Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 tỉnh Quảng Bình 
      Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 toàn tỉnh đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của sự cố môi trường biển, 2 trận lũ năm 2016 và ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 10 xảy ra trong tháng 9 năm 2017. Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ; Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp, trọng tâm là sớm hoàn thành công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển; tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia đánh bắt ở các vùng biển xa; tăng cường các biện pháp để ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục hậu quả của bão số 10, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói; triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm; đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra, đến nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra; nông nghiệp được mùa toàn diện, sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay; sản xuất lâm nghiệp phát triển theo hướng đẩy mạnh khai thác gỗ rừng trồng; khai thác thuỷ sản đã cơ bản ổn định, sản lượng thuỷ sản khai thác tăng cao; hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ; giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, thu ngân sách đạt khá; hoàn thành đền bù giai đoạn 2 thiệt hại do sự cố môi trường biển; tình hình an ninh chính trị cơ bản ổn định…

Một số chỉ tiêu chủ yếu tạm tính thực hiện năm 2017 như sau:

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,62% (Nghị quyết HĐND 6,5%); trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,82%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,82%, khu vực dịch vụ tăng 6,50%;

2. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 6,17% (Nghị quyết HĐND 3,5%);

3. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,17% (Nghị quyết HĐND 9,5%);

4. Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 6,92% (Nghị quyết HĐND 7,5%);

5. Cơ cấu GRDP: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 18,44%;  khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,33% (bao gồm cả thuế sản phẩm); khu vực dịch vụ chiếm 55,23%;

6. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.753,8 tỷ đồng (Nghị quyết HĐND 12.000 tỷ đồng);

7. GRDP bình quân đầu người đạt 34,6 triệu đồng (Nghị quyết HĐND 31 triệu đồng);

8. Có thêm số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới: 9 xã (Nghị quyết HĐND 8 xã);

9. Giải quyết việc làm cho 3,59 vạn lao động (Nghị quyết HĐND 3,5 vạn lao động);

10. Tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2016: 2,3% (Nghị quyết HĐND từ 2-2,5%);

11. Tốc độ tăng dân số đạt 0,53% (Nghị quyết HĐND 0,65%);

12. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,74%. Trong đó: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,66% (Nghị quyết HĐND 99,65%);

13. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế 86,16% (Nghị quyết HĐND 84,3%);

14. Số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân đạt 36,4 giường (Nghị quyết HĐND 22 giường);

15. Số dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,8% (Nghị quyết HĐND 86,57%);

16. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn phổ cập trung học cơ sở (mức độ III) đạt 56,6% (Nghị quyết HĐND 50,9%);

17. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,1% (Nghị quyết HĐND 63%);

18. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 97,2% (Nghị quyết HĐND 97,2%);

19. Tỷ lệ hộ nông thôn được cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh đạt 88% (Nghị quyết HĐND 87%);

I. KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2017 tăng 6,62% so với năm 2016. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,82%, đóng góp 1,08 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,82%, đóng góp 1,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,50%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,13%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2017 (%)

 

Tốc độ tăng năm 2017 so với năm 2016

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng năm 2017

Tổng số

6,62

6,62

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

5,82

1,08

Công nghiệp và xây dựng

7,82

1,85

Dịch vụ

6,50

3,57

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

4,13

0,13

Cơ cấu GRDP: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 18,44%, giảm 2,05 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 23,37%, tăng 0,54 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 55,23%, tăng 1,58 điểm phần trăm so với năm 2016; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,96%, giảm 0,07 điểm phần trăm.

Trong ba khu vực, có 2 khu vực: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng cao. Riêng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng thấp so với năm trước.

Năm nay nhiều loại cây trồng được mùa, sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay, sản lượng thuỷ sản tăng khá cao nên tác động làm giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng cao. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng năm trước, do năm 2017 ngành công nghiệp không có sản phẩm mới có giá trị cao; ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao (7,57%), nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2016. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, do hoạt động du lịch có sự phục hồi tốt, lượng khách du lịch tăng cao nên đã góp phần tăng doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận tải, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ…

2. Tài chính, ngân hàng

a. Thu, chi ngân sách Nhà  nước

Ước thu ngân sách nhà nước năm 2017 trên địa bàn thực hiện 3.350 tỷ đồng, đạt 114,1% dự toán địa phương giao, tăng 2,7% so với năm 2016. Trong đó thu nội địa ước thực hiện 3.230 tỷ đồng, đạt 114,1% so với dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 120 tỷ đồng, đạt 56,1% so với dự toán và giảm 5,9% so với năm 2016.

Trong thu nội địa có 8/15 khoản thu ước đạt và vượt kế hoạch, như: Thu tiền thuê đất ước đạt 186,7%, thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 128,7%, thu phí - lệ phí ước đạt 147,5%, thu tiền sử dụng đất ước đạt 105,3% so với dự toán địa phương. Có 7 khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng không hoàn thành kế hoạch, đó là: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương ước đạt 87,1%, thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 94%, thu thuế trước bạ đạt 82,1%, thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 86,5%, thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 77,8%, thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 86,1% dự toán địa phương giao.

Chi ngân sách Nhà nước địa phương năm 2017 ước đạt 10.069,8 tỷ đồng, bằng 91,5% so với năm 2016. Trong đó:

- Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 2.972,1 tỷ đồng, bằng 80,2% so với năm 2016.

+ Chi xây dựng cơ bản 2.966 tỷ đồng, bằng 80,1% so với năm 2016.

+ Chi hỗ trợ doanh nghiệp 1 tỷ đồng.

          - Chi thường xuyên ước thực hiện 7.097,7 tỷ đồng, đạt 108% so với dự toán và bằng 97,2% so với năm 2016.

b. Ngân hàng

         - Thực hiện các Chương trình tín dụng: Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay theo NĐ 67/2014/NĐ-CP; cho vay theo NĐ 55/2015/NĐ-CP; cho vay thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới; lĩnh vực xuất khẩu; cho vay DNNVV, lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ,... Có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các gói tín dụng một cách chủ động từ các Ngân hàng. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ DN theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Chỉ đạo tập trung ưu tiên vốn vay cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên.Ưu tiên cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách,...

          - Tình hình thực hiện lãi suất: Các TCTD trên địa bàn thực hiện đúng các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tiền gửi của tổ chức, cá nhân; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo Quyết định 1425/QĐ-NHNN, ngày 07/7/2017 của NHNN. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Thưc hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên... Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 7,0-9,5%, khách hàng tốt, từ 5,5-6%; trung, dài hạn từ 9-11% và cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 6,5-7,5%.

  - Huy động vốn: Dự ước cuối năm 2017, tổng nguồn vốn huy động đạt 32.800 tỷ đồng, tăng 19,8% so đầu năm.

- Dư nợ cho vay: Năm 2017, các TCTD trên địa bàn tích cực chủ động tìm kiếm đối tượng, dự án và khách hàng có năng lực, khách hàng tốt để cho vay, với mục tiêu mở rộng quy mô dư nợ gắn liền với cải thiện và nâng cao chất lượng tín dụng. Nguyên nhân dư nợ cho vay tăng không đáng kể so đầu năm do 2 Nhà máy Xi măng (Sông Gianh và Văn Hóa) với dư nợ giảm 2.539 tỷ đồng, hai Nhà máy Xi măng này được Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua lại và đã trả hết nợ vay tại các ngân hàng trên địa bàn. Nhìn chung, các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều được đáp ứng. Dự ước cuối năm 2017, dư nợ đạt 39.850 tỷ đồng, tăng 9,8% so đầu năm. Cho vay Nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm khoảng 25% tổng dư nợ; Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 29% tổng dư nợ; Thương mại, dịch vụ và ngành khác chiếm khoảng 46% tổng dư nợ.

- Chất lượng tín dụng: Theo số liệu báo cáo của các TCTD, đến 30/10/2017 nợ xấu nội bảng là 451 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng dư nợ cho vay; nợ xấu đã bán cho VAMC 204 tỷ đồng, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thì tổng nợ xấu là 655 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ cho vay.

