THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 

Trong tháng 10 và 10 tháng năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do những yếu tố bất lợi bên ngoài, nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính,… và hạn chế, thách thức bên trong, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm triển khai đồng bộ những giải pháp chủ yếu quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 nên tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong tháng 10 và 10 tháng năm 2023 như sau:

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

* Sơ bộ kết quả sản xuất vụ Hè Thu

Thời tiết đầu vụ Hè Thu năm nay nắng nóng kéo dài, tình hình sâu bệnh, chuột xuất hiện cục bộ ở một số địa phương; bên cạnh đó, một số diện tích đất trồng cây hàng năm bị thu hồi do các dự án của Nhà nước triển khai giải phóng mặt bằng, theo đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu năm nay giảm so với vụ Hè Thu năm trước. Sơ bộ diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện 35.784,1 ha, giảm 0,8% so với vụ Hè Thu năm trước.

Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ Hè Thu như sau:

- Cây lúa:

Diện tích lúa cả tỉnh thực hiện 23.334,2 ha, tăng 0,5% so với vụ Hè Thu năm trước. Diện tích của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 748,9 ha, tăng 0,6%; thị xã Ba Đồn 2.204,7 ha, tăng 1,3%; huyện Minh Hóa 480,4 ha, tăng 7,0%, huyện Tuyên Hóa 1.108,2 ha, giảm 6,1%; huyện Quảng Trạch 3.362,0 ha, bằng năm ngoái; huyện Bố Trạch 2.166,3 ha, giảm 1,9%; huyện Quảng Ninh 3.810,0 ha, tăng 2,7%; huyện Lệ Thủy 9.453,7 ha, tăng 0,8% so với vụ Hè Thu năm trước.

Sơ bộ năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh đạt 41,86 tạ/ha, tăng 1,9% so với vụ Hè Thu năm trước. Năng suất lúa các địa phương: Thành phố Đồng Hới đạt 57,17 tạ/ha, thị xã Ba Đồn đạt 58,50 tạ/ha, huyện Minh Hóa đạt 47,00 tạ/ha, huyện Tuyên Hóa đạt 53,50 tạ/ha, huyện Bố Trạch đạt 51,30 tạ/ha, huyện Quảng Trạch đạt 57,60 tạ/ha, huyện Quảng Ninh đạt 49,14 tạ/ha, huyện Lệ Thủy đạt 24,30 tạ/ha.

Sơ bộ sản lượng lúa vụ Hè Thu năm nay cả tỉnh đạt 97.678,2 tấn, tăng 2,5% so với vụ Hè Thu năm trước.

Hình 1. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu 2023

- Các loại cây trồng khác:

Diện tích: Cây ngô thực hiện 429,1 ha, giảm 20,1%; cây khoai lang 409,1 ha, giảm 7,7%; cây sắn 6.739,3 ha, tăng 0,2%; cây lạc 365,5 ha, giảm 21,4%; rau các loại 1.818,8 ha, tăng 3,7%; đậu các loại 761,8 ha, giảm 15,6% so với vụ Hè Thu năm trước.

Năng suất: Cây ngô đạt 40,57 tạ/ha, tăng 0,6%; cây khoai lang đạt 60,76 tạ/ha, tăng 3,0%; cây sắn đạt 172,10 tạ/ha, giảm 7,5%; cây lạc đạt 18,70 tạ/ha, tăng 2,6%; rau các loại đạt 93,70 tạ/ha, tăng 3,7%; đậu các loại đạt 8,97 tạ/ha, tăng 0,3% so với vụ Hè Thu năm trước.

Sản lượng: Cây ngô 1.740,9 tấn, giảm 19,6%; khoai lang 2.485,8 tấn, giảm 4,9%; sắn 115.959,1 tấn, giảm 7,3%; lạc 683,3 tấn, giảm 19,3%; vừng 182,6 tấn, giảm 2,4%; rau các loại 17.041,4 tấn, tăng 4,9%; đậu các loại 683,4 tấn, giảm 15,4% so với vụ Hè Thu năm trước.

* Ước tính kết quả sản xuất vụ Mùa

Ước tính diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa năm 2023 toàn tỉnh thực hiện 271,0 ha, giảm 28,1% so với vụ Mùa năm trước. Diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa giảm mạnh do lúa vụ Mùa cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên bà con chuyển sang trồng sắn và keo (huyện Bố Trạch). Diện tích lúa vụ Mùa ở các địa phương: Huyện Bố Trạch 136,0 ha, huyện Minh Hóa 135,0 ha. Ước tính năng suất lúa vụ Mùa năm nay đạt 13,73 tạ/ha, tăng 13,0%; sản lượng lúa vụ Mùa đạt 372,1 tấn, giảm 18,8% so với vụ Mùa năm trước.

* Sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Thời tiết có mưa là điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân chuẩn bị làm đất phục vụ cho gieo trồng các loại cây rau màu vụ Đông Xuân trong thời gian tới.

- Chăn nuôi

Sản xuất chăn nuôi tháng 10 và 10 tháng năm 2023 phát triển khá ổn định. Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 10 năm 2023 đạt 5.813,3 tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 142,0 tấn, giảm 11,2% (do giá trâu hơi giảm, chăn nuôi không hiệu quả kinh tế, người dân hạn chế tái đàn); thịt bò 566,3 tấn, giảm 19,1% (do Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình không tái đàn dẫn đến số lượng đầu con, số con xuất chuồng, sản lượng thịt bò xuất chuồng giảm sâu); thịt lợn 3.020,0 tấn, tăng 6,2%; thịt gia cầm 2.085,0 tấn, tăng 0,7% (trong đó: Thịt gà 1.605,0 tấn, tăng 0,3%) so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2023 đạt 70.688,3 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 1.550,0 tấn, giảm 3,9%; thịt bò 7.859,3 tấn, giảm 5,4%; thịt lợn 39.224,0 tấn, tăng 4,9%; thịt gia cầm 22.055,0 tấn, tăng 10,1% (trong đó: Thịt gà 17.651,0 tấn, tăng 12,2%) so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Dịch tả lợn châu Phi: Lũy kế đến ngày 17/10/2023, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 139 hộ/22 thôn/13 xã/4 huyện (Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch) làm 1.095 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 53.229 kg. Hiện nay, còn 3 xã/2 huyện có dịch chưa 21 ngày.

- Bệnh tai xanh: Từ ngày 25/9/2023 đến ngày 17/10/2023, bệnh tai xanh lợn xảy ra tại 92 hộ/5 thôn/2 xã của huyện Minh Hóa, với tổng số lợn tiêu hủy 451 con, trọng lượng 15.610 kg.

- Bệnh Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm,... không xảy ra [1].

b) Lâm nghiệp

Tháng 10 năm 2023, các địa phương, đơn vị và hộ dân trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Nhìn chung, sản xuất lâm nghiệp trong 10 tháng năm 2023 phát triển ổn định, chủ yếu tập trung công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng và khai thác gỗ, bên cạnh đó tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng.

Tháng 10, thời tiết trên địa bàn toàn tỉnh chuyển mát mẻ, có mưa trên diện rộng, thuận lợi cho việc trồng rừng mới tập trung. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 10 ước thực hiện 1.270,0 ha, tăng 2,4%; luỹ kế 10 tháng ước thực hiện 7.010,0 ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 10 đạt 96.112,0 m3, tăng 2,5%; luỹ kế 10 tháng ước đạt 495.302,0 m3, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác tháng 10 ước đạt 15.750,0 ste, tăng 1,6%; luỹ kế 10 tháng ước đạt 329.246,0 ste, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy rừng, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị cháy 80,63 ha, tăng 77,36 ha so với cùng kỳ năm trước [2].

Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai kịp thời công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân vùng có rừng; tổ chức tập huấn công tác phòng chống, cháy rừng cho các chủ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép.

c) Thủy sản

Tháng 10/2023, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Bà con ngư dân đã tranh thủ những lúc thời tiết thuận lợi tăng cường bám biển để ra khơi dài ngày. Các hộ nuôi trồng thủy sản ở những địa bàn có khả năng ngập lũ trong mùa mưa, bão đang tích cực gia cố bờ bao, tiếp tục chăm sóc để thu hoạch.

Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 10 năm 2023 đạt 6.585,5 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 5.269,8 tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 478,3 tấn, tăng 1,1%; thuỷ sản khác đạt 837,4 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

Ước tính sản lượng thuỷ sản 10 tháng năm 2023 đạt 84.070,3 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 69.166,2 tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 5.318,5 tấn, tăng 2,1%; thuỷ sản khác đạt 9.585,6 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Khai thác

