THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 tỉnh Quảng Bình 
 Năm 2011, năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, vì vậy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Lãnh đạo các cấp, các ngành triển khai chỉ đạo tích cực ngay từ những tháng đầu năm nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo. Tuy vậy, năm 2011 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, giá cả hàng hóa chủ yếu trên thị trường tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp có nhiều bất lợi cho sản xuất nông lâm thuỷ sản, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi Để ổn định và phát triển tế - xã hội, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP với mục tiêu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự nổ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 vẫn ổn định và có những chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện. Dự ước các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2011 đạt được như sau:

 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 8,6%, đạt KH đề ra (KH tăng 8,5 đến 9%); trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 4,1%, khu vực Công nghiệp - Xây dựng  tăng 10,0%,  khu vực dịch vụ tăng 9,6%.

2. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,7%, vượt KH đề ra  (KH tăng 4,0 đến 4,5%).

3. Giá trị sản xuất công nghiệp 4.046 tỷ đồng, tăng 14,5%, không đạt KH đề ra (KH tăng 16 đến 17%).

4. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 10,6%, không đạt KH đề ra (KH tăng 12,5 đến 13%).

5. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,1% (KH 19,5%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,7% (KH 40%); khu vực dịch vụ chiếm 41,2% (KH 40,5%).

6. Sản lượng lương thực 28,1 vạn tấn, tăng 10,8% so với năm 2010, vượt  KH 6,8% (KH 26,3 vạn tấn).

7. Kim ngạch xuất khẩu 150,7 triệu USD, tăng 8% so với năm 2010, vượt 37% KH (KH 110,0 triệu USD).

8. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,0% (KH 3,0 - 3,5%). Tỷ lệ hộ nghèo còn 21,17% theo chuẩn mới.

9. Giải quyết việc làm 3,1 vạn lao động (trong đó: tạo việc làm mới cho 2 vạn lao động và tạo thêm việc làm cho 1,1 vạn lao động), đạt kế hoạch đề ra (KH 3 vạn đến 3,2 vạn lao động).

10.  Phổ cập THCS đạt 99,4% xã, phường, thị trấn (KH 99,4%).

11. Giảm tỷ suất sinh 0,25‰ so với năm 2010 (KH 0,25‰).

12. Tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia 71,7% (KH 75 -80%); tỷ lệ trạm y tế  xã, phường, thị trấn có bác sỹ 100% (KH 100%).

13. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 22,0% (KH 22%).

14. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 74,5% (KH 74% đến 75% hộ nông thôn dùng nước sạch).

15. GDP bình quân đầu người 18 triệu đồng (KH 17 - 18 triệu đồng), tương đương 858 USD (KH 850USD).

I. KINH TẾ:

Ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GDP) năm 2011 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,1%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,0%, đóng góp 3,8 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,6%, đóng góp 3,9 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

năm 2010 và năm 2011 (%)

 

 

Tốc độ tăng so với

năm trước

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng
năm 2011

 

 

Năm 2010

Năm 2011

Tổng số

8,3

8,6

8,6

 

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2,9

4,1

 

0,9

 

Công nghiệp và xây dựng

8,2

10,0

 

3,8

Dịch vụ

11,5

9,6

 

3,9

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm dần; tăng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,1%, giảm 0,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,7%, tăng 0,3%; khu vực dịch vụ chiếm 41,2%, tăng 0,4% so với năm 2010.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao như trên là một thành công. Kết quả trên khẳng định tính kịp thời, phù hợp và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã được Chính phủ ban hành và sự chỉ chỉ đạo quyết liệt của Đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực như sau:

1. Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản:

Năm 2011, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh,... nhờ công tác chỉ đạo phòng, chống khắc phục kịp thời, hiệu quả  nên nhìn chung, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ổn định và có mức tăng khá. Do vậy, nhiều chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2011 đạt và vượt kế hoạch

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (giá cố định 1994) năm 2011 đạt 1.533,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2010. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.050,3 tỷ đồng, tăng 4,1%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 121,5 tỷ đồng, tăng 3,3%; giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 361,7 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2010.

1.1. Nông nghiệp:

a. Trồng trọt:

Vụ Đông Xuân thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ rét đậm, rét hại kéo dài nên một số loại cây trồng không gieo cấy hết diện tích, theo đó tổng diện tích cây hàng năm giảm so cùng kỳ. Tuy vậy, thời kỳ làm đồng và trổ bông gặp nhiều thuận lợi nên năng suất, sản lượng tăng khá so cùng kỳ. Vụ Hè Thu, vụ Mùa thời tiết thuận lợi, mặc dù một số cây trồng diện tích giảm do chậm thời vụ, nhưng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa đạt khá, góp phần tích cực đến kết quả thực hiện cả năm 2011. Sản lượng lương thực các địa phương đều tăng và đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. 

 Diện tích gieo trồng cây hằng năm thực hiện 84.140 ha, so cùng kỳ giảm 0,5%. Trong đó: Cây lương thực 57.365 ha, tăng 1,1%; cây chất bột có củ 10.663 ha, giảm 3,2%; cây thực phẩm 8.254 ha, bằng năm ngoái; cây công nghiệp hàng năm 5.679 ha, giảm 10,3%; cây hàng năm khác 2.179 ha, giảm 0,7%.

