng 60,3% dự toán địa phương giao, tăng 20,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 72,8 tỷ đồng, bằng 36,4% dự toán địa phương giao, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

     Trong tổng số thu ngân sách 7 tháng năm 2017, có các khoản thu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016: Thu ngoài quốc doanh tăng 89,1%, thu phí và lệ phí tăng 106,3%, thu tiền sử dụng đất tăng 20,8%, thu tiền thuê đất tăng 63%…

     b. Chi ngân sách

     Tổng chi NSNN trên địa bàn 7 tháng năm 2017 ước thực hiện 5.794,8 tỷ đồng, bằng 97,7% so với cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện 1.652,8 tỷ đồng, bằng 83,8%; chi thường xuyên ước thực hiện 4.142,0 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

     Nhìn chung, các khoản thu ngân sách nhà nước được tập trung đầy đủ, kịp thời và điều tiết đúng theo tỷ lệ cho các cấp ngân sách; các khoản chi ngân sách được chi trả kịp thời, đảm bảo đúng chế độ quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn.

     II. XÃ HỘI

     1. Giáo dục và đào tạo

     - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT

     Năm học 2017 - 2018, các trường THPT trên toàn tỉnh đã tổ chức xét tuyển học sinh lớp 10 THPT, riêng Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp tổ chức thi tuyển với 558 học sinh đăng ký dự thi, kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 01 và 02/6/2017.

     Theo kết quả công bố trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, tổng số học sinh trúng tuyển 350 em.    

     - Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017

     Với chủ trương của Chính phủ và ngành Giáo dục - Đào tạo là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh dự thi. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã bố trí 29 điểm thi đặt tại 29 trường phổ thông trực thuộc Sở với 423 phòng, điều động 641 cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm phối hợp với 452 cán bộ, giảng viên của 3 trường Đại học làm nhiệm vụ coi thi. Qua 2,5 ngày diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2017 tại 29 điểm thi trong toàn tỉnh, công tác coi thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế.

     Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 toàn tỉnh không có cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ vi phạm Quy chế thi; chỉ có 1 trường hợp thí sinh tự do bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. Số thí sinh dự thi các môn luôn ở mức cao so với số lượng thí sinh đăng ký dự thi ban đầu. Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay đó là lần đầu tiên thí sinh làm quen khái niệm bài thi “tổ hợp”- ghép 3 môn thành một bài thi nhằm giảm bớt thời gian thi (thời gian thi được rút ngắn từ 4 ngày xuống còn 2,5 ngày), giúp thí sinh đỡ vất vả, căng thẳng và công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn. 

     Theo công bố kết quả tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 toàn tỉnh có 9.125 thí sinh dự thi để lấy kết quả tốt nghiệp, trong đó có 8.782 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 96,24%. Trong số 35 trường có thí sinh dự thi trên địa bàn toàn tỉnh, có 3 trường tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%, gồm: Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề Lệ Thủy, Trường THCS và THPT Chu Văn An; tiếp theo là các Trường THPT Lệ Thủy đạt tỷ lệ 99,75%, THPT Đào Duy Từ đạt tỷ lệ 99,50%... Thấp nhất là Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề Đồng Hới với 45/54 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 83,33%. 

     Qua kết quả điểm thi được công bố, toàn tỉnh có 6 thí sinh có 3 môn thi đạt điểm cao nhất, với tổng điểm 3 môn từ 28,9 điểm trở lên. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh đã có 7 học sinh được miễn thi tốt nghiệp, 2 học sinh được đặc cách tốt nghiệp. Trong số đó, có 2 học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp được miễn thi tốt nghiệp và tuyển thẳng đại học (em Nguyễn Thế Quỳnh, đội tuyển Olympic Vật lý Quốc tế và em Hầu Hải Phong, đạt giải nhất môn Sinh học, đội dự tuyển Olympic Sinh học Quốc tế). 

     - Kết quả thi học sinh giỏi Quốc tế

     Tại kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 48 được tổ chức tại Inđônêxia từ ngày 17 đến 23/7/2017. Đội tuyển Quốc gia Việt Nam gồm 5 thí sinh dự thi, cả 5 em đều đoạt giải, với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Trong đó có Em Nguyễn Thế Quỳnh, học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp tỉnh Quảng Bình đã giành huy chương vàng. Nguyễn Thế Quỳnh là học sinh đầu tiên giành 2 huy chương vàng thế giới trong lịch sử Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình.

