THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 

Trong tháng 8/2023, các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Trung ương, sự ủng hộ của cộng đồng người dân, doanh nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đạt được kết quả tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 8 tháng năm 2023, tạo đà cho quý III và cả năm 2023. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng 8, các địa phương tập trung chăm sóc lúa vụ Hè Thu, bảo đảm tiến độ thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất; dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát, ngành chăn nuôi tiếp tục giữ đà tăng trưởng về sản lượng; sản xuất lâm nghiệp tập trung chăm sóc và đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng trồng, phòng, chống cháy rừng; khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá do thời tiết thuận lợi, giá bán các sản phẩm thủy sản tăng.

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

Sản xuất vụ Hè Thu năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Thời tiết trên địa bàn tỉnh đầu tháng 8 có mưa rải rác, đây là điều kiện tốt để các loại cây trồng vụ Hè Thu phát triển sau một thời gian dài nắng nóng, các hồ chứa trên địa bàn luôn đảm bảo cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích xuống giống. Đến cuối tháng 8, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu cơ bản đã hoàn thành.

* Diện tích gieo trồng: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện 36.304,1 ha, tăng 0,6% so với vụ Hè Thu năm trước.

Diện tích lúa thực hiện 23.376,3 ha, tăng 0,7% so với vụ Hè Thu năm trước. Diện tích lúa Hè Thu gieo cấy tăng do hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nước hiệu quả, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho nhu cầu gieo cấy.

Hình 1. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu

Diện tích lúa Hè Thu của các địa phương: Thành phố Đồng Hới 748,9 ha, tăng 0,6%; thị xã Ba Đồn 2.204,7 ha, tăng 1,3%; huyện Minh Hóa 480,0 ha, tăng 6,9%, huyện Tuyên Hóa 1.150,0 ha, giảm 2,6%; huyện Quảng Trạch 3.362,0 ha, bằng năm ngoái; huyện Bố Trạch 2.120,3 ha, giảm 4,0%; huyện Quảng Ninh 3.857,0 ha, tăng 4,0%; huyện Lệ Thủy 9.453,4 ha, giảm 0,8% so với vụ Hè Thu năm trước. Nhìn chung, diện tích lúa vụ Hè Thu năm nay ở một số địa phương tăng so với vụ Hè Thu năm trước, do nguồn nước đảm bảo đáp ứng cho công tác gieo trồng, thời tiết tương đối thuận lợi, sâu bệnh gây hại lúa không đáng kể.

Các địa phương đã thu hoạch xong 8.831,4 ha lúa tái sinh. Ước tính năng suất lúa tái sinh năm nay đạt 20,84 tạ/ha, tăng 5,5% so với năm trước.

Diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu: Ngô 531 ha, giảm 1,1%; khoai lang 448 ha, tăng 1,1%; cây sắn 6.680 ha, giảm 0,7%; cây lạc 465 ha, bằng năm trước; rau, đậu các loại 2.715,2 ha, tăng 2,2% so với vụ Hè Thu năm trước.

Ước tính năng suất gieo trồng:

- Cây lúa: Năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh đạt 41,36 tạ/ha, tăng 0,7% so với vụ Hè Thu năm trước. Năng suất lúa các địa phương: Thành phố Đồng Hới đạt 57,17 tạ/ha, thị xã Ba Đồn đạt 57,50 tạ/ha, huyện Minh Hóa đạt 51,00 tạ/ha, huyện Tuyên Hóa đạt 53,50 tạ/ha, huyện Quảng Trạch đạt 58,00 tạ/ha, huyện Bố Trạch đạt 48,50 tạ/ha, huyện Quảng Ninh đạt 47,29 tạ/ha, huyện Lệ Thủy đạt 24,47 tạ/ha.

