THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2016 tỉnh Quảng Bình. 
            I. KINH TẾ 
1. Nông nghiệp 
a. Trồng trọt 
Trong tháng 10 do ảnh hưởng của lũ lụt nên trên địa bàn tỉnh nhiều diện tích lúa vụ Mùa bị ngập và mất trắng, một số cây trồng vụ Hè Thu thu hoạch muộn bị ngập úng làm ảnh hưởng đến năng suất một số cây trồng. Sơ bộ toàn tỉnh có 302 ha lúa vụ Mùa, 2.358 ha hoa màu, 226 ha cây ăn quả bị ngập và hư hỏng. Do đó, năng suất một số cây trồng đạt thấp so dự ước ban đầu.
Cùng với việc thu hoạch sản phẩm cây trồng, các địa phương tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017 đúng lịch thời vụ. Dự ước đến ngày 15/10/2016 diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 1.013 ha, tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngô 60 ha, tăng 3,4%; khoai lang 420 ha, tăng 2,2%; rau các loại 525 ha, tăng 4,6%; cây thức ăn gia súc 8 ha, tương đương năm trước.
Cây lâu năm ở các địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Theo đó, diện tích một số cây kém hiệu quả giảm dần, chuyển sang trồng một số loại cây cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn như hồ tiêu, cam, chanh, ổi… Diện tích cây lâu năm có đến cuối tháng 10 là 24.350 ha, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng cao su khai thác trong tháng 10 đạt 250 tấn; 10 tháng khai thác 3.967 tấn, bằng 94,4% so cùng kỳ năm trước.  
b. Chăn nuôi 
Tình hình chăn nuôi ở các địa phương trong những tháng qua phát triển khá. Tuy nhiên, giữa tháng 10 do ảnh hưởng của lũ lụt làm cho gia súc, gia cầm bị chết và trôi, trong đó đàn gia cầm bị thiệt hại nặng. Theo đó, đàn lợn và đàn gia cầm tăng chậm so cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương được kiểm soát nên không xuất hiện ổ dịch nguy hiểm. Ở một số nơi rải rác xảy ra một số dịch nhưng điều trị kịp thời. Công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Đến ngày 12/10/2016, kết quả tiêm phòng đợt 2 như sau: Cúm gia cầm 391.700 liều, đạt 40% kế hoạch; Lở mồm long móng 83.525 liều, đạt 69% kế hoạch; Tụ huyết trùng trâu bò 49.075 liều, đạt 65% kế hoạch; Dịch tả lợn 62.350 liều, đạt 62% kế hoạch.        
2. Lâm nghiệp
Dự ước tháng 10 sản lượng gỗ khai thác 10.000 m3; dự ước 10 tháng khai thác 126.300 m3, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 10 đạt 10.560 ste; 10 tháng khai thác 169.060 ste, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, các chủ rừng triển khai xử lý thực bì, làm đất, chuẩn bị cây giống cho kế hoạch trồng mới năm nay. Dự ước 10 tháng diện tích rừng trồng tập trung đạt 1.297 ha, tăng 23,5% so cùng kỳ; diện tích rừng trồng được chăm sóc 14.500 ha, đạt kế hoạch đề ra và bằng 98,4% cùng kỳ năm trước. Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tháng nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Từ đầu năm đến ngày 15/10/2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 9,27 ha rừng trồng. 
               3. Thuỷ sản
Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 10 thực hiện 4.618,3 tấn, 10 tháng thực hiện 50.578 tấn, so cùng kỳ năm trước bằng 84,5%. Chia ra: Nuôi trồng 10.601,5 tấn, tăng 6,1%; khai thác 39.976,5 tấn, bằng 80,2% so cùng kỳ năm trước.  
a. Nuôi trồng
Do ảnh hưởng của lũ lụt nên nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, đê bao bị vỡ gây thất thoát lớn các loại thủy sản đến kỳ thu hoạch. Sản phẩm nuôi trồng trong tháng 10 đạt thấp, dự ước đạt 689,1 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 2,7%; 10 tháng sản lượng nuôi trồng đạt 10.601,5 tấn, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 6.177,6 tấn, tăng 18,6%; tôm các loại 4.089,7 tấn, bằng 91,8%; thuỷ sản khác 334,2 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Nuôi trồng nước lợ 4.596,4 tấn, bằng 97,3%; nuôi trồng nước ngọt 6.005,1 tấn, tăng 14,0% so cùng kỳ năm trước (tăng diện tích nuôi cá - lúa, nuôi cá lóc bể bồn). Sản lượng chia theo địa phương: Thành phố Đồng Hới 796 tấn, tăng 4,5%; thị xã Ba Đồn 2.404,9 tấn, tăng 3,4%; huyện Minh Hoá 80,8 tấn, tăng 1,5%; huyện Tuyên Hoá 322 tấn, tăng 2,6%; huyện Quảng Trạch 836,1 tấn, tăng 6,6%; huyện Bố Trạch 2.124,5 tấn, tăng 8,0%; huyện Quảng Ninh 1.437,5 tấn, tăng 5,3%; huyện Lệ Thuỷ 2.599,7 tấn, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước. 
