THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023 tỉnh Quảng Bình 

Xác định năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch KT-XH năm giữa nhiệm kỳ sẽ tạo động lực thúc đẩy cho sự tăng trưởng của những năm tiếp theo, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động, xác định, nhất quán phương châm hành động năm 2023 của tỉnh theo tinh thần của Chính phủ, đó là “Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả”.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức tết Quý Mão năm 2023, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón tết Nguyên đán, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 21/12, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong tháng 1/2023 đạt được trên các lĩnh vực như sau:

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào triển khai gieo cấy vụ Đông Xuân. Thời tiết trong tháng xảy ra rét đậm, rét hại nên nhiều địa phương thực hiện gieo trồng chậm so với lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số xã của các huyện miền núi đã xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét.

a) Trồng trọt

Sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như các năm trước, trời lạnh, rét kéo dài, cộng với nhuận 2 tháng Hai nên tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân năm nay chậm hơn so với khung lịch thời vụ. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, bà con nông dân trên địa bàn đang tích cực huy động mọi nguồn lực phương tiện máy móc ra đồng cày ải, phơi đất để tiến hành gieo trồng. Năm nay, các giống lúa mới, chất lượng cao, chịu rét, chống chịu sâu bệnh tốt tiếp tục được đưa vào sử dụng.

Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay muộn hơn năm ngoái; ước tính đến 31/01/2023, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện 41.854,1 ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm như sau:

- Cây lúa thực hiện 23.910 ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo trồng cây lúa đạt thấp so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác cung ứng giống lúa đảm bảo chất lượng đầy đủ, kịp thời; tiếp tục cơ cấu các giống có năng suất và chất lượng, chịu rét, có thời gian sinh trưởng ngắn, như: VN20, P6, Nhị ưu 838, HT1, QS88, QS33, PC6, QS447, Phong Nha 99,... vào sản xuất thay dần các giống thoái hóa trong thời gian tới.

- Các loại cây trồng khác thực hiện 17.937,1 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể diện tích gieo trồng một số cây trồng chính: Cây lúa 23.910 ha, giảm 4,7%; cây ngô 3.620 ha, giảm 0,3%; cây khoai lang 2.448 ha, giảm 0,1%; cây sắn 4.100 ha, tăng 1,7%; cây lạc 2.620 ha, giảm 1,1%; cây rau các loại 3.530 ha, tăng 0,6%; cây đậu các loại 174 ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 1. Tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân

Tình hình sâu, bệnh gây hại cây trồng: Trên cây lúa: Chuột xuất hiện rải rác trên tất cả các địa phương; ốc bươu vàng tập trung tại huyện Lệ Thủy, với mật độ phổ biến 3-5 con/m2.

b) Chăn nuôi

Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 1, nhu cầu về thực phẩm trong tháng tăng mạnh, cùng với giá thịt hơi tăng nên người chăn nuôi tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn thịt cho thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch bệnh lây lan; thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; công tác phòng dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các lò mổ, chợ được tăng cường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Nhờ chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Chăn nuôi lợn đang có xu hướng tăng đàn, giá lợn giống ở mức ổn định, nhiều hộ gia đình, gia trại tăng quy mô nuôi trở lại. Chăn nuôi gà có quy mô nuôi tương đối ổn định và sản lượng xuất chuồng tăng khá, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão.

Ước tính sản lượng xuất chuồng tháng 1 đạt 7.586 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu 177,5 tấn, tăng 2,6%; thịt bò 930 tấn, tăng 3,8%; thịt lợn 4.213,5 tấn, tăng 7,0%; thịt gia cầm 2.265 tấn, tăng 3,3% (trong đó: thịt gà 1.750 tấn, tăng 5,1%) so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, sản lượng thịt các loại sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán. 

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Hiện nay, ngành Thú y đang kết hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và chuẩn bị lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ tập trung,… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão. Tuy nhiên ngày 09/01/2023, tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch có 01 hộ có lợn ốm chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Hiện địa phương đang làm thủ tục công bố dịch theo quy định. Các loại dịch bệnh khác không xảy ra.