- Các loại cây trồng khác: Ngô đạt 40,11 tạ/ha, giảm 0,5%; khoai lang đạt 58,67 tạ/ha, giảm 0,5%; sắn đạt 187,35 tạ/ha, tăng 0,8%; lạc đạt 18,28 tạ/ha, tăng 0,3%; rau các loại đạt 95,00 tạ/ha, tăng 2,6%; đậu các loại đạt 9,09 tạ/ha, tăng 1,6% so với vụ Hè Thu năm trước. Thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất một số cây trồng vụ Hè Thu năm nay tăng so với vụ Hè Thu năm trước.

Ước tính sản lượng cây trồng:

Ước tính sản lượng một số cây trồng tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: lúa đạt 96.687,0 tấn, tăng 1,4%; ngô đạt 2.130,0 tấn, giảm 1,6%; khoai lang đạt 2.628,4 tấn, tăng 0,6%; sắn đạt 125.150,0 tấn, tăng 0,1%; lạc đạt 850 tấn, giảm 0,3%; rau các loại đạt 17.210,9 tấn, tăng 6,0%; đậu các loại 821,4 tấn, tăng 1,7% so với vụ Hè Thu năm trước.

Tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng:

- Trên lúa: Chuột gây hại với diện tích 371,5 ha, tỷ lệ gây hại phổ biến 1-2%, nơi cao 7-10%, cục bộ 60-80% (45 ha ở Xuân Thuỷ, Lệ Thuỷ). Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích gây hại 131 ha, mật độ phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 7-10 con/m2, sâu tuổi 3-4. Rầy: Diện tích gây hại 148 ha, mật độ phổ biến 20-30 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, cục bộ 700-1000 con/m2 (huyện Minh Hóa), rầy tuổi 2-3. Sâu đục thân: Diện tích gây hại 11 ha, mật độ phổ biến 20-30 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, cục bộ 700-1000 con/m2 (huyện Minh Hóa), rầy tuổi 2-3. Bệnh khô vằn: Diện tích nhiễm 271 ha, tỷ lệ bệnh 5-7%, nơi cao 15-20%, cấp bệnh C1-3. Bệnh thối thân, thối bẹ: Diện tích nhiễm 30 ha tập trung chủ yếu tại huyện Quảng Ninh, tỷ lệ bệnh 3-5%.

- Trên sắn: Bệnh khảm lá: Diện tích nhiễm 1.980 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao 15-30%, cục bộ 70-100% ở huyện Bố Trạch. Bọ phấn trắng: Diện tích nhiễm 120 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch, mật độ 30-50 con/m2, nơi cao 100-150 con/m2. Nhện đỏ: Diện tích gây hại 110 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch. Mật độ phổ biến 5-10%, nơi cao 20-30%, tuổi 2,3.

- Trên rau: Sâu ăn lá: Diện tích gây hại 15 ha, mật độ phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2 [1].

- Chăn nuôi

Sản xuất chăn nuôi tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023 có một số biến động, song nhìn chung tình hình chăn nuôi vẫn phát triển khá ổn định. Mặc dù đàn trâu, đàn bò giảm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đàn lợn phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá; đặc biệt đàn gia cầm tăng mạnh, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 8 và 8 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 8 năm 2023 đạt 6.483,0 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 150,0 tấn, giảm 3,2%; thịt bò 963,0 tấn, giảm 8,7%; thịt lợn 3.420,0 tấn, tăng 7,9%; thịt gia cầm 1.950,0 tấn, tăng 10,2% (trong đó: Thịt gà 1.853,0 tấn, tăng 9,3%) so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8 tháng năm 2023 đạt 58.436,0 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 1.279 tấn, giảm 0,5%; thịt bò 6.553,0 tấn, giảm 2,1%; thịt lợn 32.800 tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm 17.804,0 tấn, tăng 11,0% (trong đó: thịt gà 14.033,0 tấn, tăng 11,1%) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 8 tháng tăng cao là do trong thời gian qua không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia cầm, cộng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhằm phục vụ cho tiệc cưới, hỏi, nhà hàng, khách sạn, khách du lịch,…

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Dịch tả lợn châu Phi: Hiện nay, còn 1 xã/1 huyện có dịch chưa qua 21 ngày (xã Hóa Thanh - huyện Minh Hóa). Lũy kế đến ngày 15/8/2023, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 43 hộ/15 thôn/10 xã/4 huyện (Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch) làm 618 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 36.711 kg.