     2. Công tác Y tế

     - Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 6/2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 5 trường hợp Tay - chân - miệng; 6 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 442 trường hợp tiêu chảy; 31 trường hợp lỵ trực trùng; 14 trường hợp lỵ a míp; 1 trường hợp viêm gan vi rút B; 6 trường hợp viêm gan vi rút khác; 64 trường hợp thủy đậu; 158 trường hợp quai bị; 929 trường hợp cúm; 2 trường hợp Lao phổi; 1 trường hợp Ho gà. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/6/2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 18 trường hợp Tay - chân - miệng; 63 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 2.207 trường hợp tiêu chảy; 165 trường hợp lỵ trực trùng; 87 trường hợp lỵ a míp; 14 trường hợp viêm gan vi rút B; 25 trường hợp viêm gan vi rút khác; 532 trường hợp thủy đậu; 743 trường hợp quai bị; 7.024 trường hợp cúm; 12 trường hợp Lao phổi; 1 trường hợp Bạch hầu; 1 trường Ho gà; 1 trường hợp sởi; 1 trường hợp uốn ván; 1 trường hợp viêm não vi rút. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

     - Công tác phòng chống sốt rét

     Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh, trong tháng 6 năm 2017, tổng số bệnh nhân sốt rét được phát hiện và điều trị 407 người, số bệnh nhân sốt rét được điều trị khỏi bệnh 12 người, không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Đã tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 4.510 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 0,18%. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/6/2017, tổng số bệnh nhân sốt rét được phát hiện và điều trị là 2.546 người, số bệnh nhân sốt rét được điều trị khỏi bệnh là 66 người, không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Đã tiến hành xét nghiệm lam và que thử cho 21.829 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam 0,2%.

     - Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 30/6/2017 trên địa bàn tỉnh đã có 20 người nhiễm HIV; 10 người chuyển sang AIDS và có 3 người tử vong do AIDS. Tính đến ngày 30/6/2017, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.320 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 372 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 133 người. Hiện tại, Sở Y tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế...

     - Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Sáu tháng đầu năm 2017, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng công tác truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi. Tuyến tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho 954 học viên là thành viên Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tuyến xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tập huấn 8 lớp xác nhận kiến thức ATTP cho 175 đối tượng kinh doanh dịch vụ ăn uống; 1 lớp cập nhật kiến thức ATTP cho 20 đối tượng sản xuất nước uống đóng chai; 1 lớp tập huấn cho người tiêu dùng tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới. Tuyến huyện tổ chức 13 lớp tập huấn xác nhận kiến thức ATTP cho 792 đối tượng kinh doanh dịch vụ ăn uống.

     Trong 6 tháng đầu năm 2017 tuyến tỉnh đã kiểm tra 208 cơ sở về an toàn thực phẩm. Trong đó có 171 lượt cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh ATTP, chiếm tỷ lệ 82,2%, 37 lượt cơ sở không đạt vệ sinh ATTP, chiếm tỷ lệ 17,8%. Qua kiểm tra đã tiến hành phạt tiền 20 cơ sở, với tổng số tiền phạt 17,3 triệu đồng

     Tuyến huyện, xã đã kiểm tra 2.979 cơ sở, trong đó có 2.296 lượt cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh ATTP, chiếm tỷ lệ 77,1%, 683 lượt cơ sở không đạt vệ sinh ATTP, chiếm tỷ lệ 22,9%. Qua kiểm tra đã tiến hành phạt tiền 7 cơ sở, với tổng số tiền phạt 9,15 triệu đồng, đóng cửa 1 cơ sở, cảnh cáo 161 cơ sở, tiến hành tiêu hủy sản phẩm tại 29 cơ sở với 87 sản phẩm thực phẩm: bánh kẹo, nước ngọt, sữa các loại... Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 ca mắc tại xã Hải Ninh - huyện Quảng Ninh. Các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 255 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     3. Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao

     a. Hoạt động văn hoá  

     Đầu tháng 7/2017 đã diễn ra Liên hoan Tuyên truyền lưu động với chủ đề “ Uống nước nhớ nguồn”. Liên hoan được tổ chức tại 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, thành phần tham gia là các đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Bình tham gia Liên hoan tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Trị. Đoàn đã tuyên truyền xe loa và biểu diễn phục vụ bà con nhân dân, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng địa phương và các đoàn tỉnh bạn.

     Ngày 2/7/2017, tại xã Thanh Hoá - huyện Tuyên Hóa, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 45 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ thông tin Trạm cơ vụ và khánh thành Nhà bia lịch sử Tổng trạm Thông tin A72. Lễ tưởng niệm, tri ân nhằm ôn lại ký ức một thời oanh liệt, hào hùng và sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ Trạm cơ vụ A69, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình đối với các anh hùng liệt sỹ.