3. Giá tiêu dùng(CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

  * Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tỉnh Quảng Bình tháng 11 năm 2017 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,20% so với tháng 12 năm trước; tăng 10,36% so với kỳ gốc 2014; CPI bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,58% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 0,71%; nhóm dịch vụ tăng 11,21%).

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 05 nhóm tăng, 02 nhóm giảm và 04 nhóm ổn định so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; nhóm giao thông giảm 0,88%; nhóm văn hóa giải trí du lịch giảm 0,11%; riêng các nhóm đồ uống thuốc lá, nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giáo dục, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số ổn định.

  Cụ thể diễn biến CPI tháng 11 năm 2017 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

          - Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%;

          - Nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%;

- Nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%;

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%;

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%;

         - Nhóm giao thông giảm 0,88%;

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11%.

  * Chỉ số giá vàng 99,99% và chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

          Giá vàng trong nước biến động hàng ngày theo giá vàng thế giới. Theo đó, bình quân giá vàng tháng này là 3.535.635 đồng/chỉ, giảm 0,37% so với tháng trước, so với kỳ gốc 2014 tăng 7,47%, tăng 3,53% so cùng tháng năm trước, tăng 6,33% so tháng 12 năm trước, tăng 3,06% so bình quân cùng kỳ.

Giá đô la Mỹ (USD) tháng này có giá bình quân 22.724 đồng/USD, tăng 0,14% so với tháng trước, so với kỳ gốc 2014 tăng 4,08%; tăng 1,68% so cùng tháng năm trước; giảm 1,21% so tháng 12 năm trước và tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ.

4. Xây dựng và vốn đầu tư

* Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành:

Giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2017 theo giá hiện hành ước thực hiện 11.778,0 tỷ đồng. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 221,8 tỷ đồng, chiếm 1,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước ước thực hiện 5.168,9 tỷ đồng, chiếm 43,9%; loại hình khác ước thực hiện 6.386,9 tỷ đồng, chiếm 54,2%.

          * Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh năm 2010:

Tính chung năm 2017, giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 8.587,9 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 162,2 tỷ đồng, tăng 4,3%; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước thực hiện 3.770,0 tỷ đồng, tăng 10,8% và loại hình khác ước thực hiện 4.655,0 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù trong năm qua, tỉnh ta chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bảo số 10 đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các công trình/dự án trên địa bàn tỉnh tuy nhiên do trong năm có các công trình thi công mới và hoạt động xây dựng khu vực dân cư tăng lên do đó GTSX ngành xây dựng tăng khá. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2017 theo giá so sánh 2010 ước thực hiện 8.587,9 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2016. Nguyên nhân tác động thúc đẩy tăng trưởng ngành xây dựng trong năm 2017 là: Các chủ đầu tư và đơn vị thi công kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện công trình/dự án; ngoài ra, trong năm 2017 các dự án thuộc nguồn vốn nhà nước đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp như: Cầu Nhật Lệ 2; Trụ sở Tỉnh ủy; Trung tâm Văn hoá tỉnh; Trụ sở UBND huyện Quảng Trạch; Trụ sở Huyện ủy và Khối mặt trận huyện Quảng Trạch; Củng cố nâng cấp tuyến đê kè Tả sông Gianh; Cảng cá Ròon, huyện Quảng Trạch; Hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm cửa khẩu Quốc tế Cha Lo;… trong đó, hai công trình trọng điểm của tỉnh là Trụ sở Tỉnh ủy; Cầu Nhật Lệ 2 đã đưa vào sử dụng, ngoài những công trình đã hoàn thành và đang thi công thì các công trình mới có nguồn vốn lớn đã triển khai như: công trình Trụ sở làm việc Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đang giai đoạn chuẩn bị mặt bằng, công trình Trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới đã triển khai thi công;… Bên cạnh đó, những dự án/công trình do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đang thi công trên địa bàn tỉnh như: Dự án Trung tâm Thương mại, khách sạn và khu nhà phố thương mại Shophouse tại thành phố Đồng Hới của Tập đoàn Vingroup; Văn phòng làm việc và kho hàng của công ty TNHH Tuấn Việt; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ GOLDEN DRAGON PLAZA của Công ty CP xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn... cũng đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng. Ngoài các dự án/công trình của hai khu vực trên thì hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở khu vực dân cư được duy trì đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành xây dựng trong năm qua.

          - Vốn đầu tư

Khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2017 ước thực hiện 16.753,8 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2016. Trong đó, khối lượng vốn khu vực Nhà nước ước thực hiện 3.696,9 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2016; khối lượng vốn khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 13.056,9 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2016.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong năm 2017, đã cấp đăng ký thành lập mới cho 590 doanh nghiệp, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với số vốn đăng ký 4.372 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên 5.050 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 47.068 tỷ đồng.

Công tác hậu kiểm doanh nghiệp được thực hiện theo chủ đề, năm 2017 tập trung kiểm tra việc góp vốn của các doanh nghiệp có vốn điều lệ tăng đột biến. Công tác chuẩn hóa và số hóa dữ liệu thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã từng bước được triển khai, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp.

Nhìn chung, quy mô doanh nghiệp của tỉnh còn nhỏ, năng lực tài chính và sức cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế HTX phát triển chưa mạnh, chưa phát huy hết được vai trò, vị trí, hiệu quả.

Trong năm 2017 toàn tỉnh có 393 doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2017 toàn tỉnh có 190 doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký tạm dừng hoạt động; 25 doanh nghiệp tiến hành giải thể tự nguyện và 263 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp: Đã hoàn thành Đề án sắp xếp, chuyển đổi 4 công ty nông, lâm trường theo đúng lộ trình. Công ty TNHH MTV Việt Trung và Công ty TNHH MTV Lệ Ninh đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong tháng 10/2017. Đang xây dựng phương án thoái vốn theo Kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo các doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định 707/QĐ-TTg ngày 25/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất cây hàng năm cả hai vụ được mùa nhất từ trước đến nay. Ngành chăn nuôi tuy gặp khó khăn về giá cả và thị trường tiêu thụ, nhưng cơ bản đàn gia súc và gia cầm ổn định; sản lượng xuất chuồng tăng nhờ chăn nuôi quy mô lớn phát triển. Sản xuất lâm nghiệp chuyển hướng mạnh sang phát triển gỗ nguyên liệu. Sản xuất thủy sản phát triển nhanh sau sự cố môi trường biển, đặc biệt đánh bắt xa bờ, nhờ chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước phát huy hiệu quả; diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai nên ảnh hưởng đến sản xuất cây lâu năm, diện tích rừng trồng, nuôi trồng thủy sản.

          Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh năm 2010) năm 2017 đạt 8.112,7 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2016 và đạt 105,3% kế hoạch. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.433,8 tỷ đồng, tăng 4,0% so năm trước và đạt 107,4% kế hoạch; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 529 tỷ đồng, tăng 2,6% so năm trước và đạt 94,8% kế hoạch; giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 2.149,9 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm trước và đạt 103,1% kế hoạch.

          6.1. Nông nghiệp

          a. Trồng trọt

Nhìn chung, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi nên kết quả sản xuất cây trồng hàng năm đạt khá. Hầu hết các địa phương gieo trồng hết diện tích, đúng lịch thời vụ. Cây lương thực ổn định về mặt diện tích, sản lượng lương thực tăng cao và vượt xa mức kế hoạch đề ra, an ninh lương thực vẫn giữ vững; năng suất nhiều loại cây trồng đạt cao và tăng so năm 2016.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 87.452,7 ha, tăng 0,6% so năm trước. Trong đó Diện tích vụ Đông Xuân 55.089,4 ha, bằng 99,4%; diện tích vụ Hè Thu 31.768,8 ha, tăng 2,6%; diện tích vụ Mùa 555 ha, bằng 99,6% so năm 2016. Diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng là nhờ đã chủ động được nguồn nước tưới; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, nâng cấp khá hoàn chỉnh, việc nạo vét khơi thông dòng chảy triển khai sớm; kết hợp chủ động tưới tiết kiệm nên các vụ sản xuất đủ nước, hiện tượng mất trắng do hạn hán không xẩy ra.