- Bệnh Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh lợn,... không xảy ra [2].

b) Lâm nghiệp

Tháng 8, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, triển khai trồng rừng theo kế hoạch khi thời tiết có mưa; bên cạnh đó ngành Lâm nghiệp đang tăng cường việc quản lý chất lượng giống cây trồng.

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 8 ước đạt 1.033,9 ha, tăng 2,6%; 8 tháng ước đạt 4.918,9 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 8 ước tính đạt 61.927,0 m3, tăng 2,4%; 8 tháng ước đạt 340.537,0 m3, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng 8 ước tính đạt 46.181,0 ster, tăng 1,8%; 8 tháng ước đạt 242.121,0 ster, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 17/8/2023, trên địa tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy ban đầu xác định là 6,5 ha tại xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy rừng, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm trước; với diện tích rừng bị cháy 34,66 ha, tăng 31,39 ha so với cùng kỳ năm trước [3].

Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai kịp thời công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân vùng có rừng; tổ chức tập huấn công tác phòng chống, cháy rừng cho các chủ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép.

c) Thủy sản

Tháng 8, hoạt động sản xuất thủy sản đạt kết quả khá, đặc biệt là hoạt động khai thác thủy sản. Thời tiết khá thuận lợi, thị trường tiêu thụ tăng, giá các mặt hàng thủy sản ổn định là động lực cho ngư dân tích cực ra khơi bám biển, đẩy mạnh sản lượng khai thác.

Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 8 đạt 11.019,9 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá  9.166,0 tấn, tăng 4,8%; tôm 858,9 tấn, tăng 2,3%; thủy sản khác 995,0 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thuỷ sản 8 tháng đạt 67.704,0 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá 55.755,1 tấn, tăng 5,0%; tôm 4.418,9 tấn, tăng 2,0%; thủy sản khác 7.530,0 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

- Khai thác

Thời tiết tháng 8 tương đối thuận lợi, giá các mặt hàng thuỷ sản duy trì ổn định, nhu cầu tiêu dùng tăng, bà con ngư dân tăng cường vươn khơi bám biển, duy trì sản xuất nên hoạt động khai thác thuỷ sản đạt kết quả khá.

Ước tính sản lượng khai thác thủy sản tháng 8 đạt 9.165,0 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 7.976,0 tấn, tăng 5,0%; tôm đạt 214,tấn, tăng 3%; thủy sản khác đạt 974,7 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 8.634,0 tấn tăng 5,2%; khai thác nội địa 531,0 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng khai thác thủy sản 8 tháng đạt 59.527,0 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 50.900,7 tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 1.250,9 tấn, tăng 3,1%; thuỷ sản khác 7.375,4 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 56.937,0 tấn, tăng 5,2%; khai thác nội địa 2.590,0 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Nuôi trồng

Trong tháng 8, trên địa bàn tỉnh nền nhiệt độ vẫn ở mức cao, thời tiết bắt đầu bước vào thời điểm giao mùa nên có nhiều diễn biến thất thường, như: Nắng nóng, mưa giông xen kẽ, đồng thời ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã làm thay đổi các yếu tố trong môi trường nước (nhiệt độ, PH, oxy hòa tan, các khí NH3, NO3,...) phần nào ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các thủy sản thả nuôi. Tuy nhiên, các hộ nuôi trồng đã đầu tư tăng về diện tích mặt nước theo hướng thâm canh thả nuôi nhiều hình thức, đem lại năng suất cao, mặt khác, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên sản lượng thủy sản thu hoạch đạt kết quả khá.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch tháng 8 đạt 1.854,9 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 1.190,0 tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 644,6 tấn, tăng 2,0%; thủy sản khác đạt 20,3 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch 8 tháng đạt 8.177,0 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 4.854,4 tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 3.168,0 tấn, tăng 1,6%; thủy sản khác 154,6 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản xuất giống thuỷ sản tiếp tục tăng, nguyên nhân chủ yếu do các cơ sở sản xuất giống ở huyện Lệ Thuỷ mở rộng quy mô nuôi, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng giống nhằm đáp ứng nhu cầu cho các hộ nuôi. Ước tính 8 tháng số tôm thẻ chân trắng giống đạt 2.142,2 triệu con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

