THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tỉnh Quảng Bình 

 Năm 2012, triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách, các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt những kết quả khả quan. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đã kiềm chế được lạm phát, giảm lãi suất... ; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Dự ước các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2012 đạt được như sau:

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 7,1%, không đạt KH đề ra (KH tăng 8,5 đến 9%); trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 4,0%, khu vực công nghiệp - xây dựng  tăng 7,5%,  khu vực dịch vụ tăng 8,4%.

2. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,6%, vượt KH đề ra  (KH tăng 4,0 - 4,5%).

3. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,1%, không đạt KH đề ra (KH tăng 16 - 17%).

4. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,9%, không đạt KH đề ra (KH tăng 11 đến 12%).

5. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,6% (KH 20%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 36,4% (KH 38%); khu vực dịch vụ chiếm 42,0% (KH 42%).

6. Sản lượng lương thực 28,4 vạn tấn, tăng 0,9% so với năm 2011, vượt KH 7,2% (KH 26,5 vạn tấn).

7. Kim ngạch xuất khẩu 125,6 triệu USD, bằng 79,2% so với năm 2011, không đạt KH (KH 150 triệu USD).

8. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,67% (KH 3,5 - 4%). Tỷ lệ hộ nghèo còn 17,5% theo chuẩn mới.

9. Giải quyết việc làm 3,1 vạn lao động, đạt kế hoạch đề ra (KH 3 vạn đến 3,2 vạn lao động).

10.  Phổ cập THCS đạt 99,4% xã, phường, thị trấn (KH 99,4%).

11. Giảm tỷ suất sinh 0,25‰ so với năm 2011 (KH 0,25‰).

12. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 19,0% (KH 19%).

13. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 77% (KH 77% hộ nông thôn dùng nước sạch).

14. GDP bình quân đầu người 20,6 triệu đồng (KH 19,5 triệu đồng), tương đương 987 USD (KH 850USD).

I. KINH TẾ

Ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GDP) năm 2012 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,0%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,4%, đóng góp 3,4 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2011 và năm 2012 (%)

 

Tốc độ tăng so với

năm trước

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng
năm 2012

 

Năm 2011

Năm 2012

Tổng số

8,6

7,1

7,1

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

4,1

4,0

0,8

Công nghiệp và xây dựng

10,0

7,5

2,9

Dịch vụ

9,6

8,4

3,4

Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,6%, tăng 0,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 36,4%, giảm 1,3%; khu vực dịch vụ chiếm 42,0%, tăng 0,8% so với năm 2011.

Tăng trưởng kinh tế năm 2012 không đạt kế hoạch đề ra do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp, xuất khẩu giảm sút. Nợ xấu ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Xu hướng người dân đang tiết giảm chi tiêu, doanh nghiệp hạn chế mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh… đã hạn chế tốc độ tăng trưởng.

Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là một thành công. Kết quả trên khẳng định tính kịp thời, phù hợp và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã được Chính phủ ban hành và sự chỉ chỉ đạo quyết liệt của Đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực như sau:

1. Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

Năm 2012 sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... nhờ công tác chỉ đạo phòng, chống kịp thời, hiệu quả  nên nhìn chung, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục ổn định và có mức tăng khá. Do vậy, nhiều chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2012 có mức tăng cao hơn năm ngoái, đạt và vượt kế hoạch 2012.

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (giá cố định 1994) năm 2012 đạt 1.617,3 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2011 (năm 2011 tăng 4,7%). Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.085,1 tỷ đồng, tăng 3,3%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 142,7 tỷ đồng, tăng 6,5%; giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 389,4 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2011.

1.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Năm 2012, mặc dù có những khó khăn nhất định trong sản xuất cây hàng năm. Nhưng nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bà con nông dân nên sản xuất cây hàng năm thu được kết quả khả quan. Nhiều loại cây trồng có diện tích, năng suất, sản lượng ổn định và tăng trưởng so năm trước.

Năng suất cây hàng năm cả năm 2012 nhìn chung ít biến động, một số cây trồng năng suất tăng so năm trước và phần lớn tăng so với kế hoạch. Cụ thể: Năng suất cây lúa 49,1 tạ/ha, so cùng kỳ giảm 0,6% và đạt 102,3% kế hoạch; cây ngô 46,2 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 0,9% và đạt 105,4% kế hoạch; cây khoai lang 70,5 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 1,5% và đạt 102,2% kế hoạch; cây sắn 169,5 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 0,9% và đạt 100,9% kế hoạch; cây lạc 18,5 tạ/ha, so cùng kỳ giảm 0,5% và đạt 93,0% kế hoạch; rau các loại 84,8 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 4,4%; đậu các loại 8,9 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 7,4%.