Tình hình gia súc bị chết rét: Từ 02/12/2022 đến 09/01/2023: toàn tỉnh có 56 gia súc chết do rét (30 bò, 01 trâu, 17 dê) tại (xã Trung Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Minh Hóa, Tân Hóa) huyện Minh Hóa, chủ yếu là trâu bò thả rong, không có các biện pháp phòng chống rét.

2. Lâm nghiệp

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2023 tỉnh Quảng Bình tiếp tục tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp về “Tết trồng cây” trong dịp đón chào năm mới, tiếp tục đẩy mạnh phong trào bảo vệ và phát triển rừng trong toàn tỉnh.

Ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 1 đạt 1.021 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương, đơn vị và hộ dân trong tỉnh tập trung cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng, tiến hành đốt, dọn thực bì, đào hố, tuyển chọn cây giống, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng vụ Xuân.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 1 ước đạt 23.100 m3, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ khai thác tăng chủ yếu là rừng sản xuất, do một số diện tích rừng trồng đã đến kỳ khai thác, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn.

Sản lượng củi khai thác tháng 1 ước đạt 18.650 ste, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi tăng do người dân khai thác để sử dụng và bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Một số lâm sản như lá dong, giang, nấm, măng, mộc nhĩ,… khai thác tăng hơn cùng kỳ năm ngoái do các hộ dân khai thác để phục vụ đời sống và bán trong dịp Tết.

Công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng và chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong tháng 01/2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng và thiệt hại về rừng.

3. Thủy sản

Ngư dân tích cực ra khơi bám biển phục vụ nhu cầu tiêu dùng tết Nguyên đán. Người nuôi thuỷ sản tập trung thu hoạch phục vụ Tết và cải tạo ao nuôi bắt đầu cho niên vụ mới.

Trong tháng 1, thời tiết có các đợt không khí lạnh và nhiều sương mù làm ảnh hưởng đến việc khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, tháng 1 năm nay trùng với thời điểm tết Nguyên đán, nên hầu hết các tàu tích cực vươn khơi bám biển, các hộ nuôi trồng tập trung chăm sóc, thu hoạch sản phẩm phục vụ nhu cầu Tết của người dân. Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 01/2023 đạt 3.605,7 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 2.946,7 tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 193,1 tấn, tăng 2,2%; thuỷ sản khác đạt 465,9 tấn, tăng 2,4 so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

a) Khai thác

Nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ tết Nguyên đán nên hoạt động khai thác thủy sản được đẩy mạnh. Theo đó, sản lượng khai thác thủy sản trong tháng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 1 thực hiện 3.267,4 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 2.772,0 tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 44,9 tấn, tăng 2,0%; thủy sản khác đạt 450,5 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác chia theo ngư trường: Khai thác biển 3.009,7 tấn, tăng 3,9%; khai thác nội địa 257,7 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác biển chiếm 92% trong tổng sản lượng khai thác.

b) Nuôi trồng

Trong tháng 1, các hộ nuôi trồng thuỷ sản tăng cường thu hoạch để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán năm 2023.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 1 thực hiện 338,3 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá 174,7 tấn, tăng 3,4%; tôm 148,2 tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác 15,4 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc thu hoạch sản phẩm nuôi trồng, hiện nay các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh rét, theo dõi diễn biến thời tiết và chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật giữ ổn định môi trường ao nuôi, chăm sóc tích cực để tăng cường sức đề kháng cho thuỷ sản nuôi.