Thời tiết trong tháng 10 năm 2023 diễn biến phức tạp, có mưa, bão gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản nên sản lượng khai thác thủy sản trong tháng giảm hơn so với các tháng trước, song vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 10 đạt 5.340,2 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 4.334,8 tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 191,4 tấn, tăng 2,9%; thủy sản khác đạt 814,0 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng khai thác thủy sản 10 tháng đạt 73.325,2 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 62.251,8 tấn, tăng 5,1% tấn; tôm đạt 1.691,4 tấn, tăng 3,2%; thủy sản khác đạt 9.382,0 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Nuôi trồng

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên các hình thức từ ao hồ nhỏ đến hồ đập thuỷ lợi hiện đang phát triển ổn định. Các hộ nuôi trồng tích cực tiến hành thu hoạch sản phẩm trước khi mùa mưa, bão đến, hiện chỉ còn một số hộ nuôi quảng canh chưa tiến hành thu hoạch.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 10 đạt 1.245,3 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 935,0 tấn, tăng 0,4%; tôm đạt 286,9 tấn, giảm 0,1%; thủy sản khác đạt 23,4 tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch 10 tháng đạt 10.745,1 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 6.914,4 tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 3.627,1 tấn, tăng 1,5%; thủy sản khác đạt 203,6 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Để phòng tránh mưa, bão những tháng sắp tới, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động gia cố hồ, ao nuôi, sớm thu hoạch tránh thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra.

2. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng năm 2023 tăng trưởng ổn định, một số ngành như: Chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất và phân phối điện có mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn; nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn chưa được phục hồi khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm sút trong khi sản lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng sản xuất để ưu tiên tiêu thụ hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 năm 2023 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,8% (nguyên nhân do những tháng đầu năm trữ lượng thực tế khai thác tại mỏ của ngành khai thác quặng kim loại đạt thấp so với cùng kỳ năm trước); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 76,9%; sản xuất đồ uống tăng 52,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 26,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 25,6%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 17,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 16,3% (nguyên nhân một số ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do tại thời điểm tháng 10/2022 một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất sản phẩm với sản lượng thấp do không có đơn hàng, sản phẩm tiêu thụ khó khăn). Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác giảm 1,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 2,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 8,1%; sản xuất trang phục giảm 10,1%; khai thác quặng kim loại giảm 27,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 10 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 42.832 tấn, giảm 27,7%; đá xây dựng đạt 2,5 triệu m3, giảm 7,5%; cao lanh đạt 71.026 tấn, tăng 12,3%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 22.272 tấn, tăng 3,1%; tinh bột sắn đạt 8.522 tấn, tăng 159,3%; bia đóng chai đạt 4.268 nghìn lít, tăng 117,9%; nước khoáng đạt 1.622 nghìn lít, giảm 2,4%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 4.978 nghìn cái, giảm 3,2%; áo sơ mi đạt 7.791 nghìn cái, giảm 30,9%; dăm gỗ đạt 300,1 nghìn tấn, giảm 16,5%; ván ép từ gỗ đạt 33.437 m3, giảm 22,2%; cao su tổng hợp đạt 1.227 tấn, tăng 30,6%; kính cường lực đạt 2.387 tấn, tăng 6,3%; clinker thành phẩm đạt 2,1 triệu tấn, giảm 18,8%; xi măng đạt 1,4 triệu tấn, tăng 9,7%; điện gió đạt 448,9 triệu kwh, tăng 22,9%; điện thương phẩm đạt 928 triệu kwh, tăng 0,3%; nước máy thương phẩm đạt 12.186 nghìn m3, tăng 8,7%.

3. Vốn đầu tư

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2023 có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo trong công tác quản lý đầu tư công, tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có tính kết nối và lan tỏa vùng miền, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong tháng 10, nhiều công trình, dự án tiếp tục được các nhà thầu và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất kế hoạch được giao góp phần thúc đẩy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 10 năm 2023 ước tính đạt 488,5 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 328,7 tỷ đồng, tăng 16,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 97,3 tỷ đồng, tăng 24,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 62,5 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.947,7 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.607,2 tỷ đồng, tăng 9,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 972,5 tỷ đồng, tăng 15,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 548,0 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

4. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 10 bước vào mùa mưa , nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân giảm đã tác động đến một phần giảm của tổng mức bán lẻ. Một số mặt hàng sức mua có xu hướng giảm so với tháng trước như gổ và vật liệu xây dựng, hàng điện tử, điện lạnh,… do đó doanh thu tổng mức bán lẻ tháng này giảm mạnh so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 3.669,3 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm hàng đều giảm so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ, cụ thể: nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 1.362,4 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc ước đạt 465,3 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 320,7 tỷ đồng, giảm 2,9% so với tháng trước, tăng 2,0% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 618,5 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ,…chỉ có 2 nhóm giảm so với cùng kỳ đó là: nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 215,4 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, giảm 8,5% so với cùng kỳ; nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) ước đạt 96,2 tỷ đồng, giảm 0,5% so với tháng trước, giảm 1,4% so với cùng kỳ.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023

Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 38.405,1 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Trong 12 nhóm ngành của tổng mức bán lẻ hàng hóa có 3 nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn đồng thời có tốc độ tăng cao, đóng góp tăng chủ yếu trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa cụ thể: tăng cao nhất là nhóm lương thực, thực phẩm tăng 14,8% đóng góp tăng 5,4 điểm phần trăm; nhóm may mặc tăng 14,6% đóng góp tăng 1,8 điểm phần trăm và nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,6% đóng góp tăng 1,5 điểm phần trăm.

b) Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Tháng 10, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành giảm mạnh so với tháng trước do thời tiết chuyển mùa mưa bão là một trong những yếu tố khách quan gây khó khăn đối với hoạt động du lịch, nhất là các tour du lịch lữ hành.

Theo chu kỳ, đây là tháng có lượng khách thấp nhất trong năm, mùa thấp điểm du lịch nên các khách sạn từ 3 sao trở lên đang có chương trình khuyến mãi giảm giá phòng từ tháng 10/2023 đến tháng 01/2024; Khu du lịch suối nước nóng Bang Onsen Spa & Resort Quảng Bình giảm giá 30% tất cả các dịch vụ từ tháng 10/2023-31/12/2023 cho khách du lịch là người Quảng Bình nhằm thu hút lượng khách du lịch đến tận hưởng dịch vụ.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 10/2023 ước đạt 38,5 tỷ đồng, giảm 10,0% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2023 đạt 484,9 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 10/2023 ước đạt 116.200 lượt khách, giảm 10,3% so với tháng trước, tăng 4,2% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2023 đạt 1.460.735 lượt khách, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 10/2023 ước đạt 5.440 lượt khách, giảm 30,9% so với tháng trước, tăng 82,2% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2023 đạt 80.197 lượt khách, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 10/2023 ước đạt 124.840 ngày khách, giảm 9,4% so với tháng trước, tăng 9,5% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2023 đạt 1.549.879 ngày khách, tăng 33,9% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 10/2023 ước đạt 294,6 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2023 đạt 3.441,8 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Hình 6. Dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2023

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 10/2023 ước đạt 32,8 tỷ đồng, giảm 17,4% so với tháng trước, tăng 8,8% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng đạt 390,9 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 10/2023 ước đạt 56.050 lượt khách, giảm 19,1% so với tháng trước, tăng 17,5% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2023 đạt 645.588 lượt khách, tăng 48,4% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 10/2023 ước đạt 5.050 lượt khách, giảm 30,1% so với tháng trước, tăng 107,8% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2023 đạt 71.144 lượt khách, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.

Hình 7. Du lịch lữ hành 10 tháng năm 2023

c) Dịch vụ khác

Tháng 10, doanh thu hoạt động dịch vụ khác giảm so với tháng trước, trong đó 3 nhóm ngành dịch vụ giảm đó là nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nhóm dịch vụ khác và nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí do nhu cầu tham quan, du lịch, vui chơi của người dân giảm bởi thời tiết bắt đầu chuyển mùa mưa, bão, lũ lụt. Các nhóm dịch vụ còn lại tăng nhẹ như: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng do các khoản thu nộp đầu năm tăng; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng do các loại dịch bệnh đang lan rộng trên địa bàn (dịch đau mắt đỏ, sốt suất huyết, sốt siêu vi,…); doanh thu hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng trở lại (sau 9 tháng liên tục giảm) do chính sách tài khóa về lãi suất cho vay giảm mạnh kích thích dòng tiền đổ vào bất động sản, đồng thời tạo cơ hội cho nhà đầu tư giao dịch thuận lợi hơn.