Do bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Bình nên gây thiệt hại lớn đến lúa vụ Mùa, các loại cây lâu năm ở nhiều địa phương (riêng vụ Hè Thu đã cơ bản thu hoạch trọn vẹn). Lúa vụ Mùa mất trắng nhiều diện tích, năng suất bình quân đạt thấp so năm trước. Một số diện tích cây sắn vụ Hè Thu thu hoạch chậm nên ảnh hưởng đến năng suất. Hàng ngàn ha cây cao su bị đổ gãy, làm ảnh hưởng đến sản lượng mủ khai thác.

- Cây lúa: Diện tích cây lúa cả năm thực hiện 55.364,6 ha, so năm trước tăng 0,8% và đạt 106,5% kế hoạch. Cây lúa chia theo vụ sản xuất: Vụ Đông Xuân 30.038,3 ha, giảm 0,1%; vụ Hè Thu 24.771,3 ha, tăng 2,1%; vụ Mùa 555 ha, giảm 0,4% so với năm 2016. Nổi bật là lúa tái sinh ở một số địa phương giảm về quy mô và chuyển sang gieo cấy truyền thống. Dự ước năng suất cây lúa cả năm đạt 51,4 tạ/ha, tăng 0,3% so năm trước.

- Cây trồng khác: Diện tích cây ngô và cây lương thực có hạt khác 5.053,7 ha, tăng 1,4%; cây lấy củ có chất bột 10.661,5 ha, giảm 5,3% (giảm chủ yếu là cây khoai lang, cây sắn vì hiệu quả thấp); Cây có hạt chứa dầu 5.367,6 ha, tăng 2,6% (tăng chủ yếu là cây lạc, diện tích 4.959,3 ha, tăng 2,8%); Cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 8.050,1 ha, tăng 2,3% (tăng chủ yếu là cây dưa hấu, diện tích 1.366,1 ha, tăng 24,8%); Cây gia vị, dược liệu hàng năm 482,5 ha, tăng 7,5%; cây hàng năm khác 2.335,7 ha, tăng 8,3% so năm trước.

Nhìn chung, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khá ổn định. Một số cây hàng năm có tăng so cùng kỳ là cây lúa, ngô, cây rau các loại, cây lạc... Các loại cây trồng khác như khoai lang, sắn do hiệu quả thấp nên có xu hướng giảm. Hiện tại, các địa phương đang tích cực chuyển đổi cây trồng, một số diện tích lúa kém hiệu quả  được chuyển sang trồng cây dưa hấu, cây lạc…

Dự ước năng suất: Cây ngô đạt 51,6 tạ/ha, tăng 0,3% so năm trước; cây khoai lang đạt 73,2 tạ/ha, tăng 0,9%; Cây sắn đạt 184,1 tạ/ha, bằng 98,4%; cây lạc đạt 21,6 tạ/ha, tăng 2,9%; cây vừng đạt 6,7 tạ/ha, tăng 2,8%; cây rau các loại đạt 106,7 tạ/ha, tăng 7,1%, trong đó cây dưa hấu đạt 172,8 tạ/ha, tăng 15,6%; Cây đậu các loại đạt 9,1 tạ/ha, tăng 9,8% so năm trước.

Sản lượng ngô đạt 25.410 tấn, tăng 1,8%; sản lượng khoai lang đạt 25.483,1 tấn, bằng 96,2%; sản lượng sắn đạt 118.668,5 tấn, bằng 91,9%; sản lượng lạc đạt 10.720,2 tấn, tăng 5,8%; sản lượng rau các loại đạt 64.564,2 tấn, tăng 13,0% (tăng cao do tăng diện tích cây dưa hấu 44,3%); sản lượng đậu các loại đạt 1711,1 tấn, tăng 1,8% so năm trước.

Sản lượng lương thực năm 2017 ước đạt 310.393,9 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ và đạt 109,3% so với kế hoạch. Trong đó sản lượng thóc đạt 284.589,1 tấn, so năm trước tăng 1,1%, đạt 109,9% kế hoạch; sản lượng lương thực khác đạt 25.804,8 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, đạt 106% so với kế hoạch.     

Sản xuất cây lâu năm gặp khó khăn, do nắng hạn và mưa bão đã gây ảnh hưởng đến công tác cải tạo vườn tạp và thiệt hại nhiều diện tích cây lâu năm, đặc biệt cây cao su bị đổ gãy khá nhiều do bão trong tháng 9 năm nay. Theo đó, diện tích gieo trồng cây lâu năm giảm so năm 2016. Dự ước tổng diện tích cây lâu năm 21.900,1 ha, so năm trước giảm 7,1%. Riêng cây cao su có 16.375,5 ha, so năm trước giảm 7,7% (nguyên nhân do bão số 10 nên 6.610 ha cao su bị đổ gãy, khả năng phục hồi không đáng kể).

Sản lượng mủ cao su khai thác năm 2017 dự ước đạt 5.090 tấn, tăng 0,9% so năm trước và đạt 90,9% kế hoạch; sản lượng hồ tiêu ước đạt 705,9 tấn, tăng 2,4% so năm trước và đạt 100,6% kế hoạch.

b. Chăn nuôi

Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, chủ động triển khai các đợt tiêm vắc xin nên dịch bệnh ít xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định; chăn nuôi gia cầm tập trung được mở rộng quy mô và hệ số xuất chuồng tăng; một số doanh nghiệp đang tích cực triển khai dự án chăn nuôi trâu, bò có chất lương cao nên làm cho tổng đàn trâu, bò tăng khá. Chăn nuôi lợn đang có xu hướng cầm chừng do giá bán sản phẩm không ổn định, nhiều thời điểm giá giảm sâu, người sản xuất thua lỗ nặng. Tuy nhiên, đánh giá chung trong năm 2017, ngành chăn nuôi cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực, tổng đàn phát triển ổn định, sản lượng xuất chuồng gia súc, gia cầm tăng khá.

Dự ước đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/10/2017: Đàn trâu 37.515 con, tăng 0,8% so trước và đạt 100% kế hoạch; đàn bò 105.800 con, tăng 2,1% so năm trước và đạt 100,8% kế hoạch; đàn lợn 351.388 con, giảm 0,2% so năm trước và đạt 92,5% kế hoạch; đàn gia cầm 3.621 ngàn con, tăng 3,8% so năm trước và đạt 103,5% kế hoạch, riêng đàn gà 2.856 ngàn con, tăng 5,6% so năm trước.

 Dự ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 74.002 tấn, so năm trước tăng 3%. Cụ thể: Thịt trâu 2.011 tấn, tăng 4,9%; thịt bò 6.213 tấn, tăng 3,9%; thịt lợn 52.110 tấn, tăng 1,2%; thịt gia cầm 13.668 tấn, tăng 9,4%, riêng thịt gà 10.252 tấn, tăng 13,2% so năm trước.

Các địa phương triển khai tiêm văc xin đợt II năm 2017. Đến ngày 10/10/2017, kết quả tiêm văc xin như sau: Tụ huyết trùng trâu/bò 37.725 liều, đạt 47,2% kế hoạch; dịch tả lợn, tam liên 23.480 liều, đạt 16,7% kế hoạch; cúm gia cầm 310.200 liều, đạt 31% kế hoạch; tai xanh lợn 2.850 liều, đạt 28% kế hoạch

          6.2. Lâm nghiệp

Do ảnh hưởng của bão số 10 nên diện tích rừng trồng bị thiệt hại khá nặng. Do diện tích rừng trồng bị đổ gãy nhiều nên các chủ rừng đã tận thu để giảm bớt thiệt hại, theo đó sản lượng gỗ, củi từ rừng trồng tăng so năm trước. Dự ước năm 2017 sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 440.000 m3, tăng 55,8% so năm trước và đạt 220% kế hoạch; sản lượng củi khai thác 280.000 ste, tăng 18,5% so năm trước.

Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2017 ước đạt 5.500 ha, bằng 83,3% năm trước và đạt 110% kế hoạch; diện tích rừng được chăm sóc 15.312 ha, bằng 81,7% so năm trước và đạt 100% kế hoạch; diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh 8.000 ha, bằng 123,1% so năm trước; giao khoán bảo vệ rừng 275.444 ha, tăng 35,9% so năm trước và đạt 100% kế hoạch; cây lâm nghiệp trồng phân tán 4,5 triệu cây, tăng 2,3% so năm trước và đạt 100% kế hoạch.