b. Khai thác
Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã đẩy mạnh đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để khai thác xa bờ. Do đó, năm nay số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên tăng khá. Mô hình tổ hợp tác đánh bắt hải sản xa bờ hoạt động ngày càng có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay thời tiết thuận cho hoạt động khai thác thuỷ sản, tuy nhiên từ giữa tháng 4/2016 cho đến nay, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên khai thác hải sản gần bờ giảm rất lớn.
Dự ước tháng 10 sản lượng khai thác 3.929,2 tấn; 10 tháng khai thác 39.976,5 tấn, bằng 80,2% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng 10 tháng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 32.470,2 tấn, bằng 79,4%; tôm các loại 779,7 tấn, bằng 83,5%; thuỷ sản khác 6.726,6 tấn, bằng 83,6% so cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 37.591,6 tấn, bằng 79%; khai thác nội địa 2.384,9 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng khai thác 10 tháng của các địa phương: Đồng Hới 7.218 tấn, bằng 81,4%; Ba Đồn 6.556,9 tấn, bằng 81,5%; Minh Hoá 80,7 tấn, tăng 2,8%; Tuyên Hoá 129,1 tấn, tăng 4,1%; Quảng Trạch 7.384,7 tấn, bằng 80,5%; Bố Trạch 14.250,6 tấn, bằng 82,3%; Quảng Ninh 1.329,7 tấn, bằng 73,6%; Lệ Thuỷ 3.026,8 tấn, bằng 68,2% so cùng kỳ năm trước. 
4. Công nghiệp
Trong tháng 10 năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra lũ lụt trên diện rộng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Lũ lụt vừa qua đã làm cho một số nhà máy phải ngừng sản xuất để bảo trì máy móc, như: Nhà máy gạch cremic, Nhà máy xi măng Vạn Ninh, Nhà máy chế biến dăm gỗ Đức Toàn... Bên cạnh đó do do lũ lụt nên một số nhà máy chế biến tinh bột sắn thiếu nguyên liệu cho sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2016 ước giảm 3,3% so với tháng trước và tăng 7,5% so với tháng 10 năm 2015. Tính chung 10 tháng năm 2016 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,1% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 5,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8%.  
Chỉ số sản xuất công nghiệp dự ước đến cuối tháng 10 của một số ngành công nghiệp chủ yếu: Ngành sản xuất trang phục tăng 24,3%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 7,2%; ngành khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 5,1%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,1%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 4,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%; ngành sản xuất đồ uống tăng 3,0%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,7%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 0,2%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng ước thực hiện: Đá xây dựngđạt 2,6 triệu m3 tăng 5,1%; mực đông lạnh đạt 626 tấn, giảm 32,7%; Tinh bột sắn đạt 10.644 tấn, giảm8,5%; Bia đóng chai đạt 17,1 triệu lít, tăng 3,0%; Áo sơ mi đạt 9,8triệu cái, tăng 24,3%; Gạch lát nền đạt 5,5triệu viên, tăng 10,8%; Gạch xây dựng đạt 177,8triệu viên, giảm 2,4%; Clinker thành phẩm đạt 2,5triệu tấn, tăng 13,7%; Xi măng đạt 1,3 triệu tấn,giảm 1,0%; Điện thương phẩm đạt 630 triệu Kwh, tăng 3,9%; Nước máy đạt 6,5 nghìn m3, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước. 
5. Vốn đầu tư
Do ảnh hưởng của lũ lụt vừa qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình đang triển khai thi công trong thời gian qua bị sụt lún, hư hỏng. Do đó khối lượng thực hiện vốn đầu tư tháng 10 giảm đáng kể. Dự ước khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 10 năm 2016 thực hiện 289,4 tỷ đồng, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 20,9% so với tháng cùng kỳ năm 2015.
Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2016 ước thực hiện 2.765,1 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 694,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 2.070,6 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý phân theo ngành kinh tế như sau: Ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 282,6 tỷ đồng, tăng 5,8%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 120,2 tỷ đồng, giảm 5,0%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 1.505,9 tỷ đồng, giảm 30,5%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 214,3 tỷ đồng, tăng 10,2%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 148,5 tỷ đồng, tăng 1,0%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 153,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện nay, các đơn vị đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra. 
6. Thương mại, dịch vụ 
a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2016ước đạt 1.383,6 tỷ đồng, tăng 2,6% so tháng trước và tăng 8,6% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 13.893,2 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ.