Dự ước sản lượng lương thực cả năm 2011 thực hiện 281.502 tấn, tăng 10,8% so cùng kỳ và vượt 6,8% kế hoạch. Trong đó: Sản lượng thóc thực hiện 260.232 tấn, tăng 10,9% so cùng kỳ; lương thực khác thực hiện 21.270 tấn, tăng 9,9% so cùng kỳ.

Kết quả sản xuất một số cây trồng chủ yếu:

- Cây lúa: Diện tích lúa cả năm thực hiện 52.679 ha, tăng 1,1% so cùng kỳ, đạt 104,9% so kế hoạch; năng suất đạt 49,4 tạ/ha, tăng 4,3 tạ; sản lượng đạt 260.232 tấn, tăng 10,9% so cùng kỳ. 

- Cây ngô: Diện tích thực hiện 4.593 ha, tăng 1,3%, năng suất đạt 45,8 tạ/ha, tăng 3,6 tạ, sản lượng đạt 21.033 tấn, tăng 9,9% so năm trước.

- Cây lạc: Diện tích thực hiện 5.132 ha, giảm 10,3%; năng suất 18,6 tạ/ha, tăng 0,8%; sản lượng đạt 9.542 tấn, giảm 6% so cùng kỳ.

- Cây sắn: Diện tích thực hiện 5.726 ha, giảm 2,3%, năng suất đạt 168,0 tạ/ha, tăng 6,6 tạ/ha, sản lượng đạt 96.213 tấn, tăng 1,7% so cùng kỳ.

Cây lâu năm ở các địa phương đang có xu hướng chuyển dần sang cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao thay cho vườn tạp. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây lâu năm toàn tỉnh thực hiện 20.679 ha, tăng 9% so cùng kỳ. Diện tích một số cây trồng chủ yếu như sau: Diện tích cao su 15.703 ha, tăng 11,5%; Diện tích hồ tiêu 908,6 ha, tăng 1,4%; Diện tích cam 193,5 ha, tăng 2,1%; Diện tích quýt 117,8 ha, tăng 2,0%; Diện tích vải 134,5 ha, tăng 4,8%; Diện tích chuối 1.229,8 ha, tăng 3,8% so cùng kỳ.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu như sau: Cam 677 tấn, bằng 98,7%; quýt 465 tấn, bằng 102%; nhãn 266,5 tấn, bằng 124,8%; vãi, chôm chôm 315 tấn, bằng 110,8%; chuối 8.764,5 tấn, bằng 100,9%; xoài 406,1 tấn, bằng 105,3%; hồ tiêu 495 tấn, bằng 104,7%; cao su 5.900 tấn, bằng 106,7% so cùng kỳ.

b. Chăn nuôi:

Chăn nuôi phát triển chậm và có xu hướng giảm sút về cả đàn gia súc và gia cầm. Nguyên nhân do giá cả đầu vào cho sản xuất như thức ăn, thuốc thú y tăng cao hơn giá bán sản phẩm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có dư luận sai lệch về dịch bệnh gia súc gây hoang mang cho người tiêu dùng và người sản xuất nên hạn chế đầu tư và mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm, một số sản phẩm chăn nuôi thấp hơn so cùng kỳ.

Dự ước, đàn gia súc gia cầm có tại thời điểm 01/10/2010 như sau: Đàn trâu 37.620 con, giảm 9,8%; đàn bò 111.308 con, giảm 11,1%; đàn lợn 370.498 con, giảm 4,7%; đàn gia cầm 2.486 ngàn con, giảm 0,2% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù, số đầu con có giảm đáng kể, nhưng trọng lượng xuất chuồng trong năm tăng khá so cùng kỳ: Thịt gia súc xuất chuồng 44.542 tấn, tăng 0,2%, trong đó thịt trâu 2.312 tấn, tăng 12,4%; thịt bò 5.877 tấn, tăng 9,8%; thịt lợn hơi 36.353 tấn, giảm 1,9% so cùng kỳ năm trước. Do diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp, điều kiện chăn nuôi khó khăn nên nhiều hộ nông dân bán trâu, bò để chuyển sang kinh doanh ngành khác. 

1.2. Lâm nghiệp:

Ngành lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ được chú trọng, khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên đang được hạn chế dần.

Khai thác lâm sản: Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng cao, chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm giấy trên địa bàn. Dự ước, sản lượng gỗ khai thác 118.825 m3, tăng 2,9% so cùng kỳ; trong đó, gỗ nguyên liệu giấy 97.156 m3, tăng 24,1% so cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác 424.384 ste, giảm 2,0% so cùng kỳ.

Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng: Dự ước diện tích rừng trồng tập trung thực hiện 5.003 ha, giảm 1,6% so cùng kỳ và bằng 100% so kế hoạch. Trong đó, rừng phòng hộ trồng mới 800 ha, rừng sản xuất trồng mới 4.203 ha. Cây phân tán trồng hơn 4 triệu cây, giảm 1,4% so cùng kỳ, tăng 0,9% so kế hoạch. Diện tích rừng trồng được chăm sóc là 14.413  ha, tăng 1,3%.