Dự ước doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 10/2023 đạt 175,2 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Các nhóm ngành dịch vụ tăng so với tháng trước, như: Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ,...Các nhóm ngành dịch vụ giảm so với tháng trước, như: nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 1,9% so với tháng trước, tăng 7,0% so với cùng kỳ; dịch vụ cá nhân khác giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 7,0% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ,…

Tính chung 10 tháng, doanh thu dịch vụ khác đạt 1.760,6 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ, nhưng do nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản liên tục giảm 9 tháng đầu năm nên kéo theo toàn bộ nhóm dịch vụ khác chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, cụ thể: nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 18,8% đóng góp tăng 0,37 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 18,1% đóng góp tăng 0,46 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ khác tăng 15,1% đóng góp tăng 0,44 điểm phần trăm. Riêng nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, giảm 27,9% đã làm giảm 0,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung của các ngành kinh doanh dịch vụ.

d) Vận tải

Tháng 10/2023, dự báo thời tiết mưa nhiều, nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân giảm; các công trình xây dựng hoạt động gián đoạn thi công do trời mưa,… nên hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm so với tháng trước.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10/2023 ước đạt 448,8 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 4.495,3 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 729,6 tỷ đồng, tăng 9,6%; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 3.402,8 tỷ đồng, tăng 14,7%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 362,9 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải 10 tháng năm 2023

Vận tải hành khách: Ước tính tháng 10/2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 2,9 triệu hành khách, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 0,1% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 131,4 triệu hành khách.km, giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, số lượt hành khách vận chuyển đạt 28,4 triệu hành khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.282,6 triệu hành khách.km, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: Ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 10/2023 đạt 2,8 triệu tấn, giảm 1,4% so với tháng trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 182,9 triệu tấn.km, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 28,7 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.958,0 triệu tấn.km, tăng 12,1% so với cùng kỳ.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng

Theo Quyết định số 859/QĐ-CĐCNN, ngày 18/9/2023 của Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật C-NN Quảng Bình về việc giảm 20% kinh phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ từ ngày 20/9/2023; Giá nhiên liệu trong nước điều chỉnh giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện sinh hoạt, giá nước sinh hoạt giảm do thời tiết chuyển mùa mưa nên nhu cầu sử dụng giảm,… các yếu tố trên đã tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng.

Chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh Quảng Bình tháng 10 năm 2023 giảm 0,04% so tháng trước; tăng 9,65% so với cùng kỳ; tăng 9,79% so với tháng 12 năm trước; tính chung 10 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 2,49%; nhóm dịch vụ tăng 4,79%).

So với tháng trước, CPI tháng 10/2023 giảm 0,04% (khu vực thành thị giảm 0,05%; khu vực nông thôn giảm 0,04%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm giảm và 2 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng ổn định, cụ thể 7 nhóm có chỉ số CPI tăng đó là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32% so với tháng trước, do tháng này thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, nên việc trồng rau màu và đánh bắt thủy hải sản gặp khó khăn, do đó giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng khá cao; nhóm đồ uống và thuốc tăng 0,17%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% do tiền công cắt may tăng; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,46%. Có 2 nhóm chỉ số giá CPI giảm đó là: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%; nhóm giao thông giảm 1,10% do có các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 02/10/2023; 11/10/2023; 23/10/2023 cụ thể: giá xăng giảm 4,62%; giá dầu diezel giảm 0,74%; còn 2 nhóm có chỉ số CPI ổn định đó là nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục.

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 10/2023 giá vàng tăng 0,83% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5.665,4 triệu đồng/lượng vàng 99,99%, tăng 46,91% so với kỳ gốc 2019, tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,0% so với tháng 12 năm trước; bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ (USD) tháng 10/2023 giá bình quân 24.257 đồng/USD, tăng 1,47% so với tháng trước, tăng 5,02% so với kỳ gốc 2019, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước; bình quân 10 tháng tăng 2,46% so với cùng kỳ.

5. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 10 tháng năm 2023 ước tính thực hiện 4.421,6 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán địa phương giao và bằng 66,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 3.956,6 tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán địa phương giao và bằng 61,3% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 465,0 tỷ đồng, bằng 93,0% dự toán địa phương giao, vượt 75,5% so với dự toán Trung ương và tăng 181,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 10 tháng năm 2023, có 11/16 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ khu vực DNNN, thu ngoài quốc doanh, thuế sử dụng đất phi NN, thu phí và lệ phí, thuế bảo vệ môi trường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu khác trong cân đối ngân sách, thu hoa lợi công sản; thu xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và thu tiền sử dụng khu vực biển.

Tổng chi NSNN trên địa bàn 10 tháng ước tính thực hiện gần 12.205,2 tỷ đồng, đạt 91,7% dự toán trung ương giao, đạt 85,0% dự toán địa phương giao.

b) Tín dụng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó tập trung triển khai chính sách tín dụng tại Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

- Hoạt động huy động vốn:

Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 61.670 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Ước tính đến 31/10/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 61.985 tỷ đồng, tăng 11,0% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng:

Đến 30/9/2023, tổng dư nợ đạt 82.264 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Ước tính đến 31/10/2023, dư nợ đạt 82.900 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm.