Theo thành phần kinh tế: Thành phần kinh tế nhà nướctháng 10 năm 2016 doanh thu ước đạt 59,8 tỷ đồng, tăng 8,4% so tháng trước và giảm 11,9% so cùng kỳ, 10 tháng ước đạt 580,2 tỷ đồng, giảm 26,4% so cùng kỳ, nguyên nhân do doanh thu của Công ty Xăng dầu Quảng Bình giảm (ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm); Kinh tế tập thể tháng 10 ước đạt 1,0 tỷ đồng, tăng 5,9% so tháng trước và giảm 46,7% so cùng kỳ, 10 tháng ước đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 28,1% so cùng kỳ, nguyên nhân do quy mô bán lẻ của HTX Thống Nhất bị thu hẹp; Kinhtế cá thể tháng 10 doanh thu ước đạt 825,2 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ, 10 tháng ước đạt 8.057,8 tỷ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ, đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức bán lẻ 58%; Kinh tế tư nhân tháng 10 ước đạt 497,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 11,7% so cùng kỳ, 10 tháng doanh thu ước đạt 5.243,3 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ. Đây là thành phần có mức tăng cao nhất, chiếm tỷ trọng 37,7% trong  tổng mức bán lẻ.
Theo nhóm ngành hàng, doanh thu 10 tháng năm 2016 phần lớn các nhóm hàng đều tăng cao. Tăng cao nhất là nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,7%; kế tiếp nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm 15,3%; nhóm hàng may mặc tăng 14,9%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 9,4%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 8,8%. Có 3 nhóm giảm đó là nhóm ô tô các loại giảm 4%; xăng dầu các loại giảm 0,6% và nhóm phương tiện đi lại, giảm 2,7% so cùng kỳ. 
b. Lưu trú, ăn uống và du lịch
          Tháng 10, tháng thấp điểm của du lịch, cùng với trong tháng này xảy ra lũ lụt lớn, lượng khách lưu trú, hoạt động ăn uống giảm đáng kể, các tour du lịch sinh thái trên địa bàn tạm ngừng hoạt động… nên doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng này giảm mạnh so tháng trước và so cùng kỳ.
Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 10 đạt 83,1 tỷ đồng, giảm 22,1% so với tháng trước, giảm 42,7% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 10 tháng đạt 1.525,6 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 77,3 tỷ đồng, giảm 45,9%; doanh thu ăn uống đạt 1.288,8 tỷ đồng, giảm 4,4%, doanh thu du lịch lữ hành đạt 159,5 tỷ đồng, giảm 4,7% so cùng kỳ năm trước.
Số lượt khách lưu trú dự ước tháng 10 đạt 21.956 lượt khách. Tính chung 10 tháng số lượt khách lưu trú đạt 493.112 lượt khách, giảm 42,7% so cùng kỳ.
Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước tháng 10 đạt 19.147 lượt khách, giảm 59,6% so tháng trước và giảm 16,8% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng số lượt khách lữ hành ước đạt 637.915 lượt khách, giảm 5,2% so cùng kỳ.
   Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 10 đạt 62,7 ngàn lượt khách, giảm 44,9% so với tháng trước, giảm 56,4% so với cùng kỳ. Dự ước 10 tháng số lượt khách đến Quảng Bình đạt 1.867,6 ngàn lượt khách, giảm 26,9% so với cùng kỳ. 
c. Hoạt động dịch vụ
Nhìn chung, trong 10 tháng đa số các nhóm ngành hàng doanh thu đều tăng cao so với cùng kỳ, tăng mạnh nhất có nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản, nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Cụ thể doanh thu 10 tháng của các nhóm ngành hàng như sau:
Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 160,7 tỷ đồng, tăng 219,6%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 118,6 tỷ đồng, tăng 11,7%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo ước đạt 21,7 tỷ đồng, tăng 2,9%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 5,4%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 205,1 tỷ đồng, tăng 5,1%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình ước đạt 63 tỷ đồng, tăng 5,1%; nhóm dịch vụ khác ước đạt 154,5 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ. 