Diện tích rừng được giao bảo vệ 60.134 ha, tăng 7,8% so cùng kỳ, tăng 0,2% so kế hoạch. Công tác quản lý và phòng, chống cháy rừng được các đơn vị, địa phương chú trọng. Triển khai thực hiện công tác PCCR thuận lợi và đạt kết quả cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về PCCR trong nhân dân được thực hiện đồng bộ, thường xuyên.

1.3. Thuỷ sản:

Năm 2011, điều kiện thời tiết trong năm có nhiều diển biến phức tạp, đầu năm rét đậm kéo dài, thời vụ nuôi trồng bị chậm trể đã gây ảnh hưởng đến  kết quả sản xuất của ngành thuỷ sản trong năm nay. Sản lượng đạt thấp và tăng chậm so cùng kỳ cả về nuôi trồng và đánh bắt. Dự ước sản lượng thuỷ sản năm 2011 thực hiện 51.941 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ, tăng 3,9% so kế hoạch.

a. Nuôi trồng: Năm 2011 diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh thực hiện 4.632,6 ha, giảm 1,8% so cùng kỳ (giảm chủ yếu là diện tích nuôi cá trên ruộng lúa). Dự ước, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2011 thực hiện 9.112,5 tấn, tăng 7,9% so cùng kỳ. Trong đó: Cá các loại  4.689 tấn, giảm 1,9 %; tôm các loại 4.064,1 tấn, tăng 22,8%; thuỷ sản khác 359,3 tấn, tăng 2% so cùng kỳ.

b. Khai thác: Cùng với các chủ trương, chính sách và giải pháp tích cực của Nhà nước, của lãnh đạo các cấp  địa phương nên hoạt động đánh bắt thuỷ sản cơ bản ổn định.

Số lượng tàu thuyền khai thác hải sản cơ giới hiện có 5.445 chiếc, giảm 265 chiếc; tổng công suất 181.814 CV, tăng 5.905 CV. Riêng số lượng tàu 90 CV trở lên có 390 chiếc, tăng 52 chiếc; tổng công suất 51.392 CV, tăng 820 CV.

Dự ước, sản lượng thuỷ sản khai thác cả năm 42.829,3 tấn, so cùng kỳ  tăng 5,2% và tăng 11,5% kế hoạch. Trong đó: Cá các loại 35.073,4 tấn, tăng 5,2%; tôm các loại 977,9 tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác 6.778 tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ. Riêng khai thác biển thực hiện 40.358,7 tấn, so cùng kỳ tăng 5,3 %. Cụ thể: Cá các loại 30.073,4 tấn, tăng 5,5 %; tôm các loại 977,9 tấn, tăng 3,4%; thuỷ sản khác 6.778 tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp:

Năm 2011, sản xuất công nghiệp không đạt kế hoạch đề ra (KH đã được điều chỉnh từ 20-21% xuống 16-17%), dự ước giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định năm 2011 thực hiện 4.046 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2010 với điều kiên toàn ngành công nghiệp nổ lực với quyết tâm lớn, đưa các dây chuyền sản xuất mới vào vận hành đúng công suất.

Theo loại hình kinh tế, kinh tế nhà nước ước đạt 1.743,4 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ, (kinh tế nhà nước Trung ương ước đạt: 1.617,7 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ; kinh tế nhà nước địa phương ước đạt 125,7 tỷ đồng, tăng 47,2% so cùng kỳ năm trước); kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2.286,9 tỷ đồng, tăng 14,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,55 tỷ đồng, giảm 33,3% so cùng kỳ năm trước.

Theo ngành kinh tế, ước thực hiện cả năm 2011 giá trị sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại đạt 2.169,2 tỷ đồng, tăng 19,6%; ngành sản xuất hoá chất đạt 252,5 tỷ đồng, tăng 48,2%; ngành chế biến gỗ tre, nứa đạt 355,5 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ; ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống đạt 460 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ; ngành công nghiệp may đạt 45,8 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ; ngành công nghiệp sản xuất giường tủ bàn ghế dự kiến thực hiện đạt 147 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ; công nghiệp điện nước dự kiến thực hiện đạt 82,4 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ…

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 không đạt so với kế hoạch do những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Kế hoạch đặt ra đầu năm 2011 quá cao so với thực lực của nền kinh tế (20-21%) do chưa tính đến độ trễ của công trình đầu tư và chưa tính đến thời gian hoàn thiện sản phẩm và sản phẩm đó có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

- Năng lực sản xuất của một số nhà máy chủ lực của ngành công nghiệp đang tiến tới mức sản lượng tiềm năng, bảo hoà công suất, không có năng lực mới tăng thêm do đó tốc độ tăng trưởng không đột biến như năm trước.  

- Chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng quá cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Những đơn vị có năng lực lớn thì duy trì hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.

3. Đầu tư xây dựng cơ bản:

Thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ, một số công trình kém hiệu quả, công trình chưa cấp bách được cắt giảm, vì vậy, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2011 tăng chậm.

Khối lượng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2011 ước thực hiện 3.880 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2010, trong đó vốn trong nước trên địa bàn ước thực hiện 3.792 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2010 (vốn đầu tư do Trung ương quản lý ước thực hiện 239 tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm 2010; vốn đầu tư do địa phương quản lý ước thực hiện 3.553 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2010) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 88 tỷ đồng, giảm 75,2% so với năm 2010.