     Ngành Văn hoá tiếp tục đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích và di sản văn hóa phi vật thể. Ban Quản lý Di tích Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị bảo vệ hồ sơ Di tích lịch nơi thành lập Chi bộ Trường Môn thuộc huyện Quảng Ninh, tổ chức Hội nghị bảo vệ hồ sơ Di tích lịch sử Khe Thui thuộc huyện Minh Hoá. Đây là các di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu gắn với những sự kiện lịch sử hào hùng.

     Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chính công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Sáu tháng đầu năm, Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Đã tổ chức 3 cuộc thanh tra, kiểm tra 81 đơn vị, cơ sở và đã xử phạt 9 triệu đồng đối với 3 cơ sở vi phạm.

     Tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở việc tổ chức hoạt động lễ hội và hoạt động thăm viếng tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức và quy mô, cách thức tổ chức đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Các hiện tượng bói toán, đốt vàng mã, vệ sinh môi trường được cải thiện, không có các hiện tượng phản cảm diễn ra tại lễ hội.

     b. Hoạt động thể dục thể thao

     - Thể thao quần chúng

     Thực hiện kế hoạch tổ chức thi đấu các môn trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VIII (2017 - 2018), từ ngày 30/6 đến 02/7, Ban tổ chức Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Giải Điền kinh tại sân vận động tỉnh Quảng Bình. Tham gia giải có 12 đoàn với gần 110 vận động viên xuất sắc được tuyển chọn ở các giải cấp cơ sở của các huyện, thị xã thành phố và các cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh. Tại giải điền kinh lần này, các vận động viên tham gia thi đấu với các nội dung nam, nữ: chạy 100 mét, 200 mét, 400 mét, 800 mét, 1.500 mét, 3.000 mét, 5.000 mét; nhảy xa; đẩy tạ. Đầu tháng 7, huyện Quảng Ninh đã tổ chức khai mạc Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VI với sự tham gia của 15 đội đến từ 15 xã, thị trấn, thu hút hơn 500 vận động viên trên toàn địa bàn huyện.

     Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn - 2017” Cúp Báo Quân đội nhân dân do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam tổ chức, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tham gia giải có 14 đoàn đua, gồm 12 đoàn trong nước và 2 đoàn quốc tế với khoảng 70 VĐV. Lộ trình đoàn đua đi qua địa phận Quảng Bình ở chặng thứ 4 và thứ 5. Ban tổ chức đã làm lễ trao giải chặng 4 và tặng quà cho các gia đình chính sách tại Quảng Bình.

     Theo kế hoạch, Quảng Bình đăng cai tổ chức Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2017, diễn ra từ ngày 22/7-31/7/2017 tại Nhà thi đấu Công an tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt vòng Bán kết Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2017.

     - Thể thao thành tích cao

     Từ ngày 6- 9/7/2017 tại Ấn Độ đã diễn ra giải Vô địch Điền kinh châu Á lần thứ 22 năm 2017. Thành phần đội tuyển Điền kinh Quốc gia lần này có VĐV Hoàng Thị Ngọc của Quảng Bình. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao trong thi đấu, VĐV Hoàng Thị Ngọc cùng với các 3 VĐV khác đã xuất sắc giành được Huy chương Bạc nội dung tiếp sức 4 x 400m nữ, với thành tích 3’33’’22.

     Từ ngày 7-13/7/2017, tại Trung tâm Đua thuyền Hồ Tây - Hà Nội, các vận động viên đội tuyển Đua thuyền Quảng Bình đã tham gia Giải Đua thuyền Rowing và Canoeing Vô địch trẻ Quốc gia năm 2017 do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam tổ chức. Kết quả, các vận động viên đội tuyển Đua thuyền Quảng Bình đã xuất sắc giành được 7 Huy chương các loại, trong đó có 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc.

     Từ ngày 10 đến 18/7, tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức Giải bơi, lặn vô địch trẻ quốc gia năm 2017. Đội tuyển lặn Quảng Bình xếp thứ 3 với 19 HC các loại (9 HCV, 8 HCB và 2 HCĐ).

     Tính đến ngày 16/7/2017, thể thao thành tích cao đã đạt được 107 HC các loại, trong đó có 38 HCV, 30 HCB và 39 HCĐ. Đặc biệt, tại giải Bơi- Lặn vô địch quốc gia, các vận động viên Quảng Bình đã xuất sắc lập một số kỷ lục quốc gia.

