THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 

Tháng 4/2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình vẫn còn không ít khó khăn nhưng với quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ những giải pháp pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kế hoạch hành động số 26/KH-UBND ngày 06/01/2023 của UBND tỉnh và các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt đã được những kết quả tích cực, cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

I. KINH TẾ

1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tháng 4/2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Sản xuất vụ Đông Xuân đảm bảo đúng tiến độ gieo trồng và cơ bản gieo trồng hết diện tích; cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh chăn nuôi được quan tâm, đàn lợn và đàn gia cầm phát triển ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu công tác tuyên truyền bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá trong việc thả nuôi mới và thu hoạch sản phẩm; hoạt động khai thác thuỷ sản phát triển ổn định.

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt

Tháng 4 năm 2024, các địa phương chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc các loại cây trồng và bắt đầu thu hoạch cây lúa vụ Đông Xuân. Năm nay, điều kiện thời tiết nắng ấm không có rét đậm, rét hại tạo thuận lợi cho việc gieo trồng các loại cây hàng năm, vì vậy công tác gieo trồng thực hiện đúng lịch thời vụ. Ước tính diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 53.429,8 ha, giảm 0,9% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích gieo trồng giảm chủ yếu do một số diện tích đất bị thu hồi để phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam và một phần do nhiều hộ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể diện tích gieo trồng các loại cây như sau:

- Cây lúa thực hiện 29.217,2 ha, giảm 0,5% so với vụ Đông Xuân năm trước. Nguyên nhân diện tích lúa năm nay giảm là do chuyển mục đích sử dụng đất và có nhiều hộ chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn. Cụ thể diện tích lúa ở các địa phương: Đồng Hới 837,9 ha, giảm 1,6%; Ba Đồn 2.601,0 ha, giảm 0,9%; Minh Hóa 490,0 ha, giảm 4,1%; Tuyên Hóa 1.439,7 ha, giảm 0,2%; Quảng Trạch 3.403,6 ha, giảm 1,7%; Bố Trạch 5.143,3 ha, giảm 0,1%; Quảng Ninh 5.190,0 ha, tăng 0,1%; Lệ Thủy 10.111,7 ha, giảm 0,4% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Đến ngày 24/4/2024, lúa trà đầu, trà chính vụ giai đoạn chín - thu hoạch, trà muộn giai đoạn trổ. Diện tích lúa chưa trổ 3.082 ha (Lệ Thủy 3.062 ha, Minh Hóa 20 ha). Diện tích lúa đã thu hoạch 4.366 ha (Quảng Trạch 2.000 ha, Quảng Ninh 1.500 ha, Ba Đồn 500, Lệ Thủy 331 ha, Đồng Hới 20 ha, Bố Trạch 15 ha).

- Các cây trồng khác thực hiện 24.212,6 ha, giảm 1,4% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu như sau: Cây ngô 4.110,0 ha, tăng 1,4%; khoai lang 2.280,8 ha, tăng 0,1%; sắn 6.756,1 ha, tăng 0,9%; mía 155,0 ha, giảm 5,5%; lạc 2.692,0 ha, giảm 11,8%; cây rau, đậu các loại 4.945,9 ha, giảm 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Hình 1. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân

Thời tiết khá thuận lợi nên nhiều loại sâu bệnh gây hại cây trồng đã xuất hiện nhiều nơi. Tình hình sâu bệnh hại tính đến ngày 24/4/2024 như sau:

- Trên cây lúa: Chuột gây hại ở hầu hết các địa phương với tỷ lệ phổ biến 1-2%, nơi cao 3-5%. Bệnh khô vằn gây hại hầu hết các địa phương với tỷ lệ bệnh 3-5%, nơi cao 10-15%, cục bộ 30-40%, cấp bệnh 1-3, nơi cao cấp 5. Rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại tập trung ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy với mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 1.000-1500 con/m2, cục bộ 3.000-5.000 con/m2, xuất hiện cháy chòm ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại chủ yếu ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy với mật độ phổ biến 2-3 con/m2, nơi cao 30-40 con/m2, sâu tuổi 3-4. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại chủ yếu ở huyện Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy với tỷ lệ bệnh phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%, cấp bệnh 1-3. Bệnh đạo ôn cổ bông gây nhiễm chủ yếu ở Minh Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy với tỷ lệ bệnh 1-3%, nơi cao 5-7%. Bệnh đạo ôn lá gây hại chủ yếu ở huyện Minh Hóa, Quảng Ninh với tỷ lệ bệnh 7-10%, nơi cao 20-25%, cấp bệnh 1-3, nơi cao cấp 5-7.