Năm 2011, tình hình thực hiện vốn đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn gặp nhiều trở ngại, nhiều công trình vốn đầu tư nhà nước bị cắt giảm so với kế hoạch được giao. Hiện nay việc phân bổ nguồn vốn cho các công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh, huyện được các cấp lãnh đạo xem xét, ưu tiên các công trình quan trọng như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, y tế, giáo dục…Công tác giải ngân được quan tâm, tập trung chủ yếu cho công trình hoàn thành, công trình trả nợ, công trình chuyển tiếp. Các công trình được quan tâm đầu tư là các công trình thuỷ lợi, tu sửa nâng cấp đê điều, hồ chứa, kè sông biển, đường giao thông, chương trình nước sạch, trường học và khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2010.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ:

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:

Trong năm 2011, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chỉ số lạm phát tăng cao trên 2 con số, tình hình lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn  cũng gặp khó khăn. Doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng đẩy giá cả hàng hoá tăng nên khó tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, các biện pháp tài khóa thắt chặt tiền tệ và chi tiêu của Chính phủ dẫn đến sự tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp khó khăn, tiêu dùng của Nhà nước và người dân giảm, vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2011 tăng, nhưng mức tăng không bằng những năm trước.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2011 ước đạt 11.993 tỷ đồng, tăng 25,4% so năm trước, so sánh theo giá thực tế thì mức tăng này khá cao nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức năm nay tăng 4,76%, mức tăng thấp nhất so những năm gần đây (năm trước tăng 13%). Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2011, ngành thương nghiệp chiếm 84,8%; du lịch, khách sạn, nhà hàng chiếm 8,3%; dịch vụ chiếm 6,9%.

Theo thành phần kinh tế:

Dự ước năm 2011, kinh tế Nhà nước đạt 962,2 tỷ đồng, tăng 33,7%; kinh tế tập thể đạt 13,2 tỷ đồng, giảm 13,8% của năm trước; kinh tế cá thể đạt 6.993,3 tỷ đồng, tăng 21,2%; kinh tế tư nhân đạt 4.023,1 tỷ đồng, tăng 31,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,52 tỷ đồng, giảm 58,7% so năm trước.

Theo ngành kinh tế:

Dự ước năm 2011, ngành thương nghiệp đạt 10.175,3 tỷ đồng, tăng 27,1% so năm trước; ngành lưu trú và ăn uống, ước đạt 962,6 tỷ đồng, tăng 8,9%; du lịch lữ hành ước đạt 30,4 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm trước, do năm nay động Thiên Đường đã được đưa vào khai thác cộng với giá vé động Phong Nha tăng; ngành dịch vụ năm 2011 ước đạt 825 tỷ đồng, tăng 25,9% so năm trước.

b. Tình hình khách du lịch

Năm 2011, động Thiên Đường đưa vào khai thác đã làm tăng lượt khách đến du lịch. Cụ thể, năm 2011, dự ước số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 968,8 ngàn lượt khách, tăng 13% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 26,2 ngàn lượt, tăng 2,2% so cùng kỳ.

Trong tổng số khách du lịch đến Quảng Bình, khách lữ hành năm 2011 ước đạt 365,9 ngàn lượt khách, tăng 19,5% so cùng kỳ, khách quốc tế ước đạt 11,5 ngàn lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ.

c. Xuất nhập khẩu

- Xuất khẩu:

Mặc dù nguồn hàng địa phương hạn chế, nhưng nhờ khai thác nguồn hàng bên ngoài và giá cả tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng so năm trước và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dự ước cả năm 2011 đạt 150,7 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2010 và vượt 37% kế hoạch năm. Trong đó, kinh tế ngoài nhà nước đạt 146,2 triệu USD, chiếm 97,5%, kinh tế nhà nước đạt 3,5 triệu USD, chiếm 2,3%. Xuất khẩu trực tiếp chiếm 87,6%, xuất khẩu uỷ thác chiếm 12,4%.

Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu như sau:

+ Cao su ước năm 2011 xuất 26,4 ngàn tấn, so với cùng kỳ giảm 16,6%. Về trị giá đạt 103,6 triệu USD, chiếm 68,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với cùng kỳ giảm 3,6%;

+ Gỗ các loại xuất 15,2 ngàn m3, tăng 30,7% so cùng kỳ năm trước;

+ Dăm gỗ khô xuất 170 ngàn tấn, tăng 80,8% so năm 2010;

+ Thuỷ sản xuất 152,4 tấn, giảm 49,7% so cùng kỳ;

+ Ngoài ra còn có một số mặt hàng khác như quặng titan 31,2 ngàn tấn, nhựa thông 1,68 ngàn tấn...

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2011 tăng 8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá một số mặt hàng tăng cao so cùng kỳ như: Giá cao su tăng 23%; gỗ tăng 22 %, nhựa thông tăng 25%... đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra, nhưng thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh ta chưa vững chắc: Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thuộc về hàng nông sản và lâm sản; hầu hết là nguyên liệu sơ chế, giá trị công nghệ kết tinh thấp; hàng có nguồn gốc của địa phương chiếm tỷ lệ thấp, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

- Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu trong năm 2011 đạt 40 triệu, đạt 100,1% kế hoạch năm và giảm 39% so với năm 2010. Trong tổng số kim ngạch nhập khẩu, 100% nhập khẩu trực tiếp, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 99,8%, và 100% hàng hóa nhập khẩu là tư liệu sản xuất.