d. Xuất nhập khẩu 
Xuất khẩu 
Từ đầu năm đến nay hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các mặt hàng chủ yếu đều giảm so với cùng kỳ, như thủy sản, gỗ các loại, nhựa thông, cao su. Riêng mặt hàng cao su những tháng gần đây không xuất.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 8,5 triệu USD, 10 tháng ước đạt 69,9 triệu USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Xuất trực tiếp chiếm 69,9%, ủy thác 30,1%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 98,7%, kinh tế nhà nước chiếm 1,3%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như sau:
- Thuỷ sản: Ước tháng 10 sản lượng xuất 8,9 tấn, giá trị đạt 89,1 ngàn USD; 10 tháng sản lượng xuất 138,2 tấn, bằng 52,6% so với cùng kỳ, giá trị đạt 897,9 ngàn USD, bằng 72,7% so với cùng kỳ;
- Gỗ: Ước tháng 10 sản lượng xuất 1.105,6 m3, giá trị đạt 1,7 triệu USD, 10 tháng sản lượng xuất 14,9 ngàn m3, bằng 84,4% so với cùng kỳ, giá trị đạt 20,0 triệu USD, bằng 81,0% so với cùng kỳ;
- Dăm gỗ khô: Ước tháng 10 sản lượng xuất 45 ngàn tấn, giá trị đạt 6 triệu USD, 10 tháng sản lượng xuất 249,9 ngàn tấn, tăng 56,3% so với cùng kỳ, giá trị đạt 34,3 triệu USD, tăng 54,3% so với cùng kỳ;
- Nhựa thông: Ước tháng 10 sản lượng xuất 22,5 tấn, giá trị đạt 30,4 ngàn USD, 10 tháng sản lượng xuất 700,2 tấn, bằng 92,5% so với cùng kỳ, giá trị đạt 926,8 ngàn USD, bằng 74,4% so với cùng kỳ.  
Nhập khẩu 
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 11,4 triệu USD, 10 tháng ước đạt 94,2 triệu USD, bằng 96,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng tư liệu sản xuất chiếm 99,9%; 100% nhập khẩu trực tiếp và đều là của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:
- Gỗ các loại: Ước tháng 10 sản lượng nhập 1,2 ngàn m3, giá trị đạt 2,1 triệu USD; 10 tháng sản lượng nhập 17,0 ngàn m3, bằng 68,6% so với cùng kỳ; giá trị đạt 23,0 triệu USD, bằng 62,6% so với cùng kỳ. Sản lượng và giá trị gỗ nhập khẩu đạt thấp do thời gian gần đây Lào đóng cửa rừng.
- Tân dược: Ước tháng 106 giá trị đạt 157,2 ngàn USD, 10 tháng giá trị đạt 1.861,7 ngàn USD, tăng 43,0% so với cùng kỳ;
- Trâu, bò sống: Ước tháng 10 sản lượng nhập 6,7 ngàn con, giá trị đạt 1,8 triệu USD, 10 tháng sản lượng nhập 79,6 ngàn con, tăng 135,9% so với cùng kỳ; giá trị đạt 21,0 triệu USD, tăng 141,4% so với cùng kỳ. Trâu, bò sống chủ yếu được nhập từ Lào, Thái Lan, 10 tháng số lượng trâu, bò nhập khẩu tăng cao là do năm nay có thêm 1 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động nhập khẩu trâu, bò.
- Xăng, dầu: Ước tháng 10 sản lượng nhập 16,3 ngàn tấn, giá trị đạt 7,1 triệu USD, 10 tháng sản lượng nhập 104,5 ngàn tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ; giá trị đạt 45,6 triệu USD, bằng 93,3% so với cùng kỳ. 
e. Hoạt động vận tải
Tháng 10 năm 2016 tỉnh Quảng Bình gánh chịu thiệt hại nặng nề của lũ lụt, trong các ngày 14, 15 tháng 10 nhiều tuyến đường đã bị ngập lụt, chia cắt làm cho quá trình lưu thông hành khách và hàng hóa đã bị ngưng trệ. Đến ngày 16 tháng 10 các tuyến đường quốc lộ như 1A, 12A, đường xuyên Á, quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh đã thông xe trở lại. Tuy nhiên nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã bị hư hỏng nặng, chưa kịp sửa chữa để thông xe. Nhiều điểm trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng nặng, nhờ khắc phục kịp thời nên tuyến đường sắt Bắc Nam được thông tuyến trở lại vào ngày 17/10/2016. Do ảnh hưởng của lũ lụt nên hoạt động vận tải trong tháng 10 năm 2016 bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tổng doanh thu vận tải tháng 10 ước đạt 205,9 tỷ đồng, giảm 2,5% so tháng trước. Tính chung 10 tháng doanh thu vận tải ước đạt 2.249,9 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 416,9 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.732,5 tỷ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 100,6 tỷ đồng, tăng 29,2%.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 10 ước đạt 1,6 triệu hành khách, giảm 2,5% so tháng trước; tăng 1,2% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 16,1 triệu hành khách, tăng 4,0% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 10 ước đạt 76,9 triệu hk.km, giảm 6,6% so tháng trước; tăng 1,4% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 814,3 triệu hk.km tăng 5,0% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 10 ước đạt 1,6 triệu tấn, giảm 1,6% so tháng trước, tăng 1,1% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 15,7 triệu tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 10 ước đạt 85,2 triệu tấn.km, giảm 1,0% so tháng trước, tăng 1,1% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 841 triệu tấn.km, tăng 5,8% so cùng kỳ. 