- Trên cây rau: Sâu ăn lá gây hại chủ yếu ở huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, với mật độ phổ biến 2-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2.

- Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu gây hại ở Bố Trạch,... với mật độ phổ biến 1-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2.

- Trên cây sắn: Bệnh khảm lá gây hại chủ yếu ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy ,… với tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao 15-20%, cục bộ 50-70%. Bọ phấn trắng gây hại chủ yếu ở huyện Bố Trạch với mật độ phổ biến 100-200 con/m2, nơi cao 300-500 con/m2. Nhện đỏ gây hại chủ yếu ở huyện Bố Trạch với tỷ lệ hại phổ biến 3-5%, nơi cao 7-10%.

-  Trên cây lạc: Bệnh héo rũ gốc gây hại tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch với tỷ lệ hại phổ biến 1-2%, nơi cao 3-5%. Nhện đỏ gây hại tập trung chủ yểu ở huyện Bố Trạch với tỷ lệ hại phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 30-40% [1].

* Chăn nuôi

Tình hình sản xuất chăn nuôi tháng 4 cơ bản ổn định, mặc dù có xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc ở một số địa phương, tuy nhiên tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, ngành Thú y đã triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 1/2024 cho đàn gia súc, gia cầm. Đàn trâu, bò giảm (tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh giảm là do hiệu quả kinh tế không cao, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã phát sinh các ổ dịch ở các địa phương và đặc biệt đàn bò của Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát xuất hết chưa tái đàn); đàn lợn phát triển ổn định và có tăng nhẹ; đàn gia cầm tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 4 đạt 6.863,1 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu 125,0 tấn, giảm 6,7%; thịt bò 661,0 tấn, giảm 9,6%; thịt lợn 4.089,3 tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm 1.987,8 tấn, tăng 5,3% (trong đó: thịt gà 1.482,0 tấn, tăng 6,1%) so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2024 đạt 31.130,2 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu 606,5 tấn, giảm 11,1%; thịt bò 2.913,8 tấn, giảm 10,3%; thịt lợn 17.595,7 tấn, tăng 3,5%; thịt gia cầm 9.987,2 tấn, tăng 9,7% (trong đó: thịt gà 7.710,9 tấn, tăng 10,0%) so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm:

- Bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Lũy kế đến 03/4/2024, dịch bệnh đã xảy ra ở 2 hộ/2 thôn/2 xã/2 huyện (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hoá và xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch) làm 13 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng 816 kg. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh ổ dịch mới.

- Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò: Lũy kế đến ngày 23/4/2024, dịch bệnh đã xảy ra ở 10 xã, thị trấn thuộc 4 huyện (Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh) làm 30 con bò mắc bệnh, trong đó có 4 con bò chết với trọng lượng 498 kg. Hiện nay, có 3/10 ổ dịch tại 3 huyện đã qua 21 ngày (Đồng Lê, Quảng Xuân, thị trấn Hoàn Lão) và 7/10 ổ dịch tại 4 huyện chưa qua 21 ngày [2].