Nhìn chung, hoạt động nhập khẩu của tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Ngoài việc nhập khẩu gỗ để phục vụ cho tái xuất (chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh), còn lại là nhập nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong tỉnh như: chế biến dược phẩm, nhôm thanh.... Do đó, nhập khẩu phụ thuộc lớn vào tình hình nhập khẩu gỗ của Lào.

 d. Giá cả

  Giá cả thị trường năm 2011 có nhiều biến động phức tạp, chỉ số giá bình quân  năm 2011 tăng 19,42% so năm trước, so với tháng 12 năm 2010 tăng 17,89% so cùng kỳ. Đặc biệt 2 quý đầu năm chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, do sự tăng giá của nhiều mặt hàng chủ yếu như thực phẩm, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng, giá điện... Đến cuối quý 3, giá cả một số hàng hoá và dịch vụ vẫn tăng song tăng chậm, chỉ số giá tiêu dùng đã “giảm tốc” đáng kể. Đây là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng đã ổn định nhiều so với đầu năm, tuy vậy, dự ước 2 tháng cuối năm 2011 giá cả có thể sẽ tăng trở lại do chuẩn bị Tết Nguyên đán. Vì vậy, để điều tiết giá cả thị trường cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát, bình ổn giá cả nhất là các mặt hàng về lương thực, thực phẩm và nhu cầu chi tiêu vào các tháng cuối năm để đảm bảo hiệu quả của các chính sách vĩ mô đã ban hành.

e. Hoạt động vận tải

Mạng lưới giao thông được duy trì và phát triển một cách toàn diện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Doanh thu vận tải năm 2011 ước đạt 1.496 tỷ đồng, tăng 28,1% so với năm 2010.

Về hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển năm 2011 ước đạt 11.844 ngàn tấn, tăng 19,9% so cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển năm 2011 ước đạt 487.921 ngàn tấn.km tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2010.

Về hành khách: Khối lượng hành khách vận chuyển năm 2011 ước đạt 14.263 ngàn người, tăng 19,2% so 2010. Khối lượng hành khách luân chuyển năm 2011 đạt 523.227 ngàn người.km, tăng 11,2% so 2010.

5. Thu chi ngân sách nhà nước:

Năm 2011 công tác thu chi, điều hành, quản lý ngân sách được đảm bảo và kịp thời. Mặc dù có nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế và thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, nhân viên ngành Thuế, vì vậy thu NSNN vẫn đạt khá.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 ước 1.575,7 tỷ đồng, tăng 6,6% so với dự toán địa phương và tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa 1.430,7 tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán địa phương, tăng 7,4% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 145 tỷ đồng, tăng 20,8% so với dự toán, giảm 16,3% so với cùng kỳ.

Thu từ doanh nghiệp nhà nước tuy không đạt dự toán nhưng có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: thu từ DN nhà nước Trung ương 112 tỷ đồng, bằng 80% so với dự toán, tăng 5,7% so với cùng kỳ; thu từ DN nhà nước địa phương 135 tỷ đồng, bằng 82% DT, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Các khoản thu khác vừa tăng so dự toán vừa có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ gồm: thu thuế CTN - DV ngoài quốc doanh 294 tỷ đồng, tăng 9,3% so với dự toán, tăng 27,1% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 78 tỷ đồng, tăng 31,2% so với dự toán, tăng 29,1% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân 33,7 tỷ đồng, tăng 53,2% so với dự toán, tăng 41% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất 350 tỷ đồng, tăng 16,7% so với dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước 5.179 tỷ đồng, tăng 9,8% so dự toán địa phương và tăng 9,2% so năm 2010. Nhìn chung các khoản chi đáp ứng nhu cầu hoạt động bình thường của xã hội và hoạt động của bộ máy quản lý.

II. Văn hóa xã hội:

1. Giáo dục và Đào tạo:

Kết thúc năm học 2010 - 2011 là năm có tỷ lệ tốt nghiệp cấp III đạt cao nhất kể từ khi thực hiện cuộc vận đông “hai không” trong giáo dục. Tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT 99,3%, khối Bổ túc THPT tỷ lệ đổ tốt nghiệp 100%.

Tình trạng học sinh bỏ học trong năm học 2010-2011 đã giảm nhiều so với năm học trước, toàn tỉnh có em học sinh bỏ học, giảm so năm học trước em, tỷ lệ bỏ học trong năm học: tiểu học: 0,01% trung học cơ sở: 0,67%; trung học phổ thông: 1,52%,

Năm học mới 2011-2012 được tiến hành trong phong trào tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học mới 2011-2012, toàn tỉnh có 582 trường mầm non, mẫu giáo và trường phổ thông, tăng 03 trường so với năm học 2010 - 2011; gồm 1 trường mầm non, 1  trường tiểu học và 1 trường phổ thông trung học. 

Về giáo dục mầm non: Tổng số cháu đi nhà trẻ 5.901 cháu, tăng 1.812 cháu, tổng số cháu đi mẫu giáo 37.104 cháu, tăng 2.196 cháu so với năm học 2010 - 2011.

          Về giáo dục phổ thông: Tổng số học sinh 161.874 em, giảm 4.846 em so năm học 2010 - 2011, trong đó: tiểu học 71.539 em, tăng 479 em; trung học cơ sở 56.092 em, giảm 2.584 em; trung học phổ thông 34.243 em, giảm 2.741 em.