4. Công nghiệp

Bước sang năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tháng 1/2023 trùng vào thời gian nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão nên nhiều doanh nghiệp nghỉ Tết thời gian dài đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đơn hàng sụt giảm phải cắt giảm sản lượng sản xuất, trong đó chủ yếu là ngành sản xuất trang phục; ngành chế biến gỗ nên Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2023 giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2023 giảm 26,5% so với tháng trước và giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Chỉ số sản xuất trong tháng 01/2023 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 61,1%, chủ yếu là đóng góp của ngành sản xuất phân bón và cao su; in, sao chép bản ghi các loại tăng 19,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 3,1%. Một số ngành cấp 2 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,0%; khai khoáng khác tăng 0,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,3%; sản xuất đồ uống giảm 3,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 18,4%; sản xuất trang phục giảm 20,2%; khai thác quặng kim loại giảm 20,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 7,5 nghìn tấn, giảm 20,7%; đá xây dựng đạt 250,3 nghìn m3, giảm 3,2%; cao lanh đạt 4,6 nghìn tấn, tăng 30,6%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 1,6 nghìn tấn, giảm 5,8%; tinh bột sắn đạt 2,2 nghìn tấn, tăng 27,3%; bia đóng chai đạt 100 nghìn lít, giảm 71,7%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 500 nghìn cái, giảm 44,5%; áo sơ mi đạt 1.017 nghìn cái, giảm 13,3%; dăm gỗ đạt 27,3 nghìn tấn, giảm 18,8%; ván ép từ gỗ đạt 2,8 nghìn m3, giảm 49,0%; cao su tổng hợp đạt 100 tấn, tăng 49,9%; kính cường lực đạt 233 tấn, tăng 4,5%; clinker thành phẩm đạt 108,2 nghìn tấn, giảm 50,5%; xi măng đạt 76,5 nghìn tấn, tăng 13,7%; thủy điện sản xuất đạt 2,9 triệu kwh, tăng 33,0%; điện gió đạt 48,1 triệu kwh, tăng 29,9%; điện mặt trời đạt 5,3 triệu kwh, giảm 20,9%; điện thương phẩm đạt 74 triệu kwh, giảm 6,9%; nước máy thương phẩm đạt 1,0 triệu m3, tăng 0,2%.

5. Vốn đầu tư

Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong tháng 01/2023 tập trung chủ yếu vào thi công các công trình, dự án chuyển tiếp của năm 2022. Đối với các dự án, công trình mới được bố trí vốn năm 2023, ngay trong những ngày đầu năm mới đã khởi công 3 dự án động lực của tỉnh, gồm: Dự án Thành phần 2 cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu; dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Quảng Bình và dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một số dự án, công trình khác đang trong thời gian hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư.

Trong tháng 01/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 327,0 tỷ đồng, giảm 37,2% so với tháng trước và giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 220,0 tỷ đồng, giảm 1,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 63,4 tỷ đồng, tăng 1,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 43,6 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trong tháng 01/2023 giảm do trùng với thời gian nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Bên cạnh đó, một số dự án, công trình dự kiến thực hiện trong năm 2023 đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để thi công trong thời gian tới.

Một số dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh: Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình; Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm Thành phố Đồng Hới; Đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt, huyện Minh Hóa (giai đoạn 1); Đường từ Tỉnh lộ 561 đi cầu Sông Trước, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch (Giai đoạn 1); Hạ tầng các tuyến nối từ Quốc lộ 12A phường Quảng Phong đi phường Quảng Long và kết nối đường đi trung tâm huyện Quảng Trạch (giai đoạn 1); Đường nối từ Quốc lộ 1A đến Quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy; Xây dựng Hạ tầng kết nối giao thông từ Trung tâm huyện Quảng Trạch đến Quốc lộ 12A; Tuyến đường liên xã phía Tây thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa; Đường và cầu vượt đường sắt trung tâm thành phố Đồng Hới; Hệ thống đường nối từ trung tâm thành phố đi sân bay Đồng Hới; Tuyến đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, huyện Bố Trạch; Hạ tầng tuyến đường chính từ Trung tâm huyện Quảng Trạch kết nối với Tỉnh lộ 22; Hạ tầng Tuyến đường từ cầu Quảng Hải kết nối các tuyến đường trục chính qua các xã vùng Nam, thị xã Ba Đồn (giai đoạn 1); Sửa chữa nâng cấp các hồ đập xung yếu tỉnh Quảng Bình; Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Hòn La; Sửa chữa, nâng cấp hệ thống các tuyến kênh chính thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý; Xây dựng cầu Đức Nghĩa (Km3+430/ĐT.570B), thành phố Đồng Hới; Nâng cấp, cải tạo hệ thống công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố Đồng Hới; Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; Dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình; Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình,… Ngoài ra, đây là tháng đầu năm, một số dự án mới đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để chuẩn bị khởi công.

6. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 01/2023 là tháng trùng với tết Dương lịch và tết Nguyên đán Quý Mão, sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh. Các chương trình khuyến mại, tri ân, tặng quà Tết, đặc biệt Hội chợ Xuân Quý Mão - Quảng Bình 2023 được tổ chức với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các đại lý thương mại, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Do đó, doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 tăng cao so với tháng trướcso với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01 ước tính đạt 4.459,1 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm lương thực, thực phẩm đạt 1.541,4 tỷ đồng, tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ; hàng may mặc đạt 543,9 tỷ đồng, tăng 8,0% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 382,3 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục đạt 32,6 tỷ đồng, tăng 6,0% so với tháng trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 728,0 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) đạt 287,3 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 12,0% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại đạt 474,8 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ; nhóm nhiên liệu khác đạt 25,0 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Nhìn chung, các Siêu thị, Shop tự chọn, cửa hàng bách hóa tổng hợp, quầy hàng, ki ốt tại các chợ kinh doanh hàng Tết đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai và bán đúng giá đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu và thị hiếu tiêu dùng để chuẩn bị đón tết Nguyên đán của Nhân dân.

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 

Ngay những ngày đầu năm 2023, Quảng Bình đã chào đón một lượng khách du lịch lớn, mở đầu một năm đầy kỳ vọng cho du lịch tỉnh nhà. Nhiều chương trình chào đón năm mới với hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc và các hãng lữ hành tổ chức nhiều chương trình tour hấp dẫn, kết nối điểm đến, đồng thời triển khai quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Quảng Bình như: chương trình chào đón đoàn khách đầu tiên đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Phố đi bộ thành phố Đồng Hới; đặc biệt là chương trình đếm ngược chào đón năm mới 2023 (Phong Nha Countdown Party 2023) thu hút số lượng lớn du khách trong, ngoài nước tham gia, tạo ấn tượng tốt đẹp khi đến du lịch Quảng Bình;… Vì vậy, doanh thu lưu trú, du lịch và ăn uống tháng 01/2023 tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ năm 2022.

Hình 6. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 01/2023 ước tính đạt 41,0 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước, tăng 192,7% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 01/2023 ước tính đạt 124.223 lượt khách, tăng 5,6% so với tháng trước, tăng 184,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 01/2023 ước tính đạt 6.217 lượt khách, tăng 11,6% so với tháng trước, gấp 13,1 lần so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 01/2023 ước tính đạt 126.878 ngày khách, tăng 5,6% so với tháng trước, tăng 189,9% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 01/2023 ước tính đạt 371,0 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước, tăng 32,9% so với cùng kỳ.

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 01/2023 ước tính đạt 33,7 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước, gấp 6,2 lần so với cùng kỳ.

Hình 7. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 01/2023 ước tính đạt 53.015 lượt khách, tăng 6,6% so với tháng trước, gấp 14,3 lần so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 01/2023 ước tính đạt 5.282 lượt khách, tăng 9,5% so với tháng trước, gấp 13,0 lần so với cùng kỳ.

c) Dịch vụ khác

Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân và du khách vui Xuân, đón Tết Quý Mão, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức sôi động cùng với các dịch vụ văn hóa, quảng cáo, sự kiện, triển lãm tranh ảnh. Bên cạnh đó nhu cầu chăm sóc, làm đẹp, cắt tóc, gội đầu; dịch vụ dọn vệ sinh nhà cửa tăng cao,… Vì vậy, hoạt động dịch vụ khác tháng 01/2023 tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 01/2023 ước tính đạt 161,7 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ, trong đó nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 39,9% tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 27,2% so với cùng kỳ; nhóm y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 6,8 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 11,7% so với cùng kỳ; nhóm nghệ thuật, vui chơi, giải trí đạt 33,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 21,6% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ khác đạt 33,1% tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt 43,8% tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước, giảm 6,6% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo đạt 4,5% tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước, tăng 24,6% so với cùng kỳ.

d) Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 01/2023 sôi động và nhộn nhịp, đây là tháng có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và tết Nguyên đán, nên nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân trong dịp Tết tăng cao. Tổng doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính tháng 01/2023 đạt 490,6 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách tăng 25,0%, vận tải hàng hóa tăng 24,9% và kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 24,4%.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Ước tính tháng 01/2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 3,1 triệu hành khách, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 134,0 triệu hành khách.km, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 01/2023 đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 245,2 triệu tấn.km, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước.

đ. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Đây là tháng trùng dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tuy nhiên do tác động của suy thoái kinh tế nên nhìn chung, sức mua của người dân giảm so với những năm trước. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, cùng với chính sách bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá tại các điểm siêu thị, tạp hoá lớn, đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu người dân, dẫn đến hầu hết các nhóm mặt hàng phục vụ Tết có biến động tăng giá nhưng không lớn.

So với tháng trước, CPI tháng 01 năm 2023 tăng 0,38%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 05 nhóm tăng, 01 nhóm giảm và 05 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,60%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,58%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,28%; nhóm giao thông tăng 1,18%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,09%; các nhóm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác có chỉ số không đổi so tháng trước.

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng bình quân tháng 01/2023 giá vàng tăng 0,61% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,33 triệu đồng/chỉ, tăng 38,14% so với kỳ gốc 2019, bình quân 01 tháng tăng 2% so cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ (USD) bình quân tháng 01/2023 là 23.469 đồng/USD, giảm 2,31% so với tháng trước, tăng 1,61% so với kỳ gốc 2019, bình quân 01 tháng tăng 3,80% so cùng kỳ.

7. Thu ngân sách Nhà nước, ngân hàng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 1 năm 2023 ước tính thực hiện 325,1 tỷ đồng, đạt 4,6% so với dự toán địa phương giao, bằng 70,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa thực hiện 310,1 tỷ đồng, đạt 4,8% dự toán địa phương, bằng 70,7% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 15,0 tỷ đồng, đạt 3,0% dự toán địa phương, bằng 67,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 1 tháng năm 2023, so với dự toán năm, chỉ có 2/15 khoản thu đạt tiến độ (8,3%), đó là; Thu doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và thu phí và lệ phí; so với cùng kỳ năm 2022, có 5 khoản thu tăng, đó là: Thu doanh nghiệp Nhà nước Trung ương (+25,1%); thu thuế thu nhập cá nhân (+4,0%); thu thuế bảo vệ môi trường (+7,9%); thu tiền khai thác khoáng sản (+154,8%) và thu khác (+343,5%), còn lại các khoản đều giảm.

b) Ngân hàng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, đồng thời tiếp tục huy động vốn, cho vay phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

Huy động vốn: Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 55.848 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Ước tính đến ngày 31/01/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 55.100 tỷ đồng, giảm 1,4% so với đầu năm.

Tín dụng: Đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay đạt 78.798 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Ước tính đến ngày 31/01/2023, tổng dư nợ đạt 78.140 tỷ đồng, giảm 1,0% so với đầu năm.

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã giảm mạnh, trong 15 ngày tháng 1 năm 2023 số ca nhiễm được ghi nhận là 44 ca. Ngành Y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình hình các loại dịch bệnh, không để dịch có nguy cơ bùng phát.

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, ngày 15/1/2023, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh ban hành Công văn số 103/BCĐ-SYT đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát tình hình tiêm chủng vắc xin tại đơn vị, địa phương đảm bảo tiêm chủng đúng tiến độ, an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không được để vắc xin hết hạn trên địa bàn. Đối với đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nếu vắc xin được Bộ Y tế cấp dự kiến sẽ triển khai các điểm tiêm lưu động tại trường. Đồng thời, công tác thông tin truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được tăng cường.