     4. Tình hình trật tự an toàn - xã hội

     - An toàn giao thông

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 6 năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với tháng 6 năm 2016, trong đó đường bộ 14 vụ, giảm 10 vụ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 vụ so với cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 8 người, tăng 1 người so với tháng 6 năm 2016, trong đó đường bộ chết 8 người, tăng 1 người; đường sắt không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 10 người, giảm 16 người so với tháng 6 năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 10 người, giảm 13 người; đường sắt không xảy ra, giảm 3 người so với cùng kỳ năm 2016.

     Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 120 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với 6 tháng năm 2016, trong đó đường bộ 117 vụ; giảm 10 vụ; đường sắt 3 vụ, giảm 1 vụ; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 63 người, tăng 7 người so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ chết 61 người, tăng 8 người; đường sắt chết 2 người, giảm 1 người; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 89 người, giảm 22 người so cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 89 người, giảm 19 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, giảm 3 người so với cùng kỳ năm 2016.

     - An toàn xã hội và pháp luật

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 6 năm 2017 phạm pháp kinh tế không xảy ra, so với tháng 6 năm 2016, số vụ giảm 3 vụ, đối tượng vi phạm giảm 3 người; phạm pháp hình sự 30 vụ với 32 đối tượng phạm tội, so với tháng 6 năm 2016, số vụ giảm 14 vụ, đối tượng phạm tội giảm 27 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 1 vụ với 3 đối tượng vi phạm, so với tháng 6 năm 2016, số vụ giảm 4 vụ và đối tượng vi phạm giảm 7 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 6 vụ với 10 đối tượng vi phạm; so với tháng 6 năm 2016, số vụ giảm 2 vụ và đối tượng vi phạm giảm 1 người.

     Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, phạm pháp kinh tế xảy ra 21 vụ với 24 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2016 số vụ tăng 9 vụ, đối tượng phạm tội tăng 11 người; phạm pháp hình sự 226 vụ với 317 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2016 số vụ giảm 35 vụ, đối tượng phạm tội giảm 122 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 27 vụ với 40 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 5 vụ và đối tượng vi phạm giảm 9 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 67 vụ với 92 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016 số vụ tăng 28 vụ và tăng 27 đối tượng vi phạm.

     5. Thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2

     Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên ở Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước lúc 4 giờ ngày 17 tháng 7 năm 2017 trên sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 3,91m trên Báo động I là 0,91m. Mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã gây thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh. Tình hình thiệt hại do hoàn lưu bão số 2 trên toàn tỉnh như sau:

     - Thiệt hại về người: Có 9 người bị thương.

     - Thiệt hại về sản xuất kinh doanh: Diện tích lúa bị ngập 1.032,9 ha, lạc bị ngập 2,25 ha, đậu xanh bị ngập 130,3 ha, hoa màu các loại bị ngập 183,6 ha, diện tích cỏ bị ngập 10 ha, diện tích rừng bị gãy đổ 25 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 16,8 ha.

     - Thiệt hại về công trình thủy lợi: Hệ thống kênh mương bị hư hỏng, sạt lở 450 m3; trạm bơm bị ngập 6 trạm; đập bị vùi lấp: 20 m3; kè bị xói lở: 250 m3.

     - Thiệt hại về công trình giao thông: Cầu bị cuốn trôi, xói lở: 2 cái; đường giao thông nông thôn bị sạt lở, vùi lấp: 200 m3.

     - Thiệt hại về tàu thuyền:

     + Tàu hàng bị mắc cạn: 8 tàu;

     + Xà lan bị mắc cạn: 2 xà lan (của Cảng Hòn La);

     + 01 tàu lai dắt của Hải Quân bị chìm;

     + Số tàu, thuyền cá bị chìm, mắc cạn và mất tích: 71 tàu;

     - Thiệt hại về nhà ở: Bị tốc mái 1 nhà; dàn mát bị tốc mái 50 cái;

     - Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên toàn tỉnh 62,25 tỷ đồng.

     Các ngành chức năng, các địa phương đã kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lớn và lốc xoáy gây ra tại các địa phương. Trong đó, tập trung vào việc cứu người trên thuyền bị mắc cạn và đưa những người bị thương đến các cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời, thăm hỏi động viên, ổn định cuộc sống cho những gia đình có tàu, thuyền bị hư hỏng; đã hỗ trợ nơi ăn, nghỉ cho 125 ngư dân của các tỉnh bạn vào tránh bão bị chìm tàu./.

[Trở về]