Cơ sở vật chất của các trường cũng được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hơn nên năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 6.853 phòng học, trong đó phòng kiên cố 4.389 phòng, phòng bán kiên cố 2.055, phòng học bộ môn: 779 phòng, phòng thư viện: 487 phòng, phòng thiết bị 355 phòng, phòng làm việc 1.559 phòng.

Chương trình phổ cập giáo dục tiếp tục được triển khai mạnh tại các địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia PCGDTH - CMC, có 6/7 huyện, thành phố với 152/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH - ĐĐT (đạt 95,6%), 7/7 huyện, thành phố với 158/159 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (đạt 99,37%) năm học 2010 - 2011.

Đào tạo: Năm học 2011- 2012 trường Đại Học Quảng Bình và các trường Trung học chuyên nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, phát triển thêm một số ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập nghề nghiệp của con em nhân dân, góp phần tạo thêm nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Năm 2011 Trường Đại học Quảng Bình được giao 1.200 chỉ tiêu, trong đó có 700 chỉ tiêu đại học, 500 chỉ tiêu cao đẳng; 2011-2012 trường Đại học Quảng Bình  tổ chức thi tuyển theo đúng thời gian quy định của bộ, và điểm trúng tuyển dựa trên điểm sàn của bộ kết hợp với chỉ tiêu  của từng phân ngành. Số lượng sinh viên trường Đại học Quảng Bình và trường THCN hệ chính quy dài hạn tại Quảng Bình năm nay sơ bộ như sau:

- Hệ đại học chính quy dài hạn: Quy mô sinh viên đại học dài hạn 1.918 người, chỉ tiêu tuyển mới là 700 người, thực tế tuyển mới 390 người, đạt 55,7% kế hoạch tuyển sinh.

- Hệ cao đẳng chính quy dài hạn: Quy mô sinh viên cao đẳng hệ chính quy dài hạn 1.119 người, chỉ tiêu tuyển mới là 500 người, thực tế tuyển mới 253 người, đạt 50,6% kế hoạch tuyển sinh.

- Hệ trung học chuyên nghiệp chính quy dài hạn: Quy mô học sinh trung học chuyên nghiệp 2.101 người, chỉ tiêu tuyển mới năm học 2011-2012 là 1.850 người, thực tế tuyển mới 976 người, đạt 52,76% kế hoạch tuyển sinh.

- Hệ đào tạo nghề dài han: quy mô học sinh đào tạo nghề dài hạn 3.506 người, chỉ tiêu tuyển mới năm học 2011-2012  là 2.550, thực tế tuyển mới 1.358 người, đạt 53,25% kế hoach tuyển sinh.

Nhìn chung, năm học 2011-2012 trường Đại Học Quảng Bình và các trường Trung học chuyên nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, phát triển thêm một số ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập nghề nghiệp của con em nhân dân. Tuy vậy số học sinh tuyển mới còn đạt quá thấp so với kế hoạch tuyển sinh, nguyên nhân chủ yếu là do kết quả điểm thi của các thí sinh dự thi quá thấp không đủ điều kiện và tiêu chuẩn để tuyển mới.

2. Công tác y tế:

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, ngành Y tế đã chỉ đạo duy trì và phát huy hoạt động của trạm Y tế và mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã phối hợp với phòng Y tế nhằm tăng cường chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và thực hiện các chương trình y tế cộng đồng ngày càng tốt hơn.

          Đến nay toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế, 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Đã có 114/159 (đạt tỷ lệ 71,7%) trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia; trong đó: Đồng Hới có 14/16 xã (87,5%), Minh Hoá có 12/16 xã (75,0%), Tuyên Hoá có 7/20 xã (35,0%), Quảng Trạch có 23/34 xã (67,6%), Bố Trạch có 28/30 xã (93,3%), Quảng Ninh có 10/15 xã (66,7%), Lệ Thuỷ có 20/28 xã (71,4%).

Về hoạt động, nhìn chung các trạm y tế đã tuân thủ thực hiện các chế độ chuyên môn theo quy định trong khám chữa bệnh; triển khai có hiệu quả các chương trình y tế tại cộng đồng; đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được quản lý và phát huy hiệu quả công tác, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đạt cao; công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá.

Công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xẩy ra: 3.342 trường hợp tiêu chảy; 567 trường hợp lỵ trực trùng; 1.325 trường hợp lỵ a míp; 5 trường hợp sốt xuất huyết; 5 trường hợp viêm não vi rút; 150 trường hợp viêm gan vi rút; 759 trường hợp thủy đậu; 200 trường hợp quai bị; 12.194 trường hợp cúm; 306 trường hợp Rubella... Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra. Dịch tay - chân - miệng đã rải rác xẩy ra tại các địa phương trong tỉnh, tính đến nay đã có 69 trường hợp mắc tay - chân - miệng ở một số địa bàn 7 huyện, thành phố.