7. Thu, chi ngân sách Nhà nước 
a. Thu ngân sách
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 10 tháng năm 2016 thực hiện 2.419,1 tỷ đồng, bằng 96,8% dự toán địa phương giao và tăng 10,7% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 2.337,2 tỷ đồng, bằng 83,5% dự toán địa phương giao, tăng 15,2% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 81,9 tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán địa phương giao, bằng 52,4% so với cùng kỳ.
Trong tổng số thu ngân sách 10 tháng năm 2016, có 7/15 khoản thu có tăng trưởng và đạt tiến độ (83,3%) dự toán cả năm là: Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 149,7%; Thuế bảo vệ môi trường đạt 95,5%; Lệ phí trước bạ đạt 90,7%; Thuế thu nhập cá nhân đạt 84,7%; Thu tiền sử dụng đất đạt 98,8%; Thu tiền thuê đất đạt 130,4%; Thu tại xã đạt 99,7%. Còn lại các khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm là Thu từ DNNN Trung ương đạt 79,2%; Thu ngoài Quốc Doanh đạt 65,8%; Thuế DNNN địa phương đạt 76,2%; Thu khác trong cân đối ngân sách đạt 77,9%; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 77,6%; Thu phí, Lệ phí đạt 73,6%; Thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 69,7% và thu khác ngoài cân đối ngân sách đạt 70,4%. 
b. Chi ngân sách
Tổng chi NSNN trên địa bàn ước 10 tháng năm 2016 thực hiện 8.805 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển thực hiện 2.961,9 tỷ đồng, bằng 98,2%; chi thường xuyên thực hiện 5.843,1 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong chi thường xuyên 10 tháng, có một số khoản chi tăng cao so với cùng kỳ, như chi sự nghiệp kinh tế tăng 83,9%, chi sự nghiệp y tế tăng 11,8%, chi bảo đảm xã hội tăng 8,1%. Nhìn chung, các khoản chi ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
II. XÃ HỘI
1. Giáo dục, đào tạo
Năm học 2016 - 2017, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cải tiến, đổi mới trong công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo, tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm, đề ra nhiều giải pháp khắc phục có hiệu quả những tồn tại yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Công tác huy động số lượng cơ bản đảm bảo yêu cầu, đạt chỉ tiêu đề ra, hầu hết các đơn vị đã làm tốt tuyển sinh các lớp đầu cấp, thực hiện đúng quy trình, tiến độ theo kế hoạch năm học.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh đã có 309/590 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 52,4%); trong đó có 64/180 trường mầm non (tỷ lệ đạt 35,55%), 159/211 trường tiểu học (tỷ lệ đạt 75,36%), 73/166 trường trung học cơ sở (tỷ lệ đạt 43,98%), 13/33 trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học phổ thông (tỷ lệ đạt 39,39%).
Theo báo cáo nhanh đầu năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 209.056 học sinh; trong đó: cấp học mầm non có 53.009 cháu, cấp tiểu học có 71.233 học sinh (tuyển sinh vào lớp 1 là 12.122 học sinh), cấp trung học cơ sở có 55.020 học sinh (tuyển sinh vào lớp 6 là 13.673 học sinh), cấp trung học phổ thông có 29.794 học sinh (tuyển sinh vào lớp 10 là 10.598 học sinh). Tổng số giáo viên 13.995 người, tăng 118 giáo viên so với năm học 2015 - 2016, trong đó: giáo viên mầm non 3.903 người, giáo viên tiểu học 4.671 người, giáo viên trung học cơ sở 3.608 người, giáo viên trung học phổ thông 1.773 người.
Từ ngày 13-16/10/2016 trên địa bàn toàn tỉnh xẩy ra mưa lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề cho tỉnh Quảng Bình nói chung và ngành Giáo dục nói riêng, có 1.448 phòng bị ngập, hư hỏng, những trường bị ngập nước học sinh đã phải nghỉ học. Sau khi hết lũ lụt, các cấp, các ngành và các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để kịp thời sửa chữa trường học, trang bị phương tiện, dụng cụ dạy và học để học sinh sớm được đến trường.
Năm học 2016-2017, qua hai đợt xét tuyển từ kết quả của kỳ thi Quốc gia, Trường Đại học Quảng Bình đã tuyển mới và nhập học 1.022 sinh viên đại học, cao đẳng. Hiện tại, Trường đang hoàn thiện khâu xét tuyển nguyện vọng 3 nhằm bảo đảm số lượng tuyển sinh theo kế hoạch tuyển sinh của trường trong năm học 2016 - 2017.