Quảng Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng, nhưng hiện nay, rừng trồng ở tỉnh phần lớn là rừng sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ. Sản phẩm gỗ chủ yếu cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm giấy, hiệu quả không cao. Cùng với đó, hiện nay nguyên liệu chế biến dăm giấy khả năng dư thừa, thị trường và giá thành tiêu thụ có xu hướng giảm, dẫn đến đời sống người làm rừng khó khăn... Do đó, việc đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn trong thời gian tới là rất cần thiết.

Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành thực sự quan tâm. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài trong các tháng quý II nên cháy rừng có xảy ra nhưng quy mô thiệt hại không lớn.

          6.3. Thủy sản

Sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển, khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã phục hồi trở lại; sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản được đa dạng hóa và nuôi cá lồng bè tiếp tục phát triển. Để phát triển nghề đánh bắt hải sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ ngư dân tranh thủ tốt các chính sách của Trung ương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương thúc đẩy khai thác thủy sản phát triển theo hướng khai thác xa bờ cho hiệu quả cao, giảm cường lực khai thác ven bờ, nơi nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt.

Dự ước sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 71.167,7 tấn, tăng 15,2% so năm trước và đạt 109,5% kế hoạch.

a. Khai thác

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, số lượng tàu, thuyền khai thác hải sản có động cơ toàn tỉnh hiện có 5.242 chiếc, so năm 2016 tăng 8,2%. Trong đó, tàu có công suất từ 90 CV trở lên 1.392 chiếc, tăng 12% so năm trước.

Nhờ năng lực đánh bắt tăng nhanh nên sản lượng khai thác năm nay tăng cao so cùng kỳ. Dự ước năm 2017 sản lượng khai thác đạt 59.485 tấn, tăng 18,5% so năm trước và đạt 112,2% kế hoạch. Sản phẩm chia theo ngư trường khai thác: Khai thác biển 55.800 tấn, tăng 19,4% so năm trước; khai thác nội địa 3.685 tấn, tăng 6,2% so năm trước.

Sản lượng khai thác tăng khá cao là nhờ có chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nguồn vốn nên năng lực đánh bắt tăng nhanh, đặc biệt công tác đóng mới tàu và cải hoán tàu có công suất lớn thực hiện thuận lợi, đạt kết quả cao; bên cạnh đó, sau sự cố môi trường biển việc khai thác hải sản đã trở lại bình thường, bà con ngư dân đẩy mạnh khai thác vùng khơi.

b. Nuôi trồng

Nuôi trồng thủy sản năm nay gặp một số khó khăn do mưa bão và dịch bệnh xảy ra ở một vài nơi. Theo đó, sản lượng nuôi trồng tăng không đáng kể, một số sản phẩm giảm so với năm 2016.

 Dự ước diện tích nuôi trồng thực hiện cả năm 5.747 ha, so năm trước tăng 1,3% và đạt 105,5% kế hoạch. Trong đó: Nuôi mặt nước lợ 1.281,7 ha, tăng 7,4% so năm trước và đạt 82,7% kế hoạch; nuôi nước ngọt 4.465,3 ha, so năm trước giảm 0,4% và đạt 114,5% kế hoạch. Nuôi cá lồng được chú trọng hơn, vì vậy tổng số lồng toàn tỉnh hiện có 2.186 lồng, so năm trước tăng 16,6%.

Dự ước sản lượng nuôi trồng năm 2017 đạt 11.682,7 tấn, tăng 0,7% so năm trước và đạt 97,4% kế hoạch. Trong đó: Cá các loại 7.359,9 tấn, so năm trước tăng 4,2%; tôm các loại 3.901,5 tấn, so năm trước bằng 93,9%; thủy sản khác 421,3 tấn, so năm trước tăng 9,4%.

6.4. Trang trại

Trang trại toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển khá, là tỉnh có số lượng trang trại lớn so các tỉnh khác trong vùng. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, các loại hình trang trại tổng hợp phát triển khá nhanh. Năm 2017, toàn tỉnh có 725 trang trại, tăng 19 trang trại so năm trước. Cụ thể số lượng từng loại hình như sau: Trang trại trồng trọt 13 trang trại, giảm 4 trang trại; trang trại chăn nuôi 213 trang trại, giảm 19 trang trại; trang trại lâm nghiệp 13 trang trại, bằng năm trước; trang trại thủy sản 47 trang trại, giảm 1 trang trại; trang trại tổng hợp 439 trang trại, tăng 43 trang trại so năm trước. Trang trại chia theo địa phương: Đồng Hới 15 trang trại, Ba Đồn 26 trang trại, Tuyên Hóa 12 trang trại, Quảng Trạch 30 trang trại, Bố Trạch 487 trang trại, Quảng Ninh 24 trang trại, Lệ Thủy 131 trang trại.

Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của trang trại trong năm gặp nhiều khó khăn. Các loại hình trang trại có số lượng lớn như trang trại tổng hợp, chăn nuôi với sản phẩm chủ yếu là cây cao su, chăn nuôi lợn và gia cầm, do giá bán sản phẩm giảm sâu nên hiệu quả mang lại không lớn.

7. Công nghiệp

-  Giá trị sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước thực hiện năm 2017 đạt 10.615,4 tỷ đồng, tăng 8,17% so với năm 2016 (kế hoạch tăng 9,5%). Trong đó: ngành khai khoáng ước đạt 402,9 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 9.940,8 tỷ đồng; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… ước đạt 171,7 tỷ đồng; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 100,0 tỷ đồng.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp thấp hơn so với năm 2016 và không đạt kế hoạch đề ra, nguyên nhân do: Trong thời gian qua ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù có một số dự án mới đi vào hoạt động (như Nhà máy may S&D ở huyện Quảng Ninh; Nhà máy may ở huyện Lệ Thủy…), nhưng số lượng các dự án mới đi vào hoạt động của ngành công nghiệp còn ít và giá trị sản xuất của các năng lực mới tăng thêm trong ngành công nghiệp chưa cao.  Ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn phụ thuộc nhiều vào các năng lực sản xuất hiện có của một số ngành: như ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại; ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ; ngành chế biến thực phẩm; ngành sản xuất đồ uống (như Nhà máy xi măng Sông Gianh; Nhà máy xi măng Văn Hóa; Nhà máy xi măng Vạn Ninh; Xí nghiệp may Hà Quảng; Nhà máy tinh bột sắn; Công ty CP Bia Hà Nội - Quảng Bình và các nhà máy chế biến dăm gỗ…). Tuy nhiên, trong những năm gần đây một số nhà máy trên cũng sản xuất tối đa công suất hiện có nên mức độ đóng góp vào tốc độ tăng của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh không cao. Cơn bão số 10 xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017 ước tăng 7,4% so với năm 2016 (kế hoạch tăng 8,5%). Trong đó: ngành khai khoáng tăng 7,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… tăng 4,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%. 

- Một số sản phẩm chủ yếu

Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu ngành công nghiệp ước thực hiện năm 2017 như sau: Đá xây dựng đạt 3,3 triệu m3 tăng 7,4%; mực đông lạnh đạt 775 tấn, giảm 5,2%; tinh bột sắn đạt 17,9 nghìn tấn, tăng 8,8%; bia đóng chai đạt 20,2 triệu lít, tăng 0,8%; áo sơ mi đạt 10,8 triệu cái, tăng 13,8%; gạch xây dựng đạt 213,3 triệu viên, tăng 2,1%; clinker thành phẩm đạt 3,2 triệu tấn, tăng 7,3%; xi măng đạt 1,5 triệu tấn, tăng 2,1%; điện thương phẩm đạt 793 triệu Kwh, tăng 4,5%; nước máy đạt 8,2 triệu m3, tăng 4,2% so với năm trước.

8. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Kinh tế năm 2017 tăng trưởng khá, đời sống của người dân được cải thiện, lượng khách du lịch tăng cao nên đã làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá. Dự ước năm 2017 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 18.079,0 tỷ đồng, tăng 8,9% so năm 2016.

  Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế Nhà nước có mức tăng cao nhất (tăng 19,5%), nguyên nhân do doanh thu Công ty xăng dầu Quảng Bình tăng (giá xăng dầu tăng). Kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể có mức tăng ổn định (mức tăng lần lượt 8,6% và 8,4%). Ngoài ra, kinh tế cá thể tiếp tục duy trì sự ổn định do tính quy mô nhỏ lẻ nên dễ dàng tiếp cận người dân hơn. Kinh tế tập thể ước năm 2017 giảm 21,4%, nguyên nhân do các cơ sở bán lẻ của thành phần kinh tế này thu hẹp quy mô.

Phân theo nhóm ngành hàng: Tăng cao nhất là nhóm ô tô các loại (tăng 145,9%), nguyên nhân do giá ô tô giảm liên tục kích thích tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, các đại lý liên tục mở ra trên thị trường tỉnh (Honda, Huyndai, Mitsubishi) giúp người tiêu dùng có thêm có nhiều sự lựa chọn. Tăng thấp nhất là nhóm gỗ và vật liệu xây dựng (tăng 1,4%). Nhìn chung năm nay các nhóm ngành hàng đều không tăng cao, tốc độ tăng khá đồng đều giữa các nhóm.

b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

Năm 2017, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch của Quảng Bình có sự phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách đến Quảng Bình tăng cao do năm nay môi trường biển đã an toàn, giao thông đi lại thuận lợi hơn; cùng với các hoạt động quảng bá du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn được tổ chức, như: Chương trình Quảng Bình trong lòng Hà Nội, Lễ hội Hang động Quảng Bình năm 2017, Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới 2017, Giải đua xe địa hình RFC Việt Nam 2017… để quảng bá, thu hút du khách.

Trong năm nay tỉnh đã khai trương các sản phẩm du lịch mới, như: Tuyến du lịch tham quan trường quay phim Kong:Skull island; Tuyến du lịch Chinh phục Thác Chày; Tuyến du lịch trải nghiệm thung lũng Hamada-hang Trạ Ang; tuyến du lịch tìm hiểu văn hoá người Arem, Macoong; Tuyến du lịch tâm linh tham quan Chùa Hoằng Phúc...; khai trương các cơ sở lưu trú cao cấp, nhà hàng đạt chuẩn mới. Do đó, năm 2017 du lịch Quảng Bình đã hồi phục và có nhiều khởi sắc.

- Dịch vụ lưu trú: Dự ước năm 2017 doanh thu lưu trú đạt 113,3 tỷ đồng, tăng 47,6% so với năm 2016. Số lượt khách lưu trú dự ước năm 2017 đạt 678.045 lượt khách, tăng 49,6% so với năm 2016.

- Dịch vụ ăn uống: Doanh thu ăn uống dự ước năm 2017 đạt 1.642,4 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2016.

- Dịch vụ lữ hành: Doanh thu du lịch lữ hành dự ước năm 2017 đạt 216,4 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2016. Số lượt khách du lịch lữ hành dự ước năm 2017 đạt 731.564 lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2016.

- Du lịch tâm linh: Dự ước số lượt khách du lịch tâm linh năm 2017 đạt 2.388.674 lượt khách, tăng 87,3% so với năm 2016.

c. Dịch vụ

Dự tính cả năm 2017 doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 978,5 tỷ đồng, tăng 8,0% so với năm 2016.

Xét theo từng nhóm dịch vụ, ngoại trừ hoạt động kinh doanh bất động sản giảm (giảm 8,2%) thì các nhóm dịch vụ còn lại đều có mức tăng so năm trước: Nhóm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 25,7%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 12,9%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 19,7%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 11,4%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 8,2%; nhóm hoạt động dịch vụ khác tăng 7,1%.

Doanh thu của một số ngành dịch vụ trong năm 2017 có xu hướng tăng mạnh so với năm trước do giá của một số ngành dịch vụ có sự thay đổi. Riêng doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm do đang trong giai đoạn đầu tư dự án nên việc phân lô, bán nền của một số doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân giảm.

d. Vận tải

Hoạt động vận tải năm 2017 phát triển khá toàn diện, hệ thống giao thông được sửa chữa, nâng cấp và làm mới, phương tiện vận chuyển ngày càng được tăng cường và đổi mới cả về đường bộ, đường sông và đường biển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại của người dân. Vận tải công cộng trong tỉnh tăng về số lượng phương tiện và chất lượng phục vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Năm 2017, một số hãng taxi tăng số lượng xe để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như việc đi lại của người dân tốt hơn. Đầu tháng 8 năm nay, đường bay quốc tế đầu tiên ở Đồng Hới đi Chiang Mai (Thái Lan) chính thức được triển khai. Do vậy, hoạt động vận tải năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2016.

Tổng doanh thu vận tải năm 2017 ước đạt 3.153,1 tỷ đồng, tăng 8,3% so năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ ước đạt 2.715,1 tỷ đồng, tăng 8,4% so năm trước; doanh thu vận tải đường thủy ước đạt 60,4 tỷ đồng, tăng 5,3% so năm trước; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 377,5 tỷ đồng, tăng 8,5%.

Tổng số hành khách vận chuyển năm 2017 ước đạt 22,4 triệu hành khách, tăng 7,9% so năm trước. Tổng số hành khách luân chuyển năm 2017 ước đạt 1.006,0 triệu hk.km, tăng 9,1% so năm trước.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa năm 2017 ước đạt 21,3 triệu tấn, tăng 7,4% so năm trước. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển ước năm 2017 đạt 1.111,7 triệu tấn.km, tăng 8,2% so năm trước.

II. Xã hội

1. Giáo dục - Đào tạo

a. Năm học 2016 - 2017

Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục tuy còn một số mặt hạn chế, bất cập như: tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp THCS, THPT ở các địa bàn miền núi còn cao phần nào đã ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục cũng như tác động đến tâm lý xã hội; chất lượng phổ cập giáo dục ở một số địa phương vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn triển khai chưa đảm bảo yêu cầu, thiếu vững chắc; cơ sở vật chất, trường, lớp, thiết bị dạy học, tuy có tăng đáng kể nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều nơi còn lạc hậu; bên cạnh đó những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tác động của sự cố môi trường biển và các trận lũ lụt liên tiếp trong đầu năm học 2016 - 2017... Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp giúp đỡ có hiệu quả của các ban ngành, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

- Giáo dục mầm non

Ngành đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặc biệt là chất lượng tổ chức bán trú ở các trường mầm non, hiện có 177/179 trường tổ chức bán trú (tỷ lệ 98,9%); 100% trẻ Nhà trẻ được ăn bán trú với nhiều hình thức; 96,1% trẻ Mẫu giáo được ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, nhà trẻ có 2,9% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 3,7% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi; mẫu giáo có 4,3% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 4,5% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi; 100% trẻ được theo dõi và khám sức khoẻ định kỳ, 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần không có trẻ bị tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong các trường mầm non; 100% trẻ được học 2 buổi/ngày.

Tập trung chỉ đạo mô hình điểm các cấp về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm để tổ chức tham quan, học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình. Có 04 đơn vị được chọn chỉ đạo điểm cấp tỉnh và 30 đơn vị điểm cấp huyện. Trực tiếp tập huấn cho cán bộ giáo viên quản lý, giáo viên cốt cán của 08 huyện, thị xã, thành phố về nội dung cơ bản xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức thực hành các hoạt động giáo dục, triển khai thực hiện.

          - Giáo dục phổ thông

Cấp tiểu học: Thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học theo quy định, bám sát Chuẩn kiến thức - kỹ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình các môn học, nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), có 114 trường nhân rộng toàn phần với 24.622 học sinh/994 lớp, tất cả các trường còn lại thực hiện nhân rộng mức độ 1. Thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục với 12.360 học sinh/551 lớp. Chất lượng môn Tiếng Việt lớp 1 đạt cao, kĩ năng đọc, viết và các kĩ năng học tập được đánh giá tốt hơn so với chương trình hiện hành. Tiếp tục chỉ đạo dạy học theo Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 tại 215/228 trường có học sinh Tiểu học với 58.921 học sinh. Triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch ở tất cả các trường Tiểu học, bước đầu giáo viên đã thực hiện tốt, học sinh yêu thích môn học và có sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng cao.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực chỉ đạo các trường Tiểu học thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT và Văn bản hợp nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả đánh giá năng lực: Tự phục vụ tự quản: 63,41% số em đạt loại tốt, 36,21% số em đạt và 0,38% số em cần cố gắng; Hợp tác: đạt tốt 61,68%, đạt 37,88%, cần cố gắng 0,44%; Tự học và giải quyết vấn đề: đạt tốt 59,54%, đạt 39,96% và cần cố gắng 0,50%. Kết quả xếp loại môn học: môn Toán,  học sinh hoàn thành tốt 56,68%, học sinh hoàn thành 42,66%, học sinh chưa hoàn thành 0,66%; Môn Tiếng Việt: tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt 51,95%, tỷ lệ học sinh hoàn thành 47,33% và tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành 0,72%.