3. Hoạt động văn hoá - thể thao:   

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.  Đã tổ chức tốt “Tuần văn hóa du lịch Quảng Bình năm 2011” nhằm quảng bá về Du lịch hang động và du lịch biển ở Quảng Bình

Công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định cấp phép tiếp tục được chú trọng, góp phần làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh. Từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra 93 cơ sở kinh doanh, các ngành chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 28 cơ sở, trong đó đã phạt tiền 19 cơ sở với số tiền 34,35 triệu đồng, phạt cảnh cáo 9 cơ sở. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan đối với 8 cơ sở kinh doanh buôn bán có liên quan đến bản quyền chương trình phần mềm máy tính.

Đến nay, Rạp chiếu bóng 15/7 và 5 đội Chiếu bóng lưu động đã tổ chức 468 buổi chiếu phục vụ trên 35 ngàn lượt người xem, đặc biệt là nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

  Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì, triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 146.068 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 78%; 522/1.240 làng, thôn, bản, khu phố văn hóa, đạt 42%; 513 cơ quan đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá.

  Phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa ngày càng được nhân dân đồng tình và tự nguyện tham gia. Toàn tỉnh hiện có 1.202 thôn, làng, bản, tổ dân phố thực hiện tốt nếp sống văn minh trong đó có 1.193 tổng số quy ước, hương ước; 82 làng, tổ dân phố đạt văn hoá tiêu biểu, 396 câu lạc bộ gia đình văn hoá...

Hoạt động thể thao quần chúng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ước đạt 27,2%.

Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình ngày càng có những bước tiến vững chắc trên đấu trường toàn quốc và quốc tế. Tính đến 31/10/2011, các đội tuyển thể thao Quảng Bình đã tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được tổng cộng 141 huy chương các loại (47 HCV, 50 HCB,  44 HCĐ). Trong đó có 06 HC quốc tế (2 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ).

4. Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm:

Công tác xoá đói giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia đạt được kết quả tích cực. Dự ước năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới toàn tỉnh là 21,17%, giảm 4,0%.

Cuộc vận động Ngày vì người nghèo đã thu được 7.576,9 triệu đồng, số tiền trên được phân bổ cho các địa phương và tập trung hổ trợ xoá 1.975 nhà tạm cho các hộ nghèo với tổng số tiền 11.875 triệu đồng (hỗ trợ 5 triệu đồng /nhà), góp phần thực hiện chương trình xoá nhà tạm cho các hộ nghèo trong năm 2011 theo kế hoạch của tỉnh.

Công tác đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được duy trì. Từ đầu năm đến nay đã vận động được 82 đơn vị và các cá nhân trên trên toàn tỉnh đóng góp được 472,787 triệu đồng.

Công tác giải quyết việc làm đang được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Dự ước năm 2011, số lao động được giải quyết việc làm cho 31.209 người có việc làm, trong đó tạo việc làm mới cho 20.176 lao động và tạo thêm việc làm cho 11.033 lao động.

5. Tình hình thiệt hại lũ lụt:

Trong tháng 10, Quảng Bình chịu ảnh hưởng của bão và những trận lũ lớn xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ước tình hình thiệt hại như sau: Toàn tỉnh có 9 người chết; 21 người bị thương; 9 nhà bị sập; 10 nhà bị hư hỏng nặng; 52.927 ngôi nhà bị ngập nước; 700 ha lúa và 3.668 ha hoa màu, 44 ha cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả bị ngập và hư hại; 16 con trâu bò, 215 con lợn, 51.350 con gia cầm, bị nước lũ cuốn trôi; 600 tấn thóc giống, 17.120 tấn lúa, bị ngập ướt và hư hại một phần; 128 trường học bị ngập và hư hại một phần; trạm y tế bị ngập 21 trạm; 822 ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập và thiệt hại; các công trình thuỷ lợi, các công trình đê bao, kè, các tuyến đường giao thông bị sạt lở cuốn trôi; cầu, cống  bị phá huỷ và hư hỏng ... Huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ là 2 huyện có thiệt hại nặng nhất. Sơ bộ giá trị thiệt hại trong cả 3 đợt lũ toàn tỉnh là: 357,5 tỷ đồng.

Ngay sau đợt lũ, các ngành, các cấp kịp thời tiến hành kiểm tra các vùng bị ngập, đồng thời đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn bị ngập, khắc phục tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra. Huy động lực lượng dọn vệ sinh, đặc biệt những vùng thấp trũng; chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực để khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, nhất là công trình thủy lợi để kịp thời sản xuất vụ Đông Xuân 2011-2012.

6. Tình hình trật tự an toàn xã hội:

- An toàn giao thông:

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tính từ đầu năm đến 30/11/2011 toàn tỉnh đã xẩy ra 715 vụ tai nạn giao thông, tăng 134 vụ so cùng kỳ năm 2010, trong đó đường bộ 706 vụ, tăng 135 vụ; đường sắt xẩy ra 9 vụ, giảm 1 vụ. Số người chết do tai nạn giao thông 181 người, giảm 34 người, trong đó đường bộ chết 172 người, giảm 33 người so cùng kỳ; đường sắt chết 9 người, giảm 1 người so cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 752 người, tăng 187 người so với năm 2010, trong đó đường bộ bị thương 750 người, tăng 186 người so với cùng kỳ, đường sắt 2 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm trước.