2. Công nghiệp

Tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn; nhu cầu thị trường trong và ngoài nước chưa được phục hồi đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 năm 2023 của một số ngành như: Khai thác quặng kim loại; chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục giảm so với cùng kỳ do đầu ra sản phẩm không tiêu thụ được, một số doanh nghiệp chưa có đơn hàng phải cắt giảm lao động. Bên cạnh đó, do khó khăn chung của thị trường, nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất để ưu tiên tiêu thụ hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Hình 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2023 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 31,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 5,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 20,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 73,4%; sản xuất đồ uống tăng 52,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 26,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 20,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 20,7% (nguyên nhân một số ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ là do tại thời điểm tháng 8/2022 một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất với sản lượng thấp do không có đơn hàng, sản phẩm tiêu thụ khó khăn). Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 11,6%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; khai thác quặng kim loại giảm 40,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 8 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 30,9 nghìn tấn, giảm 40,9%; đá xây dựng đạt 2,0 triệu m3, giảm 6,5%; cao lanh đạt 58,0 nghìn tấn, tăng 19,4%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 15,4 nghìn tấn, giảm 8,9%; bia đóng chai đạt 3,4 triệu lít, tăng 112,9%; nước khoáng đạt 1,4 triệu lít, giảm 5,9%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 4,1 triệu cái, giảm 16,8%; áo sơ mi đạt 6,7 triệu cái, giảm 28,5%; dăm gỗ đạt 235,7 nghìn tấn, giảm 15,9%; ván ép từ gỗ đạt 23,1 nghìn m3, giảm 44,6%; cao su tổng hợp đạt 978 tấn, tăng 35,2%; kính cường lực đạt 1,9 nghìn tấn, tăng 7,8%; clinker thành phẩm đạt 1,7 triệu tấn, giảm 16,8%; xi măng đạt 1,1 triệu tấn, tăng 2,0%; điện gió đạt 370,0 triệu kwh, tăng 23,6%; điện thương phẩm đạt 749 triệu kwh, tăng 2,6%; nước máy thương phẩm đạt 9,6 triệu m3, tăng 7,4%.

3. Vốn đầu tư

Hoạt động đầu tư, xây dựng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thời gian qua, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Trong tháng 8, các công trình, dự án tiếp tục được các nhà thầu và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện trước khi mùa mưa bão đến góp phần thúc đẩy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng cao so với cùng kỳ năm trước [4].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 8 năm 2023 ước tính đạt 421,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 281,0 tỷ đồng, tăng 14,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 82,7 tỷ đồng, tăng 15,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 57,9 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.028,8 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.994,2 tỷ đồng, tăng 7,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 604,7 tỷ đồng, tăng 12,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 429,9 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

4. Thương mại, dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 8 chuẩn bị bước vào năm học mới, nhu cầu mua sắm đồ dùng, sách vở học sinh tăng cùng với giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, nên doanh thu một số nhóm hàng tăng như nhóm lương thực thực phẩm, nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục, phương tiện đi lại, nhiên liệu xăng dầu, Bên cạnh đó, các nhóm hàng có doanh thu giảm nhẹ so với tháng trước là nhóm may mặc, nhóm đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình và nhóm gỗ, vật liệu xây dựng do nhu cầu của người dân giảm. Vì vậy, tổng mức bán lẻ tháng 8/2023 tăng nhẹ so với tháng trước.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 ước tính đạt 3.896,0 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ, chỉ có nhóm ô tô các loại ước đạt 220,9 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 6,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 31.019,3 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ, trong đó hầu hết nhóm ngành đều tăng cao trên 10%; nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức bán lẻ ước đạt 11.669,3 tỷ đồng và tăng 16,5% so với cùng kỳ, đóng góp tăng cao nhất (6,1 điểm phần trăm) trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Tháng 8, là thời điểm gần cuối mùa du lịch và chuẩn bị bước vào mùa tựu trường của học sinh, sinh viên nên hoạt động tham quan du lịch bớt phần sôi động so với tháng trước, số lượt khách, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành giảm so với tháng trước.