Cấp trung học cơ sở: Kết quả xếp loại 2 mặt cấp THCS, về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 78,27%, khá 19,59%, loại trung bình 2,08%, loại yếu 0,06%. Về học lực xếp loại giỏi 19,18%; loại khá 40,36%, loại trung bình 38,10%, loại yếu 2,33%, loại kém 0,03%. Số học sinh được công nhận tốt nghiệp cấp trung học cơ sở toàn tỉnh 12.266/12.318 học sinh dự xét, đạt tỷ lệ 99,58%.

         Cấp trung học phổ thông: Kết quả xếp loại về hạnh kiểm tỷ lệ học sinh được xếp loại tốt 74,8%, khá 20,6%, loại trung bình 4,0%, loại yếu 0,6%. Về học lực xếp loại giỏi 10,7%, loại khá 49,2%, loại trung bình 36,1%, loại yếu 3,9%, loại kém 0,1%. Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là  8.785/9125 em dự thi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 96,27%.

Về kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh: Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 2.960 học sinh lớp 9, lớp 11, lớp 12 dự thi 9 môn: Văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh học, Tiếng Anh và Tin học. Kết quả đã có 1.634 em đạt giải (trong đó, có 72 giải nhất, 255 giải nhì, 351 giải ba, 956 giải khuyến khích).

Tổ chức cuộc thi học sinh giỏi “Giải Toán trên máy tính cầm tay” dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 cấp tỉnh năm học 2016-2017, đã có 258 thí sinh dự thi (cấp THCS: 134 em, cấp THPT: 124 em); kết quả: có 131 thí sinh đạt giải (9 giải Nhất, 18 giải Nhì, 31 giải Ba và 73 giải Khuyến khích).

Tổ chức cuộc thi Giải Toán, Vật Lý qua mạng Internet cấp tỉnh. Kết quả, môn Toán Tiếng Việt: 120 em đạt giải/361 học sinh dự thi (6 giải Nhất, 21 giải Nhì, 36 giải Ba và 57 giải Khuyến khích); Toán Tiếng Anh: 76 em đạt giải/243 học sinh dự thi (2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 30 giải Ba và 41 giải Khuyến khích); môn Vật Lý: 96 em đạt giải/269 học sinh dự thi (3 giải Nhất, 16 giải Nhì, 36 giải Ba và 41 giải Khuyến khích).

        Về kết quả thi học sinh giỏi cấp Quốc gia: có 36/58 học sinh dự thi đạt giải. Trong đó, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã giành được 2 giải Nhất, 8 giải Nhì, 18 giải Ba và 8 giải Khuyến khích, nổi lên có ba học sinh là em Hầu Hải Phong đạt giải Nhất môn Sinh học, em Hoàng Thị Như Quỳnh đạt giải Nhất môn Địa lý và em Nguyễn Thế Quỳnh đạt giải Nhì môn Vật lý.

        Về kết quả thi học sinh giỏi Quốc tế: Kỳ thi Olympic Vật Lý châu Á lần thứ 18 năm 2017 được tổ chức tại Yakutsk, Cộng hòa Sakha, Liên bang Nga, em Nguyễn Thế Quỳnh học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã xuất sắc giành Huy chương Bạc với số điểm cao nhất trong số Huy chương Bạc của đoàn Việt Nam và được chọn là 1 trong 5 đại diện tiêu biểu Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Vật Lý thế giới được tổ chức từ ngày 17-24/7 tại In-đô-nê-xi-a. Kết quả, cả 5 em đều đoạt giải, với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc; trong đó em Nguyễn Thế Quỳnh đã xuất sắc giành huy chương vàng. Nguyễn Thế Quỳnh là học sinh đầu tiên giành 2 huy chương vàng thế giới trong lịch sử Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình.

b. Năm học 2017 - 2018

- Giáo dục

Năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh có 590 trường. Trong đó có 182 trường và cơ sở giáo dục mầm non; 209 trường tiểu học; 147 trường trung học cơ sở; 19 trường phổ thông cơ sở; 6 trường phổ thông trung học và 27 trường trung học phổ thông. Tổng số phòng học các cấp học mầm non và phổ thông 7.205 (trong đó, có 5.146 phòng kiên cố, tỷ lệ 71,4%; 1.940 phòng bán kiên cố, tỷ lệ 26,9%). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non và phổ thông có: 19.435 người (cán bộ quản lý: 1.472 người, giáo viên 14.055 người và nhân viên 3.908 người). Quy mô học sinh đầu năm học các cấp học mầm non và phổ thông, toàn tỉnh có 219.791 học sinh; trong đó, giáo dục mầm non 61.620 cháu; tiểu học 73.754 học sinh; trung học cơ sở 54.647 học sinh; trung học phổ thông 29.770 học sinh.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ và phổ cập THCS

         Về phổ cập giáo dục tiểu học: Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo kết thúc năm học 2016-2017 đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, trong đó, có 150/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 94,3%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.

          Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Kết thúc năm học 2016 - 2017, đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên, trong đó, có 154/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 96,9%); có 90/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (tỷ lệ 56,6 %); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên; trong đó, có 5/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 trở lên (tỷ lệ 62,50%) và thành phố Đồng Hới đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

Về xóa mù chữ: Đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó, có 156/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 98,11%); có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 87,5%). Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Kết thúc năm học 2016 - 2017, đã có 158/159 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 99,4%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo, thực hiện lồng ghép xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí nông thôn mới và xây dựng trường học thân thiện; đã tiến hành kiểm tra công nhận mới: 24 trường (4 trường mầm non, 12 trường tiểu học và 8 trường trung học cơ sở) đưa tổng số trường mầm non, phổ thông được công nhận đạt chuẩn Quốc gia lên 325/589 trường, đạt tỷ lệ 55,2% (trong đó, có 67/180 tr­ường mầm non, đạt tỷ lệ 37,2%; 168/211 trường tiểu học, đạt tỉ lệ 79,6%; 77/165 tr­ường trung học cơ sở, đạt tỉ lệ 46,67% và 13/33 trường trung học phổ thông và trường phổ thông trung học, đạt tỉ lệ 39,39%).

- Đào tạo

Năm học 2017 - 2018 trường Đại học Quảng Bình với chỉ tiêu tuyển sinh là 2.090 chỉ tiêu, bao gồm 1.330 chỉ tiêu đại học và 300 cao đẳng sư phạm và 460 chỉ tiêu cao đẳng ngoài sư phạm; thời gian xét tuyển được trình tự theo kế hoạch hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo. Qua các đợt xét tuyển từ kết quả của kỳ thi Quốc gia, Trường Đại học Quảng Bình đã tuyển mới và nhập học tại trường là 833 sinh viên; trong đó: hệ đại học 412 sinh viên, hệ cao đẳng 110 sinh viên, hệ liên thông 291 sinh viên và học văn bằng hai hệ đại học là 20 sinh viên.

Các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trường Trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, phát triển thêm một số ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập nghề nghiệp của con em nhân dân. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tích cực đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp dạy học để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp.

2. Công tác y tế

- Y tế cơ sở 

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã, phường có bác sỹ làm việc; 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh; đến nay, toàn tỉnh đã có 137/159 (đạt tỷ lệ 86,16%) trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

  Về hoạt động, nhìn chung các trạm y tế đã tuân thủ thực hiện các chế độ chuyên môn theo quy định trong khám chữa bệnh, triển khai có hiệu quả các chương trình y tế tại cộng đồng. Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được quản lý và phát huy hiệu quả công tác, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đạt cao; công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh nguy hiểm khác.