Sản lượng lương thực cả năm thực hiện 284 ngàn tấn (năm 2011 đạt 281,4 ngàn tấn), tăng 0,9% so năm trước và đạt 107,2% kế hoạch. Trong đó: Sản lượng thóc 262,4 ngàn tấn, tăng 0,9%; lương thực khác 21,5 ngàn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Cây lâu năm đang được chọn lọc chuyển dần sang cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao thay cho vườn tạp. Tuy vậy, việc quy hoạch thiếu định hướng nên các hộ gia đình còn lúng túng trong việc xác định chọn cây trồng chính để bố trí, do đó mức tăng về quy mô diện tích còn thấp. Riêng cây cao su đã có bước phát triển khá về quy mô trồng tập trung theo mô hình trang trại nên chất lượng vườn cây tốt hơn. Diện tích cây cao su kinh doanh hiện có 6.753 ha, dự ước sản lượng thu hoạch cả năm 6.523 tấn, tăng 17,7% so cùng kỳ và đạt 91,9% kế hoạch.

b. Chăn nuôi

Chăn nuôi phát triển chậm, số lượng đàn gia súc và gia cầm đều không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do giá cả đầu vào cho sản xuất như thức ăn, thuốc thú y tăng cao, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hạn chế đầu tư và mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, gà thải loại, các loại thực phẩm khác của Trung Quốc kém chất lượng, giá rẻ trôi nổi trên thị trường đã kéo giá bán của người chăn nuôi giảm xuống, thấp hơn giá thành làm cho người chăn nuôi không an tâm sản xuất. Theo đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng thấp, một số sản phẩm chăn nuôi thấp hơn so cùng kỳ.

Dự ước đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/10/2012 như sau:

- Đàn trâu 34.407 con, so cùng kỳ tăng 1,1% và đạt 86% kế hoạch;

- Đàn bò 100.803 con, so cùng kỳ tăng 0,2% và đạt 82,6% kế hoạch;

- Đàn lợn 364.919 con, so cùng kỳ tăng 3% và đạt 92,4% kế hoạch;

- Đàn gia cầm 2.360 ngàn con, so cùng kỳ tăng 0,1% và đạt 94,4% kế hoạch.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang chú trọng đầu tư, khôi phục tổng đàn nhằm tạo nguồn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Tuy vậy, nhìn chung tốc độ khôi phục đàn còn chậm.

1.2. Lâm nghiệp

- Khai thác lâm sản

Sản lượng gỗ khai thác năm 2012 tăng cao, chủ yếu khai thác từ rừng trồng. Dự ước năm 2012 thực hiện 215.119 m3, tăng 57,6% so cùng kỳ và đạt 132% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên 13.000 m3, tăng 25,7% so cùng kỳ; gỗ khai thác từ rừng trồng 202.119 m3, tăng 60,2% so cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác 400.125 ste, giảm 2,0% so cùng kỳ.

Dự ước năm 2012 sản lượng nhựa thông khai thác thực hiện 4.816 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ và đạt 165,5% so kế hoạch.

- Trồng, nuôi rừng và bảo vệ rừng

Nhờ công tác giao đất, giao rừng thực hiện đúng tiến độ nên công tác triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng gặp nhiều thuận lợi. Một số địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai trồng rừng tập trung theo kế hoạch năm 2012.

Dự ước năm 2012 diện tích trồng rừng tập trung thực hiện 5.336 ha, bằng 81% so cùng kỳ, đạt 106,7% so kế hoạch; diện tích rừng được chăm sóc 14.512 ha, tăng 2,1% so cùng kỳ; diện tích rừng được khanh nuôi  6.514 ha, tăng 44,2% so cùng kỳ; số cây trông phân tán 4,1 triệu cây, tăng 1,2% so cùng kỳ.