2. Công tác y tế 
- Y tế cơ sở 
Ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị nhằm từng bước hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Nhờ đó hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển. Đến nay, 100% số xã, phường có cán bộ y tế hoạt động, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% số thôn bản có cán bộ y tế hoạt động. Do được quan tâm đầu tư nâng cấp, tăng cường cán bộ, thực hiện một số chế độ cho cán bộ y tế xã, nên các trạm y tế xã đã hoàn thành tốt việc triển khai các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia trên địa bàn, tổ chức tốt công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc thai sản, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ, trẻ em.
Sở Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị trong công tác phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng và các loại cúm. Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV); chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác tiêm chủng Sởi - Rubella. 
- Công tác phòng chống các bệnh dịch lây
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến 30/9/2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra: 37 ca tay chân miệng; 491 trường hợp thủy đậu; 325 trường hợp lỵ trực trùng; 211 trường hợp lỵ a míp; 3.773 trường hợp tiêu chảy; 106 trường hợp viêm gan vi rút; 247 trường hợp quai bị; 11.242 trường hợp cúm; 41 trường hợp sốt xuất huyết; ho gà 2 trường hợp; các dịch bệnh khác chưa xảy ra. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong.
Để chủ động đối phó với các loại dịch bệnh có thể xảy, ngay trong những ngày có mưa to và sau khi nước rút, ngành y tế đã cử cán bộ về tận các địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế về những thiệt hại của toàn ngành và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường ở các địa bàn. Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức xử lý nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng ngập lũ bằng hoá chất CloraminB. Ở các bãi rác, chợ đầu mối được phun thuốc khử trùng. Tại các huyện, các trường học cũng được phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn các loại dịch bệnh, tránh lây lan trên diện rộng. 
- Chương trình phòng chống sốt rét
Chương trình phòng chống sốt rét - nội tiết, đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm, tình hình sốt rét toàn tỉnh tính đến hết tháng 9/2016, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 5.712 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 253 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 34.735 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,4%.  
- Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Từ đầu năm đến 30/9/2016 trên địa bàn tỉnh phát hiện 24 người nhiễm mới HIV, 38 người chuyển sang AIDS, 11 người tử vong do AIDS. Tính đến  30/9/2016, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.294 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 350 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 121 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế... 
- Tình hình phòng chống bướu cổ
Chín tháng năm 2016, số lượt người khám bướu cổ là 35.327 lượt người; bệnh nhân phát hiện mới là 2.053 người; bệnh nhân đang quản lý điều trị 5.152 người; bệnh nhân ổn định cắt điều trị 1.713 người. Ngoài ra, ngành Y tế Quảng Bình đã tiến hành giám sát muối iốt tại hộ gia đình, thị trường và nơi sản xuất theo đúng kế hoạch. Tỷ lệ độ phủ muối iốt từ 98% - 100% trên địa bàn toàn tỉnh.  
- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 8 huyện/thị xã/thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 75 người mắc, 33 ca nhập viện, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. Số ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ 182 ca.
3. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao 
- Hoạt động văn hoá   
Cuối tháng 9 năm 2016, Đoàn Nghệ nhân dân gian hò khoan Lệ Thủy đã biểu diễn, giao lưu tại thủ đô Hà Nội và thành phố Bắc Ninh. Các nghệ nhân đã giúp công chúng được nghe và hiểu hơn về hò khoan Lệ Thủy - sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của tỉnh Quảng Bình. Các tiết mục được biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá nét độc đáo “Hò khoan Lệ Thủy” tới đông đảo nhân dân cả nước, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiến tới đề nghị UNESSCO công nhận “Hò khoan Lệ Thủy” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và tiến hành thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc Ngành, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hoá xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh, các tổ chức hoạt động thể dục thể thao, các đơn vị hoạt động du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, đã thực hiện 4 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm lĩnh vực du lịch trước khi tách Sở), đối với 121 đối tượng (24 cơ sở karaoke, 2 cơ sở lưu trú có dịch vụ karaoke, 16 hướng dẫn viên, 49 cơ sở lưu trú du lịch, 6 cơ sở lữ hành, 4 câu lạc bộ võ thuật, 7 cơ sở billards, 4 cơ sở bóng đá mini, 2 cơ sở môtô nước trên biển, 3 cơ sở thể dục thể hình, 4 cơ sở thể dục thẩm mỹ). Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm và phạt 6 triệu đồng đối với 6 đối tượng vi phạm; đình chỉ hoạt động 1 cơ sở karaoke, 2 cơ sở hoạt động thể thao.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì, triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn của tỉnh. Đã chỉ đạo, hướng dẫn thành công các địa phương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị phục vụ Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào này của tỉnh như: kiểm tra, thẩm định các cơ quan, đơn vị, làng văn hóa được các địa phương đề xuất khen thưởng; chuẩn bị chương trình nghệ thuật chào mừng; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình làm phim phóng sự về Phong trào; phối hợp đề xuất công tác khen thưởng và các văn bản, tài liệu liên quan; các công tác đảm bảo khác. Hiện tại, công tác bình bầu và xét để công nhận các danh hiệu văn hóa đang được triển khai ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. 