- Hoạt động khám chữa bệnh

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất và chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được duy trì và thực hiện tốt. Số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân đạt 36,4 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 89,7%. Dự ước cả năm 2017 toàn tỉnh có 1.302.463 lượt người được khám chữa bệnh, tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó, tuyến tỉnh 160.484 lượt người, tăng 2,3%; tuyến huyện 527.467 lượt người, tăng 1,9%; tuyến xã 614.512 lượt người, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

     - Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

     Công tác phòng, chống bệnh được tăng cường, đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết, dịch sởi và dịch bệnh nguy hiểm. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới nổi, mới phát sinh và xâm nhập như Zika, cúm A (H7N9), Ebola, MER - CoV..  chủ động giám sát các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên để sớm phát hiện dịch bệnh và có biện pháp xữ lý kịp thời. Tuy vậy, tình hình sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 10/12/2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 825 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; trong đó, thành phố Đồng Hới 245 trường hợp, Bố Trạch 214 trường hợp... Toàn tỉnh đã xảy ra 42 trường hợp Tay - chân - miệng. Các dịch bệnh khác biến động không lớn và chưa có tử vong xảy ra.

     - Tình hình nhiễm HIV/AIDS

     Từ đầu năm đến 30/11/2017 trên địa bàn tỉnh phát hiện 47 người nhiễm mới HIV; 22 người chuyển sang AIDS; 4 người tử vong do AIDS; số mẫu xét nghiệm HIV là 18.579 mẫu. Tính đến ngày 30/11/2017, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.347 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 384 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 134 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục duy trì các hoạt động của cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm có hiệu quả. Tổ chức tư vấn, giáo dục nhóm và khám sàng lọc cho các bệnh nhân tham gia đủ tiêu chuẩn điều trị Methadone.

- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

     Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 08 huyện/thị xã/thành phố. Cụ thể: Tuyến tỉnh, đã tổ chức thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 356 cơ sở, kết quả đã có 47 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (tỷ lệ không đạt là 13,2%); Tuyến huyện, đã tổ chức thanh kiểm tra tại 4.316 cơ sở, kết quả đã có 952 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (tỷ lệ không đạt là 22%). Qua kiểm tra đã tiến hành tiêu hủy nhiều hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn ngốc xuất xứ. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 người nhập viện tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong xảy ra, ngoài ra còn có 432 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

     - Tình hình phòng chống sốt rét

     Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2017, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 3.652 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 162 người, trong đó có 2 bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 61.739 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,19%.

          3. Hoạt động văn hóa

- Các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và tổ chức lễ hội

         Đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: Kỷ niệm 87 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2), đón tết Nguyên đán Đinh Dậu, 42 năm ngày thống nhất đất nước, 131 năm ngày Quốc tế Lao động, kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác (Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình được tổ chức vào ngày 16/6/2017), 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ; 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập 02/9. Đáng chú ý là sáng ngày 25/8/2017, tại thành phố Đồng Hới, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)”. Việc phát hành đặc biệt bộ tem không chỉ tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những công lao to lớn của Vị tướng của Nhân dân mà còn góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, hiểu biết thêm về lịch sử Việt Nam trong Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

          Lễ đón nhận Bằng công nhận Hò Khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia diễn ra vào lúc 20h15 ngày 31/8/2017 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và hòa sóng với các đài trong khu vực...

- Công tác hoạt động quản lý nhà nước

  Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu, trình UBND tỉnh nhiều văn bản quan trọng trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình. Nổi bật là: Tích cực phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án đặt tên đường thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa; Hoàn thiện Đề án Vườn hoa và Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tăng cường quản lý, đôn đốc việc xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045 trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 7 cuộc thanh tra, kiểm tra 108 đơn vị, cơ sở và đã xử phạt 25 triệu đồng đối với 9 cơ sở vi phạm. Nhờ đó, đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hoá xấu, độc hại, làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh, các tổ chức hoạt động thể dục thể thao, các đơn vị hoạt động du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

- Công tác phát triển các lĩnh vực chuyên ngành

Đã đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích; tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, bảo vệ, khoanh vùng, cắm mốc và phát huy giá trị di tích; trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận 2 di tích, nâng tổng số di tích hiện có trên địa bàn tỉnh lên 115 di tích, trong đó có 53 di tích quốc gia. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác lập hồ sơ, trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp di tích; Ban Quản lý di tích tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá lại và bàn các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng ngày càng tiến bộ về chất lượng nghệ thuật và năng lực tổ chức, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nổi lên là, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” năm 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đạt Huy chương Bạc toàn đoàn và 01 HCV, 03 HCB tiết mục; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình trong câu hát” tại Nhà hát lớn Hà Nội và 2 tiết mục chương trình khai mạc “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”. Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Hang động Quảng Bình năm 2017 với chủ đề “Vương quốc hang động, kỳ vỹ - huyền thoại” và đón nhận các Danh hiệu kỷ lục thế giới diễn ra tại Quảng trường biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới; tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 45 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ thông tin Trạm cơ vụ A69, hang Lèn Hà, huyện Tuyên Hóa. Chương trình Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây với chủ đề "Về bến Long Đại" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế tổ chức, Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV8 và Đài Truyền hình Quảng Bình; Chương trình "Linh thiêng Thành Cổ" do Hội Chiến sĩ Thành Cổ tổ chức tại Trường Đại học Quảng Bình… Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tham gia nhiều tiết mục góp phần quan trọng vào sự thành công chung của các chương trình. Trong dịp Lễ kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng Công - Nông -  Binh.

Hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan được duy trì thường xuyên; liên hoan thông tin lưu động tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới năm 2017, với 3 phần thi bao gồm văn nghệ, tiểu phẩm và xe tuyên truyền lưu động; liên hoan là dịp để các đội thông tin lưu động có cơ hội thể hiện, giao lưu, học hỏi những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thiết thực chào mừng các ngày Lễ kỷ niệm, năm đội chiếu bóng miền núi đã tổ chức các đợt phim chào mừng; chủ đề của các đợt phim là những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam và một số phim tài liệu và khoa học phục vụ tại các xã miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo trên địa bàn toàn tỉnh.

  - Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

  Đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tổ chức với nhiều hình thức và nội dung phong phú, tạo không khí tươi mới, góp phần cổ vũ tinh thần nhân dân trong lao động, sản xuất. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tham gia hưởng ứng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đảm bảo an ninh chính trị, phát huy truyền thống tương thân tương ái, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đầu năm, các địa phương đã tổ chức đăng ký các danh hiệu văn hóa; trong đó, số hộ gia đình đăng ký danh hiệu văn hóa năm 2017 là 82%; số thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa 68%; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa là 71%. Hiện tại, các địa phương đang tổ chức xét và công nhận các danh hiệu văn hóa.

4. Hoạt động thể dục - thể thao

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’’ có bước phát triển mới về chất lượng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Số người luyện tập thể thao thường xuyên ước đạt 30,6%, tăng 0,2%, số gia đình thể thao ước đạt 25,0%, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã triển tổ chức ngày chạy OLYMPIC vì sức khỏe toàn dân năm 2017; trong đó, có 146/159 xã, phường, thị trấn và 2 đơn vị tổ chức ngày chạy OLYMPIC thu hút gần 80 ngàn người tham gia. Đến nay, đã có 159/159 xã, phường đã tổ chức Đại hội thể dục thể thao, các hoạt động thi đấu thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn và các môn thể thao truyền thống nhân các ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đáng chú ý là Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2017 đã thu hút 24 thuyền bơi nam, 08 thuyền đua nữ. Huyện Quảng Ninh đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2017 với sự tham gia của 8 đội thuyền đua nữ và 12 đội thuyền đua nam. Đồng Hới đã tổ chức diễu hành và giải đua xe đạp Đại hội thể dục thể thao thành phố Đồng Hới lần thứ VIII năm 2017. UBND các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các hoạt động thể thao trên địa bàn, đã lồng ghép tổ chức các bộ môn thi đấu thể thao trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố tạo được không khí sôi nổi, vui tươi phấn khởi, kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

          Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình ngày càng có những bước tiến vững chắc trên đấu trường toàn quốc và quốc tế. Đáng chú ý là tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (Sea Games 29); VĐV Nguyễn Huy Hoàng của Quảng Bình đã giành được HCV, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 1.500 m tự do nam (kỷ lục cũ là 15 phút 31 giây 03, do Lâm Quang Nhật thiết lập tại Singapore); VĐV điền kinh Hoàng Thị Ngọc của Quảng Bình cùng đồng đội đã xuất sắc giành HCV nội dung 4x400 m nữ với thời gian 3 phút 33 giây 40; ở nội dung 4 x 200m tiếp sức tự do nam.