1.3. Thuỷ sản

Năm 2012, sản lượng thủy sản  đạt cao và tăng khá so cùng kỳ cả về nuôi trồng và đánh bắt. Dự ước sản lượng thuỷ sản năm 2012 thực hiện 56.536,5 tấn, tăng 8,8% so 2011 (năm 2011 sản lượng 51.965 tấn, tăng 5,7%), tăng 3,9% so kế hoạch.

a. Nuôi trồng

Năm 2012, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã hạn chế người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, tuy vậy, sản lượng nuôi trồng vẫn tăng khá. Dự ước diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh thực hiện 4.651,3 ha, giảm 0,1% so cùng kỳ, bằng 90,3% so kế hoạch. Dự ước sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2012 thực hiện 9.790,8 tấn, tăng 7,2% so cùng kỳ và tăng 8,8% so kế hoạch.

b. Khai thác

Cùng với các chủ trương, chính sách và giải pháp tích cực của Nhà nước, của lãnh đạo các cấp  địa phương nên hoạt động đánh bắt thuỷ sản cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, thời tiết từ đầu năm đến nay ít mưa bão, khá thuận lợi cho đánh bắt thủy, hải sản, nên ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày, vì vậy, sản lượng khai thác đạt cao và tăng khá so cùng kỳ. Dự ước, sản lượng thuỷ sản khai thác cả năm 46.745,7 tấn, so cùng kỳ  tăng 9,1% và tăng 11,3% so kế hoạch.

4. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp năm 2012 gặp khá nhiều khó khăn, do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước. Phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng. Do lãi suất ngân hàng ở mức cao nên doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn phải thu hẹp sản xuất, sa thải lao động, đặc biệt có không ít doanh nghiệp giải thể hoặc phải ngừng sản xuất.

Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng bằng các biện pháp tháo gỡ khó khăn giúp đỡ doanh nghiệp của Chính phủ, của địa phương… nên sản xuất công nghiệp đã phục hồi và tăng trưởng trở lại. Do đó giá trị sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm tăng cao so với những tháng đầu năm đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng khá cao so với năm 2011.

Dự ước năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 đạt 4.414,9 tỷ đồng, tăng 9,1% so năm 2011. Trong đó công nghiệp khai thác đạt 129,8 tỷ đồng, tăng 5%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.197 tỷ đồng, tăng 9,3%; sản xuất phân phối nước đạt 19,1 tỷ đồng, tăng 11,3%; sản xuất, phân phối điện đạt 69 tỷ đồng, tăng 3,6%.

Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, đạt được tốc độ tăng 9,1% là mức tăng trưởng cao so với mức tăng bình quân chung cả nước.

Một số sản phẩm chính trong năm 2012 như sau:

Xi măng 1.295 ngàn tấn tấn, bằng 87,7%; clinker 1.065 ngàn tấn, tăng 117,8%; bia các loại 18.325 ngàn lít, bằng 90,5%; thanh nhôm định hình 1.647 tấn, bằng 69,1%; thuốc viên các loại 500 triệu viên, bằng 84%; thuỷ sản đông 1.724 tấn, bằng 95%; đá hộc cát sạn các loại 1.756 ngàn khối, bằng 96,8%; quặng titan 44.208 tấn, tăng 34,3%; gạch lát ceramic 1.773 ngàn m2, tăng 1,4; nước máy 6.155 ngàn m3, tăng 16,1% so với năm 2011…

Nguyên nhân tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 không đạt kế hoạch đề ra: 

- Do kế hoạch đặt ra đầu năm 2012 quá cao (16-17%); chưa tính đến độ trễ của công trình đầu tư; đến thời gian hoàn thiện sản phẩm và có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Trong thực tế xây dựng kế hoạch, thường tính toàn bộ công suất của năng lực sản xuất mới ngay từ khi đi vào hoạt động, vì vậy, kế hoạch sản xuất và thực tế thực hiện còn tồn tại khoảng cách khá xa.

- Sản xuất của một số nhà máy chủ lực của ngành công nghiệp sản xuất đạt thấp so với năm 2012 do tiêu thụ gặp khó khăn, như Công ty cổ phần bia Hà nội - Quảng Bình, Công ty xi măng cosevco Sông Gianh...

- Chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng quá cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Những đơn vị có năng lực lớn thì duy trì hoạt động cầm chừng, như: Nhà máy sản xuất Nhôm Asia Vina-Taiwan; một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, như: Nhà máy bột giấy và giấy kraft Phú Thuỷ…

5. Vốn đầu tư

Năm 2012, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều biện pháp kích cầu của Chính phủ, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng cao, kéo theo giá trị ngành xây dựng tăng cao so cùng kỳ.