- Hoạt động thể dục thể thao
          Mười tháng năm 2016, phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’’ có bước phát triển mới về chất lượng, đưa tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên tăng hàng năm, các địa phương đã có nhiều cố gắng để đưa các điểm tập, cơ sở vật chất, sân bãi vào hoạt động. Các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao, nhất là các môn thể thao truyền thống chào mừng các Lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh. Các hoạt động này diễn ra khá sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho con em trong tỉnh.
  Tính đến nay, các đội tuyển tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được 134 huy chương các loại (53HCV, 42HCB, 39HCĐ). Trong đó có 08 HC quốc tế (06HCV, 02HCB).
4. Tình hình trật tự an toàn giao thông  
- An toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 9 năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, tăng 1 vụ so với tháng 9 năm 2015, trong đó đường bộ 16 vụ, tăng 1 vụ; đường sắt, đường thuỷ không xảy ra tai nạn, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 3 người, bằng tháng 9 năm 2015, trong đó đường bộ chết 3 người; đường sắt, đường thuỷ không xảy ra. Số người bị thương do tai nạn giao thông 27 người, tăng 11 người, trong đó đường bộ bị thương 27 người, tăng 11 người so với tháng 9 năm 2015.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 190 vụ tai nạn giao thông, giảm 4 vụ so cùng kỳ năm 2015; trong đó, đường bộ 186 vụ, bằng cùng kỳ, đường sắt 4 vụ, giảm 4 vụ, đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 80 người, giảm 7 người so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, đường bộ chết 77 người, giảm 5 người, đường sắt chết 3 người, giảm 2 người, đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 144 người, giảm 32 người so cùng kỳ năm 2015, trong đó đường bộ bị thương 141 người, giảm 33 người, đường sắt bị thương 3 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2015. 
- An toàn xã hội và pháp luật
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 9 năm 2016 phạm pháp kinh tế xảy ra 9 vụ với 9 đối tượng phạm tội, so với tháng 9 năm 2015 số vụ tăng 7 vụ, đối tượng phạm tội tăng 8 người. Phạm pháp hình sự 38 vụ với 44 đối tượng phạm tội, so với tháng 9 năm 2015 số vụ giảm 16 vụ, đối tượng phạm tội giảm 18 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 6 vụ với 9 đối tượng vi phạm, so tháng 9 năm 2015 số vụ giảm 4 vụ và đối tượng vi phạm giảm 5 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 1 vụ với 2 đối tượng vi phạm, so tháng 9 năm 2015 số vụ giảm 4 vụ và đối tượng vi phạm giảm 7 người.
Luỹ kế 9 tháng năm 2016, phạm pháp kinh tế xảy ra 30 vụ với 32 đối tượng vi phạm, so với cùng kỳ năm 2015 số vụ tăng 25 vụ, đối tượng vi phạm tăng 20 người. Phạm pháp hình sự xảy ra 367 vụ với 615 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2015 số vụ giảm 46 vụ, đối tượng phạm tội tăng 55 người; Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy bị phát hiện 47 vụ với 68 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015 số vụ giảm 5 vụ, đối tượng vi phạm giảm 8 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 54 vụ với 90 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2015, số vụ tăng 21 vụ và đối tượng vi phạm tăng 40 người.
5. Tình hình thiệt hại thiên tai
Từ ngày 13/10 đến ngày 16/10/2016, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn kết hợp với lốc xoáy làm ngập lụt trên diện rộng. Lũ lớn làm thiệt hại nặng nề ở hầu hết các địa phương trong tỉnh; mưa lũ đã làm 22 người bị chết và mất tích, trong đó có 21 người chết (huyện Minh Hóa 2 người, huyện Tuyên Hóa 1 người; huyện Bố Trạch 5 người, thị xã Ba Đồn 5 người, Quảng Ninh 2 người, Lệ Thủy 3 người, thành phố Đồng Hới 2 người và Quảng Trạch 1 người); 1 người mất tích; số người bị thương 25 người (Tuyên Hóa 12 người, Ba Đồn 2 người, Bố Trạch 3 người, Quảng Ninh 4 người; Lệ Thủy 4 người). Ước tổng giá trị thiệt hại đợt lũ trên toàn tỉnh là 2.628,6 tỷ đồng. Tình hình thiệt hại cụ thể như sau:
Thiệt hại về công trình phòng chống lụt bão: chiều dài đê kè bị sạt lở, cuốn trôi 16.750 m, khối lượng đất đê bị sạt lở, bị cuốn trôi 1.200m3, khối lượng đá kè bị vỡ, bị cuốn trôi 71.800 m3, khối lượng bê tông bị sạt lở, bị cuốn trôi 1.980 m3.