Hiện tại, ngành Thú y đang phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để kịp thời cảnh báo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả và lập kế hoạch tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm đề phòng dịch bệnh lây lan; tiếp tục thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

b) Lâm nghiệp

Tháng 4, hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, chăm sóc rừng trồng tập trung. Hiện nay, các hộ gia đình tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc, trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích năm trước. Ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 4 đạt 689,5 ha, tăng 0,9%; luỹ kế 4 tháng đạt 2.382,2 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong tháng 4 ước đạt 60.759,0 m3, tăng 10,3%; luỹ kế 4 tháng ước đạt 150.985,7 m3, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác tháng 4 ước đạt 23.870,0 ste, tăng 0,3%; luỹ kế 4 tháng ước đạt 72.279,0 ste, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng; luỹ kế 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng. Hiện nay, thời tiết bắt đầu vào mùa nắng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm đôn đốc chủ rừng đẩy nhanh công tác vệ sinh rừng, xử lý thực bì phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024.

c) Thủy sản

Thời tiết tháng 4 thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Giá các mặt hàng thuỷ sản duy trì ổn định, nhu cầu tiêu dùng tăng nên bà con ngư dân nỗ lực vươn khơi bám biển, duy trì sản xuất, theo đó, sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng tăng khá. Công tác cải tạo ao hồ, kênh mương, vệ sinh môi trường vùng nuôi được các hộ nuôi tuân thủ theo yêu cầu kỹ thuật.

Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 9.824,1 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 8.239,5 tấn, tăng 4,1%; tôm đạt 442,9 tấn, tăng 1,9%; thuỷ sản khác đạt 1.141,7 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 27.602,1 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 22.997,0 tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 1.431,1 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 3.174,0 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

* Khai thác

Thời tiết tháng 4 thuận lợi cho hoạt động khai thác thuỷ sản, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng khi mùa du lịch đã bắt đầu khởi động; bên cạnh đó phương tiện đánh bắt được trang bị hiện đại, công tác tìm kiếm ngư trường khai thác hợp lý nên ngư dân tích cực ra khơi bám biển. Nhờ đó, sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 4 tăng so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 4 ước đạt 8.784,2 tấn, tăng 3,9%. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 7.524,5 tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 136,5 tấn, tăng 2,3%; thuỷ sản khác đạt 1.123,2 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24.475,6 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 20.852,0 tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 531,3 tấn, tăng 2,2%; thuỷ sản khác đạt 3.092,3 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình khai thác thủy sản phát triển ổn định, công tác kiểm tra đăng ký, đăng kiểm tàu cá và các điều kiện đảm bảo an toàn phương tiện được chú trọng; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ được Ngành nông nghiệp và các địa phương quan tâm.

* Nuôi trồng

Tháng 4/2024, thuỷ sản nuôi trồng khá ổn định, thời tiết thuận lợi, không xảy ra mưa lũ, ít dịch bệnh, sản phẩm thu hoạch tăng cao. Đây là thời điểm bước vào vụ sản xuất của năm 2024, người dân ở các vùng nuôi cá, tôm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xong công tác cải tạo ao hồ, kênh mương, vệ sinh môi trường vùng nuôi để tiến hành vụ sản xuất mới.

Sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch tháng 4 ước đạt 1.039,9 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 715,0 tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 306,4 tấn, tăng 1,8%; thuỷ sản khác đạt 18,5 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.126,5 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 2.145,0 tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 899,8 tấn, tăng 2,1%; thuỷ sản khác đạt 81,7 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất giống nước ngọt, mặn, lợ, hiện nay đã bước vào vụ sản xuất mới, các trang trại, cơ sở và doanh nghiệp đã tiến hành ươm giống sản xuất theo kế hoạch đề ra để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đạt yêu cầu. Ước tính 4 tháng, sản lượng con giống tôm thẻ ước khoảng 1.045,4 triệu con, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn một số con giống như: Cá trắm, cá chép, ba ba,... đang nuôi với quy mô nhỏ.

2. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá và có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước do Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty cổ phần Xenlulo Quảng Bình mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, ngành sản xuất đồ uống tăng mạnh do bắt đầu bước vào mùa hè; một số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế biến thực phẩm, may mặc, chế biến gỗ,… có thêm đơn hàng mới để tiếp tục sản xuất đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp trong những tháng đầu năm 2024.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 năm 2024 tăng 6,0% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2024 của một số ngành cấp 2 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng gấp 25,3 lần (tăng cao do Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty CP Xenlulo Quảng Bình mới đi vào hoạt động); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 31,6%; sản xuất đồ uống tăng 21,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 11,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,9%. Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: In, sao chép bản ghi các loại giảm 2,4%; sản xuất trang phục giảm 4,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su plastic giảm 7,8%; khai khoáng khác giảm 9,9%; khai thác quặng kim loại giảm 17,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 39,1% (ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm mạnh do sản phẩm thuốc tiêu thụ giảm sút nên doanh nghiệp giảm sản xuất).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 4 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 12.400 tấn, giảm 17,5%; đá xây dựng đạt 932.100 m3, giảm 7,8%; cao lanh đạt 13.167 tấn, giảm 46,4%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 7.753 tấn, tăng 8,9%tinh bột sắn đạt 5.339 tấn, tăng 65,2%; bia đóng chai đạt 1.629 nghìn lít, tăng 155,1%;bia đóng chai đạt 1.629 nghìn lít, tăng 155,1%; nước khoáng có ga đạt 359 nghìn lít, giảm 5,2%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 1.158 nghìn cái, giảm 34,1%; áo sơ mi đạt 4.030 nghìn cái, tăng 11,5%; dăm gỗ đạt 108.537 tấn, giảm 4,5%; ván ép từ gỗ đạt 15.778 m3, tăng 49,0%; cao su tổng hợp đạt 277 tấn, tăng 57,7%; kính cường lực đạt 874 tấn, giảm 5,2%; clinker thành phẩm đạt 752.809 tấn, giảm 0,3%; xi măng đạt 527.519 tấn, tăng 13,6%; điện gió đạt 141,4 triệu kwh, giảm 27,7%; điện thương phẩm đạt 339 triệu kwh, tăng 8,4%; nước máy thương phẩm đạt 4.537 nghìn m3, tăng 6,9%.

3. Vốn đầu tư

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2024 tiếp tục được UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện công trình. Tuy nhiên, các tháng đầu năm còn tập trung phân bổ vốn; việc huy động nguồn vốn từ thu cấp quyền sử dụng đất còn khó khăn; kế hoạch vốn Chính phủ giao năm 2024 thấp hơn so với kế hoạch vốn năm 2023, do đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong 4 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 4 năm 2024 ước tính đạt 383,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 263,5 tỷ đồng, tăng 8,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 71,6 tỷ đồng, giảm 4,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 48,3 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.416,8 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 982,3 tỷ đồng, tăng 6,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 260,3 tỷ đồng, giảm 8,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 174,2 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh: Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình; Dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình; Đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt, huyện Minh Hóa; Hạ tầng các tuyến nối từ Quốc lộ 12A phường Quảng Phong đi phường Quảng Long và kết nối đường đi trung tâm huyện Quảng Trạch; Đường nối từ Quốc lộ 1A đến Quảng trường biển xã Ngư thủy Bắc, huyện Lệ thủy; Xây dựng Hạ tầng kết nối giao thông từ trung tâm huyện Quảng Trạch đến Quốc lộ 12A; Tuyến đường liên xã phía Tây thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa; Đường và cầu vượt đường sắt trung tâm thành phố Đồng Hới; Hệ thống đường nối từ trung tâm thành phố đi sân bay Đồng Hới; Tuyến đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, huyện Bố Trạch; Cầu Lộc Thủy - An Thủy và đường hai đầu cầu; Hạ tầng tuyến đường chính từ Trung tâm huyện Quảng Trạch kết nối với Tỉnh lộ 22; Hạ tầng tuyến đường từ cầu Quảng Hải kết nối các tuyến đường trục chính qua các xã vùng Nam, thị xã Ba Đồn; Cải tạo, sửa chữa nâng cấp hạ tầng tuyến đường tỉnh lộ 559 đoạn từ xã Quảng Lộc đi xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn; Tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh; Tuyến đường chính khu đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận huyện Quảng Ninh; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC); Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình.

4. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 4/2024 là tháng trùng với 2 kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5 dài ngày do đó hoạt động mua sắm, nghỉ dưỡng, tham quan du lịch diễn ra nhộn nhịp hơn, là điều kiện thuận lợi giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu mua sắm hàng may mặc, trang thiết bị gia đình, đồ dùng điện tử điện lạnh tăng,.. nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2024 tăng cao so với tháng trướcso với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước đạt 4.210,0 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong các nhóm hàng, đa phần các nhóm đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ, cụ thể: nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 1.589,2 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc ước đạt 546,7 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 357,9 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ; nhóm ô tô các loại ước đạt 237,7 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm ước đạt 47,6 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 31,8% so với cùng kỳ,...

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 16.948,6 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm lương thực, thực phẩm tăng cao 13,5% đóng góp tăng cao nhất 5,1 điểm phần trăm; nhóm hàng may mặc tăng 9,2% đóng góp tăng 1,2 điểm phần trăm; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,7% đóng góp tăng 0,8 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

b) Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Ngành du lịch Quảng Bình kỳ vọng sẽ đón lượng du khách tăng cao đột biến đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm trong kỳ nghỉ lễ 30/4-01/5 kéo dài 5 ngày. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Để thu hút khách, tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức một loạt sự kiện du lịch hấp dẫn như: Đăng cai Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 (từ ngày 25/4 - 27/4/2024) diễn ra tại Khu vực tượng đài Mẹ Suốt, sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2024 (từ ngày 19/4 - 02/5/2024), Hội Rằm tháng ba tại huyện Minh Hóa (từ ngày 20/4 - 23/4/2024), Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch và Hội thi cá trắm sông Son (từ ngày 27/4 - 28/4/2024) tại thị trấn Phong Nha, các hoạt động lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 - 2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 -15/7/2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh (01/7/1989 - 01/7/2024), trong đó đề xuất mở rộng quy mô giải chạy marathon nhằm kích cầu du lịch,... Ngoài ra, các điểm vui chơi, tham quan du lịch thu hút đông đảo lượng du khách hàng năm cũng đã sẵn sàng đón khách như: Suối nước Moọc, động Thiên Đường, sông Chày - Hang Tối, động Phong Nha, các bãi tắm Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh,...

Bên cạnh đó, để chuẩn bị chu đáo công tác đón và phục vụ khách du lịch trong dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 01/5 và mùa du lịch Hè năm 2024, các cơ quan chức năng xây dựng trang thông tin điện tử về chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch; giới thiệu hình ảnh điểm đến, các sản phẩm du lịch mới, cập nhật các hoạt động, sản phẩm du lịch của chương trình liên kết, hợp tác nhằm quảng bá sâu rộng đến du khách; tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch về giữ gìn bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự; huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; bố trí lực lượng để hướng dẫn, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm biển. Ngoài ra, kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi gây ảnh hưởng không tốt đến khách du lịch như chèo kéo, đeo bám, ép giá, tăng giá tùy tiện, đe dọa, ứng xử thiếu văn minh lịch sự,… thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Vì vậy doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 4/2024 tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 4/2024 ước đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 13,0% so với tháng trước, tăng 14,2% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 193,9 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 4/2024 ước đạt 163.315 lượt khách, tăng 15,1% so với tháng trước và tăng 13,0% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 583.317 lượt khách, tăng 10,0% so với cùng kỳ.

Hình 6. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 4/2024 ước đạt 14.579 lượt khách, tăng 23,4% so với tháng trước và tăng 26,5% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 46.014 lượt khách, tăng 30,9% so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 4/2024 ước đạt 171.806 ngày khách, tăng 15,6% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 615.067 ngày khách, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Tháng 4/2024, doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 372,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ, do nhu cầu ăn uống trong dịp Lễ tăng cao; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1.378,7 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 4/2024 ước đạt 52,7 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước, tăng 32,2% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 198,5 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 4/2024 ước đạt 69.321 lượt khách, tăng 9,3% so với tháng trước, tăng 6,3% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 254.569 lượt khách, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Hình 7. Doanh thu và lượt khách du lịch lữ hành