Dự ước giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2012 theo giá so sánh tăng 9,4% so với năm 2011 (năm 2011 tăng 6,1%).

Dự kiến khối lượng thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2012 thực hiện 4.213 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2011 (năm 2011 đạt 3.898 tỷ đồng, tằng 3,5%)

Trong đó, vốn đầu tư Nhà nước quản lý thực hiện 1.428 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2011; vốn đầu  tư ngoài Nhà nước thực hiện 2.785 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2011.

Dự ước vốn đầu tư do Trung ương quản lý thực hiện được tổng mức là 288 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2011, dự kiến vốn đầu tư do địa phương quản lý thực hiện được tổng mức là 1.140 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2011.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: dự ước năm 2012 thực hiện 206,6 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2011;

Ngành Công nghiệp chế biến: dự ước năm 2012 thực hiện 95,3 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2011;

Ngành giao thông vận tải: dự ước năm 2012 thực hiện 460,4 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2011. Đây là ngành có khối lượng vốn đầu tư lớn nhất, chiếm 33,64% tổng mức vốn đầu tư;

Nhóm ngành Y  tế, Giáo dục, quản lý Nhà nước: dự ước năm 2012 thực hiện 347,5 tỷ đồng, chiếm 25,39% trong tổng mức đầu tư.

Để khắc phục tình trạng ứ động vốn, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác rà soát các dự án, công trình đã khởi công và các công trình đã có kế hoạch vốn nhưng chưa khởi công, qua đó điều chỉnh vốn một số công trình chưa thực sự cấp bách và một số công trình chậm tiến độ để trả nợ cho những công trình hoàn thành từ những năm trước và hỗ trợ, đầu tư cho các công trình đang thi công.

Nhìn chung các công trình chuyển tiếp và một số công trình xây dựng mới đã làm đầy đủ thủ tục XDCB đầu năm, thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số công trình chuyển tiếp gặp khó khăn trong thủ tục XDCB và nguồn vốn để tiếp tục thi công, nên vẫn chưa thực hiện tốt tiến độ. Mặt khác những tháng cuối năm là mùa mưa bão nên hoạt động đầu tư trong những tháng cuối năm diễn ra chậm. Hiện nay, mặc dù chính sách hạ trần lãi suất cho vay, tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn nên năng lực đầu tư còn yếu.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Năm 2012, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao trong khi nguồn cầu bị thu hẹp; mức tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình có xu hướng tăng chậm lại và tiêu dùng tiết kiệm hơn. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2012 tăng nhưng mức tăng không cao như các năm trước.

Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả năm 2012 ước đạt 14.150 tỷ đồng, tăng 18,0% so với năm 2011 (năm 2011 tăng 25,4%), nếu loại trừ yếu tố giá ước cả năm 2012 tăng 7,2%.

Theo thành phần kinh tế, năm 2012 hầu hết doanh thu các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng khá, loại trừ kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không có doanh thu do doanh nghiệp đang chờ giải thể. Cụ thể: Thành phần kinh tế Nhà nước ước đạt 1.165 tỷ đồng, tăng 19,3% so năm 2011; kinh tế tập thể ước đạt 18 tỷ đồng, tăng 56,4%; kinh tế cá thể cả năm ước đạt 8.132 tỷ đồng, tăng 16,3%; kinh tế tư nhân ước đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 20,5% so năm 2011. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài doanh thu đạt thấp, 0,22 tỷ đồng do công ty liên doanh Vinasiam đang trong tình trạng chờ giải thể.

Theo ngành kinh tế, năm 2012, ngành thương nghiệp ước đạt 12.033 tỷ đồng, tăng 18,3% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 85%; ngành khách sạn, nhà hàng ước đạt 1.124 tỷ đồng, tăng 16,9%, chiếm tỷ trọng 7,9%; ngành du lịch lữ hành ước đạt 51 tỷ đồng, tăng 67,8% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 0,4%; ngành dịch vụ ước đạt 941 tỷ đồng, tăng 13,6%, chiếm tỷ trọng 6,7%.

b. Khách sạn, nhà hàng, du lịch

Doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch năm 2012 ước đạt 1.175,2 tỷ đồng, tăng 18,4% so năm 2011.

Trong tổng số, doanh thu khách sạn 138,8 tỷ đồng, tăng 5,0%, doanh thu nhà hàng ước đạt 985,1 tỷ đồng, tăng 18,8%, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 51,3 tỷ đồng, tăng 67,8% so năm 2011.