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 15/1/2023, toàn tỉnh có 2.027.828 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó 673.923 người đã tiêm 2 mũi; 151.727 người đã tiêm mũi bổ sung; 397.975 người đã tiêm mũi nhắc lại 1 (mũi 3); 93.317 người đã tiêm mũi nhắc lại 2 (mũi 4); tổng số ca dương tính là 132.187 ca (trong đó 132.093 ca đã khỏi bệnh, 12 ca đang nhiễm và 82 ca tử vong).

Đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 89-KH/TU ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, ngày 5/1/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 08/KH-UBND đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục đích quán triệt, nắm vững, thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có liên quan và địa phương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; phát huy các kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của từng người dân; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

2. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng 01-2023, các trường học trên toàn tỉnh đã kết thúc kỳ thi học kỳ I, đang chuẩn bị công tác sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2022-2023 và báo cáo kết quả học kỳ I về Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Sở GDĐT tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị Sơ kết học kì I năm học 2022-2023 của Ngành (dự kiến tổ chức vào ngày 01/02/2023).

Trong tháng 01/2023, Sở GDĐT tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ và thành lập đoàn đánh giá 04 trường. Đã khảo sát sơ bộ tại 09 trường, khảo sát chính thức tại 19 trường. Giám đốc Sở ban hành Quyết định cấp chứng nhận 10 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận 10 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 06 trường, tiểu học 01 trường, trung học cơ sở 03 trường), đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 17 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia. Đã báo cáo kết quả công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 gửi UBND tỉnh và các ban ngành liên quan.

Xác định vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc chuyển từ dạy học theo định hướng nội dung sang dạy học theo định hướng năng lực, Sở GDĐT Quảng Bình đã phát động sâu rộng công tác nghiên cứu KHKT trong toàn thể học sinh trung học trên địa bàn tỉnh và tổ chức thành công Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2022-2023.

Sở GDĐT cử cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo của Bộ GDĐT đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cấp phòng, cấp trường và giáo viên các cấp học.

Theo báo cáo của Sở GDĐT về kết quả thực hiện mua sắm từ nguồn kinh phí Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến nay đã hoàn thành việc mua sắm, bàn giao 10.000 máy cho học sinh thuộc diện hưởng lợi từ Chương trình trước tết Nguyên Đán.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

Văn hoá trong tháng sôi nổi với các hoạt động chào mừng năm mới 2023 và tết Nguyên đán Quý Mão, nổi bật chương trình “Chào đón năm mới Phong Nha Countdown Party 2023” tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch được tổ chức từ 20h00 ngày 31/12/2022 đến 2h ngày 01/01/2023, chương trình được tổ chức với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trên nền sân khấu thiết kế quy mô, hiện đại cùng với đó là màn trình diễn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút đã làm thoả mãn sự kỳ vọng của du khách và người dân địa phương.

Trong dịp đón tết Nguyên đán Quý Mão, thành phố Đồng Hới tổ chức bắn pháo hoa tầm ngắn tại 2 điểm cầu Nhật Lệ và Công viên phường Đồng Sơn, thị xã Ba Đồn bắn pháo hoa tại 1 điểm tại Sân vận động thị xã vào 0 giờ ngày 22/1/2023. Việc tổ chức bắn pháo hoa nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi đón tết, đồng thời củng cố niềm tin, tăng cường sự đoàn kết của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước.