Thiệt hại về công trình thủy lợi: chiều dài kênh mương bị sạt lở, cuốn trôi 68.427 m, số lượng công trình phai, đập, cống bị phá hủy 35 cái, Số lượng công trình phai, đập, cống bị hư hỏng 147 cái, số trạm bơm bị phá hủy, hư hỏng 43 cái, khối lượng đất bị sạt lỡ, cuốn trôi 62.395 m3, khối lượng bê tông bị sạt lỡ, cuốn trôi 4.608 m3.
Thiệt hại về công trình giao thông: chiều dài đường tỉnh, huyện, xã bị sạt lở hư hỏng 205.994 m, số tàu, thuyền bị phá hủy, bị chìm 19 chiếc; số tàu, thuyền bị hư hại 9 chiếc; số cầu, cống bị hư hại 84 cái; khối lượng đất, đá, bê tông bị sạt lở, cuốn trôi 737.148 m3; số ô tô bị hỏng, bị trôi 250 chiếc.
Thiệt hại về công trình điện và bưu điện: số cột trung và cao thế bị gãy đổ 6 cột, cột điện hạ thế bị đổ 189 cột; số trạm biến thế bị ngập, hư hại 4 trạm; số lượng dây thông tin bị đứt 500 m; đường dây điện lực bị đứt 14.500 m.
Thiệt hại về sản xuất kinh doanh: diện tích lúa bị ngập, bị hư hỏng 302 ha; diện tích hoa màu bị ngập, bị hư hỏng 2.358 ha, trong đó mất trắng 472 ha; diện tích cây ăn quả bị hỏng 226 ha; số trâu, bò bị chết 106 con; số lợn bị chết 14.272 con; gia cầm bị chết 585.037 con; diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng 1.615 ha; cá lồng bị cuốn trôi 693 lồng...
Thiệt hại về công trình văn hóa, phúc lợi: số phòng học bị ngập, bị hư hại một phần 1.448 phòng; số phòng khám, phòng điều trị, trạm xá, trạm điều dưỡng bị ngập, bị hư hại một phần 297 phòng; trụ sở cơ quan bị thiệt hại 311 trụ sở; công trình cấp nước sạch bị hỏng 19 cái; chợ trung tâm bị ngập, hư hại 21chợ.
Thiệt hại về nhà ở và tài sản: toàn tỉnh có 92.759 nhà bị ngập nước, 56 nhà bị tốc mái, 19 nhà bị sập đỗ, cuốn trôi; số thóc bị ngâm nước hư hỏng 4.956 tấn; tủ lạnh, ti vi, đồ dùng khác bị hư hỏng 8.709 cái; xe máy bị ngập nước hư hỏng 1.500 chiếc; hàng rào bị sập đỗ 4.655 m...
Về công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục trong và sau lũ lụt: UBND tỉnh đã có nhiều công điện gửi các sở, ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục hậu quả lũ lụt. 
Chiều ngày 14/10/2016, UBND tỉnh đã cử đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đến kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt và thăm hỏi các gia đình bị lốc xoáy và người bị thương tại huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy. Sáng ngày 15/10/2016, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã họp với các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để triển khai các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt. Sáng 15/10/2016 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tình hình lụt bão ở các huyện phía Bắc tỉnh. Tối ngày 15/10/2016, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến kiểm tra tình hình lũ lụt, thăm hỏi nhân dân và làm việc với cán bộ tỉnh…
Để ứng phó kịp thời với lũ lớn các cấp, các ngành đã kịp thời sơ tán 1.865 hộ dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; trong đó huyện Quảng Trạch đã sơ tán 78 hộ, huyện Bố Trạch:1.500 hộ, huyện Tuyên Hóa: 287 hộ. Ngay trong lũ và sau khi nước rút, các cấp, các ngành đã tập trung mọi nguồn lực để sửa chữa hệ thống đường giao thông bị hư hỏng, nhờ đó đến ngày 17/10/2016 hệ thống đường sắt đã thông tuyến, các tuyến giao thông Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15, Quốc lộ 9B và một số tỉnh lộ quan trọng đã thông xe trở lại. Chính quyền các cơ quan, đoàn thể các cấp, các ngành đã cứu trợ kịp thời lương thực, mỳ tôm, lương khô, nước uống... đảm bảo không để bất cứ người dân nào bị đói; đồng thời đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị nạn; hỗ trợ các gia đình có người chết, người mất tích, người bị thương. Tập trung xử lý môi trường đối với những vùng bị ngập, tăng cường các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho người và gia súc... Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đang dồn toàn lực để cứu trợ và khắc phục hậu quả của lũ lụt./.
[Trở về]