Năm 2012, mặc dù mức tăng không bằng năm 2011, nhưng du lịch lữ hành là ngành tiếp tục có tốc độ tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do tăng lượng khách đến động Thiên Đường. Bên cạnh đó, mạng lưới nhà hàng được mở rộng về quy mô và chất lượng phục vụ ngày càng được chú trọng nên doanh thu nhà hàng tăng cao.

Dự ước số lượt khách du lịch đến Quảng Bình năm 2012 đạt 1.046,1 ngàn lượt khách, tăng 8,0% so năm 2011, trong đó, số lượt khách du lịch lữ hành ước đạt 479,6 ngàn lượt khách, tăng 30,7% so cùng kỳ (riêng lượt khách quốc tế ước đạt 12 ngàn lượt khách, tăng 3,8% so cùng kỳ).

c. Xuất, nhập khẩu

- Xuất khẩu

Năm 2012, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, thị trường thế giới bị thắt chặt, thị trường trong nước hàng hoá tiêu thụ chậm... Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc huy động vốn, tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường, thay đổi hình thức kinh doanh (khai thác nguồn hàng tạm nhập tái xuất), nhưng nhìn chung, kết quả hoạt động ngoại thương của hầu hết các đơn vị đều đạt thấp hơn so năm trước, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động XNK.

Kim ngạch xuất khẩu ước cả năm 2012 đạt 125,6 triệu USD, bằng 79,2% so năm 2011 và bằng 83,7% kế hoạch (năm 2011 kim ngạch 158,5 triệu USD, tăng 13,5%).

Trong tổng số, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 3,2%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 96,8%; xuất trực tiếp chiếm phần lớn với tỷ trọng 81,1%, xuất uỷ thác chiếm 18,9%; hàng nông sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54,3%; hàng công nghiệp chế biến đứng thứ hai 24%, tiếp đến là hàng lâm sản chiếm 17,4%, còn lại 4,3% là của nhóm hàng khoáng sản và thuỷ sản.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm có: Cao su, dăm gỗ, gỗ các loại, thuỷ sản, nhựa thông, phân vi sinh. Trong đó, các mặt hàng sản lượng xuất vượt so với cùng kỳ là: Thuỷ sản (+135%), nhựa thông (+88,6%), dăm gỗ khô (+40,6%). Tuy vậy, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là cao su, sản lượng giảm 19,1% so cùng kỳ.

Trong năm 2012, một số mặt hàng chủ lực giá cả giảm mạnh so với năm 2011 đã làm cho giá trị xuất khẩu giảm sút. Riêng cao su và nhựa thông do giá giảm đã làm cho trị giá giảm 21,8 triệu USD.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu năm 2012 gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc bị thắt chặt, giá cả một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh. Mặt hàng xuất khẩu phần lớn là nguyên liệu sơ chế, đơn điệu, không khai thác được mặt hàng mới, sức cạnh tranh không cao. Bên cạnh đó, đại bộ phận là hàng có nguồn gốc từ tỉnh bạn, hàng khai thác tại địa phương chỉ có chiếm một lượng nhỏ. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu thiếu tính bền vững và hiệu quả còn hạn chế.

- Nhập khẩu

Dự ước năm 2012, trị giá nhập khẩu đạt 37 triệu USD, bằng 92,3% so cùng kỳ và bằng 92,5% so kế hoạch năm. Trong tổng số, nhập khẩu trực tiếp chiếm tỷ trọng 99,8%, còn lại 0,2% là nhập uỷ thác; khu vực ngoài nhà nước chiếm 100% và 100% đều là tư liệu sản xuất.

Tính bình quân năm 2012, mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng trên dưới 3 triệu USD, hình thức chủ yếu là tạm nhập tái xuất và nhập khẩu một số ít nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh. Trong số các mặt hàng tạm nhập tái xuất, gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm tỷ trọng 93,6%), nhập của Lào và xuất sang Trung Quốc. Một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong tỉnh như: Nguyên liệu sản xuất tân dược, vật liệu sản xuất ván ép tre... với số lượng không lớn, giá trị nhỏ. Một số mặt hàng có giá trị tương đối lớn như nhôm thanh, linh kiện xe máy, hoá chất... do tình hình khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh nên đã hạn chế nhập khẩu.

d. Hoạt động vận tải.