Công tác tuyên truyền, trong dịp Tết được triển khai đến tận cơ sở, bố trí đặt các loại pa nô, áp phích, các trục đường được treo móc cờ cánh bướm, dây cờ vui, cờ tổ quốc dọc ở các tuyến đường chính ngay trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Đối với địa bàn các xã, phường, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu qua các trục đường chính, 100% thôn, tổ dân phố, cơ quan, công sở đều có băng rôn khẩu hiệu; hệ thống điện sáng ở các trục đường thôn, xóm cũng được mắc thêm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại vui chơi vào ban đêm. Trên các trục đường chính tổ chức bố trí đèn hoa tạo quang cảnh đẹp, không khí vui tươi. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao đảm bảo thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật, nhất là trong dịp vui Tết, đón Xuân; kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa tâm linh tại các di tích gắn với lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Ngày 8/1/2023, tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới đã diễn ra lễ khởi công dự án Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình. Công trình Trung tâm thể dục thể thao được UBND tỉnh phê duyệt với quy mô xây dựng trên diện tích 14,3 ha, gồm các hạng mục chính: nhà thi đấu đa năng có sức chứa 2.500 chỗ ngồi, phần ngoài nhà thi đấu có các sân phục vụ tập luyện và thi đấu ngoài trời. Dự án có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài việc phục vụ quần chúng nhân dân cũng như vận động viên thể thao của tỉnh luyện tập và thi đấu, công trình còn đáp ứng việc tổ chức các sự kiện văn hoá lớn, các giải thi đấu thể thao mang tầm quốc gia.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội                                 

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 15/12/2022 - 14/1/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, giảm 4 vụ so với tháng trước, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2022; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 6 vụ, tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 5 người, tăng 3 người so với tháng trước, giảm 3 người so với cùng kỳ năm 2022. Số người bị thương do tai nạn giao thông 6 người, giảm 7 người so với tháng trước, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy xe đầu kéo tại huyện Minh Hoá ước giá trị thiệt hại 200 triệu đồng; so với tháng trước, số vụ cháy giảm 1 vụ, giá trị thiệt hại tăng 110 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy giảm 1 vụ, giá trị thiệt hại tăng 100 triệu đồng.

5. Tình hình nổi bật khác về xã hội

Năm 2022 đi qua với không ít khó khăn thử thách và nhiều thành tựu tự hào. Những con số ấn tượng của năm 2022 có thể kể đến là tốc độ tăng trưởng GRDP 7,96% (kế hoạch 6,0-6,5%); thu ngân sách 8.000 tỷ đồng, vượt 34% so với kế hoạch; có trên 2 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Bình, gấp 3,53 lần so với năm 2021, doanh thu lưu trú và dịch vụ lữ hành đều tăng gấp 5 lần. Bước vào đầu năm 2023, phát huy những thành quả đã đạt được, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ vậy, đời sống nhân dân dần được ổn định và khôi phục sản xuất; lĩnh vực văn hoá xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo và chỉ đạo thực hiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.

Hiện nay, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã có kế hoạch tổ chức và triển khai thực hiện tốt các chế độ đối với nhân dân về vật chất cũng như tinh thần trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão. Cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát về giá cả các mặt hàng, thống nhất niêm yết giá và bán đúng giá, đảm bảo chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá,… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhờ đó, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết Quý Mão 2023 đến nay cơ bản được đảm bảo và thị trường được bình ổn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với Cách mạng, người hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ,…

Đây là năm thứ 2 tỉnh Quảng Bình thực hiện Nghị quyết 30/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình quy định đối tượng và mức thăm, tặng quà cho người có công và hộ nghèo. Do đó, việc chuẩn bị quà tặng được chính quyền các các cấp chuẩn bị chu đáo và chủ động hơn các năm trước.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương chuyển 25.284 suất quà với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng của Chủ tịch nước tặng người có công và thân nhân người có công; 65.606 suất quà của địa phương với trị giá hơn 29,1 tỷ đồng sớm đến với người nhận. Tỉnh cũng quyết định tặng mỗi hộ nghèo 1 triệu đồng tiền quà Tết, với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 13.062 hộ. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã đề nghị Chính phủ cấp 1.241 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp tết Nguyên đán 2023. Tính đến ngày 15/01/2023, toàn tỉnh không có thiếu đói xảy ra.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đoàn viên, người lao động sẽ được tổ chức thông qua chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với các hoạt động phong phú, ấn tượng, sắc nét vào ngày 8/1/2023 tại Trường trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9. Các hoạt động chương trình hướng đến chương trình, gồm: Trao trên 5.000 suất quà hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 3 Khối (huyện, ngành, cơ sở) với trị giá trên 2,5 tỷ đồng./.

[Trở về]