Trong tháng 8/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh phối hợp Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ khai trương Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (Bang Onsen Spa&Resort) tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây là khu nghĩ dưỡng được kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả suối nước nóng Bang, đồng thời tạo ra “cú hích” cho việc phát triển du lịch ở phía Tây Nam của Quảng Bình. Điều quan trọng là sản phẩm du lịch mới này còn góp phần giải quyết “bài toán” thời vụ vốn là nỗi trăn trở lâu nay của ngành du lịch Quảng Bình, đặc biệt trong mùa đông.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 8/2023 ước tính đạt 63,6 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2023 đạt 406,8 tỷ đồng, tăng 41,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 8/2023 ước tính đạt 192.760 lượt khách, giảm 15,5% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 1.230.460 lượt khách, tăng 45,0% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 8/2023 ước tính đạt 10.892 lượt khách, tăng 40,6% so với tháng trước và tăng 114,1% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 68.405 lượt khách, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 8/2023 ước tính đạt 210.861 ngày khách, giảm 14,0% so với tháng trước và 10,4% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 1.310.913 ngày khách, tăng 47,8% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 ước tính đạt 457,6 tỷ đồng, giảm 8,0% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 2.908,2 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ.

Hình 6. Dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 8/2023 ước tính đạt 52,4 tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 317,8 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ.

Hình 7. Du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 8/2023 ước tính đạt 87.492 lượt khách, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 520.199 lượt khách, tăng 61,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 8/2023 ước đạt 9.435 lượt khách, tăng 35,4% so với tháng trước và tăng 116,0% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 59.211 lượt khách, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ.

c) Các ngành kinh doanh dịch vụ khác

Tháng 8, hoạt động du lịch bớt phần sôi động hơn tháng trước cùng với hoạt động kinh doanh bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc là nguyên nhân dẫn đến doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ hầu hết giảm so với tháng trước.

Ước tính doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ tháng 8/2023 đạt 178,9 tỷ đồng, giảm 0,5% so tháng trước và tăng 8,0% so cùng kỳ, trong đó: nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 0,1% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 1,3% so với tháng trước, tăng 11,7% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ

Tám tháng năm 2023, doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ khác đạt 1.408,5 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng kỳ, do nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm mạnh (-32,7%) tác động giảm 1,0 điểm phần trăm trong tổng số giảm chung của nhóm các ngành kinh doanh dịch vụ.

d) Hoạt động vận tải

Bước sang tháng 8, theo đà tăng trưởng của những tháng trước, ngành vận tải tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, do thời tiết miền Trung chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, du lịch Quảng Bình bắt đầu chững lại nên hoạt động vận tải hành khách đạt mức tăng trưởng thấp hơn tháng trước. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hàng hóa vẫn ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là vận chuyển vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên, vật liệu cho các công trình xây dựng đang bước vào thời kỳ đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành trước mùa mưa bão.

Ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8/2023 đạt 465,6 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3.574,8 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 584,8 tỷ đồng, tăng 12,7%; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 2.698,4 tỷ đồng, tăng 17,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 291,6 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 8/2023 ước tính đạt 2,9 triệu hành khách, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2023 đạt 22,9 triệu hành khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 8/2023 ước tính đạt 130,1 triệu hành khách.km, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2023 đạt 1.024,3 triệu hành khách.km, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 8. Doanh thu hoạt động vận tải 8 tháng năm 2023

Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 8/2023 ước tính đạt 3,0 triệu tấn, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 đạt 22,5 triệu tấn, tăng 17,7%% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 8/2023 ước tính đạt 201,6 triệu tấn.km, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng năm 2023 đạt 1.573,1 triệu tấn.km, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

đ) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Giá nhiên liệu trong nước điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gas tăng; giá các thiết bị giáo dục, trường học phục vụ năm học mới tăng; thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện nhiều, Các yếu tố trên đã tác động làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Quảng Bình trong tháng 8 năm 2023 tăng 0,84% so tháng trước; tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước; tăng 8,66% so với tháng 12 năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá 3 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng ổn định. Cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; nhóm giao thông tăng 2,04%; nhóm giáo dục tăng 1,37%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% so với tháng trước; các nhóm: nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác ổn định.

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 8/2023 giá vàng tăng 0,92% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,6 triệu đồng/chỉ, tăng 45,37% so với kỳ gốc 2019, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,87% so với tháng 12 năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,17% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.574 đồng/USD, tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 2,06% so với kỳ gốc 2019, tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,87% so với tháng 12 năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,54% so với cùng kỳ.

5. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng năm 2023 ước tính thực hiện 3.369,1 tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán địa phương giao và bằng 53,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 3.040,5 tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán địa phương giao và bằng 49,6% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 328,6 tỷ đồng, bằng 65,7% dự toán địa phương giao, vượt 24,0% so với dự toán Trung ương và tăng 110,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 8 tháng năm 2023, có 6/16 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ khu vực ngoài quốc doanh, thu phí và lệ phí, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu khác trong cân đối ngân sách, thu hoa lợi công sản; thu xổ số kiến thiết và thu cổ tức, lợi nhuận được chia.

b) Tín dụng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó tập trung triển khai chính sách tín dụng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

- Hoạt động huy động vốn:

Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 60.089 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Ước tính đến 31/8/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 61.550 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng:

Đến 31/7/2023, tổng dư nợ đạt 80.545 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Ước tính đến 31/8/2023, dư nợ đạt 80.800 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm [5].

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 61 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 3 trường hợp Tay - chân - miệng; 1 trường hợp Dại; 1 trường hợp viêm gan vi rút B; 393 trường hợp cúm; 2 trường hợp lỵ trực tràng; 6 trường hợp thủy đậu; 186 trường hợp tiêu chảy; 2 trường hợp viêm gan vi rút khác; 1 trường hợp viêm não virut khác. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 216 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 16 trường hợp Tay - chân - miệng; 2 trường hợp Dại; 8 trường hợp viêm gan virut B; 1 trường hợp thương hàn; 3.363 trường hợp cúm; 1 trường hợp lỵ amip; 14 trường hợp lỵ trực tràng; 13 trường hợp quai bị; 373 trường hợp thủy đậu; 1.091 trường hợp tiêu chảy; 11 trường hợp viêm gan virut khác; 1 trường hợp viêm não virut khác.

Ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo không để dịch bùng phát trở lại. Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 17/8/2023, toàn tỉnh có 2.049.292 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó 675.491 người đã tiêm 2 mũi; 151.727 người đã tiêm mũi bổ sung; 408.207 người đã tiêm mũi nhắc lại 1 (mũi 3); 95.302 người đã tiêm mũi nhắc lại 2 (mũi 4). Số ca mắc COVID-19 cộng dồn từ đầu năm đến 06h00 ngày 17/8/2023 là 1.039 ca. Số ca tử vong cộng dồn: 0.

Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 7/2023, không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 2.952 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,00%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 72 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 2 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 19.848 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,01%.

Tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 02 người nhiễm mới HIV, 01 người tử vong. Tính đến ngày 31/7/2023, lũy tích nội tỉnh số người nhiễm HIV là 481 người; số bệnh nhân AIDS là 410 người; số bệnh nhân tử vong là 143 người [6]. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hướng dẫn các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

Tính đến ngày 15/8/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ thủy; xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch và xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch với 31 ca mắc, các bệnh nhân đã được nhập viện điều trị kịp thời nên không có tử vong, ngoài ra còn có 120 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

2. Giáo dục và đào tạo

Ngày 17/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Bình tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Quảng Bình khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên do tinh giản biên chế để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng tiếp tục nâng lên, kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng 3 bậc, giáo dục mũi nhọn được duy trì. Theo đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học hoàn thành chương trình năm học đúng tiến độ. Năm học diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Kết quả phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc, được Bộ GD&ĐT kiểm tra và công nhận tỉnh Quảng Bình là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Công tác cải cách hành chính (CCHC) được quan tâm đúng mức và triển khai thực hiện có hiệu quả nên điểm các chỉ số CCHC tăng lên. Kết quả CCHC năm 2022 xếp thứ 9 trong toàn tỉnh, nâng 2 bậc so với năm 2021; Kết quả đánh giá chung việc giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công tỉnh quý I năm 2023: Sở GD&ĐT xếp thứ 6/21 sở, ban, ngành.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã hoàn thành công tác chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023; tổ chức phúc khảo bài thi và gửi kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ Giáo dục và Đào tạo để công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Quảng Bình có điểm trung bình của tất cả các môn là 6,365 điểm, đứng thứ 35 của cả nước (năm 2021 đứng thứ 49, năm 2022 đứng thứ 38).

Từ ngày 09/8 đến ngày 10/8/2023, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn Chuyển đổi số năm 2023 cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Giáo dục theo Kế hoạch số 1159/KH-SGDĐT ngày 07/6/2023. Hội nghị tập huấn lần này, học viên đã được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số; tổng quan về an toàn thông tin và các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin; công tác quản lý các khoản thu và thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học và các giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ngành Giáo dục Quảng Bình...

Trong năm học 2023-2024, chỉ tiêu tuyển sinh trường Đại học Quảng Bình là 675 chỉ tiêu hệ đại học, cao đẳng hệ chính quy; trong đó, hệ đại học 675 chỉ tiêu, cao đẳng sư phạm 0 chỉ tiêu. Hiện tại, Trường Đại học Quảng Bình tiếp tục thông báo tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2023, thời gian nhận hồ sơ theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Tháng 8, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi và ý nghĩa. Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bề nổi và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2023), 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa 28/8.

Bảo tàng tổng hợp lập hồ sơ di tích lịch sử Nhà thờ Họ Mai, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn; sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trưng bày tại Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 tại tỉnh Bình Định.

Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tổ chức 2 đến 5 điểm diễn văn nghệ phục vụ bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới; xuất bản Bản tin Văn hóa tháng 8 đảm bảo tôn chỉ mục đích; xây dựng chương trình tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 tại tỉnh Bình Định; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bố Trạch mở lớp tập huấn kỹ năng hát dân ca cho các hạt nhân trên địa bàn huyện.

Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày sách Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9, cấp mới 50 thẻ bạn đọc; xử lý kỹ thuật 700 bản sách. Đoàn nghệ thuật truyền thống triển khai chương trình nghệ thuật phục vụ bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa huyện Minh Hoá; biểu diễn tại Lễ hội đua bơi huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh.

Thể thao phong trào trong tháng nổi bật với các hoạt động: Tổ chức giải Cầu lông câu lạc bộ tỉnh Quảng Bình năm 2023; tổ chức giải khiêu vũ thể thao, đồng diễn dân vũ, Zumba Fitness, nhảy hiện đại, Aerobic Fitness tỉnh Quảng Bình mở rộng lần thứ II năm 2023.

Thể thao thành tích cao đã đạt được những thành tựu nổi bật, tính đến ngày 18/8/2023, các đội tuyển của tỉnh tham gia thi đấu 14 giải đạt được 151 huy chương các loại (32 HCV, 45 HCB, 74 HCĐ). Trong đó có  8 huy chương quốc tế (5 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ) [7].