Mạng lưới giao thông được duy trì, khôi phục và phát triển một cách toàn diện cả về đường bộ, đường sông, đường biển, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải Quảng Bình đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của sản xuất cũng như đời sống xã hội. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay đã có 11 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 6 lần tăng giá (tổng cộng là 6.050 đồng) và 5 lần giảm giá (tổng cộng là 3.200 đồng) nên đã làm cho các doanh nghiệp, các hộ cá thể hoạt động vận tải gặp rất nhiều khó khăn.

Dự ước năm 2012, tổng doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 1.687,2 tỷ đồng, tăng 19,3% so năm 2011 (năm 2011 tăng 28,1%). Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 359,3 tỷ đồng, tăng 21,8%; doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 1.246,6 tỷ đồng, tăng 26,6%; doanh thu dịch vụ, đại lý vận tải ước đạt 81,2 tỷ đồng, bằng 60,3% so năm 2011. Khối lượng vận chuyển hàng hoá năm 2012 ước đạt 13,6 triệu tấn, tăng 11,1%, khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt 647,1 triệu tấn.km, tăng 10,4%. Tổng số hành khách vận chuyển năm 2012 ước đạt 15,1 triệu hành khách, tăng 17,0%, khối lượng hành khách luân chuyển đạt 627,7 triệu hành khách.km, tăng 10,7% so năm 2011.

Nhìn chung, năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, giá cả xăng dầu biến động liên tục nhưng kết quả kinh doanh của ngành vận tải tương đối ổn định, hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giáo dục và Đào tạo

Năm học 2012 - 2013, ngành Giáo dục ổn định quy mô phát triển; mạng lưới trường, lớp được đầu tư xây dựng với mức độ kiên cố hóa ngày càng tăng, từng bước hướng đến chuẩn hóa chất lượng giáo dục. Toàn Ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ năm học các cấp học và trình độ đào tạo theo Chỉ thị nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của UBND tỉnh. Đến nay, tất cả trường học của các ngành học, cấp học trên địa bàn toàn tỉnh đã ổn định các mặt hoạt động giáo dục trong nhà trường, thực hiện nghiêm túc chương trình năm học 2012 - 2013 nhằm củng cố, nâng cao chất lượng học sinh về mọi mặt.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học mới toàn tỉnh có 586 trường và cơ sở giáo dục mầm non, giảm 1 cơ sở giáo dục mầm non so với cùng kỳ; Trong đó có 179 trường và cơ sở GDMN, 209 trường tiểu học, 148 trường trung học cơ sở, 17 trường phổ thông cơ sở, 6 trường phổ thông trung học.  

Tổng số phòng học văn hoá 6.636 phòng trong đó phòng kiên cố 4.453 phòng, phòng bán kiên cố 1.924, phòng học tạm 259. Phòng thực hành bộ môn: 725 phòng, phòng Thư viện: 436 phòng, phòng thiết bị 492 phòng, phòng làm việc 1.782 phòng.

Tổng số giáo viên 12.625 người, tăng 223 giáo viên so với năm học 2011-2012, trong đó: Giáo viên mầm non 3.182, tăng 370 người; giáo viên tiểu học 4.115, giảm 103 người; giáo viên trung học cơ sở 3.569 người, giảm 29 người; giáo viên trung học phổ thông 1.759, giảm 15 người so với  năm học 2011-2012.

Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học cơ bản tăng hơn so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở bậc tiểu học đạt 1,36 giáo viên/lớp, giảm 0,05 giáo viên/lớp; tỷ lệ giáo viên đứng lớp bậc trung học cơ sở đạt 2,04 giáo viên/lớp, giảm 0,07 giáo viên/lớp; tỷ lệ giáo viên đứng lớp bậc trung học phổ thông đạt 2,23 giáo viên/lớp, tăng 0,06 giáo viên/lớp so với cùng kỳ.

 Giáo dục mầm non: Tổng số cháu đi học mầm non 45.687 cháu, tăng 2.649 cháu so với năm học 2011-2012, trong đó số cháu đi mẫu giáo 40.919 cháu, tăng 3.815 cháu so với năm học 2011-2012.

 Giáo dục phổ thông:  Tổng số lớp học 5.550 lớp, giảm 125 lớp so với năm học 2011- 2012; Trong đó tiểu học 3.021 lớp, giảm 89 lớp; trung học cơ sở 1.742 lớp, giảm 16 lớp; trung học phổ thông 787 lớp, giảm 20 lớp.