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 4/2024 ước đạt 12.287 lượt khách, tăng 22,2% so với tháng trước, tăng 22,4% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt 39.778 lượt khách, tăng 33,2% so với cùng kỳ.

c) Các ngành kinh doanh dịch vụ

Cùng với hoạt động tham quan, du lịch tăng cao, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức sôi động nhằm thỏa mãn thị hiếu trong những ngày đi du lịch của người dân. Đồng thời dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng cao như dịch vụ lao động việc làm, cho thuê đồ dùng, máy móc thiết bị, cho thuê xe có động cơ, điều hành tuor du lịch, tổ chức sự kiện,… Vì vậy, doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ tháng 4/2024 tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động các ngành kinh doanh dịch vụ tháng 4/2024 ước đạt 224,5 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tất cả các nhóm dịch vụ đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ, cụ thể: Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 65,5 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 8,4% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 42,2 tỷ đồng, tăng 5,0% so với tháng trước, tăng 10,4% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 19,7 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 9,9% so với cùng kỳ; nhóm nghệ thuật, vui chơi, giải trí ước đạt 32,8 tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ,…

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ khác đạt 891,2 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm dịch vụ khác tăng cao 14,5% đóng góp tăng cao nhất 3,0 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 7,1% đóng góp tăng 2,0 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 7,8% đóng góp tăng 1,4 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của các ngành kinh doanh dịch vụ.

d) Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải tháng 4/2024 tương đối sôi động, trong thángnhiều ngày nghỉ lễ như giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 01/5 kéo dài 5 ngày nên nhu cầu đi lại tham quan du lịch của người dân tăng so với tháng trước; bên cạnh đó, tháng cao điểm mùa xây dựng nên có nhiều công trình xây dựng và nhà dân thi công. Nhờ đó, doanh thu cũng như khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách và hàng hóa trong tháng tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại tăng đột biến của Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong các dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 4/2024 ước tính đạt 495,5 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách ước đạt 85,2 tỷ đồng, tăng 4,7% và tăng 16,3%; vận tải hàng hóa ước đạt 378,9 tỷ đồng, tăng 4,5% và tăng 12,8%; dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát ước đạt 31,4 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 1.946,7 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách ước đạt 338,1 tỷ đồng, tăng 15,4%; vận tải hàng hóa ước đạt 1.483,1 tỷ đồng, tăng 10,7%; dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 125,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Vận tải hành khách:

Số lượt hành khách vận chuyển tháng 4/2024, ước tính đạt 3,3 triệu hành khách, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước tính đạt 149,3 triệu hành khách.km, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 13,1 triệu hành khách, tăng 15,4%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 592,5 triệu hành khách.km, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Vận tải hàng hóaKhối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 4/2024, ước tính đạt 3,2 triệu tấn, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 216,7 triệu tấn.km, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 12,4 triệu tấn, tăng 10,7%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 856,1 triệu tấn.km, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Tình hình giá tiêu dùng tháng này có nhiều biến động về thị trường giá cả. Một số mặt hàng thiết yếu như: xăng, dầu diesel, điện, nước giá tăng mạnh; ngược lại, giá lương thực, thực phẩm tháng này giảm, đặc biệt là một số mặt hàng như gạo, thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản khác, do tháng này thời tiết thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi, lúa gạo vào mùa nên nguồn cung dồi dào,… Các yếu tố trên đã tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Quảng Bình tháng 4 năm 2024 tăng 0,20% so tháng trước; giảm 1,21% so với tháng 12 năm trước; so với tháng 04 năm trước tăng 6,88%; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 CPI tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 4,36%; nhóm dịch vụ tăng 11,44%).