- An toàn xã hội và pháp luật:

11 tháng năm 2011, tình hình an ninh chính trị trên các địa bàn của tỉnh cơ bản ổn định; Tuy vậy, tình hình an toàn xã hội và pháp luật 11 tháng năm 2010  diễn biến khá phức tạp, các loại tội phạm có xu hướng tăng đáng kể về số lượng đối tượng phạm tội, cụ thể:

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn của tỉnh không xẩy ra cháy nổ và vi phạm môi trường bị phát hiện. Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 11 năm 2011 phạm pháp kinh tế không xẩy ra; phạm pháp hình sự 37 vụ với 75 đối tượng phạm tội, so tháng 11 năm 2010 số vụ giảm 17 vụ, đối tượng phạm tội tăng 21 người. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2011, phạm pháp kinh tế 4 vụ với 5 đối tượng vi phạm, so với cùng kỳ năm 2010 số vụ giảm 2 vụ, đối tượng phạm tội giảm 8 người; phạm pháp hình sự 509 vụ với 887 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2010 số vụ giảm 8 vụ, đối tượng phạm tội tăng 384 người. Đối tượng phạm tội chủ yếu là do uống rượu, gây gổ đánh nhau, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.

Tệ nạn ma túy: Trong tháng 11 năm 2011, buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 4 vụ với 10 đối tượng vi phạm, so tháng 11 năm 2010 số vụ tăng 3 vụ và đối tượng vi phạm tăng 9 người. Sử dụng ma túy bị phát hiện 5 vụ với 5 đối tượng vi phạm, so tháng 11 năm 2010 số vụ tăng 4 vụ và đối tượng vi phạm tăng 4 người. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2011, buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 44 vụ với 73 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2010 số vụ tăng 19 vụ và đối tượng vi phạm tăng 38 người. Sử dụng ma túy bị phát hiện 21 vụ với 43 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2010 tăng 7 vụ và đối tượng vi phạm tăng 8 người. Số vụ mại dâm bị phát hiện 3 vụ với 15 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2010 giảm 2 vụ và giảm 8 đối tượng vi phạm.

Nhìn chung, các loại tội phạm trên có xu hướng tăng đáng kể cả về số vụ và đối tượng phạm tội. Một số tệ nạn như: sử dụng và buôn bán, tàng trữ ma tuý, tệ nạn mại dâm... ngày càng được tổ chức hoạt động hết sức tinh vi, do đó số vụ bị phát hiện còn thấp so với thực tế. Đáng chú ý là một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân lên đến hàng trăm tỷ đồng phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đã ảnh hưởng xấu đến đời sống một số hộ dân cư bị lừa đảo và trật tự an toàn xã hội.

Tóm lại: năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế xã hội cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng có những diễn biến phức tạp, tuy vậy, kinh tế Quảng Bình đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những điểm sáng thể hiện thành tựu đạt được, kinh tế - xã hội tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức, cụ thể như sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt so với kế hoạch (KH đã điều chỉnh) nhưng thiếu vững chắc. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra, những chỉ số về IIP và chỉ số hàng tồn kho sản phẩm công nghiêp là những tín hiệu cảnh báo về tình hình sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với bất ổn, nếu kéo dài sẽ tác động xấu đến tăng trưởng.

- Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều và chưa công khai các công trình kém hiệu quả, tình trạng vay vốn ngân hàng đầu cơ đất đai diển ra trong thời gian dài đã tạo nên những cơn sốt bong bóng gây bất ổn cho sự phát triển kinh tế.

- Sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản tuy GTSX đạt kế hoạch đề ra, nhưng đi sâu vào nội bộ ngành, lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản giảm sút mạnh, người dân không còn quan tân đầu tư mà đang giảm dần cả về số lượng lẫn quy mô sản xuất.

- Trong điều kiện lạm phát tăng cao, đời sống người dân, nhất là bộ phận người dân nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Việc nhiều doanh nghiệp hạn chế hoặc ngừng sản xuất do điều kiện kinh doanh khó khăn do lãi suất ngân hàng lên cao đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

- Vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nạn buôn bán, sử dụng ma tuý, mại dâm, cờ bạc, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra với chiều hướng tăng; mặc dù chính quyền các cấp có biện pháp ngăn chặn nhưng nạn chặt phá rừng vẫn còn xảy ra.

Để nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung làm tốt một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu.

Hai là, kiểm soát giá tiêu dùng, phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp dưới 1 con số nhằm nâng cao lòng tin của xã hội, để ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới.

Ba là, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới. Có các cơ chế chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ phục hồi đàn gia súc, gia cầm. Quy hoạch xây dựng các vùng nuôi trồng thuỷ sản bền vững, chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản tại địa phương. Xây dựng các mô hình tổ hợp tác đánh bắt hải sản nhằm hoạt động đánh bắt xa bờ có hiệu quả hơn. Xây dựng các phương án phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê, hồ, đập kênh mương thủy lợi hay có nguy cơ bị sạt lở khi mưa, lũ.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Quy định việc chi tiêu mua sắm, đầu tư công phải sử dụng những hàng hóa, thiết bị, máy móc đã sản xuất được trong nước và thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Năm là, tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sử dụng có hiệu quả nhất thời kỳ lao động độ tuổi vàng và xem đây là một lợi thế quan trọng. Củng cố mạng lưới an sinh xã hội với 3 nội dung: an sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, trị an trên địa bàn, triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất./.

[Trở về]