Tổng số học sinh 155.634 em, giảm 4.488 em so năm học 2011- 2012, trong đó: tiểu học 70.348 em, giảm 1.268 em; trung học cơ sở 53.854, giảm 1.968 em; trung học phổ thông 33.169,  giảm 1.252 em.

Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo. Hiện tại toàn tỉnh có 230 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mầm non 38 trường đạt tỷ lệ 21,35%, tăng 6 trường so với năm học trước; tiểu học 141 trường, đạt tỷ lệ 68,1%, tăng 12 trường so với năm học trước; trung học cơ sở 42 trường, đạt tỷ lệ 28,4%, tăng 4 trường so với năm học trước; trung học phổ thông 9 trường, đạt tỷ lệ 28,1%, không thay đổi so với năm học trước.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH - ĐĐT), phổ cập giáo dục THCS thực sự đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và địa phương được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay đã có 6/7 huyện, thành phố với 153/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH - ĐĐT (đạt 96,23%). Đã có 7/7 huyện, thành phố với 158/159 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (đạt 99,4%).

2. Công tác y tế

Toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc, trong đó có 138/159 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ biên chế làm việc thường xuyên (đạt 86,8%), dự kiến đến cuối năm đạt 90% (143/159 trạm y tế có bác sĩ biên chế tại trạm); 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh; Nếu tính theo chuẩn củ có 132/159 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83% (tỷ lệ trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới sẽ được ngành Y tế đánh giá vào cuối năm 2012).

Về hoạt động, nhìn chung các trạm y tế đã tuân thủ thực hiện các chế độ chuyên môn theo quy định trong khám chữa bệnh; triển khai có hiệu quả các chương trình y tế tại cộng đồng; đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được quản lý và phát huy hiệu quả công tác, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đạt cao; công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh đường tiêu hoá.

Ngành Y tế đang tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 7 huyện/thành phố, từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra 5.175 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng khách sạn và dịch vụ ăn uống, trong đó có 187 cơ sở vi phạm bị xử lý (5 cơ sở bị phạt tiền, với số tiền 13,7 triệu đồng; 1 cơ sở bị đóng cửa; 148 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; 33 cơ sở phải khắc phục về nhãn). Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa xẩy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào lớn.

3. Hoạt động văn hoá - thể thao

- Hoạt động văn hóa :   

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Các hoạt động đã tạo không khí vui tươi lành mạnh, có tác dụng cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và được tiến hành thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc Ngành. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện 09 cuộc thanh tra, kiểm tra 106 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 18 cơ sở, trong đó phạt tiền 09 cơ sở với số tiền 27,5 triệu đồng; phạt cảnh cáo 09 cơ sở.

Các lễ hội truyền thống như Lễ hội đập trống của người Ma Coong; Lễ hội Rằm tháng ba ở huyện Minh Hóa; Lễ dâng hương Giổ tổ Hùng Vương ở thành phố Đồng Hới; Lễ hội đua thuyền ở huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thuỷ chào mừng tết độc lập 2/9; Lễ hội cầu mùa của đồng bào Vân Kiều; Lễ hội cầu ngư của bà con vùng biển; Lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa, huyện Quảng Trạch… được các địa phương duy trì và tổ chức đạt hiệu quả, vừa giữ gìn những giá trị truyền thống vừa thu hút khách du lịch thập phương đến Quảng Bình. 

 Hoạt động Phát hành phim và Chiếu bóng được tổ chức thường xuyên và đạt hiệu quả cao. Tính đến nay, Rạp chiếu bóng 15/7 và 6 đội Chiếu bóng lưu động đã tổ chức 356 buổi chiếu phục vụ hơn 103 ngàn lượt người xem, đặc biệt là nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Hoạt động thể dục thể thao:

+ Thể thao quần chúng: Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã có bước phát triển mới về chất lượng, đưa tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên tăng hàng năm, các địa phương đã có nhiều cố gắng để đưa các điểm tập, cơ sở vật chất, sân bải vào hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 187 câu lạc bộ thể dục thể thao, có 2.021 điển tập luyện thể dục thể thao, đã tổ chức 35 giải cấp huyện, thành phố, 610 giải cấp xã, phường, thị trấn. Số người rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng đáng kể (đạt 27,5%), Gia đình thể thao đạt 23,3%, 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất.