So với tháng trước, CPI tháng 4/2024 tăng 0,20% (khu vực thành thị tăng 0,18%; khu vực nông thôn tăng 0,21%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá, 4 nhóm hàng tăng giá và 5 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng ổn định. Cụ thể: 4 nhóm hàng hóa tăng so với tháng trước đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,67%; nhóm giao thông tăng 1,61%, tăng chủ yếu do nhóm nhiên liệu tăng 4,76%. Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này thực hiện theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024, nhóm này đóng góp tăng 0,19 điểm phần trăm của CPI tháng 4/2024; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03% so với tháng trước. Có 2 nhóm hàng hóa giảm đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,24%, tác động làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,06% so với tháng trước, do một số mặt hàng trong nhóm giải trí giảm 0,48%. Các nhóm còn lại ổn định như: nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

Hình 9. Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 4/2024 so với tháng trước

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng bình quân tháng 4/2024 giá vàng tăng 7,99% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 7.294 triệu đồng/lượng vàng 99,99%, tăng 89,16% so với kỳ gốc 2019, tăng 32,41% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,72% so với tháng 12 năm trước; bình quân 4 tháng tăng 24,42% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ (USD) bình quân tháng 4/2024 là 24.787 VNĐ/USD, tăng 1,19% so với tháng trước, tăng 7,31% so với kỳ gốc 2019, tăng 6,21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,85% so với tháng 12 năm trước; bình quân 4 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ.

5. Thu ngân sách Nhà nước, ngân hàng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng năm 2024 ước tính thực hiện 1.797,8 tỷ đồng, đạt 29,6% dự toán Trung ương và địa phương giao, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 1.389,1 tỷ đồng, đạt 25,9% dự toán Trung ương và địa phương giao, giảm 7,3% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 408,7 tỷ đồng, đạt 58,4% dự toán Trung ương giao, tăng 385,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 4 tháng năm 2024, có 7/17 khoản thu đạt tiến độ (33,4%) so với dự toán năm của tỉnh là thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương; thu ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân, phí và lệ phí, thu tiền khai thác khoáng sản, thu hoa lợi công sản và thu xổ số kiến thiết. Còn lại 10 khoản chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

b) Ngân hàng

- Hoạt động huy động vốn: Đến ngày 31/3/2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 67.282 tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Ước tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 67.600 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 2,2% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng: Đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ cho vay đạt 85.247 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Ước tính đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ đạt 85.400 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 0,8% so với đầu năm.

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Tình hình các bệnh truyền nhiễm đều được kiểm soát tốt, trong tháng phát hiện 10 trường hợp sốt xuất huyết, 585 trường hợp cúm, 119 trường hợp tiêu chảy, 25 trường hợp thủy đậu, các trường hợp bệnh đều được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngày 09/4/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 614/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 45/KH-BCĐATTP về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, thời gian triển khai từ 15/4 đến 15/5/2024. Chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Trong tháng xảy ra 29 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, tính đến ngày 16/4/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc và 79 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, các bệnh nhân đã được nhập viện điều trị kịp thời.

2. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng 4/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2023-2024 và chọn đội dự tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 1.132 thí sinh đăng ký dự chọn học sinh giỏi lớp 11 (tăng 52 thí sinh so với kỳ thi năm học trước), thí sinh sẽ tham gia dự thi bài thi thứ nhất; thi chọn đội dự tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia có 367 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 39 thí sinh so với kỳ thi năm học trước), thí sinh sẽ tham gia 2 bài thi: bài thi thứ nhất và bài thi thứ hai. Thí sinh dự thi là những học sinh đang học lớp 10 và 11 đến từ các trường THPT, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, đăng ký dự thi gồm 09 môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Thời gian làm bài của thí sinh là 180 phút/môn/bài thi. Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tại 2 điểm thi: Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp và Trường THPT Phan Đình Phùng. Kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ngày 08/4/2024 tại nhà thi đấu Trường Đại học Quảng Bình, Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, năm 2024 chính thức khai mạc. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng có 1.992 vận động viên là học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh với 8 môn thi: điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cơ vua, đá cầu. Kết quả: Ban Tổ chức quyết định trao 852 Huy chương (trong đó: 216 Huy chương Vàng, 215 Huy chương Bạc và 421 Huy chương Đồng) cho các cá nhân đạt thành tích cao và tặng cờ cho các đơn vị đoạt giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn khối phòng Giáo dục và đào tạo, khối trường trung học phổ thông.