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng (từ 17/7/2023 - 17/8/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, giảm 10 vụ so với tháng trước, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2022; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 11 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, giảm 6 người so với tháng trước, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2022. Số người bị thương do tai nạn giao thông 9 người, bằng tháng trước, tăng 1 người so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đường bộ 79 vụ, tăng 8 vụ so với cùng kỳ; đường sắt 2 vụ tăng 2 vụ so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 44 người, giảm 2 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 42 người, giảm 4 người so với cùng kỳ; đường sắt 2 người tăng 2 người so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 61 người, tăng 4 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ bị thương 61 người, tăng 4 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2022.

Hình 9. Tình hình trật tự an toàn xã hội 8 tháng năm 2023

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy tàu cá ở Đồng Hới; tăng 1 vụ so với tháng trước và bằng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy với giá trị thiệt hại tạm ước tính 2.271,5 triệu đồng; tăng 1 vụ cháy, giá trị thiệt hại tạm ước giảm 2.716,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022.

5. Tình hình nổi bật khác về xã hội

a) Lao động việc làm

Ước tính đến tháng 8/2023 có khoảng 12.900 lao động được giải quyết việc làm, đạt 86% kế hoạch năm, trong đó có khoảng 2.923 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 83,5% kế hoạch năm. Trong tháng 8/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm; có 3.254 lượt người lao động được tư vấn việc làm, du học, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng lao động; giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động: 395 lượt người; tổ chức 5 Hội nghị tư vấn việc làm tại các xã khó khăn; giải quyết trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 415 người; 10 người được hỗ trợ học nghề; tổ chức đào tạo cho 230 học viên, [8]...

b) Công tác an sinh xã hội

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tặng gần 70.000 suất quà cho người có công và thân nhân người có công với tổng kinh phí 19,2 tỷ đồng; thay hoa và lọ hoa cho 09 nghĩa trang liệt sĩ (Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc và mỗi huyện 01 nghĩa trang liệt sĩ); tổ chức Lễ viếng và dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ và Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ; phối hợp với Tỉnh Đoàn, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân tại 85 nghĩa trang liệt sĩ (với trên 18.398 phần mộ) và các công trình ghi công trên địa bàn toàn tỉnh với hơn 33.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Lựa chọn 3 Người có công dự Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023; tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các đoàn thăm gia đình người có công tiêu biểu; giới thiệu 10 người có công tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn đề nghị Thành phố Hà Nội tặng quà nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ; tham mưu phát động, vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2023 được trên 1 tỷ đồng và thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh; các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời [9].

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, các địa phương, các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” lần thứ 7, năm 2023; hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực bảo trợ xã hội. Tổ chức 08 lớp tập huấn Chương trình chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người tâm thần trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, công tác xã hội năm 2023 tại một số huyện, thị xã với gần 500 đại biểu tham dự./.

[1] Nguồn: Báo cáo số 321/TB-TTBVTV ngày 17/8/2023 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

[2] Nguồn: Báo cáo số 339/BC-CNTY ngày 20/7/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y

[3] Nguồn: Báo cáo số 246/BC-HKL ngày 18/8/2023 của Hạt Kiểm lâm Đồng Hới

[4] Một số dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh: Dự án thành phần 1, Dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Tuyến đường liên xã phía Tây thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa; Tuyến đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, huyện Bố Trạch; Hạ tầng tuyến đường chính từ Trung tâm huyện Quảng Trạch kết nối với Tỉnh lộ 22; Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm Thành phố Đồng Hới;...

[5] Nguồn: Báo cáo số 608/BC-QUB ngày 21/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Quảng Bình

[6] Nguồn: Báo cáo số 1166/BC-KSBT ngày 21/8/2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế

[7] Nguồn: Báo cáo số 1513/BC-SVHTT ngày 24/8/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao

[8] Nguồn: Báo cáo số 472/BC-SLĐTBXH ngày 14/8/2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

[9] Nguồn: Báo cáo số 472/BC-SLĐTBXH ngày 14/8/2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

[Trở về]