+ Thể thao thành tích cao: Tính đến nay, các đội tuyển thể thao Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đã đạt được 137 huy chương các loại (56 HCV, 32 HCB, 49 HCĐ), trong đó có 1 HCV quốc tế đạt được tại giải vô địch điền kinh trẻ Đông Nam Á năm 2012 tại Singapore.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội:

- An toàn giao thông:

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 10 năm 2012, toàn tỉnh đã xẩy ra 55 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 13 vụ so với tháng 10 năm 2011, số người chết do tai nạn giao thông 19 người, tăng 12 người so với tháng 10 năm 2011. Số người bị thương do tai nạn giao thông 56 người, tăng 11 người so với tháng 10 năm 2011.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh đã xẩy ra 475 vụ tai nạn giao thông, giảm 186 vụ so cùng kỳ năm 2011, trong đó đường bộ 471 vụ, giảm 183 vụ; đường sắt 3 vụ, giảm 4 vụ so cùng kỳ; đường thuỷ 1 vụ, tăng 1 vụ so cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 140 người, giảm 25 người so với cùng kỳ năm 2011, trong đó đường bộ chết 135 người, giảm 23 người, đường sắt chết 4 người, giảm 3 người so cùng kỳ, đường thuỷ chết 1 người, tăng 1 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 470 người, giảm 227 người so cùng kỳ năm 2011, trong đó đường bộ bị thương 470 người, giảm 226 người, đường sắt không có người bị thương, giảm 1 người so với cùng kỳ năm 2011.

- An toàn xã hội và pháp luật

Trong tháng 10 năm 2012, phạm pháp hình sự 40 vụ với 46 đối tượng phạm tội, tăng 2 vụ so với tháng 10 năm 2011, đối tượng phạm tội giảm 33 người; Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 6 vụ với 10 đối tượng vi phạm, so tháng 10 năm 2011 tăng 4 vụ tăng 8 người vi phạm.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2012, phạm pháp kinh tế xẩy ra 3 vụ với 14 đối tượng phạm tội bị khởi tố, so với 10 tháng năm 2011 số vụ giảm 1, đối tượng phạm tội tăng 9 người. Phạm pháp hình sự 505 vụ với 742 đối tượng phạm tội, so cùng kỳ năm 2011 số vụ tăng 33 vụ, đối tượng phạm tội giảm 70 người. Buôn bán, vận chuyển ma túy bị phát hiện 56 vụ với 90 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm 2011 số vụ tăng 16 vụ và đối tượng vi phạm tăng 27 người. Sử dụng ma túy bị phát hiện 14 vụ với 33 đối tượng vi phạm, so với cùng kỳ năm 2011, số vụ giảm 2 vụ và đối tượng vi phạm giảm 5 người.

Khái quát lại, kinh tế - xã hội năm 2012 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những tác động tích cực, bước đầu đạt được một số kết quả: Kinh tế vĩ mô chuyển biến theo hướng ổn định hơn, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát được kiềm chế, thể hiện chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn nhiều so năm trước. Các dự án, công trình trọng điểm và ưu tiên được đẩy nhanh tiến độ. Đời sống dân cư cơ bản ổn định.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn những bất ổn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm trước; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…  Do đó, để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, các ngành các cấp và các địa phương cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau đây:

Một là, thực hiện nghiêm túc, nhất quán chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế. Triển khai thực hiện các giải pháp về vốn, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu theo các cơ chế, chính sách Nhà nước và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất vay, gia hạn, giản thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài. Triển khai áp dụng các giải pháp xử lý nợ phù hợp, nhất là đối với doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn vốn ODA.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, chăn nuôi. Tập trung chỉ đạo khôi phục và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, toàn diện nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Chủ động triển khai phòng, chống lụt bão và các phương án cứu hộ, cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời khi có lụt bão xảy ra.

Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ - du lịch. Tiếp tục sắp xếp và đổi mới quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư, tăng cường quản lý thị trường giá cả, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới.

Bốn là, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút các nguồn lực cho giáo dục. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là cho đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Kiểm soát, phòng ngừa các loại dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận cao trong nhân dân.

Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội. Chủ động và kịp thời nắm bắt mọi cơ hội để tạo việc làm ổn định cho người lao động. Quan tâm, và thực hiện tốt các chính sách đối với những đối tượng nghèo, gia đình có công. Triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho người khó khăn. Chủ động phòng ngừa và xây dựng kế hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm ổn định nhanh sản xuất và đời sống dân cư./.

[Trở về]