          Tính đến nay, các đội tuyển tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được 177 huy chương các loại (66 HCV, 50 HCB, 61 HCĐ), trong đó có 13 huy chương quốc tế (7 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ).

  5. Tình hình trật tự, an toàn giao thông

          - An toàn giao thông

Năm 2017, các địa phương đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền an toàn giao thông; tập trung phổ biến biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, biện pháp ngăn chặn tai nạn xe khách, đường đèo dốc, đắm đò; thực hiện nghiêm “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; cảnh báo nguy cơ mất an toàn và ùn tắc giao thông; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Mặt khác, đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông; vi phạm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông... Tuy vậy, tình hình an toàn giao thông 11 tháng đầu năm tuy có giảm về số vụ và số người bị thương nhưng tăng về số người chết, cụ thể:

     Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 219 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với 11 tháng năm 2016; trong đó, đường bộ 214 vụ, giảm 12 vụ; đường sắt 5 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ; đường thuỷ không xảy ra tai nạn. Số người chết do tai nạn giao thông 105 người, tăng 6 người so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, đường bộ chết 103 người, tăng 7 người; đường sắt chết 2 người, giảm 1 người; đường thuỷ không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 169 người, giảm 51 người so cùng kỳ năm 2016, trong đó đường bộ bị thương 168 người, giảm 49 người; đường sắt bị thương 1 người, giảm 2 người so với cùng kỳ năm 2016.

     Nguyên nhân tai nạn có nhiều nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, hiện tượng điều khiển mô tô xe máy không đội mũ bảo hiểm còn cao, tình trạng sử dụng quá nồng độ rượu bia cho phép, điều khiển phương tiện đi với tốc độ lớn, lạng lách đánh võng còn xảy ra nhiều trên các tuyến đường bộ, do đó đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trên các địa bàn của tỉnh.

     - An toàn xã hội và pháp luật

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 11 năm 2017 phạm pháp kinh tế không xảy ra, so với tháng 11 năm 2016, số vụ giảm 5 vụ, đối tượng phạm tội giảm 5 người. Phạm pháp hình sự 35 vụ với 31 đối tượng phạm tội, so với tháng 11 năm 2016, số vụ giảm 17 vụ, đối tượng phạm tội giảm 46 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 4 vụ với 6 đối tượng vi phạm, so tháng 11 năm 2016, số vụ tăng 1 vụ và đối tượng vi phạm tăng 2 người; Sử dụng ma túy bị phát hiện 5 vụ với 5 đối tượng vi phạm, so tháng 11 năm 2016 số vụ tăng 3 vụ và đối tượng vi phạm tăng 1 người.

     Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, phạm pháp kinh tế xảy ra 21 vụ với 24 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2016 số vụ giảm 15 vụ, đối tượng phạm tội giảm 14 người; phạm pháp hình sự 439 vụ với 554 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2016 số vụ giảm 17 vụ, đối tượng phạm tội giảm 187 người; buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 45 vụ với 69 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 8 vụ và đối tượng vi phạm giảm 8 người; sử dụng ma túy bị phát hiện 95 vụ với 142 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2016 số vụ tăng 32 vụ và tăng 35 đối tượng vi phạm

     6. Một số vấn đề xã hội

Theo ước tính, dân số trung bình năm 2017 toàn tỉnh 882.352 người, tăng 0,53% so với năm 2016; trong đó, dân số khu vực thành thị là 173.901 người, chiếm 19,71%, nông thôn 708.451 người, chiếm 80,29% dân số. Tình hình giải quyết việc làm cho người lao động 9 tháng đầu năm 2017 được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, 9 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh đã có 28.000 lao động được tạo việc làm và tạo thêm việc làm (đạt 80% kế hoạch năm), trong đó xuất khẩu lao động 2.410 người (đạt 80,3% kế hoạch năm); dự kiến năm 2017 toàn tỉnh có 35.955 lao động được tạo việc làm và tạo thêm việc làm.

Công tác an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia đạt được kết quả tích cực. Công tác xoá đói, giảm nghèo tiếp tục được triển khai trên cơ sở lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, có hàng ngàn hộ gia đình nghèo được vay vốn xoá đói giảm nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy vậy, do ảnh hưởng của bão số 10 làm thiệt hại nặng nề ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã tác động tiêu cực đến thu nhập và đời sống của người dân. Dự kiến thu nhập bình quân trên một người năm 2017 là: 2.489 ngàn đồng/người/tháng, tăng 10,7% so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 9,7%, giảm 2,3% so với năm 2016.

7. Tình hình thiệt hại thiên tai

Ngày 15/9/2017, bão số 10 có tên Quốc tế là DOKSURI đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình với sức gió rất mạnh. Tốc độ gió giật tại thành phố Đồng Hới lên tới cấp 12, tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn gió giật cấp 13, cấp 14; tại huyện Tuyên Hóa bão cấp 9 cấp 10 giật cấp 12. Thời gian bão duy trì trên cấp 9 cấp 10 kéo dài hơn 5 giờ.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nhưng với cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn nên nước lên rất nhanh và lớn, đạt đỉnh lũ 2007, đã gây thiệt hại lớn về người (2 người chết và 48 người bị thương), sản xuất kinh doanh, đời sống và tài sản của nhân dân và Nhà nước bị thiệt hại nặng nề; ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do bão số 10 gây ra là 7.860 tỷ đồng. Trước, trong bão tỉnh đã chỉ đạo tổ chức sơ tán, di dời 11.110 hộ/33.541 người đến nơi an toàn, kêu gọi và sắp xếp tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú bão hoặc vào bờ neo đậu an toàn gồm 8.397 tàu của ngư dân trong tỉnh, hơn 200 tàu của ngư dân ngoài tỉnh.

           Tóm lại, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã  năm 2017, toàn tỉnh đối mặt với những khó khăn nhất định, nhất là hậu quả sự cố môi trường biển, lũ lụt năm 2016 và thiệt hại do cơn bão số 10 xảy ra trong tháng 9 năm 2017. Tuy nhiên, bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp của lãnh đạo các cấp nên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 còn một số khó khăn, hạn chế: Tăng trưởng của ngành công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra, trong năm chưa có dự án lớn đi vào hoạt động; số lượng doanh nghiệp tăng khá, nhưng quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu; du lịch có sự phát triển mạnh, số lượt khách du lịch tăng cao, nhưng số ngày lưu trú của khách du lịch còn thấp, các điểm vui chơi, mua sắm còn ít; quy hoạch bố trí cây trồng lâu năm thiếu bền vững, một số sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng cao còn thiếu nên sức cạnh tranh trên thị trường chưa đủ mạnh, tiêu thụ hàng nông sản còn khó khăn, giá cả không ổn định..

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt được tốc khá cao nhờ khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và nhiều ngành thuộc khu vực dịch vụ có có mức tăng cao. Để duy trì và đặt được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2018 là thử thức lớn. Đo đó, để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi chính quyền từ tỉnh đến xã, các ngành và cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, phải đặt lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp lên hàng đầu, trong đó cần tập trung tốt một số vấn đề sau:

Một là, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường và thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.  

Hai là, chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường các biện pháp giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, đảm bảo sản xuất bền vững.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp hiệu quả thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng và nhân lực cho ngành du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tiếp tục đầu tư xúc tiến, quảng bá tiềm năng của du lịch Quảng Bình đến với du khách trong nước và quốc tế;

     Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ kịp thời, bảo đảm cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất./.