Tính đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh có 275/552 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 49,8% (trong đó: mầm non 85/180, đạt 47,2%; tiểu học 88/174, đạt 50,6%; trung học cơ sở 89/166, đạt 53,6%; trung học phổ thông 13/32, đạt 40,6%); có 290/552 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 52,5% (mầm non 84/180, đạt 46,7%; tiểu học 99/174, đạt 56,9%; trung học cơ sở 92/166, đạt 55,4%; trung học phổ thông 15/32, đạt 46,9%). Có 77/552 trường quá hạn trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, chiếm tỷ lệ 13,9%; có 133/552 trường quá hạn chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 24,1%.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

a) Hoạt động văn hóa

Hoạt động văn hóa trong tháng sôi nổi với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn như ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, 49 năm ngày Giải phóng Miềm nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5. Trong đó, nổi bật: Tuần lễ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng 3 âm lịch ở Minh Hoá; Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2024 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn như: âm nhạc đường phố, lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố, lể hội múa bong chèo cạn, liên hoan các câu lạc bộ nhóm nhảy,...

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam và cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tại Thư viện tỉnh, nhằm khẳng định vị trí, tầm quan trọng của sách đối với giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

b) Hoạt động thể dục, thể thao

Thể thao phong trào trong tháng diễn ra sôi nổi chào mừng các ngày lễ lớn, trong đó nổi bật như: Giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh (01/7/1989-01/7/2024), diễn ra từ ngày 25/4-27/4 trên sông Nhật Lệ với sự tham gia của 36 đội đua tranh tài ở 18 nội dung của 3 cự ly thi đấu 200m, 500m và 1.000m. Giải Marathon khám phá Quảng Bình “Quảng Bình Discovery Marathon lần thứ IV - 2024”, do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Công ty Cổ phần Đường Đua mới nhằm tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu thể thao nói chung và môn chạy bộ nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Các đội tuyển thể thao thành tích cao trong tháng tham gia thi đấu giành được 4 huy chương, trong đó: giải Bơi vô địch quốc gia bể 25m tại Huế đạt 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Đồng, giải Lặn vô địch quốc gia bể 25m tại Huế đạt 1 huy chương Đồng.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

- An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 15/3/2024 - 14/4/2024), trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông trong đó đường bộ 21 vụ; số người chết do tai nạn giao thông 13 người, số người bị thương do tai nạn giao thông 9 người. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, tăng 49 vụ so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: đường bộ 75 vụ tăng 50 vụ, đường sắt không xảy ra giảm 1 vụ, đường thuỷ không xảy ra bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 42 người, tăng 27 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 44 người, tăng 20 người so với cùng kỳ.

- Tình hình cháy nổ

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng xảy ra 1 vụ cháy xe container ở Bố Trạch, giá trị thiệt hại ước tính 500 triệu đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy với giá trị thiệt hại tạm ước tính 3.000 triệu đồng.

5. Tình hình nổi bật khác về xã hội

Tháng 4/2024, tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tương đối ổn định do kết quả sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng; các gói hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội đã tác động tích cực tới cuộc sống của người dân. Công tác an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Việc chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội luôn kịp thời, đảm bảo đời sống của người dân. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh, chính sách an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm; có 4.309 lượt người lao động được tư vấn liên quan đến chế độ chính sách về việc làm, học nghề; giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động: 81 lượt người; giải quyết 286 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 10 người được hỗ trợ học nghề; tiếp nhận và tổ chức đào tạo cho 171 học viên học tiếng Hàn Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm; có 11.047 lượt người được tư vấn liên quan đến chế độ chính sách về việc làm, học nghề; giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động: 8.550 lượt người; giải quyết 1.060 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 55 người được hỗ trợ học nghề./.

[1] Nguồn: Thông báo số 181/TB-TTBVTV ngày 25/4/2024 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

[2] Nguồn: Báo cáo số 198/BC-CNTY ngày 24/4/2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y

[Trở về]