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Theo báo cáo của Sở Y tế, dịch đau mắt đỏ trên địa bàn đang dần được kiểm soát, số ca mắc mới giảm. Lũy kế tổng số ca mắc tính đến ngày 16/10/2023 là 61.086 ca. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giám sát, cách ly những ca mắc bệnh; các trường hợp mắc bệnh là trẻ mầm non, học sinh tiểu học cho nghỉ học để điều trị tại nhà.

Trong tháng xảy ra 1 vụ ngộ độc do ăn thịt và trứng cóc làm 1 người chết tại phường Nam Lý thành phố Đồng Hới. Tính đến ngày 16/10/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 32 ca mắc, ngoài ra còn có 184 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, các bệnh nhân đã được nhập viện điều trị kịp thời.

2. Giáo dục, đào tạo

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 56/2023/NQ - HĐND ngày 02/10/2023 quy định về mức thu học phí năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với các cấp học và các lĩnh vực; tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời năm 2023; phê duyệt khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam, tỉnh Quảng Bình”, do Tổ chức Medipeace tài trợ; xây dựng chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số Bru -Vân Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tổ chức thành công kỳ thi chọn đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; xếp giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 đối với những học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi chọn học sinh quốc gia năm học 2023-2024 (kết quả: 22 giải Nhất, 42 giải Nhì).

Tổ chức kỳ thi nghề phổ thông năm học 2023-2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; không có cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi (toàn tỉnh có 10.662 thí sinh tham gia dự thi).

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Về văn hóa: Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; tham mưu tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực gia đình: tổ chức Lễ phát động mô hình kiểu mẫu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền" tại xã Lộc Ninh thành phố Đồng Hới; tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2023 với chủ đề "Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em" tại Trường THCS An Thủy huyện Lệ Thủy; tổ chức lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ Đoàn thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch. Ngày 08/10/2023, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức liên hoan dân vũ thể thao tỉnh Quảng Bình lần thứ I, năm 2023. Liên hoan mang đến cho người xem nhiều tiết mục dân vũ đặc sắc được dàn dựng công phu, trang phục đẹp, diễn xuất khỏe khoắn, sôi động, thể hiện được bản sắc văn hóa, hình ảnh con người, quê hương Quảng Bình.

Về thể dục thể thao

Thể thao phong trào nổi bật giải đua xe ô tô địa hình quốc tế RFC Việt Nam diễn ra tại Quảng Bình từ 15 đến 21/10/2023. Giải là hoạt động nhằm góp phần mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Quảng Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thể thao thành tích cao đã đạt được những thành tựu nổi bật, 2 vận động viên tỉnh Quảng Bình trong thành phần đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu Asiad năm 2023 đạt 3 huy chương đồng (HCĐ), trong đó Nguyễn Huy Hoàng 02 HCĐ môn bơi, Lường Thị Thảo 01 HCĐ môn Đua thuyền rowing.

4. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 17/9/2023-16/10/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, số người chết do tai nạn giao thông 6 người, số người bị thương do tai nạn giao thông 14 người. Lũy kế 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông, tăng 23 vụ so với cùng kỳ, trong đó: đường bộ 105 vụ, đường sắt 2 vụ. Số người chết do tai nạn giao thông 56 người, giảm 4 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 83 người, tăng 17 người so với cùng kỳ.

Hình 9. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Sáng ngày 25 - 26/9/2023, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có mưa to gây hiện tượng ngập lụt và chia cắt một vùng dân cư tại các bản thuộc các xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, ngập cục bộ tại xã Yên Hóa, Thị trấn Quy Đạt; cô lập xã Minh Hóa. Tổng kinh phí thiệt hại ước tính 1.697 triệu đồng.

 

 

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, trong đó 1 vụ cháy chợ ở thị xã Ba Đồn ước tính thiệt hại 2.354 triệu đồng, 1 vụ cháy xe container ở Tuyên Hóa chưa đánh giá được thiệt hại; giảm 3 vụ so với tháng trước và tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy với giá trị thiệt hại tạm ước tính 6.535,5 triệu đồng./.

 

[1] Nguồn: Báo cáo số 512/BC-CNTY ngày 20/10/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y

[2] Nguồn: Báo cáo số 1049/BC-CCKL ngày 29/9/2023 của Chi cục Kiểm lâm

[Trở về]